Mùa thu, đến Hà Nội ăn gì?

Mùa thu thường được coi là mùa đẹp nhất của Hà Nội. Đó là khi tiết trời oi bức của mùa hạ đã qua đi, làn gió mát mẻ tràn về khắp phố phường, mang theo mùi hoa sữa thoảng nhẹ vương vấn hồn người. Đó là khi cây lá bắt đầu phai nhẹ, khoác lên cho thành phố một vẻ đẹp mơ màng cổ kính.

Bên cạnh đó, đến với thu Hà Nội, cũng là đến với những sản vật ngon lành, đặc trưng được lưu truyền từ bao đời.

Sau đây là những món ăn bạn nên khám phá khi đến thăm Hà Nội vào thu:

1. Cốm

Cốm là món ăn tiêu biểu đã đi sâu vào văn hóa của người Hà Nội. Cốm Hà Nội làm từ hạt nếp non, nhất là nếp cái hoa vàng, qua nhiều công đoạn chế biến, cốm được gói trong lá sen hoặc lá khoai, khi mở ra tỏa mùi thơm dịu đặc trưng. Nổi danh nhất Hà Nội phải kể đến cốm Vòng, sau đó là cốm Lủ và cốm Mễ Trì. Cốm là món quà vặt bình dân, nhưng lại có nét sang trọng đến từ vẻ đẹp của hạt cốm, vẻ chỉn chu của miếng lá gói, hương thơm riêng biệt dịu dàng cũng như cách thưởng thức nhẹ nhàng thanh cảnh.

2. Rươi

“Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy”

Nếu cốm có vẻ sang trọng, thanh tao, thì rươi ngược lại. Rươi là một loại giun biển và cũng tương tự với các loại động vật nhuyễn thể khác – hình dáng của rươi khiến nhiều người thè lưỡi. Tuy vậy, nếu ăn rươi mà không biết đó là rươi, thì chẳng ai mà không khen ngợi cho được. Rươi làm được nhiều món, nhưng tại Hà Nội, phổ biến nhất vẫn là chả rươi. Sau khi rươi được xử lý cầu kỳ (làm lông, đánh thịt), rươi được đánh cùng với trứng và các nguyên liệu khác rồi rán vàng thành miếng chả thơm phức và rất bổ dưỡng.

3. Sấu chín

Sấu là loại quả chỉ có ở miền Bắc Việt và khi nhắc tới sấu người ta thường nghĩ ngay tới Hà Nội, là bởi đây là nơi mà sấu được sử dụng vào nhiều việc, nhất là ẩm thực. Trong khi mùa hè, sấu còn xanh, được dùng nấu canh, om thịt… thì mùa thu, sấu được thưởng thức một cách trực tiếp hơn với các món sấu dầm, sấu tươi chấm muối. Không chỉ là một loại quả có vị chua, sấu tươi còn có vị thơm ngát đặc trưng, đó là nguyên nhân để nhiều người ngóng chờ mùa thu đến để thưởng thức món quà vặt này.

4. Ốc

“Ốc tháng Mười, người Hà Nội”

Câu thành ngữ có lẽ mang ý: ốc mùa thu cũng “chất” như người Hà Nội. Quả thật, ốc mùa thu béo múp, chưa có ốc con lạn sạn, thịt ngon ngọt hơn với ốc các mùa khác. Người xưa cũng quan niệm ăn ốc mùa thu giúp sáng mắt. Dù sao đi nữa, bạn cũng không nên bỏ lỡ ốc khi đến Hà Nội mùa thu. Ốc ở Hà Nội được làm thành rất nhiều món, và hình như món nào cũng gây kích thích tuyến nước bọt khi nhắc tới: ốc nóng, bún ốc nóng, bún ốc nguội, ốc xào me, ốc cay, ốc xào dừa…

5. Món rán

“Mùa nào thức nấy”, khi gió heo may se lạnh trở về, phố phường nhuốm màu nâu nhẹ của lá vàng và của những giọt nắng hắt hiu chỉ vừa đủ làm người ta khỏi phải run lên, cũng là lúc Hà Nội bắt đầu xuất hiện những hàng món rán. Thật vậy, khó mà tìm ra những hàng bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô… vào mùa Hè. Nhưng vào mùa thu, thì những hàng ấy lại xuất hiện như gọi mời, nhắc nhở. Món rán Hà Nội rất đa dạng, từ bánh khoai, bánh chuối, cho đến bánh rán, bánh gối, nem chua… tất cả được rán trên một bếp than hồng ấm áp nơi hàng quán vỉa hè, nơi khách sẽ gọi phần ăn rồi ngồi chậm rãi thưởng thức bánh và thưởng thức cả mùa thu.

 

Tú Anh (Mav.vn)

5 HÀNG PHỞ CÓ TÊN “ĐỘC” NỔI DANH HÀ NỘI

Hà Nội nổi tiếng là “thủ đô ẩm thực” với rất nhiều hàng ăn ngon và độc đáo. Khám phá ẩm thực Hà Nội, một trong những điều thú vị là bạn có thể bắt gặp những hàng ăn có tên khá “kỳ lạ”, và cực kỳ dễ nhớ.
Phở là món ăn  quen thuộc với bất cứ người Việt Nam nào dù ở trong hay ngoài nước.
Đối với người Hà Nội, phở được ăn vào mọi thời điểm trong ngày: ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, bữa xế và bữa khuya … hay có thể nói nếu muốn bạn có thể dễ dàng tìm được một quán phở trên hầu hết mọi con phố ở Hà Nội. Vì thế khi nhắc về Hà Nội, phở là một trong những niềm tự hào của người Thủ đô.
Phở Hà Nội được nấu theo cách truyền thống, thơm ngon và cực chất từ nước dùng được ninh nấu cầu kỳ cho đến thịt bò, thịt gà luôn tươi mới và hành lá, rau thơm thái nhỏ dậy mùi. Nếu đã từng ăn phở Hà Nội, bạn sẽ thấy không thể ăn phở ở nơi khác và sự cách biệt về mùi vị của món ăn này.
Ở Hà Nội có rất quán phở nổi tiếng nhưng có những quán không chỉ thu hút khách hàng bởi hương vị ngon có tiếng, được truyền từ đời ông đời cha cho con cháu kế thừa mà còn bởi những tên hiệu ‘độc” nghe một lần là nhớ mãi.
Phở Vui
 
