ĐẬU ĐEN: ‘THẦN DƯỢC’ ĐỂ GIẢI ĐỘC CƠ THỂ

Đậu đen là loại hạt quen thuộc trong dân gian ta. Đậu đen thường dùng làm các món xôi, chè, kho cá… Từ lâu dân gian đã coi loại đậu này là thuốc bổ. Ngày nay, những nghiên cứu khoa học cũng cho thấy những công hiệu quý báu của đậu đen trong việc trừ khử độc tố ra khỏi cơ thể.

Theo Đông y, đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ thận thủy, hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt…

Y học hiện đại cũng cho rằng đậu đen có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều vitamin A, B, C, PP, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng axít amin cần thiết cho cơ thể trong đậu đen rất cao như lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin…

Dưới đây là những công dụng quý giá của đậu đen mà có thể bạn chưa biết:

– Giải độc cơ thể:

Trong đậu đen có chứa một lượng khoáng chất vi lượng molypden – một thành phần của enzyme sulfile oxidate nên có tác dụng rất tốt trong việc khử độc sulfates (sunfit) cho cơ thể.

Sulfates (sunfit) là hóa chất có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn không có lợi cho con người, làm tăng nhịp tim, gây đau đầu hoặc rối loạn chú ý. Một bát đậu đen có chứa tới 172% nhu cầu khoáng chất molypden cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên thường xuyên ăn đậu đen với một lượng vừa phải để có tác dụng thanh lọc cơ thể.

– Bổ sung chất xơ:

Trong đậu đen có chứa rất nhiều chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan có ích cho quá trình chuyển hóa glucose ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, giúp hấp thụ nước trong dạ dày và hình thành ra loại gel làm giảm quá trình chuyển hóa carbohydrate.

Đồng thời lượng chất xơ có trong đậu đen còn giúp làm giảm cholesterol, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa và các chứng bệnh khó chịu có liên quan.

– Cung cấp chất chống oxy hóa:

Đậu đen rất giàu anthocyanins – một chất chống oxy hóa. Đậu càng đen càng giàu chất này, thậm chí còn cao gấp 10 lần có trong nho, quả mâm xôi, dâu tây – những siêu thực phẩm.

– Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

Đậu đen là cung cấp chất xơ, folate và magie giúp làm giảm hormocystein, một loại acid amino hay còn gọi là sản phẩm trung gian không có lợi cho quá trình chuyển hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.

– Giúp ổn định đường huyết:

Chất xơ hòa tan có trong đậu đen có tác dụng ổn định lượng đường trong máu. Trường hợp cơ thể kháng insulin mắc bệnh đái tháo đường thì nên tăng cường ăn đậu đen, nó sẽ giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng một cách chậm hơn và ổn định lượng đường huyết.

– Giúp bổ sung chất sắt và măng-gan cho cơ thể:

Đậu đen có tác dụng rất tích cực trong việc làm tăng năng lượng và hồi phục hàm lượng sắt đồng thời cung cấp tới 38% vi lượng măng-gan/1 bát đậu đen cho cơ thể.

Chính vì thế, loại thực phẩm này rất hữu ích cho nhóm người bị mất máu bởi chấn thương, hoặc cho phụ nữ giai đoạn hành kinh cũng như cho nhóm người tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển.

theo Trí Thức Trẻ

Cách nấu CANH TÁO HOA CÚC giải độc cơ thể

Món canh rất thanh khiết nhờ chỉ sử dụng nguyên liệu từ hoa quả. Hoa cúc có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, tốt cho người bị vết thương lâu lành.

