Công thức làm BÁNH DÀY

BÁNH DÀY không chỉ là món ăn truyền thống trong lễ, tết, mà nó còn là món ăn vặt độc đáo ở trên mọi nẻo đường Việt Nam. Miếng bánh dai dai, hương vị đơn điệu nhưng lại hấp dẫn rất nhiều người, nhất là khi nó được ăn kèm với miếng giò (chả lụa). Có ít nhất là 2 cách để làm nên món bánh thú vị này:

CÁCH 1: LÀM BẰNG GẠO NẾP

Nguyên liệu:

  • 1kg gạo nếp
  • Chút muối
  • Lá chuối
  • Dầu ăn

Cách làm:

– Gạo nếp nhặt bỏ trấu, thóc, vo kỹ cho sạch để bánh được trắng.
– Ngâm gạo 1 đêm, sớm mai rửa lại vài lần cho hết mùi chua. Để ráo một chút. Trộn với chút xíu muối. Sau đó đem cho vào chõ thổi chín. Khi đang nấu nếu thấy nếp khô thì vẩy thêm nước cho xôi được mềm dẻo. Đồ cho tới khi nếp chín đều.
– Xôi chín đem để ra ngoài cho bốc bớt hơi. Bắt đầu giã xôi khi xôi còn đang nóng:
– Lót cái vỉ buồm dưới nền, thoa một lớp mỏng dầu ăn rồi đổ xôi lên giã. Dùng chày to giã cho xôi nát mịn, nhuyễn mới thôi.
– Giã xong thì chuẩn bị sẵn mấy miếng lá chuối cắt tròn (nếu muốn làm tròn đẹp thì úp cái ly lên rồi nương dao kéo theo mà cắt). Sau đó bốc một nắm xôi đã giã bỏ, vo tròn, bỏ lên lá chuối, nặn vê nhẹ nhàng cho thành miếng bánh dẹp, mịn màng. Để 12 giờ trở lên ăn mới ngon.

CÁCH 2: LÀM BẰNG BỘT

Nguyên liệu:

  • 600g bột nếp
  • 1 muỗng cafe muối.
  • 2 chén nước
  • Dầu ăn
  • Lá chuối.

Thực hiện:

– Bột nếp trộn chung với muối và nước, nhồi cho kỹ. Sau đó để bột nghỉ khoảng 1 giờ là bắt đầu nặn bánh được rồi.
– Nặn bánh tương tự như cách trên: lá chuối ở dưới rồi nặn bột lên trên, nặn dẹp vừa phải vì khi hấp bánh sẽ bè ra thêm. Lần lượt cho hết bột.
– Chuẩn bị nồi hấp nước sôi. Bôi ít dầu ăn lên mặt bánh rồi cho tất cả bánh lên xửng, cho vào nồi hấp. Hấp chừng 7 phút, mặt bánh trong lên là được.
– Hấp xong lấy bánh ra để nguội.

MẸO:

*** Bánh dày để lâu nên dùng màng nylon thực phẩm gói kín để bánh khỏi bị khô.

*** Bánh dày có nhiều cách ăn. Thông dụng nhất là ăn kèm với miếng giò (miền Nam gọi là chả) và chút muối tiêu. Hoặc nếu muốn ăn kiểu nướng hoặc chiên, thì để bánh vài ngày cho bánh tự khô đi (không bọc màng nylon), rồi xắt ra từng miếng nhỏ, cho lên vỉ nướng vàng hoặc cho vào chảo chiên phồng lên. Ăn với đường hoặc cái gì tùy bạn. Rất ngon.

*** Bánh dày nếu bị khô thì đem hấp cách thủy là bánh mềm lại.

Bảo Tố

Cách làm BÁNH PHỒNG TÔM

Bánh phồng tôm là món bánh ăn chơi thú vị, trong dân gian bánh này thường dùng vào dịp cỗ, đám, tiệc. Bánh hấp dẫn bởi kết cấu giòn tan, vị mặn dịu thơm thoang thoảng mùi tôm. Công thức làm bánh này không khó.

Nguyên liệu:

  • Tôm: 500g
  • Bột năng: 500g
  • Hột vịt: 2 lòng trắng (không dùng lòng đỏ)
  • Tỏi: 2 tép
  • Hành lá: 5 cây
  • Muối: 2 muỗng cafe
  • Tiêu hột trắng: 1/2 muỗng cafe
  • Bột ngọt: 1/2 muỗng cafe
  • Đường phèn: 1 muỗng cafe
  • Miếng vải thưa để gói.

Thực hiện:

– Tôm lột vỏ, rửa sạch, chà muối cho trắng. Bóc hết màng quanh tôm. Thấm tôm cho ráo rồi đập dập.

