Cách làm GÀ NẤU NẤM ĐÔNG CÔ

Gà nấu nấm là một món dễ ăn, nấm đông cô mang lại hương thơm và giúp cho món gà bớt ngán.

Nguyên liệu:

  • Con gà độ 1 ký 2
  • Nấm đông cô (nấm hương): 50g
  • Hành tây: 2 củ
  • Cà rốt: 1,5 củ
  • Dừa xiêm: 1,5 trái
  • Muối, tiêu, đường, nước mắm
  • Hành băm.
  • Bột năng

Cách làm:

– Gà làm sạch thấm cho ráo, chặt miếng vừa ăn. Sau đó ướp với 1,5 muỗng cafe muối, chút tiêu. Để khoảng 30 phút cho ngấm.

– Cà rốt xắt khúc vừa ăn. Hành tây bổ múi cau.

– Nấm đông cô ngâm nước ấm pha muối cho nở, rửa sạch. Sau đó cắt chân. Ướp với 1 muỗng cafe nước mắm & chút đường.

– Bắc cái chảo, phi thơm 1 muỗng cafe hành băm, sau đó cho hành tây, nấm hương và cà rốt vào xào. Nêm 1 mỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe đường. Sau đó trút ra ngoài.

– Bắc chảo phi thơm tiếp 1 muỗng cafe hành băm, rồi cho gà vào xào săn kỹ.

– Bắc một nồi nấu nước dừa cho sôi, rồi trút gà qua nồi này nấu cùng với cà rốt, nấm đông cô, nêm 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng  cafe đường, nấu cho tới khi nước còn 1/2, cho 1 muỗng canh bột năng (đã hòa tan) vào, nêm 1 muỗng canh nước mắm,  1 muỗng cafe bột ngọt. Nấu tới khi nước còn sền sệt.

– Cho tiếp hành tây vào, nêm nếm lại vừa miệng, nấu khoảng 3 phút rồi tắt bếp.

– Ăn nóng với cơm hoặc bánh mì.

Bé Thúi.

CÁCH LÀM DÂU TÂY BỌC CHOCOLATE

Chỉ với vài trái dâu tây và một ít chocolate, bạn đã có thể mang đến cho gia đình và bạn bè một món quà Noel thật dễ thương rồi đó!

Nguyên liệu:

200g dâu tây
100g chocolate đen
100g chocolate trắng
Vài chiếc nĩa tre (hay que tre đều được)
Nylon dùng để bắt bông kem.

Bước 1:

Dâu tây ngâm rửa sạch với nước muối, để ráo rồi dùng khăn giấy thấm khô. Tiếp đó bạn dùng que tre cắm vào từng tráidâu tây như hình cây kẹo.

Bước 2:

Chuẩn bị nồi nước nóng già, bạn đặt tô chocolateđen vào giữa nồi nước, nhớ là đừng để nước vấy vào chocolate, khuấy đều từ từ cho tới khichocolate tan chảy hết thì tắt bếp.

Lấy những que tre đã cắm sẵn dây tây nhúng vào chocolate sao cho bề mặt trái dâu phủ đầychocolate rồi bạn lấy ra và cắm vào một miếng xốp lớn hoặc một chiếc cốc để chocolate nguội và khô đi.
Bước 3:

Tiếp tục thực hiện tương tự cho phần chocolatetrắng.

Nhúng một vài que dâu tây đã chuẩn bị sẵn vàochocolate trắng nóng chảy.
Bước 4:

Lấy chỗ chocolate đen và trắng còn thừa cho vào 2 túi nylon, cắt ở đầu mỗi túi nilon một lỗ thật nhỏ để chuẩn bị trang trí lên các trái dâu.

Một tay cầm que dâu tây đã được áo sẵnchocolate, một tay cầm túi bắt bông kem, bắt theo nhiều vòng tròn, thêm vào đó là một vài chấm bi nhỉ, rồi đợi tí cho chocolate khô lại là được.

Thật là đơn giản và đẹp mắt đúng phải không bạn? Chỉ với vài trái dâu tâyvà một ít chocolate, bạn đã có thể đem đến cho gia đình và bạn bè một món quà Noel thật dễ thương rồi đó!

Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Theo Vy Trân, Afamily.vn

Cách làm TÔM CHẤY

Tôm chấy là nguyên liệu tuyệt vời, giữ vai trò quyết định cho sự thơm ngon của các món như Bánh bèo Huế, bánh ít trần, bánh ướt, bánh hỏi…Có 2 cách làm, làm bằng tôm tươi và làm bằng tôm khô.  

  1. CÔNG THỨC 1: LÀM BẰNG TÔM TƯƠI

Nguyên liệu:

  • 350g tôm bạc tươi
  • Muối, tiêu
  • Nước của 2 trái dừa khô

Cách làm:

– Tôm làm sạch, bỏ chân và râu.

– Bắc nồi đổ vào 1 chén nước dừa, nấu sôi với nửa muỗng cafe muối. Sau đó cho tôm vào luộc chín. Tắt bếp, lấy tôm ra lột vỏ bỏ đầu.

– Cho tiếp vào nồi 1 chén nước dừa tươi, rồi cho tôm vào nấu tiếp với lửa nhỏ. Đến khi cạn còn 2/3 nước thì tắt bếp. Lấy tôm ra ngoài để nguội.

– Cho tôm vào máy xay sinh tố hoặc cho vào cối giã từ từ, thật nhuyễn.

– Bắc chảo chống dính lên bếp (không bỏ dầu ăn), vặn lửa vừa. Cho tôm đã giã nát vào rang đều tay, thêm chút xíu muối. Tôm vừa khô thì nhắc xuống, lấy cái chén ăn cơm hoặc vá chà khi tôm còn nóng để tôm được bấy ra.

