10 MÓN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐI DU LỊCH PHỐ CỔ HỘI AN

Đến Hội An, du khách không chỉ đắm chìm trong vẻ đẹp cổ kính và nếp sống giản dị của khu đô thị di sản thế giới. Bên cạnh đó, du khách còn cần phải khám phá nền ẩm thực đa dạng, độc đáo và rất nổi tiếng của Hội An. 

Cơm gà, cao lầu hay chè là những cái tên luôn biết cách làm thực khách mê mẩn.

Bên cạnh cảnh đẹp nơi phố cổ, Hội An còn thu hút du khách với những món ăn ngon mang hương vị độc đáo và đem lại nỗi nhớ da diết cho người trở về.

Cơm gà

Một trong những món ngon Hội An bạn không nên bỏ qua là cơm gà. Món ăn này được nhiều người yêu thích tới nỗi các tờ rơi du lịch đã dành hẳn một phần để giới thiệu.

Ngoài quán cơm gà bà Buội tại số 22 Phan Chu Trinh nổi tiếng, bạn còn có thể tới quán bà Nga cách đó một đoạn hay cô Hương ở đầu hẻm Sica. Ảnh: Diệu Huyền.

Cơm gà Hội An bắt mắt với màu vàng tươi của cơm, xanh của rau sống và trắng bóng từ thịt gà, người ăn cay thường thêm chút tương đỏ chót. Ban đầu, thực khách có thể thấy món ăn này lạ lẫm và không  mấy hào hứng, nhưng khi nếm thử bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nó có một sức hấp dẫn không thể chối từ.

Mì Quảng

Một số địa chỉ có mì Quảng ngon là đường Trần Phú, khu Cẩm Hà, đường Thái Phiên. Ảnh: Trần Việt Anh.

Sau khi lang thang từng con phố, bạn hãy dừng chân ở một tiệm ăn nhỏ để thưởng thức món mì Quảng trứ danh và làm dịu đi cơn đói đã bắt đầu “biểu tình”.

Món này gồm mì gạo, tôm, thịt heo, gà, miếng bánh tráng nướng, rau sống và một chút nước dùng. Bạn nên trộn đều để tất cả các thành phần quyện đều với nhau. Khi ấy, sợi mì trở nên mềm ướt nhưng dai dai, ăn rất ngon.

Cao lầu

Cao lầu được bán nhiều trong chợ Hội An nhưng muốn thưởng thức đúng vị nhất, bạn nên tới số 26 Thái Phiên và 87 Trần Phú. Ảnh: Diệu Huyền.

Đây là tên gọi khác của một loại mì đặc biệt có màu vàng nâu. Món này ít nước dùng giống mì Quảng nhưng lại được ăn cùng giá trần, thịt xá xíu, bì lợn chiên giòn, tóp mỡ. Ngoài các thành phần trên, chủ quán còn cho thêm chút nước tương đặc biệt, bột thơm, rau sống. Thực khách chỉ cần trộn đều để các nguyên liệu hòa quyện cùng nhau và bắt đầu ăn.

Hoành thánh

Địa chỉ có hoành thánh ngon là Bà Triệu và Trần Phú. Ảnh: Quế Lan.

Hoành thánh có ba dạng là súp, chiên và mì. Những loại này đều được ăn nhiều vào tầm giờ chiều để lót dạ trước khi thưởng thức các món chính.

Nguyên liệu chính gồm bột mì, trứng gà và tôm. Bột sau khi đánh cùng trứng và ủ lên men được cán mỏng, cắt thành từng ô nhỏ làm vỏ bánh. Phần nhân gồm tôm ướp gia vị giã nhuyễn. Hoành thánh được chan một chút nước dùng thơm mùi dứa, cà chua và nấm rơm. Bạn sẽ được phục vụ kèm một đĩa rau cải xanh non. Đây chính là sự kết hợp đầy ăn ý của món ăn.

Bánh đập, hến xào

Bánh đập ăn cùng hến xào là sự kết hợp lạ lẫm nhưng vừa vặn về hương vị. Ảnh:Gà Con.

