Cách làm CƠM RƯỢU MIỀN BẮC

Món cơm rượu là quá quen thuộc ở chợ trong những ngày lễ, Tết, nhất là Tết Đoan Ngọ. Bạn cũng có thể tự làm, rất dễ dàng. Công thức sau đây hướng dẫn bạn làm cơm rượu kiểu miền Bắc.

Những gì bạn cần

Nửa ký nếp lức

Men ngọt 5 đến 8 viên

1. Nếp mua về nhặt sạch hạt lép, hạt đen và lúa còn lẫn trong nếp, vo kỹ. Cho nước vừa đủ (như nấu cơm) nấu chín, đổ ra rá hoặc mẹt tre để thật nguội.

2. Xay hoặc giã men nhỏ mịn.

3Đổ nếp vào rổ hoặc rá (loại dễ thoát nước), rây trộn một nửa men vào nếp, sau đó tãi nhẹ nếp cho đều mặt và rắc đều hết chỗ men còn lại lên trên mặt nếp.

4. Đặt dĩa sâu lòng hoặc tô lớn ở dưới rá nếp để hứng nước cơm rượu. Cho tất cả vào thùng đậy kín (có thể cho vào bao nylon lớn và cột kín lại), để vào nơi nóng ấm.

Nếu trời mùa hè chỉ khoảng 30 giờ thì dỡ được. Tiết trời lạnh có thể để thêm vài giờ.

 

Cách làm CƠM RƯỢU NẾP CẨM

Cơm rượu nếp cẩm là món ăn hấp dẫn với vị thơm, độ bùi dai nhẹ của nếp hòa trong men rượu thơm ngọt. Món ăn này có thể thay thế cơm rượu truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Nguyên liệu:

  • – 1kg nếp cẩm
  • – 1 lạng men ngọt (khoảng 3 viên)
  • – 1 muỗng canh đường
  • – Lá sen.

Cách làm:

Bước 1:

Nếp vo sạch, ngâm qua đêm.

Bước 2:

Cho nếp vào xửng đồ chín.

Bước 3:

Khi nếp chín, cho ra mâm hoặc 1 cái nia tãi đều ra.

Bước 4:

Chuẩn bị 1 nồi to, cho vào xửng hay dùng để hấp xôi, lót 1 lớp lá sen lên trên, đục thủng ở giữa để nước rượu có thể chảy xuống dưới rồi rải cơm nếp cẩm lên trên. Lúc này nếp vẫn còn hơi âm ấm bạn nhé!

Bước 5:

Men tán nhuyễn, rải một lớp lên nếp. Tiếp tục với các lớp nếp và men cho đến hết.

Bước 6:

Gói kín lá sen lại, đặt vào nơi kín gió.

Mình phủ thêm một lớp lá sen lên trên cho kín rồi cất vào lò nướng, với tiết trời mùa hè nắng nóng thì khoảng 3 – 4 ngày sau là ăn được rồi!

 

Cách làm BÁNH GIO (BÁNH TRO)

Bánh tro hay bánh gio (người Hoa gọi là tống tử) là loại bánh truyền thống trong ngày tết Đoan ngọ (đoan dương, tức mồng 5 tháng 5 AL). Bánh tro có nhiều hình thức khác nhau nhưng nói chung về hương vị vẫn không có khác biệt, đó là vị nếp hòa lẫn với mùi tro, rất độc đáo và ngon miệng, nhất là khi ăn với mật mía.

CÁCH LÀM BÁNH TRO

Nếp gói bánh

Người ta thường dùng nếp cũ đã để qua ít nhất một năm, bảo quản tốt. Nếp cũ hột bở, cho bánh ngon hơn là làm bằng nếp mới.

Vật liệu ngâm nếp

Người Bắc hay dùng tro (gọi là gio) bếp. Tro có được sau khi dùng củi, rơm… để nấu bếp, để nguội, sàng sẩy sạch, lấy phần tro mịn. Độ nồng của tro tùy thuộc vào loại cây củi, rơm… đã sử dụng. Còn người miền Trung hay dùng vôi ăn trầu trắng hoặc đỏ. Nếu dùng tro hoặc vôi trắng, bánh sẽ có sắc xanh trong của lá gói bánh; nếu dùng vôi đỏ, bánh sẽ có sắc hổ phách đục. Phân lượng thông thường – không tuyệt đối đúng – là 1 lít nước + 20gr vôi hoặc 50gr tro, hoà tan, để lắng trong, dùng nước trong này để ngâm nếp.

Ngâm nếp

Nếp vo sạch, ngâm với nước tro vôi qua một ngày hoặc cho đến khi thử bằng cách lấy vài hột nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ lại, thấy bể vụn ra dễ dàng là nếp đã “bục” – nói theo cách nói chuyên dùng là nếp đã ngâm đúng mức để nấu. Xả lại nước nhiều lần cho nếp đã ngâm vôi tro thật sạc rồi để cho ráo trước khi gói. Thời gian ngâm nếp không thể nào xác định đúng là bao lâu vì tùy thuộc vào nồng độ của vôi tro, độ mới cũ của gạo cho nên phải thăm chừng cho nếp vừa “bục” là được, nếu ngâm lâu quá, bánh sẽ bị nồng mùi vôi tro.

Nhân bánh

Bánh tro được biết theo cổ truyền là không có nhân. Bánh sau khi gói chỉ là một khối bột trong, rất lạt, tùy thích dùng chấm mật ong, mật đường, đường cát… Phần nhân làm thêm sau này là do tùy người, tùy vùng. Nhân thường được làm với hai loại:

Đậu xanh cà, không vỏ, vo sạch, nấu chín như cơm, trong khi đậu còn nóng, tán nhuyễn mịn với một lượng đường nhất định. Thí dụ như 200gr đậu xanh + 50gr đường.

Cơm dừa nhồi đường: Dừa già dùng bàn nạo thành cơm nhuyễn. Nấu nước đường theo tỷ lệ: 1 nước + 1 đường. Thí dụ 3 muỗng súp nước + 3 muỗng súp đường, nấu nhỏ lửa cho vừa tan đường là được. Tùy thích làm ít nhiều, thí dụ dùng chừng 200gr dừa nạo, châm nước đường vào từ từ nhồi thành khối dẻo mịn là được.

Vật liệu gói bánh

Theo truyền thống là dùng lá tre bương hay còn gọi là tre lồ ồ. Loại tre này có lóng dài, ống lớn… hay dùng để chứa nước. Chọn lá có bản lớn chừng 5 – 6cm và dài chừng 30cm. Về sau ở thành phố khó tìm ra lá tre, người ta dùng lá chuối và rọc ra với kích cỡ tương tự lá tre. Rửa sạch lá, để ráo. Bẹ thân cây chuối phơi khô tước thành sợi nhỏ dùng để gói hoặc dây nylon nhỏ.