– Sau đó lại bỏ chảo lên, rang tôm lại lần 2 với lửa nhỏ, đảo đều tay tới khi tôm khô hẳn thì tắt bếp. Để nguội là dùng được.

  1. CÔNG THỨC 2: LÀM BẰNG TÔM KHÔ

Nếu làm bằng tôm khô thì bạn ngâm tôm khô cho mềm, rồi cho vào máy xay sinh tố hoặc dùng cối giã nát với chút bột ngọt (cho đỡ mặn). Sau đó cho lên chảo không bỏ dầu, rang trên lửa nhỏ (coi chừng cháy) cho tới khi khô vụn rời ra là được.

Bảo Tố.

Cách làm BÁNH ÍT TRẦN NHÂN MẶN

Bánh ít (bánh ích) trần là món ăn chơi rất hấp dẫn vì cái dai, dẻo mà thơm của bột nếp, hòa quyện với phần nhân tôm thịt và nước mắm chua ngọt.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • Bột nếp: 300g
  • Nước ấm: 1 tô
  • Bột ngọt: 1/2 muỗng cf
  • Muối: 1/2 muỗng cf

Phần nhân:

  • Tôm thẻ: 100g
  • Thịt nạc dăm: 100g
  • Nấm mèo: 4 cái
  • Hành lá
  • Bột ngọt, muối, đường, mỗi thứ một chút.

Bánh này ăn kèm với mắm chua ngọt, nên chuẩn bị thêm nước mắm và chanh để làm.

Cách làm:

Làm bột:

– Bột nếp hòa với bột ngọt, muối và nước ấm, khuấy tan rồi để khoảng 20 phút cho bột nghỉ. Sau đó nhồi nhuyễn lại cho  tới khi nào bột mịn, không dính tay nữa là được (Dùng tay cảm nhận nếu Bột nhão thì thêm bột, bột khô thì thêm nước).

Làm nhân:

– Tôm để vỏ (cho ngọt), xắt từng khúc nhỏ cỡ hạt lựu. Thịt băm hơi vụn. Hành xắt nhỏ. Nấm mèo ngâm nước ấm rồi rửa sạch, băm vụn.

– Bắc chảo cho ít dầu, phi thơm hành, tiếp đó cho nấm, tôm, thịt vào xào thơm. Nêm thêm tiêu, muối, bột ngọt, đường, nếm thử vừa miệng là được. Tắt bếp nhắc nồi xuống.

Nặn bánh:

– Ngắt một cục bột nhỏ cỡ trái vải, vo tròn rồi ấn cho bẹp. Cho nhân vào giữa rồi gấp mí bọc kín lại. Xoa qua bên ngoài một chút dầu ăn hoặc mỡ. Làm lần lượt cho hết bột, hết nhân thì xếp vào xửng đem hấp cách thủy. Nhớ lót xửng bằng lá chuối bôi dầu để bánh khỏi dính.

– Hấp 5 phút thì mở nắp để xửng bay bớt hơi. 15 phút là bánh chín.

Bánh ít trần ăn với mắm chua ngọt, rảnh thì làm thêm tôm chấy nữa rất ngon. Xem: CÁCH LÀM MẮM CHUA NGỌTCÁCH LÀM TÔM CHẤY.

Ai thích bỏ thêm đồ chua thì xem: Cách làm ĐỒ CHUA.

Bảo Tố.

CÁCH LÀM KEM SỮA LẮC CHOCOLATE ĐEN

Một cốc kem sữa lắc trông thật hấp dẫn mà lại ngon miệng, nhưng thật ra không khó làm đâu nhé! Chỉ là phối hợp các nguyên liệu lại với nhau thôi.

Nguyên liệu:

  • Chocolate dạng nước dẻo (nấu chảy Chocolate thỏi hoặc dùng sữa đặc chocolate cũng được): nửa ly, thêm 1 muỗng để trang trí
  • Sữa tươi 1 ly
  • Vài muỗng Kem vani hoặc kem dừa
  • Chocolate đen xắt vụn.

Cách làm :

– Cho ly sạch vào tủ lạnh trước để làm lạnh.

– Trong lúc đó, cho hỗn hợp chocolate dạng nước dẻo, sữa tươi và kem vào máy xay sinh tố, xay lên cho quyện đều.

– Lấy ly từ trong tủ lạnh ra, lúc này ly đã lạnh. Ta vừa xoay ly vừa chế 1 muỗng Chocolate nước vào phía trong thành ly, Chocolate sẽ bám vào thành ly tạo thành những đường nét ngẫu nhiên.

– Sau đó đổ nhẹ nhàng hỗn hợp đã xay trong máy xay sinh tố vào ly. Cuối cùng múc muỗng kem vào ly rồi rắc tiếp một ít chocolate vụn lên mặt ly cho hấp dẫn.

Bảo Tố.

Cách làm THỊT KHO NƯỚC DỪA HỘT VỊT

Thịt kho nước dừa hột vịt là kiểu thịt kho trứng của miền Nam, với nguyên liệu đặc trưng của miền đất này là nước dừa. Món này thường được ăn vào dịp Tết nguyên đán, nhưng cũng rất quen thuộc vào những ngày thường. Thịt kho nước dừa có đủ vị ngọt của dừa, mặn của nước mắm, béo bở của mỡ, dai thơm của nạc, và cái kết cấu giòn chắc, bùi bùi của trứng vịt khi được nước dừa ngấm vào.