Nằm trên con phố nhỏ trong khu phố cổ của Thủ đô, phở Vui ở 25 hàng Giầy rất nổi tiếng với người sành ăn Hà Nội. Phở ở đây chuyên về bò tái chín: tái nạm, tái gầu, sốt vang, bắp bò, gân trong … Với nước phở đậm đà, béo ngậy, thịt bò tươi ngon cùng tên quán đặc biệt nên thực khách đến đây đều rất “Vui” sau khi thưởng thức và đều trở lại thường xuyên.
Phở Sướng
 
Nói đến phở Vui, không thể không nhắc đến quán phở Sướng, một quán phở bò được đánh giá tốt bởi độ chất của nước dùng, thịt bò tươi ngon, mềm mại không bị khô. Tuy nằm ở ngõ  Trung Yên, phố Đinh Liệt với diện tích quán không rộng lắm nhưng phở Sướng lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào.
Phở Nhớ
 
Quán phở nhỏ nằm ở ngã tư Huỳnh Thúc Kháng và Nguyên Hồng, với thực đơn phở bò và phở gà, phở Nhớ đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người sành ăn ở Hà Nội. Có lẽ tên hiệu đặc biệt và hương vị nước dùng được ninh kỹ, cầu kỳ kết hợp với bánh phở mềm dẻo là lý do phở Nhớ níu giữ bước chân thực khách.
Phở Bưng
 
Ngay cái tên của quán phở đã khiến bạn ngạc nhiên và tò mò đúng không? nhưng xin được đính chính đây là gánh phở chỉ được bán ở vỉa hè phố Hàng Trống giao với hàng Bông từ 4h chiều đến 8h tối hàng ngày. Được dân sành ăn Hà Nội đánh giá cao. Phở Bưng có hương vị thơm ngon, đậm đà, nước dùng thanh ngọt, bánh phở dẻo, thịt mềm nên tuy phải tự phục vụ và ngồi ở vỉa hè nhưng chỉ cần chậm chân, bạn sẽ không có cơ hội thưởng thức phở Bưng khi trời chập tối.
Phở B52
 
Là quán phở mới được mở hơn 2 năm nay nhưng phở B52 cũng là lựa chọn của nhiều người Hà Nội biết ăn. Cái tên B52 khiến nhiều người nghĩ là năm sinh của chủ quán nhưng thực ra chữ B trong B52 chỉ đơn giản là bò. Hoạt động với phương châm “phở sạch cho người sành” nên phở B52 có chất lượng miễn chê và giá cả cũng khá cao so với nhiều quán phở khác. Nhưng có lẽ phở ngon đúng nghĩa và phong cách phục vụ hiện đại nơi đây nên giá một bát phở có cao hơn nhiều so với những quán phở khác, B52 vẫn là lựa chọn của nhiều người thích ăn phở ở Hà Nội.
Thái Chi (Depplus.vn/MASK)

SỰ KHÁC NHAU TRONG CÁCH ĂN UỐNG GIỮA SÀI GÒN – HÀ NỘI

Hà Nội và Sài Gòn là hai thành phố lớn, nhộn nhịp và đông dân nhất nước. Không chỉ khác nhau về vị trí địa lý, Hà Nội và Sài Gòn còn có sự khác nhau rõ ràng về tập quán, phong tục, thói ăn nết ở… của cư dân, những thứ được hình thành và phát triển, đổi thay và theo thời gian, đã trở thành đặc điểm riêng dễ nhận thấy.

Ai đã từng sống tại Hà Nội và Sài Gòn, chắc hẳn sẽ cảm nhận được sự khác nhau rõ rệt trong phong cách ăn uống của người dân hai thành phố này.

Sự khác biệt trong phong cách ăn uống của người dân Hà Nội và Sài Gòn, đầu tiên phải kể đến cách ăn sáng. Người Hà Nội có thói quen ăn phở tại các quán vỉa hè, bên lề đường hoặc trong các ngõ phố cổ. Trong khi đó, người dân Sài Gòn lại chọn những tiệm ăn, nhà hàng để thưởng thức bữa sáng trước khi đi làm.

 Ảnh: Afamily 

Trong khi  người dân thủ đô chọn những tô “phở nóng hổi” để thưởng thức bữa sáng, thì đa phần người dân Sài Gòn lại chọn những ly “cà phê” để bắt đầu ngày làm việc mới.

Trong bữa cơm, gia đình Hà Nội thường tuân thủ theo một phép tắc nhất định, những thành viên nhỏ tuổi hơn sẽ phải “mời cơm” người lớn trước khi ăn – thể hiện một nét đẹp văn hóa, tôn ti trật tự trong gia đình. Trong khi đó, người dân Sài Gòn hầu như không có thói quen này.

 Ảnh: Lê Duy Nhất 

Món ăn nổi tiếng khi nhắc đến Hà Nội là “bún chả”. Còn đối với Sài Gòn, nếu có cơ hội một lần sống ở đó, bạn không thể bỏ qua món “cơm tấm”.

Sự sòng phẳng, thẳng thắn trong các mối quan hệ xã hội là điều mà nhiều người sống ở Sài Gòn cảm nhận rất rõ. Khi được bạn bè rủ đi ăn chơi, nếu không được nhân vật chính thông báo trước: “Hôm nay mình bao”, điều đó có nghĩa, suất ai người đó tự trả. Bạn bạn hoàn toàn có thể từ chối, nếu cảm thấy mình đang “cháy túi” mà không việc gì phải ngại. Ở Hà Nội, nếu gặp phải tình huống này, bạn có thể hiểu bạn đang được mời đi ăn miễn phí, hoặc cũng có thể phải trả tiền gấp đôi, gấp ba số tiền dự kiến.