 

Nguyên liệu:

– 12g hoa cúc

– 4 quả táo (bom)

– 5 quả chà là

– 4 quả sung

Thực hiện:

1. Hoa cúc ngắt bỏ đài, cuống, chỉ lấy phần bông. Rửa sạch.

2. Chà là rửa sạch.

3. Sung rửa sạch.

4. Táo rửa sạch, xắt miếng vừa ăn.

5. Bắc nồi nước nấu sôi rồi cho các loại quả nấu cho sôi nước. Khi nước sôi rồi thì vặn lửa vừa, đun trong 1h30 phút.

6. Cuối cùng cho hoa cúc vào nấu tiếp 10 phút là được.

Bảo Tố 

Cách làm CHÈ ĐẬU XANH NẤU PHỔ TAI

CHÈ ĐẬU XANH tính mát, giải độc, rất tốt và ngon miệng cho mọi người. Phổ tai vị sần sật hấp dẫn lại có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, cầm máu lúc bị chảy máu động mạch và còn giúp giảm huyết áp…Ngoài ra các nguyên liệu như trần bì, gạo tẻ, đường đỏ trong món chè này đều là những vị thuốc tốt. Món ăn bổ dưỡng và ngon miệng, có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho người bị bướu cổ, mỡ trong máu, cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa…

Nguyên liệu:

– 1 lạng đậu xanh nguyên vỏ (vỏ đậu xanh giúp thanh nhiệt), nửa lạng phổ tai ngâm nở, 1 lạng gạo tẻ, vài miếng trần bì (vỏ quýt), đường đỏ đủ ăn.

Thực hiện:

– Phổ tai ngâm nở rửa sạch rồi thái sợi nhỏ.

– Đậu xanh và gạo tẻ vo sạch.

– Bắc chảo lên bếp, cho gạo tẻ, phổ tai, đậu xanh rồi đổ nước vào nấu chung đến khi đậu nở mềm, thì cho đường đỏ vào khuấy đều, đường tan hết, nếm vừa miệng là xong.

Bảo Tố

Cách làm CANH NHA ĐAM THỊT BÒ giải độc, giải nhiệt, mát gan

Mọi người đã biết công dụng của Nha đam trong trị bệnh và làm đẹp, nhưng có lẽ không phải ai cũng biết rằng loại lá này có thể dùng nấu canh ngon bổ, mát gan, giải độc và giải nhiệt rất tốt. Đây cũng là món canh có thể dùng trị rôm sảy cho trẻ em và làm đẹp da cho phụ nữ.

Nguyên liệu:

  • – Nha đam: 1 bẹ
  • – Hành lá, hành củ
  • – Ớt, gia vị
  • – Thịt bò bắp: 1 lạng

Ảnh: Khánh Ly.

Thực hiện:

– Thịt bò xắt nhỏ, ướp với hành củ băm, hột nêm, muối, dầu ăn.

– Nha đam gọt vỏ, cắt thành từng miếng to. Chuẩn bị một nồi nước sôi có tí muối.

– Rửa nha đam qua nước lạnh cho ra bớt nhớt. Sau đó trụng nhanh vào nồi nước sôi rồi bỏ nha đam ngay vào tô nước đá lạnh. Các bước trên là để nha đam bớt đắng, nhớt mà vẫn còn bổ dưỡng.

-Tiếp tục cắt nha đam thành miếng nhỏ vừa ăn.

– Bắc nồi cho vào ít dầu ăn phi thơm hành củ rồi cho bò vào xào sơ rồi vớt bò ra riêng. Đổ một lượng nước đủ nấu canh vào chính cái nồi đó, đun sôi, rồi thả thịt bò và nha đam vào, nêm nếm lại gia vị.

Ảnh: Khánh Ly

Nấu tiếp chừng vài phút cho vừa chín. Tắt bếp, rắc hành ngò, ăn nóng với cơm.