Có một số người thích chiên hột vịt trước khi kho. Chiên như vậy thì hột vịt sẽ có lớp vỏ mỏng giòn thơm và nhanh thấm hơn, nhưng phần bên trong lớp vỏ mỏng giòn này thì khó thấm. Nếu không chiên, bạn chịu khó kho trứng vịt lâu một chút, có thể là kho đi kho lại, để có miếng trứng vịt giòn thấm tuyệt hảo.

NGUYÊN LIỆU:

  • 1 ký thịt ba chỉ hoặc thịt bắp đùi (chọn thịt da mỏng, thịt mỡ dính liền nhau)
  • 2 trái dừa xiêm
  • 2 chén dấm trắng
  • 6 quả trứng vịt (hoặc trứng gà)
  • Tỏi, ớt
  • Đường cát, nước mắm, muối, bột ngọt

CÁCH LÀM:

– Trứng vịt luộc chín kỹ, lột vỏ (cẩn thận đừng để bể trứng nhiều quá làm xịt lòng đỏ ra ngoài khi kho, hư nồi thịt).

– Thịt heo cạo nhổ cho sạch lông, rửa sạch. Sau đó xắt miếng vuông to bằng 1 nửa cái iphone 😀 (nhỏ hơn cũng được). Dùng dây chỉ cột lại cho nạc với mỡ dính chắc (không cần kỹ quá thì khỏi cột cũng được).

– Chuẩn bị nồi vừa, cho dấm vào nấu sôi rồi cho thịt vào nấu qua khoảng 1 phút rồi vớt ra, để ráo. Đổ dấm bỏ đi, rửa lại nồi chút nữa kho thịt.

– Ướp thịt với: 4 muỗng canh đường cát, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, để ít nhất 1 giờ cho ngấm.

– Bắc nồi lên bếp, cho nước dừa vào nấu sôi rồi nêm 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1/2 chén (bát) nước mắm vào, nếm lại thử vị ngọt mặn dịu là vừa.

– Tiếp theo, cho thịt vào nấu. Nếu nước dừa chưa ngập thịt thì cho thêm nước sôi vào cho ngập. Vặn lửa vừa nấu sôi lại, để ý hớt bọt. Khi nước cạn còn phân nửa thì vặn lửa nhỏ riu riu, cho trứng và vài trái ớt đỏ vào kho cùng. Kho tới khi nào trứng thấm, thịt chín mềm thì nêm nếm lại cho vừa miệng là xong.

– Trước khi ăn rắc chút tiêu. Ăn nóng với cơm hoặc bánh chưng. Với dưa giá nữa thì càng đúng điệu.

*** Nếu không có nước dừa hoặc có quá ít, bạn có thể thay bằng nước lã, nhưng khi kho thịt nên cho thêm nước màu để thịt có màu hấp dẫn hơn. Còn nếu có nước dừa đủ thì khỏi bỏ nước màu, vì nước dừa kho xong cũng lên màu rất hấp dẫn.

*** Nếu bạn muốn kho để lâu vài tuần thì thay nước dừa bằng nước lã, vì kho nước dừa không để lâu được.

*** Món này ăn với DƯA GIÁ mới hợp, xem CÁCH LÀM DƯA GIÁ

Bảo Tố

[món chay] CÁCH LÀM GỎI KÈO NÈO

Kèo nèo không chỉ ăn với lẩu, gỏi kèo nèo cũng ngon không kém. Đây sẽ là một món ăn lạ mà hấp dẫn trong những ngày ăn chay của gia đình bạn.


Nguyên liệu:

  • 2 bó rau kèo nèo ( có thể thay bằng rau muống,…)
  • 2 miếng to tàu hũ ky non, 4 miếng tàu hũ.
  • Rau răm, đậu phộng.
  • Ớt, tắc ( hoặc chanh), đường, muối, bột nêm.

Cách làm:


– Kèo nèo rửa sạch, cắt khúc. Cho vào 2 muỗng muối, bóp mạnh tay. Thấy kèo nèo quéo lại, vắt ráo nước.


– Trộn kèo nèo với nước trộn gỏi: Đâm nhuyễn 2 trái ớt, 5 trái tắt vắt lấy nước, 2 muỗng đường, 1 muỗng bột nêm.  Trộn vào quậy cho tan đường, bột nêm. Để 40 phút cho thấm.


– Chiên tàu hũ ki và tàu hũ, cắt miếng mỏng-dài. Nhặt rau răm, rửa sạch, cắt khúc. Đậu phộng rang giòn.
– Trộn tất cả vào gỏi. Nếm lại gỏi có vị chua ngọt là được.

– Chấm với nước tương cay.

Cách nấu Ragu SƯỜN HEO

RAGU (hay LAGU) là món ăn quen thuộc trong những dịp tiệc tùng. Tuy vậy đây cũng là món ăn đổi khẩu vị tuyệt vời cho những ngày thường.

Nguyên liệu:

Cho 5 người ăn.

  • Sườn heo non: 500g
  • Khoai tây mini (không có thì khoai to cũng được): 200g
  • Cà rốt: 1 củ
  • Hành tây: 1 củ to
  • 1 hộp cà hộp nhỏ
  • Rượu vang: 1 chén
  • Hành lá, hành củ, tỏi, ngò
  • Bột đao, bột nghệ
  • Tiêu, muối, nước mắm, đường
  • Bánh mì (nếu ăn với bánh mì)

Sơ chế:

– Hành củ, tỏi lột vỏ, băm nhuyễn. Hành lá với ngò thì rửa sạch xắt nhỏ.
– Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ, nếu khoai to thì xắt nhỏ cho vừa ăn.
– Cà rốt: rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt khúc dài độ 4 phân. Khúc to quá thì chẻ đôi cho dễ ăn.
– Bánh mì: Xắt miếng nhỏ, chiên với bơ cho vàng (tùy ý)
– Sườn heo: Chặt ra từng cục to đủ gặm, chần sơ qua nước sôi rồi rửa sạch lại, sau đó cho vào nồi đun tiếp cho sôi. Vớt bọt. Lấy sườn ra ướp với hành tỏi băm, 1/2 muỗng cafe muối, 1/4 muỗng cafe tiêu, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, chút bột nghệ, ướp khoảng 30 phút.

