6 NGÔI CHỢ NỔI ĐỘC ĐÁO Ở MIỀN TÂY NAM BỘ

Chợ nổi là loại hình chợ đặc biệt ở những vùng sông nước như miền Tây Nam bộ nước ta. Có lẽ ít ai đi chơi miền Tây mà không một lần thức dậy sớm để ra thăm chợ nổi, nhìn những ghe thuyền chứa đầy sản vật miền quê tấp nập ngược xuôi trên dòng nước phù sa.
Về Long Xuyên để khám phá chợ nổi còn nét nguyên sơ, đến Trà Ôn để thưởng bún bò viên rau chuối hay ghé Sóc Trăng nghe những câu vọng cổ đậm chất miền Tây.

Dưới đây là 6 khu chợ nổi đặc sắc của miền Tây bạn nên khám phá nếu có dịp về vùng đất Cửu Long.

1. Chợ nổi Ngã Bảy – Hậu Giang

Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là một khu chợ nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ vậy đây còn là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch.

Chợ nổi Ngã Bảy, nét duyên của cô gái miệt vườn sông nước. Ảnh:Saigonstartravel.

Du khách sẽ được thấy cảnh bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau quả, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây hay mặt hàng thì nó sẽ được treo lơ lửng trên một cây sào cao gọi là cây bẹo như là một cách quảng cáo.

Có dịp đến đây du khách hãy thử lênh đênh trên mặt nước thưởng thức ly cà phê sóng sánh, nghe câu vọng cổ miên man và ngắm những tà áo bà ba nườm nượp mua bán trên ghe vô cùng thú vị.

2. Chợ nổi Ngã Năm – Sóc Trăng

Là tên gọi của khu chợ nổi tiếng ở thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nằm ở vị trí giao nhau của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị và Phụng Hiệp. Đây là chợ nổi khá lâu đời và cũng nhộn nhịp nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Khác với những khu chợ nổi khác, chợ Ngã Năm bắt đầu họp từ lúc 3h sáng, đến 5h thì chợ đông đúc hơn nhưng 8h phiên chợ bắt đầu tan. Từ xa xa du khách sẽ thấy những cây bẹo treo lủng lẳng hàng hóa như cải bắp, khoai tây, cà chua, hành, tỏi, ớt…

Với 10.000 – 20.000 đồng du khách sẽ được ngồi trên ghe dạo toàn cảnh khu chợ. Ảnh: Saigonphoto.

Có thể nói chợ nổi Ngã Năm có hầu hết sản vật của đồng bằng sông Cửu Long từ các loại gạo nổi tiếng của vựa lúa miền Tây đến các loại rau củ quả của miệt vườn Nam Bộ đến tôm, cua, cá sản vật đặc trưng của vùng sông nước. Chợ đông vui với những lời mời gọi của các bạn ghe, những hàng quán bồng bềnh di động như cháo, hủ tiếu, bún cá, cà phê…phục vụ nhu cầu cho du khách tham quan thưởng thức.

Chợ nổi Ngã Năm vẫn còn mang nét nông thôn bình dị hấp dẫn, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây trong những chiếc áo bà ba, những điệu hát ngọt ngào của ca cổ miền Tây, những câu nói thân thương đậm chất Nam Bộ.

3. Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ

Là khu chợ nổi tiếng của mảnh đất Tây Đô thu hút đông đảo lượng du khách ghé đến mỗi khi có dịp du lịch Cần Thơ. Chỉ cách bến Ninh Kiều khoảng 4 km, du khách mất chừng 30 phút cho một hành trình bằng đường thủy từ bến Ninh Kiều.

Chợ nổi Cái Răng là điểm đến đặc biệt ở Cần Thơ. Ảnh: Hương Chi.

Chợ bắt đầu từ 5h sáng, đến 6h ghe thuyền các nơi đã đậu tấp nập và sầm uất. Nét đặc biệt ở chợ này chính là buôn bán các loại trái cây nổi tiếng của vùng đất phương Nam từ bưởi năm roi Vĩnh Long đến quýt hồng Lai Vung hay sầu riêng Cái Mơn…

Cũng như các chợ nổi khác người ta sẽ treo lên cây bẹo những loại hàng mà họ bán để du khách biết và mua. Đến đây du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, sông nước, buổi sáng sớm bồng bềnh trên những chiếc ghe, ngắm bình minh lên dần sau những mái ghe và cảm nhận khung cảnh nhộn nhịp độc đáo của chợ nổi trên sông.

4. Chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang

Chợ nổi Cái Bè thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang, ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, làm trạm trung chuyển trái cây, sản vật đi khắp mọi miền và đồng thời cũng là điểm tham quan hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.

Chợ nổi Cái Bè vựa trái cây của đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Mientay.

Khác với những chợ nổi bình thường chỉ họp buổi sáng, chợ nổi Cái Bè bắt đầu buôn bán từ lúc tinh mơ cho đến tối khuya. Khi bình minh vừa lên cũng là lúc chợ nổi đã nhộn nhịn như một phố nhỏ trên sông. Những chiếc xuồng bán hàng rong như phở, hủ tiếu, bún, các loại tạp hóa…chạy luồn lách theo các mạn ghe, tàu trông rất sinh động. Ngồi trên thuyền lênh đênh, thưởng thức tô hủ tiếu hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng là một trải nghiệm khó tả.

Khi mặt trời khuất sau rặng cây đàng xa cũng là lúc “phố nổi” lên đèn, những ánh đèn lung linh đổ bóng làm cho cả một đoạn sông trở nên sống động, rực rỡ đầy sắc màu. Đến đây du khách chắc chắn sẽ cảm nhận được nhiều điều mới lạ của chốn sông nước miền Tây.

5. Chợ nổi Long Xuyên – An Giang

Chợ nổi Long Xuyên không lớn như các khu chợ khác nhưng là một điểm du khách nên đến trong chuyến tham quan chợ nổi để tìm về nét bình dị, yên ả, nguyên sơ của con người và sông nước nơi đây. Chợ cách thành phố Long Xuyên khoảng 2 km, nằm dọc theo một bên của dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa.

Chợ nổi Long Xuyên, điểm đến cho những ai thích khám phá chợ nổi nguyên sơ, chân chất. Ảnh: Dulichhanhtrinhviet.

Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như: rau, dưa, cà, cải, bí, khoai…và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn…

Điểm đặc biệt là hàng hóa mua bán không thách đố, trả giá, nói sao bán vậy bởi chợ nổi nơi đây còn ít du khách ghé thăm, người dân thân thiện, thật thà, không bị tác động bởi thương mại hóa du lịch. Do đó đây là nơi thích hợp cho các du khách muốn khám phá nét hoang sơ, nguyên bản trong những khu chợ nổi ở miền Tây.