  Ảnh: Afamily 

Người Sài Gòn xưa nay nổi tiếng ăn ngọt và cay, món nào trong bữa ăn của họ cũng không thể thiếu hai hương vị này. Trong khi đó, người dân Hà Nội được biết đến thích ăn vị mặn và đắng hơn người dân Sài Gòn.


Ảnh: Lê Duy Nhất 

Người Hà Nội rất thích uống “trà nóng”. Trong khi Sài Gòn, người dân lại thích thưởng thức “cà phê đá”.

Ngay cả thời gian tổ chức lễ cưới cũng rất khác nhau. Người Hà Nội tổ chức cỗ cưới vào buổi trưa, khách đến đự lễ rất nhanh, ăn xong rồi ra về. Trong khi dân Sài Gòn thường tổ chức ăn vào buổi tối, đa phần những khách quen nhau được ngồi cùng bàn, chén chú chén anh chừng 4-5 giờ đồng hồ mới xong.

Hồng Ngát (Depplus.vn/Vntinnhanh)

6 MÓN QUÀ VẶT HẤP DẪN KHI HÀ NỘI VÀO THU

Hà Nội có đủ bốn mùa, mùa nào cũng có những món ăn ngon để chọn lựa, như câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”. Và vào mùa thu, khi tiết trời dễ chịu nhất, cũng là lúc lý tưởng nhất để đi dạo ven bờ hồ, phố cổ để nhâm nhi quà vặt.

Sấu chín

Nếu như mùa hè nóng bức có ly nước sấu chua dịu, mát lạnh, mùa thu Hà Nội lại chiều lòng du khách bằng sấu chín vàng ươm. Sấu chín được cạo lớp vỏ bên ngoài, chấm với muối hoặc cầu kỳ hơn thì khía thành đường xoắn ốc, dầm với đường, muối, ớt bột.

Sấu chín được bán ở vỉa hè, các chợ với giá 30.000-40.000 đồng một kg. Nếu bạn muốn thưởng thức sấu dầm, đừng bỏ lỡ chợ đêm phố cổ, Hàng Bông, Tràng Tiền…

Chả cốm

Cốm từ lâu là một nét văn hóa trong ẩm thực Hà Nội. Khi những gánh hàng rong thơm mùi cốm trên vỉa hè cũng báo hiệu thu về. Cốm tươi được gói trong lá sen, bán ở dọc đường Xuân Thủy (gần làng Vòng xưa), Kim Mã…

Cốm còn là nguyên liệu để tạo nên nhiều món ăn làm nên đặc trưng của ẩm thực Hà Nội như xôi cốm, chè cốm, bánh cốm, chả cốm.

Nếu như xôi cốm, chè cốm không có nhiều nơi bán, chả cốm được biết đến nhiều hơn, qua cách ăn kèm với bún, đậu phụ… Các quán bún đậu chả cốm ngon ở ngõ Tràng Tiền, dốc Hàng Than, Hàng Khay, Phùng Hưng với giá 30.000-50.000 đồng một phần. Ảnh: dasavina

Bánh trôi tàu

Bánh trôi tàu là những món ăn rất hợp tiết thu, ngày nay được biến tấu với nhiều hương vị hơn. Ngoài nguyên liệu cơ bản là gạo nếp, đậu xanh, dừa, vừng… còn có nhân khoai môn, đậu đỏ… Bánh trôi tàu dao động 10.000-15.000 đồng một bát. Bạn có thể ghé Hàng Giầy, Hàng Cân, Quán Thánh, chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Thành Công… để thử món này. Ảnh: ngoisao

Ốc nóng

Ốc luộc, bún ốc là những thức quà dân dã hợp tiết thu, được nhiều người yêu thích khi đến Hà Nội. Bún ốc cũng là món ăn sáng phổ biến ở Hà Nội, dần trở thành món ăn được bán cả ngày. Một tô bún ốc có giá khoảng 30.000 đồng, ở Hòe Nhai, Hàng Buồm, Hàng Bún, Hàng Chai, Nhà Chung…

Ốc luộc được bán hầu hết vào buổi tối, ở các phố Lương Định Của, Đinh Liệt, Chùa Láng, Hàng Đậu… với giá 10.000 -15.000 đồng một bát.

Bánh gối

Nhâm nhi những chiếc bánh gối nóng hổi với lớp vỏ giòn tan, nhân bên trong đậm đà với thịt, trứng, miến… và thứ nước chấm được pha theo kiểu riêng của người Hà Nội trong trời thu là trải nghiệm nên thử.

Bánh gối Hà Nội nổi tiếng nhất ở Lý Quốc Sư, Hoàng Tích Trí, Hàng Chiếu, Nguyễn Khuyến, chợ Phương Mai… với giá khoảng 10.000 đồng một chiếc.

Nem chua rán

Nem chua rán Hà Nội ăn vào thời điểm nào cũng ngon, nhưng nếu có chút se se của trời thu để cảm hết cái vị đậm đà, béo ngậy xen lẫn cay cay thì tuyệt hơn nữa.

Nem chua lăn qua bột, có màu vàng rộm ngon mắt, ăn kèm tương ớt và một số loại hoa quả như củ đậu, xoài, dưa chuột… Ở Hà Nội, những khu vực bán nem chua rán nổi tiếng là ngõ Tạm Thương, Hàng Bông, phố Trịnh Hoài Đức sau sân vận động Hàng Đẫy, phố Tạ Hiện…. với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng một đĩa. Ảnh: eva

Má Lúm (VNexpress)

Cách làm PHỞ CUỐN

Phở cuốn là món ăn độc đáo và ngon miệng, xuất phát từ làng Ngũ Xã, Hà Nội. Ngày nay Phở cuốn đã là một món ăn nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Bạn có thể dễ dàng làm món này ở nhà với điều kiện mua được bánh phở miếng.