Bánh đập là sự kết hợp của bánh tráng nướng, bánh tráng ướt và một số nguyên liệu khác. Bánh ướt được quệt đậu xanh say nhuyễn rồi đặt vào giữa hai miếng bánh tráng nướng. Sau đó, người làm dùng tay đập nhẹ lên bánh để hai miếng dính lại với nhau. Việc này phải thật khéo léo để phần bánh ướt kết dính phần bánh tráng nướng, giúp hai lớp ngoài không bị vỡ vụn. Khi đã đạt độ mỏng hợp lý, bánh sẽ được gấp đôi lại sau đó dọn ra cùng một đĩa hến xào.

Cách ăn món này đúng điệu là chấm với nước mắm cái. Đây là loại nước chấm được pha từ đường, hành phi, dứa bằm nhỏ, tỏi và ớt sừng xanh. Bạn có thể tới quán Bà Già tại thôn 1, xã Cẩm Nang để thưởng thức.

Bánh bao, bánh vạc

Bạn có thể thưởng thức món này tại số 533 Hai Bà Trưng. Ảnh: Hà Minh.

Bánh bao, bánh vạc là tên hai món khác nhau nhưng thường được phục vụ chung trong một đĩa. Hai loại này có hình dáng nhỏ xinh giống hoa hồng. Do vậy nhiều nơi còn gọi bằng cái tên bánh hoa hồng.

Nguyên liệu làm bánh gồm gạo tẻ, tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và các loại gia vị khác. Trong khi đó, thành phần của bánh vạc còn có thêm nấm mèo, giá, hành lá, thịt heo…

Bánh mì

Đường Hoàng Diệu, Trần Cao Vân là hai nơi bạn có thể tìm mua được những ổ bánh mì ngon nhất. Ảnh: Trần Việt Anh.

Hội An là một trong số những địa chỉ của Việt Nam được báo chí quốc tế ngợi ca vì món bánh mì kẹp ngon lạ. Bánh mì ở đây vẫn có phần nhân cơ bản gồm pate, thịt nướng, chả lụa, rau thơm và nước sốt đặc biệt, điều làm nên sự hấp dẫn khác biệt của mỗi ổ bánh. Lớp vỏ giòn rụm, phần nhân béo bùi, không ngấy kết hợp với nhau khiến ai nấy đều thích thú.

Bánh bèo

Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng là những con phố bạn có thể mua được chén bánh ngon. Ảnh: Trần Việt Anh.

Món ăn duy nhất không có mặt tại trung tâm phố cổ nhưng vẫn được nhiều người tìm thưởng thức là bánh bèo. Giống nhiều nơi, bánh bèo ở đây được đặt trong các chén nhỏ. Phần trên đặt nhân tôm thịt có màu hồng đỏ, lấm tấm tiêu đen và điểm xanh của hành lá. Tùy khẩu vị, bạn có thể cho thêm nước mắm hay ớt để tăng độ thơm ngon.

Cách ăn món này cũng khá đặc biệt khi không sử dụng đũa hay thìa mà dao tre, một dụng cụ làm từ tre và vót thành hình lưỡi dao. Nhờ vậy, thực khách khi thưởng thức, ai nấy đều thấy hiếu kỳ và lạ lẫm.

Bánh ướt cuốn thịt nướng

Một cuốn bánh ướt thịt nướng có giá 6.000 đồng Ảnh: Diệu Huyền.

Bánh ướt cuốn thịt nướng được bán nhiều nhất ở bờ sông Hoài. Đây là món vặt được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích. Một phần ăn đầy đủ gồm thịt xiên nướng. bánh ướt, rau sống và không thể thiếu loại nước chấm pha chế cầu kỳ.

Thịt được nướng tại chỗ nên lúc nào cũng nóng và thơm. Khi đặt trong lớp bánh mỏng, thêm rau xanh mát, ăn cùng nước chấm sền sệt tạo ra vị ngon lạ miệng. Do vậy, nhiều người không chỉ dừng lại ở một, hai mà thường gọi thêm vài xiên để ăn cho no mới thôi.

Các loại chè

Không phải món lạ nhưng chè Hội An vẫn rất hấp dẫn. Ảnh: Diệu Huyền.

