6 MÓN QUÀ VẶT HẤP DẪN KHI HÀ NỘI VÀO THU

Hà Nội có đủ bốn mùa, mùa nào cũng có những món ăn ngon để chọn lựa, như câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”. Và vào mùa thu, khi tiết trời dễ chịu nhất, cũng là lúc lý tưởng nhất để đi dạo ven bờ hồ, phố cổ để nhâm nhi quà vặt.

Sấu chín

Nếu như mùa hè nóng bức có ly nước sấu chua dịu, mát lạnh, mùa thu Hà Nội lại chiều lòng du khách bằng sấu chín vàng ươm. Sấu chín được cạo lớp vỏ bên ngoài, chấm với muối hoặc cầu kỳ hơn thì khía thành đường xoắn ốc, dầm với đường, muối, ớt bột.

Sấu chín được bán ở vỉa hè, các chợ với giá 30.000-40.000 đồng một kg. Nếu bạn muốn thưởng thức sấu dầm, đừng bỏ lỡ chợ đêm phố cổ, Hàng Bông, Tràng Tiền…

Chả cốm

Cốm từ lâu là một nét văn hóa trong ẩm thực Hà Nội. Khi những gánh hàng rong thơm mùi cốm trên vỉa hè cũng báo hiệu thu về. Cốm tươi được gói trong lá sen, bán ở dọc đường Xuân Thủy (gần làng Vòng xưa), Kim Mã…

Cốm còn là nguyên liệu để tạo nên nhiều món ăn làm nên đặc trưng của ẩm thực Hà Nội như xôi cốm, chè cốm, bánh cốm, chả cốm.

Nếu như xôi cốm, chè cốm không có nhiều nơi bán, chả cốm được biết đến nhiều hơn, qua cách ăn kèm với bún, đậu phụ… Các quán bún đậu chả cốm ngon ở ngõ Tràng Tiền, dốc Hàng Than, Hàng Khay, Phùng Hưng với giá 30.000-50.000 đồng một phần. Ảnh: dasavina

Bánh trôi tàu

Bánh trôi tàu là những món ăn rất hợp tiết thu, ngày nay được biến tấu với nhiều hương vị hơn. Ngoài nguyên liệu cơ bản là gạo nếp, đậu xanh, dừa, vừng… còn có nhân khoai môn, đậu đỏ… Bánh trôi tàu dao động 10.000-15.000 đồng một bát. Bạn có thể ghé Hàng Giầy, Hàng Cân, Quán Thánh, chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Thành Công… để thử món này. Ảnh: ngoisao

Ốc nóng

Ốc luộc, bún ốc là những thức quà dân dã hợp tiết thu, được nhiều người yêu thích khi đến Hà Nội. Bún ốc cũng là món ăn sáng phổ biến ở Hà Nội, dần trở thành món ăn được bán cả ngày. Một tô bún ốc có giá khoảng 30.000 đồng, ở Hòe Nhai, Hàng Buồm, Hàng Bún, Hàng Chai, Nhà Chung…

Ốc luộc được bán hầu hết vào buổi tối, ở các phố Lương Định Của, Đinh Liệt, Chùa Láng, Hàng Đậu… với giá 10.000 -15.000 đồng một bát.

Bánh gối

Nhâm nhi những chiếc bánh gối nóng hổi với lớp vỏ giòn tan, nhân bên trong đậm đà với thịt, trứng, miến… và thứ nước chấm được pha theo kiểu riêng của người Hà Nội trong trời thu là trải nghiệm nên thử.

Bánh gối Hà Nội nổi tiếng nhất ở Lý Quốc Sư, Hoàng Tích Trí, Hàng Chiếu, Nguyễn Khuyến, chợ Phương Mai… với giá khoảng 10.000 đồng một chiếc.

Nem chua rán

Nem chua rán Hà Nội ăn vào thời điểm nào cũng ngon, nhưng nếu có chút se se của trời thu để cảm hết cái vị đậm đà, béo ngậy xen lẫn cay cay thì tuyệt hơn nữa.

Nem chua lăn qua bột, có màu vàng rộm ngon mắt, ăn kèm tương ớt và một số loại hoa quả như củ đậu, xoài, dưa chuột… Ở Hà Nội, những khu vực bán nem chua rán nổi tiếng là ngõ Tạm Thương, Hàng Bông, phố Trịnh Hoài Đức sau sân vận động Hàng Đẫy, phố Tạ Hiện…. với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng một đĩa. Ảnh: eva

Má Lúm (VNexpress)

NHỮNG MÓN NGON NÊN THỬ KHI ĐẾN ĐẤT VÕ BÌNH ĐỊNH

Nếu có dịp ghé qua Bình Định, mảnh đất hiền hòa ở eo biển miền Trung, du khách chớ quên thưởng thức những sản ngon vật lạ nức tiếng của miền đất võ.

1. Bún chả cá Quy Nhơn

Đây là món đặc sản nổi tiếng nhất ở thành phố biển xinh đẹp Quy Nhơn. Điểm làm nên sự khác biệt so với bún chả cá ở những địa phương khác chính là chả cá và nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị được nêm nếm kĩ lưỡng theo phương thức gia truyền. Nước dùng chủ yếu được nấu từ xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt dễ chịu, khó quên. Ăn kèm với bún chả cá là chén tương ớt đặc trưng được pha chế chỉ Bình Định mới có.

2. Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi có nguồn gốc từ Diêu Trì, là một món ăn không thể thiếu mỗi buổi sáng của người dân Bình Định. Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Ản kèm với bánh hỏi là lòng và thịt heo thái miếng, bên cạnh là một chén cháo nóng hổi cùng nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt để phù hợp với khẩu vị của người miền Trung.

3. Nem chợ Huyện

Nem chợ Huyện không có vị chua như nem Huế hay vị ngọt như nem miền Nam mà có vị ngọt, dai dai, giòn giòn, màu hồng nhạt nhìn rất bắt mắt. Nem Bình Định luôn được gói trong một lớp lá ổi, mà phải là lá ổi non để có mùi thơm. Sau đó, nem được bọc thêm nhiều lớp lá chuối, dùng dây thun buộc lại và ăn kèm với tỏi. Đây là một món ăn chơi lai rai nổi tiếng mà ai ghé qua Bình Định cũng phải mua về làm quà.

4. Bánh xèo

Một món ăn nổi tiếng không kém ở đất võ là món bánh xèo tôm nhảy. Người dân chọn lựa rất kỹ những nguyên liệu để làm bánh từ bột gạo có quyện một chút bột nghệ và nước cốt dừa đến những con tôm đất nhỏ nhưng chắc thịt. Bánh xèo Bình Định không quá to như trong miền Nam mà được đổ trong nhiều khuôn nhỏ, vừa vặn để dễ cuốn ăn cùng bánh tráng. Vị bánh xèo vừa ngọt, vừa giòn lại vừa chua để lại rất nhiều ấn tượng cho các du khách từng có dịp thưởng thức. Một số địa phương chế biến bánh xèo ngon là Mỹ Cang (Phù Mỹ), Hoài Đức (Hoài Nhơn),…

5. Bún song thằn

Bún Song Thằn làng An Thái (An Nhơn) từ lâu đã quen thuộc trong câu ca “Nón ngựa Gò Găng, bún song thằn An Thái”. Chắc mọi người còn đang thắc mắc về cái tên lạ lẫm của loại bún này?. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một. Bún song thằn nổi tiếng ở Bình Định vì có hương vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao vì làm từ đậu xanh. Bún song thằn có thể ăn cùng với lòng gà hoặc mua về làm quà cho người thân.

6. Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là một loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung. Đây là một loại bánh không thể thiếu trong các dịp lễ tết hay cưới, hỏi. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột nếp và lá gai. Nhân bánh ít lá gai vị ngọt, được làm từ đậu xanh hoặc dừa. Bánh ít lá gai khi ăn mềm, dẻo cùng vị ngọt vừa phải rất ngon miệng.

7. Bánh dây Bồng Sơn

Bánh dây là món ăn có nguồn gốc từ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Đây là một món ăn làm từ gạo, nhưng lại mang hương vị khác hẳn. Điểm đặc biệt trong công đoạn chế biến đó chính là muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ đã thu hoạch từ nhiều tháng trước. Bánh dây ăn cùng một ít dầu hẹ được thoa đều và đậu phộng giã nhỏ được rải lên. Vị dai của sợi bánh dây hòa lẫn với mùi thơm của nước mắm ngon tạo nên một món ăn dân dã, mộc mạc nhưng vẫn mang đậm hương vị riêng khó quên của miền đất võ.

8. Tré Bình Định

Được bọc trong hình hài trông như những chiếc “cán chổi” nhỏ xíu được treo lủng lẳng ở các tiệm ven đường, tré Bình Định là một trong những mồi nhậu không thể thiếu của người dân bản địa ăn kèm cùng với rượu bầu đá. Nguyên liệu để làm nên món tré nức tiếng đều là những nguyên liệu quen thuộc như: thịt tai heo, thịt đầu heo, thịt ba chỉ cùng với gia vị mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi. Món tré với đầy đủ các vị mặn, ngọt, béo, chua, cay và chát thường được dùng như món khai vị trong các bữa tiệc.

9. Gỏi cá chình

Là địa phương có nhiều ao, đầm nên Bình Định đã tạo môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài cá đặc sản, trong đó có cá chình. Cá chình có thể chế biến nhiều món khác nhau, nhưng người dân bản địa và cả thực khách đều khoái khẩu nhất với món gỏi cá chình. Gỏi cá chình là một món ăn được chế biến vô cùng công phu từ việc chọn cá tươi sống đến công đoạn tẩm ướp gia vị sao cho vừa miệng nhất. Gỏi cá chình được xúc ăn với bánh tráng nướng và nước mắm giã gừng.

10. Bánh tráng nước dừa

Bình Định còn được biết đến là xứ dừa với vùng đất Tam Quan nổi tiếng bởi nhiều món ăn, đồ dùng được chế biến từ những trái dừa. Trong đó, bánh tráng dừa được nhiều người yêu thích và hay mua về làm quà mỗi khi ghé qua Bình Định. Nhờ có pha chế thêm nước cốt dừa vào trong bột gạo dùng để tráng bánh mà bánh có hương vị thơm ngon, béo ngậy. Điều đặc biệt là bánh tráng dừa chỉ nướng để ăn và có thể dùng kèm với nhiều món ăn khác.

(Theo Baodatviet.vn)

6 MÓN BÚN ĐẶC TRƯNG NHẮC LÀ NGHĨ ĐẾN MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất mới, ẩm thực ở đây mang nét giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo nên một hương vị rất độc đáo, lạ miệng nhưng khó quên đối với bất kì ai đã từng thưởng thức qua.

Bún kèn dừa, bún nước lèo, bún mắm, bún tôm khô, bún bì, bún cá… là những món ăn mang hương vị đặc trưng của mảnh đất phương Nam.

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng mềm, được làm từ tinh bột gạo tẻ. Bún được xem là thành phần chủ yếu để chế biến nhiều món ăn ngon và phổ biến, chỉ xếp sau cơm, phở. Mỗi vùng miền có những loại bún đặc trưng riêng. Chẳng hạn như miền Trung có món bún bò Huế, bún chả cá, bún sứa… trứ danh; miền Bắc lại nổi tiếng với món bún thang, bún chả, bún mọc… Món bún của miền Nam mang một nét đặc rất trưng riêng, đặc biệt là các món bún của miền Tây sông nước luôn gắn liền với văn hóa ẩm thực dân dã, nhưng lại đậm đà khó quên.

Bún kèn dừa


Bún mắm

Món bún này được xem là đặc trưng ở miệt vườn Châu Đốc và Kiên Giang, vốn ít được nhiều người biết đến và cũng ít được người chế biến bán rộng rãi. Món ăn này mang tính địa phương với nguyên liệu rất đơn giản gồm nước cốt dừa, thịt cá, ngũ vị hương, bột điều, sả để nấu thành một nồi nước màu vàng đục, có vị béo và mùi thơm thoang thoảng. Loại bún dùng cho món bún kèn là loại nhỏ sợi và các loại rau ăn kèm không thể thiếu gồm giá, dưa leo sắt nhỏ, rau thơm, đu đủ thái sợi. Để có tô bún kèn hấp dẫn, trước hết cho một ít bún vào tô, giá sống, chan nước bún kèn ở giữa, chan một muỗng nước mắm ớt cay lên trên, kế tiếp là cho ít tôm khô. Mùi thơm của cá biển, tôm khô, vị nồng nàn của bột điều, cay thơm của các loại rau… mang đến cho thực khách một món bún thơm ngon, đậm chất miền Tây.


Bún mắm miền Tây là món ăn nổi tiếng, từ lâu đã được xem là đặc sản của miền Tây, phổ biến ở Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau hay Bạc Liêu… Món ăn hấp dẫn từ sợi bún trắng trong, tròn tròn, mềm và ngon hơn nữa nhờ nước lèo đậm đà mùi  mắm. Nước lèo được chế biến từ mắm cá linh hoặc cá sặc, nấu cho rã thịt, lược lấy phần nước trong, nêm ít gia vị cho vừa miệng. Vắt thêm một miếng chanh cho có vị chua chua, tô bún sẽ thêm thơm ngon. Món được ăn kèm là bún tươi và các loại rau có trong vườn như rau đắng, cọng bông súng… Khi du nhập vào Sài Gòn, món ăn được kết hợp thêm nhiều nguyên liệu khác như thịt heo quay, mực… làm cho bát bún mắm trở nên hấp dẫn hơn. Đặc biệt, món ăn sẽ kém phần thú vị nếu thiếu chén nước mắm nguyên chất, ớt tươi thái mỏng. Để có thể thưởng thức tô bún mắm đúng chất miền Tây, bạn có thể ghé 190/19, Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP HCM.

Bún nhâm


Bún nhâm được xem là một đặc sản của xứ Hà Tiên, gồm có bún, rau thơm, giá, gỏi đu đủ, rắc tôm khô xay nhuyễn, chan thêm chút xíu nước chấm được làm từ nước cốt dừa và nước mắm pha chua cay. Thưởng thức món ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị mặn và thơm của tôm khô và vị béo từ nước cốt dừa. Bún nhâm chỉ cần rau gồm xà lách, tía tô, rau thơm, giá, dưa leo, đu đủ thái sợi. Thành phần làm nên vị độc đáo cho món ăn chính là nước mắm mặn vừa để hãm cái béo của nước cốt dừa. Vị đậm ngọt của tôm, giá, chất xơ của rau, chất béo của nước cốt dừa tươi, vị mặn của mắm pha ớt tỏi… hòa lẫn vào nhau tạo nên vị ngon khó cưỡng.

