Những lệch lạc trong sở thích ăn uống của người Việt

Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò, đậu phụ, hành phi, thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà chả cảm thấy áy náy gì.

Ăn là nhu cầu lớn nhất của con người. Người ta có thể sống không cần yêu nhưng nhất thiết phải ăn. Về tầm quan trọng, chuyện ăn uống luôn đứng đầu và được xếp vào tầng thứ nhất của tháp nhu cầu Maslow. Song chuyện ăn bây giờ có vẻ hời hợt vô cùng.

Ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới. Các món ăn đường phố Việt Nam cũng rất phong phú và đa dạng.

Người Việt có lẽ là một trong những dân tộc coi trọng chuyện ăn nhất thế giới. Giở từ điển Tiếng Việt, đề mục Ăn có khoảng 120 đơn vị, bao gồm cả từ ngữ và thành ngữ. Chỉ riêng một mình từ Ăn đã hàm chứa 13 ngữ nghĩa khác nhau. Người Việt coi miếng ăn là Trời (Dĩ thực vi thiên), là nền tảng của Đạo (Có thực mới vực được đạo) nên ăn rất kỹ, rất tinh, rất cầu kỳ chứ không xô bồ, hỗn tạp. Việc nấu và việc ăn dù là các món đơn giản hay phức tạp đều đòi hỏi tuân theo những nguyên tắc nhất định, mặc dù có thể biến thiên theo tập tục ẩm thực của vùng miền hay thời đại.

Chế biến đúng kiểu, ăn đúng cách là yêu cầu tối thiểu trong việc ăn uống, chưa nói gì đến rất nhiều quy định khác nếu muốn nâng tầm lên nghệ thuật thưởng thức ẩm thực như: Đồ ăn ngon phải ăn đúng lúc (Thời gian – Thiên), đúng địa điểm (Không gian – Địa) và cả đúng người – người nấu và người ăn cùng (Nhân).

Song việc ăn uống chưa bao giờ bị biến dạng méo mó như hiện nay. Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún ốc đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò trần tái, đậu phụ, hành phi, trộn thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà không cảm thấy áy náy lương tâm.

Một thức đồ ăn đề cao sự đơn giản, thanh nhã, lấy vị chua nhẹ của nước dùng làm nền cho cái ngọt ngon của ốc, cái dẻo thơm của bún gạo lại có thể hòa nhịp của miếng thịt bò, vốn trở nên rất dở trong nước dùng chua. Thế nhưng, người ta vẫn cứ vô tư ăn thịt bò với bún ốc, nếu người bán không phục vụ thì các thượng đế sẵn sàng mang thịt bò từ nơi khác đến nhờ “trần hộ vào bát của em”, vốn là một chuyện rất thường tình ở hàng bún ốc ngõ Hàng Chai (Hà Nội).

Ngoài thịt bò và giò tai, thảm họa của bún ốc và bún riêu cua bây giờ chính là đậu phụ. Thứ đậu phụ để ăn kèm với bún riêu phải là thứ đậu mới, rán vàng vừa lửa, phồng căng, giòn tan và thơm ngậy. Còn đậu phụ dùng trong món bún ốc chuối đậu tuy không rán giòn nhưng cũng phải là đậu mới, được nướng qua hoặc rán sơ rồi với đem nấu cùng chuối, ốc.

Đậu phụ là thứ nguyên liệu rất dễ hỏng, không để được lâu nên khi dùng phải yêu cầu yếu tố tươi thì mới ngon được. Nhưng thứ đậu phụ thảm họa đang tung hoành trong các bát bún ốc, bún riêu khắp chốn kinh kỳ là thứ đậu phụ được rán sẵn, tống vào tủ lạnh dùng dần.

Miếng đậu phụ đó chua loét vì để lâu, khét vì rán nhiều lần, và cực kỳ trơ trẽn bởi không thể ăn nhập cùng với nguyên liệu khác. Thế nhưng, chúng ta vẫn nhẹ dạ mà kêu một bát “đầy đủ”, vẫn nhẹ mồm vừa xơi xì xụp, vừa khen ngon đáo để. Đấy là chưa kể đến thảm họa hành phi vốn ăn vị với miến lươn, đến bánh đa cua nay được tiện thể rắc tứ tung lên bún riêu, bún ốc, sắp tới có thể là cả phở chăng?