Chén chè nhỏ trong lòng bàn tay, thơm mùi nước cốt dừa và ánh lên những màu sắc hấp dẫn là điều níu chân du khách. Với người hảo ngọt, chè là món ăn hợp gu nhờ vị ngọt của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và thơm ngát của dầu chuối. Bạn có thể chọn nhiều loại khác nhau như bắp, đậu ván, đậu đỏ…

Diệu Huyền (VNexpress.net)

9 món ăn ngày Tết của miền Trung

Bánh tổ, bánh nổ, bánh lăn, thịt ngâm mắm… là những món ăn mà mỗi người dân miền Trung xa quê đều rất nhớ vào dịp Tết đến.

Bánh lăn

mav149

Bánh lăn là món bánh không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của nhiều gia đình miền Trung. Bánh lăn làm từ nếp, các loại rau quả như cà chua, cà rốt, quất, dứa, gừng, chuối… Tất cả được chế biến và nén lại thành khối trụ tròn, dài. Khi ăn, bánh được cắt ra thành miếng tròn. Bánh lăn rẻ tiền, dân dã, nhưng là một hương vị không thể quên được đối với ai đã trải qua ngày xuân xứ Quảng.

Bánh tổ

Nhắc đến những món bánh Tết “bắt buột” phải có trên bàn thờ tổ tiên của người dân xứ Quảng, không thể bỏ qua bánh Tổ. Bánh Tổ có từ khoảng thế kỉ 16-17 và tồn tại đến ngày nay như một phần không thể thiếu của tập quán ẩm thực Quảng Nam. Bánh tổ có nguyên liệu đơn giản: chỉ gồm nếp và đường, chút gừng tươi tăng hương vị. Bánh có vị ngọt dịu, thơm nếp, có thể ăn ngay khi cắt ra hay chiên lên. Đặc biệt bánh để lâu cho cứng, mốc, cạo lớp mốc đi chiên lên ăn thì rất tuyệt hảo.

Bánh tét

mav147

Nếu như miền Bắc có bánh chưng, thì miền Trung và miền Nam có bánh Tét là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể ví bánh Tét như bánh chưng hình trụ, và gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn, lột vỏ và dùng dây lạt “tét” bánh ra thành từng miếng. Bánh Tét ở miền Trung rất mộc mạc, đơn giản, chỉ bao gồm nếp, nhân đậu và chút thịt. Nhờ vào sự đơn giản này mà người ăn có thể cảm nhận rõ hơn vị ngon thấm thía của từng nguyên liệu. Bánh Tét thường ăn kèm dưa món. Sau Tết, những đòn bánh Tét thừa thường được chiên giòn lên ăn, rất ngon lành.

Thịt ngâm mắm

Thịt ngâm mắm là cách muối thịt rất phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung dịp Xuân về. Thịt có thể là thịt heo hoặc thịt bò, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu theo tỉ lệ nhất định. Thịt ngâm nguyên miếng trải qua vài ngày, đến khi ăn thì xắt thành lát nhỏ vừa ăn. Thịt ngâm mắm ăn kèm củ kiệu, bánh chưng, dưa món, có thể cuốn bánh tráng ăn rất tuyệt.

*** Xem CÁCH LÀM THỊT NGÂM MẮM

Nem chua

Nem chua là món ăn thường dùng kèm với chả lụa trong mâm tiệc Tết. Địa phương làm nem chua nổi tiếng của miền Trung có thể kể đến Chợ Huyện (Bình Định), Ninh Hòa (Khánh Hòa)… Những cục nem hồng hào hấp dẫn bọc qua lớp lá ổi trước khi gói lại bằng lá chuối. Nem miền trung thường mịn màng, hương vị dịu nhẹ, ăn kèm tép tỏi cho tăng hương vị.

Dưa món

Trong khi miền Bắc có dưa hành, thì miền Trung là dưa món. Dưa món là món dưa muối với các nguyên liệu rau củ như cà rốt, củ kiệu, đu đủ, su hào… và có hương vị ngọt mặn “mạnh” hơn món dưa hành miền Bắc. Dưa món được ăn kèm bánh chưng, bánh tét như một phụ liệu không thể thiếu.

