Đi chợ Campuchia ngay giữa Sài Gòn

 

Đối với dân ở các tỉnh giáp biên với Campuchia, có lẽ những món ăn như mắm bò hóc, bún nước lèo, chè xôi xiêm, lá sầu đâu không đến nỗi lạ lùng, nhưng với cư dân Sài thành thì đó vẫn còn là những gì rất mới mẻ. Có lẽ vì cái sự mới lạ đó, mà hằng ngày luôn có nhiều người rủ nhau đến ngôi chợ nằm sâu trong hẻm nhỏ, để cùng thưởng thức thử những hương vị Chùa Tháp đặc trưng.

Chợ Campuchia là cách người ta gọi chợ Lê Hồng Phong, nằm trong hẻm 374 đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10. Địa bàn của khu chợ còn được gọi là phố Campuchia, hay phố Việt Kiều, vì nơi đây có một cộng đồng lớn dân cư là người Việt hồi hương từ Campuchia sau cuộc đảo chính hồi năm 1970 ở Campuchia. Người Việt hồi hương, phần vì nhớ mùi vị quê người, phần vì mưu sinh, đã không quên đem theo những món đặc sản Campuchia về với Sài Gòn, ban đầu chỉ là một nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, lâu dần đã hình thành nên khu chợ không giống bất cứ khu chợ nào khác trong thành phố.

Khu chợ nằm khuất trong hẻm, với nhà lồng chợ và những hẻm chợ trời bao quanh. Đi tới khu vực này là nhận ra ngay, vì bắt đầu được thấy những bảng hiệu bằng tiếng Campuchia, những nhà làm dịch vụ du lịch đi Nam Vang, Xiêm Riệp, tiếp đến là những quán ăn bày đầy những món lạ mắt. Tới khu vực nhà lồng chợ, thấy treo đầy cá khô đủ loại: cá trèn, cá kìm, và cả cá tra biển Hồ nổi tiếng… Vào trong nhà lồng, không khó để tìm mua các thứ gia vị cũng như đặc sản trong ẩm thực Campuchia: trái chúc, trái xăng, ngải búng, mắm bò hóc, đọt sầu đâu…

Món Campuchia được lưu ý nhất ở khu này, phải kể đến bún Num Bò Chóc. Đây là loại bún cá nước lèo rất phổ biến của xứ Campuchia, với phần nước lèo có mùi vị đặc trưng nấu từ mắm bò hóc và ngải búng, cá là cá lóc ăn kèm với các loại rau như đậu đũa, ngó súng, và ăn với muối ớt chứ không phải nước mắm. Quán Tư Xê, ở ngay cổng chợ, bán bún Num Bò Chóc đã 30 năm, là nơi dân tình thường kéo đến để thưởng thức. Thực khách ban đầu còn hơi ớn lạnh vì nghe mắm Bò Hóc, nhưng sau khi ăn vài lần, thì có kẻ đã sinh ghiền. Ngày nay, đi chợ Lê Hồng Phong mà không ăn bún Num Bò Chóc, coi như chưa biết mùi chợ.

Sau bún Num Bò Chóc, tên lạ, hương vị lạ, phải kể đến món ăn rất quen, là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Nam Vang thì ở chỗ khác cũng có, nhưng người ta thích ăn hủ tiếu Nam Vang ở đây, vì cho rằng đúng chất. Nhắc đến hủ tiếu Nam Vang ở đây, người ta thường nhắc quán Phú Quý, nhưng ngoài quán này còn hàng chục quán khác cũng rất ngon, bằng chứng là không có quán nào vắng khách. Các chủ quán hủ tiếu Nam Vang hầu hết là Việt kiều Campuchia hồi hương, chỉ riêng điều đó đủ tạo niềm tin cho thực khách là ăn không sợ lạc điệu.

Rồi thì phải kể đến đồ ăn vặt. Không dễ dàng gì mà một khu chợ khuất nẻo, lụp xụp, đường sá bất tiện lại cuốn hút được nhiều bạn trẻ, nếu như không có những hàng ăn độc đáo. Đó là những xâu chuối nướng kiểu Campuchia, nhìn thì hơi khô khan, nhưng ai ăn quen mới hiểu, vì sao cái món ăn có vẻ cục mịch, ít hấp dẫn này lại dám lặn lội ra tới xứ người. Rồi thì phá lấu, bánh khọt, bánh lọt, cháo đậu làm kiểu Campuchia, với đặc điểm là thường nấu với nước cốt dừa, lá dứa, đường thốt nốt, đường phèn…

Nhưng loại đồ ăn được nhiều bạn trẻ tìm tới nhất ở chợ này, là chè. Chè Campuchia ở đây nấu bằng đường thốt nốt, thường béo và không quá ngọt, và tạo hình rất bắt mắt. Món chè bí chưng, tiếng Campuchia kêu là Num À Pơi, làm từ trái bí ngô non bỏ hết ruột, trong có hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, nguyên liệu mua từ Campuchia, nhìn rất quyến rũ, mà hương vị cũng được nhiều người khen ngợi. Món chè bí chưng này có thể ăn riêng thành một món chè, hoặc cắt một miếng nhỏ bỏ chung với các nguyên liệu như thốt nốt, sầu riêng, nước cốt dừa… thành món chè thập cẩm kiểu Campuchia, ăn dễ liên tưởng tới chè Thái đã phổ biến mạnh ở Sài Gòn, nhưng tất nhiên mùi vị có khác. Rồi thì chè xôi xiêm, chè bà ba, chè thốt nốt, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ… có tên lạ, tên quen, nhưng tất cả đều được chế biến theo phong cách Campuchia. Các quán chè thường bán nhiều loại, tập trung ở gần cổng chợ, bà chủ sẵn lòng giới thiệu đặc điểm từng món cho các thực khách mới tới lần đầu.

Cứ như vậy, qua mấy chục năm tồn tại và phát triển, khu chợ len lỏi trong hóc hẻm một cách bí mật đã dần dần được biết đến như một tụ điểm ăn uống thú vị. Người ta đến chợ để ăn chè, ăn bún Num Bò Chóc, để mua các loại khô cá, các gia vị nấu món Campuchia, mà cũng để tìm hiểu đôi nét về văn hóa ẩm thực của một đất nước vừa rất quen vừa rất lạ.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)



You Might Also Like