6. Chợ nổi Trà Ôn – Vĩnh Long

Chợ nổi Trà Ôn là khu chợ nổi cuối cùng nằm trên dòng sông Hậu của huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời nhất cũng như gắn liền với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực.

Chợ nổi Trà Ôn, ngôi chợ lâu đời và đậm nét văn hóa vùng sông nước. Ảnh:Blogspot.

Điểm đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn là nhóm họp theo con nước, buổi sáng chợ đông đúc nhưng tấp nập hơn là lúc con nước bắt đầu lên, nước càng lớn thì ghe, thuyền càng đông.

Do đó du khách dễ dàng khám phá khu chợ này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Đến đây du khách đừng bỏ quên món ăn đặc sản nổi tiếng là bún bò viên ăn kèm với rau chuối và nghe những điệu hát ngọt ngào củaTình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang trên quê hương của nghệ sĩ lừng danh Út Trà Ôn.

Văn Trãi (VNexpress.net)

4 KIỂU GIAN LẬN PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM, NGƯỜI TIÊU DÙNG CẦN CẢNH GIÁC

Chợ truyền thống, chợ trời vẫn là nơi đáp ứng được nhu cầu của số đông người dân vì sự tiện lợi và đa dạng cũng như giá thành của nó. Nhưng ở những nơi kinh doanh này lại mang nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với người tiêu dùng. Sau đây là 4 kiểu lừa đảo phổ biến nhất mà bạn nên lưu ý để tránh trở thành nạn nhân.
Thay lò xo của cân, trộn hàng ngon và dở với nhau, buộc dây chằng chịt lên mình của cua là cách mà nhiều người bán gian lận sử dụng để “rút ruột” khách hàng.

Tình hình buôn bán khó khăn, không chỉ cạnh tranh kinh doanh trong cửa hàng, chợ truyền thống mà bán hàng lề đường, chợ tạm cũng ganh nhau từng giá. Nắm bắt được xu hướng khách hàng ham giá rẻ, nhiều tiểu thương gian lận vẫn tìm đủ mọi chiêu để lấy tiền bất chính từ khách hàng. Dưới đây là nhưng ‘chiêu’ ăn gian phổ biến mà người tiêu dùng cần cảnh giác.

1. Cua buộc dây


Nhiều tiểu thương bán cua tại chợ tiết lộ, thông thường vào khoảng tháng 6-7 hàng năm, cua dạt thường có số lượng lớn. Người thu gom bán với giá rất rẻ, song vì chi phí vận chuyển và thu mua chiếm lượng lớn nên để đảm bảo có lời, thương lái thường giữ giá rẻ ổn định nhưng “ăn bớt” bằng cách buộc nhiều lớp dây lên cua. Họ còn nhúng cho chúng thấm nước, khiến trọng lượng nhẹ nhất cũng được thêm 2 lạng một kg.

“Tôi mua 2 kg được 5 con, loại này cỡ nhỡ. Khi thấy dây buộc quanh, lại ngấm nước tôi liền hỏi người bán thì họ trả lời là buộc cho cua gọn gàng, trọng lượng không đáng là bao. Tuy nhiên, về đến nhà mới tá hỏa dây buộc chiếm tới cả nửa kg, trong khi đó cua luộc rất óp, trong lỏng chỏng nước”, chị Hoa kể.Chị Hoa, ở quận Thủ Đức chia sẻ một tình huống khiến chị hứa không bao giờ mua cua giá rẻ ngoài đường. Trong một lần đi làm về qua con đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) thấy cua Cà Mau bán đầy đường, một kg chỉ 80.000 đồng, rẻ hơn so với các vựa ở TP HCM (thường có giá 120.000 đồng), chị liền ghé mua.

2. Ngâm nước một số loại rau và trái cây


Chị Thoa, người chuyên buôn bắp cải tại chợ Văn Thánh tiết lộ, để bắp cải giữ được lâu và tươi thì nước vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là cách mà chị có thêm tiền từ người mua. Vì nếu bán một ngày khoảng một tạ thì chị cũng có lời được thêm vài chục nghìn đồng nhờ trọng lượng tăng.

Cụ thể, bắp cải, vải thiều tại TP HCM là 2 sản phẩm thường xuyên được ngâm nước. Bắp cải thường có bẹ lớn nên khi ngâm nước sẽ chui vào bẹ. Còn vải thiều thông thường vỏ có khả năng thấm nước nên khi được ngâm, quả sẽ rất mọng.Bên cạnh yếu tố ngâm nước làm rau, trái cây tươi thì để đây cũng là cách để hàng của tiểu thương có thêm trọng lượng. Nếu thường xuyên tưới nước lên những sản phẩm rau củ và trái cây, thì một kg người bán có thể kiếm thêm 1-2 lạng.

3. Chỉnh cân


Chỉnh cân là cách mà khá nhiều tiểu thương áp dụng khi buôn bán. Một tiểu thương chuyên bán hàng trên xe đẩy tại chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) tiết lộ, để ăn bớt số lượng cách mà người tiêu dùng ít phát hiện nhất là chỉnh lò xo của cân. Đối với những khu vực người mua không để ý, người bán có thể thay lò xo gốc của loại cân 5kg bằng lò xo của loại 3kg. Như vậy, một kg vải thiều bán cho người mua trọng lượng thực chỉ khoảng 6-7gram. Còn đối với người mua tinh ý, thì dùng loại cân 3kg nhưng sử dụng lò xo của loại 2kg thì một kg vải thiều chỉ khoảng 8-9 lạng.

Để buôn bán “điệu nghệ” hơn và ăn gian theo ý muốn, nhiều tiểu thương chọn cách mài lo xo với máy mài đá. Lò xo càng mỏng thì cân càng nhẹ, trọng lượng ăn gian càng lớn. Cùng với đó, để tránh vị khách tinh ý phát hiện thì mỗi lần cân tiểu thương sẽ đặt sản phẩm lên cân một cách nhẹ nhành. Ngược lại,với người không để ý, người bán sẽ ấn mạnh sản phẩm xuống đĩa cân, lúc ấy trọng lượng món hàng sẽ trở nên nặng hơn, tiểu thương có thể cân gian được 3-4 lạng trong một kg.

