THƯỞNG THỨC BỮA ĂN SÁNG ĐÚNG ĐIỆU ĐÀ LẠT

Đà Lạt không chỉ nổi tiếng về khí hậu, cảnh quan, mà còn đặc biệt nổi tiếng về những món ăn ngon, nhất là những món ăn vặt. Du lịch tại xứ sở ngàn hoa và thưởng thức ẩm thực quán xá là một thú yêu thích của rất nhiều người. 

Sau đây là một số gợi ý cho bữa ăn sáng của bạn khi đến với thành phố sương mù trong những ngày se lạnh:

 BÚN BÒ ĐÀ LẠT
 (ảnh: Đức Thành)

Ấp Ánh Sáng là nơi để dân tình tìm tới các tô bún bò của Đà Lạt. Bún bò giò Đà Lạt có khẩu vị rất riêng, thanh nhẹ nhưng vẫn rất ngon miệng và hấp dẫn.

Bún bò Đà Lạt ăn kèm với loại rau ‘đặc sản tây nguyên’ là rau sống thái sợi, đảm bảo sự tươi ngon, mềm mại khi thưởng thức chung với bát bún.

 BÁNH CĂN ĐÀ LẠT

Những cái bánh căn giòn, vàng ươm, nóng hổi là lựa chọn quen thuộc cho bữa ăn sáng của người dân xứ lạnh. Món này không dùng dầu mỡ mà được đúc trong loại khuôn riêng bằng đất nung. Bánh căn thường ăn kèm với mắm nêm, hoặc nước mắm, cùng với nguyên liệu tùy chọn là xíu mại, cá kho, tóp mỡ, mỡ hành…BÁNH MÌ XÍU MẠI ĐÀ LẠT

Bánh mì xíu mại là bữa ăn sáng nhẹ nhàng, bình dân nhưng ngon miệng. Một phần bánh gồm bát xíu mai nóng hổi rắc chút hành ngò, ăn cùng bánh mì… Có lẽ chỉ trong không khí lạnh của Đà Lạt người ta mới cảm nhận hết độ ngon của món ăn dân dã này.

Bánh mì cũng được nướng trên lò than để đảm bảo không mất đi cái nóng hổi.( ảnh: Đức Thành)

CÀ PHÊ ĐÀ LẠT

Sau bữa ăn sáng, bạn nên ghé vào một quán cà phê nào đó ở Đà Lạt, thưởng thức bản nhạc Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn,… bên ly cà phê phin nhỏ những giọt cà phê cao nguyên nồng nàn, ấm áp. Đây là một trong những cái thú mà du khách đến Đà Lạt không thể bỏ qua.

MỘT VÒNG ĐÀ LẠT ĐỂ THƯỞNG THỨC NHỮNG MÓN ĂN VẶT TUYỆT NGON

Đà Lạt không chỉ nổi tiếng về phong cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa, mà còn nổi tiếng với rất nhiều món ngon, từ món ăn no tới món ăn vặt. Với chuyến du lịch dài 1-2 buổi như thường lệ, bạn có thể thưởng thức quà vặt kèm với thăm thú thành phố dựa theo gợi ý sau đây.

Bánh bèo, xắp xắp (gỏi khô bò), kem bơ… là những món quà vặt không thể bỏ qua khi đến Đà Lạt. Nếu khéo léo sắp xếp, bạn có thể thưởng thức tất cả món ăn vặt nổi tiếng trong một hay hai buổi.

Bánh bèo số 4 Phan Đình Phùng

Chuyến hành trình khám phá món ăn vặt Đà Lạt bắt đầu với việc “nạp năng lượng” bằng một dĩa bánh bèo thơm ngon. Bánh bèo ở Đà Lạt khá lạ vì được ăn kèm với nước sốt tôm thịt màu đo đỏ, bên trên rắc thêm hành lá, hành phi bắt mắt và những miếng da heo chiên giòn giòn. Cắn một miếng bánh bèo, vị béo của nước sốt tôm thịt hòa cùng vị ngọt thanh của bột bánh như tan trong vòm miệng. Ăn hết dĩa mà vẫn còn thòm thèm, muốn ăn thêm dĩa nữa.

Muốn thưởng thức bánh bèo chính hiệu Đà Lạt thì không thể không ghé quán “bánh bèo số 4” Bà Hường (402 Phan Đình Phùng), địa điểm không chỉ thu hút du khách mà còn người dân địa phương. Quán bán từ 2 giờ chiều đến tối.