Bánh gio ngon nhất khi ăn cùng mật mía

Gói bánh

Cuốn một đầu lá thành hình phễu chỉ với một lần lá, múc nếp cho vào và thường chỉ từ 2 đến 3 muỗng cà phê vun, nếu dùng nhân thì cho vào trước 1 muỗng cà phê nếp, đến 1 muỗng cà phê nhân, rồi lại 1 muỗng cà phê nếp. Sau đó tiếp tục gấp hết phần còn lại của lá chung quanh khối hình phễu cho thành một khối tam giác cho thật kín. Dùng dây ràng cạnh lại thành một hình chữ thập cho vừa chắc tay là được. Gói được mười cái thì xâu lại thành một xâu với một sợi dây ràng thòng lọng ra ngoài xâu bánh để có thể nhấc cả xâu bánh dễ dàng, sẽ rất tiện khi cho vào cũng như lấy ra khỏi nồi luộc.

Nấu bánh

Dùng một nồi vừa đủ lượng bánh đã gói, lót vào đáy nồi một lớp lá tre hay lá chuối cho khỏi sít nồi, cho bánh vào, dùng một cái thúng thưa mắt hay rổ lớn chụp lên bánh rồi lấy một vật nặng dằn lên vừa đủ cho bánh không nổi lên khi cho nước vào, châm nước cao hơn mặt bánh ít nhất một gang tay. Bánh tro nấu không lâu, trung bình chỉ trong khoảng 45 phút đến 1 giờ sau khi nước sôi là bánh chín, Trong khi nấu nếu thấy nước cạn xuống thì châm thêm nước sôi vào. Khi bánh chín, tắt bếp, múc bớt nước trong nồi ra để có thể lấy bánh ra cho dễ, thả ngâm bánh vào trong một thau nước lạnh sạch chừng mươi phút cho bánh mau nguội rồi treo lên chỗ thoáng gió cho bánh mau khô lá. Nếu làm nhiều phải thay nước ngâm bánh cho sạch.

Tại miền trung và miền nam, bánh tro được gói dạng bánh ú và gọi là bánh ú tro

Thành phẩm

Bánh tro nấu đạt yêu cầu thì khi mở ra, nếp không còn ở dạng hột mà cả cái bánh trở thành một khối bột trong, mịn chắc như một khối thạch, không nồng vôi tro. Được như vậy là đã dùng đúng nếp cũ và ngâm vôi tro đúng mức. Vị bánh tro – nếu không có nhân – rất lạt, người ta thường chấm bánh tro với đường cát trắng hoặc đường thẻ băm nhỏ, mật ong hoặc mật đường. Tại vùng Nha Trang, Phú Yên, Bình Định… bánh tro còn được gói thành dạng đòn dài, bánh khi mở ra có chiều dài hơn 20cm, đường kính chừng 3 – 4cm, khi ăn cắt thành khoanh mỏng.

(Sưu tầm)

Cách làm BÁNH Ú TRO cho ngày Tết Đoan Ngọ

Ngày Tết đoan ngọ, dân ta thường có tục cúng bánh tro để bày tỏ lòng tưởng nhớ tới ông bà. Bánh Tro là món ăn giản dị mang hương vị đậm chất làng quê khiến ai ăn rồi cũng nhớ mãi.

Bánh ú tro thường có ở miền Trung và miền Nam vào dịp mùng 5/5 (tết Đoan Ngọ). Đây là biến thể của bánh gio miền Bắc. Trong khi bánh gio hình dạng dài, không nhân, thì bánh ú tro thường có nhân và làm theo hình dạng giống bánh Ú.

Chuẩn bị:

(cho khoảng 20  cái bánh ú tro)

  • – Nửa ký nếp
  • – Nửa chén đậu xanh đã xát vỏ
  • – Đường, muối, nước tro
  • – Lá lồ ô (nếu không có thì dùng lá tre)
  • – Dây lạt để buộc bánh, không có thì dùng dây nilon hoặc dây thừng nhỏ cũng được.

Cách làm:

Bước 1:

– Nếp mua về đãi nhiều lần cho sạch, ngâm trong nước có hòa tí muối khoảng 5-6 tiếng, sau đó lại đãi lần nữa cho sạch.

Bước 2:

– Nước tro đổ ra bát, để tiện lợi bạn có thể mua sẵn nước tro làm sẵn, một thìa canh nước tro bạn hòa với 1 lít nước lọc.

Bước 3:

– Cho gạo nếp vào âu sạch, thêm nước lọc đã hòa với nước tro, mực nước phải ngập mặt gạo nếp, ngâm 20-22 tiếng.

– Thỉnh thoảng khi ngâm bạn có thể thử bằng cách lấy vài hạt nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ thấy hạt nếp vỡ nhẹ ra thì nếp đã ngấm đủ nước tro.

Bước 4:

– Nếp sau khi ngấm đủ nước tro, bạn xả lại nhiều lần nước lạnh cho thật sạch, xóc thêm muối vào, để lên rổ cho ráo nước.

Bước 5:

– Đỗ xanh đã xát vỏ đãi sạch, ngâm vào âu nước ấm khoảng 1-2 tiếng. Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu cho đỗ xanh chín mềm.

Bước 6:

– Khi đỗ vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm đường vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đỗ tơi mịn ra, hoặc có thể cho đỗ xanh vào máy sinh tố, xay thật mịn.

– Cho đỗ xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đỗ hơi se khô lại, nêm đường tùy theo bạn thích ăn ngọt nhiều hay ít, tắt bếp, để nguội.

Bước 7:

– Lá tre rửa sạch, đun nồi nước sôi, cho lá tre vào nồi nước chần sơ qua nước sôi để lá mềm thì sẽ dễ gói hơn, để ráo nước.

Bước 8:

– Phần đỗ xanh sau khi sên, vo viên tròn nhỏ.

Bước 9:

– Xếp chồng hai lá tre vào với nhau, cuốn đầu lá thành hình cái phễu.

Bước 10:

– Dùng thìa múc một phần nếp, đặt 1-2 viên nhỏ đỗ xanh vào giữa và múc một ít gạo nếp che phủ đỗ xanh, dùng thìa ấn nhẹ phần nếp xuống cho thật chặt.

 Bước 11:

– Gấp hết phần góc còn lại của lá cho thật kín, dùng lạt buộc hoặc có thể dùng dây thừng sợi nhỏ để buộc lại.

– Tiếp tục làm cho hết phần gạo nếp và đỗ xanh, dùng dây buộc thành từng chùm khoảng 5-8 cái.

Bước 12:

– Dùng một nồi vừa đủ với lượng bánh đã gói, thêm nồi lạnh, đun sôi nước, thả từng chùm bánh vào nồi luộc chín, mực nước cao hơn mặt bánh một gang tay, thỉnh thoảng cạn nước thì bạn châm vào nước sôi nóng, không thêm nước lọc vì phần gạo nếp sẽ bị sượng.