4. Trộn hàng ngon dở lẫn lộn


Mới đây, chị Thanh, ở quận Bình Thanh vô cùng bức xúc khi mua phải sản phẩm kém chất lượng. Cụ thể, khi đến sạp bán gà tại chợ ở đường Ngô Tất Tố, bên ngoài chủ sạp trưng bày gà ta rất ngon. Sau khi thỏa thuận giá, chị Thanh đề nghị mua nửa con gà được  bày trên kệ. Tuy nhiên, chủ quán lại khuyên lấy gà trong bịch và vì trọng lượng vừa phải, lại mới mổ. Chị Thanh đồng ý, nhưng khi về chế biến, rửa và ngâm muối rất nhiều lần nhưng gà vẫn có mùi. Dù ướp gia vị đầy đủ nhưng khi kho gà chị mới phát hiện loại gà mà chị mua đã bị hỏng và không còn tươi. Vì vậy, nguyên nồi thịt gà kho của chị hôm đó phải đổ bỏ.

“Kể từ hôm đó, tôi tránh xa cửa hàng bán gà ấy. Kinh nghiệm mà tôi rút ra là không nên mua hàng theo lời khuyên của tiểu thương vì những sản phẩm mà người bán khen ngon là những sản phẩm ôi, thiu hoặc kém chất lượng. Vì muốn bán tống bán tháo nên họ tìm đủ mọi cách để mình tin tưởng. Cho nên, khi mua sản phẩm nên chính tay kiểm tra và chỉ mua những gì do mình lựa chọn”, chị Thanh khuyên.

Hồng Châu (VNexpress.net)

Nguồn: http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/nhung-kieu-ban-hang-gian-lan-can-canh-giac-3243627.html

Đi chợ Campuchia ngay giữa Sài Gòn

 

Đối với dân ở các tỉnh giáp biên với Campuchia, có lẽ những món ăn như mắm bò hóc, bún nước lèo, chè xôi xiêm, lá sầu đâu không đến nỗi lạ lùng, nhưng với cư dân Sài thành thì đó vẫn còn là những gì rất mới mẻ. Có lẽ vì cái sự mới lạ đó, mà hằng ngày luôn có nhiều người rủ nhau đến ngôi chợ nằm sâu trong hẻm nhỏ, để cùng thưởng thức thử những hương vị Chùa Tháp đặc trưng.

Chợ Campuchia là cách người ta gọi chợ Lê Hồng Phong, nằm trong hẻm 374 đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10. Địa bàn của khu chợ còn được gọi là phố Campuchia, hay phố Việt Kiều, vì nơi đây có một cộng đồng lớn dân cư là người Việt hồi hương từ Campuchia sau cuộc đảo chính hồi năm 1970 ở Campuchia. Người Việt hồi hương, phần vì nhớ mùi vị quê người, phần vì mưu sinh, đã không quên đem theo những món đặc sản Campuchia về với Sài Gòn, ban đầu chỉ là một nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, lâu dần đã hình thành nên khu chợ không giống bất cứ khu chợ nào khác trong thành phố.

Khu chợ nằm khuất trong hẻm, với nhà lồng chợ và những hẻm chợ trời bao quanh. Đi tới khu vực này là nhận ra ngay, vì bắt đầu được thấy những bảng hiệu bằng tiếng Campuchia, những nhà làm dịch vụ du lịch đi Nam Vang, Xiêm Riệp, tiếp đến là những quán ăn bày đầy những món lạ mắt. Tới khu vực nhà lồng chợ, thấy treo đầy cá khô đủ loại: cá trèn, cá kìm, và cả cá tra biển Hồ nổi tiếng… Vào trong nhà lồng, không khó để tìm mua các thứ gia vị cũng như đặc sản trong ẩm thực Campuchia: trái chúc, trái xăng, ngải búng, mắm bò hóc, đọt sầu đâu…

Món Campuchia được lưu ý nhất ở khu này, phải kể đến bún Num Bò Chóc. Đây là loại bún cá nước lèo rất phổ biến của xứ Campuchia, với phần nước lèo có mùi vị đặc trưng nấu từ mắm bò hóc và ngải búng, cá là cá lóc ăn kèm với các loại rau như đậu đũa, ngó súng, và ăn với muối ớt chứ không phải nước mắm. Quán Tư Xê, ở ngay cổng chợ, bán bún Num Bò Chóc đã 30 năm, là nơi dân tình thường kéo đến để thưởng thức. Thực khách ban đầu còn hơi ớn lạnh vì nghe mắm Bò Hóc, nhưng sau khi ăn vài lần, thì có kẻ đã sinh ghiền. Ngày nay, đi chợ Lê Hồng Phong mà không ăn bún Num Bò Chóc, coi như chưa biết mùi chợ.

Sau bún Num Bò Chóc, tên lạ, hương vị lạ, phải kể đến món ăn rất quen, là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Nam Vang thì ở chỗ khác cũng có, nhưng người ta thích ăn hủ tiếu Nam Vang ở đây, vì cho rằng đúng chất. Nhắc đến hủ tiếu Nam Vang ở đây, người ta thường nhắc quán Phú Quý, nhưng ngoài quán này còn hàng chục quán khác cũng rất ngon, bằng chứng là không có quán nào vắng khách. Các chủ quán hủ tiếu Nam Vang hầu hết là Việt kiều Campuchia hồi hương, chỉ riêng điều đó đủ tạo niềm tin cho thực khách là ăn không sợ lạc điệu.

Rồi thì phải kể đến đồ ăn vặt. Không dễ dàng gì mà một khu chợ khuất nẻo, lụp xụp, đường sá bất tiện lại cuốn hút được nhiều bạn trẻ, nếu như không có những hàng ăn độc đáo. Đó là những xâu chuối nướng kiểu Campuchia, nhìn thì hơi khô khan, nhưng ai ăn quen mới hiểu, vì sao cái món ăn có vẻ cục mịch, ít hấp dẫn này lại dám lặn lội ra tới xứ người. Rồi thì phá lấu, bánh khọt, bánh lọt, cháo đậu làm kiểu Campuchia, với đặc điểm là thường nấu với nước cốt dừa, lá dứa, đường thốt nốt, đường phèn…

Nhưng loại đồ ăn được nhiều bạn trẻ tìm tới nhất ở chợ này, là chè. Chè Campuchia ở đây nấu bằng đường thốt nốt, thường béo và không quá ngọt, và tạo hình rất bắt mắt. Món chè bí chưng, tiếng Campuchia kêu là Num À Pơi, làm từ trái bí ngô non bỏ hết ruột, trong có hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, nguyên liệu mua từ Campuchia, nhìn rất quyến rũ, mà hương vị cũng được nhiều người khen ngợi. Món chè bí chưng này có thể ăn riêng thành một món chè, hoặc cắt một miếng nhỏ bỏ chung với các nguyên liệu như thốt nốt, sầu riêng, nước cốt dừa… thành món chè thập cẩm kiểu Campuchia, ăn dễ liên tưởng tới chè Thái đã phổ biến mạnh ở Sài Gòn, nhưng tất nhiên mùi vị có khác. Rồi thì chè xôi xiêm, chè bà ba, chè thốt nốt, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ… có tên lạ, tên quen, nhưng tất cả đều được chế biến theo phong cách Campuchia. Các quán chè thường bán nhiều loại, tập trung ở gần cổng chợ, bà chủ sẵn lòng giới thiệu đặc điểm từng món cho các thực khách mới tới lần đầu.