Xắp xắp số 99 Nguyễn Văn Trỗi

Sau khi “tráng” bao tử bằng dĩa bánh bèo, bạn có thể đi bộ hoặc chạy xe máy xuôi theo đường Phan Đình Phùng, ngược lên dốc Bùi Thị Xuân, hay còn gọi Ngã ba chùa. Đi vừa hết con dốc thì bạn sẽ gặp ngay quán xắp xắp số 99 Nguyễn Văn Trỗi.

Món xắp xắp ở Đà Lạt thật ra là món gỏi khô bò khá phổ biến ở Sài Gòn, nhưng được gọi tên theo tiếng kéo cắt khô bò nên nghe lạ tai. Khô bò ở đây mềm và dai, ăn kèm với sợi đu đủ bào nhuyễn và ớt xay nhuyễn cay the the khá ngon miệng. Bánh bèo chén và bánh flan ở đây cũng được ưa chuộng, nếu vẫn chưa no thì bạn nên thưởng thức.

Gần quán có chùa Linh Sơn, một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở Đà Lạt, bạn có thể dành chút thời vãn cảnh chùa để “giải phóng” bớt năng lượng.

Bánh mì xíu mại Nguyễn Chí Thanh

Nếu không thích xắp xắp thì bạn có thể đi thẳng theo hướng xuống chợ Đà Lạt, đến cuối đường Nguyễn Chí Thanh và thưởng thức món bánh mì xíu mại cay giòn.

Những viên xíu mại nhỏ xíu bỏ trong chén nước dùng trong và ngọt, khi ăn cho thêm một ít sa tế, bẻ miếng bánh mì thả vào nước dùng cho thấm mềm, xắn nửa viên xíu mại. Múc một muỗng bánh mì và xíu mại cho vào miệng, vị cay và nóng lan tỏa, vừa ăn vừa hít hà khiến bạn cảm thấy ấm hơn giữa trời se lạnh của phố núi.

Bánh tráng nướng Nguyễn Văn Trỗi

Bánh tráng nướng cũng là lựa chọn khác cho món ăn vặt nóng giòn của phố núi. Ngồi bên bếp than hồng, nhìn cô chủ tay thoăn thoắt nướng từng chiếc bánh tráng thơm ngon, khiến bạn chỉ muốn thưởng thức “ngay và luôn”. Bánh tráng có rất nhiều nhân ăn kèm như: thịt băm, trứng gà, khô bò, phô mai, pa tê nên bạn có thể yêu cầu cô chủ nướng bánh theo sở thích.

Quán bánh tráng nướng nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi tuy nhỏ nhưng là quán bán đầu tiên và nổi tiếng ở Đà Lạt. Đường Nguyễn Văn Trỗi khá ngắn nên bạn có thể dễ dàng nhìn thấy quán.

Kem bơ Thanh Thảo

Khi đã “lưng lưng” bụng, bạn có thể tráng miệng bằng món kem bơ béo ngậy. Bơ được xay nhuyễn thành sinh tố, viên kem thả lên trên và rắc thêm vài sợi dừa nạo. Khi ăn, vị béo của bơ và kem hòa tan vào nhau, sợi dừa sần sật, thêm chút cảm giác lạnh lạnh rất thú vị.

Quán kem bơ Thanh Thảo cũng nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi nên khá thuận tiện. Ngoài kem, quán còn nổi tiếng với món trái cây dĩa, chè Thái và sinh tố.

Chè Hé đường 3-2

Nếu thích tráng miệng bằng món ăn ngọt như chè thì bạn có thể ghé quán Chè Hé nằm trên dốc đường 3-2 hướng ra chợ Đà Lạt. Sở dĩ quán có tên gọi Chè Hé vì cánh cửa luôn khép hờ. Quán bán đầy đủ các loại chè nóng-lạnh như chè đậu thập cẩm, chè bà ba, chè khoai môn… tha hồ cho bạn lựa chọn. Quán nằm kế bên tiệm bánh mì Liên Hoa nên bạn đừng lo khó tìm.

Sau khi ăn chè xong, dạo một vòng quanh chợ đêm Đà Lạt là hoạt động lý tưởng nhất. Chợ đêm dành cho du khách nên khá nhộn nhịp và sầm uất, bày bán hàng hóa từ quần áo, quà lưu niệm cho đến rau củ quả Đà Lạt.