Chuẩn bị:

  • – 500g bánh phở
  • – 1 lạng rưỡi thịt bò
  • – cà rốt và củ cải ( hoặc dưa chuột) để làm dưa góp. Xem CÁCH LÀM DƯA GÓP
  • – 5 nhánh tỏi, vài củ hành tím
  • – Đậu phộng rang giã nhỏ
  • – Nước tương, nước mắm, dấm, đường.
  • – Rau sống ăn kèm: rau diếp, giá đỗ, ngò, bạc hà.

Thực hiện:

– Hành củ lột vỏ, xắt lát mỏng rồi phi giòn.

– Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.

– Bắc chảo dầu vặn lửa lớn cho ít dầu, đun cho nóng già thì cho tỏi vào phi thơm sau đó trút thịt bò vào xào chín tới. Trong lúc xào nêm thêm 1 muỗng canh xì dầu.

– Bò vừa chín tới thì trút giá đỗ vô xào chung vài nhát, nêm thêm hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp, để nguội.

– Bánh phở mua về trải ra mặt phẳng, xếp lần lượt rau diếp, ngò, bạc hà, thịt bò, giá vào rồi quấn lại cho chặt chẽ (không cần bịt kín hai đầu). Nếu cuộn lại mà thấy dài quá thì dùng dao cắt thành từng khúc đều nhau (độ dài vừa đủ cầm).

– Pha nước chấm: 1 chén nước nóng + 1 muỗng canh dấm + 1 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước mắm + ớt, khuấy cho tan.

– Khi ăn rắc đậu phộng rang giã dập và hành khô phi giòn lên. Ăn kèm với dưa góp (xem cách làm trong bài CÁCH LÀM DƯA GÓP)

Bảo Tố

ĐẾN HÀ NỘI NGÀY LẠNH, ĐỪNG QUÊN NHỮNG MÓN BÁNH NÀY

Cũng như các tỉnh miền Bắc khác, Hà Nội có bốn mùa phân chia rõ ràng. Và đúng với câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”, quà vặt Hà Nội cũng được cư dân biến đổi cho phù hợp với khẩu vị và tiết trời. Ở lâu tại Hà Nội, bạn không lạ lùng gì khi chỉ sau một trận gió mùa, các góc phố ngày thường vắng vẻ lại hiện ra một loạt những hàng bánh khoai, bánh gối… 

  • BÁNH KHOAI – BÁNH NGÔ – BÁNH CHUỐI

Đây có thể là bộ ba đầu tiên phải nhắc đến trong những món bánh mùa lạnh ở Hà Nội. Một góc phố đêm, một cái lò rán bánh, vài cái ghế nhựa xung quanh là đủ cho một không gian ăn vặt tuyệt vời. Ba loại bánh này làm từ khoai, ngô, chuối, tùy theo nơi mà thái nhỏ hoặc đâm nhuyễn, thái cọng, thái sợi… nhúng vào một hỗn hợp bột mì, bột gạo và các nguyên liệu tùy biến khác, sau đó rán giòn tại chỗ trên lửa. Những miếng bánh thành phẩm có đủ vị thơm của nguyên liệu, giòn tan của lớp vỏ ngoài, mềm của phần bên trong, và sự nóng hổi của toàn cái bánh, khiến không ai có thể chối từ vào những đêm gió mùa.

Tại miền Nam và miền Trung có biến thể của bánh này là bánh chuối chiên, bánh khoai chiên, nhưng cách pha bột và sơ chế nguyên liệu hơi khác và thường được bán vào ban ngày hơn là ban đêm.

  • BÁNH GỐI

Tại Sài Gòn có món bánh tai dạt (quai vạc) với phần lớp vỏ ngoài chiên giòn, phía trong có nhân rau củ. Hà Nội cũng có món bánh tương tự, nhưng gọi là bánh gối và chấm với nước dùng, ngồi thưởng thức tại bàn chứ không vừa đi vừa ăn. Phần nhân của bánh gối Hà Nội thường có miến, mộc nhĩ, cà rôt, củ đậu, thịt xay… Phần vỏ làm bằng bột mì. Và nước chấm là loại chua cay mặn ngọt, thanh dịu, có thả vài lát đu đủ, cà rốt ngâm, tương tự như nước chấm nem, bún chả.

Và cũng giống như những món chiên rán khác, bánh gối là loại quà không thể thiếu trong tiết đông Hà Nội.

  • BÁNH RÁN MẶN

Bánh rán mặn có lớp vỏ tương tự bánh rán ngọt thông thường, nhưng phần nhân có thịt, miến, nấm mèo … và khuôn dạng bánh có hình bầu dục. Bánh rán mặn được chiên tại chỗ trong chảo và ngon nhất khi ăn nóng. Lúc ăn, người bán sẽ dùng kéo cắt bánh ra cho nhỏ, để lộ phần nhân bên trong cho dễ ăn cũng như dễ chấm. Nước dùng ăn với bánh rán mặn cũng tương tự như bánh gối.

  • BÁNH QUẨY

Quẩy ở Hà Nội không chỉ ăn với cháo lòng như ở miền Nam, mà còn được dùng ăn không, ăn với phở, cháo hay những món có nước khác. Bánh quẩy miền Bắc nhỏ hơn nhưng giòn và chắc hơn hơn so với miền trong. Vào mùa Đông, một bát cháo sáng được phủ kín bằng bánh quầy là lựa chọn tuyệt vời của nhiều người.

  • BÁNH ĐÚC NÓNG

Các hàng bánh đúc nóng trở nên phổ biến hơn khi Hà Nội vào Đông. Bánh đúc được nấu sẵn trong nồi. Khi khách gọi, người bán chỉ cần múc một thìa to bánh quánh đặc vào bát, chan thêm nước chấm mặn ngọt, ăn kèm thịt băm, hành khô, rau mùi… Thưởng thức bánh đúc nóng giữa lúc trời lạnh là trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi đến Hà Nội.