Nấu ragu:

– Bắc cái chảo, phi thơm hành tỏi, sau đó trút sườn và cà hộp vào xào lên cho sườn săn.
– Sau đó cho sườn vào lại nồi nước luộc khi nãy, nấu sôi lại rồi vặn nhỏ lửa, hầm khoảng 20 phút.
– Chảo lúc nãy phi thơm tiếp một ít hành củ, cho cà rốt, khoai tây vào xào sơ rồi trút tất cả vào nồi hầm sườn. Hầm lửa nhỏ tới khi nào khoai tây đủ mềm thì cho một chút bột đao hòa nước lọc vào, nấu lại cho sôi. Nêm nếm kĩ lại đủ vị mặn ngọt.
– Cuối cùng đổ chén rượu vang vào, khuấy lên, nếm lại lần cuối coi vừa miệng chưa.
– Ăn nóng với bánh mì hoặc cơm, bún. Trước khi ăn rắc thêm hành ngò.

Bé Thúi / MAV

Cách nấu GÀ KHO NGHỆ

Các món kho từ gà nên làm đơn giản để giữ được vị ngọt ngon của thịt gà. Ví dụ như món gà kho nghệ này.


Nguyên liệu:

  • 500gr thịt gà
  • Nghệ, củ hành tím, nước mắm, đường, bột nêm.


Cách làm:

– Gà mua về làm sạch, chặt miếng vừa ăn, để ráo.

– Ướp với 6 muỗng nước mắm, 1 muỗng nghệ đâm nhuyễn, 1 củ hành tím băm, 1/2 muỗng đường, 1/2 muỗng bột nêm, 1 muỗng dầu ăn, ít ớt bột. Trộn đều để 30 phút.

– Bắc lên bếp, kho thịt săn lại, đổ 1 chén nước vào kho đến gần cạn thì tắt bếp cho tiêu vào (Nếu chấm rau thì chừa lại nước)

Yến Hà / MAV

Cách làm ĐỒ CHUA ăn BÁNH MÌ, CƠM TẤM, BÁNH XÈO, BÁNH CÓNG

 

Đồ chua từ đu đủ và cà rốt là kiểu phổ biến nhất, thường được dùng ăn kèm với bánh xèo (bỏ trong nước mắm), cơm tấm, bún thịt nướng, bún bò xào… các món của Nam bộ nói chung. Miền Bắc có món tương tự là dưa góp, nhưng vị nhẹ nhàng hơn.

Nguyên liệu:

  • Đu đủ (hoặc củ cải trắng)
  • Cà rốt
  • Muối, dấm, đường.

Cách làm:

– Cà rốt và đu đủ đem bào sợi (nếu ăn với bánh xèo, bánh cóng) hoặc xắt mỏng, hoặc tỉa hoa, hoặc xắt cọng nhỏ (ăn với bánh mì, cơm tấm)… Tùy bạn thấy hợp lý là được, không có quy định nào về cái thứ ăn kèm này hết.

– Sau đó ta cho ít muối và chút dấm vào đây, xóc lên để khoảng 15 phút rồi vắt cho bớt nước.

– Sau đó lấy nước ấm ra pha với đường cho tan rồi pha thêm dấm vào. Tỷ lệ: 1 nước ấm + 1/2 đường + 1 dấm. Nếm lại coi có gắt hay nhạt quá không thì lại tăng hoặc giảm đường, nước, dấm.

– Cuối cùng là đổ hỗn hợp nước pha trên vào chỗ đu đủ cà rốt đã vắt nước kia, đậy lại khoảng 45-60 phút là ăn được. Ăn xong để tủ lạnh thì bảo quản được tầm 3 tuần – 1 tháng.

Bé Thúi.

CÁCH LÀM BÁNH CÓNG

BÁNH CÓNG hay Bánh Cống, là loại bánh phổ biến ở miền Nam, nhất là Tây nam bộ, ở các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ. Bánh tuy dễ làm nhưng mà hương vị lại rất đặc biệt nhờ sự kết hợp giữa các loại nguyên liệu với nhau.

Chuẩn bị:

Cho 4 người ăn:

  • Bột gạo: 400g
  • Bột mì: 100g
  • Đậu xanh hột: 200g, ngâm xong rồi nấu chín.
  • Muối: 2 muỗng cafe
  • Đường: 2 muỗng cafe
  • Nước: 500g
  • Tôm: 600g, xắt hạt lựu. Xào sơ.
  • Củ sắn: 2 củ, băm nhuyễn.
  • Hành tây: 2 củ, xắt nhỏ.

Thêm:

Làm đồ chua: đu đủ xanh, cà rốt, dấm, đường, muối.

Làm nước mắm chanh: nước mắm, đường, chanh.

Cái cóng để làm bánh cóng. Nó giống cái vá múc canh thường nhưng sâu hơn. Nếu không mua được thì bạn có thể tự chế, ví dụ lấy cái đồ làm đá bằng nhôm gắn vào cái quai dài.

Cách làm:

– Bột mì và bột gạo đem hòa với nước, quậy cho tan, thêm muối, đường, đậu xanh, hành tây, củ sắn và tôm vào, trộn lên cho đều.

– Bắc chảo nhiều dầu, đun sôi dầu rồi nhúng cái cóng vào chảo cho nóng. Sau đó lấy ra, đổ hỗn hợp bột vào rồi nhúng lại vào chảo chiên cho chín vàng.