Bước 13:

– Đun từ 1,5 đến 2 tiếng, tùy theo bánh bạn gói lớn hay bé, bánh chín bạn lấy ra xả lại nước lạnh, rồi treo lên chỗ thoáng mát.

– Yêu cầu: hạt gạo nếp trong, ăn dẻo và bùi bùi, ngọt của đỗ xanh, có thể chấm thêm với đường hoặc mật ong.

theo Cún Khang (ngoisao.net)

Cách làm BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY

Mùng 3 tháng 3 Âm Lịch là ngày Tết Hàn Thực. Khác với phong tục của Trung Quốc, ở nước ta người dân thường cúng tổ tiên trong ngày này, và làm BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY để ăn Tết. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách làm 2 loại bánh truyền thống đặc biệt này.

CÔNG THỨC (CÁCH LÀM CẢ HAI THỨ BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY)

Nguyên liệu:

– Chuẩn bị bột:

  • + Trộn bột gạo theo tỉ lệ 8 nếp, 2 tẻ, chút muối. Xay ướt rồi bọc bột vào bịch vải dày, treo lên cho ráo nước. Treo đến chừng nào bột không nhỏ nước nữa, mở bịch thấy bột không dính vào thành túi, bóp thử thấy bột kết mịn, không dính tay hoặc vỡ rời là được.
  • + Hoặc xay bột khô, châm nước nhồi cho tới khi nào bột kết mịn, dẻo, không bám tay thì bỏ vô bao nilon ủ chừng 30 phút là có bột làm bánh.
  • + Cách nhanh nhất là ra chợ mua bột làm sẵn. Trong những ngày gần Tiết Hàn Thực thì người ta sẽ pha sẵn bột này để mua  về làm bánh.
  • + Bột này dùng được cho cả bánh trôi và bánh chay, nên ta tùy liều lượng bánh mà chia bột ra làm hai phần, phần làm bánh trôi, phần làm bánh chay.

– Đường: Đường ăn với bánh trôi là đường phên. Chọn đường màu cánh gián nhạt nấu sẽ mau hơn. Mua đường về thì cho vào tô, dùng màng bọc thực phẩm đậy lại khoảng 2 tiếng cho đường đủ ướt. Sau đó mới bắt đầu chặt cục đường ra thành từng viên hạt lựu, nhỏ độ đầu ngón tay út.

– Mè trắng: rang nhanh, đều tới khi nào chuyển màu vàng nhạt thì tắt lửa, rang thêm vài nhát rồi trút ra dĩa, giàn trải vừng ra thành lớp mỏng.

– Bột sắn dây /bột năng: 1 muỗng cafe, hòa tan trong nước.
– Gừng tươi: giã nhuyễn, vắt lấy nước gừng

– Vài giọt tinh dầu hoa bưởi

 – Dừa nạo sợi: 1 chén

Đậu xanh:  đậu xanh đem đải vỏ, ngâm nước lạnh tầm 3 tiếng cho nở. Trộn đậu với chút muối rồi đem hấp chín, sau đó chia ra một nửa để nguyên, nửa còn lại giã mịn, trộn với 1 muỗng cafe mè rang, rồi vo thành từng viên làm nhân của bánh chay.


Thực hiện:

  • Bánh trôi:

–  Dùng phần bột dự tính làm cho bánh trôi. Ngắt từng cục bột to cỡ lóng ngón tay cái, vo tròn rồi ấn bẹp trong lòng bàn tay, sau đó đặt viên đường bằng đầu ngón út vào giữa cục bột, rồi đậy các mí bột ôm lại, xoe lại cho thành viên tròn. Lưu ý chỉ xoe nhẹ nhàng 1 vòng, kẻo bánh bị nát khi luộc. Lần lượt làm cho hết lượng bột dự tính làm bánh trôi.

– Chuẩn bị nồi lớn, cho nước vào nấu sôi già rồi thả nhẹ nhàng lần lượt từng viên bánh vào. Vặn nhỏ lửa đun cho tới khi bánh chín nổi lên trên mặt nước, thì đợi chừng 15 giây cho đường tan hết (lưu ý là bánh trôi phải nấu cho đường trong nhân bánh tan ra ăn mới ngon). Sau đó vớt bánh ra cho ngay vào tô nước lạnh, để bánh không bị dính nhau.
– Ngâm bánh trong nước lạnh tới khi nào bánh nguội hẳn rồi thì vớt ra xếp lên dĩa.
– Rắc một ít mè rang  lên là ăn được rồi.
  • Bánh chay:

– Phần bột dùng làm bánh chay ta cũng ngắt ra từng viên bột như bước đầu tiên khi làm bánh trôi, nhưng viên to gấp đôi. Cũng xoe tròn, ấn dẹp, nhét nhân vào rồi đậy lại và xoe tròn lại, nhưng thay vì làm nhân đường phên thì dùng nhân đậu xanh đã làm ở trên. Còn hình dạng của bánh thì bạn có thể để tròn, hoặc ấn dẹt ở giữa cho lõm xuống, dễ ăn và cũng dễ chín hơn.

– Có thể nấu bánh cùng lúc với bánh trôi. Và nguyên tắc cũng là khi bánh nổi lên thì vớt ra cho ngay vào nước lạnh đến khi nguội…Sau đó gắp ra để riêng.

– Làm phần nước đường ăn với bánh chay:

– Bánh chay không ăn khô như bánh trôi mà phải nấu nước đường.

– Chuẩn bị nồi nấu lượng nước đủ để làm bánh, nấu sôi rồi thả đường phèn vào khuấy tan. Nếm thử có vị ngọt thanh là được. Nước sôi thì trút bột sắn dây đã hòa tan vào, vừa trút vừa khuấy đều. Tới khi nước sôi trở lại, trong veo, sánh nhẹ, thì cho một muỗng nước gừng vào khuấy lên. Nước đường cho bánh chay sẽ có dạng sánh nhẹ, vị ngọt thanh dịu thoang thoảng mùi gừng.

Trình bày:

– Bánh trôi xếp xúm xít nhau trên dĩa nhỏ.

– Bánh chay theo truyền thống chỉ cho vào 3 viên trong 1 bát. Vì vậy ta gắp 3 viên bánh xếp vào bát sau đó đổ nước vào ngập bánh. Lại rắc tiếp một ít đậu xanh nguyên hạt lên. Đến lúc sắp ăn thì rắc mè rang, dừa , tinh dầu bưởi vào cho thơm.

Bảo Tố

Cách muối DƯA HÀNH ngon đón Tết

Dưa hành hay Hành muối là món ăn Tết nổi tiếng trong câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”… Dưa hành vị thanh, chua dịu, hăng nhẹ để ăn với bánh chưng, rất phổ biến ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam thì món này biến thể thành dưa món, dưa kiệu có vị ngọt hơn. Cách làm Dưa hành rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • HÀNH củ: 1kg
  • Muối: 70g
  • Đường: 1 muỗng canh
  • Dấm, rượu, nước, 1 mẩu củ gừng cạo vỏ, đập dập (không thích vị gừng thì khỏi bỏ)

Cách làm:

mav108

1. Hành để làm dưa hành là hành có củ to. Chọn hành bánh tẻ hoặc hành già. Hành bánh tẻ thì làm nhanh, vị thanh hơn. Hành già vị nặng, làm lâu hơn. Loại nào cũng ngon tùy người.