  • BÁNH GIÒ

Bánh giò gói kín, hấp chín và khi ăn thì người bán sẽ trải ra đĩa, cắt bớt lá đi, điểm thêm rau dưa ngâm vào, có khi là chả cốm, giò lụa…. xịt tương ớt lên. Người ăn chỉ việc dùng thìa xắn từng miếng cho vào miệng. Miếng bánh giò nóng kéo theo sự thơm ngon của bột, nhân, cái giòn lực xực của mộc nhĩ… đi từ cổ họng vào dạ dày một cách nhẹ nhàng, thấm thía.

pic2766

Và trong khi tập trung vào độ nóng của chiếc bánh mềm mại, người ta đã quên hẳn cái tiết trời đông giá buốt xung quanh.

  • BÁNH TRÔI TÀU

Là loại bánh trôi có nhân đỗ xanh hoặc vừng đen, to bằng lòng nắm tay, ăn nóng trong nước đường vị gừng, rắc thêm chút lạc rang. Khi ăn dùng thìa xắn lớp ngoài bánh cho tới phần nhân bên trong, đưa vào miệng. Cái dẻo ngon của bột nếp, vị ngọt dịu của nước đường pha lẫn hương thơm cay ấm của gừng, bùi bùi của lạc và ngậy nhẹ của đỗ xanh cùng nhau làm hài lòng vị giác của bạn. Và không gì hợp lý hơn là ăn bánh trôi tàu vào lúc trời rét.

  • BÁNH KHÚC

Không thể bỏ qua Bánh khúc trong danh sách những món bánh mùa đông Hà Nội. Bánh khúc ở Hà Nội thường được bán ở các hàng rong, với câu rao đặc trưng: “Xôi nóng bánh khúc đê, ai bánh khúc nào!”… Mà mỗi lần nghe tới, nhiều người lại thấy cồn cào trong bụng vì nghĩ tới món bánh có lớp vỏ thơm mùi rau khúc, với phần nhận mặn ngọt làm từ đỗ xanh trộn thịt ba chỉ và các loại gia vị.

Bánh khúc thường hấp cùng với nếp theo kiểu đồ xôi, nên ở miền Nam còn gọi là xôi cúc (“cúc” là trại ra từ “khúc”). Cũng có khi bánh khúc được gói trong lá chuối rồi hấp, nhưng kiểu này ít phổ biến.

Mỹ Lạo.
Ảnh: sưu tầm Internet.

Kỷ lục bán bánh giò: 4 tiếng 600 cái

Cách đây gần chục năm, Nguyễn Thị Nhã cùng chị gái bắt đầu làm và bán bánh giò tại vườn hoa Lý Tự Trọng đoạn đầu phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), bên sườn Hãng phim truyện Việt Nam. Bánh tự làm, nguyên liệu từ gạo, thịt, nấm, mọc tới lá gói bánh đều được hai chị em chọn lựa kỹ càng, vệ sinh sạch sẽ.

Đặc biệt trong những ngày đầu, lo vắng khách nên chị Nhã làm bánh số lượng ít với tiêu chí làm ngày nào, hết ngày ấy chứ quyết không sử dụng hàn the, hóa chất bảo quản. Vì thế nên bánh thơm ngon, gánh hàng của hai chị em nhanh chóng đông khách.

Trung bình mỗi chiều chị Nhã bán hết 500 – 600 bánh giò, thu về ít nhất 7 triệu đồng/ngày.

Mỗi buổi chiều, chị Nhã ngồi bán bánh ở một góc vườn hoa từ khoảng 3h đến 6h tối. Khách ngồi tràn tới gần nửa vườn, vừa thưởng thức món ngon, vừa thoải mái trò chuyện, ngắm phố phường. Quán bánh giò của chị em chị Nhã ngày càng nổi tiếng. Tuy nhiên, do lượng khách tới quán ngày một đông nên để khách có chỗ ngồi ăn thoải mái, trả lại cảnh quan cho vườn hoa công cộng, chị Nhã quyết định bỏ vốn thuê cửa hàng rộng chừng 20m2 trên mặt phố Thụy Khuê gần đó. Từ ngày chuyển về đây, quán tuy chật hẹp nhưng lượng khách rải đều cả buổi chiều, khách mua bánh về nhà cũng rất đông. Mỗi chiều chị bán hết 500 – 600 bánh.

Giá mỗi suất bánh từ 12.000 đến 25.000 đồng tùy theo đồ ăn kèm

Chị Nguyễn Việt Chi (Hàng Đường, Hà Nội) là khách quen ăn bánh giò nhà chị Nhã 4 năm nay cho biết: “Bánh ở đây to gấp rưỡi, gấp đôi các hàng khác. Không có hàn the nên thay vì dẻo dai, cảm giác ăn cùi bánh như thịt đông, tan ra trên đầu lưỡi, rất hấp dẫn. Nhân thịt và nấm, mộc nhĩ thơm ngon, đồ ăn kèm chả cốm, giò tai, dưa chuột cũng rất ngon. Mình ăn bánh nhà chị từ lúc còn là sinh viên, giờ đã 2 con rồi nhưng vẫn ‘nghiện’, tuần phải qua tới vài lần”..

Để làm kịp lượng bánh lớn bán ra mỗi ngày, chị Nhã phải thuê thêm 5 thợ phụ, làm từ 3h sáng tới gần 2h chiều, vừa kịp giờ mở cửa bán hàng chiều. Giá mỗi suất ăn bánh giò từ 12.000 đến 25.000 đồng, tùy vào các món ăn kèm như giò tai, chả cốm, dưa góp. 500 – 600 bánh mới ra lò nóng hổi được ủ trong hộp xốp giữ nhiệt bán hết nhanh chóng chỉ sau 4 – 5 tiếng đồng hồ. Mức doanh thu nói trên, so với quy mô cửa hàng, khá lớn. Nhiều khách không ăn trực tiếp ở quán mà mua về cho cả nhà nên lượng bánh chị Nhã bán ra cho khách xách về thường chiếm hơn một nửa.