– Hành tỏi cho vào cối giã nát rồi cho tôm vào giã chung cho nhuyễn. Sau đó cho bột ngọt, muối, tiêu, đường vào giã quết tiếp cho mịn.

– Tiếp theo cho lòng trắng trứng và bột năng vào hỗn hợp, dùng tay nhào đều rồi tiếp tục quết cho thật đều.

– Trút hỗn hợp bột tôm ra mặt phẳng, se thành cây hình lăng trụ tròn dài (đường kính khoảng 6 cm). Nhớ se cho kĩ, chắc. Dùng vải bọc lại như bọc bánh tét.

– Bắc xửng hấp cách thủy. Cho đòn bột vào hấp khoảng 1 giờ, rồi lấy ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó lấy ra cắt thành từng lát thật mỏng.

– Cắt xong thì đem phơi dưới nắng to. Nếu không có nắng thì cất vào tủ lạnh đợi có nắng.

– Bánh phơi xong, chiên giòn nở xốp là ăn được. Có thể ăn với GỎI NGÓ SEN rất ngon. Xem Cách làm Gỏi ngó sen

Bảo Tố

Cách làm THỊT KHO NƯỚC DỪA HỘT VỊT

Thịt kho nước dừa hột vịt là kiểu thịt kho trứng của miền Nam, với nguyên liệu đặc trưng của miền đất này là nước dừa. Món này thường được ăn vào dịp Tết nguyên đán, nhưng cũng rất quen thuộc vào những ngày thường. Thịt kho nước dừa có đủ vị ngọt của dừa, mặn của nước mắm, béo bở của mỡ, dai thơm của nạc, và cái kết cấu giòn chắc, bùi bùi của trứng vịt khi được nước dừa ngấm vào.

Có một số người thích chiên hột vịt trước khi kho. Chiên như vậy thì hột vịt sẽ có lớp vỏ mỏng giòn thơm và nhanh thấm hơn, nhưng phần bên trong lớp vỏ mỏng giòn này thì khó thấm. Nếu không chiên, bạn chịu khó kho trứng vịt lâu một chút, có thể là kho đi kho lại, để có miếng trứng vịt giòn thấm tuyệt hảo.

NGUYÊN LIỆU:

  • 1 ký thịt ba chỉ hoặc thịt bắp đùi (chọn thịt da mỏng, thịt mỡ dính liền nhau)
  • 2 trái dừa xiêm
  • 2 chén dấm trắng
  • 6 quả trứng vịt (hoặc trứng gà)
  • Tỏi, ớt
  • Đường cát, nước mắm, muối, bột ngọt

CÁCH LÀM:

– Trứng vịt luộc chín kỹ, lột vỏ (cẩn thận đừng để bể trứng nhiều quá làm xịt lòng đỏ ra ngoài khi kho, hư nồi thịt).

– Thịt heo cạo nhổ cho sạch lông, rửa sạch. Sau đó xắt miếng vuông to bằng 1 nửa cái iphone 😀 (nhỏ hơn cũng được). Dùng dây chỉ cột lại cho nạc với mỡ dính chắc (không cần kỹ quá thì khỏi cột cũng được).

– Chuẩn bị nồi vừa, cho dấm vào nấu sôi rồi cho thịt vào nấu qua khoảng 1 phút rồi vớt ra, để ráo. Đổ dấm bỏ đi, rửa lại nồi chút nữa kho thịt.

– Ướp thịt với: 4 muỗng canh đường cát, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, để ít nhất 1 giờ cho ngấm.

– Bắc nồi lên bếp, cho nước dừa vào nấu sôi rồi nêm 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1/2 chén (bát) nước mắm vào, nếm lại thử vị ngọt mặn dịu là vừa.

– Tiếp theo, cho thịt vào nấu. Nếu nước dừa chưa ngập thịt thì cho thêm nước sôi vào cho ngập. Vặn lửa vừa nấu sôi lại, để ý hớt bọt. Khi nước cạn còn phân nửa thì vặn lửa nhỏ riu riu, cho trứng và vài trái ớt đỏ vào kho cùng. Kho tới khi nào trứng thấm, thịt chín mềm thì nêm nếm lại cho vừa miệng là xong.

– Trước khi ăn rắc chút tiêu. Ăn nóng với cơm hoặc bánh chưng. Với dưa giá nữa thì càng đúng điệu.

*** Nếu không có nước dừa hoặc có quá ít, bạn có thể thay bằng nước lã, nhưng khi kho thịt nên cho thêm nước màu để thịt có màu hấp dẫn hơn. Còn nếu có nước dừa đủ thì khỏi bỏ nước màu, vì nước dừa kho xong cũng lên màu rất hấp dẫn.