*** Xem CÁCH LÀM DƯA MÓN

Bánh thuẫn

Ngày nay do bận bịu công việc, ít gia đình còn giữ truyền thống đổ bánh thuẫn vào dịp Tết, tuy vậy bánh thuẫn vẫn là món ăn phổ biến trong bàn ăn Tết của người miền Trung từ Huế đổ vào. Bánh thuẫn được làm từ bột (bột bình tinh, bột năng…) pha với trứng, nướng trên than bằng một khuôn đặc biệt giành riêng cho bánh thuẫn. Khi bánh chín tỏa một mùi thơm rất quyến rũ, miếng bánh nở vàng, hấp dẫn.

*** Xem CÁCH LÀM BÁNH THUẪN

Chả bò

Chả bò Đà Nẵng ngày nay đã có tiếng khắp ba miền. Trên thực tế, chả bò cũng là món ăn quý và ngon lành của dân miền Trung vào dịp Tết. Miếng chả đỏ hồng hấp dẫn, kết cấu dai giòn tự nhiên, thơm thơm mùi thịt bò điểm chút cay của tiêu đen, khi ăn kèm với chút rau thơm và miếng tỏi Lý Sơn.

Bánh nổ

Bánh nổ là món ăn rất đồng quê của người miền Trung trong dịp Tết. Bánh làm từ bỏng nếp nở bung, nén chặt với đường, gừng trong khuôn gỗ. Khi ăn bánh được cắt ra thành miếng nhỏ hơn. Bánh có vị thơm của nếp, xốp giòn, tan trong miệng rất ngon lành. Bánh nổ được làm quà cho trẻ em ngày Tết, cũng là món ăn vui miệng trong bàn trà của người lớn, và đồng thời bánh nổ cũng được cung kính dâng lên bàn thờ tổ tiên. Địa phương miền Trung giàu truyền thống làm bánh nổ là Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

Bé Thúi 

Cách làm BÁNH XÈO MIỀN TRUNG

Bánh xèo là món nhiều người ưa thích. Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc trời mưa, tiết mát mẻ, sướng nhất là cả nhà ngồi gần chảo, tráng bánh nghe xèo xèo, ăn nóng tại chỗ.

Bánh xèo miền Trung cũng tương tự bánh xèo miền Nam, khác nhau về kích cỡ và cách ăn. Bánh xèo miền Trung thường đổ trong chảo riêng loại nhỏ, bánh làm nhỏ hơn rất nhiều so với bánh xèo miền tây, và có thể bỏ gọn vô cái bánh tráng để cuộn với rau sống như gỏi cuốn dễ dàng.

Cách làm bánh trong bài này nhìn thì dài nhưng thực ra chỉ có vài công đoạn, chủ yếu là khâu chuẩn bị.

Nguyên liệu:

Phần bột: 1 chén bột gạo + 2 chén nước lọc + chút muối + 1 củ nghệ nhỏ hoặc chút bột nghệ
Phần nhân:

  • Tôm bạc: 1 chén
  • Giá: 1 chén
  • Nấm rơm: 1 chén
  • Thịt ba rọi: 1 chén
  • Đậu xanh: 1 chén
  • Hành lá

(Phần nhân này ngoại trừ hành lá, giá, tôm thịt thì cái gì không thích có thể bỏ qua)
Rau sống ăn kèm: Xà lách (rau diếp), khế, dưa leo, đồ chua, ngò, rau thơm.

Chảo tráng bánh: lựa loại nhỏ đường kính khoảng 15 – 20cm

Nước chấm:

Cách làm:

Làm bột: Nghệ giã nhuyễn hòa với 1/2 chén nước, sau đó hòa chung với 1 chén bột gạo, 2 chén nước, 1/2 muỗng cafe muối. Quấy đều rồi dùng rây lọc sạch. Để đó khoảng 1 giờ đồng hồ cho bột nở hết.

Làm nhân:
– Thịt ba rọi xắt miếng nhỏ, mỏng.
– Hành lá xắt cọng 2cm.
– Giá rửa sạch, bỏ rễ.
– Nấm gọt hết phấn, ngâm nước muối vài phút, rửa sạch rồi xắt lát mỏng hoặc chẻ tư.
– Đậu xanh ngâm nước đãi vỏ, luộc chín rồi để đó.
– Tôm bỏ râu ria, bỏ phân nơi đầu. Để nguyên vỏ, rửa sạch rồi để ráo, ướp với chút muối tiêu.