2. Hành mua về cắt rễ (LƯU Ý chỉ cắt rễ, chừa lại gốc), bỏ lớp áo ngoài, bỏ hết phần lá hành màu xanh, chỉ lấy một khúc ngắn phía đầu. Rửa hành qua vài lần cho sạch đất cát rồi ngâm qua nước gạo vài tiếng (Nếu mua hành già thì ngâm lâu hơn cho hành bớt hăng). Sau đó vớt ra để ráo.

3. Bắc nồi đun sôi 1,5 lít nước với 70g muối, 1 muỗng canh đường, cho gừng vào đun cùng. Nhắc nồi ra để cho nguội bớt rồi bỏ 1 muỗng dấm, 1 muỗng rượu vào. Chờ nguội hẳn.

4. Chuẩn bị keo / lọ có nắp, tráng qua nước sôi cho sạch. Sau đó xếp hành vào lọ, rồi đổ nước muối đường đã nguội vào ngập hành. Dùng 2 nan tre hoặc bịch nilon nước chèn cho hành luôn luôn chìm trong nước.

5. Đậy nắp lại để trong nhiệt độ thường khoảng 1 tuần là bắt đầu ăn được rồi. Nếu trời có nắng thì đem ra nắng phơi, dưa sẽ giòn và nhanh chua hơn.

*** Dưa hành vị hăng nhẹ, thơm, chua dịu, ăn với bánh chưng giúp chống ngấy mà còn tăng hương vị, rất ngon. Trước khi ăn có thể pha chút nước mắm, ớt bột nếu muốn đậm hơn.

*** Dưa hành trước khi ăn có thể rửa qua nước muối, rồi bóc lớp ngoài chừa lại phần trắng cho đẹp mắt. Nếu ăn không hết thì cho vào bát cất tủ lạnh, không đổ lại trong lọ vì như vậy sẽ làm dưa dễ bị hỏng.

Bảo Tố

Cách làm GIÒ XÀO (GIÒ THỦ)

 Giò xào (miền Nam gọi là giò thủ) là món ăn truyền thống rất hấp dẫn, thường thấy vào dịp Tết. Cách làm Giò thủ khá dễ dàng.
Nguyên liệu làm món GIÒ XÀO ngon đón Tết

  • 1 cái tai heo độ 500g
  • 300g thịt chân giò, hoặc thịt mũi, thịt thủ nếu bạn ăn được mỡ
  • 50g mộc nhĩ, hạt tiêu, 3 củ hành khô
  • Nước mắm, muối hạt.
Các bước làm GIÒ XÀO (GIÒ THỦ)


Thịt mua về bóp muối hạt, cạo sạch lông rồi rửa thật sạch.

Thái thịt hình con chì cỡ ngón tay.

Phần có mỡ bạn nên thái mỏng hơn 1 chút.

Mộc nhĩ ngâm nở thái sợi.

Đổ nước ngập mặt thịt, đun đến khi sôi sùi hết bọt đen thì tắt bếp.

Cho thịt ra rửa lại bằng nước lạnh cho sạch rồi để ráo nước.

Hành khô thái nhỏ.


Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành khô.

Sau đó cho thịt vào xào, nêm 2 thìa canh nước mắm (bạn chỉ nên dùng nước mắm thôi cho thịt được thơm nhé).

Đến khi thịt săn lại thì cho mộc nhĩ vào xào chừng 10 phút nữa cho mộc nhĩ chín hẳn, thịt hơi xém cạnh thì rắc hạt tiêu vào, tắt bếp. Ở công đoạn này bạn không nên xào thịt quá kỹ kẻo giò sẽ bị khô, còn nếu xào chưa đủ độ thì giò sẽ kém thơm, vậy nên bạn chỉ xào đến khi thịt bắt đầu tiết mỡ và có màu vàng hơi xém thôi nhé.

mav082
Cho giò vào 1 chai lavi 1,5l đã cắt bỏ miệng, vừa múc giò vào vừa dùng muôi ấn chặt xuống, giò sẽ tiết ra rất nhiều mỡ và bạn có thể gạn ra nhé.
mav083
Đến khi hết thịt thì dùng vật nặng đè lên để giò dính chặt lại với nhau. Ở đây mình dùng một chai rượu để lên, tiếp tục ấn xuống và để yên như vậy đến khi giò đông lại. Khi lấy ra chỉ cần úp ngược chai lên, bóp nhẹ là giò sẽ tự động rời ra.

Với thời tiết lạnh như hiện nay chỉ cần khoảng 4-5 giờ bạn đã có thể cắt giò đển ăn. Món giò xào tự làm rất hợp vệ sinh và thơm ngon, khác hẳn giò mua ngoài chợ đấy!

Sau khi cắt ăn từng khoanh một, số giò còn lại bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm bọc quanh thật kín, cất vào tủ lạnh ăn dần.

Những miếng giò giòn sần sật, béo ngậy lại đậm đà sẽ là món rất ngon để bạn trổ tài mỗi khi mùa đông về hoặc làm đem đi biếu trong dịp tết.

Chúc các bạn thành công với cách làm giò xào này nhé!

Theo Panda, ảnh: aFamily.vn / Pháp Luật Xã Hội

Nguồn: http://afamily.vn/an-ngon/me-dau-chia-se-cach-lam-gio-xao-that-ngon-don-tet-20140108095232963.chn

Cách làm BÁNH KHOAI MÔN

Bánh (Mứt) khoai môn ngọt dịu, thơm mùi khoai môn điểm chút vị ngò sẽ là một món ăn lạ và hút khách ngày Tết. Khi ăn nên pha sẵn bình trà nóng sẽ ngon hơn.

Nguyên liệu:

– Khoai môn: 500g

– Đường trắng: 200g

– Ngò (rau mùi) xắt nhỏ (không thích thì khỏi bỏ)

– Muối, vani, dầu ăn.

Cách làm:

mav023

1. Khoai môn rửa sạch, gọt vỏ, sau đó xắt thành từng viên nhỏ vừa ăn. Ngâm với nước muối khoảng 1 tiếng rồi vớt ra, để ráo.

2. Bắc chảo dầu đun nóng, rồi cho khoai vào chiên chín vừa. Khoai chín thì vặn to lửa để khoai không hút dầu. Sau đó vớt ra để lên giấy thấm dầu cho ráo.

3. Phần dầu còn lại trong chảo chắt ra ngoài bớt, rồi cho ngò xắt nhỏ vào phi thơm. Sau đó vớt ngò ra ngoài. (Không ăn ngò thì khỏi làm bước này).

