Cách làm CHÈ BÀ BA

Món CHÈ BÀ BA với “đủ thứ” nguyên liệu, được nhiều người rất ưa thích bởi vị ngọt bùi của nước cốt dừa hòa quyện với cái giòn của đậu phộng, dai của phổ tai, nấm mèo, bở của khoai lang, khoai sắn…Công thức sau đây sẽ giúp bạn có được nồi chè bà ba ngon chiêu đãi người thân.

Nguyên liệu:

  • Đậu phộng (lạc): nửa chén (có thể dùng đậu phộng tươi hoặc khô)
  • Củ sắn (khoai mì) 1 củ nhỏ, bỏ vỏ, ngâm nước muối qua đêm để loại bỏ độc tố
  • Khoai lang: 2 củ nhỏ, gọt vỏ, ngâm nước muối vài tiếng cho ra bớt nhựa
  • Đậu xanh cà: 1 chén
  • Hột sen khô: nửa chén
  • Đường cát trắng: 3 lạng
  • Nước cốt dừa: 1 lon (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • Bột năng: 3 muỗng canh
  • Bột báng: 2 muỗng canh
  • Lá nếp (lá dứa): 1 bó
  • Phổ tai khô (hoặc nấm mèo): 1 ít, ngâm mềm, rửa sạch rồi thái sợi

Phổ tai sau khi thái sợi:

Cách làm:

Bước 1:

– Đậu phộng, đậu xanh, bột báng đem ngâm trong nước qua một đêm (đậu phộng tươi thì không cần ngâm). Hôm sau rửa lại các loại đậu cho sạch.

– Trút đậu xanh vào nồi, đổ nước ngập mặt đậu rồi nấu trên lửa nhỏ đến khi đậu nhừ, múc ra chén.

Bước 2:

– Đậu phộng ngâm xong cho vào nồi với nước, luộc chín tới, rồi múc ra để riêng.

– Hột sen rửa sạch, cho vào nồi nước hầm mềm kỹ, sau đó vớt ra để riêng.

Bước 3:

– Khoai mì và khoai lang xắt thành miếng vuông nhỏ.

 

Bước 4:

– Chuẩn bị nồi, cho chừng 2 lít nước vào nấu với lon nước cốt dừa. Nước sôi thả bó lá dứa vô nấu chung, đến khi sôi kỹ thì cho tiếp củ sắn, khoai lang vào nấu chung.

– 2 loại khoai chín mềm nhừ, thì cho tiếp hột sen, bột báng, đậu phộng đã nấu lúc nãy vào nấu chung. Nấu tới khi nào bột báng chín đổi qua màu trắng trong nổi lềnh bềnh trên mặt nồi chè là ăn được rồi. Lúc này bạn nêm thêm đường cho vừa ngọt. Cuối cùng cho phổ tai vô, quậy đều rồi tắt bếp.

– Chè này ăn nóng rất ngon.

Bảo Tố

Cách làm CHÈ SÂM giải nhiệt

Những ngày hè oi bức, không gì tuyệt vời hơn là một chén chè mát lạnh mà lại còn có tính giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.

Nguyên liệu:

  • – 100g hạt sen khô
  • – 50g nhãn nhục (long nhãn)
  • – 100g nho khô
  • – 100g táo đỏ
  • – 1 muỗng nhỏ bột rau câu
  • – 200g đuờng

Cách làm:

– Hạt sen khô đun sôi cho gần mềm, đổ ra rổ để ráo

– Long nhãn ngâm nước nóng cho nở

– Nho khô rửa sơ cho sạch, nếu có sạn thì nhặt sạn ra

– Táo đỏ rửa sơ ngâm nước nóng

– Bắc một nồi nhỏ lên bếp, hòa một muỗng nhỏ bột rau câu vào 200 ml nước, đun sôi sau đó đổ ra tô chờ nguội làm thạch, chú ý không cho đường vào thạch

– Bắc một nồi khác lên, chờ nóng cho 1/2 đường vào tạo caramen, chú ý không để quá vàng sâm sẽ có mùi đắng. Sau đó đổ nước vào, chừng 400ml, cho nốt số đường còn lại vào. Nêm cho ngọt vừa miệng.