Theo Khánh Ly

3 THỰC PHẨM TUYỆT VỜI ĐỂ GIẢI ĐỘC CƠ THỂ

Cơ thể con người qua việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng các món ăn không đảm bảo an toàn sẽ bị tích tụ rất nhiều độc chất. Vì vậy, bạn cần quan tâm đến việc giải độc, thanh lọc để đạt được trạng thái cơ thể khỏe mạnh nhất. May mắn là việc giải độc có thể thực hiện hiệu quả qua những thực phẩm hết sức quen thuộc:

Quả chanh phòng chữa nhiều bệnh, làm sạch nội tạng

Chanh là một loại thực phẩm tốt nhất trong việc giúp thanh lọc gan. Nhiều người thích uống nước chanh vì có chứa vitamin C, hàm lượng vitamin C cao 51,7mg/100g. Các chất flavonoit trong chanh (chất chống ôxy hóa) có thể chống các bệnh suy thoái não. Không chỉ thế, chanh còn có tác dụng làm sạch bàng quang, thận, hệ tiêu hóa và phổi.

Thường xuyên bổ sung một cốc nước hòa với nước vắt nửa quả chanh vào chế độ ăn hàng ngày của bạn còn giúp quá trình tiêu hóa của cơ thể diễn ra thuận lợi hơn. Có thể dùng quả chanh tươi hoặc nước cốt chanh đóng chai. Lưu ý người đau dạ dày không nên uống quá nhiều chanh.

Dưa chuột rất tốt để thanh lọc cơ thể: Dưa chuột là một trong những thực phẩm “vàng” bởi ngoài những tác dụng tốt cho sức khỏe như bù nước, giảm nhiệt, loại bỏ độc tố, nó còn là loại quả rẻ tiền, hữu ích trong việc làm đẹp. Dưa chuột có nhiều nước (96%), rất ít kalo (10kcal/100g), có tính lợi tiểu và phục hồi khoáng với rất nhiều chất khoáng và nguyên tố vi lượng (kali, photpho, magie…). Dưa chuột chứa những chất chống ôxy hóa đặc biệt với tỷ lệ hợp lý như β-carotene và α-carotene, vitamin C, vitamin-A, zea-xanthin và lutein.

Loại quả này có lượng vitamin K cao, cung cấp khoảng 17 µg vitamin K/100 g. Vitamin K có vai trò quan trọng đối với xương do nó thúc đẩy hoạt động tạo xương. Vitamin này cũng đã được xác định vai trò trong điều trị bệnh nhân nhờ hạn chế tổn thương tế bào thần kinh trong não.

Tuy nhiên ăn dưa chuột không đúng cách không những không phát huy được hết giá trị dinh dưỡng mà còn gây hậu quả xấu. Người sử dụng cần chú ý, không mua những quả đã quá già hoặc có màu vàng vì chúng thường chứa nhiều chất xơ không tan và hạt cứng.

Ngoài ra, cũng nên tránh những quả mà hai đầu nhăn nheo, vì đó là dấu hiệu dưa đã cũ và bị héo. Trước khi ăn, cần rửa kỹ dưa dưới vòi nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn và thuốc trừ sâu. Liều lượng tốt: 150g, 1 – 2 lần/tuần.

Nghệ: loại thảo dược quen thuộc

Nghệ là một trong những loại gia vị có lợi cho việc duy trì sức khỏe của gan. Vì nghệ có khả năng tiêu hóa chất béo và hoạt động như một kháng sinh tự nhiên bảo vệ cho gan của bạn. Củ nghệ giàu canxi và kali, làm dịu các cơn đau đường tiêu hóa, đau bụng đầy hơi chướng bụng. Trong thành phần của củ nghệ có chứa chất curcumin có thể chữa lành những tổn thương trong gan, dạ dày đồng thời thúc đẩy màng nhầy và da phát triển khỏe mạnh.

Ngoài ra, nó còn có tác dụng hỗ trợ các khớp xương bị thoái hóa hay bị viêm khớp, giúp tăng cường hệ tiêu hóa, làm giảm cholesterol, đào thải chất độc, làm khô và giúp vết thương mau lành. Trong ăn uống, nên pha trộn  nghệ để làm tăng hương vị giúp món ăn ngon và hấp dẫn hơn nhưng cũng rất tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tráng (sức khỏe & đời sống)

ĂN HÀNH: GIẢI ĐỘC CƠ THỂ, PHÒNG UNG THƯ

Hành có thuộc tính phòng bệnh và kháng khuẩn làm sạch giải độc cơ thể, giúp phòng ngừa nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, ung thư, hen suyễn, tiểu đường.