Cứ như vậy, qua mấy chục năm tồn tại và phát triển, khu chợ len lỏi trong hóc hẻm một cách bí mật đã dần dần được biết đến như một tụ điểm ăn uống thú vị. Người ta đến chợ để ăn chè, ăn bún Num Bò Chóc, để mua các loại khô cá, các gia vị nấu món Campuchia, mà cũng để tìm hiểu đôi nét về văn hóa ẩm thực của một đất nước vừa rất quen vừa rất lạ.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

BA NGÔI CHỢ HOA NHỘN NHỊP NHẤT SÀI GÒN

Sài Gòn cũng là thành phố hoa, “thành phố mười mùa hoa” như cái biệt danh ai đó đã đặt. Hoa Sài Gòn không lang thang lắc rắc ngẫu nhiên như ở Đà Lạt, không mang nhiệm vụ báo hiệu mùa màng như những bông hoa ven hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, hoa Sài Gòn có một cách khoe sắc độc đáo và tất nhiên cũng rất Sài Gòn, đó là khoe sắc ở những chợ hoa.

Cả thành phố có 3 chợ hoa lớn: chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ hoa Đầm Sen và chợ hoa Hậu Giang. Gọi chợ hoa là một cách gọi, có người thích gọi rừng hoa, để cho nó tương phản với cảnh nhà phố bao quanh, và cũng để phân biệt với rất nhiều chợ hoa nhỏ lẻ khác. Chợ hoa Sài Gòn nên cũng mang đặc tính của Sài Gòn: không bao giờ ngủ. Thậm chí, các chợ hoa này còn chơi trội, chỉ thực sự nhộn nhịp vào khoảng nửa đêm về sáng.

Hoa tươi được bó sẵn ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Ảnh Hữu Khoa

Được dân tình biết đến nhiều nhất trong ba chợ trên, có lẽ là chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Nằm trong khu chung cư Lê Hồng Phong, quận 10, hòa chung với nhịp sinh hoạt kinh doanh của các hộ dân chung quanh, nhưng nét đặc trưng của một chợ hoa không hề bị hạn chế, mà ngược lại, chợ hoa Hồ Thị Kỷ trở nên một điểm nhấn, khổng lồ và đầy cuốn hút. Chợ hoa hay rừng hoa, phố hoa, tùy cách cảm nhận, với lối đi hẹp, những ngõ quẹo ngẫu nhiên, trong một khu vực rộng lớn, và đầy ắp hoa, khiến cho những kẻ yêu hoa, say đắm với những công trình muôn màu muôn hương của tạo hóa đã có lúc không tìm thấy lối ra khỏi chợ.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ có từ khoảng thập niên 80 của thế kỉ trước, không biết buổi đầu ra sao, nhưng những câu chuyện về chợ hoa Hồ Thị Kỷ lâu nay, thì luôn tràn ngập hoa với hoa. Chợ hoa sôi động ngày đêm, chỉ đến tầm 11 giờ tối, mới hơi vắng một chút, các chủ sạp cũng chọn giờ này để ngủ, chuẩn bị cho những chuyến hàng nườm nượp vào lúc 2-3 giờ sáng. Khoảng thời gian này, chợ tỉnh táo hơn đâu hết, với mùi hoa tươi sực nức, với những chuyến hàng hoa ngồn ngộn, những bông hoa còn vương mùi các vùng đất khác, từ Đà Lạt, Hà Nội, các tỉnh miền Tây.

Trong khi chợ hoa Hồ Thị Kỷ sung túc cả ngày đêm, hai chợ hoa lớn còn lại là chợ hoa Đầm Sen và chợ hoa Hậu Giang chỉ thực sự hoạt động khi thành phố lên đèn. Ban ngày, hai chợ hoa này gần như bị bỏ hoang, nhà lồng trống trải, với lác đác vài giỏ hoa chưa kịp đẩy đi. Nhưng cũng hai nơi này, càng về đêm, quang cảnh càng trái ngược với lúc ban ngày.

Chợ hoa Đầm Sen hoạt động sôi nổi về đêm, tại đây chủ yếu bán hoa từ Đà Lạt

Chợ hoa Đầm Sen ở số 39 đường Nguyễn Văn Phú, gần công viên Đầm Sen. Chợ này mới thành lập vào năm 2000, nên có dáng hiện đại và công nghiệp hơn chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Vẫn là một thiên đường hoa lộng lẫy, nhưng thiên đường ấy đã được sắp đặt bởi con người, với hai dãy sạp hoa thản nhiên ngay ngắn đứng chừa một lối rộng rãi cho khách cỡi ngựa xem hoa. Chợ hoa Đầm Sen có quy mô lớn, với khoảng 60 sạp hoa trong nhà lồng, chưa kể những cửa hàng quanh nhà lồng. Điểm hấp dẫn của chợ hoa Đầm Sen không nằm ở diện mạo chung, mà nằm ở từng đóa hoa. Trong hàng trăm chủng loại hoa được bày bán nơi đây, có những giống hoa lạ, quý hiếm, nhiều loại có gốc gác nước ngoài, được trồng theo công nghệ hiện đại, như hoa Tu Líp, Thiên Điểu, Thủy Tiên…Dưới sự tỏa sáng của những bóng đèn lắp đầy trong chợ, những bông hoa càng thêm lung linh, huyền ảo, tỏ ra đầy mời mọc đối với những ai có lòng đam mê hoa độc.

Chợ hoa còn lại mang tên Hậu Giang, nằm ở chân cầu Hậu Giang, trên đường Hậu Giang, quận 6. Cũng như chợ hoa Đầm Sen, chợ hoa Hậu Giang là một nhà lồng lớn với các sạp hoa dựng hai bên một lối đi. Và chợ hoa Hậu Giang cũng là một chợ tối nở sớm tàn, phải tầm khuya cho tới rạng sáng, chợ hoa mới thực sự hoạt động. Chợ hoa Hậu Giang lúc này là một không gian tràn ngập hoa, nhiều nhất là hoa cúc và hoa hồng. Hoa hồng chủ yếu nhập từ Đà Lạt, với đầy đủ các màu đỏ, hồng, vàng, trắng, mỗi màu một vẻ, mang những ý nghĩa riêng.