4. Bắc nồi cho tí nước vào rồi cho đường vào đun lửa vừa cho tan đường. Đường quánh lại thì trút khoai cùng với ngò đã phi vào sên. Vặn nhỏ lửa vừa đun vừa đảo nhẹ tay cho tới khi đường kết tinh lại thành bột trắng khô thì tắt bếp. Rải 1/3 muỗng cafe muối và rắc 1 ống vani vào trộn đều.

5. Để mứt nguội hẳn thì cho vào lọ.

Bảo Tố

Cách nấu CHÈ KHO

CHÈ KHO là món ăn cổ truyền thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng, thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết.

Nguyên liệu:

  • 500g đậu xanh không vỏ
  • 300g đường đỏ
  • Nửa trái thảo quả, sấy khô, tán nhỏ rây thành bột mịn. (mua ở tiệm thuốc Bắc)
  • 1 muỗng cafe mè trắng rang chín, xát bỏ vỏ.

Thực hiện:

1. Đậu xanh ngâm nước khoảng 4-5 tiếng cho nở mềm. Có thể ngâm bằng nước ấm cho nhanh nở. Sau đó vớt ra rửa sạch.

2. Hấp đậu xanh cho chín mềm. Sau đó dùng cái vá hoặc muỗng tán hạt đậu cho nhuyễn (dùng chày giã cũng được), mịn.

4. Bắc nồi nấu 300g đường đỏ với 500ml nước, nấu sôi cho tan đường. Sau đó chắt lấy phần nước đường, bỏ cặn.

3. Cho nước đường vào nồi vặn lửa nấu tiếp. Cho đậu xanh đã đánh nhuyễn vào nấu chung (nước đường sâp sấp mặt đậu), vừa nấu vừa khuấy liên tục kẻo chè bị cháy. Nấu đến khi nào nước cạn, hỗn hợp chè lên sền sệt thì rắc bột thảo quả vào khuấy lên cho đều, rồi tắt bếp.

4. Múc chè kho ra khuôn, ép chặt. Rắc mè lên trên. Chờ cho chè nguội, hơi cứng lại là được. Khi ăn xắt ra thành miếng.

*** Chè kho để ngoài được 2-3 ngày tùy thời tiết. Nếu muốn giữ lâu hơn thì để tủ lạnh.

Bảo Tố

Cách làm MỨT DỨA DẺO

MỨT DỨA với vị thơm ngọt quen thuộc và kết cấu dẻo mềm sẽ mang đến sự hấp dẫn, mới lạ cho mâm cỗ Tết nhà bạn.

Nguyên liệu:

  • 1 trái dứa chín
  • 500g đường
  • Nước cốt chanh
  • Vani, muối, 1 muỗng cafe phèn chua.
Thực hiện:
1. Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, khoét bỏ lõi. Xắt thành khoanh tròn, dày khoảng 0,5cm. Rắc 1 muỗng cafe muối vào dứa, ướp khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch. Để ráo.
2. Bắc nồi nước đủ luộc dứa, cho vào một chút phèn chua tán mịn, nấu sôi rồi cho dứa vào luộc sơ trong 5-7 phút. Sau đó vớt ra rửa nước lạnh cho sạch phèn.
3. Cho dứa vào thau, rắc hết đường vào dứa, trộn đều rồi phơi nắng khoảng 3 tiếng cho đường chảy ra thành sirup.
4. Bắc chảo lên bếp vặn lửa vừa, trút thau dứa ướp đường vào đun sôi. Sau đó vặn lửa liu riu. Sên tới khi nào nước đường dứa gần khô cạn thì chan vào 1 muỗng canh nước cốt chanh.
5. Tiếp tục đun đến khi đường sệt quánh kéo thành sợi tơ thì rắc 1 ống vani vào, tắt bếp. Gắp mứt bỏ lên vỉ hoặc nan, để ngoài nơi thoáng mát tới khi khô nguội hẳn thì xếp vào lọ.

Cách làm MỨT ĐẬU TRẮNG

MỨT ĐẬU TRẮNG là món ăn đơn giản nhưng được ưa thích bởi vị thơm bùi của nó. Công thức làm mứt đậu trắng rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Đậu trắng khô: 250g (ra chợ hỏi đậu hột to để làm mứt)
  • 300g đường
  • Vani
  • Gừng băm nhỏ (tùy thích)
  • Thuốc muối (baking soda, ra chợ hỏi thuốc muối nấu chè…nếu không có cũng không sao, ngâm đậu lâu hơn 1 tí)
  • Chút muối

Cách làm:

1. Đậu ngâm trong 1 lít nước, rắc thêm 1/2 muỗng cafe muối và 1/2 muỗng cafe thuốc muối. Ngâm khoảng 4 tiếng cho nở to. Nếu không có thuốc muối thì ngâm qua đêm. Sau đó rửa lại đậu cho sạch. Để ráo.

2. Cho đậu vào tô, rắc đường vào rồi trộn lên thật nhẹ nhàng kẻo đậu bị nát. Ướp 6-8 tiếng (qua đêm) tới khi nào đường chảy ra hết ôm vô đậu căng bóng, là được.

3. Bắc chảo đổ toàn bộ đậu ướp đường vào chảo, nấu với lửa vừa. Thỉnh thoảng đảo nhẹ tay cho đường quyện đều vào đậu. Thấy đậu hơi khô thì bốc gừng băm rải vào. Sên đến khi nào đường khô ra bột trắng thì rắc 1 ống vani vào. Trộn nhẹ rồi tắt bếp.

4. Kiếm cái vỉ hay tờ báo trải đậu lên để vậy cho tới khi khô hẳn, cất vào lọ dùng dần.

Bảo Tố

 

Cách làm DƯA GIÁ

Tết ở miền Nam ngoài bánh chưng bánh tét còn có thịt kho hột vịt, và để ăn thịt kho hột vịt được ngon, thì phải kèm theo món dưa giá này nữa.

Nguyên liệu:

  • 1kg giá
  • 1 củ cà rốt
  • Vài cây hẹ
  • Mẩu riềng (tùy thích)
  • 1 thìa cafe muối
  • 1 thìa canh đường

Cách làm:

1. Giá rửa sạch. Cà rốt bào vỏ, xắt thành sợi. Hẹ rửa sạch cắt thành khúc độ 7 phân. Riềng băm nhỏ.

2. Chuẩn bị hũ hay vại gì đó có nắp đậy. Tráng qua nước sôi cho sạch rồi trút hết rau củ vào.

3. Nấu nồi nước sôi, để còn hơi ấm thì cho muối và đường vào, nêm lại sao cho cảm thấy hơi mặn là được. Để nước nguội hẳn. Sau đó đổ nước này vào lọ cho vừa ngập mặt rau củ.