*** Nếu bạn muốn kho để lâu vài tuần thì thay nước dừa bằng nước lã, vì kho nước dừa không để lâu được.

*** Món này ăn với DƯA GIÁ mới hợp, xem CÁCH LÀM DƯA GIÁ

Bảo Tố

Nguyên liệu: (Cho 10- 12 cái bánh) 

1) Vỏ bánh:
– 600grs bột bánh dẻo loại đặc biệt (bột bánh dẻo
loại ngon được làm bằng nếp trên sàng, rang chín
rồi xay mịn như phấn thoa mặt)
– 500grs đường loại trắng tinh thượng hạng.
– 1 thìa canh nước hoa bưởi.
– 450 ml nước.
2) Nhân bánh: có thể chia làm 2 loại nhân

*Nhân thập cẩm 

– 200grs đậu xanh cà.
– 200grs đường cát.
– 100grs mứt bí xắt vuông nhỏ như hạt lựu. (có bán sẵn ở hàng phụ liệu làm bánh)
– 100grs hạt dưa bóc vỏ. (có bán sẵn)
– 100grs mứt sen trần. (có bán sẵn)

*Nhân đậu xanh trứng

– 300grs đậu xanh cà.
– 300grs đường.
– 12 trứng muối.
– 1/2 chén rượu trắng.
– 1 nhánh gừng nhỏ.
– 12 cái hộp nhựa trong để chuyên đựng bánh dẻo.

Cách làm: 

Bạn nấu nước đường từ ngày hôm trước để đến ngày hôm sau mới bắt đầu làm.Cứ 500grs đường trắng nấu với 450ml nước cho sôi đều lên và nhắc xuống đổ vào lọ thủy tinh.

*Chuẩn bị nhân thập cẩm 

Đậu ngâm 1 đêm, đãi vỏ và đem nấu với một ít sâm sấp nước, nấu thật khéo sao cho đậu nhừ và chín bằng hơi nóng nhiều hơn là bằng nước thì đậu sẽ dẻo, ráo, không nên dùng loại đậu đã đãi vỏ sẵn sẽ không còn mùi thơm.Khi đậu đã chín bạn bắc nồi đậu xuống, dùng muỗng cán dài đánh nhuyễn đậu lúc còn nóng, bạn cho đường vào đánh tiếp (100grs đậu xanh sống cần 90grs đường). Sau đó bạn bắc nồi đậu lên bếp lửa nho nhỏ, đảo nồi đậu luôn tay bằng đũa cả, cho tới khi thấy nặng tay, đậu ráo và đứng ngọn thì cho chút vanille và nhắc xuống, lúc này đậu đã có một mầu vàng sẫm tự nhiên rất đẹp, bạn đợi cho đậu nguội hẳn rồi mới làm tiếp.
– Hạt dưa đem sàng sẩy sạch rồi cho vào nồi rang vàng.
– Mứt sen xắt làm tư mỗi hạt.
– Nếu bạn thích làm thêm hạt điều thì tách đôi hạt điều lau bụi ở giữa rồi xắt nhỏ tùy thích.
Cho tất cả mứt bí, hạt sen, hạt điều, hạt dưa vào nồi đậu xanh trộn đều các loại, lấy cân chia mỗi phần nhân khoảng 80grs vo tròn.

*Chuẩn bị nhân đậu xanh trứng 

– Đậu xanh cũng làm như cách trên.
– Gừng đem giã vắt lấy nước trộn với rượu trắng, đập 12 trứng muối, lấy lòng đỏ đem ngâm vào nước rượu gừng chừng 10′ sau đó vớt ra đem hấp cách thủy cho lòng đỏ chín.
Khi đậu và trứng muối đã nguội hằn thì lấy cân chia mỗi phần khoảng 6 đến 70grs đậu, cho lòng đỏ trứng vào giữa và vo tròn từng viên nhân.

*Trộn bột, gói nhân:

Nước đường trong veo bạn đã nấu từ ngày hôm trước, để thau nhựa lên cân, chế vào thau 90grs nước đường, cho vào 1/3 thìa cafe nước hoa bưởi, bạn đừng cho nước hoa bưởi nhiều quá sẽ gây nồng hắc, chỉ cho thoảng nhẹ mùi hoa bưởi là vừa. Bạn cân sẵn bột vào chén, mỗi chén 70grs, để rây lên phía trên thau nước đường, đổ bột vào rây lắc nhẹ cho bột xuống hết dưới thau, dùng cây trộn bột khuấy đều cho bột và nước đường quyện dẻo lại.
Bàn cán bánh bạn đã chuẩn bị sẵn, rây lót bàn một khoảng bột áo, lấy đồ vét bột cho khối bột ra bàn chỗ bột áo, rắc lên mặt thêm một chút bột để chày cán bột không bị dính, bạn cán nhanh tay, gấp miếng bột lại rồi cho thật đều, cuối cùng bạn cán miếng bột dày khoảng 3 ly, cắt đôi miếng bột, mỗi miếng bạn cho vào giữa 1 viên nhân, giáp mí lại vo tròn và tiếp tục trộn bột rồi gói nhân cho đến hết nước đường.

