ĐẾN HƯNG YÊN KHÁM PHÁ TỪ MÓN DÂN DÃ TỚI MÓN TIẾN VUA

Đất Hưng Yên, xưa gọi Phố Hiến, là vùng đất có nền văn hóa lịch sử lâu đời. Đến với Hưng Yên là để thả mình vào khung cảnh làng quê mộc mạc, phố phường cổ kính, đến với dấu vết của những truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử hay những di tích lịch sử quan trọng. Đến Hưng Yên, du khách còn được thưởng thức những món ăn cổ truyền rất độc đáo, trong đó có những món được liệt vào hàng “thượng phẩm” dâng Vua, có những món lại rất dân dã mà đậm đà tình quê.

Sau đây là những món đặc sản du khách có thể tìm ăn khi ghé thăm Hưng Yên:

 

Từ xa xưa tương Bần Hưng Yên là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”. Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương). Tương Bần Hưng Yên có hương vị khó diễn giải. Cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng.
Cùng với tương Bần, nhãn lồng trở thành niềm kiêu hãnh của mảnh đất Hưng Yên. Mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.

Nhắc đến đặc sản Phố Hiến, phải nói đến bún thang lươn. Bát bún như một thang thuốc quý bồi bổ cho sức khỏe và như bức tranh nghệ thuật sống động với đủ màu sắc của bún, lươn, trứng, giò, hành, răm… Người thưởng thức ẩm thực sành điệu sẽ tấm tắc khi cảm nhận vị ngọt đậm đà của nước dùng.
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng – giò bì phố Xuôi. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc.
Chè sen long nhãn là sự kết hợp tinh túy giữa hương vị trời và đất, vị ngọt thơm của long nhãn quyện lẫn vị bùi của hạt sen, tạo thành hương vị riêng biệt.
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến một món ăn đậm đà hương quê – chả gà Tiểu Quan. Gắp miếng chả gà giòn thơm, nhấp thêm chút rượu cay thực khách sẽ không quên món ăn dân dã này.
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng. Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Bát nước chấm thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm.
Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu đã được xếp ngang với tương Bần. Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát.
Người Hưng Yên rất tự hào với đặc sản cá mòi. Dù đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng Hai, tháng Ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này.

“Đi thì nhớ vợ cùng con/ Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường”. Những chú “gà đồng” này có thể dùng để chế biến thành hai món là ếch om và ếch mọc. Nhưng món ếch om mới ngon và làm được nên thương hiệu ở Hưng Yên.

 

theo LINH AN (doisongphapluat)

ĐẾN HÒA BÌNH NHỚ ĂN ĐẶC SẢN MIỀN SƠN CƯỚC

Đến với xứ Mường, ngoài việc chiêm ngưỡng những cảnh quan tươi đẹp và làm quen với những con người hiền hòa, mến khách, bạn còn phải thưởng thức những món ăn ngon và độc đáo.

Lợn thui luộc

Ảnh: maichautravel.

Như tên gọi, thịt lợn được thui đều rồi luộc cho chín tới. Điểm đặc biệt là lợn vừa thui vừa làm lông, sau đó rửa sạch, bỏ nội tạng rồi treo lên cho ráo. Lợn ở đây là lợn nuôi thả rông nên thịt rất ngon, mỡ giòn chắc. Món thịt này ngon nhất khi chấm với muối rang hạt dổi và một số loại rau thơm trong rừng. Đây là một trong những món hấp dẫn khách du lịch nhất của xứ Mường.

Rau rừng đồ

Ảnh: dulichthungnai

Vì là miền núi cao, nên Hòa Bình có rất nhiều loại rau rừng rất ngon và bổ dưỡng: rau beo, tầm bóp, đốm, đu đủ, the hởi, hoa chuối, quả quạnh… tất cả đều có thể đem đồ lên làm rau đồ. Món này thường ăn cùng bánh dày, nước chấm.

Cá nướng đồ

Ảnh: eva

Cá ở đây là cá sống ở sông Đà, khỏe mạnh, chắc thịt. Cá được bắt về xiên thành xâu nếu cá nhỏ, và xiên dọc thân nếu cá lớn, sau đó được nướng trên than hồng. Sau khi nướng, cá được rắc muối rồi được gói trong lá chuối, đồ lên như đồ xôi, rồi thưởng thức. Món ăn này kết hợp với cơm lam tạo thành hương vị đặc trưng khó quên đối với những ai ghé qua miền sơn cước.

Thịt trâu nấu lá lồm

Ảnh: dulichhoabinh

Đây là một món ăn cổ truyền của người Mường, hấp dẫn khách thập phương bởi thịt trâu thui hầm nhừ chung với lá lồm (có vị chua) và gạo tấm. Món ăn thường điểm thêm những lát ớt đỏ tạo nên hương vị chua ngọt, cay mặn tự nhiên hấp dẫn.

Măng chua nấu gà

Ảnh: dulichthungnai

Loại gà ngon nhất để nấu món này là gà Lạc Sơn, chuyên sống và kiếm ăn trên núi đá vôi, thịt ngọt thơm và dai. Khi nấu cùng măng chua, gà được chọn là gà nhỡ, nấu với măng cho nhừ rồi nêm thêm hạt từ cây dổi – một loại hạt gia vị độc đáo của tây bắc. Hạt dổi vị rất thơm, khi ăn cùng với thịt nó tạo nên một vị ngon lạ lùng hấp dẫn.

Măng đắng nướng

Ảnh: sinhcafe

Măng ở đây là măng sặt mới nhú, được nướng củi cho cháy xém, queo lại. Chỉ vậy thôi. Khi ăn, người ta lột bỏ lớp vỏ ngoài, cầm từng bẹ măng chấm với “Chẩm chéo”, một loại đồ chấm đậm hương vị tây bắc làm từ muối, mắc khén, ớt, lá gừng, tỏi, lá tỏi… Cái ngon mộc mạc đơn sơ của măng đắng khi kết hợp với chẩm chéo tạo nên một hương vị hấp dẫn khó chối từ.

Chả nướng lá bưởi

Ảnh: dulichthungnai

Chả ở đây là miếng thịt ba chỉ thái nhỏ, nêm với chút mắm, hành rồi cuốn trong lá bưởi sau đó xiên thành xiên, nướng chín trên than hoa. Mộc mạc là vậy nhưng món ăn lại mang một hương vị ấn tượng từ mùi thơm ngọt của thịt quyện với dầu lá bưởi cay nhẹ. Khách đã ăn món này thì khó mà quên được.

Chả rau đáu

Ảnh; dulichdantri

Món ăn được coi là “quý” của người Mường, chỉ giành cho khách quý. Sở dĩ gọi “quý” vì muốn làm món này phải chuẩn bị nhiều ngày trời, chủ yếu là đi tìm lá đáu tươi ngoài suối. Lá đáu được coi là một vị thuốc bổ dưỡng, vị thanh mát, dễ ăn.

Cam Cao Phong

Ảnh: lamchame

Đất Cao Phong trồng được nhiều loại cam ngon, nhưng cam Canh là được đánh giá cao nhất vì vị ngọt sâu hấp dẫn, múi cam mọng căng nước. Đến thị trấn Cao Phong bạn có thể tìm mua loại cam này, tuy nhiên nên tìm mua tại các vườn cam để có cam ngon.

Canh Loóng

Ảnh: vtc

Món canh nghe lạ tai này được làm từ nõn chuối rừng nấu với nước luộc thịt, nêm hạt dổi, điểm thêm vài lá lốt rừng thái nhuyễn. Món ăn giản dị nhưng hấp dẫn bởi mùi hương rừng núi.

Thịt chua

Ảnh: dulichthungnai

Đồng bào miền cao thường có món thịt muối chua, và người Mường Hòa Bình cũng vậy. Món thịt lợn muối làm khá công phu. Khi ăn phải ăn cùng với nhiều loại lá rừng, toàn là lá thuốc, không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng.

Bảo Tố (tổng hợp)

ĐỘC ĐÁO CƠM GÀ “ĂN TỚI ĐÂU, TRẢ TỚI ĐÓ” Ở PHAN RANG

Nếu bạn từng có dịp đi đến đất Phan Rang nắng gió, ắt hẳn sẽ biết đến món “Cơm gà Phan Rang”. Cho dù chưa ghé quán ăn nhưng bạn sẽ thấy những bảng hiệu cơm gà lớn nằm ở ngay cửa ngõ thành phố.

Đất Phan Rang – Ninh Thuận nổi tiếng là nơi còn giữ lại nhiều tháp Chàm – kiệt tác kiến trúc của những triều đại Champa từng hùng cứ nơi đây. Phan Rang còn là nơi hấp dẫn du khách bởi những vườn nho rộng lớn, đẹp đẽ cũng như những bãi biển xanh biếc mời gọi. Khách đã đến với Phan Rang lại càng nhớ vùng đất này hơn qua những món đặc sản như Bánh xèo, bánh căn, bánh canh chả cá… cùng một món ăn độc đáo không thể không kể đến đó là cơm gà Phan Rang.