Bắp nướng-khoai lang nướng chợ Đà Lạt

Cầu thang dẫn xuống chợ đêm Đà Lạt được xem là “thiên đường ăn uống” cho những tín đồ mê ăn vặt. Nơi đây nổi tiếng với những món nướng xiên que nhưng thu hút nhất vẫn là món bắp nướng-khoai lang nướng. Nhâm nhi trái bắp nướng rưới mỡ hành béo ngậy hay vừa thổi vừa bóc vỏ củ khoai lang nướng nóng hổi có thể giúp bạn quên đi cảm giác lạnh khi đi bộ vào buổi tối.

Sữa đậu nành Tăng Bạt Hổ

Nếu muốn tìm một nơi nghỉ chân và làm ấm người thì bạn nên uống sữa đậu nành trên đường Tăng Bạt Hổ, phía sau chợ Đà Lạt. Ly sữa đậu nành sẽ thêm phần thú vị khi được dùng kèm với bánh su kem. Bẻ một miếng bánh su kem, chấm vào ly sữa đậu nành, vị ngọt của sữa hòa cùng vị kem béo, bánh xốp mềm tan trong miệng, ăn hoài không thấy ngán.

Theo An Nguyên / Báo Phụ Nữ TP HCM

Đà Lạt không chỉ là vùng đất để tham quan ngắm cảnh, đất Đà Lạt còn nổi tiếng với những món ăn rất độc đáo mà ngon miệng, trong đó có những món “trứ danh” không thể bỏ qua như bánh mì xíu mại, bánh tráng nướng, nem nướng…

Đến với Đà Lạt, bên cạnh việc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như thung lũng tình yêu, vườn hoa thành phố hay cao nguyên Lang Biang, thì thưởng thức ẩm thực phố núi cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.

1. Nem nướng

Không giống như nem chua rán, nem nướng Đà Lạt khi ăn thường cuộn kèm với bánh tráng, rau xà lách, chuối, khế… và chấm nước tương “độc chiêu”. Nhờ vậy mà vị béo thơm của nem nướng cùng vị tươi mát của rau quả dậy lên hấp dẫn. Hai quán nem nướng trên đường Phan Đình Phùng và Bùi Thị Xuân là địa chỉ dành cho bạn khi muốn thưởng thức món này.

Nem nướng Đà Lạt.

2. Bún bò ấp Ánh Sáng

Tuy là đặc sản của Huế nhưng khi đến ấp Ánh Sáng, cạnh Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, bạn vẫn có thể thưởng thức bún bò với hương vị không hề thua kém, có chăng chỉ là chút biến tấu để hợp hơn với khẩu vị của xứ lạnh cao nguyên. Đó là thay vì rau muống chẻ, bát bún bò Huế ở đây ăn kèm với xà lách thái nhỏ, giá đỗ và hoa chuối. Tùy theo khẩu vị, khách có thể gọi giò nạc, giò khoanh hoặc giò sụn.

3. Bánh ướt lòng gà

Sự kết hợp độc đáo giữa bánh ướt và lòng gà đã gợi sự tò mò của không ít du khách khi đến Đà Lạt. Để rồi khi nếm thử, ai nấy đều thích thú với hương vị rất lạ mà lôi cuốn của món ăn. Đó là vị dẻo mềm của bánh cùng vị thơm, ngọt của thịt gà. Để thưởng thức, các bạn hãy tìm đến quán bánh ướt trên đường Tăng Bạt Hổ, gần chợ Đà Lạt.

4. Bánh tráng nướng

Trong các món ngon ở Đà Lạt, được du khách biết đến nhiều nhất có lẽ là bánh tráng nướng trứng. Trên bếp than hồng, mỡ hành, trứng cút, thịt băm, tép rang được lần lượt dàn trên chiếc bánh tráng mỏng manh. Trong nháy mắt, màu vàng ruộm bao phủ toàn chiếc bánh, chấm với tương ớt cay nồng khiến người ăn không khỏi xuýt xoa. Nơi bán món này ngon nhất là quán trên đường Nguyễn Văn Trỗi, mở từ 2h chiều đến 10h đêm.

Bánh tráng nướng – Pizza Dalat

5. Món xắp xắp

Nghe lạ tai nhưng đây lại là món ăn quen thuộc khi khá giống nộm bò khô ở Hà Nội và gỏi khô bò ở Sài Gòn). Thành phần chính của món xắp xắp là đu đủ bào sợi, phổi bò hoặc gan heo rim kỹ, đậu phộng, rau húng quế, nước mắm chua ngọt… Bạn có thể tản bộ Hồ Xuân Hương rồi dừng lại ở quán nhỏ bên bờ hồ để thưởng thức món ăn này.