Bún bì


Bún bì được bán tương đối phổ biến vào buổi sáng như một món điểm tâm nhẹ ở một vài tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ. Một tô bún bì ngon đòi hỏi ở khâu trộn bì cho vừa ăn và nước chấm pha cho ngon. Thịt để làm bì phải chọn là loại thịt heo nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín và xắt thật nhuyễn thành từng sợi nhỏ. Cho da heo và thịt ram xắt sợi trộn đều vào nhau bởi một lượng thính gạo vừa đủ. Tỏi phi dầu vàng vào trộn chung cho bì được thơm. Ngoài bún, bì trộn, món ăn không thiếu giá sống, rau thơm, dưa leo băm, mỡ hành, lạc rang… Món ăn cùng với nước mắm pha chua ngọt. Tùy theo sở thích mà người ăn cho vào lượng nước mắm vừa đủ để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của món. Ở TP HCM, món ăn được bán trong lòng chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Bún nước lèo


Trong quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa và Khmer, bún nước lèo trở thành món ăn không chỉ của riêng người dân Sóc Trăng, mà còn là món ăn phổ biến của các dân tộc miền Nam. Món ăn này được bán trong lòng chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM.Ở các tỉnh miền Tây có nhiều món bún nước lèo rất ngon, nhưng nổi tiếng phải nhắc tới bún nước lèo Sóc Trăng. Để nấu món này, trong thành phần gia vị nên có cây ngải bún vì đây là gia vị khử mùi tanh của mắm và làm thơm nước lèo. Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo, bởi nó được nấu bằng một công thức khá lạ. Đặc biệt, nước lèo được nấu cùng nước dừa tươi nên có vị ngọt thanh tự nhiên. Chính vì thế mà nước lèo mới trong và ngọt thanh. Món được ăn kèm chung với cá lóc được xử lý hết xương cắt vừa ăn… Rau sống thì có rau muống bào, hoa chuối thái mỏng, giá, chanh và ớt… Đặc biệt, chính nước chấm được nấu từ me, nước mắm ngon, hòa cùng đường tạo nên hỗn hợp hấp dẫn cho món ăn.

Bún cá


Bún cá miền Tây được nhiều người biết đến là món bún từ Kiên Giang. Thành phần chính của món ăn là cá lóc đồng, làm sạch, giữ lại bộ lòng luộc lấy nước lèo, kèm với đó là tôm tươi. Sau khi nấu chín, đầu bếp lấy hết xương, tách từng miếng nhỏ, chuẩn bị thêm tôm tươi bóc vỏ, mang rim với gạch tôm để giữ màu sắc tự nhiên. Bún cá muốn ngon không thể thiếu nước lèo. Không nấu từ xương lợn hay gà, nước lèo ở đây nấu từ cá tươi để vừa có vị ngọt thanh, vừa giữ được vị mặn vốn có. Món bún này dùng với rau muống, thân chuối thái mỏng, giá, rau thơm, rau răm. Đặc biệt, bún cá chỉ ăn với nước mắm trong, cùng một ít ớt tươi, tạo nên một món chấm mang đậm hương vị đất phương Nam. Ở Sài Gòn, món được bày bán trong một con hẽm của đường Vườn Chuối (quận 3), đi vào khoảng 400m, bạn sẽ thấy bảng hiệu bún cá Kiên Giang nằm bên tay phải.

Hà Lâm (NGOISAO.NET)

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/6-mon-bun-dac-trung-vung-tay-nam-bo-3133192.html

Đà Lạt không chỉ là vùng đất để tham quan ngắm cảnh, đất Đà Lạt còn nổi tiếng với những món ăn rất độc đáo mà ngon miệng, trong đó có những món “trứ danh” không thể bỏ qua như bánh mì xíu mại, bánh tráng nướng, nem nướng…

Đến với Đà Lạt, bên cạnh việc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như thung lũng tình yêu, vườn hoa thành phố hay cao nguyên Lang Biang, thì thưởng thức ẩm thực phố núi cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.

1. Nem nướng

Không giống như nem chua rán, nem nướng Đà Lạt khi ăn thường cuộn kèm với bánh tráng, rau xà lách, chuối, khế… và chấm nước tương “độc chiêu”. Nhờ vậy mà vị béo thơm của nem nướng cùng vị tươi mát của rau quả dậy lên hấp dẫn. Hai quán nem nướng trên đường Phan Đình Phùng và Bùi Thị Xuân là địa chỉ dành cho bạn khi muốn thưởng thức món này.

Nem nướng Đà Lạt.

2. Bún bò ấp Ánh Sáng

Tuy là đặc sản của Huế nhưng khi đến ấp Ánh Sáng, cạnh Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, bạn vẫn có thể thưởng thức bún bò với hương vị không hề thua kém, có chăng chỉ là chút biến tấu để hợp hơn với khẩu vị của xứ lạnh cao nguyên. Đó là thay vì rau muống chẻ, bát bún bò Huế ở đây ăn kèm với xà lách thái nhỏ, giá đỗ và hoa chuối. Tùy theo khẩu vị, khách có thể gọi giò nạc, giò khoanh hoặc giò sụn.

3. Bánh ướt lòng gà

Sự kết hợp độc đáo giữa bánh ướt và lòng gà đã gợi sự tò mò của không ít du khách khi đến Đà Lạt. Để rồi khi nếm thử, ai nấy đều thích thú với hương vị rất lạ mà lôi cuốn của món ăn. Đó là vị dẻo mềm của bánh cùng vị thơm, ngọt của thịt gà. Để thưởng thức, các bạn hãy tìm đến quán bánh ướt trên đường Tăng Bạt Hổ, gần chợ Đà Lạt.

4. Bánh tráng nướng

Trong các món ngon ở Đà Lạt, được du khách biết đến nhiều nhất có lẽ là bánh tráng nướng trứng. Trên bếp than hồng, mỡ hành, trứng cút, thịt băm, tép rang được lần lượt dàn trên chiếc bánh tráng mỏng manh. Trong nháy mắt, màu vàng ruộm bao phủ toàn chiếc bánh, chấm với tương ớt cay nồng khiến người ăn không khỏi xuýt xoa. Nơi bán món này ngon nhất là quán trên đường Nguyễn Văn Trỗi, mở từ 2h chiều đến 10h đêm.

Bánh tráng nướng – Pizza Dalat

5. Món xắp xắp

Nghe lạ tai nhưng đây lại là món ăn quen thuộc khi khá giống nộm bò khô ở Hà Nội và gỏi khô bò ở Sài Gòn). Thành phần chính của món xắp xắp là đu đủ bào sợi, phổi bò hoặc gan heo rim kỹ, đậu phộng, rau húng quế, nước mắm chua ngọt… Bạn có thể tản bộ Hồ Xuân Hương rồi dừng lại ở quán nhỏ bên bờ hồ để thưởng thức món ăn này.

6. Bánh bèo

Bánh bèo Đà Lạt có pha thêm chút bột lọc nên hơi trong và có một chút dai dai. Trong khi đó, nước sốt tôm thịt lại sánh, màu cam bắt mắt và có vị thanh hấp dẫn. Một suất bánh bèo thường gồm 4 chén sành nhỏ và có giá rất bình dân. Địa chỉ ăn món này ở Đà Lạt là quán trên đường Phan Đình Phùng gần cây xăng Hồng Hưng, phục vụ từ 11h đến 20h mỗi ngày.

7. Chả ram bắp

Với cách cuốn bắp non bào nhuyễn ướp với gia vị vào bánh tráng rồi chiên đến khi có màu vàng ruộm đã tạo thành một món chả ngọt, thơm rất riêng cho Đà Lạt. Khi ăn, chả ram lại một lần nữa được cuốn với bánh tráng, dưa leo, củ đậu, cà rốt… và rau sống rồi chấm vào chén nước lèo làm từ tương đậu phộng. Bạn có thể tìm ăn món chả ram bắp ở quán cạnh trường tiểu học Nguyễn Trãi hoặc đường Nguyễn Công Trứ.

8. Bánh mì xíu mại

Ăn kèm với bánh mì là bát xíu mại làm nước ninh xương trong váng mỡ béo ngậy cùng viên thịt bé xíu, cộng thêm chút hành lá thái nhuyễn, tuy nhiên khi ăn lại rất thanh mà không hề ngấy. Có 3 cách phổ biến để thưởng thức là xé nhỏ bánh mì cho vào bát xíu mại, để nguyên miếng bánh mì lớn chấm nước dùng hoặc bỏ xíu mại vào giữa chiếc bánh mì. Ngoài các quán ngoài cổng trường học, cổng chợ, bạn có thể đến ngã ba Trần Nhật Duật – Hoàng Diệu để cảm nhận được hương vị đúng điệu của món ăn.

9. Bánh canh

Bánh canh có mặt ở nhiều nơi nhưng thưởng thức trong tiết trời se lạnh Đà Lạt lại mang đến một cảm nhận rất riêng. Đó là màu sắc hài hòa trong bát bánh canh khi hội tụ màu trắng của sợi bánh dai mềm, nóng hổi, màu vàng của chả và hành lá xanh xắt nhuyễn. Nổi tiếng nhất ở Đà Lạt là quán bánh canh Xuân An trên đường Nhà Chung, bánh canh Phan Rang ở đường Trần Phú hoặc Hai Bà Trưng.

Bánh canh Xuân An

10. Dâu tây kem

Dâu tây là đặc sản nổi tiếng Đà Lạt vì vậy sẽ là thiếu sót nếu bạn đến đây mà không nếm thử món kem được làm từ dâu tây tươi hái tận vườn, sữa tươi, trứng cùng một số nguyên liệu khác. Thưởng thức dâu tây kem trong tiết trời se lạnh Đà Lạt dường như càng làm món ăn thêm thi vị và hấp dẫn khi vị ngọt tươi của dâu tây quyện với vị mát lành của kem và đất trời. Nếu chưa tin hãy thử một lần ghé phố Phan Đình Phùng để tự mình trải nghiệm cảm giác thú vị ấy.

Vy An (VNexpress)

NHỮNG MÓN ĂN HÚT KHÁCH GIÁ TỪ 10.000Đ TRỞ XUỐNG CỦA HUẾ

Đến với đất di sản Cố đô Huế, điều mà du khách muốn khám phá không chỉ là đài điện, lăng tẩm, mà còn để khám phá một nền ẩm thực danh tiếng. Ẩm thực Huế đa dạng, từ giản dị tới cầu kì, từ đắt đỏ tới bình dân… nhưng có lẽ thu hút du khách nhất là những món ăn bình dân tuyệt ngon với mức giá rẻ bất ngờ. Cùng điểm qua danh sách những món ăn có giá dưới 10.000 đồng qua  bài viết và loạt ảnh của tác giả Huỳnh Hằng (Zing.vn):

Không chỉ bánh mì, mà các món ăn đặc sản của vùng đất này như bún hến, cháo lòng, bánh canh… đều có giá từ 5.000-10.000 đồng.

Bánh bèo gạo lứt có màu đỏ lạ, vị dẻo mềm. Giá 3.000 đồng một cái.
Chè trái cây: Ngoài chè bột lọc thịt heo quay trứ danh, du khách đến Huế đều mềm lòng với món chè trái cây nhiều màu sắc. Tùy theo mùa, mà số lượng hoặc loại trái cây trong món tráng miệng này được thay đổi. Giá 5.000 đồng một ly.
Bánh mì thịt kho: Các loại bánh mì tại TP Huế có giá từ 5.000-7.000 đồng. Nổi tiếng nhất là gánh bánh mì nhỏ xíu bên chân cầu Tràng Tiền từ 17h hàng ngày (đối diện khách sạn Saigon Morin).
Bánh bột lọc: Nếu đã thử thưởng thức món ăn này tại bất kỳ nơi nào của miền Trung, bạn sẽ nhận ra, nước chấm của bánh bột lọc tại đây có vị ngọt thanh của đường đun sôi. Giá 5.000 đồng một đĩa.
Bún nghêu là biến thể của bún hến dành cho những ai thích cảm nhận vị tươi, ngon của hải sản trong món ăn. Một tô bún nghêu có giá 7.000 đồng.
Bún hến đặc trưng với những con hến tí hon không nơi nào có. Giá 7.000 đồng một tô.
Cháo nghêu thanh ngọt, thơm thích hợp cho một bữa ăn nhẹ cho bữa xế hay sau một ngày lang thang trong ánh nắng gay gắt của Huế. Cháo nghêu có giá 7.000 đồng một tô.
Cơm hến có giá 7.000 đồng một tô.
Ốc: Các quán ốc tại Huế không ghi rõ tên các loại ốc trong thực đơn mà chia thành hai dòng chính là ốc nhỏ (những con ốc có kích thuớc nhỏ).
Và ốc to (ốc có kích thước lớn). Trừ nghêu, các món ốc tại đây đều hầu hết là ốc sông. Các loại ốc đồng giá 10.000 đồng một đĩa.
Cháo lòng của Huế na ná cháo Tiều với sư phân định rõ cái, nước trong phần cháo. Cháo lòng có giá 10.000 đồng một tô.
Bánh canh: Có hai loại bánh canh được bày bán số lượng nhiều tại Huế là bánh canh cá và bánh canh cua. Cá trong món ăn này là cá lóc. Riêng cua, sau khi luộc chín, bóc lấy thịt, trộn chung với giò sống thành chả cua. Giá mỗi tô bánh canh từ 7.000-10.000 đồng tùy loại.

Bài và ảnh: Huỳnh Hằng

Nguồn: http://news.zing.vn/Nhung-mon-an-duoi-10000-hut-du-khach-cua-Hue-post559732.html

Cách làm PHỞ CUỐN

Phở cuốn là món ăn độc đáo và ngon miệng, xuất phát từ làng Ngũ Xã, Hà Nội. Ngày nay Phở cuốn đã là một món ăn nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Bạn có thể dễ dàng làm món này ở nhà với điều kiện mua được bánh phở miếng.

Chuẩn bị:

  • – 500g bánh phở
  • – 1 lạng rưỡi thịt bò
  • – cà rốt và củ cải ( hoặc dưa chuột) để làm dưa góp. Xem CÁCH LÀM DƯA GÓP
  • – 5 nhánh tỏi, vài củ hành tím
  • – Đậu phộng rang giã nhỏ
  • – Nước tương, nước mắm, dấm, đường.
  • – Rau sống ăn kèm: rau diếp, giá đỗ, ngò, bạc hà.