– Ăn với rau sống, đồ chua (cà rốt đu đủ xắt sợi ngâm dấm đường), nước mắm chanh.

Xem thêm >>> CÁCH PHA NƯỚC MẮM CHANH CHẤM BÁNH CÓNG, BÁNH XÈO  và CÁCH LÀM ĐỒ CHUA.

Hải Hùng.

Cách làm BÁNH BÒ TRONG

Bánh bò là món ăn hấp dẫn đối với mọi lứa tuổi. Bánh bò có nhiều loại, trong đó Bánh bò trong là loại bánh phổ biến vì dễ ăn, khó ngán.

Nguyên liệu:

  • Bột gạo 300g
  • Bột năng 50g
  • Bột nổi Calumet: 2 muỗng cafe
  • Cơm rượu: khoảng 3 muỗng canh (cả cái lẫn nước), tán nhuyễn.
  • Nước dừa: 150g (không có thì dùng nước lã cũng được)
  • Đường: 200g
  • Muối: 1/2 muỗng cafe
  • Nước cốt dừa: 200g (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • Khuôn làm bánh.
  • Vani.
  • Muối mè: đường, đậu phộng & mè giã nhuyễn, chút muối. Trộn đều.

Công thức làm Bánh bò trong:

– Cho bột gạo, bột năng vào thau, cho cơm rượu vào rồi châm nước dừa vào, trộn đều. Đậy lại ủ qua đêm, sủi tăm là được.

– Bắc cái nồi hoặc chảo, cho nước cốt dừa và đường vào chảo thắng cho tới khi đường tan hết là được. Để nguội. Sau đó đổ nước dừa thắng này vào hỗn hợp bột gạo đã ủ xong (có mùi hơi chua chua). Cho thêm bột nổi, vani và muối vào, ủ tiếp trong 2 tiếng cho sủi tăm lại.

– Chuẩn bị khuôn làm bánh, quết 1 ít dầu ăn vào đáy khuôn để dễ gỡ.

– Sau đó múc bột cho vào khuôn (chiều dày 2/3 khuôn thôi vì bánh sẽ nở), cho vào nồi hấp khoảng 7-10 phút là được. Nhớ đậy kín nồi trong khi hấp.

– Để biết bánh chín chưa ta lấy cây tăm đâm v ào bánh rồi rút ra, nếu bột không bám đầu tăm là ok rồi.

– Bánh làm xong để nguội là ăn được. Chấm với muối mè ăn sẽ ngon hơn. Ai thích thì chấm với nước cốt dừa cũng ngon.

*** Ai thích màu thì chia bột ra nhuộm màu rồi hấp bình thường. Có thể dùng màu thực phẩm hoặc màu tự nhiên, ví dụ màu xanh làm bằng lá dứa, lá rau ngót, màu đỏ làm bằng gấc, màu tím làm bằng lá cẩm.

Bé Thúi / MAV.

Cách làm GÀ QUAY NƯỚC DỪA

Món GÀ QUAY thơm ngọt chắc thịt nhờ quay bằng nước dừa  sẽ là món hấp dẫn để dùng kèm xôi, cơm… Gà quay kiểu này thật đơn giản mà ngon miệng.

Nguyên liệu:

  • Con gà tầm 1,2 kg
  • 2 củ hành, 1 củ tỏi: 2 loại này băm nhỏ
  • 1 ít hành ngò, xắt cọng dài.
  • 1 trái dừa xiêm.
  • Gia vị: tiêu, muối, đường, bột ngọt
  • Ăn kèm: Dưa góp. Xem CÁCH LÀM DƯA GÓP 

Chuẩn bị:

– Gà làm sạch, chặt miếng nhỏ vừa ăn (cạnh tầm 4cm), rồi ướp với một nửa lượng hành củ & tỏi băm + 1/2 muỗng cafe tiêu, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cafe bột ngọt. Ướp trong ít nhất nửa tiếng.

– Bắc cái chảo dầu lên, cho hành tỏi còn lại vào phi thơm rồi trút gà vào chiên sơ cho vàng.

– Sau đó chuyển gà qua chảo khác, chế nước dừa ngập gà. Đậy nắp lại nấu với lửa nhỏ cho tới khi gà chín mềm, gần cạn nước thì nêm nếm lại vừa ăn. Đun tiếp tí cho cạn hẳn nước rồi tắt bếp, nhắc xuống.

– Khi ăn thêm dưa góp, hành ngò cho đỡ ngán. Ăn nóng với cơm, xôi hấp, xôi chiên hoặc ăn không gặm kèm bánh mì đều ngon.

Hải Loan.

Cách làm DƯA GÓP chua ngọt ăn Bún chả

Cách làm này sẽ đem lại hương vị thanh nhẹ của dưa góp miền Bắc, chứ không chua ngọt đậm như kiểu miền Trung hay miền Nam. Loại dưa góp này thích hợp với các món như Bún chả, bánh rán mặn, bánh gối, phở cuốn…

Nguyên liệu:

  • Su hào (hoặc củ cải, đu đủ)
  • Cà rốt
  • Muối tinh
  • Đường vàng
  • Dấm hoa quả (dấm thường cũng được nhưng mùi hơi nặng).
  • Chút tỏi băm.

Cách làm:

– Các loại củ gọt vỏ. Sau đó xắt lát mỏng. Nếu để bỏ vào nước chấm bún chả, bánh gối này nọ… thì xắt bản to bằng đồng xu 1000 – 2000đ (tròn hay tam giác, vuông tùy bạn). Ăn với gà nướng vịt quay gì đó thì xắt lát to mỏng dài cắn cho sướng.