– Nước sôi cho hạt sen vào, sau đó là nhãn, nho khô và táo, nêm một chút xíu muối. Để nhỏ lửa cho hạt sen mềm, táo và nhãn ngấm đường, nếm vừa miệng nhấc xuống.

– Lúc này thạch đã đông lại rồi nên lấy ra xắt nhỏ cho vào chè sâm. Để lạnh hoặc chờ cho nguội thêm đá lạnh vào ăn rất ngon

– Món chè sâm này rất tốt cho cơ thể vào ngày hè vì nó vừa cung cấp thêm nước vừa bổ dưỡng sẽ giúp bạn hồi sức rất nhanh.

Theo Loan Trần (ngoisao.net)

Cách nấu CHÈ KHO

CHÈ KHO là món ăn cổ truyền thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng, thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết.

Nguyên liệu:

  • 500g đậu xanh không vỏ
  • 300g đường đỏ
  • Nửa trái thảo quả, sấy khô, tán nhỏ rây thành bột mịn. (mua ở tiệm thuốc Bắc)
  • 1 muỗng cafe mè trắng rang chín, xát bỏ vỏ.

Thực hiện:

1. Đậu xanh ngâm nước khoảng 4-5 tiếng cho nở mềm. Có thể ngâm bằng nước ấm cho nhanh nở. Sau đó vớt ra rửa sạch.

2. Hấp đậu xanh cho chín mềm. Sau đó dùng cái vá hoặc muỗng tán hạt đậu cho nhuyễn (dùng chày giã cũng được), mịn.

4. Bắc nồi nấu 300g đường đỏ với 500ml nước, nấu sôi cho tan đường. Sau đó chắt lấy phần nước đường, bỏ cặn.

3. Cho nước đường vào nồi vặn lửa nấu tiếp. Cho đậu xanh đã đánh nhuyễn vào nấu chung (nước đường sâp sấp mặt đậu), vừa nấu vừa khuấy liên tục kẻo chè bị cháy. Nấu đến khi nào nước cạn, hỗn hợp chè lên sền sệt thì rắc bột thảo quả vào khuấy lên cho đều, rồi tắt bếp.

4. Múc chè kho ra khuôn, ép chặt. Rắc mè lên trên. Chờ cho chè nguội, hơi cứng lại là được. Khi ăn xắt ra thành miếng.

*** Chè kho để ngoài được 2-3 ngày tùy thời tiết. Nếu muốn giữ lâu hơn thì để tủ lạnh.

Bảo Tố

Cách nấu CHÈ ĐẬU ĐEN HẠT SEN thanh nhiệt, giải độc, ngủ ngon

Phối hợp hai loại đậu, cùng với chút trần bì (có vị cay) sẽ làm món chè trở nên khó ngán hơn. Chè đậu đen hạt sen là món ăn ngon miệng và bổ dưỡng, thích hợp với những ngày trời nóng nực. Món này còn có tác dụng trị đau lưng, mất ngủ, giúp an thần, thanh nhiệt, giải độc…Chè đậu đen hạt sen còn là một món tẩm bổ rất tốt cho bà bầu với tác dụng giúp an thai, tránh khuyết tật ở thai nhi.

Nguyên liệu:

  • 150g đậu đen
  • 150g hạt sen khô
  • Trần bì (mua ở tiệm thuốc Bắc, hoặc là lấy vỏ quýt thái chỉ rồi phơi khô queo lại)
  • Đường (đường đen càng ngon và bổ)

Cách nấu:

– Đậu đen nhặt rửa sạch, sau đó đem ngâm nước trong 2 giờ.
– Hạt sen khô mua về đem ngâm vào nước khoảng 1 giờ.
– Mỗi loại cho vào một cái nồi, đổ ngập nước rồi nấu cho tới khi mềm.
– Sau đó cho 2 loại vào chung 1 nồi, thêm đường vừa ngọt đủ ăn (đừng ngọt quá không tốt và cũng không cảm nhận được vị đậu).
– Cho thêm trần bì vào.
– Đun sôi rồi vặn nhỏ lửa cho tới khi đường ngấm vào hai loại hạt trên.