Thực hiện:

– Hành củ lột vỏ, xắt lát mỏng rồi phi giòn.

– Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.

– Bắc chảo dầu vặn lửa lớn cho ít dầu, đun cho nóng già thì cho tỏi vào phi thơm sau đó trút thịt bò vào xào chín tới. Trong lúc xào nêm thêm 1 muỗng canh xì dầu.

– Bò vừa chín tới thì trút giá đỗ vô xào chung vài nhát, nêm thêm hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp, để nguội.

– Bánh phở mua về trải ra mặt phẳng, xếp lần lượt rau diếp, ngò, bạc hà, thịt bò, giá vào rồi quấn lại cho chặt chẽ (không cần bịt kín hai đầu). Nếu cuộn lại mà thấy dài quá thì dùng dao cắt thành từng khúc đều nhau (độ dài vừa đủ cầm).

– Pha nước chấm: 1 chén nước nóng + 1 muỗng canh dấm + 1 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước mắm + ớt, khuấy cho tan.

– Khi ăn rắc đậu phộng rang giã dập và hành khô phi giòn lên. Ăn kèm với dưa góp (xem cách làm trong bài CÁCH LÀM DƯA GÓP)

Bảo Tố

9 GÁNH HÀNG RONG ĐẮT KHÁCH BẬC NHẤT SÀI GÒN

So với Hà Nội, Sài Gòn không có nhiều quán ăn gia truyền có “bề dày lịch sử”, một phần do sự thay đổi liên tục của thành phố này. Tuy vậy, ẩm thực Sài Gòn lại hấp dẫn bởi sự đa dạng, không chỉ về chủng loại mà còn về hình thức. Có những hàng ăn chỉ bán trên quang gánh, xe đẩy, nhưng thậm chí còn đắt khách hơn cả trong hàng quán.

Chỉ là gánh hàng rong, song bánh giò trước của Sài Gòn Square 3 hay bún riêu cua chợ Bến Thành đều có khách nhiều đến mức chuyện chờ 30 phút hay 1 tiếng là bình thường.

1. Bánh giò trước cửa Sài Gòn Square 3 (Hai Bà Trưng, quận 1): Gánh bánh giò này bán từ 16h hàng ngày và từ lúc mở bán đến khi hết bánh, chưa bao giờ ngớt khách chờ mua. Một phần có giá 15.000 đồng gồm bánh giò, thịt bằm, nem, chả lụa, chả chiên, chả gân, nem chua cùng một ít rau chua. Ảnh: Nhất Nhất Hậu.

 

2. Gánh bún riêu cua chợ Bến Thành: Gánh bún này đã có trên 30 năm. Bán từ trưa đến chiều. Đây là địa chỉ quen thuộc của người Sài Gòn, Việt kiều và du khách khắp nơi. Tô bún riêu tại đây mang phiên bản miền Nam, đầy ắp chả cây, huyết, đậu hũ và gạch cua. Ảnh: Linh San.

 

3. Gánh bánh ống lá dứa đường Nguyễn Trãi (trước số nhà 45 Nguyễn Trãi, quận 5): Bánh ống lá dứa là đặc sản của Sóc Trăng. Tên của món ăn được dựa theo cách làm và hình dáng của bánh. Món bánh này có vị dẻo, dai, thơm mềm kết hợp cùng vị béo của cơm dừa, mặn mà của muối mè. Ảnh: Nhà Dột.

 

4. Bánh tráng trộn chú Viên (Nguyễn Thượng Hiền, quận 3): Có thể nói ở Sài Gòn, không món ăn vặt nào có mật độ phủ sóng dày như bánh tráng trộn. Tuy nhiên, không ít người chịu khó chầu chực ở chú Viên, nơi được xưng tụng hàng bánh tráng trộn ngon nhất Sài Gòn. Muốn mua bánh, khách phải tranh thủ đến lấy số (50 số), xếp hàng, chờ đến lượt. Vì điều này nên có người mua hàng chục bịch cho bõ công chờ. Ảnh: Thế Yên.

 

5. Canh bún đường Hai Bà Trưng (góc ngã tư Nguyễn Văn Chiêm và Hai Bà Trưng, quận 1) là điểm hẹn quen thuộc của nhân viên văn phòng khu vực nhà văn hóa Thanh Niên. Gánh hàng này bán từ 16h30 hàng ngày. Theo ước đoán của nhiều khách, mỗi ngày, gánh phục vụ không dưới 200 lượt khách. Canh bún tại đây vừa miệng, nhiều về số lượng, giá mềm (18.000 đồng một tô). Ảnh: Linh San.

 

6. Bánh mì hẻm 37 Nguyễn Trãi (quận 1) là xe bánh mì thịt nướng từng được tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler vinh danh là một trong 12 quán bán món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Muốn mua bánh, bạn phải chờ khoảng 30 phút, thậm chí cả tiếng. Tuy chờ hơi lâu, song, hầu hết mọi người đều vui vẻ. “Mình làm gần đây, mỗi lần muốn mua phải chờ. Tuy nhiên, đã ghiền thì phải cố”, anh Minh, nhà ở quận 3 chia sẻ. Ảnh:Saigonamthuc.

 

7. Xe chè ba màu trên đường Trần Quốc Thảo (ngã ba Trần Quốc Thảo – Nguyễn Phi Khanh): Nơi này chỉ bán những món chè truyền thống như chè đậu đen, đậu đỏ, ba màu, bánh lọt… Tuy nhiên, để được thưởng thức, bạn sẽ phải chờ rất lâu. Điểm khó chịu nhất trong thời gian chờ, không phải nắng, mưa hay khuôn mặt khó đăm đăm của người bán, mà là cách bán hàng vô cùng từ tốn của ông. Ảnh: Linh San.

 

8. Cơm cháy chà bông Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đối diện Taka Plaza): Là một trong những gánh hàng rong “truyền kỳ” của Sài Gòn. Tuy nhiên, địa chỉ này luôn khiến bất kỳ thực khách nào lần đầu đến bị choáng vì “gia tài” không thể đồ sộ hơn (một cái bàn chất đầy đồ, một cái ghế con, hai người bán). Đơn sơ là vậy nhưng bất kỳ ăn ở đây một lần đều chỉ muốn ghé đến mua về khi thèm. Ảnh: 7 Món ngon mỗi ngày.

 

9. Gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám (gần ngã tư Hai Bà Trưng – Võ Thị Sáu): Đây là địa chỉ mà bất kỳ du khách nào đến Sài Gòn cũng muốn ghé một lần để thưởng thức. Ngoài cách bán lạ (đưa giấy cho khách ngồi, ăn trước trả tiền sau), gỏi khô bò ở đây khiến người ta nhớ mãi món nước dùng có vị chua, thơm, mặn, cay lạ miệng. Ảnh: Linh San.

Linh San (Zing.vn)Nguồn: http://news.zing.vn/9-ganh-hang-rong-hut-khach-Sai-Gon-post552705.html

Clip quay cảnh ăn đuông miền Tây gây phản ứng trái chiều

Người am hiểu về ẩm thực Việt Nam ắt hẳn sẽ biết món đuông của Nam bộ. Đây là món đặc sản nổi tiếng không chỉ vì hương vị, độ độc đáo, mà còn vì cách thưởng thức ít ai nghĩ tới: ăn tươi…nuốt sống.

Đuông là một trong những món ăn được nhà văn Vũ Bằng liệt kê trong danh sách “Món lạ miền Nam” với giọng khen ngợi đầy hóm hỉnh:

” Thì ra cái con đuông ăn cũng kể như ăn sầu riêng vậy. Có người thấy sầu riêng, giẫy lên đành đạch, kêu ầm lên là “thúi” quá. Ấy vậy mà miếng đầu bỏ vô đi, ăn miếng thứ hai vào lại muốn ăn ba; thế rồi thì đâm ra nghiện lúc nào không biết! Tôi ăn đuông cũng vậy; miếng đầu kinh kinh, nhưng liều nhai thử xem sao; đến miếng thứ hai – ở này, nó ngầy ngậy, beo béo nghe hay đáo để. Miếng thứ ba thì vừa nhai vừa nghĩ, thì thấy nó đặc biệt không thể ví được với bất cứ một thứ gì mình đã được ăn từ trước tới nay… Thế rồi thì đến miếng thứ năm, thứ sáu – phải nói thực là mình đã bị đuông cám dỗ. Rồi từ đó mình thành ra mê đuông – có khổ không?”

Đuông là ấu trùng dạng sâu của một số loài bọ cánh cứng, hay sống trong cổ hủ (phần lõi mềm bên trong ngọn) của các cây thuộc họ cau như Chà là, dừa, cau, đủng đỉnh… Ấu trùng đuông sinh sôi trong phần lõi này, lấy cổ hủ làm thức ăn nên rất sạch sẽ (không như các loại dòi mà người ta thường hình dung). Tuy vậy, bên cạnh việc được nhiều người tôn lên làm món đặc sản ngon lành, thì đuông vẫn gây ám ảnh cho nhiều người vì mức độ quái lạ  và cách ăn độc nhất vô nhị: ăn lúc con đuông còn sống và bò ngọ nguậy, mà trong đó, cách ăn được cho là ngon nhất, có thể nói đến “đuông tắm mắm”.

Vừa qua trên các diễn đàn và mạng xã hội đã phổ biến một clip về một nhóm bạn đang thưởng thức món ăn nổi tiếng này trong một chầu nhậu vui vẻ. Theo như hình ảnh được ghi nhận trong clip thì họ đang ăn món “đuông tắm mắm” với những con đuông đang bò lúc nhúc ngọ nguậy trong dĩa nước mắm ớt.

Mời các bạn xem clip:

 

Cảnh tượng đặc biệt trong clip đã gây nên nhiều thảo luận sôi nổi, trong đó nổi bật là hai luồng phản ứng trái chiều. Trong khi nhiều người tỏ ý thích thú với món ăn dân dã, độc đáo từ lâu đời của miền Tây, thì có những ý kiến tỏ ra sợ hãi, thậm chí phê phán kiểu ăn mà họ cho là “cái thứ gì cũng ăn được”, “không giống ai”.

Còn bạn,  cảm giác của bạn ra sao sau khi coi clip này?

Bảo Nhân

[TẾT ĐOAN NGỌ] Sự khác biệt trong món CƠM RƯỢU NẾP ở 3 miền

  • Cơm rượu là món ăn ngon, độc đáo, lại càng không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ. Tại mỗi miền của đất nước, cơm rượu có những thay đổi khác nhau và mang những nét đặc trưng khó lẫn. Cùng tìm hiểu về món Cơm Rượu này.

    Cơm rượu nếp miền Bắc

    Được nấu bằng gạo nếp lức hoặc gạo nếp cẩm nhưng phổ biến nhất vẫn là dùng gạo nếp lứt để nấu. Gạo xay nấu lên, sau đó đổ ra nia và dàn ra cho cơm nguội. Lấy những quả men rượu đã mua ở chợ về, cạo sạch lớp chấu trên bề mặt và giã nhỏ thành bột màu trắng.



    Cơm rượu nếp miền Bắc giòn và bùi.
     

    Khi cơm đã nguội thì lấy rá, lót 1 lớp lá chuối tươi đã khía ở đáy để không bị ứ nước khi cơm nếp lên men thành rượu sau đó. Cho từng lượt cơm vào rá, rồi rắc một lượt men lên, đan xen với nhau, rắc hết thì đậy kín miệng rá bằng lá chuối. Sau đó để rá cơm rượu lên 1 chiếc bát trong khoảng 2 ngày.

    Khi ấy, men rượu sẽ ngấm vào cơm làm cho những hạt cơm căng mọng, hơi men kết hợp với cái nóng của cơm nếp đang ủ sẽ tạo ra những giọt rượu nguyên chất chảy xuống chiếc bát phía dưới rá.

    Cơm rượu nếp để 2 ngày sẽ ngấu, dừ và ăn được. Khi ăn thì trộn đều với đường trắng (nước đường). Nước rượu nguyên chất (dung dịch rượu vữa có mùi thơm lừng) có thể chắt vào chai dành để uống như rượu bình thường. Món cơm rượu sẽ có hơi men, vị cay của rượu, vị ngọt của nước đường và cơm nếp.

  • 2

    Cơm rượu miền Trung

    Cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình miền Trung tự chế biến trong bữa ăn.

    Để có những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt, cần chọn nếp ngỗng cũ, vo sạch, ngâm nước trong 8 giờ rồi vớt để ráo. Đem hấp nếp lần 1 trong một tấm vải màn. Khi hạt nếp có độ trong, lấy ra, nhúng gói nếp vào thau nước pha muối loãng, để ráo trong 3 phút.

    Nếp được hấp hai lần đến độ chín hoàn toàn. Xới xôi ra để nguội. Lót tấm lá chuối vào khay, cho xôi vào, đậy thêm tấm lá nén xôi thật chặt trong lòng khay, dùng vật nặng đè lên xôi.


    Cơm rượu nếp miền Trung với hình dáng vuông vức.
     

    Giã men thật mịn, mở lá ra, rắc đều bột men lên mặt xôi. Dùng dao nhúng nước muối đặc, cắt xôi thành viên cạnh 2,5 cm. Rắc tiếp men lên đều mặt còn lại của viên xôi. Lấy lá chuối cuộn từng viên xôi.

    Cứ một dung lá gói ba viên xôi. Ta bóc lá chuối, sắp viên xôi ra bát hay thẩu, đổ nước rượu hứng được vào. Đậy nắp lại, sau 1 ngày là có thể đem ăn. Để tủ lạnh sẽ giữ được lâu hơn. Món cơm rượu thường ăn kèm xôi vò.

  • 3

    Cơm rượu nếp miền Nam

    Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.

    Ngon nhất là loại cơm rượu làm từ gạo nếp cẩm (nếp than). Trong gạo nếp cẩm có chứa hàm lượng khá cao một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Gạo nếp cẩm chứa ít đường đồng thời có nhiều khoáng chất, chất xơ và vitamin E hơn gạo nếp thường.



    Cơm rượu nếp miền Nam hình viên tròn.
    Bánh men rượu có vị ngọt, tính ấm, không độc. Tác dụng làm khoan khoái trong lòng, khai vị, trừ đàm tích, giáng khí nghịch, tiêu hòn cục, kích thích tiêu hóa, chữa hoắc loạn (đau bụng, khi nóng khi lạnh có kèm tiêu chảy, nôn ói).Khi làm cơm rượu nếp, sự kết hợp giữa xôi nếp và bánh men qua quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên, tính chất bổ dưỡng của món ăn này cũng được gia tăng. Do tác dụng làm ấm tì vị, thăng khí, trừ đàm, trừ thấp, nên món cơm rượu nếp dễ làm cho tinh thần chúng ta vui vẻ, phấn chấn, tăng sức đề kháng.