Nhiều người đi ăn bún riêu, bún ốc bây giờ vẫn quen gọi “một bát đầy đủ”. Ảnh: NHMX

Ngày xưa, các ông sành ăn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân… vốn coi “miếng ăn là miếng cầu kỳ” đã mỏi miệng than trời khi người ta làm phở gà, phở lợn, phở chó, rồi sáng tạo thêm các thứ gia giảm trong phở như vừng rang (chắc để thơm hơn), xì dầu, quẩy (vốn chỉ dùng với cháo của người Tàu) và gọi đó là những thứ phở cải lương.

Ngày nay, nếu còn sống, chắc các ông còn than khi đám hậu thế vắt đến nửa quả chanh vào bát phở bò, chan vài muôi tương ớt hàng chợ (dùng với món gì cũng được) và đánh chén xụp xoạp. Các ông sẽ than rằng: “Ôi giời, thịt bò mà vắt chanh tươi vào thì còn gì là mùi bò nữa? Sao không dùng cái giấm tỏi ớt kia, nó không phá mùi mà còn làm đậm vị, thưa các vị thực khách tân thời”.

Cái tiêu chí “ăn kỹ” tưởng phức tạp nhưng thật ra rất đơn giản. Ví như khi ăn bát bún bò Huế, ta phải ăn bằng cả 5 giác quan. Màu sắc đa dạng của miếng huyết lợn, miếng chả cua, miếng bắp bò luộc, miếng chân giò, màu ớt chưng là để người ăn vui mắt. Mùi thơm của mắm ruốc, của xả, của thịt, của chanh vàng Huế là phục vụ anh mũi. Miếng chân giò sần sật, miếng tiết sột sột, tiếng xuýt xoa, hít hà vì cay vì nóng là để cho tai nghe rộn ràng.

Ăn bún bò Huế phải cầm bát trên tay, vừa xoay vừa húp, vừa lùa bún, vừa nhai, vừa nuốt thế là anh tay, anh miệng được dự phần. Nếu tìm được một gánh bún của o, của mệ để mà ngồi trên vỉa hè xơi nữa thì quả là đúng điệu. Đấy ăn kỹ cũng chỉ đến mức vậy thôi.

Sáng mai ra, nếu xơi quà phở bò, nhớ đừng vắt đẫy chanh, rưới đẫy tương ớt đóng can hoặc gọi bát phở không hành, không màu xanh của rau thơm. Nếu gọi bát bún ốc thì nhớ đừng thêm thịt bò, giò tai làm gì cả, cứ bún ốc to hoặc nhỏ mà thôi, kèm theo rau ghém đầy đủ, tươi xanh.

Như thế đã là yêu chính mình, yêu cái món ăn của nước mình rồi.

Anmustang (ngoisao.net)

Việt Nam nằm trong top các quốc gia có nền ẩm thực cuốn hút nhất thế giới

(MAV.vn) Tạp chí du lịch uy tín của Anh Rough Guides đã bình chọn ra 15 quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới, trong đó có Việt Nam. Hãy cùng MAV điểm lại những nền ẩm thực có trong danh sách này!

  1. Ý: Ý đứng đầu danh sách này với một nền ẩm thực đầy những hương vị tinh tế, các món ăn uống nổi tiếng khắp thế giới của Ý có thể kể đến Pizza, Spaghetti, Pasta, Kem Ý, Cappuccino.
  2. Thái Lan: Sự hòa trộn của thảo dược, gia vị và các nguyên liệu thực phẩm tươi sống qua những phong cách nấu nướng đặc biệt , tạo ra các hương vị cay, chua, ngọt, đắng, đậm đà, hấp dẫn, đã đem đến cho Thái Lan vị trí thứ 2 của danh sách này.
  3. Ấn Độ: Món ăn Ấn Độ đặc trưng bởi sự phối hợp sử dụng các loại gia vị, rau củ quả bản địa. Hương vị “bùng nổ”, màu sắc hấp dẫn, vị ngọt béo của dừa, nồng cay của ớt, cà ri là những điều không ai có thể quên khi nếm qua các món ăn Ấn Độ.
  4. Nhật Bản: Ngược lại với Ấn Độ, ẩm thực Nhật nổi bật như là một nền ẩm thực không lạm dụng nhiều gia vị, mà chú trọng vào sự tươi ngon, tinh khiết của nguyên liệu tự nhiên. Điều này đã làm nên sự độc đáo của ẩm thực Nhật so với các nơi khác trên thế giới. Bên cạnh đó, ẩm thực Nhật còn được ngưỡng mộ bởi cách trình bày tuyệt đẹp.
  5. Việt Nam: Việt Nam có một nền ẩm thực rất phong phú, đa dạng và đôi khi phức tạp, với sự khác biệt rõ ràng trong hương vị món ăn của từng vùng miền. Đặc điểm nổi bật của những món ăn này là sự dung hòa, kết hợp tinh tế giữa các nguyên liệu, gia vị với nhau tạo thành những món ăn hoàn hảo đối với người thưởng thức.mav085
  6. Trung Quốc: Một đất nước rộng lớn và có nền văn minh lâu đời, dĩ nhiên nền ẩm thực cũng đa dạng và phong phú. Ẩm thực Trung Quốc được chia ra làm 8 phong cách theo vùng địa lý, và mỗi phong cách lại có nhiều trường phái khác nhau. Những món ăn của đất nước này thường đặc yếu tố bổ dưỡng lên hàng đầu.
  7. Pháp: Người Pháp rất coi trọng việc thưởng thức ẩm thực. Ngoài những loại rượu như Champagne, Cognac, Sancerre, Bordeuax… Pháp còn nổi tiếng với các món phổ thông khắp thế giới như patê bánh mì, pho mát, bánh crêpe…
  8. Indonesia: Một đất nước có tới 6000 hòn đảo có người sinh sống hẳn sẽ là chốn phiêu lưu ẩm thực kỳ thú với bất kỳ ai. Nhiều món ăn của đất nước này đã phổ biến khắp Đông Nam Á, như Sa tế, Tempeh… Bên cạnh đó, với vị trí nằm trên các con đường hàng hải lớn, ẩm thực Indonesia còn tiếp thu không ngừng các phong cách ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới.
  9. Mexico: Ẩm thực Mexico đã phát triển qua hàng ngàn năm, nó là sự kết hợp giữa ẩm thực của thổ dân và di dân, nên rất đa dạng và phong phú. Đặc trưng của các món ăn ở đây là sự kết hợp giữa nhiều loại gia vị, nguyên liệu và vẻ ngoài đầy màu sắc.
  10. Singapore: Quốc đảo nhỏ bé này có một nền ẩm thực phát triển, với sự kết hợp của nhiều nền ẩm thực lớn như Trung Hoa, Indonesia, Ấn Độ, châu Âu… Những món nổi tiếng ở đây có thể kể đến Tôm say rượu, cháo ếch, cua sốt ớt, cà ri laska…
  11. Tây Ban Nha: Thật thiếu sót lớn nếu không nhắc đến nền ẩm thực lừng danh của Tây Ban Nha. Ẩm thực ở quốc gia này rất phong phú, và do vị trí địa lý, nó đầy ắp những món ăn hấp dẫn làm từ hải sản qua hàng ngàn cách chế biến khác nhau. Những nguyên liệu đặc trưng trong nền ẩm thực này có thể kể đến Cà chua, khoai tây, Ớt xanh, hạt đậu, dầu ô liu…
  12. Thổ Nhĩ Kỳ: Có lẽ hiếm ai mà không biết đến món Kebab, một món thịt nướng “kỳ diệu” của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không chỉ có thế, đất nước này còn nhiều món đặc biệt ngon như Simit, Mezze,… Thổ là đất nước hảo ngọt nên đừng quên khám phá những món bánh kẹo ngọt ở quốc gia lâu đời này.
  13. Anh: Ẩm thực cổ truyền của Anh thường được coi là không có gì đặc sắc, thậm chí là nhàm chán, vì quá béo hay quá khô khan. Nhưng có lẽ cũng vì lẽ đó mà nhiều người muốn tìm hiểu thêm về nó.
  14. Lebanon: Đại diện thứ 2 cho vùng Trung Đông là Lebanon, một quốc gia nhỏ bé nhưng lại nổi tiếng ngon lành nhờ có một nguồn sản vật phong phú và đa dạng. Điểm hấp dẫn chính ở Lebanon là các món ăn hải sản cùng với các loại trái cây thơm ngọt.
  15. Malaysia: Cũng như nhiều quốc gia đông nam Á khác, Malaysia là một điểm đến nổi bật của các tín đồ ẩm thực với một nền ẩm thực đa dạng cùng các kỹ thuật chế biến độc đáo. Ngoài phong cách ẩm thực bản địa như Ikan bakar, Nasi lemak, Malaysia còn tiếp thu các phong cách ẩm thực của Ấn Độ, Trung Hoa như Nasi Kandar, Mì xào…

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Với giá cả lên tới hàng triệu đồng cho một món ăn được chế biến, 8 món sau đây được coi là những “sơn hào hải vị” thực sự, mà hiếm ai có dịp được thưởng thức.

500 con cá anh vũ/ 1 tháng dành cho đại gia Việt

Với niềm tin: ăn cá anh vũ sẽ gặp nhiều may mắn, trong năm vừa qua, không ít người đã đổ xô đi tìm ăn cá anh vũ để “xua đuổi cái đen” và rước “ông thần may mắn về nhà”.

Cá anh vũ hay còn có tên gọi khác là cá Tiến Vua, là một trong những loại cá nổi tiếng nhất của Việt Nam bởi sự quý hiếm và ngon miệng. Loại cá này rất khảnh ăn, chỉ ăn rêu tảo và sống ở vùng nước trong, không ăn tạp như nhiều loại cá khác nên nhiều người cho rằng chúng thể hiện sự sang trọng.

Hơn nữa đây là loại cá theo sử sách ghi lại để tiến vua và cúng tế thần linh nên được rất nhiều đại gia Việt yêu thích. Đặc điểm của loại cá này là thịt trắng, quánh và thơm ngon hơn bất cứ loài cá sông nước nào. Tuy nhiên, với người bình thường chẳng ai ăn con cá anh vũ này làm gì, vì nhìn nó như con cá trôi, và giá thì quá đắt… Còn đối với những người có tiền thì loại cá này cũng chẳng đáng là bao. 3,5 triệu một kg, chứ có 10, 20 triệu họ cũng sẵn sàng bỏ ra chỉ để thưởng thức cái khối sụn môi như cái “mõm lợn” của con cá anh vũ.

Và theo một vị giám đốc của Công ty phân phối loại cá anh vũ này cho biết, mỗi tháng công ty của ông xuất ra thị trường khoảng 400 đến 500 con, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng sang trọng, bán vào Sài Gòn, và xuất khẩu ra nước ngoài.

1 con cua bằng 1 tấn thóc có sá gì!

Nếu như ăn cá anh vũ để lấy may, thì trào lưu ăn cua Hoàng Đế mới là đẳng cấp. Và đẳng cấp ấy có giá bằng cả 1 tấn thóc của người nông dân.

Vào giữa tháng 7/2012, trên báo Phunutoday có đưa tin, một siêu thị ở Hà Nội vừa bày bán loại cua khổng lồ nặng gần 2kg, với giá khoảng 5 triệu đồng một con, mức giá này đắt gấp 10 lần so với cua bể Việt Nam.

Tên của loại cua này là King crab hay còn gọi là cua Hoàng đế. Cua này chỉ sống ở những vùng biển nước rất lạnh và sâu từ 200-400 m như Alaska (Mỹ), Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là loại cua hiếm có, khó tìm bởi để đánh bắt nó, những người thợ săn phải ra khơi vào những ngày bão biển. Điều đặc biệt là loại cua này có kích thước và trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với cua biển thông thường.

Cách đây vài năm, chỉ có những đại gia giàu có ở Hà Nội mới có cơ hội thưởng thức món ăn cao cấp này tại những nhà hàng sang trọng nhập khẩu về với mức giá khoảng 10 triệu đồng/con. Còn đến năm 2012, họ đã có thể “thỏa mãn” nhã hứng xơi cua Hoàng Đế vì tại siêu thị đã bày bán rất nhiều loại cua này.

Giá mỗi kg tu hài Canada bán tại một số nhà hàng hải sản tại Hà Nội phổ biến 1,9- 2,5 triệu đồng. Các nhà hàng kinh doanh món ăn này và kiếm bộn tiền từ những vị khách tin rằng ăn tu hài có thể tăng cường sinh lực, bổ thận tráng dương.

Tu hài (ốc vòi voi) được sơ chế.