Tháp Chàm Po Klong Garai, di tích Champa nổi tiếng nhất Phan Rang. Ảnh: Trần Khiêm.

Cơm gà Phan Rang là món ăn khá “sang” ở miền đất này. Một phần tạo nên “đẳng cấp” của món ăn đó là nhờ vào sự cầu kỳ trong khâu chọn lựa, chế biến của nó. Theo nhiều người sành ăn, món cơm gà Phan Rang có thể có nguồn gốc từ món cơm gà Hải Nam nổi tiếng của dân đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tuy vậy, cơm gà Phan Rang đã tạo ra được những nét riêng đủ để thỏa lòng người muốn khám phá, trải nghiệm.

Cầu kỳ trong chế biến…

Để có vị ngọt, kết cấu mềm, thì món gà trong dĩa cơm gà Phan Rang phải làm từ gà mái đẻ lứa đầu. Gà phải là giống gà ta nuôi thả vườn. Thịt gà được luộc với lượng nước vừa đủ, để khi nấu xong nước đạt độ sánh quyện để dùng làm nước nấu cơm.

Gạo được ướp với tỏi, gừng cho thơm sau đó xào sơ cho bóng màu và chắc hạt, trước khi nấu chung với nước luộc gà đến khi nước vừa cạn. Công đoạn tiếp theo là chuyển cơm qua nồi hấp. Phương pháp nấu khá cầu kỳ này mang lại cho món cơm kết cấu chắc, rời hạt nhưng vẫn mềm mại, và còn có màu vàng ươm bắt mắt.

Một phần quan trọng trong món cơm gà này là nước chấm. Có nhiều loại nước chấm để dùng kèm món gà này tùy theo nơi chế biến. Nhưng thường thấy nhất là muối chiêu chanh, muối ớt hành và nước mắm pha hèm rượu – một loại nước chấm khá đặc biệt.

Thịt gà trong món cơm gà Phan Rang. Ảnh: Huấn Phan.

Khi bạn gọi cơm gà, phục vụ sẽ bưng ra khá nhiều dĩa: Dĩa đựng cơm, dĩa đựng gà, dĩa đựng rau bao gồm rau răm và dưa leo, cùng vài dĩa nhỏ đựng đồ chấm. Sau đó là đến lượt thưởng thức của bạn.

Bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt ngay khi cắn miếng gà đầu tiên: phần da gà không dai mà rất mềm, cắn nhẹ là ngập răng ngay, trong khi thịt gà mềm, hơi dai và có vị ngọt rất tự nhiên, hòa quyện với chút vị mặn điểm trên miếng da gà. Chấm gà vào mỗi loại đồ chấm bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi về hương vị. Phần cơm có hạt rời nhưng dẻo mềm, thơm thoang thoảng mùi gừng, tỏi và vị ngọt của nước luộc gà. Phần ăn tuy để riêng từng loại, nhưng rất cả đều quan hệ, cộng hưởng với nhau, từ miếng gà, hạt cơm, cọng rau răm hay nước chấm, điều đó tạo nên sự ngon miệng khiến bạn khó mà dừng đũa.

…và độc đáo trong cách phục vụ

Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý khi ăn món cơm gà đặc biệt này tại các hàng quán ở Phan Rang. Đó là khi dọn cơm cho khách, trong đĩa gà có nhiều miếng gà chặt vừa vặn, đều đặn, lượng gà hơi nhiều một chút so với khả năng ăn của thực khách. Nhiều người mới ăn lần đầu, thấy vậy không nghĩ gì, cố ăn cho hết, nhưng đến khi tính tiền thì lại giật mình khi phải thanh toán số tiền gấp đôi, gấp ba số tiền một đĩa cơm.

Chủ quán sẽ không đợi bạn nổi nóng, mà nhẹ nhàng giải thích cho bạn rằng cơm gà ở đây bán theo kiểu “ăn tới đâu, trả tới đó”, bạn ăn một miếng thì sẽ tính theo đúng giá ghi trên bảng giá. Nhưng nếu ăn thêm miếng thứ hai, thứ ba, số tiền sẽ được cộng lên, trong khi giá một miếng gà cũng gần bằng đĩa cơm. Nếu bạn chỉ ăn một miếng, phần gà còn lại sẽ không tính tiền, để rồi sau khi bạn ăn xong, phần thịt gà đó được dọn đi để phục vụ người khác.

Một phần cơm gà Phan Rang. Trong đĩa gà có tới 3 miếng gà, ăn tới đâu tính tiền tới đó. Ảnh: Trần Khiêm.

“Quy luật” độc đáo này không hề được giải thích từ đầu hoặc ghi trên bảng giá của quán ăn, khiến cho nhiều khách mới tới ăn lầm tưởng là quán bán rẻ, dọn nhiều gà, bỏ thì tiếc nên phải cố ăn hết, để rồi phải thanh toán giá tiền cao bất ngờ. Nhiều khách du lịch vừa ăn ngon xong lại phải “tức ngực” vì vấn đề này.

Lạ và dễ “hiểu lầm” như vậy, nhưng tìm hiểu nhiều nơi mới biết, đối với món Cơm gà Phan Rang, kiểu bán này là rất bình thường.

Bỏ qua cách phục vụ khá lạ lẫm nhưng cũng khá dễ gây ngộ nhận đối với ai chưa biết, thì cơm gà Phan Rang là một món ăn ngon lành và đặc biệt. Nếu có dịp đến Phan Rang, hãy ghé thử một trong những quán cơm gà nổi danh như Khánh Kỳ, Phước Thành hoặc các quán đông khách nào bạn phát hiện được để thưởng thức món ăn trứ danh này…

Mẹo: Các quán cơm gà thường tập trung ở trên đường Trần Quang Diệu, Phan Rang – Tháp Chàm.

Gia Hân.

NHỮNG MÓN NGON NÊN KHÁM PHÁ KHI ĐẾN THĂM NINH BÌNH

Ninh Bình nổi danh là vùng đất có bề dày lịch sử, quê hương của ba triều Đinh, Tiền Lê, Lý, cũng là nơi có những thắng cảnh đẹp như tranh thủy mặc được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài ra, du khách đến Ninh Bình cũng bị hấp dẫn bởi những món ăn ngon mà độc đáo ở vùng đất sơn thủy hữu tình này.

Sau đây là những món ăn không nên bỏ qua khi đến với Ninh Bình:

 

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy là một trong hai món đăc sản đầu tiên người ta nghĩ tới khi nói về Ninh Bình (món kia là thịt dê). Cơm cháy Ninh Bình được làm và bán ở khắp thành phố. Món ăn này làm từ gạo chiên giòn, cháy nhẹ. Cơm cháy có thể ăn với nước chấm, hoặc ăn kèm với nhiều loại phụ liệu khác như ruốc, thịt… nhưng vẫn giữ được vị ngọt thơm quyến rũ, kết cấu giòn tan.

 

Cà niễng

 

Cà niễng trông khá giống con Cà cuống, nó chỉ to bằng đầu ngón tay út, màu đen, vỏ hơi cứng. Cà niễng được bắt từ các đồng ruộng, nơi nhiều rong rêu, cỏ lác, cỏ năng. Con vật này được bỏ hết chân, cánh, moi bụng, làm sạch để ráo rồi rang thơm cùng mắm muối. Cách chế biến đơn giản mang lại cho cà niễng một hương vị mộc mạc khó quên, đậm chất đồng quê.

Nem Yên Mạc

Đất Yên Mạc của Ninh Bình có món ăn khoái khẩu là món nem chua từ thịt lợn. Tương truyền món này do Phạm Thị Thư, con quan thượng thư Phạm Thận Duật phát triển từ món nem chua của cung đình Huế. Món nem này nổi bật với màu hồng hào hấp dẫn của thịt lợn thái cọng, được trộn với bì, thính cùng các loại gia vị giúp triệt tiêu mùi tanh của thịt sống. Nem ăn cùng với lá sung, lá ổi, chấm nước mắm chanh tỏi ớt rất hấp dẫn và ngon miệng.

Cua đồng rang lá lốt

Món ăn đầy hấp dẫn này được làm từ cua đồng rang giòn cùng lá lốt thái sợi, ăn cùng nước chấm. Tuy giản dị nhưng cũng chính nhờ cái giản dị đó mà món ăn có hương vị rất đậm đà, thấm thía. Ngày nay, cua đồng rang lá lốt không chỉ là món ăn ở nơi quê nghèo, nó đã trở thành món đặc sản không thể bỏ qua.