4. Kiếm đồ đè rau củ xuống chìm trong nước ngâm, gài kĩ không cho giá nổi hoặc bơi trong nước.

5. Để khoảng 2 ngày là dưa giá đã chua, ăn được rồi.

Bảo Tố

Cách làm MỨT VỎ CAM

Mứt vỏ cam là món mứt tuy mới phổ biến gần đây, nhưng rất được lòng nhiều người.

Nguyên liệu:

  • Cam vàng: 4 quả
  • 350g đường
  • Muối, mật ong
  • 1/4 ống vani
  • Đường bột mịn để áo mứt.
  • Chocolate đen (nếu muốn làm mứt bọc chocolate)

Cách làm:

1. Cam rửa sạch. Dùng dao xẻ ra làm 6 miếng đều nhau, sau đó tách vỏ ra [coi chừng rách] (hoặc lấy vỏ theo cách nào tùy bạn). Đem ruột 1 quả cam vắt lấy nước. Phần ruột còn lại không dùng đến.

2. Vỏ cam dùng dao gọt bớt lớp màu trắng. Sau đó xắt tiếp lần nữa thành sợi có chiều ngang khoảng 1-2cm (có thể dùng đồ xắn củ cải xắn hình răng cưa cho đẹp). Cho vào nước, nấu sôi rồi vớt ra, rửa lại bằng nước lạnh. Thay nước mới, nấu và rửa tiếp 2 lần nữa. Sau đó để cho ráo nước (nấu nhiều lần vậy cho vỏ cam bớt đắng, còn nếu muốn ăn đắng cho bổ thì bớt số lần nấu lại).

3. Vỏ cam ráo nước cho vào tô, ướp với phần nước của 1 trái cam đã vắt khi nãy + 350g đường + 1/4 muỗng cafe muối + 3 muỗng cafe mật ong, ướp khoảng 2-3 giờ cho ngấm.

4. Bắc nồi hoặc chảo. Trút tô vỏ cam cùng với nguyên liệu ướp vào, đổ thêm 1/2 chén nước lã cho ngập vỏ cam, vặn lửa to nấu cho sôi rồi vặn liu riu để sên, vừa sên vừa đảo đều cho tới khi đường tan chảy kéo thành sợi tơ, nước khô đi, vỏ cam lên màu trong, thì tắt bếp, vẩy vani vào.

5. Gác cái vỉ lên bếp vặn thật nhỏ lửa (hoặc bếp tro âm ỉ), xếp mứt vỏ cam lên hong cho tới khi mứt khô hẳn (nếu có lò thì đem sấy ở nhiệt độ 100 độ C, còn nếu không có gì cả thì cứ để mứt lên vỉ, từ từ 1-2 ngày mứt sẽ tự khô dần). Mứt khô rồi thì ta tẩm qua một lớp đường bột mịn nhìn cho hấp dẫn. Sau đó cho vào lọ đậy nắp để bảo quản.

*** Bạn cũng có thể nấu chảy Chocolate rồi nhúng mứt vào, để cho chocolate khô lại là thành mứt vỏ cam Chocolate như ảnh dưới đây:

Bảo Tố

Cách làm BÁNH THUẪN

BÁNH THUẪN (có nơi kêu là bánh thửng) là món ăn Tết phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Cách làm bánh thuẫn bằng bột bình tinh sẽ cho ra bánh có vị mát ngậy, nặng tay, mang hương vị cổ truyền, chứ không có nhẹ hều và ăn xốp rộp như bánh làm bằng bột mì ngoài chợ.

Nguyên liệu:

  • 10 hột vịt (hoặc gà)
  • 800g bột bình tinh mịn
  • 200g bột năng rây mịn
  • 1kg đường
  • 1 ống vani
  • Khuôn đúc bánh thuẫn (ra chợ mua, 1 khuôn thường làm được 6-8 bánh 1 lần)
  • Dầu phộng hoặc dầu ăn
  • Lò than

Cách làm:

1. Hột vịt đánh mạnh tay cho nổi bông, sau đó cho đường vào đánh tan đường, sao cho hỗn hợp nổi bông đặc, nhỏ thử 1 giọt vào chén nước thấy không bị tan là được. Tiếp theo cho tất cả bột và vani vào quậy đều theo 1 chiều tới khi nào tất cả nguyên liệu hòa quyện vào nhau mịn màng.

2. Để khuôn lên lò than đã đỏ, đậy nắp lại, gắp than nóng để lên nắp để làm cho nóng cả 2 mặt khuôn. Mở nắp ra, lấy miếng vải cột vô đầu đũa (hoặc dùng cọ sơn, cọng lá chuối đập dập đầu) nhúng tí dầu phộng (dầu ăn) rồi quết lên mấy lỗ đúc bánh trên mặt khuôn cho trơn.

3. Khi khuôn nóng, ta múc bột đổ vào hết lỗ làm bánh trên khuôn, canh đổ sao cho bột vừa tới mép khuôn là được, rồi đậy nắp khuôn lại. Tiếp tục lấy kẹp gắp than đang đỏ dưới lò bỏ lên nắp cho cái bánh chín đều. Khoảng 4-5 phút là bánh chín. Thử bằng cách đâm cây tăm vô coi bột có dính đầu tăm không, không dính là chín. Bánh chín dùng cây nhọn khều ra.


4. Lúc này bánh đã ăn ngon rồi. Tuy nhiên để bảo quản bánh được lâu ta cần xếp bánh lên nong rồi hong lên bếp nhỏ lửa hoặc bếp tro nóng tới khi nào vỏ bánh khô giòn. Làm vậy bánh săn chắc ngon miệng mà còn khó bị mốc hơn.

5. Bảo quản bánh trong túi kín.

*** Nếu muốn bánh nở bung xòe ra thì cho thêm xíu bột nổi khi quậy bột.

*** Pha bột năng vô để bánh có độ giòn xốp, nếu không thích thì khỏi dùng bột năng, tất cả bằng bột bình tinh cũng không sao, thậm chí là nhiều người thấy ngon hơn.

Bảo Tố

Cách làm DƯA MÓN

Dưa món là món ăn kèm không thể thiếu trong dịp Tết ở khu vực miền trung và miền nam. Dưa món truyền thống thường có nguyên liệu là đu đủ, kiệu, cà rốt, su hào… nhưng bạn có thể tùy biến một chút theo sở thích của người trong gia đình.

Nguyên liệu:

  • Mua 1KG nguyên liệu gồm những loại sau: Đu đủ, cà rốt, củ kiệu Huế, ớt hiểm, hành tím, su hào (tùy bạn cân chỉnh số lượng hoặc số loại)
  • 600g đường
  • 600ml nước mắm
  • Muối, bột ngọt

Cách làm:
– Hành tím & kiệu ngâm rửa nhiều lần cho sạch, lột lớp ngoài, bỏ rễ. 2 loại này để nguyên củ không thái nhỏ.