*Ra bánh:

– Khuôn rây nhẹ một lớp bột mỏng đều, cho viên bột vào giữa khuôn, phần giáp mí để lên trên, dùng tay ấn mạnh viên bột xuống khuôn để có hoa văn sắc cạnh trên mặt bánh, ấn đều các góc để bánh được đứng và có cạnh đẹp. Chuẩn bị một mâm Inox sạch, úp khuôn bánh xuống mâm, lần lượt gỡ khuôn ra, tiếp tục in bánh khác cho đến hết.
Nếu khuôn có chỗ bị dính bột, bị sát phải xử lý ngay bằng cách bóc sạch chỗ bột bị dính và trước mỗi lần cho nhân vào in thì đều rây nhẹ một lớp bột mỏng, bạn nhớ nếu rây nhiều bột quá bánh sẽ không trong mà các hoa văn của bánh cũng không sắc nét vì bột đã che lấp.
Làm xong bạn để bánh trong mâm sau 24 tiếng cho bánh trở trong dần, sau đó đem xếp vào hộp và dùng trong vòng 3 tuần.

Yêu cầu kỹ thuật :

Bánh có màu trắng trong, hoa văn sắc nét, vỏ bánh ăn dai, dẻo, nhân ráo, có mùi thơm đặc trưng và nhẹ nhàng. Mỗi dịp Lễ Trung Thu, Bánh Dẻo thông thường thưởng thức kèm chung với Bánh Nướng Trung Thu. Chúc bạn thành công mỹ mãn để cùng người thân đón ánh trăng rằm trung thu một cách thú vị và hạnh phúc nhất !

 

BÁNH TRUNG THU NHÂN ĐẬU, DỪA

 
Nguyên liệu:

600 gr bột mì
400 gr nước đường
250gr dầu ăn

– Nhân đậu (đen, đỏ,xanh, sen)
1kg đậu, 700 gr đường, 250 gr mỡ, 100gr bột bánh dẻo,
150 gr bột mì

.- Nhân dừa 
1kg dừa, 800 gr đường, 200gr mỡ, 200 gr bột bánh dẻo,
50gr bột mì, 50 gr hột dưa, vani một chút.


Cách làm bánh trung thu nhân đậu, dừa:

Cách nấu đường
1kg đường, cho ½ chén nước nấu lửa nhỏ khoảng 5 tiếng, cứ để trên bếp, giữ không cho đường trở lại bằng cách thêm nước chút chút, cho 100 gr mạch nha, nấu thêm 5 tiếng nữa, nước đường sệt lên màu hổ phách rất đẹp, cân lại đường vừa đúng 1kg100 gr, để đường này càng lâu càng tốt
(1 năm).

Cách làm bánh 
Bột đổ núi, cho đường dầu vào giữa, trộn nhẹ tay, để bột nghỉ 1tiếng mới bắt bánh.

Cách làm nhân 
Đậu ngâm mềm rửa xẩy cho hết mắt đậu (đen, đỏ) nấu mềm xay nhuyễn, trộn đường khuyấy trên bếp, cho mỡ, bột.
Lòng đỏ hột vịt muối, hấp cách thủy, cho rượu trắng và dầu mè để át mùi trứng.

Đóng bánh
40gr bột, 110 gr nhân = một bánh

Lò nướng 325 độ F – cho bánh vào nướng, nhớ dùng tăm xâm để bánh không bị nổ mặt. Sau khoảng 25 phút, mở lò lấy cọ, phết lòng đỏ trứng lên mặt bánh cho đẹp. Nướng thêm 15 phút nữa là xong. 

(theo Ngô Đồng – dactrung.net)

BÁNH NHÂN THẬP CẨM

Nguyên liệu: 

1) Vỏ bánh :
– 400grs bột mì.
– 300grs nước đường.
– 60grs dầu ăn.
– 100grs bột áo.
– 2 lòng đỏ trứng vịt.
– 1 thìa cafe nước tro tàu.

2) Nước đường :

-1kg đường trắng tinh.
-1kg nước.
-2 thìa cafe nước tro tàu.

