NHỮNG MÓN NGON NÊN THỬ KHI ĐẾN ĐẤT VÕ BÌNH ĐỊNH

Nếu có dịp ghé qua Bình Định, mảnh đất hiền hòa ở eo biển miền Trung, du khách chớ quên thưởng thức những sản ngon vật lạ nức tiếng của miền đất võ.

1. Bún chả cá Quy Nhơn

Đây là món đặc sản nổi tiếng nhất ở thành phố biển xinh đẹp Quy Nhơn. Điểm làm nên sự khác biệt so với bún chả cá ở những địa phương khác chính là chả cá và nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị được nêm nếm kĩ lưỡng theo phương thức gia truyền. Nước dùng chủ yếu được nấu từ xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt dễ chịu, khó quên. Ăn kèm với bún chả cá là chén tương ớt đặc trưng được pha chế chỉ Bình Định mới có.

2. Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi có nguồn gốc từ Diêu Trì, là một món ăn không thể thiếu mỗi buổi sáng của người dân Bình Định. Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Ản kèm với bánh hỏi là lòng và thịt heo thái miếng, bên cạnh là một chén cháo nóng hổi cùng nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt để phù hợp với khẩu vị của người miền Trung.

3. Nem chợ Huyện

Nem chợ Huyện không có vị chua như nem Huế hay vị ngọt như nem miền Nam mà có vị ngọt, dai dai, giòn giòn, màu hồng nhạt nhìn rất bắt mắt. Nem Bình Định luôn được gói trong một lớp lá ổi, mà phải là lá ổi non để có mùi thơm. Sau đó, nem được bọc thêm nhiều lớp lá chuối, dùng dây thun buộc lại và ăn kèm với tỏi. Đây là một món ăn chơi lai rai nổi tiếng mà ai ghé qua Bình Định cũng phải mua về làm quà.

4. Bánh xèo

Một món ăn nổi tiếng không kém ở đất võ là món bánh xèo tôm nhảy. Người dân chọn lựa rất kỹ những nguyên liệu để làm bánh từ bột gạo có quyện một chút bột nghệ và nước cốt dừa đến những con tôm đất nhỏ nhưng chắc thịt. Bánh xèo Bình Định không quá to như trong miền Nam mà được đổ trong nhiều khuôn nhỏ, vừa vặn để dễ cuốn ăn cùng bánh tráng. Vị bánh xèo vừa ngọt, vừa giòn lại vừa chua để lại rất nhiều ấn tượng cho các du khách từng có dịp thưởng thức. Một số địa phương chế biến bánh xèo ngon là Mỹ Cang (Phù Mỹ), Hoài Đức (Hoài Nhơn),…

5. Bún song thằn

Bún Song Thằn làng An Thái (An Nhơn) từ lâu đã quen thuộc trong câu ca “Nón ngựa Gò Găng, bún song thằn An Thái”. Chắc mọi người còn đang thắc mắc về cái tên lạ lẫm của loại bún này?. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một. Bún song thằn nổi tiếng ở Bình Định vì có hương vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao vì làm từ đậu xanh. Bún song thằn có thể ăn cùng với lòng gà hoặc mua về làm quà cho người thân.

6. Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là một loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung. Đây là một loại bánh không thể thiếu trong các dịp lễ tết hay cưới, hỏi. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột nếp và lá gai. Nhân bánh ít lá gai vị ngọt, được làm từ đậu xanh hoặc dừa. Bánh ít lá gai khi ăn mềm, dẻo cùng vị ngọt vừa phải rất ngon miệng.

7. Bánh dây Bồng Sơn

Bánh dây là món ăn có nguồn gốc từ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Đây là một món ăn làm từ gạo, nhưng lại mang hương vị khác hẳn. Điểm đặc biệt trong công đoạn chế biến đó chính là muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ đã thu hoạch từ nhiều tháng trước. Bánh dây ăn cùng một ít dầu hẹ được thoa đều và đậu phộng giã nhỏ được rải lên. Vị dai của sợi bánh dây hòa lẫn với mùi thơm của nước mắm ngon tạo nên một món ăn dân dã, mộc mạc nhưng vẫn mang đậm hương vị riêng khó quên của miền đất võ.

8. Tré Bình Định

Được bọc trong hình hài trông như những chiếc “cán chổi” nhỏ xíu được treo lủng lẳng ở các tiệm ven đường, tré Bình Định là một trong những mồi nhậu không thể thiếu của người dân bản địa ăn kèm cùng với rượu bầu đá. Nguyên liệu để làm nên món tré nức tiếng đều là những nguyên liệu quen thuộc như: thịt tai heo, thịt đầu heo, thịt ba chỉ cùng với gia vị mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi. Món tré với đầy đủ các vị mặn, ngọt, béo, chua, cay và chát thường được dùng như món khai vị trong các bữa tiệc.