– Các nguyên liệu khác gọt vỏ rồi thái đồng tiền, cọng, hoặc dùng đồ xắn nhỏ vừa ăn. Đừng nhỏ quá vì phơi xong sẽ teo lại.

– Cho tất cả nguyên liệu vào ngâm trong nước muối khoảng 20 phút, rồi vớt ra xả cho sạch. Bóp cho ra bớt nước. Làm vậy khoảng 2-3 lần để cho củ quả hết bị hăng.

– Đem tất cả ra phơi 3 nắng (khoảng 20 giờ). Phơi trải mỏng ra cho khô đều. Khi nguyên liệu khô queo, teo tóp lại thì đem vào nhà.

– Bắc nồi nấu 500ml nước mắm với 500g đường cho sôi, rồi nêm thêm 2 muỗng cafe bột ngọt vào, đợi tan hết đường thì tắt bếp. Để nguội hẳn.

– Củ quả phơi khô xong đem vô nhà trụng qua nước sôi để rửa sạch bụi dơ. Sau đó vớt ra để ráo.

– Chuẩn bị hũ thủy tinh có nắp, ngâm tráng qua nước nóng cho sạch rồi xếp nguyên liệu vào, xếp sao cho gắp chỗ nào cũng được nhiều loại, chứ không phải gắp tới nửa hũ rồi mới thấy dưa kiệu.

– Xếp xong thì đổ hỗn hợp nước mắm đường (đã nguội hẳn) vào, dùng bịch nilon nước hoặc nan tre gài lại, chèn sao cho rau củ chìm hẳn xuống nước mắm là được. Đậy nắp lại 2-3 ngày là ngấm, ăn được.

Bảo Tố

CÁCH LÀM DƯA KIỆU KIỂU TRUYỀN THỐNG

Trong khi miền Bắc thường ăn dưa hành, thì miền Trung và miền Nam thường có dưa kiệu vào dịp Tết. Dưa hành có vị thơm thanh nhẹ, chua dịu, còn dưa kiệu vị chua ngọt đậm đà.

Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm Dưa kiệu

Nguyên liệu:

  • Củ Kiệu: 1kg Chọn kiệu Huế ngon hơn các loại khác.
  • Tro bếp: 1 chén
  • Muối: 50gr
  • Đường: 500gr
  • 800ml dấm trắng

Thực hiện:

– Kiệu bỏ lá, để lại phần rễ. Ngâm rửa nhiều lần cho sạch đất cát tới khi nước rửa trong thì thôi.

– Ngâm kiệu vào thau với một lượng nước ngập mặt kiệu. Cho thêm chén tro bếp vào. Ngâm khoảng 1 ngày.

– Xả lại kiệu cho sạch sẽ. Sau đó cắt hết rễ. Phơi nắng 3 lượt cho kiệu khô hẳn.

– Đem vào cắt kĩ đầu kiệu cho hết rễ, lột luôn lớp vỏ lụa. Ngâm ngập kiệu trong nước cùng với 50g muối trong nửa ngày. Sau đó vớt kiệu ra để ráo.

– Bắc nồi đổ dấm, đường và 1 muỗng cafe muối nấu sôi, hớt bọt kĩ, rồi tắt bếp. Để nước này nguội hẳn.

– Chuẩn bị keo thủy tinh, ngâm tráng qua nước nóng cho sạch. Sau đó sắp kiệu vào rồi đổ nước dấm ngập kiệu. Dùng một túi nilon nước cột chặt đè lên mặt ngâm cho kiệu không bị nổi lên khỏi nước.

– Để khoảng 20 ngày là ăn được.

Bảo Tố

Cách làm MỨT TẮC

MỨT TẮC (quất) là loại mứt hấp dẫn nhiều người. Bên cạnh vị ngọt, mứt tắc có vị chua, đắng và thơm, bên trong một kết cấu dẻo, dai, giòn và màu sắc bắt mắt. Đây cũng là một món mứt Tết rất được ưa chuộng vào dịp Tết vì ngoài hương vị lạ miệng còn giúp giải ngán hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • 1 ký tắc xanh hanh vàng, còn 1 núm ở cuống. (dùng tắc vàng cũng được, đẹp hơn, nhưng không thơm bằng)
  • 700g đường cát
  • Vôi trắng (ăn trầu): 1 cục bằng ngón cái
  • Phèn chua: 1 chút, giã nhỏ
  • Muối
  • Vani: 1 ống

Cách làm:

– Tắc rửa kỹ. Sau đó dùng lưỡi lam gọt nhẹ lớp vỏ xanh (gọt thật mỏng, nhẹ tay coi chừng rớt cuống…Không gọt cũng được nhưng gọt thì bớt đắng và ngấm hơn). Chuẩn bị thau nước pha 1 muỗng canh muối, gọt quả nào xong thì thả quả đó vào nước muối ngâm khoảng 30 phút.

– Dùng dao khứa xung quanh vỏ tắc (khứa đều một tí để bóp xong ra bông hoa 5 cánh đẹp) rồi bóp nhẹ cho ra bớt nước, khều bỏ hết hạt.

– Vôi trắng hòa vào nước, lắng lấy nước trong. Sau đó ngâm tắc vào trong nước vôi qua đêm, rồi vớt tắc ra, rửa thật sạch bằng nước.

– Bắc chảo lên bếp, cho phèn chua và nước vào hòa tan, nấu sôi rồi trút hết tắc vào. Đậy nắp lại, tắt bếp, để ngâm vài giờ.

– Vớt tắc ra rửa lại lần nữa cho sạch vôi, rồi để ráo nước.

– Cho tắc trở lại chảo cùng với đường và muối, đem phơi nắng tới khi đường tan ra hết thì lại rinh vào nhà bếp. Đun tắc trên lửa nhỏ khoảng 10 phút rồi lại tắt bếp. Rinh chảo ra nắng phơi tiếp phát nữa (phơi nhiều tắc sẽ lên màu hổ phách). Phơi xong đem vô bếp trở lại.

– Bắc chảo lên bếp, sên trên lửa nhỏ. Vừa sên vừa múc nước đường trong chảo rưới lên tắc. Sên đến khi nước đường đặc lại kéo thành tơ dẻo quánh thì vớt tắc ra, sắp lên cái vỉ hay cái khay nào đó, đem phơi nắng lần 3 cho tới khi nào nước đường queo lại.

– Phơi nắng xong tắc sẽ đủ độ dẻo, dòn, dai… Lúc này cho vào lọ thủy tinh bảo quản để ăn dần được rồi.

Bảo Tố.

Cách làm MỨT CHÙM RUỘT

MỨT CHÙM RUỘT là món quà vặt tuổi thơ rất ngon đến mức mà sau này nhiều người vẫn không kiềm chế được khi nhìn lại. Tuy vậy hiện nay nhiều nơi làm mứt chùm ruột không đảm bảo, nên để an tâm hơn, người ta thường mua chùm ruột về nhà tự làm. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm một trong những món mứt “đắt hàng” nhất dịp Tết này.