Đổ bánh:

– Bắc chảo loại nhỏ lên bếp, tráng ít dầu hoặc mỡ cho đều mặt chảo, sau đó cho vài lát thịt vào xào săn, tiếp theo xếp vài con tôm vào rồi đổ một muôi bột vào.  Tráng cho bột trải tròn đều trong lòng chảo. Sau đó rải thêm nấm, nhúm giá, nhúm đậu xanh, hành lá vào. Đậy nắp lại vài phút cho bánh chín. Mở nắp ra thấy bánh chín giòn, dùng vá dẹt gấp đôi bánh lại lấy ra khỏi chảo.

– Lần lượt làm cho hết bột.

Pha nước chấm chua ngọt hoặc tương (đã có link ở phần nguyên liệu) .

Chuẩn bị ăn:

– Chế nước mắm chua ngọt hoặc tương đã pha vào chén, bỏ thêm ít đồ chua vào.

– Bánh xèo miền Trung có thể tráng hơi dày, khi ăn dùng kéo cắt ngang làm ba rồi dùng đũa gắp ăn kèm rau sống. Hoặc tráng mỏng rồi cuốn với bánh tráng, rau sống ăn.

Lưu ý: Lúc tráng bánh coi chừng cháy.

Bảo Tố

Hai chàng Tây làm clip ca ngợi Mỳ Quảng

Ca khúc “The Mì Quảng song” kết hợp giữa pop và rap của hai chàng trai tây cùng một số người bạn Việt Nam làm ở Đà Nẵng, sau 1 tuần đăng lên facebook đã thu hút 175 ngàn người xem và con số cũng tiếp tục tăng nhanh mỗi ngày.

Ca khúc do hai chàng Tây trong clip, Jake Schofield và Ashlin Aronin sáng tác, với nội dung bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng có vài câu tiếng Việt: đói quá!, cơm, “mì quảng”, chợ, nước mắm, đi ăn sáng phải là mì Quảng ở chợ Phước Mỹ…

Ca khúc, bằng một giọng điệu đầy tinh nghịch, đã ca ngợi món Mỳ Quảng của đất Quảng Nam như một món ăn sáng tuyệt vời, bá đạo, thần thánh nhất nhưng cũng rất rẻ bèo (15 ngàn), dưới góc nhìn của người phương Tây “sành sỏi” các món ăn, nguyên liệu Việt vốn không dễ làm quen.

Tuy nhiên video clip cũng nhận được nhiều chỉ trích khi phần cuối clip, các bạn trêu đùa nhau bằng món ăn và các ý kiến cho rằng điều đó là “lãng phí”, “thô thiển”, thậm chí là “xúc phạm” sợi mì Quảng. Ý kiến phê phán phần cuối clip của Ryan Duy Hùng, một ca sĩ người Mỹ khá nổi tiếng trong cộng đồng youtube, đã nhận được nhiều like đồng tình.

Bên cạnh đó, có những bạn gửi lời cảm ơn đến tác giả ca khúc đã góp phần quảng bá món Mỳ Quảng đến với thế giới.

Mời các bạn cùng xem để đánh giá “The Mì Quảng Song”, có lẽ là ca khúc đầu tiên về món mì nổi tiếng của xứ Quảng:

Bé Thúi (MAV.vn)

Từ khóa “best banh mi in Vietnam” sẽ cho bạn kết quả về tiệm bánh mì tên “Bánh mì Phượng” ở Hội An. Vậy điều gì làm nên sự đặc biệt trong chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam đó.

Đầu bếp người Canada Cameron Stauch , người đã từng có thời gian nấu ăn cho tổng thống Canada và hiện đang sinh sống tại Hà Nội sẽ cho chúng ta biết những cảm nhận đặc biệt của bản thân khi nếm thử chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam.

Với niềm hứng thú và háo hức đặc biệt, người đầu bếp Canada đã ăn hết chiếc bánh mỳ của mình một cách nhanh chóng, thậm chí thưởng thức tới cả những giọt sốt cuối cùng dính lại trên các ngón tay và yêu cầu thêm một chiếc bánh mỳ nữa. Đó là những điều tuyệt vời mà Cameron Stauch có được khi tới cửa hàng bánh mì Phượng ở Hội An.