Bé Thúi / MAV

ĐẾN HÀ NỘI NGÀY LẠNH, ĐỪNG QUÊN NHỮNG MÓN BÁNH NÀY

Cũng như các tỉnh miền Bắc khác, Hà Nội có bốn mùa phân chia rõ ràng. Và đúng với câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”, quà vặt Hà Nội cũng được cư dân biến đổi cho phù hợp với khẩu vị và tiết trời. Ở lâu tại Hà Nội, bạn không lạ lùng gì khi chỉ sau một trận gió mùa, các góc phố ngày thường vắng vẻ lại hiện ra một loạt những hàng bánh khoai, bánh gối… 

  • BÁNH KHOAI – BÁNH NGÔ – BÁNH CHUỐI

Đây có thể là bộ ba đầu tiên phải nhắc đến trong những món bánh mùa lạnh ở Hà Nội. Một góc phố đêm, một cái lò rán bánh, vài cái ghế nhựa xung quanh là đủ cho một không gian ăn vặt tuyệt vời. Ba loại bánh này làm từ khoai, ngô, chuối, tùy theo nơi mà thái nhỏ hoặc đâm nhuyễn, thái cọng, thái sợi… nhúng vào một hỗn hợp bột mì, bột gạo và các nguyên liệu tùy biến khác, sau đó rán giòn tại chỗ trên lửa. Những miếng bánh thành phẩm có đủ vị thơm của nguyên liệu, giòn tan của lớp vỏ ngoài, mềm của phần bên trong, và sự nóng hổi của toàn cái bánh, khiến không ai có thể chối từ vào những đêm gió mùa.

Tại miền Nam và miền Trung có biến thể của bánh này là bánh chuối chiên, bánh khoai chiên, nhưng cách pha bột và sơ chế nguyên liệu hơi khác và thường được bán vào ban ngày hơn là ban đêm.

  • BÁNH GỐI

Tại Sài Gòn có món bánh tai dạt (quai vạc) với phần lớp vỏ ngoài chiên giòn, phía trong có nhân rau củ. Hà Nội cũng có món bánh tương tự, nhưng gọi là bánh gối và chấm với nước dùng, ngồi thưởng thức tại bàn chứ không vừa đi vừa ăn. Phần nhân của bánh gối Hà Nội thường có miến, mộc nhĩ, cà rôt, củ đậu, thịt xay… Phần vỏ làm bằng bột mì. Và nước chấm là loại chua cay mặn ngọt, thanh dịu, có thả vài lát đu đủ, cà rốt ngâm, tương tự như nước chấm nem, bún chả.

Và cũng giống như những món chiên rán khác, bánh gối là loại quà không thể thiếu trong tiết đông Hà Nội.

  • BÁNH RÁN MẶN

Bánh rán mặn có lớp vỏ tương tự bánh rán ngọt thông thường, nhưng phần nhân có thịt, miến, nấm mèo … và khuôn dạng bánh có hình bầu dục. Bánh rán mặn được chiên tại chỗ trong chảo và ngon nhất khi ăn nóng. Lúc ăn, người bán sẽ dùng kéo cắt bánh ra cho nhỏ, để lộ phần nhân bên trong cho dễ ăn cũng như dễ chấm. Nước dùng ăn với bánh rán mặn cũng tương tự như bánh gối.

  • BÁNH QUẨY

Quẩy ở Hà Nội không chỉ ăn với cháo lòng như ở miền Nam, mà còn được dùng ăn không, ăn với phở, cháo hay những món có nước khác. Bánh quẩy miền Bắc nhỏ hơn nhưng giòn và chắc hơn hơn so với miền trong. Vào mùa Đông, một bát cháo sáng được phủ kín bằng bánh quầy là lựa chọn tuyệt vời của nhiều người.