3)Thoa mặt bánh :

-1 lòng đỏ trứng vịt.
-1 thìa cafe nước lạnh.
-1 thìa cafe dầu ăn.
-Vài giọt nước màu dừa.

4)Nhân bánh gồm có :

-Hạt dưa, hạt điều, mứt sen, mứt bí, lạp xưởng, jambon, rượu trắng, mè, đường xay, mỡ, bột bánh dẻo, tất cả các loại kể trên mỗi thứ 100grs, 50grs mứt chanh, 50grs mứt gừng, 12 lòng đỏ trứng vịt muối, 1 thìa cafe ngũ vị hương.

Cách làm :

1)Vỏ bánh :

Cho dầu ăn , nước đường, lòng đỏ trứng , nước tro tàu hòa chung quấy cho thật đều, lấy rây lược lại. Rây bột mì vào hỗn hợp trên nhồi cho đều rồi ủ yên bột chừng 30’.

2)Nước đường :

Cho đường và nước vào nồi bắc lên bếp cho đường sôi, để lửa nhỏ cho từ từ nước tro tàu vào, khi đường sôi bùng lên thì tắt bếp, để yên nồi đường không được quấy sẽ bị lại đường, nước đường này để càng lâu mới làm thì vỏ bánh càng mềm.

3)Thoa mặt bánh :

Lòng đỏ trứng vịt, nước , dầu ăn, vài giọt nước màu trộn đều rồi đem lược qua rây để khi phết mặt bánh mịn đều không bị lợn cợn.

4)Nhân bánh :

-Hạt dưa , mè sàng sẩy sach đem rang vàng.
-Hạt điều, mứt bí, sen xắt hạt lựu.
-Mứt gừng , chanh xắt sợi dài 2cm.
-Mỡ heo luộc chín xắt hạt lựu rồi ướp đường đem phơi nắng cho mỡ trong veo.
-Lạp xưởng luộc chin rồi chiên qua cho thơm, đem xắt chỉ.
-Jambon xắt chỉ rồi xào với chút dầu , bột ngọt và hạt tiêu.
-Lòng đỏ trứng (xem bài bánh dẻo )
Cho tất cả những thứ “Nhân bánh gồm có” vào trộn đều, rưới từ từ vào hỗn hợp nhân này khoảng 100grs rượu trắng, khi thấy dẻo vừa nắm là được, cân từng viên nhân nặng 100grs, cho lòng đỏ vào giữa viên nhân rồi vo tròn cho đên hết nồi nhân.

5) Đóng và nướng bánh :

-Lấy thau bột ủ ra, cân từng viên bột 50grs, rây lớp bột áo ra bàn, để miếng bột lên cán thành miếng hơi tròn đủ để bao gọn viên nhân, cho nhân vào gói lại, xoa thêm lớp bột áo bên ngoài rồi đặt vào khuôn đóng giống như bánh dẻo, đóng đủ số bánh đặt vào lò rồi thì dùng kim xâm khoảng chục lỗ đều trên mặt bánh để lúc nướng bánh không bị nứt mặt.
-Mở lò nóng 10’ trứoc khi cho bánh vào, sau 10’ lấy ra, thật nhanh tay xúc từng cái bánh nhúng vào thau nước lạnh lấy ra ngay, xếp lại vào vỉ nướng, lấy cọ phết đều hỗn hợp thoa măt, cho bánh vào lò trở lại nướng tiếp cho tới khi bánh thấy vàng non là bánh đã chín, đem ra khỏi lò và nguội dần bánh sẽ vàng hơn (nếu để bánh vàng đều mới đưa ra khỏi lò thì bánh bị già lửa). Chúc các bạn cho ra lò những chiếc bánh nướng với hoa văn thật sắc sảo, có màu vàng óng và thơm nức mũi.
Bánh nướng có thời hạn bảo quản gấp đôi lần bánh dẻo.
-Nếu bạn thích ăn vị đặm đà hơn thì làm thêm gà quay và thịt chà bông rồi cho vào là đã có vị gà quay xá xíu (gà quay bạn mua thăn gà nạc rồi làm tương tự như thịt chà bông
vậy)

 

 

Cách làm BÁNH PÍA SẦU RIÊNG từng bước một

Chiếc bánh mang hương vị sầu riêng thoang thoảng, từng lớp vỏ mỏng mềm cộng thêm vị bùi có chút mặn của trứng muối thật hấp dẫn.

Trước đây, muốn được ăn bánh pía mang hương sầu riêng hấp dẫn, bạn phải nhờ người quen đặt mua từ trong miền Nam. Dần dần, ở ngoài Bắc cũng đã có bánh pía bán. Tuy nhiên, nếu thích, ngay tại nhà bạn cũng có thể làm món bánh ăn thơm ngon này để đãi cả nhà hoặc đem tặng người thân hay bạn bè.