Ba chợ hoa kể trên, đều là chợ đầu mối, có thế mạnh bán sỉ. Riêng ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ việc bán lẻ có mạnh hơn hai chợ còn lại, với sự tiếp sức của hàng chục cửa hàng trang trí, kết hoa quanh chợ chính, cho nên trong khi giới thương lái thích cái ngay ngắn, thông thoáng, thuận tiện của chợ hoa Đầm Sen và Hậu Giang, thì người mua lẻ thường chọn chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Mua lẻ hoa ở các chợ này là sở thích của nhiều người, vì ngoài việc được lựa chọn ngắm nghía thỏa thuê, tùy hứng, thì còn được mua hoa với giá rất rẻ, vì người bán hầu như không thèm nói thách. Vào các ngày lễ tết, vào chợ hoa phải chen chân vì dân tình kéo đến đông nghịt, lễ tết chưa kịp diễn ra, thì đã được thưởng thức không khí đông đúc như lễ hội ở các chợ hoa.

Rừng hoa giữa phố, nở rộ về đêm, như một đặc sản quanh năm suốt tháng của Sài Gòn. Qua những đêm rộn ràng mua bán, hoa từ các chợ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen, Hậu Giang, sau đó giàn trải khắp các chợ nhỏ, các cửa hàng bán lẻ trên toàn thành phố, chưa kể ở các tỉnh thành khác. Đến tay người mua lẻ, những bông hoa lại trở thành món đồ trang trí, hay món quà tặng ấm áp, ý nghĩa. Những đóa hoa tô điểm cho diện mạo phố phường, nhà cửa, mà cũng làm đẹp lòng những người nhận được nó.

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Chợ lá dong Ngã ba Ông Tạ

Như tên gọi, chợ nằm ở ngay ngã ba ông Tạ, tức là chợ chồm hổm, chợ trời.
Đây là chợ bán Lá Dong lớn nhất Sài Gòn và chỉ tồn tại từ khoảng giữa tháng Chạp cho tới thật gần ngày Tết. Vào những ngày này, một đoạn đường Cách mạng tháng Tám chỗ giao cắt với Phạm Văn Hai lại được khoác lên một màu xanh mướt mắt của lá dong, xen kẽ với những bó lạc trắng nõn nà. Người ta phải thích thú với điều này, vì trải qua mấy chục lần họp chợ, nghĩa là mấy chục năm qua, chợ đã trở thành một dấu hiệu dễ hiểu nhất của Tết. Sâu xa hơn nữa, chợ còn là bằng chứng cho sự tồn tại của tục gói bánh chưng, bánh tét ở Sài Gòn, ở đây nhấn mạnh chữ “gói”, nghĩa là tự làm lấy, chớ không phải đi mua.

Không thể chấp nhận được nếu Tết Việt Nam mà không có bánh chưng, bánh Tét. Bánh chưng được cho là món quà của Lang Liêu tặng cho dân tộc, không biết ở thời Vua Hùng nó được gói bằng gì, nhưng trong những thứ lịch sử ta nhìn thấy được, thì nó được gói bằng lá dong. Vô miền Trung, miền Nam, bánh chưng có bạn đồng hành là bánh Tét, và thường gói bằng lá chuối, có lẽ vì dễ tìm hơn. Nhưng lá chuối, muôn đời chỉ là phương án hai, dùng tạm khi không có lá dong. Người miền Nam tính khí dễ dãi, có lẽ đã chấp nhận dùng tạm trong một thời gian rất dài, mãi cho tới khi người miền Bắc vô Nam trong thập niên 1950, tập trung ở khu vực chợ ông Tạ.

Người Bắc kỹ tính, thịt chó phải ăn với củ riềng, thuốc lào phải hãm bằng trà Thái Nguyên, thì bánh chưng phải gói bằng lá dong. Theo truyền miệng, và có lẽ là đúng, thì chợ lá dong ông Tạ xuất hiện ở Sài Gòn cùng lúc với sự định cư của những người gốc Bắc.

May mắn cho người gốc Bắc và cho cả bánh chưng, vì lá dong trồng tốt ở Nam bộ. Lá dong bán ở chợ ông Tạ không phải là thứ lá dong tha phương, mà được hái ngay tại Sài Gòn, đó là lá dong Bà Điểm, nhích ra một chút thì có lá dong Phương Lâm, lá dong Long Khánh, lá dong Gia Kiệm ở tỉnh bạn Đồng Nai. Chỉ nhích ra một chút, vậy mà đã có sự phân chia giai cấp rõ ràng: lá dong Bà Điểm được ưa chuộng hơn, vì lá mềm, giữ màu xanh tốt sau khi luộc chín, các loại lá ở Đồng Nai cứng, đậm màu, sau khi luộc không được tươi tắn, nên người ta không mê bằng. Giá cả của từng loại cũng được định đoạt theo tiêu chí đó. Lá dong Bà Điểm vốn cao giá nhất, mỗi năm giá lại càng lên cao, phần là bởi miền đất Mười tám thôn Vườn Trầu đang đô thị hóa rất nhanh, đất trồng lá, dù là lá trầu hay lá dong, cũng dần dần khan hiếm.

Giá cao thì mặc giá cao, có người làm bộ nhăn mặt trả giá, nhưng trong lòng luôn sẵn sàng đầu hàng người bán, vì mỗi năm chỉ có một lần và mỗi đời chỉ có vài chục lần thôi. Có khi chưa tới vài chục lần, vì biết đâu mai đây thôi, phố phường nhiều chiều vắng quê hương, đất trồng lá đi vào sách đỏ.

Chợ lá dong ông Tạ, vì nhu cầu, vì tình cảm, vì ý thức của người mua, nên nó luôn hút hàng. Chợ họp từ giữa tháng Chạp, ban đầu lác đác vài người ngắm nghía, hỏi han, rồi mỗi ngày mỗi đông khách, cho tới sau ngày tiễn ông Táo, thì người mua đã nhiều hơn người ngó, tới những ngày cuối cùng, chỉ còn lá xấu, lá nhỏ, lá bị chê, được bán với giá thanh lý, thì lại xuất hiện lứa khách hàng khác, những người dễ tính hoặc tiết kiệm. Nói chung là chợ luôn luôn nhộn nhịp, luôn luôn Tết.