Với hơn 100 hợp chất chứa lưu huỳnh là nguyên nhân gây cay chảy nước mắt, hành có thể giúp dự phòng và điều trị nhiều bệnh như tiểu đường và bệnh tim nếu ăn hàng ngày.

Hành có tác dụng kháng histamine nhờ có quercetin, một chất chống oxy hóa đóng vai trò giống như chất kháng histamine và chống viêm. Trong ống nghiệm, quercetin cho thấy có khả năng ngăn ngừa các tế bào miễn dịch giải phóng histamine, là các chất gây phản ứng dị ứng. Dựa trên quan sát này, các nhà nghiên cứu tin rằng những chất chống oxy hóa có thể giảm histamine và chất gây dị ứng hoặc gây viêm khác trong cơ thể và là một phương pháp điều trị bệnh hen đầy hứa hẹn.

1. Hen suyễn

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu trên người để kiểm tra xem nó có hiệu quả hay không. Hành được cho là giúp giảm bệnh hen vì nó hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng quercetin mở rộng hệ thống phế quản của đường hô hấp.

2. Ung thư

Hành có thể giúp giảm nguy cơ ung thư khi được kết hợp với nghệ, nhờ các chất hóa học được tìm thấy trong 2 loại gia vị này. Một nghiên cứu được đăng trên tờ Clinical Gastroenterology and Hepatology năm 2006 chỉ ra rằng kết hợp hành và nghệ tạo ra một tác dụng hiệp đồng làm giảm cả kích thước và số lượng vật chủ tiền ung thư trong ruột, nhờ đó giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

Hơn nữa, thường xuyên ăn hành có thể giúp đào thải các chất sinh ung thư tiềm ẩn vì hành chứa hợp chất organosulfur. Những hợp chất này được tìm thấy trong thành tế bào của hành và được giải phóng khi nó được cắt nhỏ hoặc nhai.

3. Bệnh tiểu đường

Ăn nhiều hành có thể giảm lượng đường huyết. Tinh dầu hành, allyl propyl disulphide được cho là tạo ra tác dụng này và giảm mức đường huyết bằng cách tăng lượng insulin tự do sẵn có.

Một nghiên cứu được công bố năm 1975 trên tờ Clinica Chimica Acta; International Journal of Clinical Chemistry chỉ ra rằng tinh dầu hành làm giảm đáng kể lượng đường huyết và tăng đáng để hàm lượng huyết thanh insulin sau khi được sử dụng trên 6 người tự nguyện bình thường sau khi nhịn ăn 12 giờ.

4. Bệnh tim

Khi kể đến thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim, hành thường không được nghĩ đến. Nhưng theo một nghiên cứu năm 2007 trên tờ The Journal of Nutrition quercetin, hành làm giảm đáng kể chỉ số huyết áp ở những người trưởng thành bị cao huyết áp.

Hơn nữa, loại rau củ này được coi là có khả năng bảo vệ tim cao hơn rượu vang đỏ. Hành có liên quan tới việc duy trì huyết áp bình thường, ngăn chặn xơ cứng động mạch và duy trì sự đàn hồi mạch.

5. Sâu răng

Hành sống có thể khiến hơi thở của chúng ta có mùi, nhưng trên thực tế chúng có thể cải thiện sức khỏe đường miệng. Chỉ cần nhai hành sống có thể làm răng khỏe hơn và loại trừ các vi khuẩn gây sâu răng. Theo tờNaturalsociety, nhai hành 2 đến 3 phút có thể giết chết hầu hết vi khuẩn trong miệng.

Hải Ngân (Theo Medicaldaily)

6 MÓN ĂN CHỮA BỆNH TỪ THỊT ẾCH

Ếch không chỉ là món mồi hấp dẫn, món ăn ngon miệng đưa cơm. Thịt ếch còn rất bổ dưỡng với nhiều thành phần cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, ếch phối hợp với một số nguyên liệu có thể trở thành món ăn bài thuốc chữa bệnh rất hiệu quả.