  • BÁNH ĐÚC NÓNG

Các hàng bánh đúc nóng trở nên phổ biến hơn khi Hà Nội vào Đông. Bánh đúc được nấu sẵn trong nồi. Khi khách gọi, người bán chỉ cần múc một thìa to bánh quánh đặc vào bát, chan thêm nước chấm mặn ngọt, ăn kèm thịt băm, hành khô, rau mùi… Thưởng thức bánh đúc nóng giữa lúc trời lạnh là trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi đến Hà Nội.

  • BÁNH GIÒ

Bánh giò gói kín, hấp chín và khi ăn thì người bán sẽ trải ra đĩa, cắt bớt lá đi, điểm thêm rau dưa ngâm vào, có khi là chả cốm, giò lụa…. xịt tương ớt lên. Người ăn chỉ việc dùng thìa xắn từng miếng cho vào miệng. Miếng bánh giò nóng kéo theo sự thơm ngon của bột, nhân, cái giòn lực xực của mộc nhĩ… đi từ cổ họng vào dạ dày một cách nhẹ nhàng, thấm thía.

pic2766

Và trong khi tập trung vào độ nóng của chiếc bánh mềm mại, người ta đã quên hẳn cái tiết trời đông giá buốt xung quanh.

  • BÁNH TRÔI TÀU

Là loại bánh trôi có nhân đỗ xanh hoặc vừng đen, to bằng lòng nắm tay, ăn nóng trong nước đường vị gừng, rắc thêm chút lạc rang. Khi ăn dùng thìa xắn lớp ngoài bánh cho tới phần nhân bên trong, đưa vào miệng. Cái dẻo ngon của bột nếp, vị ngọt dịu của nước đường pha lẫn hương thơm cay ấm của gừng, bùi bùi của lạc và ngậy nhẹ của đỗ xanh cùng nhau làm hài lòng vị giác của bạn. Và không gì hợp lý hơn là ăn bánh trôi tàu vào lúc trời rét.

  • BÁNH KHÚC

Không thể bỏ qua Bánh khúc trong danh sách những món bánh mùa đông Hà Nội. Bánh khúc ở Hà Nội thường được bán ở các hàng rong, với câu rao đặc trưng: “Xôi nóng bánh khúc đê, ai bánh khúc nào!”… Mà mỗi lần nghe tới, nhiều người lại thấy cồn cào trong bụng vì nghĩ tới món bánh có lớp vỏ thơm mùi rau khúc, với phần nhận mặn ngọt làm từ đỗ xanh trộn thịt ba chỉ và các loại gia vị.

Bánh khúc thường hấp cùng với nếp theo kiểu đồ xôi, nên ở miền Nam còn gọi là xôi cúc (“cúc” là trại ra từ “khúc”). Cũng có khi bánh khúc được gói trong lá chuối rồi hấp, nhưng kiểu này ít phổ biến.

Mỹ Lạo.
Ảnh: sưu tầm Internet.

Đi chợ Campuchia ngay giữa Sài Gòn

 

Đối với dân ở các tỉnh giáp biên với Campuchia, có lẽ những món ăn như mắm bò hóc, bún nước lèo, chè xôi xiêm, lá sầu đâu không đến nỗi lạ lùng, nhưng với cư dân Sài thành thì đó vẫn còn là những gì rất mới mẻ. Có lẽ vì cái sự mới lạ đó, mà hằng ngày luôn có nhiều người rủ nhau đến ngôi chợ nằm sâu trong hẻm nhỏ, để cùng thưởng thức thử những hương vị Chùa Tháp đặc trưng.

Chợ Campuchia là cách người ta gọi chợ Lê Hồng Phong, nằm trong hẻm 374 đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10. Địa bàn của khu chợ còn được gọi là phố Campuchia, hay phố Việt Kiều, vì nơi đây có một cộng đồng lớn dân cư là người Việt hồi hương từ Campuchia sau cuộc đảo chính hồi năm 1970 ở Campuchia. Người Việt hồi hương, phần vì nhớ mùi vị quê người, phần vì mưu sinh, đã không quên đem theo những món đặc sản Campuchia về với Sài Gòn, ban đầu chỉ là một nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, lâu dần đã hình thành nên khu chợ không giống bất cứ khu chợ nào khác trong thành phố.