Nguyên liệu:

  • 2kg chùm ruột (chọn trái to, tròn, ít khía cạnh để khó bị nát)
  • 1kg đường thẻ, giã nhỏ
  • Gia vị:
    – Nếu làm chua – cay – ngọt: Thêm 1 gừng to để nguyên vỏ giã nhuyễn và ớt bột
    – Nếu làm chua ngọt: Thêm ống vani.

Cách làm:

– Chùm ruột mua về nhặt lại quả sâu, bỏ cuống rồi làm ngay không để lâu.

– Lấy một nắm chùm ruột bỏ vô cái rổ, dưới rổ hứng cái thau để hứng nước chua. Lấy một vật có bề mặt tròn (ví dụ cái gáo dừa, hay cái thau nhỏ) đè lên chùm ruột, ép và xoay nhẹ để làm sao cho chùm ruột bị dập, ra nước chua mà không nát. Làm lần lượt cho hết nguyên liệu.

– Làm xong rồi, thì lại cho chùm ruột đã nhừ vào ngâm với nước chua qua đêm.

– Hôm sau vớt chùm ruột ra, rửa lại vài lần với nước. Tiếp tục cho từng nắm chùm ruột vào cái khăn vải, túm lại một đầu, bóp nhẹ và đều cho chùm ruột tiết ra hết nước (từ 2kg chùm ruột, vắt xong cân lại còn 1kg).

*** Các công đoạn ép – xả nước – vắt phải làm kỹ để chùm ruột ra hết nước, kẻo khi làm xong có vị chát.

– Đường thẻ đem hòa với 2 muỗng canh nước, cho lên bếp nấu cho tan đường. Lọc kĩ lại cho sạch nước đường. Sau đó cho chùm ruột vào ngâm trong nước đường khoảng 2-3 giờ.

– Tiếp theo vớt hết chùm ruột ra. Cho nước đường lên bếp đun tới khi nào nước đường dẻo dẻo, thì bỏ chùm ruột vào sên trên lửa vừa (không sên lửa nhỏ như các loại mức khác).

– Sên tới khi đường tan hết, chảo chùm ruột bắt đầu sôi thì ta nhỏ lửa, bắt đầu nêm gia vị: Cho gừng và ớt bột vào nếu thích làm vị cay ngọt. Nếu muốn làm vị chua ngọt thì cho vani vào. Sau khi cho gia vị vào thì nhớ là đảo đều tay, nhẹ nhàng. Đảo tới khi nào chùm ruột chuyển màu cam đỏ, đường ráo là được. Tắt bếp, nhấc xuống, vẫn đảo đều tay.

– Chùm ruột nguội hẳn thì cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.

Bảo Tố

Cách làm MỨT DỪA KHÔ

Mứt dừa là món mứt không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền. Mứt làm từ dừa khô không dẻo mềm như dừa non, mà dai giòn vừa phải, nhẩn nha hoài không ngán. Đây cũng là loại mứt dễ làm.

Nguyên liệu:

  • Dừa già: 1kg (hoặc 2-3 trái dừa khô về tự lấy cùi)
  • Đường: 300g
  • Sữa tươi: 300ml [có thể chọn sữa có màu như sữa cam, sữa dâu, sữa socola để tạo màu cho mứt]
  • Vani: 1 ống

Thực hiện:

– Dừa già bỏ vỏ nạy vỏ nâu bên ngoài đi, còn lại phần cơm màu trắng. Đục một lỗ to trên trái dừa, rồi dùng dao nương theo cạnh xắt thành miếng dài, mỏng đều.

– Đun ấm nước ấm đổ vô thau dừa. Ngâm khoảng 15 phút rồi vớt ra rửa lại cho bớt dầu dừa, để ráo, sau đó chuyển dừa vào chảo.

– Trút sữa tươi và đường vào chung với dừa, quậy đều rồi để 4-5 tiếng (qua đêm) cho đường ngấm vào dừa. Lúc này sợi dừa đã hơi trong.

– Bắc chảo lên bếp,  xên mứt dừa với lửa nhỏ khoảng 1 tiếng là sữa cạn, dừa cũng kịp khô. Lúc sên nhớ canh chừng, đảo nhẹ và đều tay, vì dừa rất dễ bị cháy.

– Tiếp theo cho vani vào xóc lên cho đều rồi tắt bếp. Trút hết dừa ra nong, nia để nơi thoáng mát cho dừa nguội, khô hẳn, rồi mới bỏ vô lọ để trữ.

*** Nếu muốn mứt dừa có màu sắc,  bạn cho sữa có màu, hoặc màu thực phẩm, màu tự nhiên vào cùng lúc với lúc cho sữa tươi & đường. Nếu làm nhiều màu thì chia ra ngâm riêng từng màu.

Bảo Tố

CÁCH LÀM MỨT KHOAI LANG DẺO

Mứt khoai lang dẻo dẻo, bùi bùi, ngọt dịu là món ăn ưa thích của nhiều người trong dịp Tết. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm món này một cách đơn giản và đảm bảo sạch sẽ an toàn.

Nguyên liệu:

  • 1,5 kg khoai lang vàng, chọn được củ nhỏ, dài, thẳng thì tốt.
  • 50g đường
  • 1 ống vani
  • 2 muỗng cafe phèn chua
  • 1 cục nhỏ vôi trắng

Cách làm:

– Khoai lang gọt vỏ buổi trưa, đem ngâm nước có hòa 1 muỗng cafe phèn chua. Tới tối thì vớt khoai ra xả với nước cho sạch phèn. Để ráo rồi cắt khoai thành miếng nhỏ vừa ý, gọt bớt cạnh để khi sên chín khoai không bị bể.
– Lóng nước vôi trong rồi ngâm khoai vào trong 1 đêm.
– Hôm sau vớt khoai ra, để vào rổ thưa cho ráo nước.
– Bắc chảo, cho nước vào nấu hơi sôi rồi cho muỗng cafe phèn chua còn lại vào hòa tan. Sau đó trút khoai vào nước sôi lăn tăn trụng qua rồi vớt ra ngay, cho vào rổ để ráo.
– Bắc chảo nấu sôi đường trong 1/2 chén nước, đường tan thì trút khoai vào xên với lửa liu riu khoảng 30 phút, tắt lửa. Để nguyên nồi khoai trong 8-10 tiếng cho ngấm nước đường.
– Tiếp tục sên nồi khoai cho tới khi đường cạn queo, rắc vani, đảo đều tay. Sau đó nếu có đồ sấy thì cho khoai vào sấy khô. Không có thì để cái vỉ gác ngang chảo, sau đó gắp từng miếng khoai để lên đó (tức là không cho khoai đụng chảo nhưng vẫn ở trên mặt chảo) hong cho khoai khô trên lửa riu riu, khoai khô hẳn, để nguội là ăn được.

Bảo Tố