Nguyên liệu:

Cho phần vỏ bột nước: (3 cái lớn):

  • – 120 gr bột mì
  • – 25 gr đường
  • – 50 ml dầu
  • – 40 ml nước

Cho phần vỏ bột dầu:

  • – 100 gr bột mì
  • – 50 ml dầu

Cho phần nhân:

  • – 150 gr đậu xanh
  • – 150 gr sầu riêng tán nhuyễn
  • – 50-70 gr đường tùy theo khẩu vị các bạn
  • – 1/5 muỗng cà phê muối
  • – 40 ml dầu ăn
  • – 25 gr bột nếp rang
  • – 10 gr bột mì + 10 ml dầu ăn
  • – 1/3 chén mỡ heo đã xào ngọt
  • – 3 trứng vịt muối ngâm chút rượu có gừng và nướng 10 phút ở nhiệt độ 190 độ C
  • – Nếu bạn không thích mỡ heo thì làm mứt bí nhé

Nguyên liệu mực – đóng dấu: Lấy 1 miếng màng bọc thực phẩm bọc lên miệng đĩa. Lấy 1 miếng giấy thầm dấu gấp làm 4 để lên mặt đĩa rồi đổ màu phẩm đỏ lên. Con dấu thì bạn dùng con dấu nào cũng được.

Cho phần trứng: Thoa mặt bánh: Lòng đỏ trứng đánh hơi nổi với 1 muỗng dầu mè, 1 muỗng nước lã  với 1/2 muỗng cà phê nước màu kho cá và 1 giọt màu vàng thực phẩm.

Cách làm:

Thực hiện phần bột nước:Cho tất cả nguyên liệu vào 1 cái âu, và bắt đầu nhồi cho bột dẻo mịn (phần bột này không quá khô nhé các bạn). Nhồi xong để bột nghỉ 30 phút.

Thực hiện phần bột dầu: Cho bột và dầu vào âu và nhồi bột quyện lại 1 khối. (Bột sẽ rất mềm). Cũng để bột nghỉ 30 phút.

Thực hiện phần nhân:

Bước 1: Đậu xanh ngâm vài tiếng, sau đó vo sạch nấu chín. Cho đậu xanh, đường vào máy xay nhuyễn.

Bước 2: Cho đậu xanh vào chảo không dính cùng với dầu, bột nếp rang sên với lửa nhỏ khoảng 15 phút thì cho sầu riêng, chén bột mì dầu vào tiếp tục sên cho đến khi nhân quyện thành 1 khối không dính chảo thì cho mỡ heo hay mứt bí vào sên thêm 5-7 phút nữa là tắt bếp.

Thực hiện phần cán bánh:

Bước 1: Chia phần bột nước làm 3 phần. Chia phần bột dầu làm 3 phần, cân nhân 120gr kể cả lòng đỏ trứng vịt muối vo tròn.

Bước 2: Đè dẹp viên bột nước, cho viên bột dầu vào vo tròn lại.

Bước 3: Cán dài viên bột, rồi cuộn tròn lại.

Tiếp tục cán dọc 1 lần nữa. Sau đó cuộn tròn lại.

Bước 4: Bạn cứ tiếp tục làm 2 phần bột còn lại. Vì bột nước và bột dầu nên khi cán bạn sẽ thấy các lớp bột tách rời nhau. Đó là thành công bạn nhé.

Bước 5: Bây giờ bạn cán tròn cục bột và cho nhân vào giữa túm các mép lại. Xếp bánh vào khay nướng, dùng lòng bàn tay đè nhẹ cho phần phộ dẹp xuống 1 chút cho đẹp.

Bước 6: Mở lò 160 – 170 độ C trước 10 phút. Cho khay bánh vào ngăn giữa nướng 16 phút. Qua 16 phút lấy bánh ra. Lấy con dấu nhúng vào mực đỏ ấn nhẹ vào giữa mặt bánh.

Sau đó cho bánh vào lò nướng tiếp 5 phút nữa. Qua 5 phút lấy khay bánh ra để 2 phút rồi mới quét trứng lên (để 2 phút mới quét trứng thì mực sẽ không bị lem). Cho khay bánh trở vào lò nướng thêm 6 phút nữa là bánh chín. Tắt lò lấy khay bánh ra để nguội.

Với công thức này bánh pía vừa nướng xong ăn đã ngon rồi mà để qua 1 ngày ăn lại càng ngon hơn.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với bánh pía nhân sầu riêng thơm ngon nhé!