– Cho củ quả vào tô, thêm chút giấm và muối vào trộn lên, ngâm khoảng 15 phút rồi chắt nước đổ đi. Rửa lại bằng nước rồi vắt nhẹ cho ráo.

– Cho vào cái tô, trộn với đường, ớt, dấm, chanh, chút tỏi băm. Nêm nếm lại vừa miệng chua ngọt là được. Nếu làm để thả vào nước chấm (ăn bún chả, bánh rán, bánh gối…) thì làm lạt lạt một chút. Nếu làm dưa góp ăn kèm với gà quay, cút quay thì làm chua ngọt đậm hơn tí.

– Để khoảng 20 phút là ăn được rồi.

Bé Thúi.

CÁCH LÀM BÁNH TẰM KHOAI MÌ

Bánh tằm khoai mì là một món bánh dân dã mà bất cứ trẻ em nam bộ nào cũng đã từng ăn. Bánh rất ngon và dễ ăn, đã vậy cách làm cũng rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Khoai mì: 1kg
  • Bột năng: 20g
  • Gấc đỏ (cho màu đỏ): nửa trái
  • Lá dứa (cho màu xanh): 1 bó
  • Lá cẩm (cho màu tím): 1 bó
  • Muối: nửa muỗng cà phê
  • Dừa khô nạo vụn: 1/2 trái.
  • Lá chuối: vài miếng, rửa sạch, cắt nhỏ để bỏ vừa nồi hấp (nếu bạn làm hình dáng sợi truyền thống, còn nếu làm viên hay hình dáng khác thì khỏi lá chuối).
  • Nước cốt dừa (tùy thích). Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA.

Làm muối mè: Đậu phộng rang + Mè (vừng) rang, giã nhuyễn +  Với đường + chút muối. Đem trộn lên.

***Lưu ý là màu sắc chỉ để cho hấp dẫn hơn nên có thể không cần nếu khó tìm nguyên liệu.

Cách làm:

– Khoai mì (củ sắn) bỏ đầu đuôi, lột vỏ, ngâm nước muối 3 tiếng cho bớt mủ. Mài nhuyễn rồi khuấy đều trong ít nước, để đọng lại chừng hai giờ, sau đó chắt hết nước cho ra hết mủ, rửa lại bằng nước lần nữa, rồi vắt cho ráo, cuối cùng rắc 1/2 muỗng cafe muối và 20g bột năng vào trộn lên cho đều.

+ Gấc bổ đôi, lấy hột cho vào nồi với chút nước sôi nấu cho ra màu đỏ.
+ Lá dứa đâm nhuyễn, chế nước vào rồi vắt cho ra nước xanh.
+ Lá cẩm giã nhỏ, cho nước vào nấu sôi lên, lược lấy nước màu tím.

– Sau đó chia khoai mì đã trộn lúc đầu ra làm 4 phần. 1 phần để nguyên, 3 phần còn lại cho màu đã làm vào nhuộm.

– Nhuộm xong thì trét khoai mì trộn lên mặt lá chuối, lớp dày khoảng 0,3 phân. Rồi cho vào nồi hấp tới khi nào bột trong là chín. [Nếu làm hình dáng viên hoặc khác thì cứ vo viên rồi bỏ vào hấp thôi khỏi trét lá chuối]

– Bánh xong xuôi hết rồi thì lấy lá chuối ra, để nguội, rồi tách bánh ra khỏi lá chuối, đem xắt thành sợi như con tằm hoặc làm theo kiểu bạn thích. Trước khi ăn trộn dừa nạo vụn (nhuyễn vào), rắc thêm nước cốt dừa (tùy thích) và tí muối mè. Ăn nhai từ từ ngon hơn.

Hải Hùng / MAV.

CÁCH LÀM HỦ TIẾU MÌ XÀO

Nếu thèm hủ tiếu mà đã ngán húp nước, thì bạn hãy thử làm HỦ TIẾU MÌ XÀO xem? 🙂

Nguyên liệu:

  • Cho 6 người ăn.
  • 200g hủ tiếu
  • 200g mì
  • 300G tôm bạc
  • 2 hột vịt
  • 100g thịt ba rọi
  • 100g đậu phộng rang, giã nát
  • 2 muỗng cafe dầu mè
  • 2 cây cần tàu, 1 trái cà chua, 2 trái ớt, 150g giá sống
  • 1 nắm hẹ, 1 nắm hành lá, vài tép tỏi, vài củ hành
  • ớt, chanh, đường, nước mắm, tiêu, dầu ăn, ngò, dấm

Cách làm:

Vì đây là món xào trộn, nên công đoạn chuẩn bị sẽ nhiều hơn là nấu:

– Hủ tiếu và mì đem chần sơ qua nước sôi rồi để ráo.

– Tỏi và hành củ băm nhỏ. Hành lá xắt nhỏ.

– Cần, hẹ cắt khúc khoảng 5cm.

– Cà chua xắt lát mỏng, ớt tỉa hoa.

– Tôm bóc vỏ, để ráo nước, sau đó ướp với chút hành tỏi băm, tiêu, muối, đường, bột ngọt và chút dầu mè trong 30 phút.

– Bắc chảo cho tí dầu, cho hột vịt vào tráng mỏng rồi xắt chỉ rộng khoảng 0,3cm.

– Thịt ba rọi xắt lát mỏng.

Xào mì:

– Bắc chảo dầu, phi thơm tỏi rồi cho thịt ba rọi xào lửa vừa tầm 10 phút cho thịt teo bớt, rồi mới cho tôm vào xào chung cho tới khi tôm thịt chít hẳn, nêm chút mắm muối cho vừa ăn, rồi trút ra đĩa.