Một suất đầy đủ giá 25.000 đồng, có thể thay thế luôn bữa tối cho nhiều khách hàng.

Anh Đào Xuân Tùng (Thụy Khuê, Hà Nội) hết giờ làm vẫn cùng nhóm bạn đồng nghiệp sang quán “ăn dặm” đĩa bánh trước khi về nhà. Anh Tùng chia sẻ, bánh ở đây to gấp đôi bánh giò thường, lại có thêm nhiều món ăn kèm nên ăn hết một đĩa có khi cũng không cần phải ăn bữa tối. Quán lại có thêm nhiều loại đồ uống, trà đá nên sau khi ăn anh và bạn bè vẫn nán lại nói dăm ba câu chuyện phiếm trước khi về.

Mỗi chiếc bánh giò bán riêng, chị Nhã tính giá 12.000 đồng. Ngày bán ít nhất 500 chiếc, chị thu về 6 triệu đồng. Khoảng 1/3 khách ăn thêm đồ phụ cũng giúp chị kiếm thêm tầm 1 – 3 triệu đồng mỗi chiều. Tính ra trung bình mỗi buổi chiều bán bánh, chị Nhã thu nhập từ 7 triệu đồng trở lên. Doanh thu lớn nhưng theo chị, tiền chi phí cho nguyên liệu, nhân công, thuê cửa hàng cũng khá cao nên lãi hàng tháng cũng ở mức vừa phải, xứng đáng với công sức bỏ ra.

Theo Zing

Sự tích món Phở

Theo Alain Guillmin, người Pháp, món phở Việt Nam là kết quả đầy sáng tạo của Thi Ba – tình nhân của Francois Pierre Vidcoq – một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910-1914, ông ngọai của tác giả -khi cô phải chế biến món pot au feu của Pháp cho ông ăn.

Bằng những hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam, Thi Ba đã làm ra món phở và nhanh chóng được nhiều người Sài Gòn thời đó biết đến. Đây chỉ là một trong nhiều sự tích về món phở, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Còn có cái gì đặc thù Việt Nam hơn phở, món ăn ngon lành mà Bích, đã nấu thật khéo léo khiến vị giác của chúng tôi đều thích thú. Cùng với trống đồng, đàn bầu và Truyện Kiều, không nghi ngờ gì nữa, đó là một trong những đóng góp chủ yếu của Việt Nam vào văn minh nhân lọai. Đến mức việc bàn luận về giá trị của những lọai phở khác nhau trở nên một lối thử bút mà những nhà văn lớn của Việt Nam thể hiện với sự khóai trá chẳng kém gì khi bình những câu thơ hay nhất của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du hay Xuân Diệu.

Chẳng hạn, trong cuốn Cát bụi chân ai, Tô Hòai kể lại chi tiết cho chúng ta một cuộc tranh cãi, nếu có thể gọi thế, giữa Nguyễn Tuân và Thạch Lam:”Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà là hợp khẩu vị, và ngon theo ý mính…Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. Ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên -bánh thái sẵn hay thái máy như ở Sài Gòn, Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt rồi bày lên, rắc hành hoa và hạt tiêu – không ớt, mặc dầu thích ớt cay…Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tàu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mì chính cốt thưởng thức cái tinh túy của nước dùng xương. Tập ký “36 phố phường” của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Dõan, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: “Cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dộc tẩu xuống, kể cũng đáng viết cho ra nhẽ”.

Còn gì Việt Nam hơn phở! Nhưng không! Cần phải khôi phục lại sự thật, cho dù đó là niềm tự hào dân tộc. Phở là một trong những sản phẩm của thới Pháp thuộc, kết quả của một sự cộng tác chắc chắn là miễn cưỡng, giữa thực dân với bản xứ (hay nói đúng hơn, giữa một tay thực dân với một người đàn bà bản xứ). Tôi không dám úp mở thêm để làm mất thời gian của bạn đọc, chính ông ngọai tôi, Francois Pierre Vidcoq, một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910 đến 1914, cùng với cô Thi Ba xinh đẹp của ông đã nghĩ ra cách nấu phở. Chính ông đã kể cho tôi, kể lén bà ngọai, một Bà Đầm, nghe chuyện này. Tôi sẽ cố gắng truyền đạt trung thành những lời ông kể. Xin nói thêm, ngay cả cái tên của món ăn tuyệt khẩu này chẳng qua cũng chỉ là cách phiên âm sang tiếng Việt của cụm từ Pháp:”pot au feu” – pô-tô-phơ – như các bạn dễ dàng hiểu sau khi đọc những dòng dưới đây…

“Pot au feu” của người Pháp

 

Chuyện thế này: Sau khi đã ổn định tại Sài Gòn, xa tấm thân đang thời xuân sắc của cô vợ người xứ Normandie, Francois Pierre chẳng bao lâu lại tràn trề ham muốn. Ngay cả dưới cái nóng nhiệt đới, thân xác cũng cần khóai cảm, nhà cửa cũng cần dọn dẹp và bàn ăn cũng cần phải có món ăn! Francois Pierre kiếm được một cô gái, đưa về sống trong căn nhà của mình. Mấy tháng trôi qua cũng chẳng đến nỗi nào: Francois Pierre không phải là một người đàn ông độc ác, anh không chửi mắng cô gái để chứng tỏ quyền uy với người da trắng, không đánh đập cô cho hả những lúc bực mình, còn Thi Ba phục vụ những nhu cầu hàng ngày của ông Tây. Ông ta cho phép cô thỉnh thỏang ra ngòai với chúng bạn, còn chuyện kia thì cũng không quá tuần một đôi lần, cốt làm dịu những đòi hỏi xác thịt bình thường.