Lá dong được bán theo bó, mỗi bó được tính theo số lượng lá. Mỗi sạp lưu động như vậy, phải có tới vài ngàn lá. Bán kèm với lá dong là lạc, thường được chẻ sẵn thành cọng, bó thành từng bó. Tuy hình bóng của bó lạc nhỏ nhoi, không được nêu trong tên chợ, nhưng xét cho kỹ thì lạc cũng là một thành phần tối quan trọng. Không cần nói nhiều về ưu điểm của việc gói bánh bằng lạc, chỉ cần nghĩ tới một cái bánh chưng, dù gói bằng lá dong hảo hạng vài trăm ngàn một bó đi nữa, mà được buộc bằng dây nilon, ta đã cảm thấy có gì đó thất lễ.

Và như thế, chợ sống vui từng ngày, từng tháng, từng thế kỷ…

Chợ lá dong ông Tạ, chợ lá dong ông Tạ, chợ lá dong ông Tạ, người Sài Gòn sẽ nhắc nhau nhớ mãi cái tên hơi bị khúc khuỷu này. Cũng như nhắc nhau về cội nguồn dân tộc, về bản sắc dân tộc, về tinh hoa dân tộc, những thứ dễ dàng lẩn trốn trước vẻ hào nhoáng của các vấn đề trong thời công nghiệp, thời hội nhập. Nhắc để làm, để giữ, nhưng cũng để một khi không giữ được, không làm được, thì cũng còn một chút gì để nhớ, để thương.

Nhưng khoan hãy lan man chóng mặt, ta hãy ghé chợ trời lá dong ở ngã ba ông Tạ một lần, vào một dịp xuân thì, để mua, để thấy, để sờ, để cảm nhận, sướng trước đã tính sau.

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Chợ nổi Cái Răng lọt tốp những chợ nổi đẹp nhất châu Á

Chợ nổi có lẽ là một trong những điểm đến thú vị nhất của du lịch miền sông nước. Ở châu Á có nhiều khu chợ nổi khiến du khách đến một lần rồi nhớ mãi, trong đó phải kể đến chợ nổi Cái Răng của Việt Nam.

Những khu chợ nổi ở châu Á dù ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar hay Việt Nam đều có điểm chung là cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp trên sông nước. Những phiên chợ nổi cũng bày bán hàng hóa phong phú như trên bờ, chỉ có điểm khác biệt là các gian hàng chính là những con thuyền nhỏ; mọi người đều đi thuyền để giao dịch bán mua…

Trên chợ nổi cũng có những nhà hàng phục vụ ẩm thực vùng miền cho khách với nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn thực khách.

Dưới đây là một số khu chợ nổi được trang du lịch Youramazingplaces bình chọn nằm trong số những chợ nổi đẹp nhất châu Á:

Chợ nổi Cái Răng, Việt Nam

Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm, ăn uống và là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như ti-vi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh… có cả xe gắn máy đậu trên ghe.

Chợ nổi Damnoen Saduak, Thái Lan

Đây là chợ nổi không họp trên sông mà họp trên các kênh rạch chằng chịt thuộc huyện Damnoen Saduak, tỉnh Ratchaburi cách Bangkok 105 km về phía Tây Nam. Đây được xem là ngôi chợ khá sầm uất và đa dạng hàng hóa. Chợ là địa điểm thu hút khách du lịch và là chợ du khách có thể mua hàng lưu niệm cũng như khám phá nét đẹp của cuộc sống người dân Thái trên kênh rạch rõ nét nhất.

Khu chợ bắt đầu hoạt động vào năm 1967 và ngày nay nó phát triển, cuốn hút khách du lịch trên toàn thế giới. Ở đây có tất cả mọi thứ để thu hút khách du lịch, từ hàng thủ công mỹ nghệ đến nông sản, trái cây, gia vị, hoa và ngay cả massage Thái cổ truyền tại chợ.

Chợ nổi trên hồ Dal- Srinagar, Ấn Độ

Đây là chợ rau củ nổi tiếng của Ấn Độ và rau củ gần như là mặt hàng duy nhất được buôn bán ở khu chợ này. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp một hình ảnh tấp nập, nhộn nhịp của các hàng quán, các mũi ghe lại gần nhau, va chạm vào nhau; tiếng người mua, kẻ bán mặc cả, thỏa thuận giá…

Chợ nổi Nam Pan Market, Myanmar

Khu chợ nổi này nằm trên hồ Inle, Myanmar, bày bán rất nhiều mặt hàng, từ hoa quả, nước uống đến bát đũa, đồ gia dụng. Địa điểm họp của chợ thường không cố định, mỗi lần họp chợ sẽ ngẫu nhiên chọn một địa điểm ở một khu khác nhau trên hồ. Tuy nhiên, gần đây chợ đã họp cố định hơn để tạo điều kiện cho khách tham quan.

Chợ nổi Taling Chan, Bangkok, Thailand

Nằm ở phía tây Bangkok, khu chợ hấp dẫn du khách với món cá nước, cua hấp ngay trên thuyền. Những người bán hàng, thương nhân thường họp từ 9h-16h, bán các món ăn truyền thống của Thái Lan, món tráng miệng và trái cây trên chính chiếc thuyền của họ.

(Theo Dân trí)

Chợ bà Quẹo: Lối xưa xe ngựa một thời

Chợ Bà Quẹo tọa lạc trên đường Trường Chinh (đường Lê Văn Duyệt nối dài cũ, sau 30-4 đổi là Cách Mạng Tháng Tám, sau lại đổi là Trường Chinh), đoạn gần ngã ba Âu Cơ, thuộc phường 14, quận Tân Bình.

Ðây là ngôi chợ khá đặc biệt của Sài Gòn; và với chúng tôi, chợ Bà Quẹo đã để lại kỷ niệm khó quên về người đánh xe thổ mộ, còn gọi là người xà ích.

Chợ Bà Quẹo thành lập từ năm 1967, trên khoảng diện tích hơn 2,000 m2; nhà lồng chợ nằm lọt sâu giữa hai lối nhà cửa là những quán tiệm sạp hàng; trước mặt chợ, một diện tích khá rộng rãi mở ra tới giáp mặt đường.

Hôm nay người dân Sài Gòn vẫn gọi ngôi chợ này là chợ Bà Quẹo; dù rằng sau 30 tháng 4, 1975, chợ Bà Quẹo bị đổi tên thành chợ Võ Thành Trang vào năm 1978.

Có thể nói chợ Bà Quẹo là “ngôi chợ 2 trong 1”; nghĩa là có hai bộ mặt khác hẳn nhau của cùng ngôi chợ.

Ban ngày, chợ Bà Quẹo họp chợ như mọi ngôi chợ lớn nhỏ của Sài Gòn. Ban đêm, từ 1 giờ khuya tới 5 giờ sáng, chợ Bà Quẹo mang không khí khác biệt hẳn.