– Tiếp tục cho dầu ăn v ào phi thơm hành tỏi, rồi cho mì, hủ tiếu vào xào khoảng 10 phút, rồi cho giá, hẹ, cần tàu, 1/2 lượng tôm thịt vừa xào lúc nãy vào xào đều, nêm mắm, đường, tiêu, bột ngọt cho vừa miệng, rồi nhắc xuống, cho 1 ít dầu mè vào trộn lên là xong.

Thưởng thức:

– Khi ăn cho hủ tiếu mì ra đĩa, tôm thịt lên trên, rồi cà chua ớt tiêu ngò đậu phộng rắc lên. Thêm một chén nước mắm chua ngọt để gia giảm trong lúc ăn.

Hải Hùng

Cách làm CẢI RỔ XÀO DẦU HÀO

Món Cải rổ xào dầu hào rất dễ ăn, khó ngán, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết 😀 Cải rổ là loại rau bổ dưỡng, cung cấp canxi cho cơ thể đồng thời có tác dụng phòng ngừa ung thư.

Nguyên liệu:

(Cho 6 người ăn)

  • 1,5kg cải rổ
  • 1,5 chén nước
  • nửa trái cà chua, 1 trái ớt tỉa hoa, ngò
  • dầu ăn
  • muối, đường, dầu mè, bột ngọt, xì dầu, bột năng, dầu hào (nếu ăn chay thì dùng dầu hào chay).

Cách làm:

Nấu cải:

– Cải rổ bỏ lá già, giữ lá non, tước hết vỏ bên ngoài của cọng cải. Sau đó bào nhẹ xung quanh thân cải bằng dao bào, rồi đem luộc sơ tầm 5 phút.

– Bắc chảo dầu mỡ nóng, cho cải vào xào sơ cho cải hơi teo, rồi vớt ra.

– Tiếp theo cho 1,5 chén nước vào chảo, nêm chút muối, đường, bột ngọt, dầu mè cho vừa miệng, nấu cho sôi nước rồi thả cải vào tiếp, đậy nắp lại cho cải mềm, tới khi nào nước queo lại (đừng cạn), thì vớt ra ngoài.

– Lấy một cái thố to, cho cải vào tô sao cho cọng cải xếp trong tô, lá lòi ra ngoài miệng tô, rồi lấy kéo cắt lá cải ngang với vành tô, rồi lấy phần lá đã cắt ra này xếp chặt mặt thố. Sau đó rưới 1/2 phần nước lèo nấu cải khi nãy lên thố.

– Đem thố cải đi hấp cách thủy trong khoảng 30 phút.

Làm nước sốt: 

– Bắc chảo dầu nóng, phi hành tỏi cho thơm, sau đó cho phần nước lèo còn lại v ào chảo, nêm thêm muối, đường, bột ngọt, xì dầu. Cho thêm 1,5 muỗng cafe bột năng & nửa chén nước lã, khuấy cho đều. Đun đến khi nước sanh sánh là được. Cuối cùng mới nêm 1 muỗng cafe dầu hào, 1 muỗng cafe dầu mè, 1 muỗng cafe tiêu.

– Trước khi ăn úp cải ra đĩa, chế sốt lên trên, rồi cà chua, ớt tỉa trang trí, ngò. Ăn nóng với cơm.

Hải Hùng / MAV.vn

Cách làm CANH CHUA NGAO

 

 

Nguyên liệu:

Cho khoảng 5 người ăn:

  • Ngao sống: 1kg (cả vỏ)
  • Dứa: 1 trái
  • Cà chua: 2 trái
  • Rau răm, thìa là, 2 trái sấu (hoặc 1/4 nắm me chín)
  • Gừng, hành củ, hành lá
  • Nước mắm, gia vị.

Cách làm:

  • Chuẩn bị

– Mua ngao sống, ngậm chặt miệng.

 Ngâm ngao sống vào nước muối (nước vo gạo cũng được) khoảng chừng 1 giờ để ngao nhả hết cát bẩn bên trong. Sau đó chà rửa sạch vì sẽ bỏ nguyên con vào nấu canh.

– Dứa chẻ làm tư rồi xắt lát mỏng tam giác. Cà chua bổ múi cau.

–  Gừng rửa sạch, xắt lát rồi đập dập.

– Rau răm, thì là, hành lá rửa sạch, thái nhỏ. Hành củ thái lát mỏng.

  • Thực hiện:

– Cho ngao đã rửa sạch vào nồi, đổ ngập nước, cho thêm tí muối, nấu cho tới khi ngao chín, mở miệng, thì tắt bếp, vớt hết ra gỡ lấy thịt, bỏ vỏ. Ướp ngao với chút nước mắm, bột ngọt, 1 muỗng cafe hành băm trong 20 phút cho thấm.

– Nước luộc ngao lúc nãy đổ ra tô, lắng cặn chắt lấy nước chút nữa làm tiếp.

– Cho vào nồi dầu ăn, rồi bỏ hết phần hành khô còn lại vào phi vàng. Sau đó cho cà chua vào xào tới khi chín tái thì cho ngao vào xào tiếp khoảng 2-3 phút. Sau đó vớt ngao và cà chua ra riêng.

– Cho phần nước ngao lúc nãy vào nồi, cho thêm nước đủ nấu canh, sau đó đun sôi. Rồi cho sấu đã khứa vỏ vào (nếu dùng me thì dùng khoảng 1/4 vắt me cho vào chén dằm ra chất chua rồi nêm vào từ từ). Đun sôi, sau đó cho tiếp dứa đã thái miếng vào nấu sôi trở lại. Cho tiếp ngao và cà chua vào nồi, đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp, nêm nếm lại cho đủ vị chua ngọt mặn.