Nhưng sau đó đột nhiên Francois Pierre ngã bệnh nhớ nhà. Anh trở nên ủ rũ, cáu kỉnh và dễ nổi xung. Những lúc không chỉ mắng Thi Ba hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô vì những lí do vớ vẩn, anh lại chúi mũi vào chai rượu ngải, mắt kiếm tìm vô vọng vệt xanh lơ của dãy Vosges, điều không thể nào làm được từ mảnh đất Nam Kỳ xa xôi này. Trong trạng thái lơ mơ say như thế, một câu nói cứ dai dẳng bên tai anh không lúc nào ngừng:”Du pot au feu, tôi thèm pô-tô-phơ, ước gì lúc này được một bữa pô-tô-phơ!”.

 

“Phơ, phơ, phơ ” Thi Ba chỉ nghe được có vậy và chẳng biết phải làm gì. Cô bạn của Thi Ba từng làm con ở trong nhà một viên quan Pháp, một viên quan to xa xỉ khó tưởng tượng nổi, đến mức đem theo đến Đông Dương cả một bà đầu bếp người Pháp, giải thích cho Thi Ba hiểu ra đầu đuôi mọi chuyện. Cái thứ pô-tô-phơ đang làm anh lính thủy đánh bộ kgổ sở hóa ra chỉ là một món súp, mà món súp thì Thi Ba biết nấu. Nếu như biết công thức của nó. Thi Ba chỉ bập bẹ tiếng Pháp bồi, Francois Pierre biết không quá hai chục từ tiếng Việt.

Phở Hà Nội

Cuối cùng, nhờ có một con chiên annamite trẻ tuổi biết thứ tiếng của Voltaire-nhân tiện cũng nói thêm rằng tác giả này bị những nhà truyền đạo chính thức cấm đọc- Thi Ba đã hình dung ra được những việc phải làm. Nguyên liệu, pha chế, cách nấu và gia vị, chẳng có gì giống với nghệ thuật nấu ăn của người Việt, thêm nữa, Francois Pierre khăng khăng muốn Thi Ba nấu sao cho giống hệt món pot au feu mà mẹ anh ta vẫn nấu. Rốt cuộc, sau vô số những lần thử nghiệm, những thất bại, cãi cọ, những nồi súp hỏng đổ xuống kênh, Thi Ba đã đi đến một kết quả tạm được Francois Pierre chấp nhận. Dĩ nhiên, món phở của Thi Ba khác hẳn món pot au feu ở quê anh, nhưng, như ngạn ngữ Pháp thường có câu:”Faute de grives on mange des merles!”. Dịch sang tiếng Việt, có nghĩa là:”không có cá lấy tôm làm trọng”.

Thay cho các gia vị truyền thống của nghệ thuật nấu ăn Normandie, Thi Ba sử dụng hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam. Món ăn mới này ban đầu được hai người say mê thưởng thức, sau đó đến các bạn bè, rồi bè bạn của bè bạn. Tất cả những người lính thủy từng ghé vào lấy thực phẩm tại cảng Sài Gòn trứơc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đều sẽ nói với bạn, một cách thi vị về món súp của nàng Thi Ba xinh đẹp, cô gái của Francois Pierre Vidcoq.

Ông ngọai tôi sau đó đã trở về Normandie, để lại cho Thi Ba khỏan phụ cấp giải ngũ ít ỏi của mình. Với số tiền này, Thi Ba trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn, mở một tiệm ăn và nó nhanh chóng trở thành nơi ưa thích của những tay sành ăn Hà Nội vốn đông đảo và hay chuyện. Danh tiếng của bà và của món phở ngày một lan xa. Khi ông ngọai tôi mất, bà ngọai tôi tìm thấy trên cổ ông một cái túi bằng lụa nhỏ, bên trong có ảnh một người đàn bà Annamite mặc quần áo cổ truyền cùng một ít lá thơm. Bà khóc suốt đêm và chôn ông cùng với chiếc bùa hộ mệnh ấy.

Câu chuyện về nàng Thi Ba xinh đẹp, Francois Pierre Vidcoq và món phở là như vậy. Chẳng biết đó là chuyện thật hay là chuyện bịa? Điều quan trọng là nó làm cho bạn thích thú và nhớ đến mỗi khi mũi bạn ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt từ một bát phở lớn nóng hổi bay lên.

Alain Guillmin (Pháp)

 

Ngô Tự Lập (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp).

Những quán bún đậu nổi tiếng Hà Thành


– Một món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn đó chính là bún đậu mắm tôm Hà Nội. Nếu từng một lần được thưởng thức món ăn dậy mùi, đa sắc này, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên.

Nếu đến các hàng bún đậu vỉa hè, nguyên liệu chính của món ăn này chỉ là bún, mắm tôm, đậu rán, rau thơm hoặc thêm vài lát chả giò. Cũng bởi thế nên giá cả phải chăng, khoảng 10-15.000 đồng/đĩa, thu hút sinh viên, người lao động thu nhập thấp.

Tuy nhiên, nếu là một người sành ăn, bạn có thể ghé vào các quán “sang chảnh” hơn chút đỉnh để thưởng thức bún đậu cùng các món ăn đi kèm như chả cốm, nem tai, chân giò luộc, lòng luộc, nem… Gọi là sang chảnh nhưng cũng chỉ thêm mấy chiếc ghế tựa lưng, ngồi trong nhà hay chỉ là ngõ hẻm mà không phải gánh hàng rao trên phố.

Cùng ghé thăm một số địa điểm bún đậu nức tiếng Hà thành để nhớ, để thương món ăn dân dã ấy.

1. Bún đậu mắm tôm Nghĩa Tân

Quán nằm ở 104 C3 khu Nghĩa Tân, Cầu Giấy với không gian đậm chất dân dã với những mẹt bún đầy ắp, dậy mùi thơm phức. Món bún đậu ở đây được bày cả ra một mẹt, với bún lá cùng mùi thơm của đậu rán giòn, xen lẫn tiếng lèo xèo rộn rã của chảo dầu nóng, cùng chả cốm chiên, thịt ba chỉ, chân giò sẽ khiến bất cứ thực khách nào cũng phải… nao lòng.