    Cơm rượu nếp ngon nhất là loại được làm bằng gạo nếp cái, chỉ xay tróc vỏ trấu mà không giã tróc lớp cám bao quanh hạt gạo (còn gọi là nếp lứt, nếp lật). Khi ra cơm rượu nếp, các hạt có màu vàng như màu hoa ngâu. Nhiều nơi còn dùng xôi gấc để chế biến cơm rượu nếp gấc có màu đỏ đẹp mà giá trị dinh dưỡng cũng tăng thêm.

    (Sưu tầm)

NHỮNG MÓN ĂN VỪA NGON VỪA RẺ Ở LONG XUYÊN

Cơm tấm nhuyễn, lẩu cháo cua đồng, lẩu mắm, bánh xèo, bún cá… là những món ăn dân dã, hấp dẫn thực khách mỗi khi có dịp ghé Long Xuyên.

Thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang là nơi hội tụ nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của miệt vườn sông nước miền Tây. Nơi đây có rất nhiều món ăn vặt, món vỉa hè, quán ăn với giá bình dân, hương vị đặc trưng, luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Lẩu mắm

 

Đây là loại lẩu được xem như đặc sản của vùng sông nước. Người dân miền Tây có bí quyết riêng giúp lẩu mắm không quá mặn, nồi lẩu lại ngả màu nâu đặc trưng của mắm, nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả vừa thơm vừa bắt mắt. Mắm sau khi nấu, lọc bỏ xương lấy nước, cho tỏi băm, sả, ớt vào nồi đảo lên cho vàng đều, cho thịt ba rọi vào xào thơm, tiếp tục đổ nước mắm vào, nấu sôi lên, nêm một ít đường, bột ngọt. Để mùi mắm dịu, ngọt tự nhiên, nên lấy một nắm sả đập dập bỏ vào nấu. Để tất cả nguyên liệu vừa làm xong vào một cái lẩu, để lửa liu riu. Màu nâu và hương thơm đặc trưng từ mắm cá linh, cá sặc; nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả; vị ngọt từ thịt, tôm, mực và các loại cá tươi như cá lóc cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt đã tạo nên một món lẩu mắm dân dã đậm chất trong ẩm thực đất phương Nam.

Đến Long Xuyên, bạn nhớ ghé  quán Lẩu Mắm Cây Dừa – 95 Trần Hưng Đạo, TP Long Xuyên (đối diện Metro Long Xuyên) để thưởng thức món ăn này. Quán chuyên bán lẩu mắm nên thực đơn cũng chỉ có mỗi một món duy nhất là lẩu mắm, thực khách được lựa chọn thành phần chính của lẩu gồm những loại như lẩu mắm lươn, cá bớp, tôm, mực, cá kèo… Mỗi lẩu có giá chỉ 150.000-200.000 đồng.

Lẩu cháo cua đồng


Từ trước đến nay, người ta chỉ biết thịt cua đồng có thể nấu canh rau, bún riêu…  nhưng có lẽ cái tên món lẩu cháo cua đồng thoáng nghe qua cũng khá lạ với những ai chưa có dịp thưởng thức ẩm thực tại Long Xuyên. Với cách thức dùng thịt cua đồng nấu lẩu kết hợp nhúng với nhiều loại rau xanh, món lẩu này có một nét khác biệt riêng, tuy lạ lẫm nhưng rất gần gũi và khá thú vị.

Để có được một nồi lẩu cháo thơm ngon, người đầu bếp chọn cua đồng tươi rồi giã ra và nấu lấy thịt. Gạo nấu cháo phải là loại gạo thơm ngon. Cháo nấu lẩu cua đồng phải thật loãng, ngập nước dùng để còn nhúng rau. Khi cháo chín mới đưa vào nồi lẩu cua đồng có nấm rơm, hẹ, hành tím, tiêu, ngò, hành lá và nêm mắm muối cho vừa ăn. Món lẩu sẽ thêm phần hấp dẫn khi được kết hợp với nhiều loại rau đồng quê như rau má, rau ngót, mồng tơi và mướp hương… Một chút gừng xắt sợi kèm theo, cùng nước chấm mắm ngon cũng sẽ làm bạn ấm bụng hơn với món lẩu này.

Chính cái hương vị đặc sắc, mùi thơm ngon ngọt của cua, cùng với những loại rau dân giã nơi sông nước miền Tây đã làm nên món lẩu cháo cua đồng quyến luyến nhiều thực khách mỗi khi có dịp thưởng thức. Nếu có dịp ghé Long Xuyên, bạn hãy đến căn tin khu cư xá Sao Mai, phường Mỹ Long để thưởng thức qua món ăn ngon này. Một cái lẩu có giá chỉ 60.000-70.000đồng.

Bánh xèo


Đây là loại bánh luôn có mặt trong thực đơn ẩm thực của người dân miền Tây Nam bộ. Món ăn được làm từ các thành phần từ bột, tôm, thịt, giá đỗ… Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh xèo chính là bột gạo được pha với các thành phần khác như nước cốt dừa, muối, bột nghệ… Để làm ra một chiếc bánh ngon, màu sắc đẹp, người ta phải canh lửa vừa đủ và trở bánh thật đều tay. Khi bánh vừa chín tới, mới bắt đầu để nhân vào và… canh lửa tiếp. Lấy bánh ra khỏi chảo cũng là một nghệ thuật, vì không khéo có thể làm vỡ bánh, trông sẽ không ngon.

Bánh phải ăn khi còn nóng hổi. Nước chấm đóng vai trò rất quan trọng khi thưởng thức món bánh này. Chén nước chấm phải pha làm sao để vừa có vị chua ngọt của nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… cùng ít đồ chua hấp dẫn. Món ăn không thể thiếu rau xà lách, rau thơm, tía tô, hung quế, diếp cá ăn kèm. Bạn có thể ghé quán bánh xèo gần trường Lý Thường Kiệt, trên đường Lý Thường Kiệt (ngay góc chợ Mỹ Bình) để thưởng thức. Mỗi cái bánh có giá chỉ 12.000 đồng.

Bún cá


Khi ngang qua Long Xuyên, bạn nên thử một lần dùng món bún cá. Món bún cá nơi đây có ít màu của nghệ để trông đẹp mắt và thơm ngon hơn. Món ăn này chỉ hấp dẫn khi vị của nước lèo trong suốt, nhưng phải đậm đà. Để có tô bún cá ngon, phải chọn cá lóc tự nhiên, nước lèo được nấu bằng nước luộc cá; còn thịt cá được tách ra từng miếng, lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh.

Bên cạnh tô bún, bạn có thể gọi thêm một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me (có thể thêm chút ớt cay) giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn. Tô bún rất bắt mắt với màu vàng của miếng cá lóc đồng và màu xanh của một vài loại rau ăn kèm như rau muống, rau nhút. Long Xuyên có rất nhiều nơi bán bún cá, tập trung nhất là dọc theo đường Lê Lợi (phường Mỹ Bình). Một tô bún cá giá chỉ khoảng 18.000-20.000 đồng.

Cơm tấmnhuyễn


Nếu như cơm tấm Sài Gòn với những lát thịt to được nướng vàng đều thì cơm tấm tại Long Xuyên lại mang nét đặc trưng rất riêng. Hạt tấm rất nhuyễn, thịt nướng được thái lát mỏng và cắt thành sợi mỏng. Ngoài ra, cũng giống như sườn, đĩa cơm tấm còn có thêm bì và trứng kho được cắt mỏng, vừa miệng để tạo cảm giác không ngấy cho người thưởng thức. Ăn kèm với cơm là nước mắm chua ngọt, pha hơi sánh. Những thành phần này quyện vào nhau đã tạo cho cơm tấm tại Long Xuyên một một hương vị rất riêng và không đụng hàng với bất cứ nơi đâu.

Nếu có dịp ghé thăm thành phố Long Xuyên, bạn có thể ghé ăn ở một vài quán cơm tấm trên đường Bùi Thị Xuân, đối diện với báo An Giang… Mỗi đĩa cơm tấm có giá khoảng 17.000 đồng.

Long Xuyên còn rất nhiều món ngon, đặc sắc, nằm tận các ngóc ngách của thành phố, đủ để làm vấn vương biết bao thực khách khi có dịp ghé thăm. Bạn hãy thử một lần đến với miệt sông nước miền Tây để thưởng thức những món ăn dân dã và đặc trưng nơi đây nhé.

Hà Lâm (ngoisao.net)

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/ngap-trong-mon-an-vua-ngon-vua-re-o-long-xuyen-3125671.html

NHỮNG MÓN NGON LẠ NÊN ĂN TRONG CHUYẾN DU LỊCH SAPA

Khách du lịch Sapa lần đầu sẽ không thể nào quên cảnh đẹp còn nguyên sơ của núi rừng, hồn hậu mà hùng vĩ của ruộng bậc thang hay những con phố be bé xinh xinh, những buôn làng đầy ắp sắc màu thổ cẩm của cư dân bản địa…Đồng thời, họ lại càng khó quên những món ăn đơn sơ mà lạ lẫm từ các nguyên liệuđặc sản ở đây.

  

Rau đặc sản

Có lẽ Sapa là vùng đất nổi tiếng với nhiều thứ rau đặc sản xanh mướt trong lành. Đó hẳn phải là những ngọn rau su su làm nức lòng thực khách, rau cù khởi có cái tên lạ lẫm mà thơm ngon hay thứ rau đậu Hà Lan nhỏ bé những ngọt vô cùng…

Ngọn su su

Ngọn su su là loại rau rất phổ biến nhưng nó chỉ ngon khi được trồng các ở khu vực miền núi phía Bắc, nơi mùa đông có cái lạnh cắt da, cắt thịt hay mát mẻ vào mùa hè như Sapa chẳng hạn. Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn.

 

Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn

Tuy là được trồng ở miền núi, nhưng rau cũng được người dân làm giàn cẩn thận, ngọn su su cứ thế mà leo lên, hưởng những ái ưu của thời tiết, của khí trời mà lan toả hết giàn này đến giàn khác, cứ bạt ngàn trong tầm mắt người ngắm. Và có lẽ cũng vì thế mà su su ở khu vực này mới ngọt hơn, giòn hơn nơi khác, mới thành thứ đặc sản mà ai đến đây cũng muốn mang về thưởng thức hay làm thứ quà biếu người thân, bạn bè.

 

Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá

Ngọn su su chẳng cần xào với các nguyên liệu khác cũng ngon. Chỉ cần nhặt sạch, cho vào xào cùng tỏi, mỡ, nêm chút gia vị là có thể thưởng thức ngay được. Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá.

Rau đậu Hà Lan

Nhắc đến đậu Hà Lan có lẽ người ta chỉ nghĩ đến việc thu hoạch quả và hạt nhưng ít ai ngờ rằng, thứ cây thân leo này cũng cho những ngọn rau ngon ngọt vô cùng. Chẳng thế mà người dân Sapa (Lào Cai) đã sớm biến nó thành loại rau đặc sản để bán cho du khách.

 

Rau đậu Hà Lan đem nấu canh rất ngon

Rau đậu Hà Lan được trồng và mọc theo giàn, ngọn rất nhỏ nhưng mềm mang màu xanh nhạt mà non tơ. Thường người ra dùng loại rau này để nấu canh với thịt băm, xương… hoặc đơn giản chỉ là nấu suông nhưng ngon ngọt vô cùng.

Rau cù khởi

Nghe cái tên vừa lạ lại vừa khó nhớ nhưng nếu nếm thử một lần rồi đảm bảo bạn sẽ chẳng thể nào quên được hương vị hấp dẫn của thứ rau dại (mọc ở hàng rào) trên mảnh đất Sapa đầy xa ngái. Trước đây, ở Sapa có rất nhiều loại rau ngon vì thế củ khởi ít mấy ai để ý đến nhưng nhờ có vị hơi đắng lại ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng nó lại trở thành một thứ đặc sản mà ai lên tới đây cũng muốn ăn thử và thích mang về.

 

Khi mới ăn rau củ khởi, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ

Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ.

Rau cải mèo

Đến các bản xa trung tâm Sapa như Tả Van, Cát Cát… du khách no mắt bởi màu xanh mỡ màng của những luống rau cải mèo bên cạnh ruộng bậc thang thoai thoải. Cải mèo vốn thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn, đó cũng là lý giải cho cái tên là lạ của cải. Cải mèo cũng được coi là loại rau quý vì được thiên nhiên chọn lọc nên sức sống mãnh liệt, nó có thể vượt qua thời tiết mùa đông khắc nghiệt có băng ở vùng núi này và sinh trưởng khỏe, để có thứ rau đặc sản cho con người.

 

Rau cải mèo là thứ đặc sản của người Mông, Sapa

Cải mèo có vị ngon và giòn, nên được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, người nấu thường vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì lấy dao thái, như vậy mới đảm bảo giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của cải.

Cách chế biến đơn giản và được ưa chuộng nhất là thái nhỏ, giã gừng đổ nước vào đun sôi và sau khi nêm nếm là có một bát canh nóng hổi. Rau có thể nấu cùng với thịt gà băm nhỏ cùng gừng, nêm vừa mắm, muối, sẽ dễ cảm nhận chất ngọt của thịt gà hài hòa với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.

Đồ nướng

Đồ nướng không phải là món ăn xa lạ nhưng đến với Sapa, mảnh đất của mảng sương dày, của những cái lạnh cứ mỗi chiều buông xuống thì nó lại là một đặc sản vô cùng hấp dẫn. Các nguyên liệu dùng để nướng ở đây đều mang hương sắc của núi, của rừng, của mây mờ quanh năm che phủ. Đó là những bắp ngô, củ khoai, sắn hay mía trồng trên các nương rẫy cứ thơm ngon ai đi qua cũng phải hít hà.

 

Đồ nướng không phải là món ăn xa lạ nhưng đến với Sapa, mảnh đất của mảng sương dày, của những cái lạnh cứ mỗi chiều buông xuống thì nó lại là một đặc sản vô cùng hấp dẫn

Đồ nướng ở đây không chỉ đơn giản có thế, bạn có thể tìm mua cho mình những xiên thịt nướng từ thịt lợn cắp nách vô cùng hấp dẫn. Những xiên thịt nuớng Sapa vàng ươm đượm vị còn có cả da, nhưng không hề dai mà giòn, mềm, càng ăn càng ngọt. Bởi thế nếu đã nếm thử một xiên, chẳng mấy ai có thể cầm lòng mà đành phải gọi thêm vài xiên để ăn cho thỏa. Không chỉ được tẩm ướp gia vị sao cho vừa miệng, những xiên thịt ở đây còn được quấn kèm nấm kim châm trắng và rau cải mèo xanh, vừa hấp dẫn, đẹp mắt, vừa giúp đổi vị cho thực khách nhờ sự kết hợp tuyệt hảo của các đặc sản Sapa.