6. Bánh bèo

Bánh bèo Đà Lạt có pha thêm chút bột lọc nên hơi trong và có một chút dai dai. Trong khi đó, nước sốt tôm thịt lại sánh, màu cam bắt mắt và có vị thanh hấp dẫn. Một suất bánh bèo thường gồm 4 chén sành nhỏ và có giá rất bình dân. Địa chỉ ăn món này ở Đà Lạt là quán trên đường Phan Đình Phùng gần cây xăng Hồng Hưng, phục vụ từ 11h đến 20h mỗi ngày.

7. Chả ram bắp

Với cách cuốn bắp non bào nhuyễn ướp với gia vị vào bánh tráng rồi chiên đến khi có màu vàng ruộm đã tạo thành một món chả ngọt, thơm rất riêng cho Đà Lạt. Khi ăn, chả ram lại một lần nữa được cuốn với bánh tráng, dưa leo, củ đậu, cà rốt… và rau sống rồi chấm vào chén nước lèo làm từ tương đậu phộng. Bạn có thể tìm ăn món chả ram bắp ở quán cạnh trường tiểu học Nguyễn Trãi hoặc đường Nguyễn Công Trứ.

8. Bánh mì xíu mại

Ăn kèm với bánh mì là bát xíu mại làm nước ninh xương trong váng mỡ béo ngậy cùng viên thịt bé xíu, cộng thêm chút hành lá thái nhuyễn, tuy nhiên khi ăn lại rất thanh mà không hề ngấy. Có 3 cách phổ biến để thưởng thức là xé nhỏ bánh mì cho vào bát xíu mại, để nguyên miếng bánh mì lớn chấm nước dùng hoặc bỏ xíu mại vào giữa chiếc bánh mì. Ngoài các quán ngoài cổng trường học, cổng chợ, bạn có thể đến ngã ba Trần Nhật Duật – Hoàng Diệu để cảm nhận được hương vị đúng điệu của món ăn.

9. Bánh canh

Bánh canh có mặt ở nhiều nơi nhưng thưởng thức trong tiết trời se lạnh Đà Lạt lại mang đến một cảm nhận rất riêng. Đó là màu sắc hài hòa trong bát bánh canh khi hội tụ màu trắng của sợi bánh dai mềm, nóng hổi, màu vàng của chả và hành lá xanh xắt nhuyễn. Nổi tiếng nhất ở Đà Lạt là quán bánh canh Xuân An trên đường Nhà Chung, bánh canh Phan Rang ở đường Trần Phú hoặc Hai Bà Trưng.

Bánh canh Xuân An

10. Dâu tây kem

Dâu tây là đặc sản nổi tiếng Đà Lạt vì vậy sẽ là thiếu sót nếu bạn đến đây mà không nếm thử món kem được làm từ dâu tây tươi hái tận vườn, sữa tươi, trứng cùng một số nguyên liệu khác. Thưởng thức dâu tây kem trong tiết trời se lạnh Đà Lạt dường như càng làm món ăn thêm thi vị và hấp dẫn khi vị ngọt tươi của dâu tây quyện với vị mát lành của kem và đất trời. Nếu chưa tin hãy thử một lần ghé phố Phan Đình Phùng để tự mình trải nghiệm cảm giác thú vị ấy.

Vy An (VNexpress)

Món ngon Gia Lai – hương sắc đại ngàn

 

Ẩm thực Gia Lai luôn phảng phất chất hoang sơ của một vùng đất đại ngàn hùng vĩ.

Gia Lai, vùng đất đại ngàn hùng vĩ, cuốn hút du khách khắp nơi không chỉ bởi không khí tuyệt vời sơn cước mà còn bởi văn hóa ẩm thực khác lạ, đậm chất Tây Nguyên hoang dã.

Phở khô Gia Lai

Dân sành ăn Sài Gòn không mấy ai không biết món “phở hai tô”. Đây chính là tên gọi khác của phở khô, xuất xứ từ Gia Lai. Đã từng là một trong 10 món ăn xác lập kỷ lục châu Á, phở khô như một nét duyên dáng xứ núi góp phần vào ẩm thực Việt.