Mắm tôm ở đây được pha theo khẩu vị miền Bắc, đặc sệt, đánh lên thành bọt trắng thơm nức. Rau sống được rửa kỹ càng và diệt khuẩn bằng thiết bị ozon giúp người ăn yên tâm. Ngoài ra, thực khách còn có thể gọi thêm nhiều món ăn khác được treo ngay ngoài quán với giá cả dễ chịu từ 15.000 đồng.

Tới đây, bạn có thể gọi thêm một đĩa lòng luộc gồm đầy đủ lòng non, dạ dày, lưỡi và thịt chân giò hay chả cốm thơm nức. Ngoài ra thực khách còn có thể gọi đồ uống tự chế như nước râu ngô, nước chanh hoặc sữa ngô có giá từ 5000 đến 12.000 đồng.

2. Bún đậu đầu phố Phan Phù Tiên

Quán bún đậu mắm tôm đầu phố Phan Phù Tiên, Đống Đa có lẽ là một trong những quán bún đậu đông khách nhất ở Hà Nội. Quán chỉ bán buổi trưa và nếu khách ra tầm 12h thì có thể sẽ phải đứng chờ khá lâu. Thế nhưng quán vẫn luôn đông khách. Bởi chủ quán khôngbao giờ rán sẵn đậu, chỉ khi khách gọi mới rán, vì thế đĩa đậu mang ra luôn nóng, giòn, ráo mỡ, không còn cảm giác ngấy. Mắm tôm ở đây được đặt từ Thanh Hóa, rưới thêm chút mỡ nóng, thêm chanh tươi, ớt cắt lát mỏng, đánh bông lên, thơm nức.

Không chỉ có bún đậu đơn thuần, bún đậu đầu phố Phan Phù Tiên còn có thêm chả cốm, thịt chân giò và lưỡi luộc. Chả cốm cũng được rán giòn lên, nóng hổi mới đưa ra. Còn thịt chân giò và lưỡi luộc trái lại để nguội và thái ra thành từng miếng nhỏ vừa miệng.

Bún đậu mắm tôm ở đây dù không phải cao sang, cầu kỳ nhưng vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Dù là một quán vỉa hè nhưng bạn vẫn có thể bắt gặp tại đây nhiều “trai thanh, gái lịch” hay quý ông, quý bà sang trọng tới thưởng thức.

3. Bún đậu Việt, Hàng Khay

Điểm gây ấn tượng đầu tiên ở bún đậu Việt là không gian nhỏ hẹp và khách sành ăn phải thực sự… kiên nhẫn mới có thể chờ tới lượt thưởng thức món ăn dân dã mà thanh tao của Hà thành này.

Bún đậu sạch sẽ, được đặt trong cái mẹt xinh xinh có lót lá chuối có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào. Đi riêng mẹt nhỏ, còn đi đôi là mẹt to hơn. Nếu gọi suất đầy đủ, bạn sẽ được sắp đủ bún, đậu, thịt chân giò, ba chỉ, chả cốm, giò tai, dồi chiên, rau sống và cả kẹo cao su.

Xem clip các bạn trẻ Hà thành giới thiệu món bún đậu Hàng Khay nổi tiếng:

Dù khách có đông mấy nhưng bao giờ, đồ ăn ở đây cũng được “chăm sóc” cẩn thận. Giò tai, chả cốm luôn được chiên già, vàng rộm. Đậu được cắt thành từng miếng nhỏ rồi mới chiên, giòn tan tứ phía. Nhìn thế thôi cũng đủ làm khách thòm thèm, đã mắt.

Đậu rán ở bún đậu Việt được các thực khách sành ăn đánh giá là “ngon hiếm thấy” với hương vị bùi ngậy, giòn ngoài mềm trong. Mắm tôm cũng thơm phức, dậy mùi nên khách chỉ ăn không thôi cũng đủ xuýt xoa, thích thú.

Ngon, vất vả và không hề rẻ với giá 45.000 đồng một suất chưa kể gửi xe và công “chầu chực” nhưng bún đậu Việt, Hàng Khay vẫn được xem là “đệ nhất bún đậu” được dân Hà thành ưa thích.

4. Bún đậu lòng nướng Hoàng Cầu

Quán bún đậu nằm trong một ngõ nhỏ, nếu là khách vãng lai khó lòng tìm ra nhưng với dân công sở và dân sống quanh khu Hoàng Cầu thì hiếm người không biết đến.

Đến đây, chỉ cần ngó vào khu bếp với than hoa đỏ rực và thơm phức, tỏa khói nghi ngút là khách đã bị hút hồn. Vậy nên, hầu như bàn khách nào gọi bún đậu cũng phải kèm theo một đĩa nướng với dồi, thịt dải…

Đồ ăn ở đây từ mắm tôm, đậu rán, chả cốm đến lòng nướng đều là những món quen thuộc, phổ biến. Mắm tôm dậy mùi, đậu rán cắt nhỏ rồi chiên giòn tứ phía và dồi nướng mềm ngọt là những điểm thu hút thực khách nơi đây.

Ngoài các địa điểm trên, thực khách cũng có thể thưởng thức món ăn dân dã này ở một số địa chỉ nổi tiếng khác của Hà Nội như:

– Bún đậu Trung Hương số 49 ngõ Phất Lộc, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm.

– Bún đậu Gốc Đa, số 4 Ngõ Gạch, Hoàn Kiếm.

– Bún đậu ở 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm.

– Bún đậu chị Thoa số 31 Láng Hạ, Đống Đa.

– Bún đậu chị Nga đầu dốc Hàng Than, Ba Đình.

Hạ Vy (Doisongphapluat.com)