Ðấy là cảnh tấp nập rộn rã giữa thinh lặng đêm khuya: hoạt động bốc dỡ-chuyển hàng-sắp xếp-giao nhận rau quả của một chợ đầu mối. Hàng rau quả là nông sản từ các vùng ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Ðức, Long An; chuyên chở về nhà vựa tại chợ Bà Quẹo. Nhà vựa là những tiểu thương có quầy, sạp bán rau quả trong chợ Bà Quẹo; cũng có nhiều người chỉ tới đây buôn bán rau quả từ lúc nửa đêm tới mờ sáng mà thôi.

Những người mua hàng rau quả ở chợ đêm Bà Quẹo là những tiểu thương bán lẻ mặt hàng này, ở những chợ lân cận thuộc các quận Tân Bình-Tân Phú-Phú Nhuận-Bình Tân thuộc nội ô Sài Gòn.

Cũng khoảng thời gian đêm hôm khuya khoắt này, hình ảnh đặc biệt ở mặt tiền chợ Bà Quẹo, là những người bán rong rau quả trong thành phố. Họ đi xe đạp tới chợ Bà Quẹo; ở yên sau xe đạp của họ là 2 lồng sắt gắn chặt chẽ vững vàng để chất chứa rau quả. Trong rổ đặt phía trước ghi-đông xe là cái cân đồng hồ để bán hàng; trên ghi-đông và quanh sườn xe máng móc đầy những túi những bao bịch ni-lông.

Cảnh tượng trên diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, từ 1 giờ khuya tới 5 giờ sáng như nói trên; sau đó lâu nhất là nửa giờ, chợ đêm trả lại hoàn toàn cho chợ ngày; như thể chưa từng có chợ đêm trước đó ở Bà Quẹo. Trước mặt chợ Bà Quẹo lúc sáng tinh mơ ấy sạch sẽ tinh tươm; có thể nói, không một cọng rác cọng rau nào còn vương vãi trên nền đất láng trơn như mới tráng xi-măng.

Gần ba mươi năm trở về trước, chúng tôi thường tới uống cà phê ở khu vực chợ Bà Quẹo. Trong quán cà phê bình dân mở khuya trên đường phố, đối diện chợ Bà Quẹo, tôi uống ly cà phê vợt (còn gọi là cà phê bít-tất) và ngắm nhìn cảnh tượng chợ đêm khuya. Thời gian ấy thật thú vị; chú mục nhất, không gì khác hơn những chiếc xe thổ mộ. Ðấy là những chiếc xe ngựa thồ hàng, từ Hóc Môn chuyên chở rau quả tới chợ Bà Quẹo.

Ở Sài Gòn khoảng thời gian gần ba mươi năm trở về trước, chỉ có ở vùng chợ Bà Quẹo, chúng tôi còn được ngắm nhìn những chiếc xe thổ mộ, những người đánh xe ngựa, và những con ngựa.

Chúng tôi không thể quên một buổi sáng tinh mơ, một buổi sáng trong khoảng thời gian cách đây gần ba mươi năm; ngồi uống cà phê cùng một bàn với bác xà ích đã trọng tuổi. Con ngựa phía trước xe thổ mộ đậu dưới tàng cây lớn gần quán cà phê. Con ngựa gầy còm đứng cúi đầu, cái bụng căng phồng. Tôi nói với bác xà ích: “Con ngựa của bác ăn no quá sức!” Bác xà ích cười nhẹ, nói: “Nó có thai đó.” Rồi bác xà ích nhìn tôi, cái nhìn thiện cảm, hỏi có phải tôi là nhà văn hay không.

Tôi lắc đầu, nói với bác xà ích rằng tôi không phải nhà văn; nhưng là một độc giả rất mê đọc văn chương. Bác xà ích lộ hẳn vẻ vui mừng, nói: “Chú em có tin tui cũng biết làm văn không? Mà tui chỉ biên những bài văn ngắn, bài nào cũng ngắn ngủn. Tui chỉ làm văn về ngựa không hà. Chú thử nghe bài tui mới biên…”

Nói xong, bác xà ích lấy ngay cuốn tập vở để trong túi áo nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đưa tôi đọc một trang mở sẵn, hình như bác xà ích vừa viết xong. Tôi còn giữ bài văn này, vì sau đó bác xà ích đã dọc rời trang viết để tặng tôi; có ký tên (và lời đề tặng) dưới bài văn là Phạm Văn Vạng, ở Hóc Môn.

Nhà lồng chợ Bà Quẹo. (Ảnh: Nguyễn Ðạt)

Gần ba mươi năm, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ da diết bùi ngùi về bác xà ích ấy. Tôi không thể biết bây giờ bác xà ích ấy ở chốn nào; bác xà ích ấy còn trên cõi đời này, hay đã trở thành người thiên cổ?

Sau buổi nhận bài văn của bác xà ích tặng, tôi không có dịp gặp bác xuất hiện lần nào nữa; cũng như một thời gian không lâu sau, tôi cũng không thấy chiếc xe thổ mộ nào thồ hàng rau quả tới chợ Bà Quẹo.

Và mỗi khi tôi nhắc hai tiếng xà ích, ai cũng hỏi tôi xà ích là cái gì. Ðã từ lâu, thồ hàng rau quả tới chợ Bà Quẹo là những xe có động cơ, nghĩa là xe hơi bốn bánh trở lên; kém nhất cũng là xe hai bánh có gắn máy.

Quán cà phê bình dân tôi từng ngồi ở đối diện chợ Bà Quẹo mất dạng từ nhiều năm rồi. Các quán cóc quanh chợ cũng không còn quán nào pha chế cà phê bằng vợt nữa.

5 chợ đầu mối trái cây lớn nhất Việt Nam

Sau đây là 5 ngôi chợ đầu mối trái cây lớn nhất Việt Nam được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam và Hiệp hội Trái cây Việt Nam phối hợp với Vietkings giới thiệu:
1.Chợ Long Biên (Hà Nội)

Chợ đầu mối trái cây Long Biên nằm ở một vị trí thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa và rất gần trung tâm Thủ đô Hà Nội ( phường Phúc Xá, quận Ba Đình). Chợ có diện tích 27.148 m2, tổng số hộ kinh doanh là 1.087 hộ, trong đó ngành hoa, trái và rau củ quả chiếm 77%.