(Theo eva.vn)

Cách nấu 3 món chay ngon lạ

Những ngày rằm đầu tiên của năm mới, bạn có thể chuẩn bị cho gia đình những món ăn chay thanh đạm dễ làm. Tất nhiên là cũng ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng.

Canh chua chay

Nguyên liệu: Hai miếng đậu phụ, dứa, cà chua, nấm rơm, ngổ, giá, một ít me chua, muối…

– Đậu phụ cắt miếng nhỏ vừa ăn.

– Dứa gọt bỏ mắt chẻ làm tư rồi cắt lát. Cà chua bổ múi cau.

– Nấm rơm rửa qua với nước muối. Giá nhặt rửa sạch. Rau ngổ cắt khúc dài 3cm

– Phi thơm ít hành củ khô, cho dứa và ½ cà chua vào xào trước. Tiếp đến cho nước vừa đủ dùng vào nồi, khi sôi thì thả me để dầm, đến đậu phụ, giá, ½ cà chua còn. Nêm canh với chút muối và bột ngọt. Trước khi tắt bếp mới cho rau ngổ.

Rau củ giả thịt băm viên

1 miếng bí đỏ, 1 củ cà rốt, ít lá lốt và rau mùi, 2 muỗng bột mì, muối…

– Bí đỏ và cà rốt đều gọt vỏ, bào thành sợi thật nhỏ.

– Lá lốt và rau mùi đều thái nhỏ bằng cà rốt.

– Trộn đều bí đỏ, cà rốt, rau thái nhỏ với chút muối, ướp trong khoảng nửa giờ.

– Chắt hết nước từ hỗn hợp đã trộn, thêm 2 muỗng bột mì, hạt tiêu, hành củ khô băm nhuyễn rồi bắt đầu nặn thành viên.

– Đợi chảo dầu nóng già, cho từng viên rau củ vào rán vàng.

Ngô bao tử chiên giòn


Ngô bao tử, bột mì, chút muối
Ảnh minh họa

– Ngô bao tử rửa sạch, để ráo nước.

– Bột mì trộn với chút muối rồi pha với nước đủ để bột đặc quánh.

– Ngô bao tử nhúng vào bột mì và thả vào dầu ăn đã nóng già. Với món ngô bao tử chiên giòn hãy cho nhiều dầu ăn để ngô sẽ bị méo mó sau khi rán vàng.

Với hai món rau củ viên chiên và ngô bao tử rán giòn, bạn có thể chấm cùng xì dầu chay pha với tương ớt, ăn cùng cơm nóng, thêm bát canh chua thơm dịu mùi rau ngổ, bữa cơm mùa Vu Lan năm nay của nhà bạn càng thêm ý nghĩa.

Theo Hàn Giang (Dân Việt)

Cách làm NHO KHÔ (MỨT NHO)

Nho khô là món ăn bổ dưỡng, ngon miệng và thích hợp trong các dịp tiệc, lễ, cũng như tết cổ truyền. Bạn có thể tự làm nho khô tại nhà cho đảm bảo chất lượng.
Nguyên liệu chính để làm món này là nho. Bạn cần chọn nho chín hoàn toàn, vỏ mỏng, thịt nhiều, quả chín đều và dính chắc với cuống để khi làm không bị chảy nước.
1. Phơi khô tự nhiên

Loại nho này không dính, có màu mận, vỏ dai, giữ nguyên cả lớp phấn trên vỏ quả, khi bảo quản không bị đóng bánh. Cách làm: Nho để nguyên chùm, phơi nho trong khay gỗ (hoặc lót miếng giấy) trong 1-2 tuần. Khi thấy vỏ quả lớp trên đã nhăn nheo thì lật lại cho khô đều, sau đó cuốn giấy lên để có độ ẩm đồng đều. Khi độ ẩm còn từ 13-15% thì xếp vào hộp khoảng 2-3 tuần để cân bằng độ ẩm. Sau đó xông hơi bromua methyl và gói lại sau khi đã phân loại. Trước khi cất trữ cần xông hơi bằng đioxit lưu huỳnh để chống thối.
2.Nho khô tạo màu vàng

Sau khi làm khô, nho có màu vàng chanh, mềm vừa phải và hơi dính. Cách làm: nhúng chùm nho vào NaON (xút ăn da) 0,2-0,5% trong 2-3 giây ở nhiệt độ 90-95 độ C, rồi rửa ngay bằng nước lạnh. Nếu thấy bề mặt quả mỏng đi nhìn thấu bên trong là được. Sau đó đưa nho vào buồng kín xông hơi đioxit lưu huỳnh (khoảng 100-200g/tạ nho) trong 24 giờ, khi quả vàng đều là được. Thổi không khí nóng 60-70 độ C từ 18-50 giờ để quả khô.
3. Nho khô bằng phương pháp xử lý soda và dầu

Với phương pháp này, nho có màu nâu đậm, mềm, không dính và có mùi dầu ăn. Cách làm: nhúng nho vào dung dịch NaCO3 3-4%, ở nhiệt độ 40 độ C và 0,1% NaOH. Cho thêm vào dung dịch một chút dầu ô liu tạo thành váng mỏng. Xử lý xong, xếp các chùm nho ra khay và phơi nắng cho đến khi khô.