Nem dê

 

Dê Ninh Bình được thả sống tự do trên núi, nên thịt dê chắc, ngọt, ít mỡ và rất bổ dưỡng. Dê Ninh Bình được bắt về làm nhiều món, trong đó nem dê là một trong những món độc đáo. Nem dê có kết cấu chắc, vị chua ngọt hấp dẫn, ăn kèm lá ổi, lá sung, đầy đủ hơn thì có khế, mơ, rau thơm, tương gừng… Tạo nên một món ăn đầy đủ hương vị hòa quyện, kích thích.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn

Nếu đã từng mê món gỏi cá thì bạn không thể bỏ qua gỏi cá nhệch của Ninh Bình. Cá nhệch là loài cá khỏe mạnh, khó bắt, thường sống ở vùng đầm phá, cửa sông. Cá bắt làm gỏi là cá to khoảng 4 lạng trở lên, được sơ chế kĩ càng rồi bóp thành gỏi cùng với thính, nước chấm, dấm, gừng, tiêu, ớt, sả…Tạo nên một món gỏi cá ngon lành hấp dẫn, không còn chút mùi tanh của cá.

Dê tái ở cố đô Hoa Lư

Ninh Bình có rất nhiều món làm từ những con dê thả rong trên những ngọn núi cao chót vót, trong đó có món dê tái hay còn gọi là tái dê. Tái dê Hoa Lư thường được coi như món dê ngon nhất  trong các món dê. Dê cùng các nguyên liệu ăn kèm được sơ chế và chế biến rất cầu kì, để trở thành món ăn cực ngon và bổ dưỡng sẵn sàng cho du khách thưởng thức.

Canh chua cá rô Tổng Trường

“Đi thì nhớ cậu cùng cô

Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”

Món canh dân dã nhưng nổi tiếng từ bao đời nay của đất Tổng Trường, đó là món canh cá rô. Tổng Trường là vùng đất có nhiều hang động, khe suối, cá rô bắt ở đây rất ngon, ngọt và chắc. Món cá này được nấu với dưa, cà chua, đậu… tạo nên vị chua ngọt thanh dịu nhưng đày thấm thía, đã ăn rồi thì khó mà quên được.

Xôi trứng kiến Nho Quan

Xôi trứng kiến Nho Quan là món ăn lạ khiến nhiều người phải săn lùng khi đến với đất cố đô. Trứng kiến ở đây là ấu trùng của loài kiến nâu bắt ở các vùng đá vôi lởm chởm của huyện Nho Quan. Trứng được sơ chế, tẩm ướp kĩ để không còn mùi tanh hôi rồi mới được bày ra ăn kèm với xôi nếp thơm dẻo từ những cây lúa nếp trồng ở nơi đây.

Mắm tép Gia Viễn

Mắm tép của đất Gia Viễn làm từ tép riu tươi, ngâm mắm trong ít nhất một tháng rồi mới nấu chín. Món mắm này rất ngon, ngọt và đậm đà khó quên.

Rượu cần Nho Quan

Đất Nho Quan còn một đặc sản khác là rượu cần. Rượu cần Nho Quan xuất xứ từ đồng bào dân tộc Mường tại đây. Rượu làm từ cơm nếp trộn men, ủ trong hũ sành trong ít nhất ba tháng rồi sử dụng chứ không hề chưng cất. Cũng như rượu cần tây nguyên, rượu cần Nho Quan được uống bằng cách hút từ những cần trúc dài cắm vào hũ.

Cá kho gáo

Gáo là loại cây thuốc thường có ở khe suối, chân đồi… Quả gáo chua ngọt, có mùi thơm, được sử dụng như me, sấu trong các món canh, kho, trong đó có kho cá. Gáo giúp món cá hết tanh, khó ngán, tạo nên hương vị hấp dẫn cho món ăn.

 

Bánh trôi

Những chiếc bánh trôi trắng tròn rất quen thuộc với người dân miền Bắc. Nhưng bánh ở Ninh Bình trở nên đặc biệt nhờ phần nhân được làm từ đường mật, đậu phộng giã, lá cúc mốc thái nhỏ… tạo nên một vị ngọt mát, thơm tho lạ lùng.

Miến lươn

Miến lươn cũng nằm trong danh sách đầy ắp món ngon từ Ninh Bình. Lươn trong miến lươn Ninh Bình là lươn cốm, lưng nâu bụng vàng, nhỏ con nhưng thịt chắc thơm, ngọt. Đây sẽ là một hương vị khó quên cho cuộc hành trình khám phá cố đô của du khách.

 

Ốc núi đá Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình cũng chính là loại ốc nổi tiếng ở vùng núi bà Tây Ninh, với thịt chắc ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi là một đặc sản mới nổi của Ninh Bình. Ốc được bắt từ các dãy núi Tam Điệp, Nho Quan, Yên Mô… và được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Trần Anh tổng hợp

Hình ảnh: sưu tầm.

CHUỖI HỆ THỐNG “BÁNH MÌ HỘI AN” GIÁ 10.000Đ/ Ổ TẠI SÀI GÒN

Bánh mì Hội An là một đặc sản nổi tiếng của phố cổ Hội An, món ăn không chỉ hấp dẫn đối với người trong nước mà còn là thứ phải tìm kiếm khi đến Việt Nam của du khách quốc tế. Tuy vậy, kiểu bánh mì kẹp thịt đặc biệt này hiện nay chỉ chủ yếu phổ biến tại khu vực phố cổ Hội An.

Sau một chuyến về thăm quê ở Hội An, ông Phan Trung – một doanh nhân thành đạt trong ngành Tư Vấn và Thiết Kế Xây Dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tưởng lại thuở niên thiếu, chỉ ước ăn được một ổ bánh mì đặc sản quê hương – Phố Cổ Hội An. Chính vì vậy khi đã thành đạt anh đã nhen nhóm ý định làm một việc có ý nghĩa cho nơi sinh ra & lớn lên của mình.

Bánh mì theo phong cách Hội An, từ vỏ bánh thon, đặc ruột, cho tới phần nhân phối hợp nhiều nguyên liệu được chế biến cầu kì.

Thế là ý tưởng phát triển chuỗi hệ thống “Bánh mì Hội An” mang hương vị Phố Cổ ra đời tại Sài Gòn nhằm quảng bá một món ăn truyền thống, hương vị khác lạ, ngon miệng. Đặc biệt chuỗi bánh mì đồng giá 10.000đ, phù hợp túi tiền cho dân lao động, công nhân, học sinh, sinh viên.

Nhiều người bạn tưởng đùa nhưng không ngờ chỉ hơn 1 tháng, ở khu vực quận Thủ Đức và Bình Thạnh, ông Trung đã ra đời 5 địa điểm với thương hiệu “Bánh mì Hội An“.

Mục tiêu của chuỗi Bánh mì Hội An là đưa hương vị này đến với mọi đối tượng, tầng lớp.

Với phương châm hỗ trợ người nghèo có công việc và thu nhập ổn định, trong 10 ngày học việc và bán thử, ông Trung đều bao chỗ ở và sinh hoạt phí cho các bạn ở Tỉnh.

Các phương tiện để kinh doanh như: xe bánh mì inox khang trang sạch sẽ, lò nướng có thể phục vụ cùng lúc hơn 20 ổ, ngoài ra còn hỗ trợ thêm banron, bàn ghế, dù v.v… Đặc biệt trong tuần lễ khai trương của từng địa điểm đều có chương trình khuyến mãi & mời dùng thử miễn phí.

Một xe thuộc chuỗi Bánh mì Hội An trên đường Chu Văn An, Bình Thạnh.

Trước 6h sáng hàng ngày cung cấp toàn bộ nhân & bánh đầy đủ theo yêu cầu. Nếu bán không hết ông sẽ có nhân viên đi thu lại và trên mỗi ổ bánh mì đồng giá bán 10.000 đồng/1 ổ sẽ được trích lại 2.000 đồng cho người đứng bán.

“Hiện nay, chuỗi  hệ thống thức ăn nhanh từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam khá mạnh như KFC, Mc Donald v.v… tràn ngập thị trường dù cho giá rất cao & không hợp khẩu vị với đa số người Việt. Tại sao Bánh Mì Hội An mang hương vị đậm đà truyền thống Phố Cổ, thơm ngon & trên hết là đảm bảo sạch lại không phổ biến trên chính đất nước ta đang ở?”

Ông Phan Trung, chủ chuỗi hệ thống “Bánh mì Hội An” tại Tp.HCM.

Từ đây đến cuối năm 2015, ông Trung dự định sẽ phát triển thêm 20 địa điểm tại các Quận Huyện lân cận khác. Một công việc khá đơn giản trong thời điểm hiện nay dành cho người nghèo hay những người có khoảng thời gian nhàn rỗi vào đầu giờ sáng để tăng thêm thu nhập.

Nếu các bạn muốn hợp tác với chuỗi cửa hàng, xin liên hệ 0915484883 – 0915483334 từ 8h đến 19h hàng ngày.

Tú Anh

Những món ngon không thể bỏ qua khi đến Quảng Bình

Đến với Quảng Bình, bên cạnh việc đắm chìm trong cảnh sắc hữu tình của Phong Nha, Sơn Đoòng hay biển Nhật Lệ, bạn đừng quên khám phá những món đặc sản rất ngon và thấm thía của miền đất này.