 

Đồ nướng Sapa rất phong phú

Trứng gà nướng hay cơm lam nướng cũng là một trong những đặc sản ở nơi này. Trứng gà luộc, cơm lam nấu chín sau đó đem nướng trên những ngon than hồng sẽ đem lại trải nghiệm đặc biệt về hương vị. Vào những buổi tối mờ sương, khi thị trấn đã lên đèn, trong ánh sáng nhập nhoạng chập chờn, dưới tiết trời lành lạnh, được ngồi nhâm nhi những món nướng ấm áp này thì chẳng còn gì bằng cả. Ngoài ra, món nướng còn có tôm, rau củ, hạt dẻ… chắc chắn sẽ làm từng thực khách hài lòng.

Cá hồi Sapa

Loại cá được nuôi tại Sapa chủ yếu là cá hồi vân, hay còn gọi là cá hồi ráng. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, chất lượng và màu sắc của cá hồi Sapa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu vào Việt Nam.

 

Cá hồi vân là đặc sản của Sapa

Cá có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari…, nhưng nổi bật nhất là các món lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng, cháo cá hồi, cá hồi tẩm bột chiên. Mỗi món ăn đều có một hương vị gì đó rất riêng, có lẽ đó là của mây, của núi của một vùng đất hoang sơ nhưng kì vỹ tạo thành.

Xôi ngũ sắc của người Tày

Đến với mảnh đất mù sương này, du khách còn có thể bắt gặp những thúng xôi nhiều màu sắc sặc sỡ của người Tày được bày bán khá nhiều ở chợ. Thông thường, xôi có 5 màu: đỏ, xanh, vàng, tím và trắng vô cùng hấp dẫn. Nếu tình cờ đi qua hàng xôi ấy, mùi thơm của loại xôi được làm từ thứ gạo nương ngon dẻo của tỏa ra thơm nức, như muốn níu lấy chân người.

Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…

 

Đến với mảnh đất mù sương này, du khách còn có thể bắt gặp những thúng xôi nhiều màu sắc sặc sỡ của người Tày được bày bán khá nhiều ở chợ

Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu.

Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Nghe nói, khâu này đòi hỏi người nấu phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Loại gạo ngâm màu nào dễ phai nhất sẽ được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ.

Trứng thuốc Bắc

Đây cũng là một trong những món ăn độc đáo của người Sapa. Món trứng sau khi luộc xong được đập dập vỏ, rồi nấu trong thuốc Bắc ít nhất 8 giờ. Khi ăn, trứng sẽ rất chắc, thơm mùi thuốc và có những đường vân vô cùng đẹp mắt. Trứng thuốc Bắc của người Sapa gần giống với món trứng tràcủa người Trung Quốc.

 

 

Món trứng thuốc Bắc ở Sapa

Tuy nhiên, cách nấu cụ thể như thế nào và có bí quyết gì để món trứng thuốc Bắc hấp dẫn bất cứ ai thưởng thức  thì chỉ có những người trực tiếp làm ra mới biết được.

(Khampha.vn)

Cách làm BÁNH BỘT LỌC GÓI

Bánh bột lọc là món đặc sản đậm chất miền Trung, đã từng được CNN đưa vào danh sách 40 món bánh hấp ngon nhất thế giới. Món ăn hấp dẫn bởi độ dai của bột lọc, mùi thơm của tôm đất, và vị cay ngọt nhẹ nhàng của nước mắm pha.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • – 2 chén bột năng khô
  • – 2 chén nước
  • -2 thìa súp dầu ăn
  • – chút muối

Phần nhân:

  • – 2 lạng tôm đất tươi
  • – 3 lạng thịt ba rọi
  • – 1 lạng hành củ
  • – Nửa lạng nấm mèo
  • – Dầu ăn, muối, tiêu, bột ngọt

Nước chấm:

  • – 2 lạng tôm đất tươi
  • – Nước mắm ngon, chanh, ớt, đường

Phần lá chuối gói bánh:

  • – Lá chuối, tước cạnh rìa, rửa sạch, lau khô rồi cắt miếng cỡ 10x 15 phân.

Thực hiện: 

1/ Làm nhân:

– Tôm đất cắt râu, đuôi, rửa sạch, để ráo, ướp muối, tiêu

– Thịt ba rọi thái mỏng, ướp muối, tiêu

– Hành củ thái mỏng

– Nấm mèo rửa sạch, ngâm nước ấm để nở lớn, xắt sợi chỉ

– Bắc chảo lên bếp đun nóng 2 thìa súp dầu ăn, phi thơm hành rồi đổ tôm, thịt, nấm vào xào chín, nêm nếm lại vừa ăn.

2/ Làm bột:

– Đổ bột, nước, dầu ăn, 1/2 muỗng cafe muối vào trong cái nồi, đun nhỏ lửa, vừa đun vừa khuấy đều tay tới khi bột hơi sánh đặc lại nhưng không chảy nhão. Tắt bếp nhắc xuống. Chuẩn bị gói bánh ngay từ lúc này.

3/ Gói bánh:

– Để 1 miếng lá chuối 10×15 phân vô lòng bàn tay,Hơi ôm bàn tay lại cho lá chuối hõm xuống ở giữa theo chiều dọc thớ lá. Đổ vào 1 thìa súp bột đã làm, dàn bột ra một tí rồi đặt vào 1 con tôm, 1 miếng thịt, ít hành, nấm, gấp 2 mép lại theo chiều dọc rồi bẻ ngược đầu ra phía sau là được 1 cái. Cứ làm xong 2 cái thì lại úp lưng vào nhau dùng lá chuối cột lại thành 1 cặp.

– Lần lượt làm  cho hết bột. Xếp lần lượt bánh vào kín mặt xửng, đem hấp cách thủy độ 20 phút là bánh chín.

4/ Làm nước chấm:

– Tôm rửa sạch, để ráo, lột bỏ vỏ; bỏ phần đầu, vỏ tôm đem luộc trong nồi nhỏ với chút nước, để sôi độ 3 phút thì tắt bếp, đổ ra cái rây để lược vỏ bỏ đi, giữ lại phần nước luộc vỏ.

– Nước mắm pha với đường, châm thêm nước luộc vỏ tôm, nếm tới khi nào thấy mặn ngọt thật thanh dịu, vắt vào một miếng chanh, xắt vài ba lát ớt. Nêm nếm lại không vị nào gắt quá là được.

Nguyễn Thị Tuyết

‘NGẤT NGÂY’ VỚI 13 MÓN NGON PHẢI KHÁM PHÁ TẠI VŨNG TÀU

Vũng Tàu quá gần Sài Gòn, cho nên người ta thường đến Vũng Tàu trong những chuyến du lịch chớp nhoáng, ít ai có cơ hội khám phá hết đồ ăn ở đây. Thực chất Vũng Tàu là một địa điểm để bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn ngon tuyệt.

Vũng Tàu là vùng đất trù phú của đất nước ta, vừa có núi vừa có biển cho nên đặc sản vô cùng đa dạng và phong phú. Từ món đặc sản cho đến những món dân dã, bình dân đều đủ sức hấp dẫn thực khách mọi miền. Quá quen thuộc với mọi người, thế nhưng, liệu các bạn đã biết hết những điểm ăn uống lí tưởng tại nơi này?

Lẩu cá đuối

Đường Trương Công Định là điểm đến quen thuộc của du khách muốn có một bữa tối no nê khi ghé thăm Vũng Tàu. Tại con phố nho nhỏ này, nổi tiếng nhất có lẽ là món lẩu cá đuối đầy hấp dẫn. Vị ngọt thanh của nước lẩu, vị chua của măng, vị đậm đà của chén nước mắm, thêm chút tê tê của vài lát ớt cùng thịt cá đuối dai dai và sần sật của sụn cá khiến bạn phải ngạc nhiên đến không ngờ đấy.

Lẩu cá đuối hấp dẫn cùng rau sống tươi mát đem lại một bữa ăn ngon tuyệt hảo.

Bánh bông lan trứng muối

Từng là một món ăn vặt làm mưa làm gió Sài Gòn từ vài năm trước, nhưng hiện nay, cơn bão “bánh bông lan trứng muối” đã về đến Vũng Tàu, và chiếm một chỗ đứng nhất định trong “dạ dày” của những teen ghiền ăn vặt.

Vị mặn bùi bùi của trứng muối cùng vị thơm béo của bánh bông lan khiến món bánh này đánh gục hầu hết các vị khách. Giá cho mỗi chiếc bánh nho nhỏ này chỉ tầm khoảng 3.000 đồng thôi. Bánh bông lan trứng muối được bán dọc các con đường của thành phố biển và chất lượng bánh của bất kỳ quầy nào cũng gần tương đương nhau. Ngoài ra, biến tấu của món bánh này là bông lan trứng muối chà bông cũng khiến teen “rung rinh” túi tiền một chút vì độ ngon không cưỡng nổi.

Bánh khọt Gốc vú sữa

Đến Vũng Tàu mà không ghé qua quán bánh khọt này thì quả là một thiếu sót to đùng. Điểm ấn tượng đầu tiên của thực khách khi đến đây chính là số lượng thực khách trong quán dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng rất đông đúc. Một phần bánh khọt nóng hổi, giòn giòn được phục vụ kèm rau sống tươi ngon, chấm với nước mắm thì còn gì bằng.

Có một số nơi cũng bán Bánh Khọt với da bánh màu vàng ươm kiểu Miền Nam

Quán nướng Cô Nên

Toạ lạc tại Bãi Trước của thành phố biển, quán nướng Cô Nên có vị trí lý tưởng để thưởng thức món nướng từ những loại hải sản tươi ngon. Giá cả phải chăng và hương vị thơm ngon là yếu tố để thực khách tìm đến quán như một địa chỉ không được bỏ qua dành cho “tín đồ” hải sản.

Bánh bèo Tuyết Mai

Không gian vườn mát mẻ đem lại cảm giác sảng khoái cho bất kỳ thực khách đến với quán này. Bên cạnh vị ngon có tiếng của dĩa bánh bèo “khủng”, quán Tuyết Mai còn ghi dấu với kỷ lục được chứng nhận bởi Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp: Quán bánh bèo lâu năm nhất tại Vũng Tàu.

Ngoài món bánh bèo truyền thống, hiện nay quán cũng phục vụ thêm nhiều món ăn đa dạng khác như: chạo tôm, chả giò, nem nướng, bì cuốn… Địa chỉ để thưởng thức bánh bèo Tuyết Mai nức tiếng ở số 9 Phan Chu Trinh, phường 2, Thành phố Vũng Tàu.

Kem Alibaba

Điểm thú vị của quán kem này chính là ông chủ của quán là một người Thổ Nhĩ Kỳ. Anh chàng này nói tiếng Việt rất giỏi vì thế nhiều bạn nữ sẽ tròn xoe mắt khi được phục vụ kem bởi một chàng ngoại kiều khá đẹp trai.

Kem ở đây không đặc biệt quá về hương vị nhưng thái độ phục vụ của nhân viên là điểm nhấn trong lòng khách hàng. Quán kem nằm phía trước nhà chờ cáp treo. Chú ý là quán chỉ mở cửa vào buổi tối thôi.

Bánh hỏi An Nhất

Không nằm ở khu vực trung tâm thành phố nhưng bánh hỏi An Nhất lại là thương hiệu nổi tiếng bạn nên ghé qua khi đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là tiệm bánh gia đình đã có hơn 50 năm tuổi. Lâu đời, hương vị đặc trưng đã khiến tiếng tăm bánh hỏi An Nhất vang xa.

Một phần bánh hỏi dẻo thơm ăn cùng 7 loại rau sống tươi ngon và bát nước mắm ngó sen khiến thực khách khó có thể quên được hương vị của bánh hỏi. Mức giá trung bình cho một phần bánh hỏi thịt heo quay giá khoảng 35.000 đồng.

Bánh canh Long Hương

Bánh canh nơi đây ghi dấu bởi cọng bánh làm từ bột lọc nên độ dai khiến thực khách ấn tượng và thích thú. Giò heo dùng chung với bánh canh được đánh giá là khá “khủng” nên bánh canh Long Hương có được chất lượng hoàn hảo. Ngoài ra, quán cũng bán thêm nước mía vị dứa, vị khá lạ.

Toạ lạc ngay cổng chào của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, rất dễ để tìm ra nên bánh canh Long Hương từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách. Mức giá cho một tô bánh canh từ 40.000 đồng trở lên, không phải quá rẽ nhưng rất đáng cho một bữa ăn ngon.

Bún Mắm – Bún Gà Chị Bé

Con đường Tú Xương tập trung khá nhiều các hàng quán, nhưng có một địa chỉ bán Bún Mắm là luôn tấp nập khách, đó là quán Quán Bún mắm – Bún Gà Chị Bé số 26 Tú Xương – Vũng Tàu.

Quán chỉ bán món Bún mắm và Bún Gà. Một phần bún mắm có giá khoảng 25.000 đồng với đầy đủ tôm, mực, thịt heo quay, cá lóc hấp, cà tím… Ngoài việc hải sản và thịt tươi ngon hấp dẫn thì điểm cộng của quán này còn nằm ở mùi vị của nước dùng. Nước dùng của món không quá mặn, không quá ngọt mà rất vừa ăn. Mùi mắm nấu trong nước vừa đủ, thơm lừng – dễ dàng làm nức lòng thực khách.

Hủ tiếu Trường Du Lịch

Hủ tiếu là món ăn quen thuộc của người dân Nam bộ. Món này dễ ăn có thể ăn hủ tiếu nước hay hủ tiếu khô. Tại Vũng Tàu bạn có thể ăn tối tại Quán Hủ tiếu số 376 Trương Công Định, Phường 8, Thành phố Vũng Tàu quán không để bảng hiệu nên người dân quen gọi là Quán Hủ Tiếu trường Du Lịch (vì quán gần Trường Cao Đẳng Du Lịch Vũng Tàu), quán chỉ bán buổi tối ở địa chỉ này, buổi sáng quán bán ở Địa chỉ 82 đường 30/4 – Vũng Tàu. một địa chỉ khá quen thuộc với giới sành ăn Vũng Tàu. Giá 25.000 đồng/tô

Bánh xèo miền biển Long Hải

Bánh xèo là món ăn quen thuộc và phổ biến của người dân Việt Nam, mỗi vùng miền đều có cách chế biến mang những hương vị đặc trưng riêng.