Theo các nhà dinh dưỡng, trong ếch rất giàu dinh dưỡng. Trong miếng thịt ếch có chứa nhiều protein, canxi, photpho, đường, béo, natri, kali, đồng, sắt, kẽm, magie, selen, vitamin nhóm A, B, D, E, biotin, caroten…  Còn theo đông y, thịt ếch vị cam, tính hàn, không độc hại, ăn thịt ếch giúp bồi bổ cơ thể, lợi tiểu, cường tráng, chữa suy dinh dưỡng, ngứa lở, hư lao…

Bên cạnh đó, có thể chế biến thịt ếch thành những món ăn ngon miệng để tẩm bổ và chữa bệnh:

Bồi dưỡng người yếu mệt, mới ốm xong: 1 lạng ếch làm sạch, chặt nhỏ rồi xào hành tây. Hoặc lấy 1 lạng ếch ướp xì dầu, gừng, đường rồi mở nồi cơm lúc cơm sắp cạn, đem hấp chung với cơm cho cạn. Ăn cơm với ếch, ngày 1 lần trong 1 tuần.

Giải độc cơ thể, chữa mụn nhọt ở trẻ em, thanh nhiệt: 1 lạng thịt ếch, 5g bột sa nhân, 1 cái lá sen, 150g gạo tẻ. Bắc nồi nấu cháo cho ếch vào nấu chín rồi cho sa nhân vào, đậy nồi bằng lá sen. Nấu thêm 5 phút tắt bếp, đợi cháo nguội thì bỏ lá sen, nêm lại vừa miệng. Cho trẻ ăn vào lúc sáng dậy.

Chữa suy nhược ở trẻ, đầy bụng, ăn không tiêu: 1 lạng ếch rửa sạch chặt miếng ướp gia vị rồi nấu chín. Tiếp theo cho 1 lạng gạo tẻ vào nấu nhừ thành cháo, nêm thêm gia vị, rắc hành, ăn nóng. Ăn ngày 1 bát trong 1 tuần.

Bổ thận, chữa tiểu đêm: 1 lạng ếch, 9g tang phiêu diêu, 9g ba kích, 30g sơn thù nhục, 15g câu kỷ tử. Ếch bỏ đầu, bỏ bàn chân, lột da, bỏ lòng rồi chặt nhỏ đem hầm với các nguyên liệu còn lại cho nhừ, nêm lại vừa miệng ăn với cơm. Lưu ý món này không giành cho người có thấp nhiệt ở bàng quang.

Bổ thận, tráng dương: 1 lạng ếch, 1 lạng nấm rơm, 1 lạng chim sẻ xào lên cho chín, nêm nếm gia vị ăn với cơm. Món này có thể ăn hàng ngày.

Hỗ trợ điều trị tiểu đường vì gan thận âm hư: 1 lạng ếch, 2 lạng bí đỏ, tỏi, gia vị. Bí đỏ đem gọt vỏ xắt miếng vừa ăn. Bắc chảo dầu phi tỏi cho thơm rồi cho bí đỏ và ếch vào, châm nước xâm xấp nấu lửa nhỏ trong 30 phút rồi nêm nếm lại. Ăn nóng với cơm hoặc ăn không. Tuần ăn 2-3 lần. Món này giúp dưỡng âm ích khí, giải khát, giảm đường trong máu.

Lưu ý quan trọng khi ăn ếch: 

Ếch sống ở chỗ bùn lầy nên thường chứa ấu trùng giun sán, khi nấu cần coi và xử lý kĩ: moi ruột cho sạch sẽ, rút bỏ đường gân ếch vứt đi, rửa thịt ếch sạch với muối và quan trọng nhất là phải nấu cho chín hoàn toàn.

Theo Bác sĩ Thúy An