1. Bánh xèo Quảng Hòa 

Bánh xèo Quảng Hòa làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm.

Đĩa nộm gồm có giá, rau két và vừng. Đậu đỗ giá làm nộm phải loại đậu đỏ, hạt to bậm. Gạo làm bánh xèo là loại lúa mành màu đỏ, chỉ xay bóc vỏ lúa (còn có tên gọi là gạo đỏ, gạo lứt) ngâm nước khoảng 5 tiếng rồi đem xay, dùng muôi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ. Xay được hai lần cho gạo mịn. Xay xong, bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo. Khuôn tráng bánh cũng do bàn tay người đàn ông Quảng Hòa (vùng nam Quảng Trạch) làm ra, miệng lớn hơn bát ăn cơm một chút, thành khuôn mỏng, cao khoảng 1,5 cm, đáy bằng phẳng.

Bếp làm có thể tráng một lúc được nhiều khuôn. Bếp thật đỏ lửa mới bỏ khuôn lên, khi tráng bánh chú ý lửa thật đỏ và đều thì bánh mới nở dậy, có hình hoa văn. Khi khuôn đã nóng, dùng môi hay tàu chuối tẩm mỡ chà lên đáy khuôn rồi múc bột gạo tráng lên. Tráng đến khuôn thứ ba thì bánh khuôn đầu đã chín, cứ lần lượt làm như thế.

Món cá chuối mới là lạ mắt nhất. Nguyên liệu chính là những quả chuối sứ (loại chuối có hạt) chưa già nhưng cũng không non quá. Người ta hái xuống, gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ. Sau đó luộc, uốn thành hình thù con tôm, con cá rồi lấy từng con cá chuối nhúng qua vào bát gia vị. Lúc sắp cá lên đĩa, có thể rưới thêm một ít gia vị có ớt, tỏi. Như vậy trong mỗi lát cá đều thấm gia vị. Khi ăn, lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa.

Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời.

2. Khoai deo

Với cái nắng chói chang cùng với hơi nước từ biển thổi vào trên đất Quảng Bình đã cho ra khá nhiều loại khoai ngon tuyệt vời mà một trong những đặc sản được chế biến từ khoai chính là khoai deo. Khoai deo ngon thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Vì hình dạng giống như củ sâm, lại chứa nhiều dưỡng chất nên khoai deo được người dân Quảng Bình ưu ái đặt cho tên “sâm đất”.

Khoai deo đã trở thành món ăn thú vị của nhiều tầng lớp – từ bình dân lao động đến những cô cậu học trò lén giấu trong cặp sách mang đến lớp và cả những nhân viên văn phòng “ngồi nhai cho đỡ buồn”. Chầm chậm để vị ngọt bùi của lát khoai tan chảy nơi đầu lưỡi, cái cung cách thưởng thức mộc mạc đó phần nào thể hiện tâm hồn người Quảng Bình: từ tốn nhưng có chút chịu đựng, kham khổ.

3. Đẻn biển

Đẻn biển chính là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1 đến 2 mét, có vảy, mình vằn da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt. Đẻn biển là loài có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Đẻn gồm rất nhiều loại như đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đẻn bông, đẻn gai. Mỗi loại đẻn khi chế biến lại có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc. Vì thế mà con đẻn luôn được du khách “thích mê” trước khi thưởng thức những món khác tại các nhà hàng ven bờ Nhật Lệ.

Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nức tiếng nhất là tiết đẻn và ram đẻn. Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ mà du khách bốn phương tò mò muốn thưởng thức hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng đem pha với rượu, rất thơm mà còn chữa được bệnh nhức xương. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bình rượu ngon được trưng bày, bên trong là những con đẻn được ngâm ít nhất 3 đến 5 ngày trước đó.

Hãy một lần nhấm nháp hương vị của rượu tiết đẻn, bạn sẽ cảm thấy cái vị ấm nồng và hơi chát hòa lẫn, tạo nên cảm giác rất khó quên. Ngoài rượu đẻn thì ram cũng là một món ngon từ đẻn biển. Những con đẻn được làm sạch sẽ, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, băm thật nhuyễn rồi cho gia vị trộn đều. Ướp được một lúc cho thấm thì đem cuốn lại thành từng chiếc ram nhỏ, bắc lên chảo rán đều. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm bốc lên thật cuốn hút, chưa ăn đã thấy thòm thèm! Một đĩa ram đẻn nóng hổi thơm ngon sẽ khiến du khách bốn phương muốn ở mãi không về.

Nếu có dịp về quê hương Quảng Bình, đến tham quan những địa danh nổi tiếng như Phong Nha – Kẻ Bàng, du khách đừng quên dừng chân bên bờ Nhật Lệ để thưởng thức món ram đẻn nóng hổi hay rượu đẻn thật đặc biệt nhé!

4. Cháo canh

Có lẽ cũng như phở với người Hà Nội, cháo canh gắn bó với người Quảng Bình như thức ăn không thể thiếu vào buổi sáng. Chỉ có điều nếu phở thưởng thức cả ngày lẫn đêm thì cháo canh chỉ bán một buổi. Món này cũng không bày bán nhan nhản như phở Hà Nội bây giờ (từ Bắc vào Nam, từ vỉa hè đến cửa hiệu) mà được chọn lọc bởi những cửa hiệu uy tín hay những thực khách sành sỏi.

Giống như tính cách người Quảng Bình mộc mạc, chân chất, về hình thức cháo canh không đẹp mắt và cầu kỳ như phở. Sợi mì được làm khá thô sơ (nhào mịn, cán mỏng và cắt sợi theo cách thủ công) nên sợi to và dày chứ không mềm, mỏng như bánh phở. Nước dùng nhiều và có màu vàng ươm của thịt cua, chứ không sền sệt như tô bánh canh cua.

Trong tô cháo canh có sự kết hợp của cá, tôm, thịt nạc… Trong đó, cá lóc là nguyên liệu không thể thiếu. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy thịt, xào, nêm vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục. Những lát hành, ngò thái mỏng sẽ được rắc đều lên mỗi tô cháo canh đang bốc hơi nghi ngút để vội bưng đến cho khách thưởng thức.

Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ. Tô cháo canh nóng hổi được trộn thêm những lát rau cải xanh sẽ điểm thêm màu sắc và hương vị tươi ngon. Vị cải xanh vừa ngọt vừa cay tạo cảm giác bùi bùi nơi sống mũi khi thưởng thức.

Ở TP Đồng Hới, cháo canh có thể ăn kèm với nem chả – dù hai thức này không hề ăn nhập với nhau. Sự kết hợp này có xuất xứ từ những người nông dân quê Mộ Trạch để thêm no bụng. Miếng nem chả giòn tan, thơm phức sẽ cuốn hút bạn thưởng thức, sau đó nhâm nhi nước dùng, rồi những miếng cá lóc còn nóng sốt.

5. Lẩu cá khoai

Các quán ở Đồng Hới chuyên món lẩu cá khoai (có nơi gọi cá cháo). Chỉ cần nhìn tô cá đã ướp gia vị mang ra để trên bàn thôi thì nước miếng cũng đã chảy. Từng khúc cá trắng nõn nà, mũm mĩm như thách thức, khêu gợi. Cá được làm sạch, bỏ đầu, ruột, cắt đôi. Ướp cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường như muối, ớt, bột ngọt nhưng luôn phải có thật nhiều cây nén (thuộc họ hành tỏi) được cắt mịn cả lá và củ nhỏ.

Còn nồi nước lẩu gồm các loại như cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Kể ra đơn giản nhưng không phải vị chỗ nào cũng ngon mà còn phụ thuộc vào bàn tay người chế biến. Một yếu tố quyết định nữa là cá phải thật tươi.

Vừa nói năm ba câu chuyện, nồi nước đã sôi sùng sục trên ngọn lửa mạnh, lúc này mới gắp cá cho vào. Không nên cho hết cá vào nồi cùng lúc; một người ăn hai khúc một lượt, cứ cộng lại rồi cho vào, hết lượt này đến lượt khác. Không để cá quá chín vì sẽ nát ra và mất hết chất; chỉ cần sôi lên một chút là vớt ra chén. Ăn ngay sau khi bớt nóng, đừng để nguội cá sẽ tanh.

6. Bánh lọc bột sắn, tôm sông

Bánh lọc vốn từ trong Huế, Đông Hà ra rồi neo lại ở Quảng Bình, được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một món ăn đặc biệt nhất ở Quảng Bình. Không mấy ai qua Đồng Hới lại không muốn nếm thử và mua bánh làm quà.

Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển.

Bột sắn sau khi đã lọc, đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng, sồn sột sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín. Đây là thao tác công phu nhất của người làm bánh lọc.

Mỗi chiếc bánh bột lọc bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hông (đồ như đồ xôi), dành cho người mang đi xa. Loại bánh gói này có thể để nhiều ngày, khi ăn, đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm dẻo như bánh mới, được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình với những lát ớt cay xé lưỡi mới càng đáng nhớ.