Chợ Long Biên họp về đêm, bất kể trời nắng hay mưa, cứ đến 22 giờ là chợ bắt đầu hoạt động. Trên đoạn đường đê Trần Nhật Duật, hàng chục chiếc xe chở đầy ắp hàng hóa (nhiều nhất là trái cây các loại) liên tục đổ hàng xuống chợ để chuẩn bị cho một cuộc mua bán, mối lái… nhận, giao hàng tiếp tục chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Trái cây ở chợ Long Biên rất nhiều chủng loại, từ: Thanh Long, cam, quýt, bưởi, mãng cầu (quả na), mít, dứa, nhãn, vải, dưa hấu… không có thứ gì ở cao nguyên có mà đây không có, không có loại trái cây gì ở miền Namcó mà ở đây không hiện diện. Mỗi ngày, lượng hàng hóa trái cây và nông sản vận chuyển đến chợ từ 250 đến 300 tấn. Đây là con số thống kê chính thức của Ban quản lý chợ Long Biên. Rầm rộ xe chở hàng đến, xe chở hàng đi… Mỗi ngày có hàng trăm xe tải lớn nhỏ ra vào như vậy. Đó chưa kể đến hàng ngàn xe thô sơ ra vào lấy hàng tấp nập…

2.Chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM)

Chợ đầu mối trái cây Thủ Đức nằm ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, ngay cửa ngõ phía Đông TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên. Đây là chợ đầu mối nông sản thực phẩm và trái cây lớn nhất ở TPHCM.

Với lợi thế diện tích rộng (20 ha), nằm tại ven đường xuyên Á, chợ đầu mối Thủ Đức hàng ngày đón nhận hàng trăm tấn hàng hóa nông sản và rau củ quả các loại từ miền Đông, miền Tây Nam bộ chở đến. Những thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối Thủ Đức, mỗi đêm, doanh số mua bán lên đến hàng trăm triệu đồng. Riêng việc kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, phần lớn là các hộ kinh doanh ở chợ đầu mối trái cây Cầu Muối ( Quận 1) di dời về đây. Mặt hàng trái cây ở chợ đầu mối Thủ Đức cũng đa chủng loại. Mùa nào trái đó: thanh long, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam, quýt, nho, ổi, mận… không biết cơ man nào kể cho hết. Người mua kẻ bán, công nhân bốc xếp, nhân viên trật tự… hoạt động liên tục suốt đêm ngày để hàng hóa được phân phối đi khắp nơi trong nước…

3.Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

Chợ nổi Cái Răng là chợ trên sông, gần cầu Cái Răng, thuộc quận Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 6 km đường bộ. Đây là chợ đầu mối chuyên mua bán sĩ hoặc trao đổi các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là trái cây ở miền Tây Nam bộ.

Chợ nổi Cái Răng hình thành từ xa xưa, lúc phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển, đi lại chủ yếu bằng ghe thuyền. Ngày nay, giao thông đường bộ đã phát triển nhưng chợ nổi trên sông phải vì thế mà giảm đi, ngược lại càng phát triển mạnh hơn.

Những mặt hàng trái cây ở chợ nổi Cái Răng đều đã được phân loại chất lượng, kích cỡ đồng đều. Chợ thường họp từ lúc trời còn tinh mơ và đến khoảng 9, 10 giờ sáng thì vãn khách dần. Giờ cao điểm từ 7 – 8 giờ. Mỗi năm chợ chỉ ngưng hoặc động vào các ngày Tết Nguyên Đán và Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch).

Các loại trái cây như: dừa, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, nhãn, dưa hấu sơ-ri, dứa (khóm), đu đủ, sa-pô-chê…trên những ghe, xuồng hằng hà sa số…

4.Chợ nổi An Hữu – Cái Bè (Tiền Giang)

Nằm dọc theo cù lao Tân Phong trên sông Tiền thuộc thị trấn Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi trên sông An Hữu là nơi tập trung mua bán hàng hóa trái cây của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt ở đây, các mặt hàng trái cây chuyên canh của tỉnh Tiền Giang như: vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, dứa(khóm) Tân Lập, quýt Cái Bè, cha-pô Mặc Bắc, cam sành… được giới thiệu đến các thương lái và người mua rất nhiều.

Nhờ địa bàn thuận lợi (nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre) nên chợ nổi An Hữu luôn tấp nập thuyền bè mua bán.

Chợ nổi An Hữu-Cái Bè họp suốt ngày với không khí nhộn nhịp, vui vẻ trên sông nên được du khách ưa thích tham quan. Vì vậy, chợ nổi ở đây ngoài việc mua bán, chợ còn là điểm để khách du lịch lui tới. Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang nắm bắt được điều đó nên tổ chức nhiều tua du lịch tham quan chợ nổi An Hữu-Cái Bè thuộc chương trình 3, 4, 5. Khách du lịch ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông quê, nhìn ghe thuyền tấp nập qua lại, còn được thưởng thức tại chỗ các loại trái cây tươi rói thơm ngọt hoặc mua về làm quà cho gia đình và người thân.

5.Chợ đầu mối Cao Lãnh (Đồng Tháp)

Chợ đầu mối trái cây Cao Lãnh nằm tại ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chợ có diện tích trên 5 ha, với những công trình bảo quản trái cây như: kho lạnh, trung tâm bảo quản trái cây tươi, khu nhà lồng, cơ sở chế biến trái cây

Tất cả những công trình thiết kế, xây dựng ở chợ đầu mối Cao Lãnh có kinh phí lên đến 19 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý chợ đầu mối Cao Lãnh thì lượng trái cây các loại tiêu thụ hàng ngày ở chợ từ 120 – 150 tấn. Ngoài ra, giống xoài cát Hòa Lộc là loại trái cây hiện nay cũng được trồng nhiều ở Cao Lãnh (56, 2 ha).

Hiện nay, đến mùa xoài, ngoài các loại trái cây thường xuyên có ở chợ như: bưởi, sầu riêng, vú sữa, khóm, dừa,  chuối…, nơi đây còn có xoài cát Hòa Lộc với hàng trăm tấn bỏ mối đi khắp nơi.

Việt Nam là nước có khá nhiều chợ. Chợ tỉnh, chợ thành phố, chợ quận, huyện, chợ phường, xã, chợ tự phát…, ít ra cũng phải trên vài ngàn ngôi chợ, chưa kể đến hệ thống siêu thị đang phát triển mạnh ở các đô thị. Điều đặc biệt nhất ở chợ Việt Nam là, bất cứ chợ nào dù lớn hay nhỏ cũng đều có gian hàng bán trái cây. Chợ đầu mối chuyên kinh doanh trái cây và hàng nông sản trên toàn quốc không nhiều, chỉ tập trung vào những vùng có nhiều trái cây, nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và hai thành phố lớn là: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ chợ đầu mối, hàng hóa sẽ được phân bố đi khắp các chợ trong khu vực để phục vụ người tiêu dùng. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam và Hiệp hội Trái cây Việt Nam, có 5 ngôi chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam