Trên thực tế, các nhà khoa học cũng đã chứng minh cảm giác thèm ăn khi đói hoàn toàn khác với cảm giác buồn miệng, luôn thèm ăn một thứ gì đó…
Mới đây, một nghiên cứu của Trường đại học Central Lancashire, Mỹ đã chỉ ra rằng, tùy vào từng loại thức ăn mà bạn cảm thấy thèm ăn, có thể biết được cơ thể bạn đang thực sự gặp vấn đề gì.
Chocolate
Chocolate chứa rất nhiều magiê. Vậy nên nếu bạn liên tục thèm ăn chocolate rất có thể cơ thể bạn đang thiếu chất khoáng ở da và tóc. Hơn nữa, trong những ngày “đèn đỏ”, lượng chất khoáng trong cơ thể giảm nhiều, gây ra các triệu chứng PMS (hội chứng tiền kinh nguyệt). Điều này lý giải vì sao trong ngày đèn đỏ, các chị em thường có xu hướng muốn nhâm nhi một thanh chocolate.
Các nhà khoa học khuyến cáo rằng, nếu cơ thể bạn đang thiếu hụt chất khoáng và luôn thèm ăn chocolate, bạn hãy chọn loại có ít nhất 75% ca cao vì những loại này thường chứa nhiều magiê và ít đường hơn.
Đá
Thèm đá là dấu hiệu của cơ thể thiếu máu hoặc sắt. Giáo sư Nicola Lowe, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa lý giải được nguyên nhân dẫn đến việc thèm đá. Tuy nhiên, có một lời giải thích hợp lý hơn cả đó là do đá giúp làm dịu những vết thương do nhiễm khuẩn trong miệng. Nếu bạn thèm đá và cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng hãy nhanh chóng tìm đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra lời khuyên rằng, nguồn sắt dồi dào nhất là từ thịt đỏ và nó cũng dễ hấp thu hơn so với các nguồn từ rau củ khác, cá mòi cũng là nguồn chứa nhiều sắt.
Đồ ngọt
Đây có thể là triệu chứng của việc cơ thể thiếu crôm. Giáo sư Lowe cho biết: “Loại khoáng chất này cùng với insulin giúp quá trình hấp thụ glucose từ máu vào tế bào cơ thể dễ dàng hơn. Trên thực tế, các nghiên cứu tiến hành đối với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đã chỉ ra rằng crôm có thể giúp cân bằng lượng đường ổn định trong máu”.
Ăn nhiều đồ ngọt khi bạn cảm thấy thiếu đường thực chất làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn vì nó khiến cơ thể sản sinh insulin, điều này gây ra cảm giác mệt mỏi, chóng mặt do tiêu thụ nhiều đường. Thay vào đó, bạn hãy ăn nhiều thực phẩm giàu crôm như gan, thận, thịt bò, gà, cà rốt, rau cải, trứng.
Thịt
Cảm giác thèm thịt có thể do cơ thể thiếu sắt hoặc thiếu kẽm. Thịt đỏ là nguồn chứa sắt và kẽm tuyệt vời. Tuy nhiên, ngày nay hiện tượng thiếu kẽm ngày càng phổ biến (đặc biệt là ở Anh) do người dân thường không ăn thịt đỏ. Giáo sư Lowe cho biết, nếu bạn ngại ăn thịt đỏ vì chúng có thể gây ra các bệnh về tim mạch, bạn có thể bổ sung kẽm từ các nguồn thay thế khác từ các loài động vật có vỏ như tôm, cua, sò, hến… đậu lăng, rau bina, hạt bí đỏ, phô mai và bánh mì.
Phô mai
Nếu bạn thấy thèm phô mai, muốn phết phô mai lên tất cả mọi thứ ăn được thì điều đó báo hiệu cơ thể bạn đang thiếu canxi do phô mai rất giàu canxi. Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng nhất cho cơ thể, giáo sư Lowe cho biết: “Nó không chỉ giúp hình thành và duy trì răng và xương khỏe mạnh mà nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong chức năng thần kinh và cơ bắp”. Một số lượng lớn trong chúng ta đang ở mức có lượng khoáng sản thấp dẫn đến nguy cơ xương dễ vỡ, bệnh loãng xương ở độ tuổi 40 – 50 ngày càng gia tăng.
Phô mai, sữa, sữa chua, cá hồi đóng hộp, cá mòi, bông cải xanh và hạnh nhân đều giàu canxi. Để hấp thụ đủ canxi, cơ thể bạn cần vitamin D do da sản xuất khi phản ứng với tia UV. Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn nhận được đủ canxi bằng cách để mình hấp thu ánh nắng mặt trời 10 – 15 phút mỗi ngày.
Carbohydrates
Thèm carbohydrates (carb) là dấu hiệu cơ thể bạn thiếu axit amino trypophan do cơ thể cần chất này để tổng hợp serotenin trong quá trình điều tiết tâm trạng, giáo sư Lowe cho biết. Thiếu carb có thể dẫn đến tâm trạng buồn bực, lo lắng và mất ngủ. Mặc dù carbohydrate không chứa trypophan nhưng nghiên cứu cho thấy sự gia tăng lượng carb trong máu nghĩa là nhiều trypophan hơn được chuyển đến não.
Tăng lượng protein của bạn có thể giúp bạn kiềm chế cảm giác thèm ăn carb và cải thiện tâm trạng. Nguồn cung cấp tryptophan bao gồm gà tây, sữa, trứng, hạt điều, quả óc chó, phô mai và chuối.
TheoAfamily.vn