9. Gỏi cá chình

Là địa phương có nhiều ao, đầm nên Bình Định đã tạo môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài cá đặc sản, trong đó có cá chình. Cá chình có thể chế biến nhiều món khác nhau, nhưng người dân bản địa và cả thực khách đều khoái khẩu nhất với món gỏi cá chình. Gỏi cá chình là một món ăn được chế biến vô cùng công phu từ việc chọn cá tươi sống đến công đoạn tẩm ướp gia vị sao cho vừa miệng nhất. Gỏi cá chình được xúc ăn với bánh tráng nướng và nước mắm giã gừng.

10. Bánh tráng nước dừa

Bình Định còn được biết đến là xứ dừa với vùng đất Tam Quan nổi tiếng bởi nhiều món ăn, đồ dùng được chế biến từ những trái dừa. Trong đó, bánh tráng dừa được nhiều người yêu thích và hay mua về làm quà mỗi khi ghé qua Bình Định. Nhờ có pha chế thêm nước cốt dừa vào trong bột gạo dùng để tráng bánh mà bánh có hương vị thơm ngon, béo ngậy. Điều đặc biệt là bánh tráng dừa chỉ nướng để ăn và có thể dùng kèm với nhiều món ăn khác.

(Theo Baodatviet.vn)

NHỮNG MÓN BÁNH ĐẶC SẢN NGON NHƯNG ÍT AI BIẾT

Nền ẩm thực của Việt Nam rất phong phú, do đó, bên cạnh những món ăn nổi tiếng, phổ biến, thì còn có những món ăn vì nhiều lý do như: địa lý, hoàn cảnh sống, cách làm cầu kỳ, nguyên liệu khó tìm… mà đã trở nên rất ít phổ biến, rồi dần dần bị thất truyền. 

Sau đây là những món bánh mà khi nhắc đến tên, hiếm ai biết được nó là gì, có hương vị ra sao.

Bánh ngải​ nhân vừng

Bánh ngải là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng, nhưng ngày nay ít có ai biết. Đây là loại bánh rất đẹp, khuôn dạng như bánh dày nhưng có màu xanh ngọc. Bánh làm từ lá ngải cứu nấu với nước tro, rồi trộn chung với cơm nếp sau đó giã nhuyễn. Bánh được gói bằng lá “mác rạng” để không bị khô. Bánh có nhân từ đường phên và vừng.

Bánh bảy lửa

Bánh Bảy lửa, ảnh Vũ Phương Thảo.

Tương truyền bánh do 1 người vợ ở Quảng Nam sáng tạo ra như một loại lương khô để chồng đem theo trên đường ra Huế ứng thí.  Nghe tên bảy lửa đủ biết mức độ công phu của món bánh này. Bánh được làm từ bột gạo, đường, gừng, trải qua bảy lần lửa, nhiều công đoạn rang, giã, sấy kĩ… Thành phẩm là món bánh có thể trữ hàng nhiều tháng. Bánh giòn tan và ngon miệng, từng là món ăn tết phổ biến ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy vậy ngày nay còn ít nhà làm bánh này, một phần vì công phu, tốn sức.

Bánh chông Giao Tiến

Bánh chông là một món ăn ngày tết của cư dân ở xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, Nam Định. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì tộn đường vào rồi giã cho nhuyễn. Sau đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô, rang giòn lên rồi mới ăn. Do miếng bánh hình thoi nhọn hai đầu giống cây chông nên gọi là bánh chông.

Bánh nghệ

Từ “Nghệ” ở trong món bánh Nghệ là tỉnh Nghệ An, tuy vậy bánh đã thất truyền ở quê hương của nó. Đã có một thời, bánh nghệ phổ biến ở Sài Gòn- Chợ Lớn như một món ăn chơi, nhưng đến nay thì chắc ít dân Sài Gòn nào biết món bánh này. Bánh làm từ bột gạo nguyên chất, quấy lên rồi nén thành sợi như bánh canh, công đoạn này rất cực vì phải dùng cái nia hứng hàng chục cái bánh một đợt. Bánh ăn nguội với mắm pha, tép mỡ, xoài xanh, chả lụa, chả cá… Ngày nay, may mắn là tại đường Trương Gia Mô, thành phố Phan Thiết vẫn có một nhà biết làm món bánh này, đó là gia đình chị Ngọc Minh, với nghề làm bánh nghệ gia truyền đã được 60 năm.

Bánh cơm nếp mật

Một món ăn ngon của người dân quê Nam Định, làm từ gạo nếp nấu chín trộn với mật mía và gừng. Cơm này có thể để nguội rồi cán thành miếng ăn như ăn bánh.

Bánh khổ

Bánh khổ của người Mường rất dễ ăn và có cách làm khá đơn giản. Bánh làm từ xôi nếp giã nhuyễn, vắt ra từng miếng rồi đặt lên lá chuối, hong gió cho khô. Khi ăn, người ta phải chế biến lần nữa: nướng hoặc rán bánh lên cho thơm, dẻo. Bánh rán xong sẽ phồng lên rất ngon mắt. Bánh từng là món lễ vật thông dụng cho ngày cưới hỏi.

Bạnh Bư tổng hợp.