Gọi là phở nhưng bánh phở của món này thật khác biệt, không to bản và dễ bở mà giống sợi hủ tiếu dai mềm hơn. Thay vì phục vụ chung nước và cái, phở khô đặc biệt bởi cách chia riêng phần nước dùng và sợi phở thành hai tô.

Nước thanh ngọt từ xương heo được ninh khéo léo, không hôi, không đục kết hợp với phần cái gồm sợi phở trụng qua, thêm một số gia vị, nguyên liệu phụ như giá đỗ, thịt heo, thịt bò bằm, thậm chí cả bò viên làm món ăn hài hòa và nhiều vị.

Phở khô Gia Lai ở Sài Gòn vốn đã được lòng thực khách, nhưng thưởng thức tại chính quê hương của nó mới thật cảm nhận hết cái ngon, sự thích thú đầy dư vị.

Phở khô Gia Lai từ núi xuống đồng bằng, nơi đâu cũng được chào đón! (Ảnh: Internet)

Bún mắm cua

Cái gì liên quan đến mắm là người ta nghĩ ngay đến mùi. Chính xác! Bún mắm cua – một trong những món ngon Gia Lai cũng cực kỳ kén người ăn do mùi không phải ai cũng ưa, cũng chịu, nhưng nếu ăn được rồi thì thật khó mà quên cái nồng gắt và chan chát đặc trưng.

Bún mắm cua nổi tiếng ở Gia Lai nhưng nghe nói, lại do người Bình Định lên đây định cư sáng tạo ra. Bún được nấu từ cua đồng. Thay vì làm ngay ăn liền như bún riêu bình thường, nước lọc từ thịt cua cho món này phải được ủ khoảng một ngày đêm cho đến khi lên men, tạo mùi… khó ngửi.

Bún mắm cua, mùi khó quen vô cùng nhưng đậm đà và không thể nhầm lẫn nếu đã thử (Ảnh: Internet)

Sau đó, cho thịt ba chỉ xào săn, gia vị vào, nước sôi lên thì thêm măng là xong phần nước dùng. Lúc ăn, chan bún với nước dùng, bên trên bỏ vài miếng bì heo hoặc phồng tôm giòn tan, vắt chút chanh vào cho vị dễ ăn hơn.

Tuy thế, ít người cảm nhận được hết vị tê tê, cay cay, lại giòn, mặn mòi của món ăn bởi thường mùi đậm đặc khiến thực khách dè chừng và có thể quên đi các cảm nhận khác nên người ta chỉ thường thử một lần rồi thôi. Nhưng nếu đến Gia Lai mà không dùng bún mắm cua thì cũng phí một dịp trải nghiệm.

Canh lá bép

Người dân nơi miền đất đỏ bazan, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm ra vô vàn loại cây lá lạ lùng có vị đặc biệt. Lắm khi, chẳng nơi đâu có được ngoài rừng núi ở đây. Một trong số những rau rừng được biết đến nhiều nhất suốt những năm tháng chiến tranh cho đến ngày nay khi nhắc đến Gia Lai là lá bép.

Lá bép nấu canh suông, canh cá, canh cua… đều ngon vì mang hương núi (Ảnh: Internet)

Loại lá rừng kỳ lạ có vị ngọt lợ nên được người dân gọi với cái tên dân giã: lá mì chính. Nếu vội, chỉ cần hái lá bép, rửa sạch nấu nồi canh suông cùng muối, nước lã là đã có cái chan chan, húp húp ngon lành.

Sang hơn, làm món canh cua lá bép, ngon không kém canh cua rau đay mồng tơi của miền đồng bằng. Lá bép nấu với cá vừa làm cho nước ngọt, cá thêm đậm đà, bổ dưỡng, lại thanh mát và thơm mùi rừng khó quên.

Người lần đầu lên đây tò mò muốn thử, những người đã từng sống và chiến đấu một thời vùng rừng thiêng, nước độc khi ăn canh cua lá bép dễ nhớ một thời hoa lửa, đói kém mà đầy lòng tin.

Vì thế, đến Gia Lai rồi nhớ ăn canh lá bép để biết một món ăn đi cùng thời gian từ ngày thiếu thốn cho đến lúc được đem vào thực đơn các nhà hàng lớn, rồi cảm nhận sự ngon lành chất núi hiếm thấy.