Khu chợ nằm khuất trong hẻm, với nhà lồng chợ và những hẻm chợ trời bao quanh. Đi tới khu vực này là nhận ra ngay, vì bắt đầu được thấy những bảng hiệu bằng tiếng Campuchia, những nhà làm dịch vụ du lịch đi Nam Vang, Xiêm Riệp, tiếp đến là những quán ăn bày đầy những món lạ mắt. Tới khu vực nhà lồng chợ, thấy treo đầy cá khô đủ loại: cá trèn, cá kìm, và cả cá tra biển Hồ nổi tiếng… Vào trong nhà lồng, không khó để tìm mua các thứ gia vị cũng như đặc sản trong ẩm thực Campuchia: trái chúc, trái xăng, ngải búng, mắm bò hóc, đọt sầu đâu…

Món Campuchia được lưu ý nhất ở khu này, phải kể đến bún Num Bò Chóc. Đây là loại bún cá nước lèo rất phổ biến của xứ Campuchia, với phần nước lèo có mùi vị đặc trưng nấu từ mắm bò hóc và ngải búng, cá là cá lóc ăn kèm với các loại rau như đậu đũa, ngó súng, và ăn với muối ớt chứ không phải nước mắm. Quán Tư Xê, ở ngay cổng chợ, bán bún Num Bò Chóc đã 30 năm, là nơi dân tình thường kéo đến để thưởng thức. Thực khách ban đầu còn hơi ớn lạnh vì nghe mắm Bò Hóc, nhưng sau khi ăn vài lần, thì có kẻ đã sinh ghiền. Ngày nay, đi chợ Lê Hồng Phong mà không ăn bún Num Bò Chóc, coi như chưa biết mùi chợ.

Sau bún Num Bò Chóc, tên lạ, hương vị lạ, phải kể đến món ăn rất quen, là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Nam Vang thì ở chỗ khác cũng có, nhưng người ta thích ăn hủ tiếu Nam Vang ở đây, vì cho rằng đúng chất. Nhắc đến hủ tiếu Nam Vang ở đây, người ta thường nhắc quán Phú Quý, nhưng ngoài quán này còn hàng chục quán khác cũng rất ngon, bằng chứng là không có quán nào vắng khách. Các chủ quán hủ tiếu Nam Vang hầu hết là Việt kiều Campuchia hồi hương, chỉ riêng điều đó đủ tạo niềm tin cho thực khách là ăn không sợ lạc điệu.

Rồi thì phải kể đến đồ ăn vặt. Không dễ dàng gì mà một khu chợ khuất nẻo, lụp xụp, đường sá bất tiện lại cuốn hút được nhiều bạn trẻ, nếu như không có những hàng ăn độc đáo. Đó là những xâu chuối nướng kiểu Campuchia, nhìn thì hơi khô khan, nhưng ai ăn quen mới hiểu, vì sao cái món ăn có vẻ cục mịch, ít hấp dẫn này lại dám lặn lội ra tới xứ người. Rồi thì phá lấu, bánh khọt, bánh lọt, cháo đậu làm kiểu Campuchia, với đặc điểm là thường nấu với nước cốt dừa, lá dứa, đường thốt nốt, đường phèn…

Nhưng loại đồ ăn được nhiều bạn trẻ tìm tới nhất ở chợ này, là chè. Chè Campuchia ở đây nấu bằng đường thốt nốt, thường béo và không quá ngọt, và tạo hình rất bắt mắt. Món chè bí chưng, tiếng Campuchia kêu là Num À Pơi, làm từ trái bí ngô non bỏ hết ruột, trong có hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, nguyên liệu mua từ Campuchia, nhìn rất quyến rũ, mà hương vị cũng được nhiều người khen ngợi. Món chè bí chưng này có thể ăn riêng thành một món chè, hoặc cắt một miếng nhỏ bỏ chung với các nguyên liệu như thốt nốt, sầu riêng, nước cốt dừa… thành món chè thập cẩm kiểu Campuchia, ăn dễ liên tưởng tới chè Thái đã phổ biến mạnh ở Sài Gòn, nhưng tất nhiên mùi vị có khác. Rồi thì chè xôi xiêm, chè bà ba, chè thốt nốt, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ… có tên lạ, tên quen, nhưng tất cả đều được chế biến theo phong cách Campuchia. Các quán chè thường bán nhiều loại, tập trung ở gần cổng chợ, bà chủ sẵn lòng giới thiệu đặc điểm từng món cho các thực khách mới tới lần đầu.