Ở Quảng Bình ngon nhất là bánh lọc của mệ Xá Đồng Hới. Loại bánh dày công, đủ chất bổ dưỡng ấy lại rất rẻ. Chỉ vài chục nghìn là cả nhà có thể có được bữa liên hoan hoặc mang đi xa thành một món quà quý.

Hạt Tiêu tổng hợp (ngoisao.net)

5 MÓN ĂN NGON VÀ ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẤT KIÊN GIANG

Miền đất Kiên Giang nổi tiếng với biển đảo trù phú, khung cảnh tươi đẹp, bên cạnh đó là những món ăn nổi tiếng mà ai đã nếm một lần thì không thể quên.

Sau đây là những món du khách nên khám phá khi đến với Kiên Giang:

Bánh canh ghẹ chả

Bánh canh ghẹ – đặc sản Kiên Giang – vốn dĩ đã ngon, bánh canh ghẹ chả của Hà Tiên lại càng hấp dẫn vì nguyên liệu xuất sắc. Ghẹ, cá làm chả, tôm, đầu cá thu chế biến nước dùng đều tươi và chất lượng.

Nước lèo từ tôm khô, thịt, xương heo lại được cho thêm đầu cá thu lấy khi tàu vừa cập bến thơm, ngọt, mặn mà lại rất thanh. Còn chả cá chế biến bằng thịt cá thu càng đáng nói. Cá tươi nạo, trộn với gia vị cơ bản như tiêu, tỏi, hành, bột ngọt, mắm rồi quết thật đều tay.

Khi hỗn hợp nhuyễn đều, ép dẹp đem hấp chín hoặc chiên. Từng miếng chả dậy mùi khi ăn sẽ được thái nhỏ vừa dai, vừa giòn, vừa đậm đà. Đặc biệt, ghẹ không quan trọng là to hay nhỏ nhưng thật chắc thịt, còn sống cho vào luộc nên ngọt ngon.

Bánh canh ghẹ hương vị thơm ngon, quyến rũ (Ảnh internet)

Tô bánh canh ghẹ bưng ra dễ làm người ăn ngạc nhiên vì chỉ thấy ghẹ với chả, bánh canh trắng nằm phía bên dưới khiêm nhường. Bánh canh ghẹ làm toàn từ hải sản nhưng không hề có chút tanh ngược lại, mùi rất quyến rũ. Một tô thôi nhưng trong đó tập hợp đủ vị biển làm say lòng thực khách mê hải sản.

Gỏi cá trích

Hầu như du khách nào đến Phú Quốc đều phải thu xếp cho được một bữa ngồi ngay bờ biển và thưởng thức gỏi cá trích, để rồi sau đó, không ai nói lời hối tiếc. Gỏi cá trích đi kèm với với bánh tráng cuốn, rau, đồ chấm.

Cá trích tươi ngon ngọt còn mang vị biển với béo béo dừa nạo, hăng hăng hành tây (Ảnh internet)

Đĩa gỏi cá trích – đặc sản Kiên Giang – mới được mang ra dễ khiến người ăn lúng túng vì bên trên phủ toàn dừa nạo trắng muốt. Thực khách sau đó phải trộn đều lên mới nhận rõ tầng sâu hấp dẫn với những miếng thịt cá tươi rói, rau thơm, đậu phộng ngon mùi, hành tây, ớt tươi tạo thành tập hợp nhìn đã thấy mê.

Vậy nên thật nhanh tay cầm miếng bánh tráng, nhúng sơ vào nước cho mềm rồi nhón chút rau sống nào xà lách, dưa leo, rau thơm… gắp gỏi cho lên trên, sau đó, cuộn lại thật chắc tay, chấm vào chén tương nâu vàng đầy mời gọi để biết món gỏi cá trích quả đúng lừng danh.

Cá trích tươi ngon ngọt còn mang vị biển với béo béo dừa nạo, hăng hăng hành tây, điểm thêm rau sống giòn mát là món nhâm nhi tuyệt vời.

Bún cá

Bún cá ở Kiên Giang phổ biến và đi vào trong cuộc sống thường nhật của người dân, ngấm cả vào những câu ca dao:

      “Chai rượu, miếng trầu em hầu tía, má
Nấu tô bún cá đặng lấy lòng anh”

hay

      “Ai về Rạch Giá, Kiên Giang
Ăn tô bún cá chứa chan tình người”

Bún cá Kiên Giang khác biệt từ cách làm cho đến hương vị cũng là món ăn được du khách phương xa yêu thích. Cá to khoảng 1 kg, rửa sạch, cắt thành 3 khúc. Đặc biệt, làm sao làm sạch dạ dày cá nhưng để nguyên bộ lòng. Tiếp đó, đem cá đi hấp chín, rồi lột da, bẻ thịt cá thành từng miếng.

Tô bún nghi ngút khói, những miếng cá ngon, tôm vàng hấp dẫn trên nền bún trắng (Ảnh internet)

Tép biển rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp chút muối, một ít tiêu, tỏi… rồi rim nhỏ lửa với tỏi mỡ đếnn khi tép săn lại, vàng ươm, thơm lừng thì múc ra tô để nguội. Nước lèo nêm cho vừa ăn và nhớ không thể thiếu khô mực nướng xé nhỏ cho thêm vào để có vị riêng.

Mùa cá có trứng thì đánh trứng cá tơi ra, cho luôn vào nồi nước này. Trong khi đó, bún cũng cần dụng công không kém khi chế biến từ gạo ngâm nước dừa vừa trắng, vừa mượt.

Tô bún nghi ngút khói, những miếng cá ngon, tôm vàng hấp dẫn trên nền bún trắng, nước sóng sánh điểm hành lá xanh đẹp như một bức tranh. Người ăn cho thêm chút ớt, nhánh nhau sống, lá rau thơm làm cho món ăn lại càng quyến rũ.

Vị nước dùng thanh thơm mùi cá, mùi mực và beo béo trứng khó mà tìm gặp ở món bún nơi nào khác. Bún dai, thơm dừa, cá tôm ngon ngọt. Tất cả đều làm hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Nấm tràm

Nấm tràm có nhiều ở Phú Quốc là loại đặc sản có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Tuy nhiên, nấm tràm không phải lúc nào cũng sẵn. Muốn ăn nấm tươi phải đúng mùa mưa. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn là nơi để nấm tràm phát triển. Nấm tràm bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn tháng thì hết mùa.

Nấm tràm có nhiều ở Phú Quốc, có vị giòn xốp, ngọt ngon và vị đăng đắng đặc trưng! (Ảnh internet)

Luộc gà rồi cho nấm tràm vào nấu với nước gà luộc là món đơn giản và giữ được vị nguyên của nấm nhất. Vừa xé gà chấm muối tiêu chanh, thỉnh thoảng húp chút nước, gắp miếng nấm tràm ngắm trời mưa thật ấm người, ấm lòng và thỏa mãn cái dạ dày.

Nấm tràm giòn xốp, không chỉ ngọt ngon mà còn có vị đăng đắng đặc trưng. Người ta nghiện nấm tràm khó quên được món ngon cũng là do cái đắng nhẹ khó hiểu này của nó. Ngoài ra, chả cá viên nấu với nấm, nấm nấu tôm… món nào cũng ngon và ấn tượng.

Bánh thốt nốt

Bà con Khmer đã sáng tạo ra món ăn dân giã mà tinh tế từ những nguyên liệu đặc trưng của địa phương. Bánh thốt nốt được làm từ nước thốt nốt, trái thốt nốt và bột gạo.

Để làm bánh, người ta lấy gạo ngon xay thành bột, ủ một đêm cho lên men. Lấy bột này trộn với cơm thốt nốt và nước thốt nốt rồi gói trong tấm lá chuối theo hình chữ nhật, rồi đem hấp.

Bánh thốt nốt nhìn bên ngoài không mấy đẹp mắt nhưng khi mở gói ra thì ngon mắt vô cùng (Ảnh internet)

Hoặc cũng có thể trà trái thốt nốt già chà vào rổ lấy bột, trộn với gạo, chút dừa nạo rồi gói trong lá chuối hoặc lá dừa, lá thốt nốt đem hấp…

Sau ít thời gian, mùi thơm từ xửng hấp bốc ra ngào ngạt là bánh được. Bánh thốt nốt – đặc sản Kiên Giang – nhìn ngoài không mấy đẹp nhưng khi mở gói ra thì ngon mắt vô cùng. Màu vàng đặc trưng vuốt ve bột mềm, ăn đến no vẫn thèm.