Thịt bò một nắng

Bò một nắng hai sương – món ngon Gia Lai, cái tên nghe lạ lạ và gợi trí tò mò của nhiều người. Đây không chỉ là món ăn ngon cho dân nhậu mà còn là món quà mang về cho những người đi xa, sau mỗi chuyến du ngoạn hay một chuyến công tác và thích ẩm thực nơi này.

Điều quan trọng nhất cho ra món ngon là khâu chọn nguyên liệu. Bò một nắng hai sương muốn không dai, không cứng phải tìm lựa bò tươi, mới mổ, không quá già hay quá non mới đạt.

Thịt bò một nắng tưởng là làm đơn giản nhưng không hiểu sao chỉ Gia Lai mới có ngon như vậy! (Ảnh: Internet)

Thịt bò ấy đem về sơ chế, lạng theo chiều dọc thớ, để to, dày rồi ướp các loại gia vị như mắm muối, tiêu, sả, bột ngọt, ớt hiểm. Cứ thế mang đi phơi nắng, chỉ một nắng là được. Hoặc giả có ngày thất thường nắng yếu, người làm sẽ sấy bằng lò than chứ không đem phơi buổi thứ hai.

Khi nướng, làm sao cho vừa đều, hơi đậm màu là được, lâu hơn sẽ khiến thịt cứng, mất vị, khô. Bò chín rồi dùng tay xé, chấm từng miếng với các loại nước chấm, đặc biệt hợp nhất là muối kiến vàng ngon khôn tả.

Muối kiến vàng

Loại muối độc nhất vô nhị – món ngon Gia Lai, làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) có thể khiến nhiều người lắc đầu nguầy nguậy khi nhìn. Nhưng nếu đã nếm qua hương vị hoang sơ này một lần thôi, sẽ hiểu vì sao, lên Gia Lai, nhất định mua muối kiến vàng về làm quà hoặc ăn dần.

Muối kiến vàng hợp nhất với các món thịt nướng (Ảnh: Internet)

Để làm món này, người dân phải đi tìm bắt kiến vàng, loài sống sâu trong rừng. Sau đó, đem rang sơ, rồi đem giã với ớt cay thật cay, cộng thêm vài loại lá rừng, muối hột, thế mà thành một thứ chấm thịt nướng tuyệt vời.

Vị mặn riêng của kiến cùng với axit trong bụng chúng chua chua như muối và chanh kết hợp cái cay ớt, hăng hăng của thân kiến và nhiều lá lạ, rất cuốn hút.

Thông thường, bò một nắng phải đi kèm muối kiến vàng này là bộ đôi hoàn hảo khó thay thế. Ngoài ra, nó cũng hợp với các loại trái cây ngon lành hay ăn với cơm nóng, thịt luộc nữa.

Cá chốt

Rủ nhau lên núi ăn cá thì quả lạ tai, nhưng đúng thật, cá nơi này khác hẳn phía đồng bằng, nhất là cá chốt vùng sông Ba, sông Ayun phía Nam Gia Lai. Loài cá này thích bơi ngược dòng nên cơ thể săn chắc, cho thứ thịt dai, ngon, lại thơm.

Chúng nhỏ thôi, chỉ từ khoảng 1 kg đổ lại nhưng đáng công tìm kiếm. Từ nấu chua, kho tộ đều hấp dẫn. Cứ mấy món đơn giản ấy mà ăn với cơm nóng dẻo thì không biết bao nhiêu cho vừa.

Tháng 8, tháng 9 âm lịch là mùa lũ, các chú cá chốt ngược dòng nhiều nên thịt ngon thơm nhất trong năm (Ảnh: Internet)

Nhưng còn nguyên vị hoang dã phải là cá chốt nướng. Không cần tẩm ướp gia vị, cứ cá tươi làm sạch đưa lên than hồng, nướng đều hai mặt, cho chín từ từ là đã đủ làm điêu đứng bao cái dạ dày.

Cá chốt nướng ngon từ da đến thịt, từ mùi đến vị, nhất là khi ăn kèm rau sống, rau thơm, bánh tráng và muối kiến vàng hoặc muối é. Vị cay, thơm của muối hòa với ngọt béo của cá khó có món nào địch nổi. Nhất là chúng mang phong hương của đất trời Tây Nguyên, một chút dân giã, một chút nồng nàn, một chút khác lạ gây tò mò.

Chú ý khi du lịch, bạn nên xuất hành vào tháng 8, tháng 9 âm để được ăn món cá chốt ngon nhất trong năm.

(Khampha.vn)