Với trọng lượng trung bình 1-2 kg/con, tính ra, giá tu hài Canada tương đương với giá cua Hoàng đế nhập khẩu.

Được ví như “nhân sâm của đại dương”, những con hải sâm vừa là một vị thuốc quý, vừa là loại thực phẩm cao lương mỹ vị dành cho các bậc vua chúa thời xưa. Hiện 1kg hải sâm thô trên thị trường có giá gần 2 triệu đồng.

Súp vi cá mập cũng là món ăn cực đắt mà nhiều người Việt bỏ tiền ra để thưởng thức. Giá mỗi thố nhỏ dành cho một người ăn ở nhà hàng thường vào tầm 1.320.000 đồng. Còn giá cho 1kg vây cá mập chưa chế biến dao động từ 10 – 20 triệu đồng.

50 – 150 triệu, một bữa rùa vàng

Trong cơn bão giá, nhiều người phải thắt chặt chi tiêu nhưng không ít đại gia sẵn tay chi tiền cho một bữa ăn lên tới 150 triệu chỉ có 3 con rùa vàng mà theo người ta đồn nhau rằng “Rùa vàng cực quý hiếm, nó sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ, ăn vào tăng cường sinh lực, đặc biệt ai có bệnh tim nếu uống rượu pha mật rùa, huyết rùa sẽ hết ngay”. Mức giá thì không hề rẻ chút nào, 50 triệu một con.

Để bồi bổ thậm chí có người còn ăn món này thường xuyên. “Thường thôi, mỗi tháng có khi anh chén vài ba con rùa vàng” – một đại gia cho biết.

Phở (hơn nửa triệu), bít tết (hai triệu) bò Kobe

Món phở tại Hà Nội có giá 750.000 – 850.000 đồng/bát, đắt hơn 20 lần một bát phở thông thường được cho là làm từ thịt bò Kobe nhập khẩu từ Nhật Bản. Bò được nuôi theo một quy trình khá cầu kỳ: ăn ngô non, lúa mạch, uống bia thay nước, được tắm nước nóng, nghe nhạc Mozart, xoa bóp bằng rượu Sake.

Tại Hà Nội, một nơi nổi tiếng với món ăn giá nửa triệu này là khách sạn Vườn Thủ Đô. Theo lời đầu bếp khách sạn này, thịt bò Kobe 40% là mỡ, nhưng không có cholesterol, có thể ăn sống được. Những người ăn món phở giá “khủng” này chủ yếu là doanh nhân, người có điều kiện.

Sau đó không lâu, khi xảy ra lùm xùm xung quanh việc thịt bò Kobe nhập khẩu vào Việt Nam không có chứng từ, cơ quan chức năng yêu cầu các nhà hàng kinh doanh món ăn này phải niêm yết giá công khai cũng như xuất xứ của thịt. Hiện, món phở xa xỉ này gần như “mất tích” ở Hà Nội.

Theo nhân viên khách sạn này, từ nhiều tháng nay, đầu bếp tại đây không còn chế biến món phở Kobe giá hơn nửa triệu. Trên thực đơn hiện tại, món ăn nói trên cũng biến mất.

Cũng giống như món phở, bít tết bò Kobe được một số nhà hàng ở Hà Nội chế biến và một thời gian khá hút khách. Giá mỗi suất bít tết khoảng 200- 300 gam thịt bò là trên 1,9 triệu đồng.

Theo đánh giá của nhiều người, mức này quá cao so với mặt bằng chung. Nhưng cũng có người ủng hộ và cho rằng nếu là thịt bò Kobe thì mức giá nói trên quá “bèo”, ngay cả khi bỏ từ 5 đến 10 triệu đồng mà được ăn thịt bò Kobe thật thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo”.

Nửa triệu đồng/chiếc chân gà

Tại một nhà hàng ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, thịt gà Đông Tảo có giá 1.150.000 đồng/kg, còn chân gà Đông Tảo giá 500.000 đồng/chiếc.

Nhiều người cảm thấy sốc, choáng bởi chưa bao giờ thấy ở đâu bán một chiếc chân gà lại có giá cao ngất ngưởng như vậy.

Bên cạnh những người cho rằng, đây là một cái giá cắt cổ thì cũng có những người lý giải sở dĩ có giá đắt như vậy vì gà Đông Tảo chỉ quý ở cái chân, chân càng to thì càng đắt.

Tổng hợp từ Internet