Theo Tạ Ban (Khám phá)

NHỮNG MÓN NÊN KHÁM PHÁ KHI ĐẾN ĐẤT CẢNG HẢI PHÒNG

Đất Hải Phòng không chỉ là một thành phố cảng xinh đẹp nhộn nhịp với những bãi biển tươi mát và những con người giàu cá tính. Nơi đây cũng sản sinh ra những món ăn đặc sắc, được người dân khắp đất nước ưa chuộng như Bánh đa cua, sủi dìn, nem cua bể, bún tôm… 

Bún tôm


Bún tôm là một hương vị đặc trưng của Hải Phòng. Bún dùng trong món này phải là loại bún sợi to, tôm là tôm sú hoặc tôm giảo tươi, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non, chân giò. Rau ăn kèm thường là rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, thì là, hành lá. Tuy mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có một vài món xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng thì mới được coi là bún tôm chuẩn.

Bánh đa cua

Bánh đa cua là món ăn làm nên tên tuổi cho ẩm thực đất Cảng. Mỗi bát bánh đa là sư tổng hòa các màu sắc phong phú: màu đỏ sậm của bánh đa, nâu hồng của gạch cua, đỏ tươi của cà chua, xanh non của rau rút và rau muống, xanh đậm của chả lá lốt chiên, thêm sắc vàng của chả cá và hành phi.

Bánh đa cua muốn ngon phải dùng chính bánh đa đặc sản của làng Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng) nổi tiếng dẻo dai, ngâm nước lâu cũng không nát. Tương ớt ăn kèm tuy chỉ là yếu tố phụ cũng là loại đặc biệt, được chế biến theo một vài cách thứ gia truyền. Người Hải Phòng ăn bánh đa cua vào tất cả các bữa. Món ăn ngày nay đã nức tiếng khắp nơi, trở thành niềm tự hào của người dân đất Cảng, giống như phở của người Hà Nội hay bún bò đậm đà xứ Huế.

Bánh mì que


Bánh mì que hay còn gọi là bánh mì cay là chiếc bánh “nhỏ mà có võ” của ẩm thực Hải Phòng. Hình dạng bánh thuôn dài, nhỏ chỉ độ 1/3 hay 1/5 chiếc bánh mì thông thường nhưng nổi tiếng với vị giòn ngon độc đáo. Bánh mì que đúng kiểu thường ăn với pa tê gan và rau thơm thái nhỏ, không thể thiếu tương ớt “chíu trương” – thứ làm nên vị cay đặc trưng của bánh mì Hải Phòng.

Sủi dìn


Sủi dìn tương tự bánh trôi tàu nhưng viên nhỏ hơn. Món ăn mang cái tên nghe có phần lạ tai bởi có xuất xứ từ cộng đồng người Hoa sống ở Hải Phòng trước đây. Nguyên liệu chính tạo nên sự hấp dẫn cho sủi dìn là bột nếp, vừng đen, dừa nạo, gừng tươi, đường cùng hương liệu đặc biệt. Cũng tương tự bánh trôi tàu, vị nước gừng ấm nóng của món sủi dìn thích hợp ăn vào mùa đông hơn cả. Món ăn lâu nay đã trở thành món quà vặt phổ biến đất Cảng mùa lạnh. Tuy nguyên liệu dễ kiếm nhưng không phải ai cũng biết cách chế biến sủi dìn ngon. Nếu không khéo léo có thể làm vỡ nhân hoặc nhân bật ra ngoài vỏ.

Cơm cháy hải sản


Không cần phải tới mảnh đất cố đô Ninh Bình mới có thể thưởng thức cơm cháy. Người Hải Phòng cũng có cơm cháy, lại mang hương vị biển độc đáo, ấy là cơm cháy hải sản. Ngoài cơm cháy giòn, nước sốt trong món cơm của người Hải Phòng được chế biến từ các nguyên liệu hải sản từ biển quê hương như tôm, cua, mực, tu hài…Vì vậy mà món cơm cháy Hải Phòng mang hương vị rất riêng, khác biệt hoàn toàn với cơm cháy vùng đặc sản dê núi Ninh Bình.

 

Bún cá biển


Bên cạnh bún cá đồng cũng đã nức tiếng xa gần, Hải Phòng còn có thêm món bún tận dụng tiềm năng hải sản phong phú của mình nữa là bún cá biển. Bún cá biển có vị thơm; thịt cá biển săn chắc, ngọt đậm; không thể thiếu miếng chả cá dai ngậy. Tùy khẩu vị, có người còn thích ăn bún cá với móng giò, bởi vị chua cay dịu của nước dùng có thể dung hòa hoàn hảo các nguyên liệu với nhau. Tuy dùng cá biển nhưng bún cá được chế biến theo phương thức bí truyền nên rất dễ ăn và không ngán.

 

Nem cua bể


Người nước ngoài đến Hà Nội thường rất mê những chiếc nem cua bể vuông vức, giòn rụm. Thật ra, món ăn này nổi tiếng hơn cả phải là ở Hải Phòng. Ngoài những nguyên liệu thông thường của món nem miền Bắc, nem cua bể có thêm sự có mặt của thịt cua bể, cũng là một trong những đặc sản của vùng biển quê hương. Chiếc bánh đa nem tuy giản đơn nhưng cũng phải là loại bánh tráng sản xuất theo phương pháp truyền thống địa phương, gói bọc nhân nem rồi gấp thành miếng vuông vức đẹp mắt, khi chiên lên vẫn còn nguyên hương vị đặc trưng của cua bể. Nem có thể chấm với nước chấm hoặc ăn kèm bún và rau sống.

Lẩu cua đồng


Cua đồng tuy không phải là đặc sản vùng biển nhưng lẩu cua đồng chế biến theo kiểu Hải Phòng vẫn có những đặc trưng không thể trộn lẫn với nhiều nơi khác. Nước dùng lẩu cua Hải Phòng rất đậm đà và nhiều gạch, ăn kèm với bánh đa đỏ và chả cá biển đều là “chính hãng” đất Cảng. Ngoài vị ngon, lẩu cá Hải Phòng còn khá rẻ so với món tương tự ở Hà Nội hay một vài nơi khác.

(Theo Depplus.vn/MASK)

NHỮNG MÓN ĐẶC SẢN XỨ THANH ‘NGHĨ TỚI LÀ THÈM’

Đến với vùng đất cố đô Thanh Hóa, bên cạnh việc đi thăm thành nhà Hồ, suối cá thần, cầu Hàm Rồng,… một điều bạn không được bỏ qua đó là khám phá nền ẩm thực rất đặc sắc ở nơi đây.

1. Nem chua

Nem chua là món ăn phổ biến ở Việt Nam, nhưng có lẽ vùng đất làm nên thứ nem chua giòn ngon, hấp dẫn hơn cả là xứ Thanh. Nem chua Thanh Hóa ngày nay đã có mặt ở khắp nơi, vậy mà ai về qua mảnh đất đầu miền Trung vẫn thường không quên mua nem chua về làm quà biếu tặng người thân.

Nem chua đặc sản Thanh Hóa ngon ở sự kết hợp hài hòa của tất cả các nguyên liệu. Nem được gói chắc tay, lên men vừa tầm chín tạo vị thanh chua rôm rốp; hương thơm hấp dẫn từ tỏi, lá ổi, lá đinh lăng kết hợp hài hòa với màu hồng tươi bắt mắt của thịt ngon. Chiếc nem chua chỉ nhỉnh hơn ngón tay, xếp gọn ghẽ mà trăm cái đều tăm tắp, hương vị mê say lòng người.

2. Gỏi cá Sầm Sơn

Ai tới Sầm Sơn mà chưa thưởng thức qua đặc sản gỏi cá thật quả đáng tiếc. Cá dùng để làm gỏi thường là loại cá ít xương, nặng chừng 3-5 ký. Cá được rửa sạch, dùng dao sắc lọc riêng phần thịt. Thịt cá được ướp với nước cốt chanh trộn với thính gạo rang thơm tho rồi bày ra đĩa. Nước chấm mới là thứ đặc sắc hơn cả của món gỏi cá biển Sầm Sơn. Nước chấm được làm từ da và gan cá, thịt ba chỉ, trứng vịt, tỏi khô, mẻ, mắm muối, đường.. tạo nên loại nước sốt sánh đặc, vàng ươm mà đậm đà khó cưỡng.

 

Gỏi cá ăn với rau húng, ngò, răm, đinh lăng, lá mơ tam thể, thêm môt vài lát khế chua, chuối xanh thái mỏng. Miếng cá ngọt thơm quyện với vị cay béo của nước chấm, chua mát của rau ăn kèm tạo cảm giác đặc biệt khó nói hết thành lời.

3. Bánh răng bừa

Người Thanh Hóa đặt tên cho chiếc bánh tẻ quê hương mình bằng cái tên rất đỗi kì lạ mà thân thuộc: bánh răng bừa. Bánh có tên như vậy bởi hình dáng thuôn dài,phần giữa hơi nhọn khiến nhiều người liên tưởng tới chiếc răng bừa nhà nông. Bánh có vị thơm thoang thoảng của bột tẻ và lá dong, lại đậm đà nhân thịt, mọc nhĩ; hương vị dân dã mà hết mực gần gũi.