Cứ như vậy, qua mấy chục năm tồn tại và phát triển, khu chợ len lỏi trong hóc hẻm một cách bí mật đã dần dần được biết đến như một tụ điểm ăn uống thú vị. Người ta đến chợ để ăn chè, ăn bún Num Bò Chóc, để mua các loại khô cá, các gia vị nấu món Campuchia, mà cũng để tìm hiểu đôi nét về văn hóa ẩm thực của một đất nước vừa rất quen vừa rất lạ.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Cách nấu CHÈ ĐẬU NGỰ

CHÈ ĐẬU NGỰ là món ăn chơi ưa thích với vị ngọt bùi của đậu ngự, và mùi thơm thanh dịu của hoa bưởi. Món chè này có nhiều cách làm, trong đó kiểu làm truyền thống Huế đơn giản mang lại món chè có vị ngọt thanh khiết được nhiều người ưa chuộng.

Nguyên liệu:

  • Đậu ngự tươi: 500g
  • 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi
  • Đường.

Cách làm:

6512AFDLchehhue4_db1df

– Đậu ngự đem ngâm trong nước ấm chừng 10 phút cho mềm rồi lột bỏ vỏ.

– Chuẩn bị nồi nước, cho đậu ngự vào luộc khi nước chuẩn bị sôi thì chắt hết nước, cho nước mới vào luộc tiếp. Nước sôi lại khoảng 5-10 phút là đậu chín, tắt bếp. Vớt đậu ra ngoài.

– Chuẩn bị nồi nước khác trên bếp (đây là nước chính để nấu chè), nấu sôi, hòa với lượng đường vừa miệng cho tan rồi tắt bếp. Để nguội rồi cho vào muỗng nước hoa bưởi.

– Cho phần đậu đã vớt ra ngoài vào nước đường, ngâm khoảng nửa tiếng cho ngấm vậy là xong món chè.

Bé Thúi.

Cách làm CHÈ ĐẬU TRẮNG NẤU NẾP

Món chè đậu trắng nấu với nếp rất quen  thuộc trên các mâm cỗ của người miền Trung, miền Nam. Món ăn có vị ngọt dịu, thơm ngon của đậu và nếp.

  Nguyên liệu: 

  • 500g đậu trắng (đậu mắt cua)
  • 150g nếp
  • 250g đường
  • 10g lá dứa
  • 1 muỗng canh bột năng
  • 1 muỗng cafe bột nổi
  • Mè rang giã nát.
  • Nước cốt dừa (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)

Cách làm:

 

– Vo sạch đậu rồi ngâm trong nước + 1 muỗng cafe bột nổi, ngâm ít nhất 3 tiếng cho đậu bong vỏ. Vớt bỏ những hạt nổi lên mặt nước.

– Đậu ngâm xong cho nước xâm xấp vào nấu tới khi đậu chín nhừ, do đã ngâm bột nổi nên đậu rất mau chín.

– Đậu chín vớt ra để ráo, ướp với đường trong 2 tiếng.

– Lá dứa rửa sạch, để ráo.

– Bắc một nồi với khoảng 700ml nước, nấu sôi, rồi cho nếp vào nấu tới khi nào nếp nở bung ra. Cho lá dứa vào nấu tiếp khoảng 10 phút.

– Tiếp tục trút đậu đã ướp đường vào nồi, khuấy đều, vặn nhỏ lửa, nêm nếm lại vừa miệng, nấu tiếp 5 phút là xong.

– Nước cốt dừa ta pha với chút nước & bột năng, đun trên lửa, vừa đun vừa khuấy đều tới khi vừa sôi, hỗn hợp quyện lại là ok. Cái này để rắc lên chén chè. Rắc thêm mè giã nát nữa cho thơm.

Hải Hùng.