– Khi ăn dọn ra tô, rắc hành, rau răm vào tô. Ăn nóng với cơm.

Bé Thúi.

Cách nấu CHÈ TRÔI NƯỚC

Chè trôi nước trong miền Nam và Bánh trôi Tàu ngoài Bắc có cách làm khá tương tự, thường là chỉ khác ở phần nhân, phần phụ gia và cách nêm nếm của người nấu.

Nguyên liệu:

  • Bột nếp:350g
  • Bột tẻ: 50g
  • Đậu xanh không vỏ: 200g
  • Dừa nạo vụn: 50g
  • Nước cốt dừa: 200g (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • 1 củ gừng, chia ra vừa xắt lát, vừa thái cọng, cho đẹp.
  • Mè (vừng) và đậu phọng giã dập
  • Hành củ băm nhuyễn: 2 muỗng canh
  • Đường vàng (nếu được thì dùng đường thốt nốt), muối, dầu ăn

Cách làm Chè trôi nước:
– Đậu xanh cho vào nồi, thêm nước vào nấu cho chín mềm, sau đó cho vào cối giã nát bằng chày, cho thêm 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường vào trộn đều.

– Bột nếp trộn với bột tẻ, hòa với tầm 300ml nước sôi, trộn cho thấm kĩ, đậy kín nắp khoảng 1 tiếng cho bột nở. Trong lúc đó ta làm nhân:

– Bắc cái nồi hoặc chảo sâu, cho tí dầu rồi cho tất cả hành phi vào phi thơm (hơi vàng), rồi cho đậu xanh vô xào chung. Xào đều và mạnh tay trong khoảng 5 phút, cho hành phi, dầu ăn và đậu xanh quyện đều với nhau. Sau đó trút ra ngoài.

– Vo thành từng viên nhỏ bằng trái táo ta. Vo xong thì nhào bột:

– Trút hết bột ra mặt phẳng, nhồi cho kỹ, dùng tay trần cảm nhận nếu bột nhão dính tay thì xoa thêm bột nếp vào nhồi, nếu thấy khô thì cho thêm nước. Nhồi đến khi nào cảm thấy bột mịn mềm dễ chịu là được.

– Ngắt bột ra thành những viên nhỏ bằng trái táo ta, sau đó ấn bẹp, rồi cho viên nhân vào giữa, gấp các mép bột lại gói kín, rồi vo lại lần nữa cho tròn đều. Lưu ý gói cẩn thận sao cho lớp bột ôm khít vào nhân, để khi nấu viên trôi nước không bị vỡ. Làm lần lượt cho hết bột và nhân.

– Phần bột còn dư ta vo thành những viên nhỏ cỡ viên bi ve, vì không có nhân nên vo nhỏ cho dễ ăn. Cuối cùng là bắc tay vào nấu chè:

– Chuẩn bị nồi nước to, nấu cho sôi, sau đó thả lần lượt từng viên bột đã vo vào nước (từ nay gọi viên bột là trôi nước), nấu tới khi nào viên trôi nước nổi lên mặt nước trở lại, thì ta vớt ra cho vào thau nước lạnh để không bị dính. Làm lần lượt cho hết.

– Chuẩn bị một nồi nước khác, cho 400ml nước vào nấu với 5 muỗng canh đường vàng, nấu tới khi nào đường tan, nếm thấy ngọt dịu là ok, ngọt quá thì phải cho thêm nước.

– Nước đường sôi, ta cho gừng cọng đã đập dập vào. Tiếp theo cho tất cả viên trôi nước ban nãy vào nồi nấu tiếp trên lửa nhỏ, cho tới khi nào nước sôi nhẹ trở lại thì tắt bếp.

– Bây giờ bạn có thể múc ra chén ăn nóng được rồi. Nếu hảo nước dừa thì khi múc ra chén, chan thêm một muỗng nước dừa nữa nhé! Và nhớ đừng quên rắc dừa vụn, mè & đậu phộng giã dập lên trên cùng, hương vị của các loại phụ gia này cũng rất quan trọng!

Bé Thúi / MAV

Cách nấu BÚN BÒ TÁI GÂN

Vào những ngày tiết trời nóng nảy ngột ngạt, một tô bún bò với hương vị nhẹ nhàng theo công thức sau đây sẽ là lựa chọn hợp lý cho gia đình bạn.


Nguyên liệu: (4 người ăn)

  •  200 gr thịt đùi bò, 100gr gân mềm bò.
  • 1kg bún tươi.
  • Hành lá, quế, giá, rau muống, kèo nèo.
  • Bột nêm, đường, muối, hạt nêm từ thịt, tiêu, tỏi.
  • Ớt, chanh, tương ớt ( nếu thích)


Cách làm:


– Nhặt rau muống và kèo nèo, rửa sạch bào mỏng, nếu có thời gian thì ngâm nước quăn lại cho đẹp mắt.
– Nhặt quế, giá, rửa sạch để riêng.


– Hành lá rửa sạch cắt khúc.


– Tỏi băm nhuyễn, phi vàng.
– Thịt nạc bò cắt lát mỏng, gân bò cắt vừa ăn.
– Nấu nước sôi, nêm nếm vừa ăn. Trụng phần thịt bò chín tái vớt ra dĩa, rồi đến phần gân bò( vì gân bò không dai nên để luôn trong nồi)

mav026
– Bún gắp 1 phần vừa ăn ra tô, cho vào ít giá, đổ nước sôi vào nhanh tay chắt bỏ nước ngay. Xếp thịt bò, rau, hành lá lên. Cho vào ít tiêu và tỏi phi. Chan nước dùng vào và thưởng thức.

Yến Hà / MAV