Trước khi đến Việt Nam, Cameron Stauch đã từng thử một vài loại bánh mì Việt tại các quầy hàng bánh mỳ ở nước ngoài do người Việt làm chủ sở hữu, nhưng hương vị đó không làm người đầu bếp Canada cảm thấy thỏa mãn. Khi tới Việt Nam, những chiếc bánh mỳ tại Hà Nội cũng như Sài Gòn đều được vị đầu bếp nhận xét là khá ổn, nhưng đều thiếu cá tính và không đủ no bụng. Chỉ khi tới quán “bánh mì ngon nhất Việt Nam” theo cảm nhận của nhiều bạn bè quốc tế khác, ông mới thực sự cảm thấy thỏa mãn. Sau một vài lần lưu lại phố cổ xinh đẹp Hội An, cuối cùng Cameron Stauch đã tìm ra yếu tố khiến những chiếc bánh mỳ ở đây ngon đặc biệt tới như vậy. Đó là do hầu hết các thành phần nguyên liệu đều được chủ tiệm tự chế biến, chứ không phải dùng các nguyên liệu có sẵn như nhiều nơi khác.

Một số điều độc đáo khác tạo nên chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam được người đầu bếp Canada khám phá ra đó là…

Bánh mì giữ ấm trong bếp ủ than hồng

Những chiếc bánh mì ở quán đều khá mỏng, không bị dày như loại bánh mì Pháp cổ điển. Tất cả bánh mì trước khi chế biến đều được giữ ấm trong một khoang tủ gỗ bởi nhiệt độ của một chiếc bếp than hồng.

Nước sốt tự chế

Nước sốt của quán bánh mì Phượng đều được chủ tiệm chế biến kì công, mang vị béo ngậy đậm đà. Thay vì các loại maiyonaise, nước tương, mắm nêm pha sẵn, chủ tiệm đã tự pha chế một loại “siêu sốt” theo cách gọi của đầu bếp Cameron Stauch. Công thức này là bí quyết được giữ kín của chủ tiệm.


Loại “siêu sốt” mang hương vị đặc biệt

Thịt và pate hảo hạng

Thịt ăn kèm bánh mỳ bao gồm một lát mỏng thịt lợn thăn nướng, thịt nguội hoặc chả lụa, xúc xích. Ở quán còn có loại pa te gan đặc biệt mềm và ngậy béo, khi ăn như tan ngay trong khoang miệng góp phần tăng thêm hương vị thơm ngon.



Các loại rau ăn kèm

Tất cả rau ăn kèm đều là rau tươi, kết hợp từ nhiều loại rau sống khác nhau mang hương vị độc đáo như rau mùi, rau húng, hành lá…Một chút cà rốt, dưa chuột muối chua ngọt cũng làm tăng thêm sự mới mẻ và ngon miệng cho chiếc bánh mì tiệm Phượng.


Cách sắp xếp nguyên liệu

Các nhân viên quán đều tuân thủ một cách sắp xếp nguyên liệu thống nhất, khiến thời gian hoàn thành một chiếc bánh mì chỉ mất vài phút ngắn ngủi và hương vị đồng đều cho tất cả. Đầu tiên, một muỗng sốt maiyonaise tự chế được rưới đều trong bánh, tiếp đến là một muồng pate trải đều bên dưới. Hai muỗng nhỏ sốt tiêu được rưới dọc thành bánh, thịt và rau muối được thêm ở bước tiếp theo.

Các loại nguyên liệu chính như thịt, chả lụa được đặt vào bánh; phủ lên trên là chút tương ớt hoặc thêm một chút nước sốt tự chế. Đầu bếp Cameron Stauch chia sẻ, ông tin rằng quy trình phân lớp đặc biệt đó đã tạo nên hương vị hài hòa dễ gây nghiện cho chiếc bánh mì ở đây.

Cameron Stauch yêu thích chiếc bánh mì ở cửa tiệm nhỏ nơi phố cổ Hội An một cách đặc biệt, ông cũng không quên gợi ý cho bạn bè và các du khách quốc tế khác địa điểm lý thú này.

T.H (Depplus.vn/MASK)