Bánh răng bừa xứ Thanh ngon đặc trưng bởi lớp vỏ bánh dẻo giòn, từng thớ bánh trong mịn, nhân bánh không nhiều như bánh giò nhưng săn hơn và đậm đà hơn. Chấm bánh với nước mắm chanh ớt, ăn mãi cũng chẳng thấy ngán.

4. Canh lá đắng

Canh đắng là đặc sản của đồng bào dân tộc Mường ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Gọi tên là canh đắng bởi canh nấu từ lá đắng hay còn gọi là lá mật vịt. Lá đắng vốn là loại cây rừng, sau người dân biết là giống rau ngon nên mang về trồng tại vườn nhà. Chỉ những chiếc lá bánh tẻ mới đủ tiêu chuẩn nấu bát canh ngon.

 

Canh lá đắng không kén nguyên liệu nấu cùng, từ thịt gà, lòng gà tới thịt nạc vai, thịt ba chỉ chỉ lợn hay cá rô đồng, cá mương đều có thể nấu cùng lá đắng, cùng cho bát canh mang hương vị khó quên.

Những người lần đầu thưởng thức đều dễ dàng rùng mình chao đảo bởi chưa từng thử thứ canh đắng đậm đến như vậy, nhưng vị đắng tan biến rất nhanh, thay vào đó là thứ vị thanh mát của các nguyên liệu. Đủ vị cay đắng ngọt bùi đều có cả trong bát canh, mới thấy đời sống ẩm thực của người Mường xứ Thanh thi vị tới nhường nào.

5. Mắm cáy

Nếu mắm tôm, mắm tép, mắm ruốc đã là thử thách cho không ít người thì mắm cáy xứng đáng được xếp vào hàng “đệ nhất mùi”. Mắm cáy được làm từ con cáy, một loại giáp xác có hình dáng khá giống cua đồng nhưng nhỏ và tinh nhanh hơn.

Cáy được bắt từ đồng về đem rửa sạch, bóc yếm bỏ hoi, chặt phần kìm nhọn ở còng rồi đem vào cối đá giã thật nhuyễn, sau đó trộn muối và thính cho vào vại, nén vỉ tre như nén cà rồi đem phơi nắng chừng một tháng là chín, càng được nắng, mắm càng nhanh chín và thơm ngon.

 

Chẳng phải tự nhiên mà mắm cáy được xếp vào hạng món ăn có “cá tính” của người Thanh Hóa. Mắm cáy có vị ngái nồng nhưng càng ăn càng thấy thơm ngọt. Mắm chấm thịt ba chỉ luộc ăn với cà muối xổi là món ăn giản dị khiến không ít người luyến lưu.

6. Bánh đa Minh Châu

Không biết từ bao giờ, món bánh bình dị này đã trở thành đặc sản của đất Thanh Hóa. Với hương vị đặc trưng, được làm từ những con người cần cù, hiền hậu, chiếc bánh ẩn chứa nét văn hóa dân dã, khiến ai đã một lần thưởng thức đều không thể quên hương vị độc đáo ấy.

 

Nằm ở bên bờ sông Chu, làng Minh Châu ở xã Thiệu Châu, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh đa với lịch sử hàng trăm năm. Bánh đa làng Minh Châu dày và nhiều vừng, chỉ được làm từ bột gạo nguyên chất chứ không pha độn.

Bánh đa làng Minh Châu ăn kèm với hến xào bắt ở sông Chu lên là món đặc sản truyền thống của làng. Chẳng phải cần dùng thìa hay đũa, bánh đa cứ bẻ thành từng miếng mà xúc, mà ăn. Vị ngọt lịm của thịt hến, vị thơm và béo ngậy của vừng, vị cay của ớt, vị chua của chanh và vị nồng của xả quyện lẫn vào nhau nơi đầu lưỡi.

7. Cá rô Đầm Sét

 

Cá rô Đầm Sét (xã Xuân Thiên, Thọ Xuân, Thanh Hóa) là sản vật dân dã của xứ Thanh, ăn một lần khó có thể quên. Cá rô nơi đây chỉ to cỡ hai đầu ngón tay khép khít, màu phớt vàng như màu nghệ, tròn trịa, vẩy xanh bóng nhẫy. Cá rô rán hay nấu canh hương vị đều rất ngon, đặc biệt là cá rô rán vàng.

Khi thưởng thức, chỉ cần chấm cá với nước mắm ngon hay tương Bần thêm vài giọt chanh, ít gừng, vài lát ớt thái nhỏ là đã cảm nhận được hết vị đậm, béo ngậy, giòn thơm của thứ đặc sản tiến vua nức tiếng một thời.

8. Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Tứ Trụ nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bánh gai thành phẩm phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô. Cùng với cá rô Đầm Sét, bánh gai Tứ Trụ là đặc sản đáng tự hào của vùng đất Thọ Xuân.

Theo Trí thức trẻ

ĐẾN TRÀ VINH KHÁM PHÁ NỀN ẨM THỰC CỦA 3 NỀN VĂN HÓA

Các đặc sản Trà Vinh đều là những hương vị đặc biệt đậm đà, sự kết hợp văn hóa ẩm thực của người Kinh – Khmer – Hoa.

Đến với mảnh đất Trà Vinh, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi những vẻ đẹp nguyên sơ thuần khiết của bãi biển Ba Động cát trắng nước trong, những hàng phi lao xanh mướt, thanh tĩnh vô cùng. Bạn còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của gần 200 ngôi chùa của 3 dân tộc người Khmer – Kinh – Hoa sống trên mảnh đất này.

Sự giao thoa văn hóa độc đáo của 3 dân tộc không chỉ thể hiện trong đời sống con người mà còn thể hiện vô cùng rõ nét trong những đặc sản thơm ngon, hấp dẫn của Trà Vinh.

Mắm bò hóc

Miền Tây nước quanh năm nên phong phú các loại cá làm nguyên liệu mắm bò hóc, được người Khmer xem như đặc sản đãi khách quý. Từ loại mắm này, người ta có thể chế biến thành nhiều món ngon khác.

Món nhanh nhất và nguyên chất nhất là mắm sống trộn với chanh, ớt, tỏi thêm chút đường gia giảm độ mặn, tăng thêm quyến rũ cho món ăn. Mắm bò hóc – đặc sản Trà Vinh – pha ăn kèm với các loại rau, quả như khế, chuối chát, rau thơm, lá xoài non, đọt cóc hay cải sống, đậu ớt, dưa leo, cà rừng. Vừa gắp miếng rau củ, vừa gạt kèm miếng mắm bò hóc đậm đà ăn cơm ngày mưa là dấu ấn tuổi thơ của nhiều người. Vị beo béo, mặn mà, mùi hương riêng khác như cái tình của vùng đất này, giản đơn nhưng sâu nặng. Người Trà Vinh dù có đi bao xa, đến đâu cũng không thể không nhớ đến mùi vị đặc biệt ấy mỗi ngày mưa trời có mưa lâm thâm.

Người Trà Vinh dù có đi bao xa, đến đâu cũng không thể không nhớ đến mùi vị đặc biệt ấy mỗi ngày mưa trời có mưa lâm thâm (Ảnh: Internet)

Bún nước lèo

Đặc sản nổi tiếng nhất của Trà Vinh là bún nước lèo. Bún nước lèo có sự kết hợp giữa các nguyên liệu như mắm bò hóc, thịt heo quay và các loại rau sống. Nước dùng của bún nước lèo có vị ngọt tự nhiên từ tôm cá đã làm loãng đi độ đậm đặc của mắm bò hóc khiến cho ngay cả người kén ăn, không quen mùi mắm cũng có thể thưởng thức trọn vẹn.

Bún nước lèo vô cùng phổ biến ở đây, ngay cả quán nhỏ cũng sẽ không làm bạn thất vọng (Ảnh: Internet)

Từng sợi bún cùng với bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng, rau thơm xắt nhuyễn ngập trong nước lèo là đủ đặm, đủ ngon. Nhưng món ăn còn thêm thịt heo quay xắt miếng vừa miệng, bì giòn, thịt mềm. Mỗi miếng bún đều thơm hành phi, thơm rau, thơm thịt lại vừa thanh thanh vị nước lèo, vừa nồng nàn vị mắm hợp với các loại rau. Món ăn này vô cùng phổ biến ở đây, ngay cả quán nhỏ cũng sẽ không làm bạn thất vọng.

Bánh tét cốm dẹp

Cốm dẹp – đặc sản Trà Vinh – làm từ nếp non. Những hạt gạo gặt sớm được rang và giã đều tay tạo thành món ăn thơm lừng mùi đồng ruộng. Cốm dẹp làm bánh tét còn trộn với nước cốt dừa trước khi cho vào gói cùng nhân đỗ xanh trộn đường, vani tạo mùi. Người miền Tây gói bánh tét cốm dẹp bằng lá chuối xiêm hoặc lá lùng chứ không dùng lá dong. Và thay vì ninh trong nước, bánh được cho vào nồi hấp cách thủy.

