Đã từ lâu, hình ảnh cái xe hủ tiếu còi cọc đậu nơi hè phố với một dáng vẻ khiêm nhường hết cỡ, đã trở thành một cái gì đó không thể thiếu trong những câu chuyện ăn uống Sài Gòn.
Người ta dùng mấy tiếng: Hủ tiếu gõ, gọn lẹ hơn: Mì gõ… để gọi và cũng là để mô tả cái biểu tượng giản dị nhưng cũng đầy cá tính riêng biệt đó. Cá biệt, ở cách bán, cách ăn, cho tới hương vị. Xa xăm, hoài niệm hơn một chút: cá biệt ở cái tiếng gõ. Hơn chục năm trước, tiếng gõ lóc cóc, hoặc leng keng, hoặc lạch cạch, thay cho tiếng rao mời hủ tiếu bằng miệng, vẫn rất thịnh hành. Tiếng gõ có tiết điệu, hình như mang theo tâm trạng người gõ, lúc vui vẻ, lúc buồn bã, khi hững hờ, khi hớn hở… và thường mang đến cho người nghe cảm giác…đoi đói. Để cho tới hôm nay, người ta sẽ cảm thấy lao xao quá đỗi, mỗi khi nghe ra tiếng gõ hũ tiếu trong một khoảng lặng mịt mờ nào đó của đời sống thành thị. Vì bây giờ, không mấy ai đi gõ nữa, có lẽ tại Sài Gòn đã quá ồn ả cho những tiếng gõ đó chăng?
Hết gõ, nhưng vẫn gọi hủ tiếu gõ, chính là vì chưa một ai vội quên đi cái âm điệu mộc mạc đáng yêu đó. Ừ thì hết người đi gõ, nhưng xe hủ tiếu vẫn còn đâu đó thôi. Ừ thì, tạm biệt một thứ dư âm lãng mạn, ta đi ăn hủ tiếu, ăn sợi hủ tiếu phơi khô rồi lại trụng nước, ta ăn miếng bò viên thái mỏng hết cỡ, ta húp muỗng nước lèo ngòn ngọt thơm mùi hẹ ớt xì dầu, chớ đâu có ăn âm thanh lóc cóc leng keng, tuy rằng, nói thật thì vẫn hơi buồn một chút.
Có ai đã thống kê có bao nhiêu xe hủ tiếu gõ ở Sài Gòn? Cái sự thống kê thực khá là thơ mộng, ngộ nghĩnh và có lẽ không khả thi mấy. Mỗi xe hủ tiếu gõ lặng thầm hùng cứ một góc phố, một ngõ hẻm, Sài Gòn có bao nhiêu con phố, bao nhiêu con hẻm, thì hãy gom lại đi, rồi cộng với một con số dễ thương nào đó cho dư ra, càng nhiều càng tốt, để tạm gọi là biết số lượng xe hủ tiếu đang ngang dọc, dọc ngang.
Tính sơ sơ như vậy, để thấy sự gắn bó vô địch của hủ tiếu gõ đối với mảnh đất Sài Gòn. Tại sao có hiện tượng trên? Là bởi đất Sài Gòn, tuy lắm khi mang tiếng đắt đỏ, phồn hoa lấp lánh chi chi đó, nhưng không hề, Sài Gòn thực chất rất giản dị, bụi bặm, và rẻ rề. Ai chưa tin, thì cứ ghé vô một quán hủ tiếu gõ – không tốn kém gì hết, kể cả xăng, vì nó cách nhà bạn quá lắm vài trăm thước.
Gọi là quán cho dễ gọi, chứ chỉ là mấy cái bàn kèm theo mấy bộ ghế cóc. Ngay cạnh đó là xe hủ tiếu bốc khói, thoang thoảng mùi nước lèo. Gọi là quán, nhưng người ngồi ăn luôn ở tình trạng lộ thiên hết cỡ, may mắn mới có cái bạt che, lỡ mà gặp trời mưa, tấm bạt èo uột kia không đỡ nổi, nước bắn vô tô hủ tiếu từ vài chục đến vài trăm giọt, gọi là nêm thêm đôi chút hương vị Sài Gòn. Vậy đó, để cho biết bao người, nói mê mẩn thì hơi quá, nhưng gần thì ăn, xa thì nhớ, nhớ thì thèm. Cái hương vị đặc trưng của hủ tiếu gõ, của Sài Gòn, mà không một quán ăn hoàn chỉnh nào tái hiện nổi, nó cứ nhẹ nhàng, bâng quơ… như một bài thơ, một tiếng hát giang hồ không cầu kỳ gọt dũa, vậy mà ngấm, nhiều khi ngấm tới trái tim, nói hơi quá, nhưng còn biết nói sao? Còn biết nói làm sao cho nó bớt tình cảm hơn, khi mà cái tô hủ tiếu được cả Sài Gòn công nhận về độ dễ ăn ấy, chỉ có giá là… mà thôi, không ai nỡ nói giá tiền của một món quà, ở đây, là món quà giành cho những người yêu Sài Gòn.
Nói về hủ tiếu gõ thì còn nhiều chuyện lắm, nhưng rồi, nói chỉ là nói, nghe chỉ là nghe, không thay thế được cho hành động. Hôm nay, ngày mai, ngày mốt, hoặc ngày kia, bạn sẽ phải đi ăn một tô, cho nhớ. Nhớ rồi thì để giành đó, sau này sẽ có lúc dùng tới, đó là khi bạn được một người bạn đầy thú vị nào đó gợi nhắc về một Sài Gòn mà ai cũng ưa thích, đó là một Sài Gòn rất dân dã, chịu chơi mà gần gũi vô cùng…