Những công dụng đặc biệt của bia

Bia là một trong những loại nước uống phổ biến nhất thế giới, vậy nhưng bạn có biết, ngoài tác dụng “bao sân” trong những chầu nhậu nhẹt bù khú, bia còn có nhiều khả năng đặc biệt khác?

Làm đẹp: Dùng bia làm dầu xả sẽ giúp dưỡng tóc rất tốt. Bia cũng làm đẹp và bảo vệ da hiệu quả, tính kháng khuẩn của bia còn giúp bạn đắc lực trong việc điều trị mụn trứng cá.

Tưới cỏ: Hãy rưới chút bia lên bụi cỏ héo tàn trong sân nhà bạn, các chất dinh dưỡng của bia sẽ giúp cỏ xanh tốt lại.

Giảm đau bụng: Nếu bạn không bị viêm loét dạ dày, thì thử áp dụng cách sau để giảm cơn đau bụng do rối loạn tiêu hóa: Uống chút bia.

Đánh bóng vàng, gỗ: Nếu bạn có vàng sỉn màu, thì thấm bia vào vải rồi chùi lên miếng vàng, vàng sẽ sáng bóng trở lại. Làm tương tự với đồ gỗ.

Dưỡng da: Nếu bạn tắm chậu hoặc bồn, thêm vài lon bia trong nước tắm sẽ giúp da bạn mềm dịu hơn. Tất nhiên sau đó phải tắm lại với nước sạch.

Hấp tôm cá: Tôm cá hấp bia chắc ai cũng ăn một lần rồi, không dở phải không? Thậm chí là tuyệt ngon.

– Ướp thịt: Bia có thể dùng thay rượu trong công việc ướp thịt. Bia sẽ giúp thịt đậm đà thơm ngon hơn đồng thời giúp thịt được mềm.

Diệt chuột: Nếu nhà bạn có nhiều chuột, hãy đổ loại bia rẻ tiền nhất vào trong mấy cái chậu chứa. Chuột nghe mùi bia, thèm, lao vào và không thể nào chui ra.

Diệt ốc sên: Sên và nhiều loại ốc khác cũng rất thèm bia. Bạn đổ bia vào cái chậu hoặc lọ có miệng rộng, rồi chôn ngập xuống đất ngoài vườn, để lòi miệng lọ lên trên. Hôm sau bạn sẽ thấy ốc chết đuối hàng loạt ở trong đó.

Mỹ Lạo tổng hợp.

8 ĐIỀU THÚ VỊ VỀ ĐỒ ĂN NHANH

Burger King từng để quên bao cao su trong bánh kẹp, Mc Donald từng bị kiện vì một cái đuôi chuột trong món hamburger.


Quầy thức ăn nhanh đầu tiên trong lịch sử loài người được cho là có trong khoảng năm 25-20 trước công nguyên tại Trung Quốc. Đây là một chiếc xe mì, thực khách sẽ tự phục vụ đồ ăn cho mình. Quán mở 24/24.


Hàu từng là một loại thức ăn nhanh phổ biến ở Mỹ. Trong suốt nhiều thập kỉ, những chiếc xe hàu xuất hiện quanh đường phố New York, với những con hàu bắt từ sông Hudson. Và người ta thưởng thức hàu trên đường, giống như ăn xúc xích bây giờ.

Tổng thống Thomas Jefferson đã giới thiệu món khoai tây chiên kiểu Pháp ngay tại nhà trắng vào năm 1802. Sau đó người Mỹ được biết tới công thức làm món này. VÀ cho tới nay, đây là loại đồ ăn nhanh phổ biến thứ nhì thế giới.


Harland Sanders, ông tổ món gà rán KFC đã bắt đầu sự nghiệp nổi tiếng ở tuổi 60, sau khi phá sản. Trong khi đi tìm đối tác, ông bị từ chối 1009 lần, nhưng với sự kiên trì, cuối cùng ông đã tạo nên một trong những thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới.


Tại mỗi tiệm KFC ở những quốc gia khác nhau, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì chúng có những thực đơn khác nhau. Nhất là tại các chi nhánh ở châu Á, các tiệm gà rán KFC thường có thêm cơm, philê cá, cá chiên…vào thực đơn để đáp ứng khẩu vị của người bản xứ.