Mặc dù nguyên liệu chính để làm bánh xèo Long Hải vẫn là tôm, thịt heo, hành tây, giá, mộc nhĩ, đậu xanh, trứng gà và bột gạo nhưng bánh xèo tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền mang nhiều nét rất đặc biệt.

Thứ nhất do nguồn thực phẩm tươi ngon mua của dân chài đánh bắt trong ngày mang về chưa ướp đá; thứ hai do kỹ thuật đổ bánh điêu luyện của người làm nên khiến bánh giòn tan, có màu vàng tươi, thơm ngon; tiếp nữa là nước chấm được pha chế công phu, có vị chua chua ngọt ngọt của dưa cải, vị đậm đà của nước mắm ngon loại đặc biệt… khiến người ăn có thể cảm nhận được hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Cháo Hàu Long Sơn

Xã đảo Long Sơn là quê hương của những con hàu sữa béo ngậy và cũng là nơi có món cháo hàu thơm ngon nức tiếng gần xa. Du lịch Vũng Tàu, được thưởng thức tô cháo hàu Long Sơn nóng hổi tuyệt ngon có vị ngọt béo của hàu, quyện với mùi thơm của gạo, vị cay của tiêu, hành, của gừng hòa cùng vị ngọt của nấm rơm đánh thức vị giác. Nếu bạn đã từng một lần được thưởng thức qua món cháo hàu Long Sơn nổi tiếng tại đây chắc chắn sẽ không thể nào quên.

Lạ miệng với gỏi cá Mai

Như nhiều người dân địa phương chia sẻ, nếu đi du lịch tới Vũng Tàu mà chưa thưởng thức món gỏi cá Mai thì xem như chưa trải nghiệm hết được những nét đặc trưng của nơi đây. Gỏi cá Mai là món ăn rất ngon có từ lâu của ngư dân vùng biển Vũng Tàu, cá Mai giống như cá Cơm, dài khoảng 6cm, màu trắng trong, có rất nhiều ở vùng biển Bãi Sau Vũng Tàu.

Để có được đĩa Gỏi cá Mai ngon, những cửa hàng ở đây phải chọn con cá tươi, đánh vẩy rửa sạch, rút xương rồi ướp giấm, chanh, tỏi, ớt làm chín cá, tiếp đến trộn với thính cho thơm. Nhưng yếu tố quyết định của món gỏi cá Mai ngon hay không lại còn ở bí quyết làm nước chấm, nước chấm ở Vũng Tàu được pha chế rất công phu, xương cá Mai được tận dụng nấu nước chấm cùng với mè, đậu phộng rang vàng giã nhỏ và các gia vị gia truyền khác tạo nên loại nước chấm thơm ngon, đặc biệt và “không đụng hàng”.

(Theo Yan)

http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/187153/-quen-sau–voi-nhung-mon-ngon-sieu-hap-dan-tai-vung-tau.html

9 MÓN CẦN KHÁM PHÁ KHI ĐẶT CHÂN ĐẾN VĨNH PHÚC

Đi Vĩnh Phúc, ngoài việc xem cướp phết, chọi trâu, ghé thăm Tam Đảo, Đại Lải… Bạn còn phải khám phá cho được 9 món ăn sau để cho cuộc du ngoạn được trọn vẹn.

1. Cá thính Lập Thạch

 

Cá thính hay cá muối chua là đặc sản của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc)

Nguyên liệu làm món cá thính chua đơn giản nhưng công đoạn hết sức công phu và cầu kỳ. Đầu tiên, sau khi bắt hay mua về, cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, để ráo nước. Xếp cá vào vại hay lọ thủy tinh theo thứ tự một lớp cá, một lớp muối. Tỷ lệ muối và cá là 10kg cá/1,5kg muối. Lớp trên cùng của vại phủ kín muối và dùng nan tre đậy thật kín. Để vại cá muối trong nhà khoảng 4 – 7 ngày, thì gỡ cá ra khỏi muối, dùng tay ép cho cá chảy hết nước và mang đi phơi nắng cho cá se lại.

Dùng tay nhồi bột thính (được làm từ ngô và đỗ tương rang xay thành bột) khắp mình cá từ trong ra ngoài thật đều. Rồi xếp vào vại sành đã rửa sạch. Đậy vại bằng nan tre đan thật kín rồi úp ngược vào bát nước sôi để nguội. Khoảng 2 tuần sau sẽ có món cá thính chua có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua chua của thính lên men và đặc biệt, thịt cá phải có màu hồng ngấu chín.

Có thể chế biến cá thính chua thành nhiều món nhưng ngon nhất là đem nướng trên than hoa. Miếng thịt cá nóng hôi hổi thơm phưng phức, không chỉ “thổi bay” nồi cơm một cách nhanh chóng mà còn khiến cánh đàn ông uống đến “cạn chai”.

2. Dứa Tam Dương

 

Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. “Dứa Hướng Đạo” quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất.

 

Đến đây, ngoài việc tha hồ “ăn” dứa đến no bụng với hai cách. Một là gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; Hoặc đập đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống. Du khách còn có dịp ngắm nhìn rừng dứa bạt ngàn. Đẹp nhất là vào mùa quả chín, mỗi cây dứa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ với nhụy là quả dứa vàng ươm có túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu.

3. Tép Dầu đầm Vạc

 

Đầm Vạc, nơi sản sinh ra loại tép được tán tụng “Cỗ chín lợn, mười trâu/ Cũng không bằng tép Dầu Đầm Vạc”.

 

Đầm Vạc là một hồ nằm ở giữa trung tâm Thành phố Vĩnh Yên. Diện tích mặt nước rộng gần 500ha, đáy sâu nhất 4,5m, trung bình 3,8m. Đầm Vạc là nơi cung cấp một lượng lớn hải sản cho Vĩnh Phút, nổi bật nhất là tép Dầu, có người viết là “giầu”, và giải thích rằng tép giầu đầm Vạc khi rán và kho khô nó có màu sắc và hình dáng giống cái bã giầu – bã trầu, các bà các chị ở nông thôn ăn giầu vứt bỏ.

 

Tép Dầu đầm Vạc có chiều dài của từ 5-7cm, chiều ngang chừng 1cm. Mùa thu hoạch tép Dầu từ tháng 8 – 10, khi đó, bụng tép Dầu chứa đầy trứng. Tép dầu đầm Vạc xương ít và mềm, rán ăn ròn tan, béo ngậy, kho tương vừa ngọt vừa bùi. Các cụ ngày xưa đã tán tụng “đặc sản tép dầu đầm Vạc” còn ngon hơn cả thịt trâu, thịt lợn.

4. Chè kho Tứ Yên Lập Thạch

 

Tương truyền vào thế kỷ 6, làng Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế. Chè kho có thể để được 10-15 ngày không bị thiu ôi nên được nghĩa quân tích trữ làm lương khô, mang theo trận mạc dài ngày, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Cách nấu chè kho khá đơn giản. Đậu xanh, đồ chín, giã nhuyễn. Hòa đường trắng với nước đun sôi để nguội. Trộn đậu và nước đường với nhau rồi nhào cho thật đều tay. Hay bạn có thể cho đậu xanh giã nhuyễn vào nước đường đun sôi, nấu từ từ cho đường và đậu hòa quyện vào nhau. Đơm chè bằng muỗng ra đĩa nhỏ qua miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn, dùng tay nén cho đĩa chè kho được tròn, mịn và chặt.

Đĩa chè có màu vàng tươi, mịn màng của đỗ giã nhuyễn, lấm tấm màu nâu của vừng phủ bên trên, vị chè ngọt đậm khác hẳn với những loại chè khác. Thưởng thức chè kho đúng cách nhất là nhâm nhi với trà sen.

5. Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa (Yên Lạc)

 

Rượu dừa được chế biến như sau: Sau khi sơ chế phần vỏ, quả dừa được tiêm vào hỗn hợp gồm nếp cái và men theo một tỷ lệ nhất định hàn kín lại đem ủ cho đến khi có đủ hương cay nồng đặc trưng của rượu và vị thơm ngọt từ nước dừa.

Đặc trưng của một bầu rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa ngon là khi ngửi có mùi thơm mát đặc trưng của hương dừa, khi uống có vị ngọt nhẹ, đặc biệt không gây cảm giác háo nước, đau đầu.

6. Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường

 

Bánh trùng quyến rũ mọi người với vị ngọt đậm của mật mía, mùi thơm nhẹ của gừng hòa cùng lớp bánh trắng dẻo bên trong, lẫn trong hương thơm của vừng.

Cách làm bánh trùng khá đơn giản. Gạo nếp ngon đãi sạch, ngâm qua đêm, xay mịn, để ráo. Tạo hình bánh bằng cách nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám. Mật mía mua về, pha với nước lọc, đem đun sôi rồi thả từng viên bánh vào. Khi nước mật sôi trở lại, bánh trong là đã chín. Múc bánh ra đĩa, phủ nước mật vừa đun lên, rắc thêm một chút vừng đã rang thơm, món bánh đã sẵn sàng để thưởng thức.

7. Bánh nẳng và bánh gạo Lập Thạch

Bánh nẳng và bánh gạo rang cũng được làm bằng gạo nếp hoa vàng nhưng cách làm khác nhau.

 

Gạo nếp làm bánh nẳng được ngâm qua đêm trong nước Nẳng, vốn là tro của các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, tầm gửi cây dọc… Sau đó, vớt gạo ra để ráo nước, rồi gói bằng lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc bánh khoảng từ 5- 6h.

 

Bánh gạo rang được ngâm trong nước quả vàng dành cùng ruột cỏ bấc đèn, cây dáy và tro cây vừng đốt ra trong ba ngày đêm. Sau đó, vớt nếp ra để ráo rồi cho chõ xôi. Xôi chín đem trộn đều với mỡ heo, rải ra nia rồi dùng vồ đập đi đập lại trong vài giờ cho hạt xôi bẹt ra. Sau đó lại phơi khô, rồi để nguội, trộn mỡ heo mới cho vào chảo rang cho nổ bung ra. Đun sôi mật, rồi đổ gạo rang vào đun, quấy đều rồi đổ ra, dàn mỏng trong mâm. Dùng đoạn cây tròn lăn đi lăn lại cho bánh lèn chặt. Dùng thước và dao sắc cắt thành từng cái rồi đem gói trong giấy bóng kính.

8. Bánh gio làng Tây Đình – Tam Hợp – Bình Xuyên

 

Bánh gio Tây Đình còn gọi là bánh nắng. Cách làm món bánh như sau: Vo gạo nếp đã sang sảy thậy kỹ đến khi nước trong, để ráo rồi đem ngâm vào nước vôi trong khoảng 2 tiếng. Vớt nếp ra, để ráo nước mới đem ngâm vào nước nắng (gio than của ba loại cây: Tầm gửi cây dọc, thân lá cây vừng khô và thân cây sương song) qua một đêm, vớt ra để ráo nước.

Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã luộc vài nước, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt. Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay. Nấu bánh trong khoảng 3 tiếng.

Lưu ý trong quá trình làm bánh gio, tất cả nguyên liệu và dụng cụ đều không được dính dầu mỡ.

9. Bánh ngõa Lũng Ngoại

Trong các món bánh của Vĩnh Phúc, bánh ngõa có công đoạn chế biến cầu kỳ và công phu nhất.

Gạo nếp vo đãi sạch, để ráo nước rồi nghiền thành bột nhỏ mịn. Đậu xanh xay vỡ đôi ngâm qua nước để vỏ đỗ bong ra, đãi sạch vỏ rồi để khô. Lấy một phần đậu xanh nấu với mật thành chè kho, phần còn lại sao trên lửa khi hạt đậu có màu vàng hạt dẻ; để nguội đem nghiền thành bột nhỏ mịn.

 

Trộn nước với bột gạo nếp nhào dẻo thành một cục, chia thành các viên nhỏ, rồi dàn mỏng từng cục, cho chè kho vào giữa làm nhân rồi vê kín bánh. Đun sôi nước, thả bánh vào luộc. Khi bánh nổi lên là đã chín. Vớt nhẹ từng cái, chờ ráo nước rồi cho vào mâm đã rắc bột đậu làm áo. Trở đều hai mặt bánh sao cho càng ngấm nhiều bột áo, càng tốt.

Theo An Huỳnh (Infonet)

9 MÓN KHÔNG NÊN BỎ QUA TRONG CHUYẾN DU LỊCH CÀ MAU

Đến với miền đất mũi Cà Mau, ngoài việc đi thăm thú biển rừng, các di tích lịch sử thì bạn cũng đừng quên khám phá kho tàng món ăn rất phong phú và hấp dẫn ở nơi đây.

Chuột đồng chiên sả ớt

Đầu tiên là món chuột, chuột là đặc sản nổi tiếng ở miền Tây, vì thế khi du lịch đến Cà Mau bạn phải dùng thử món này. Miền tây ruộng lúa mênh mông, đó chính là nguồn thực phẩm dồi dào cho chúng, vì thế khi ăn bạn yên tâm về xuất xứ của chúng nhé.

Bạn có thể thưởng thức món chuột chiên sả ớt này tại rừng U Minh Hạ với giá 90.000 Đồng/ đĩa. Sau khi làm sạch chuột, sẽ được tẩm gia vị rồi cho lên chảo, đảo đều tay. Thịt chuột chín vàng giòn với mùi hương quyến rũ những thực khách sành ăn nhất.

Cá rô chiên xù

Vị giòn ngon, chấm mắm gừng hoặc mắm nêm cuốn bánh tráng là đặc trưng  của món cá rô chiên xù. Cá được làm sạch sau đó chiên nguyên con trong chảo nóng đầy dầu. Khi cá vàng đều thì vớt ra dể ráo dầu. Để cá lên đĩa cùng với rau xanh. Món cá rô chiên xu có khoảng 90k tùy theo địa điểm.