 

Cách gói Nem chua

Nem chua là một món ăn độc đáo của Việt Nam từ thịt lên men. Món ăn hấp dẫn nhờ vị ngọt ngọt chua chua dậy mùi thơm của thịt lên men, và kết cấu dai của nạc, giòn của bì…

Nem chua ăn kèm với bánh tét, bánh chưng vào ngày Tết hay làm mồi nhậu rất ngon.

Nguyên liệu:

– Thịt thăn lợn: 600g
– Thịt thăn bò: 300g
– Bì lợn: 300g
– Thính gạo: 2 thìa ăn cơm
– Đường: 50g
– Gia vị làm nem chua của thái (Nam powder seasoning mix): 1 gói
– Hạt nêm: 2 thìa cà phê
– Nước mắm ngon: 2 thìa ăn cơm
– Rượu nếp: 2 thìa cà phê
– Hạt tiêu: 1 thìa cà phê
– Tỏi (5 củ to), ớt, bột canh, màng bọc thức ăn (hoặc lá chuối)

Thực hiện:

Bước 1: Bì lợn mua về cạo rửa thật sạch, cho vào nồi luộc chín tới với một ít muối, sau đó thái sợi thật nhỏ (nếu không có thời gian thì mua bì lợn thái sẵn ở những hàng bán nem thính tại các chợ). Cho vào bát bì lợn một ít rượu, dùng đũa trộn đều rồi xả nhanh qua nước nóng để bì lợn bớt hôi. Để cho bì ráo nước rồi cắt ngắn khoảng 2- 3cm.

Bước 2: Thịt bò và thịt lợn rửa sạch với nước đun sôi có pha chút muối loãng. Sau đó thái miếng nhỏ rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 3- 4 tiếng cho thịt thật lạnh và đông đá. Lấy thịt ra khỏi tủ lạnh cho vào máy xay thịt, xay cho thật nhuyễn.

Bước 3: Tỏi bóc vỏ, một nửa đem băm nhuyễn còn một nữa thái lát mỏng. Chia chỗ tỏi đã băm nhỏ làm 2 phần, 1 phần đem phi vàng. Ớt thái lát.

Bước 4: Cho tất cả các nguyên liệu: thịt xay, bì lợn, thính gạo, đường, mắm, rượu, hạt tiêu, tỏi phi vàng, tỏi sống băm nhỏ, hạt nêm, bột canh, 1 gói gia vị làm nem chua (gói to) vào chung 1 âu lớn. Dùng đũa đảo đều tất cả các nguyên liệu để cho các nguyên liệu quyện đều vào nhau.

Bước 5: Dùng màng bọc thực phẩm bọc lấy miệng âu rồi để khoảng 1 tiếng lại cho tiếp 1 gói gia vị làm nem chua nhỏ (gói nhỏ có trong gói lớn) vào trộn đều.

Bước 6: Khi này hãy nhanh tay cho thịt vào khuôn làm giò xào rồi vặn vít thật chặt để cho thịt kết dính với nhau. Dùng màng bọc thực phẩm bọc quanh , kín khuôn nem. Nếu khỏe tay có thể cho thịt vào 1 đầu của miếng giấy bạc hoặc lá chuối rồi gói lại như cuốn giò nhỏ (vừa gói vừa bóp thật chặt tay để cuốn nem chua được chặt và thịt kết dính với nhau).

Bước 7: Để khuôn nem chua ở nhiệt độ phòng, chỗ thoáng mát trong tầm 24 tiếng. Lúc này nem đã chín, chúng ta chỉ cần lấy nem ra khỏi khuôn, cắt thành từng miếng nhỏ.

Có thể ăn ngay nem chua hoặc đem chiên tùy ý nhé!

Muốn để ăn dần thì nên cất nem vào tủ lạnh để bảo quản.

Chúc bạn thành công và ngon miệng cùng món nem chua!

Thùy Nguyễn
Nguồn: http://eva.vn/bep-eva/tu-tay-lam-nem-chua-nhau-tet-c162a165395.html