Đất Hưng Yên, xưa gọi Phố Hiến, là vùng đất có nền văn hóa lịch sử lâu đời. Đến với Hưng Yên là để thả mình vào khung cảnh làng quê mộc mạc, phố phường cổ kính, đến với dấu vết của những truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử hay những di tích lịch sử quan trọng. Đến Hưng Yên, du khách còn được thưởng thức những món ăn cổ truyền rất độc đáo, trong đó có những món được liệt vào hàng “thượng phẩm” dâng Vua, có những món lại rất dân dã mà đậm đà tình quê.
Sau đây là những món đặc sản du khách có thể tìm ăn khi ghé thăm Hưng Yên:
|
Từ xa xưa tương Bần Hưng Yên là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”. Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương). Tương Bần Hưng Yên có hương vị khó diễn giải. Cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng. |
|
Cùng với tương Bần, nhãn lồng trở thành niềm kiêu hãnh của mảnh đất Hưng Yên. Mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai. |
|
Nhắc đến đặc sản Phố Hiến, phải nói đến bún thang lươn. Bát bún như một thang thuốc quý bồi bổ cho sức khỏe và như bức tranh nghệ thuật sống động với đủ màu sắc của bún, lươn, trứng, giò, hành, răm… Người thưởng thức ẩm thực sành điệu sẽ tấm tắc khi cảm nhận vị ngọt đậm đà của nước dùng. |
|
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng – giò bì phố Xuôi. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc. |
|
Chè sen long nhãn là sự kết hợp tinh túy giữa hương vị trời và đất, vị ngọt thơm của long nhãn quyện lẫn vị bùi của hạt sen, tạo thành hương vị riêng biệt. |
|
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến một món ăn đậm đà hương quê – chả gà Tiểu Quan. Gắp miếng chả gà giòn thơm, nhấp thêm chút rượu cay thực khách sẽ không quên món ăn dân dã này. |
|
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng. |
|
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng. Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Bát nước chấm thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm. |
|
Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu đã được xếp ngang với tương Bần. Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát. |
|
Người Hưng Yên rất tự hào với đặc sản cá mòi. Dù đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng Hai, tháng Ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này. |
|
“Đi thì nhớ vợ cùng con/ Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường”. Những chú “gà đồng” này có thể dùng để chế biến thành hai món là ếch om và ếch mọc. Nhưng món ếch om mới ngon và làm được nên thương hiệu ở Hưng Yên. |
theo LINH AN (doisongphapluat)