Lươn um rau ngổ

Đây là món ăn cay và giàu dinh dưỡng của người miền tây. Lươn làm sạch, cắt từ khúc vừa ăn, sau đó nấu với nước dừa công với gia vị đặc trưng. Lẩu lươn ăn với rau um hoặc ngổ. Món ăn trung bình giá khoảng 150k tùy địa điểm

Bánh tầm gà cay

Chắc Bạn cũng biết đến món tầm, nhưng ở Cà Mau họ cải tiến màu này đặc biệt hơn đó là kết hợp bánh tầm với cari gà. Dĩa bánh tầm được chan nước cari cùng với gà, món này ăn kèm với rau sống. Bạn chỉ bỏ ra khoảng 20k là sẽ thưởng thức được món ăn nổi tiếng này

Bún bì

Nhắc đến bún bì thì đâu đâu cũng có nhưng ngon nhất vẫn ở miền Tây. Bún bì ở Cà Mau khác với bùn bì thông thường, sợi bún to hơn, bì được ướp với hương vị lạ hơn, ăn cùng với chả lụa và nước mắm chua ngọt. Giá của tô bún có giá khoảng 25k tùy địa điểm

Cơm tấm tép rim, sườn chả

Nếu Bạn đã quen thuộc với đĩa cơm tấm bì sườn, ốp la, chả thì ở Cà Mau Bạn sẽ thưởng thức một đĩa cơm tấm khác biệt, đó chính là tép rim, một đĩa cơm tấm tép rim, sườn chả với giá khoảng 20k sẽ làm bạn ngạc nhiên

 Bánh tầm xíu mại tàu hủ ky

Thịt được băm nhuyển , ướp gia vị để thấm, tàu hủ ky được cắt dọc, xòe tàu hủ ky ra để thị băm lên rồi gói lại. sau đó đem hấp. Tàu hủ ky ăn với bánh tầm. giá khoảng 25k nhé, Bạn có thể ăn ở đường Bùi Thị Xuân.

Cua đá rang muối

Cua đá rang muối  – một món ăn rất ngon ở Cà Mau, Bạn hãy đến cầu Gành Hào để thưởng thức món này. Tùy địa điểm giá 1kg của đá là 150k nhé

Cá nhám hấp hành tiêu xanh tép mỡ

Cá nhám hay còn được gọi là cá mập con. Món được chế biến như sau, cá để nguyên con, làm sạch, sau đó để lên đĩa hấp cùng hành tây, hành lá và tiêu xanh. Yếu tố quan trong nhất để món ăn được ngon là nước sốt. Giá 1kg cá nhám thường khoảng 250k, Bạn có thể thưởng thức món này ở Gành Hào.

Nguồn: Vnexpress.net

Những món ngon không thể bỏ qua khi đến Quảng Bình

Đến với Quảng Bình, bên cạnh việc đắm chìm trong cảnh sắc hữu tình của Phong Nha, Sơn Đoòng hay biển Nhật Lệ, bạn đừng quên khám phá những món đặc sản rất ngon và thấm thía của miền đất này.

1. Bánh xèo Quảng Hòa 

Bánh xèo Quảng Hòa làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm.

Đĩa nộm gồm có giá, rau két và vừng. Đậu đỗ giá làm nộm phải loại đậu đỏ, hạt to bậm. Gạo làm bánh xèo là loại lúa mành màu đỏ, chỉ xay bóc vỏ lúa (còn có tên gọi là gạo đỏ, gạo lứt) ngâm nước khoảng 5 tiếng rồi đem xay, dùng muôi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ. Xay được hai lần cho gạo mịn. Xay xong, bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo. Khuôn tráng bánh cũng do bàn tay người đàn ông Quảng Hòa (vùng nam Quảng Trạch) làm ra, miệng lớn hơn bát ăn cơm một chút, thành khuôn mỏng, cao khoảng 1,5 cm, đáy bằng phẳng.

Bếp làm có thể tráng một lúc được nhiều khuôn. Bếp thật đỏ lửa mới bỏ khuôn lên, khi tráng bánh chú ý lửa thật đỏ và đều thì bánh mới nở dậy, có hình hoa văn. Khi khuôn đã nóng, dùng môi hay tàu chuối tẩm mỡ chà lên đáy khuôn rồi múc bột gạo tráng lên. Tráng đến khuôn thứ ba thì bánh khuôn đầu đã chín, cứ lần lượt làm như thế.

Món cá chuối mới là lạ mắt nhất. Nguyên liệu chính là những quả chuối sứ (loại chuối có hạt) chưa già nhưng cũng không non quá. Người ta hái xuống, gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ. Sau đó luộc, uốn thành hình thù con tôm, con cá rồi lấy từng con cá chuối nhúng qua vào bát gia vị. Lúc sắp cá lên đĩa, có thể rưới thêm một ít gia vị có ớt, tỏi. Như vậy trong mỗi lát cá đều thấm gia vị. Khi ăn, lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa.

Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời.

2. Khoai deo

Với cái nắng chói chang cùng với hơi nước từ biển thổi vào trên đất Quảng Bình đã cho ra khá nhiều loại khoai ngon tuyệt vời mà một trong những đặc sản được chế biến từ khoai chính là khoai deo. Khoai deo ngon thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Vì hình dạng giống như củ sâm, lại chứa nhiều dưỡng chất nên khoai deo được người dân Quảng Bình ưu ái đặt cho tên “sâm đất”.

Khoai deo đã trở thành món ăn thú vị của nhiều tầng lớp – từ bình dân lao động đến những cô cậu học trò lén giấu trong cặp sách mang đến lớp và cả những nhân viên văn phòng “ngồi nhai cho đỡ buồn”. Chầm chậm để vị ngọt bùi của lát khoai tan chảy nơi đầu lưỡi, cái cung cách thưởng thức mộc mạc đó phần nào thể hiện tâm hồn người Quảng Bình: từ tốn nhưng có chút chịu đựng, kham khổ.

3. Đẻn biển

Đẻn biển chính là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1 đến 2 mét, có vảy, mình vằn da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt. Đẻn biển là loài có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Đẻn gồm rất nhiều loại như đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đẻn bông, đẻn gai. Mỗi loại đẻn khi chế biến lại có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc. Vì thế mà con đẻn luôn được du khách “thích mê” trước khi thưởng thức những món khác tại các nhà hàng ven bờ Nhật Lệ.

Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nức tiếng nhất là tiết đẻn và ram đẻn. Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ mà du khách bốn phương tò mò muốn thưởng thức hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng đem pha với rượu, rất thơm mà còn chữa được bệnh nhức xương. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bình rượu ngon được trưng bày, bên trong là những con đẻn được ngâm ít nhất 3 đến 5 ngày trước đó.

Hãy một lần nhấm nháp hương vị của rượu tiết đẻn, bạn sẽ cảm thấy cái vị ấm nồng và hơi chát hòa lẫn, tạo nên cảm giác rất khó quên. Ngoài rượu đẻn thì ram cũng là một món ngon từ đẻn biển. Những con đẻn được làm sạch sẽ, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, băm thật nhuyễn rồi cho gia vị trộn đều. Ướp được một lúc cho thấm thì đem cuốn lại thành từng chiếc ram nhỏ, bắc lên chảo rán đều. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận một mùi thơm bốc lên thật cuốn hút, chưa ăn đã thấy thòm thèm! Một đĩa ram đẻn nóng hổi thơm ngon sẽ khiến du khách bốn phương muốn ở mãi không về.

Nếu có dịp về quê hương Quảng Bình, đến tham quan những địa danh nổi tiếng như Phong Nha – Kẻ Bàng, du khách đừng quên dừng chân bên bờ Nhật Lệ để thưởng thức món ram đẻn nóng hổi hay rượu đẻn thật đặc biệt nhé!

4. Cháo canh

Có lẽ cũng như phở với người Hà Nội, cháo canh gắn bó với người Quảng Bình như thức ăn không thể thiếu vào buổi sáng. Chỉ có điều nếu phở thưởng thức cả ngày lẫn đêm thì cháo canh chỉ bán một buổi. Món này cũng không bày bán nhan nhản như phở Hà Nội bây giờ (từ Bắc vào Nam, từ vỉa hè đến cửa hiệu) mà được chọn lọc bởi những cửa hiệu uy tín hay những thực khách sành sỏi.

Giống như tính cách người Quảng Bình mộc mạc, chân chất, về hình thức cháo canh không đẹp mắt và cầu kỳ như phở. Sợi mì được làm khá thô sơ (nhào mịn, cán mỏng và cắt sợi theo cách thủ công) nên sợi to và dày chứ không mềm, mỏng như bánh phở. Nước dùng nhiều và có màu vàng ươm của thịt cua, chứ không sền sệt như tô bánh canh cua.

Trong tô cháo canh có sự kết hợp của cá, tôm, thịt nạc… Trong đó, cá lóc là nguyên liệu không thể thiếu. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy thịt, xào, nêm vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục. Những lát hành, ngò thái mỏng sẽ được rắc đều lên mỗi tô cháo canh đang bốc hơi nghi ngút để vội bưng đến cho khách thưởng thức.

Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ. Tô cháo canh nóng hổi được trộn thêm những lát rau cải xanh sẽ điểm thêm màu sắc và hương vị tươi ngon. Vị cải xanh vừa ngọt vừa cay tạo cảm giác bùi bùi nơi sống mũi khi thưởng thức.

Ở TP Đồng Hới, cháo canh có thể ăn kèm với nem chả – dù hai thức này không hề ăn nhập với nhau. Sự kết hợp này có xuất xứ từ những người nông dân quê Mộ Trạch để thêm no bụng. Miếng nem chả giòn tan, thơm phức sẽ cuốn hút bạn thưởng thức, sau đó nhâm nhi nước dùng, rồi những miếng cá lóc còn nóng sốt.

5. Lẩu cá khoai

Các quán ở Đồng Hới chuyên món lẩu cá khoai (có nơi gọi cá cháo). Chỉ cần nhìn tô cá đã ướp gia vị mang ra để trên bàn thôi thì nước miếng cũng đã chảy. Từng khúc cá trắng nõn nà, mũm mĩm như thách thức, khêu gợi. Cá được làm sạch, bỏ đầu, ruột, cắt đôi. Ướp cá khoai chỉ cần các loại gia vị bình thường như muối, ớt, bột ngọt nhưng luôn phải có thật nhiều cây nén (thuộc họ hành tỏi) được cắt mịn cả lá và củ nhỏ.

Còn nồi nước lẩu gồm các loại như cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải. Kể ra đơn giản nhưng không phải vị chỗ nào cũng ngon mà còn phụ thuộc vào bàn tay người chế biến. Một yếu tố quyết định nữa là cá phải thật tươi.

Vừa nói năm ba câu chuyện, nồi nước đã sôi sùng sục trên ngọn lửa mạnh, lúc này mới gắp cá cho vào. Không nên cho hết cá vào nồi cùng lúc; một người ăn hai khúc một lượt, cứ cộng lại rồi cho vào, hết lượt này đến lượt khác. Không để cá quá chín vì sẽ nát ra và mất hết chất; chỉ cần sôi lên một chút là vớt ra chén. Ăn ngay sau khi bớt nóng, đừng để nguội cá sẽ tanh.

6. Bánh lọc bột sắn, tôm sông

Bánh lọc vốn từ trong Huế, Đông Hà ra rồi neo lại ở Quảng Bình, được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một món ăn đặc biệt nhất ở Quảng Bình. Không mấy ai qua Đồng Hới lại không muốn nếm thử và mua bánh làm quà.

Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển.

Bột sắn sau khi đã lọc, đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng, sồn sột sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín. Đây là thao tác công phu nhất của người làm bánh lọc.

Mỗi chiếc bánh bột lọc bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hông (đồ như đồ xôi), dành cho người mang đi xa. Loại bánh gói này có thể để nhiều ngày, khi ăn, đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm dẻo như bánh mới, được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình với những lát ớt cay xé lưỡi mới càng đáng nhớ.

Ở Quảng Bình ngon nhất là bánh lọc của mệ Xá Đồng Hới. Loại bánh dày công, đủ chất bổ dưỡng ấy lại rất rẻ. Chỉ vài chục nghìn là cả nhà có thể có được bữa liên hoan hoặc mang đi xa thành một món quà quý.

Hạt Tiêu tổng hợp (ngoisao.net)

7 MÓN KHÔNG THỂ THIẾU TRONG NGÀY TẾT Ở MIỀN NAM

Nam bộ là đất mới, nền ẩm thực Nam bộ được hình thành nhờ sự du nhập, pha trộn. Trải qua nhiều năm tháng, bên cạnh những tập tục đã quen thuộc khắp ba miền, nam bộ cũng nảy sinh những tập quán ẩm thực riêng, điều đó thể hiện rõ qua các món ăn ngày Tết.

Thịt kho nước dừa

Món ăn Tết truyền thống nổi tiếng nhất của dân miền Nam có lẽ là thịt kho nước dừa, hay còn gọi là thịt kho riệu, thịt kho hột vịt. Ngày giáp Tết, ngoài việc nấu bánh tét, các gia đình nam bộ còn hay chuẩn bị một nồi to để nấu món thịt kho này. Thịt kho hột vịt trông rất hấp dẫn, ăn ngon miệng, để cho khỏi ngấy, món này thường ăn kèm dưa giá.

Xem CÁCH LÀM THỊT KHO NƯỚC DỪA

Dưa món

Trong khi miền Bắc là dưa hành, thì miền Nam với miền Trung ưa chuộng dưa món như một món dưa góp ăn kèm ngày Tết. Dưa món có thành phần là các loại củ quả (cà rốt, củ cải, su hào, đu đủ…) được muối mặn ngọt trong nước mắm đường qua nhiều ngày. Khi ăn, dưa món thường dùng kèm bánh chưng, các món có thịt để giảm ngấy.

Xem: CÁCH LÀM DƯA MÓN

Củ kiệu tôm khô

Miền Nam cũng chuộng củ kiệu như miền Trung, nhưng đặc biệt củ kiệu ở miền Nam không ăn với bánh tét, mà thường ăn kèm tôm khô thành một món riêng. Củ kiệu được ngâm chua ngọt, khi ăn kèm tôm khô, rắc thêm miếng đường cát, món ăn có đủ vị giòn, dai, mặn, ngọt, hăng, nhâm nhi vừa ngon lành thú vị.

Xem: CÁCH LÀM DƯA KIỆU

Bánh tét

Bánh tét lá cẩm (Cần Thơ)

Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh)

Trong khi bánh tét ở miền Trung chuộng sự giản dị, chỉ khác bánh chưng truyền thống về hình dáng, thì bánh tét ở miền Nam đã được “cải tiến” rất nhiều. Bánh tét miền Nam có hai loại chính là bánh tét nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn ngoài loại có đậu và thịt mỡ truyền thống, nhiều nhà gói bánh tét còn có trứng muối, lạp xưởng…cho nhiều khẩu vị khác nhau. Trong khi đó bánh tét nhân ngọt phổ biến với nhân chuối, đậu đỏ, đậu xanh… Bánh Tét miền Nam, nhất là miền Tây nam bộ trông rất bắt mắt, ngoài cách gói vuông vức, chắc đẹp, nếp nấu bánh còn được nhuộm màu rau ngót, lá cẩm để tạo nên màu sắc nổi bật và hấp dẫn. Một địa phương nổi tiếng với món bánh tét thập cẩm rất đẹp và ngon miệng là Trà Vinh với Bánh tét Trà Cuôn.