Vào năm 2013, tại Anh Quốc, 3 lần thực khách đã gặp vật lạ, giống như não gà trong miếng thịt. KFC đã giải thích đó là phần thận và gan của gà, nhưng những khách hàng này vẫn tẩy chay vì cảm thấy đã mất lòng tin. Nhiều vụ tương tự như vậy nữa của KFC xuất hiện tại Ấn Độ, Trung Quốc…

Khoảng 1% dân số thế giới được McDonald phục vụ bữa ăn hàng ngày. Công ty này có tại 119/196 nước trên thế giới với hơn 760.000 nhân viên. Trung bình mỗi giây họ bán được 75 cái bánh hamburger. McDonald có mặt ở 119/196 quốc gia trên thế giới và phục vụ bữa ăn cho xấp xỉ 1% dân số toàn cầu. Nữ hoàng Anh thậm chí còn có riêng một cửa hàng McDonald ở gần điện Buckingham.

Trong nhiều vụ tai tiếng củ các hãng đồ ăn nhanh trên thế giới, nổi nhất phải là vụ của hãng Burger King vào ngày 18/6/2007, khi một người Mỹ 24 tuổi đã phát hiện ra một cái bao cao su trong cái bánh của mình. McDonald cũng có một vụ nhớ đời vào tháng 7 năm 2012, khi hãng bị kiện vì một cái đuôi chuột lạc trong cái bánh hamburger của một thực khách Chile.

Bé Bủm (theo Buzzfeed.com)

Cách làm BÁNH CANH CUA BỘT LỌC

BÁNH CANH BỘT LỌC tuy không quá phổ biến nhưng lại là kiểu có nhiều “fan ruột”. Bánh canh cua Bột lọc thì càng hấp dẫn hơn.

Nguyên liệu:

  • – 1,5 chén bột sắn lọc khô hoặc bột năng khô
  • – 2 muỗng súp bột gạo (nếu bạn muốn sợi bột dai nhiều thì không dùng bột gạo)
  • – 4 lạng sườn non hoặc xương heo
  • – Cua
  • – Huyết heo
  • – Hành lá, ngò, dầu điều, hành củ
  • – Muối, nước mắm, bột nêm, tiêu
  • – 1 muỗng cà phê mắm ruốc (tùy thích).

Cách làm:

Bước 1:

– Cua mua về rửa sạch dưới vòi nước lạnh, cho cua vào nồi, đậy kín nắp nồi, đun lửa nhỏ đến khi cua chín. Vớt cua ra để vào đĩa để cua nguội, tách bỏ lấy thịt cua ra riêng và gạch cua để ra riêng.

Bước 2:

– Đun nóng dầu điều, xắt lát hành củ bỏ vô phi thơm, đổ gạch cua vào xào sơ, thêm thịt cua vào đảo đều, nêm vào muỗng cafe nhỏ nước mắm, một ít hạt tiêu, đảo đều tắt bếp. Múc ra bát để qua một bên.

Bước 3:

Sườn heo non rửa sạch với nước muối pha loãng, trút vào nồi, thêm nước lạnh và một muỗng cafe muối, nửa muỗng cafe hạt nêm, đun sôi đến khi sườn mềm.

Bước 4:

– Huyết heo rửa sạch, luộc sơ đến khi huyết đông cứng lại, xắt thành từng miếng vừa ăn để vào bát.

Mắm ruốc múc ra bát, thêm một ít nước lọc, hòa cho mắm ruốc tan, lọc lấy nước cốt, bỏ cát. Chế từ từ mắm ruốc vào nồi sườn non, đun khoảng 5 phút, nêm nếm nồi nước dùng lại tùy theo sở thích của bạn, tắt bếp.

Bước 5:

– Bột sắn lọc đổ ra thau, thêm bột gạo (tùy ý thích) và một thìa nhỏ muối, trộn đều.

Bước 6:

– Cho từ từ khoảng một bát con nước sôi nóng già, hỗn hợp bột lúc này sẽ rất nóng dùng muôi trộn đều đến khi hỗn hợp bột nguội bớt bạn dùng tay nhồi đến khi bột trở nên mịn, sờ không dính tay là đạt. Tùy theo liều lượng hút nước khác nhau của mỗi loại bột mà bạn điều chỉnh lượng nước sôi cho phù hợp.

Bước 7:

– Tiếp theo chia bột thành những viên tròn nhỏ, ấn dẹp ra, dùng chai nước không cán bột dài ra.

Bước 8:

– Lấy con dao bén, xắt thành từng sợi dài hay ngắn tùy theo sở thích của bạn, nhớ lăn một ít bột khô vào bột để chống dính.

Bước 9:

– Đun nồi nước sôi, thả bột vào nấu đến khi bột nổi trong, trút bột đã nấu ra rổ và xả dưới vòi nước lạnh để bột không bị dính chùm.

Bước 10:

– Dùng nồi nhỏ, đun nóng hai thìa nhỏ dầu điều, phi hành khô thơm, cho vào nồi một ít nước dùng từ sườn non. Tiếp tục đổ hỗn hợp màu dầu điều vào lại nồi nước dùng, mục đích để tạo màu đẹp. Đun sôi, cho thêm tiết lợn vào đun cùng, đun khoảng từ 7 – 10 phút, tắt bếp.

Bước 11:

– Hành lá, ngò rửa sạch, thái nhỏ.

– Khi dùng bạn cho vô bát lớn một ít bột, múc thêm một ít thịt cua đã xào, rắc một ít hành lá, chan nước dùng và thêm sườn non, huyết heo, thêm ngò, ăn khi còn nóng.

Cún Khang (vnexpress.net)

Cách làm CANH KHẾ THỊT BÒ

Thịt bắp bò dai nhẹ, đậm đà hòa quyện với vị chua thanh dịu của khế sẽ là một món thích hợp trong những ngày tiết trời gay gắt.

Nguyên liệu:

  • – 3 lạng thịt bò (chọn bò bắp cho ngon)
  • – Khế chua: 2 trái
  • – Hành lá, hành củ, rau răm, tiêu
  • – Gia vị

Cách làm:

Bước 1:

– Thịt bò rửa sạch sau đó cho vào ngăn đá chừng 5 phút cho mặt thịt se chắc lại, lấy ra xắt lát mỏng vừa ăn.

Bước 2:

– Khế lựa loại chua, rửa sạch, xắt bỏ rìa khứa (diềm), rồi xắt lát ngang cho thành hình ông sao.

Bước 3:

– Thịt bắp bò cho vào nồi, nấu sôi rồi để chừng 5 phút. Nhớ hớt bọt.

Bước 4:

– Trút khế vô nấu chung, nêm 1 muỗng cafe muối, nấu tới khi nào bò mềm.

Bước 5:

– Nêm lại bằng hạt nêm, đường cho hương vị dễ ăn, nấu tiếp chừng 3 phút rồi tắt bếp. Rắc rau răm xắt nhỏ, hành lá xắt nhỏ vào nồi canh. Rắc thêm chút tiêu cho thơm.

Ăn nóng với cơm.

Cún Khang (vnexpress.net)

Cách nấu CANH SƯỜN DƯA CHUA

CANH DƯA CHUA nấu với SƯỜN là món ăn đơn giản dễ làm nhưng lại hấp dẫn bất kỳ cái khẩu vị khó tính nào.

Nguyên liệu:

  • – Cải chua
  • – 1 trái cà chua
  • – Hành lá
  • – 3 lạng thịt sườn thăn
  • – Gia vị thông thường

Cách làm:

Bước 1:

– Cải chua rửa qua vài lần nước và vắt cho sạch, bớt vị chua.

– Hành xắt nhỏ. Cà chua bổ múi cau.

Bước 2:

– Sườn rửa sạch, chần sơ qua nước sôi cho ra bọt bẩn rồi xả lại nước lạnh.

Bước 3:

– Bắc chảo dầu cho cà chua vào xào mềm. Tiếp đó cho sườn vào xào chung.

Bước 4:

– Nêm chút muối và gia vị cho ngấm vào sườn. Khi sườn săn lại, cà chua mềm thì cho dưa vào xào cùng.

Bước 5:

– Đậy vung nấu cho dưa chua chín chuyển qua màu vàng úa. Châm nước vào đủ nấu canh. Nước sôi thì vặn nhỏ lửa nấu tới khi dưa và sườn mềm.

