Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mía trong tháng 6 tại Trung tâm sắc ký Hải Đăng ghi nhận trong 100 ml chứa 490.000 vi khuẩn Coliforms, 210.000 vi sinh vật hiếu khí, 18.000 bào tử nấm men nấm mốc. Theo ông Huỳnh Ngọc Trưởng, Trưởng Phòng Kiểm nghiệm Vi sinh, Trung tâm sắc ký Hải Đăng, các chỉ số vi sinh trong mẫu kiểm này đều cao hơn từ 1.000 đến 10.000 lần so với chỉ tiêu về Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm của Bộ Y tế.
Ông Trưởng cảnh báo sự hiện diện của vi sinh với lượng lớn như trong nước mía có thể gây nguy cơ loạn khuẩn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa cho người khi uống phải.
Kết quả kiểm tra các mẫu nước mía vỉa hè do Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM thực hiện trong 2 năm qua cũng cho thấy lượng vi sinh vật hiếu khí, khuẩn Coliforms, E.Coli vượt mức cho phép.
Một điểm bán nước mía “siêu sạch khổng lồ” giá rẻ. Ảnh: T.N. |
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng An toàn thực phẩm TP HCM, nước mía là thức uống giải khát bổ dưỡng quen thuộc đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, loại nước này rất “nhạy cảm”, nếu được chế biến trong điều kiện kém vệ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Bà Mai cho rằng, nước mía nhiễm khuẩn có thể do nhiều khâu. Từ lúc cạo vỏ, mía được để dưới nền ẩm thấp, vi khuẩn xâm nhập và len lỏi vào sâu trong thớ cây. Quá trình vận chuyển đến các hàng quán nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh, mía được bảo quản không đúng cách, nước ngâm không sạch khiến vi sinh dễ dàng xâm nhập. Một số hàng quán nhỏ lẻ sử dụng các dụng cụ chế biến và đá viên nhiễm khuẩn cho vào nước mía càng làm gia tăng lượng vi sinh. Đó là lý do ly nước giải khát đến tay người tiêu dùng có hàng triệu vi khuẩn.
Từ kết quả kiểm tra trên, ban chỉ đạo liên ngành đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra nhắc nhở và xử phạt các cơ sở kinh doanh nước mía không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên lực lượng chức năng nhìn nhận do đặc điểm của hàng quán nhỏ lẻ bán ở vỉa hè “nay đây mai đó” nên rất khó kiểm soát triệt để.
Nước mía “siêu sạch” chứa lượng vi sinh vượt mức cho phép. Ảnh: T.N. |
Trên nhiều tuyến đường TP HCM hiện có hàng trăm xe bán nước mía được quảng cáo là “siêu sạch” với giá chỉ từ 4.000 đến 6.000 đồng một ly lớn. Ở nhiều điểm bán, mía cây trước khi chế biến được đựng trong thùng nước cáu bẩn không có nắp đậy, xung quanh là bã mía chất đống, ruồi nhặng bâu đầy. Mỗi lần có khách mua, chủ quán nhấc một cây ra khỏi thùng, lau sơ qua rồi ép trên máy không được lau rửa sau mỗi lần sử dụng. Ly đựng nước mía cũng chỉ được tráng sơ sau mỗi lượt khách uống.
Ông Hữu, chủ một quán nước mía ở quận 7 cho biết hầu hết mía cây ở địa bàn đều lấy từ một vựa gần đó. Mỗi buổi tối, các xe tải chở mía tập kết tại đường Lâm Văn Bền để công nhân cạo vỏ. Mía sau khi làm sạch lớp vỏ ngoài được chất đống dưới nền nhà ẩm thấp để chờ bán cho khách lẻ hoặc bỏ mối cho các quán ven đường.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TP HCM cho rằng một loại thực phẩm được gọi là sạch phải hội đủ 3 yếu tố. Thứ nhất phải đảm bảo không lẫn tạp chất, lông, tóc, rác, vỏ. Thứ hai không có bất kỳ chất hóa học nào, kể cả chất bảo quản. Thứ ba là không nhiễm vi sinh. Nước mía bày bán ở hàng quán vỉa hè đều nhiễm vi sinh không thể gọi là “sạch” hay “siêu sạch” được, do đó mọi người không nên tin vào những lời quảng cáo.
Ông Xuân Mai khuyên mọi người để bảo vệ sức khỏe của mình nên hạn chế dùng nước uống hàng quán ven đường không đảm bảo vệ sinh. Riêng những người thích uống nước mía, nên mua ở những cơ sở chế biến sạch, tốt nhất là mua mía nguyên cây còn vỏ đem về tự chế biến sẽ an toàn hơn.
Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, từ đầu hè đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do thời tiết nóng, thực phẩm dễ bị ôi thiu, thêm vào đó, trẻ khát nước thường mua đồ uống ở hàng quán ven đường không đảm bảo vệ sinh, dễ nhiễm khuẩn. Bác sĩ khuyên, phụ huynh nên chú trọng bảo vệ sức khỏe cho con bằng việc dạy trẻ tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, đồng thời chủ động cung cấp nước uống sạch cho trẻ, không để các em tự ý mua ở các hàng quán vỉa hè.
Quy trình ép nước mía vỉa hè
Các chuyên gia y tế cho biết Coliforms là một nhóm vi khuẩn rất phổ biến, có thể tìm thấy ở mọi nơi, kể cả trong đất, da, nước sông, nước ao hồ, rau cải, và trong phân động vật. Coliforms là vi sinh vật chỉ thị, sự có mặt của chúng là tín hiệu cho thấy rau hay nước có thể bị phơi nhiểm nhiễm phân người hay phân động vật. Một số ý kiến cho rằng vi khuẩn Coliforms thường tồn tại trong đường ruột và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Vi sinh vật hiếu khí là những loài sinh vật sinh sống và phát triển trong môi trường có không khí. Sự có mặt của các loài vi sinh này trong thực phẩm, đồ uống với số lượng vượt quá nồng độ cho phép có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Thuật ngữ nấm men chỉ là tên chung để chỉ nhóm vi nấm thường có cấu tạo đơn bào và thường sinh sôi nảy nở bằng phương pháp nẩy chồi. Bên cạnh rất nhiều nấm men có ích như là các loại nấm men dùng để sản xuất rượu trắng, rượu vang, bia, làm nở bột mỳ, tạo sinh khối giàu protein và vitamin, sản xuất enzym, sản xuất acid citric từ khí thiên nhiên, sản xuất riboflavin (vitamin B2)… còn có những loại nấm men có thể gây bệnh. Ở Việt Nam nhiều nơi chế biến thực phẩm, thức uống thủ công, độ ẩm còn cao, sau đó xếp thành chồng, giữa các lớp bánh dầu có độ ẩm cao là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Nếu kho trữ thức ăn lâu ngày không làm vệ sinh, diệt nấm thì trong không khí sẽ có rất nhiều bào tử nấm tấn công nhanh các nguyên liệu này sinh ra nhiều độc tố trong thức ăn. |