Bánh tét cốm dẹp vừa béo vừa ngậy vừa bùi lại ngọt ngọt có thể ăn đến no mà không chán (Ảnh: Internet)

Bánh có lớp ngoài dẻo quyện không kém bánh chưng hay bánh tét ở bất cứ vùng miền nào trên đất nước nhưng còn hương thơm tuyệt vời, ngào ngạt mùi dừa, mùi gạo mới, mùi cốm… thì là độc nhất. Bánh tét cốm dẹp vừa béo vừa ngậy vừa bùi lại ngọt ngọt có thể ăn đến no mà không chán. Đến Trà Vinh, mua chục bánh tét về làm quà là nhất.

Chù ụ

Chù ụ thuộc họ nhà cua, nhìn hơi xấu xí với thân hình vuông nhỏ. Đây là đặc sản của vùng Ba Động. Chù ụ không đẹp mắt nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn đẹp lòng du khách.

Không cần nhiều gia vị, bạn có thể thưởng thức chù ụ nướng than. Chù ụ đưa lên lửa sẽ dần chuyển sang màu đỏ, hương thơm ngút ngàn cực kỳ hấp dẫn. Khi chín, trộn chúng với ít rau răm, chấm muối ớt hoặc muối tiêu chanh, đảm bảo ngon quên sầu.

Chù ụ tuy không đẹp mắt nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn đẹp lòng du khách (Ảnh: Interenet)

Thịt chù ụ dai mềm và ngọt không kém cua, ghẹ nên còn được hấp bia, rang me. Ngoài ra, người dân cũng hay làm chù ụ kho nghệ, xào hành… Tuy nhiên, vì thân hình nhỏ bé khiêm tốn nên nó không phổ biến và có tiếng như nhiều hải sản khác.

Cháo ám

Để có nồi cháo ám ngon, người nấu cần khá nhiều công sức. Cá lóc phải tươi, mập đem luộc và gỡ từng miếng, bỏ xương rồi xào với hành thơm nức mũi. Trứng cá lóc đánh nhuyễn rồi mới cho vào nồi cháo nấu từ nước luộc cá. Trong món cháo ám còn có cả hành khô, tôm khô, mực khô nướng.

Cháo ám không thể thiếu sự kết hợp giữa mắm nêm ngon đã được pha, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi, cho thêm tiêu xay, đậu phộng rang giã nhỏ. Đặc biệt, các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn ở trên cũng là phụ liệu cần thiết cho món ăn.

Cháo ám không thể thiếu sự kết hợp giữa mắm nêm ngon đã được pha, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi, cho thêm tiêu xay, đậu phộng rang giã nhỏ (Ảnh: Internet)

Mùi thơm quyến rũ của tiêu, hành, đậu phộng với cái ngọt thanh của nước, mềm béo trong cá, trứng cá, bùi bùi của mực và tôm kết hợp vị đặm nồng của mắm nêm pha và sự khác biệt khi ăn cùng rau thơm, rau sống thái nhỏ biến cháo ám thành một trong những loại cháo ngon nhất, khác biệt nhất nên thử một lần trong đời.

Bánh canh Bến Có

Lần đầu ăn đặc sản này nhiều người sẽ thắc mắc “sao cho nhiều thịt thế”. Đây chính là điểm đặc biệt của bánh canh Bến Có, tỷ lệ thịt và bánh phải gần bằng nhau. Nhưng nó không khiến người ăn bị ngán bởi ngoài thịt heo, còn có cật, gan, phèo, tim, bao tử, lưỡi, móng, tai heo… Mỗi loại đều mang vị ngon riêng và tạo sự hòa hợp chung trong món ăn.

Tô bánh canh Bến Có – đặc sản Trà Vinh – không quá cầu kỳ nhưng nước dùng ninh từ thịt, xương heo và đảm bảo độ trong nên nhìn rõ từng sợi bánh canh trắng nõn, hành hò xanh mướt, tiêu hạt nhuyễn rắc phía trên với vài lát ớt tô điểm cho món ăn đẹp giản dị.

Bánh canh Bến Có với tỷ lệ thịt và bánh phải gần bằng nhau (Ảnh: Internet)

Gắp bánh canh, húp miếng nước dùng là nghe bụng dạ xốn xang. Chọn lát thịt mỏng chấm vào chén mắm dằm ớt rồi từ từ tận hưởng vị mắm cá nguyên chất hòa với thịt mềm lại càng đê mê hơn.

Bún suông

Bún suông đặc biệt nhờ chả tôm thơm ngon. Làm từ tôm tươi ướp mắm, xay nhuyễn cùng hạt tiêu, chả tôm không được nặn theo hình vuông, chữ nhật hay tròn mà được làm thành từng “suông”. Suông nhìn qua giống như con đuông, có thể để không thả vào nồi nước dùng đang sôi hoặc chiên với dầu ăn trước khi dọn ra tô.

Bún suông đặc biệt nhờ chả tôm thơm ngon (Ảnh: Internet)

Nước lèo của món bún này cũng khác biệt, không trong mà có màu nâu của me và tương hạt. Bún suông nhìn vừa đẹp mắt, ăn lại ngon chẳng kém bất cứ loại bún ở địa phương nào. Vị nước dùng đậm đà, chua chua ngọt ngọt dậy mùi tương lan trên đầu lưỡi, vướng vít quanh khứu giác. Khi ấy, cắn thêm miếng suông ngọt tôm và thơm béo sẽ nhận ra ngũ vị đã được đánh thức như thế nào chỉ vì một món ăn ngon.

Tạ Ban (eva.vn)

NHỮNG MÓN ĂN SẼ KHIẾN BẠN PHẢI LUI TỚI ĐẮK LẮK NHIỀU LẦN

Đến với Dak Lak, du khách không chỉ hòa mình trong cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu nét văn hóa đậm bản sắc của các dân tộc nơi đây. Chuyến du lịch đến vùng đất đại ngàn còn là dịp để bạn khám phá những món ăn tuyệt vời mang đậm hương vị rừng núi.

Sau đây là danh sách một số món ăn có hương vị độc đáo, ngon lành sẽ khiến bạn phải lui tới vùng đất này thêm nhiều lần nữa.

1. Gà nướng sa lửa

Combo tuyệt vời cho món gà nướng này là cơm lam và muối sả

Gà nướng sa lửa là một trong những biến tấu của món gà nướng Bản Đôn. Nguyên liệu chính là những con gà ta chính hiệu cùng cách chế biến nướng trên lửa than. Khách cũng chấm gà với muối ớt hoặc muối sả. Tuy nhiên, gà nướng sa lửa dùng kẹp tre thay vỉ nướng. Bên cạnh đó, gà không được tẩm ướp hay trước khi nướng. Cách nướng này khiến thịt gà thơm hơn, chắc hơn và vẫn giữ nguyên vị ngọt của thịt.

2. Gỏi lá

Với sự hiện diện của hơn 40 loại lá rừng khác nhau, người ta gọi món ăn này là gỏi lá song nếu xét về cách thưởng thức là kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo và các gia vị như tiêu nguyên hạt, muối hạt, ớt cay xanh… sau đó chấm với nước dùng, nói món ăn này thuộc họ cuốn chấm sẽ chính xác hơn.

 

Ngoài cái đặc biệt của việc hơn 40 loại lá cây tham gia vào món ăn, nước chấm của gỏi lá được làm từ hèm rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Món ăn có hương vị khá lạ.

3. Lẩu lá rừng

Gọi là lẩu song lẩu rau rừng giống món canh hơn, với 10 loại lá rừng được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại.

Món “lẩu” lá rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê đê khi phải đối diện với cuộc sống khó khăn. Để có thức ăn hàng ngày, họ đã vào rừng để hái những loại lá khác nhau về nấu canh. Trải qua thời gian, “lẩu” lá rừng đã trở thành món đặc sản của người dân tộc bản địa và du khách.

4. Thịt nai

Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Nai được chế biến thành nhiều món như nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử…

Bạn có thể thưởng thức món thịt nai tại nhà hàng đặc sản tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Giá cả khá mềm và chất lượng ổn.

5. Rượu cây

Xét về cách ủ, lên men, rượu cây không khắc biệt với các loại rượu khác của Tây Nguyên. Điểm đặc biệt của loại rượu này là tên gọi xuất phát từ thói quen uống rượu dưới gốc cây cùng tập tục lang thang trong rừng sâu của người Bahnar, Xê Đăng, Jrai… trong tháng Ninh Nơng (tháng sau khi kết thúc mùa rẫy).

Dù không phải thật sự là loại rượu đặc sắc, song cái thú nhắm rượu cùng các món thịt rừng nướng nóng hôi hổi trong cái mát mẻ, hoang sơ tại một gốc cây nào đó trong rừng sâu sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời.

Theo Huỳnh Hằng (Infonet)