Canh khổ qua nhồi thịt

Đây là món ăn thường ngày trong mỗi gia đình miền Nam, và cũng được dùng trong những ngày Tết với ý nghĩa giúp đẩy những điều “khổ” đi “qua”. Đây cũng là món ăn giải nhiệt bổ dưỡng cho cơ thể trong những ngày Tết, khi trời miền Nam bắt đầu nắng nóng.

Xem: CÁCH LÀM CANH KHỔ QUA NHỒI THỊT

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn rất phổ biến ở miền Nam. Vào dịp Tết, tìm mua lạp xưởng ngon để ăn và đãi khách là nhu cầu không thể thiếu của bà con Nam bộ. Lạp xưởng trong Nam có nhiều loại: lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng nạc, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… nhiều địa phương miền Tây nổi danh với món lạp xưởng như Sóc Trăng, Cần Giuộc (Long An), An Giang… Lạp xưởng có thể luộc, chiên, nướng trước khi ăn. Cách được nhiều người ưa chuộng là chiên bằng nước (không dùng dầu), vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe.

Xem: CÁCH LÀM LẠP XƯỞNG

Dưa giá

Dưa giá là món dưa muối rất được ưa thích vì tính mát, vị giòn ngon của nó. Dưa giá ăn với cơm, cuốn bánh tráng nhưng thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho hột vịt trong mấy ngày Tết vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm. Thành phần trong món dưa giá gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể. Món này có thể muối xổi hoặc muối kỹ.

Xem: CÁCH LÀM DƯA GIÁ

Bé Thúi.

9 món ăn ngày Tết của miền Trung

Bánh tổ, bánh nổ, bánh lăn, thịt ngâm mắm… là những món ăn mà mỗi người dân miền Trung xa quê đều rất nhớ vào dịp Tết đến.

Bánh lăn

mav149

Bánh lăn là món bánh không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của nhiều gia đình miền Trung. Bánh lăn làm từ nếp, các loại rau quả như cà chua, cà rốt, quất, dứa, gừng, chuối… Tất cả được chế biến và nén lại thành khối trụ tròn, dài. Khi ăn, bánh được cắt ra thành miếng tròn. Bánh lăn rẻ tiền, dân dã, nhưng là một hương vị không thể quên được đối với ai đã trải qua ngày xuân xứ Quảng.

Bánh tổ

Nhắc đến những món bánh Tết “bắt buột” phải có trên bàn thờ tổ tiên của người dân xứ Quảng, không thể bỏ qua bánh Tổ. Bánh Tổ có từ khoảng thế kỉ 16-17 và tồn tại đến ngày nay như một phần không thể thiếu của tập quán ẩm thực Quảng Nam. Bánh tổ có nguyên liệu đơn giản: chỉ gồm nếp và đường, chút gừng tươi tăng hương vị. Bánh có vị ngọt dịu, thơm nếp, có thể ăn ngay khi cắt ra hay chiên lên. Đặc biệt bánh để lâu cho cứng, mốc, cạo lớp mốc đi chiên lên ăn thì rất tuyệt hảo.

Bánh tét

mav147

Nếu như miền Bắc có bánh chưng, thì miền Trung và miền Nam có bánh Tét là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể ví bánh Tét như bánh chưng hình trụ, và gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn, lột vỏ và dùng dây lạt “tét” bánh ra thành từng miếng. Bánh Tét ở miền Trung rất mộc mạc, đơn giản, chỉ bao gồm nếp, nhân đậu và chút thịt. Nhờ vào sự đơn giản này mà người ăn có thể cảm nhận rõ hơn vị ngon thấm thía của từng nguyên liệu. Bánh Tét thường ăn kèm dưa món. Sau Tết, những đòn bánh Tét thừa thường được chiên giòn lên ăn, rất ngon lành.

Thịt ngâm mắm

Thịt ngâm mắm là cách muối thịt rất phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung dịp Xuân về. Thịt có thể là thịt heo hoặc thịt bò, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu theo tỉ lệ nhất định. Thịt ngâm nguyên miếng trải qua vài ngày, đến khi ăn thì xắt thành lát nhỏ vừa ăn. Thịt ngâm mắm ăn kèm củ kiệu, bánh chưng, dưa món, có thể cuốn bánh tráng ăn rất tuyệt.

*** Xem CÁCH LÀM THỊT NGÂM MẮM

Nem chua

Nem chua là món ăn thường dùng kèm với chả lụa trong mâm tiệc Tết. Địa phương làm nem chua nổi tiếng của miền Trung có thể kể đến Chợ Huyện (Bình Định), Ninh Hòa (Khánh Hòa)… Những cục nem hồng hào hấp dẫn bọc qua lớp lá ổi trước khi gói lại bằng lá chuối. Nem miền trung thường mịn màng, hương vị dịu nhẹ, ăn kèm tép tỏi cho tăng hương vị.

Dưa món

Trong khi miền Bắc có dưa hành, thì miền Trung là dưa món. Dưa món là món dưa muối với các nguyên liệu rau củ như cà rốt, củ kiệu, đu đủ, su hào… và có hương vị ngọt mặn “mạnh” hơn món dưa hành miền Bắc. Dưa món được ăn kèm bánh chưng, bánh tét như một phụ liệu không thể thiếu.

*** Xem CÁCH LÀM DƯA MÓN

Bánh thuẫn

Ngày nay do bận bịu công việc, ít gia đình còn giữ truyền thống đổ bánh thuẫn vào dịp Tết, tuy vậy bánh thuẫn vẫn là món ăn phổ biến trong bàn ăn Tết của người miền Trung từ Huế đổ vào. Bánh thuẫn được làm từ bột (bột bình tinh, bột năng…) pha với trứng, nướng trên than bằng một khuôn đặc biệt giành riêng cho bánh thuẫn. Khi bánh chín tỏa một mùi thơm rất quyến rũ, miếng bánh nở vàng, hấp dẫn.

*** Xem CÁCH LÀM BÁNH THUẪN

Chả bò

Chả bò Đà Nẵng ngày nay đã có tiếng khắp ba miền. Trên thực tế, chả bò cũng là món ăn quý và ngon lành của dân miền Trung vào dịp Tết. Miếng chả đỏ hồng hấp dẫn, kết cấu dai giòn tự nhiên, thơm thơm mùi thịt bò điểm chút cay của tiêu đen, khi ăn kèm với chút rau thơm và miếng tỏi Lý Sơn.

Bánh nổ

Bánh nổ là món ăn rất đồng quê của người miền Trung trong dịp Tết. Bánh làm từ bỏng nếp nở bung, nén chặt với đường, gừng trong khuôn gỗ. Khi ăn bánh được cắt ra thành miếng nhỏ hơn. Bánh có vị thơm của nếp, xốp giòn, tan trong miệng rất ngon lành. Bánh nổ được làm quà cho trẻ em ngày Tết, cũng là món ăn vui miệng trong bàn trà của người lớn, và đồng thời bánh nổ cũng được cung kính dâng lên bàn thờ tổ tiên. Địa phương miền Trung giàu truyền thống làm bánh nổ là Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

Bé Thúi 

9 MÓN ĂN KHÔNG THỂ THIẾU TRONG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN TẠI MIỀN BẮC

Ngày Tết hẳn gia đình nào dù có ‘hiện đại’ cách mấy cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống. Tùy theo vùng miền mà thực đơn ngày Tết bao gồm những món khác nhau. Sau đây mời các bạn đến với mâm ăn truyền thống của miền Bắc – nơi vẫn giữ gìn những gì cổ truyền nhất trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

 

Mâm ăn ngày Tết còn là mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên, vì vậy các món ăn miền Bắc vào ngày Tết thường không chỉ ngon mà còn đẹp và tốt cho sức khỏe.

1. Bánh chưng

Bánh chưng. Ảnh: Vietq.

Trong khi miền Nam và miền Trung ăn bánh Tét với dưa món, dưa kiệu thì miền Bắc là kiểu gói bánh chưng truyền thống ăn với dưa hành. Bánh chưng có hình vuông, có thể to bằng bàn tay nhưng với bánh Tết thường gói to. Bánh chưng thường được gói rất vuông vức, và bằng lá dong chứ không bằng lá chuối như gói bánh Tét. Các thành phần trong bánh chưng thường gồm nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ, thịt ba chỉ, tiêu, có thể cho thêm hành.

2. Dưa hành

Dưa hành. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Dưa hành là loại ăn kèm không thể thiếu khi ăn những món béo ngậy của ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu, chân giò muối… Dưa hành có vị cay nhẹ, hăng, thơm, chua thanh… thật khác với vị đậm ngọt của dưa món, dưa kiệu trong miền Nam. Dưa hành không chỉ giúp cho món ăn ngon, điều hòa hơn mà còn giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa.

Xem CÁCH LÀM DƯA HÀNH

3. Giò nạc, giò thủ

Giò nạc, miền trong còn gọi là chả lụa. Ảnh: Citinews.

Giò tai (trong nam gọi Giò thủ)

Mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc không thể thiếu giò, chả. Món ăn này luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong bàn tiệc.

XeM CÁCH LÀM GIÒ THỦ

4. Thịt đông

Xem: CÁCH LÀM THỊT ĐÔNG

Thịt đông. Ảnh: Nauanngon.

Thịt đông (chân giò nấu đông) là món ăn rất ngon, phổ biến ở miền Bắc Việt trong những ngày trời lạnh, nhất là dịp Tết. Khi làm món này, nên nêm hơi nhạt một tí, khi ăn kèm theo nước mắm sẽ ngon hơn.

5. Nem rán

Nem rán. Ảnh: Vietnamonline.

Nem rán một món ăn không chỉ quen thuộc trong bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống miền bắc. Những miếng nem được chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà tròn vị.

6. Canh măng khô

Canh măng khô. Ảnh: yeutretho.

Măng khô làm trung hòa vị béo của thịt lợn, tạo nên vị ngọt thanh mà không ngấy cho món ăn cổ truyền này.

7. Canh bóng thả

Canh bóng thả. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Canh bóng không chỉ ngon mà còn hấp dẫn thực khách bởi màu sắc sinh động: Đỏ của cà rốt, xanh bông cải xanh và đậu Hà Lan, trắng trong của bóng bì, nâu sậm của nấm hương, vàng của chả cá…

8. Gà luộc

Gà luộc. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Món gà luộc để cúng trong đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới. Người ta tin rằng món ăn này dâng lên đất trời ngày đầu xuân sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Khi ăn những miếng thịt gà có màu vàng tươi, rắc thêm lá chanh thái nhỏ chấm với muối tiêu chanh ớt tạo nên một hương vị đặc trưng.

9. Chè kho

Xem CÁCH LÀM CHÈ KHO NGON

Chè kho. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Đây là món ăn ngày Tết ở miền Bắc, quen thuộc nhất với người dân Hà Nội. Chè kho rất giản dị trong việc kết hợp nguyên liệu, chỉ cần đậu xanh, vừng trắng và đường cát là có thể nấu thành nồi chè. Chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn tan ngay trong miệng.

Lê Hà Ngọc Trâm (VNexpress.net):

Những món ăn lạ xuất hiện ở Sài Gòn

Burger đen, bánh cá Nhật, bắp kem hay pizza phở sợi… là những món ăn đang mang đến làn gió mới cho ẩm thực Sài thành.

Kamaboko (Bánh cá Nhật)

Đây là một loại bánh cá của Nhật có hình dạng thỏi dài, khi ăn sẽ cắt ra thành khoanh rất đẹp. Món này được làm từ thịt cá phi lê băm nhuyễn, ướp các gia vị như đường, muối, lòng trắng trứng và sake Nhật. Thông thường thực khách sẽ ăn kamaboko cùng với mì udon hoặc ramen. Miếng kamaboko ngon thường phải được chế biến mềm, thơm mùi thịt cá và mịn.

Bánh cá Nhật có màu sắc dễ thương, kích thích thêm vị giác.

Burger đen

Màu vàng quen thuộc của vỏ bánh burger được thay thế bởi một màu đen tuyền. Chiếc bánh burger đen với những lát phô mai màu đen, sốt tỏi màu đen và bánh cũng màu đen. Bánh mì và phô mai được tạo màu bằng than tre, còn sốt tỏi dùng mực của loại mực. Tại Nhật Bản, than tre và mực được sử dụng như gia vị cho thực phẩm.

Vò bánh lẫn phô mai đều có màu đen tuyền đặc trưng.

Bắp kem

Sự kết hợp mới mẻ giữa bắp bắp rang và kem tươi, đem đến cho thực khách món vặt hấp dẫn. Món ăn này được trình bày theo thứ tự một lớp bắp, rồi đến lớp kem, thêm một lớp bắp và chút caramel trên cùng. Khi ăn, bạn vừa cảm nhận rõ vị ngọt béo và lành lạnh của kem, lại thêm chút giòn giòn của bắp rất lạ miệng.

Bắp vốn được ăn không, nay kết hợp với kem tạo nên món mới hấp dẫn.

Pizza phở sợi

Món ăn được thực khách yêu thích chủ yếu vì ý tưởng độc đáo. Lớp bánh phở phía dưới, phủ phía trên là thịt bò, nước sốt đậm đà và hành giá. Đây là một món ăn vặt nên thông thường các bạn trẻ Sài Gòn sẽ gọi thêm trà sữa để uống cùng.

mav007

Gọi là pizza nhưng thật ra lớp bánh được chế biến từ sợi phở khá độc đáo.

Chè hột me

Loại chè này không xa lạ với nhiều người nhưng giữa Sài Gòn lại không hề dễ kiếm. Hột me được chế biến công phu, ăn ngon như các loại chè đậu. Khi ăn bạn thấy vị bùi bùi, sộp sộp rất thích.

Hột me được rang lên, đập dập rồi phơi nắng ngâm nước, tách vỏ ăn vô khá ngon.

Tường Ý (VNexpress.net) 

Nguồn: http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/ho-chi-minh/nhung-mon-an-la-xuat-hien-o-sai-gon-3144803.html