Sài Gòn đất rộng đường đông, hiếm ai dám nói rành đường Sài Gòn, nhưng nếu có, ắt chỉ là rành những con đường có trên bản đồ. Chừng đó là nhiều nhưng chưa là gì cả, nếu so với hàng vạn nẻo đường khác không được ghi trên bảnđồ, nhưng có quan hệ mật thiết với đời sống cư dân, đó là những con hẻm.
Sài Gòn hẻm, hẻm của hẻm, ta gọi Sài Gòn hóc, riêng tiếng gọi nghe ra cũng thô thiển mà gần gũi, trong khi Huế gọi là Kiệt, Hà Nội gọi ngõ, ngách. Nếu như đường phố là bộ mặt, đôi khi son phấn của Sài Gòn, thì hẻm nắm giữ phần hồn. Một con đường, kéo theo hàng chục con hẻm, một con hẻm kéo theo hàng chục cái hóc. NgườiSài Gòn đại đa số sống trong hẻm. Ai đó nói lối sống Sài Gòn nửa quê nửa phố, tức là có ám chỉ tới những con hẻm.
Hẻm là nơi sinh sống, là nơi làm việc, cũng là nơi thư giãn, vui chơi. Một con hẻm đặc trưng Sài Gòn cần hội tụ các điều kiện: hẻm nhỏ, có ít nhất một quán ăn sáng, với lối đi không bằng phẳng, dây điện giăng mắc lơ thơ trên đầu, dưới lòng đường là trẻ con chơi đùa, kéo theo sự hiện diện của tấm bảng: Chạy chậm, trẻ em đông, và không thể thiếu tiếng trò chuyện, chào hỏi, đôi khi là cãi cọ. Tuy nhiên đó chỉ là loại hẻm thông dụng nhất, ngoài ra Sài Gòn còn có các hẻm tối ngày im lặng, nghiêm trang, vắng vẻ, thường là hẻm cụt, dân giàu có chỉ giành để ở, có hẻm ồn ào suốt ngày, như các hẻm ở Bảy Hiền, lúc nào cũng vang rền tiếng máy dệt, hay các hẻm ồn ào suốt đêm, như các hẻm nhậu nhẹt ở khu Vườn Lài quận 10.
Trong các con hẻm thường có các hoạt động kinh doanh nhỏ:tiệm tạp hóa, tiệm ăn, chợ chồm hổm. Một số hẻmnhỏ có chợ đàng hoàng, gọi là hẻm chợ, chạy bất cứ loại xe gì vào đó mà gặp giờ họp chợ, thì chậm còn hơn đi bộ. Hẻm lớn mới mở, xe hơi chạy được, dễ dàng tìm thấy các quán cà phê sân vườn rộng rãi hấp dẫn. Các đình chùa, nhà thờ, không ngần ngại chọn một hẻm xấu làm nơi cư ngụ, như hẻm chùa ở Xóm Gà, phường 1, Gò Vấp, hẻm nhỏ nhắn, cong quẹo, dốc lên dốc xuống, mà có tới 3 ngôi chùa lớn: Tịnh xá Ngọc Phương, Quảng Hương Già Lam, Châu An Tự. Đặc biệt tại các hẻm ở khu vực Chợ Lớn, có nhiều ngôi đình, chùa, miếu cổ kính nằm chen chúc với tiệm ăn, mùi khói nhang hòa lẫn với mùi nước lèo hủ tiếu trong một không gian nhỏ hẹp vừa đủ để 2 xe máy lách nhau.
Cư dân trong hẻm, cũ có, mới có, rày đây mai đó có. Có hẻm chuyên cho thuê nhà, dân tình tụ họp, làm ăn riêng rẽ, sinh hoạt chung chạ, gặp thời hoặc thất thời, thì đi qua chỗ khác sống, các hẻm này thường ở các quận ven. Cũng có hẻm lâu năm, cư dân đã hình thành một nếp sống riêng, đi vào đó phải biết nhập gia tùy tục. Có khihẻm khác nhau về nguồn gốc cư dân, như các hẻm khu chợ ông Tạ, chợ Xóm Mới, xóm đạo, toàn người Bắc nhập cư vào thập niên 1950, người gốc Quảng thì tập trung ở các xóm dệt Bảy Hiền, Lò Chén, xóm dệt phường 11 Gò Vấp. Các hẻm ở Cô Giang, Khánh Hội, Bàn Cờ cũng tập trung nhiều người gốc miền trung, từ Huế, Bình Định. Đôi khi không cần hỏi, chỉ cần vào hẻm, thấy mì quảng, bánh bèo bày bán bên đường, là biết hẻm Trung bộ, còn vào hẻm nào nghe mùi cầy tơ, thuốc lào thoang thoảng, ắt hẳn là sắp nghe giọng nói miền Bắc. Hẻm SàiGòn là hẻm hội nhập, là hẻm đa văn hóa, như bản chất của Sài Gòn, nhiều khi trong một hẻm vừa có nhà thờ, vừa có chùa, cư dân ba miền ở cạnh nhà nhau, khác nhau về gốc gác, tín ngưỡng, tập tục, nhưng rất gắn bó, thân tình, sẵn sàng tương trợ nhau khi có biến, gặp ngày lễ cúng, cũng hoan hỉ tham dự.
Hẻm Sài Gòn nhiều về loại và cũng nhiều về lượng. Đi vô một con hẻm lạ, ít ai dám đi sâu, vì ai cũng đã có kinh nghiệm thất điên bát đảo khi lạc vô những cái mê cung hẻm vừa vô danh vừa vô tận. Nhiều nơi mạng lưới hẻmdày đặc, chằng chịt, chi chít, hấp dẫn những kẻ thích phiêu lưu, nhưng cũng là nỗi lo của cư dân, mỗi khi xảy ra sự cố, xe cứu thương, cứu hỏa không tìm được đường vô. Ngược lại, nhiều khi con hẻm là vị cứu tinh của giao thông. Gặp lúc kẹt xe, việc khám phá ra một con hẻm có thể thông qua con đường khác là cái biết đáng giá hơn ngàn cái biết. Xu hướng người dân mò đường hẻm để đi ngày càng gia tăng, vì tình trạng kẹt xe ở Sài Gòn chỉ thấy tăng chứ không giảm.
Đặc sắc, sinh động và phức tạp, rủi ro. Những con hẻm vẫn tồn tại cùng với sự thay đổi liên tục của Sài Gòn, chính là phần phản ánh trung thực nhất về đời sống cư dân Sài Gòn. Việc nâng cấp hẻm, để tạo điều kiện sống tốt hơn cho dân cư, là một việc nên làm ngay, nhưng bên cạnh đó, không thể bỏ đi những giá trị mà hẻm mang lại. Giá trị đó không chỉ là những nét đặc trưng rất tiêu biểu rất Sài Gòn của các con hẻm, mà còn là những giá trị của tình làng nghĩa xóm, của những cá tính cộng đồng mà dường như những con đường lớn không có cách nào giữ lại được.