Bước 6:

– Nêm thêm đường, muối cho vừa miệng. Tắt bếp, rắc hành lá vào. Ăn nóng với cơm.

Theo MINH MINH (ngoisao.net)

CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH CỦA KHOAI SỌ

Khoai sọ là loại củ không hiếm gặp trên các bữa ăn gia đình. Bạn có biết, ngoài việc là nguyên liệu cho các món ăn phong phú, khoai sọ còn được coi như là một vị thuốc rất tốt trong việc phòng chống nhiều bệnh tật.

Các món ăn từ khoai sọ như: canh cua khoai sọ rau rút, bánh khoai, chè khoai… dân dã mà khoái khẩu, rất được ưa thích, nhất là trong những ngày đông. Ngoài giá trị dinh dưỡng, khoai sọ còn có nhiều công dụng phòng trị bệnh.

Bộ phận dùng làm thuốc của khoai sọ là củ, lá. Theo Đông y, củ có vị cay ngọt; vào tỳ thận. Lá và bẹ lá vị cay, tính bình; có tác dụng liễm hãm, chỉ tả, tiêu thũng độc. Củ khoai sọ ích khí bổ thận, phá huyết tán kết, khu phong, chỉ thống, trừ đàm tiêu thũng. Dùng cho các trường hợp phát ban dị ứng mẩn ngứa, sa trực tràng, lỵ mãn tính, viêm sưng hạch (lao hạch), chấn thương đụng giập, gãy xương chảy máu do chấn thương, viêm sưng khớp do phong thấp, đau dạ dày, mụn nhọt, rắn cắn, lao phổi, bướu giáp…

Một số cách dùng khoai sọ làm thuốc:

Hoạt huyết tiêu viêm: Khoai sọ 120g, hành sống 3 củ giã nghiền nát, thêm chút rượu khuấy cho nhuyễn đều, bôi đắp qua gạc mỏng trên chỗ đụng giập chấn thương kín có sưng nề bầm tím.

Chữa tiêu chảy, lỵ: Lá khoai sọ 30g, củ cà rốt 30g, tỏi 1 củ. Sắc nước uống.

Chữa mụn nhọt đầu đinh: Củ khoai sọ và giấm, liều lượng bằng nhau. Luộc chín sau đó nghiền nát để đắp.

Chữa rắn cắn, ong đốt: Lấy lá tươi giã nát đắp.

Chữa mày đay: Bẹ lá khoai 60g, rễ cây tai chuột 30g, hồng táo 30g, đường đỏ 30g. Sắc uống. Có thể kết hợp nấu bẹ khoai sọ tươi với sườn lợn.

Thông hầu họng kháng độc, dùng cho bệnh nhân bị u bướu vùng hầu họng: khoai sọ 6 – 12g, củ khởi (rễ kỷ tử) 50g (có thể thêm thất diệp nhất chi hoa 5g, tân di 12g). Sắc trong 2 giờ, gạn lấy nước trong, uống ngày 1 lần. Dùng liên tục 60 ngày.

Một số món ăn – bài thuốc có khoai sọ:

Xương lợn hầm khoai sọ: Khoai sọ 60g, xương cẳng hoặc xương sống lợn 100g. Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước, gia vị. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ, ăn ngày 2 lần, có tác dụng khu phong trừ thấp. Dùng cho các trường hợp nổi ban dị ứng, đau nhức tay chân.

Củ khoai sọ nấu với cá quả hay cá diếc có tác dụng điều hòa nội tạng, hạ khí đầy, chữa hư lao yếu sức.

Canh cua khoai sọ rau rút: Cua đồng 200g, khoai sọ 60g, rau rút 1 mớ. Cua đồng rửa sạch, bỏ yếm và mai, giữ lại gạch cua, giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn; khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn, rau rút lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc, rửa sạch. Cho khoai vào nước cua, nấu đến khi khoai chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được. Ăn trong ngày; dùng liền 2 – 3 ngày. Món này dùng rất tốt cho người tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ.

Lưu ý: Khi chế biến khoai sọ, phải nấu chín kỹ để tránh ngứa do nhựa của khoai sọ.

Benh.vn (Theo SKDS)

Với giá cả lên tới hàng triệu đồng cho một món ăn được chế biến, 8 món sau đây được coi là những “sơn hào hải vị” thực sự, mà hiếm ai có dịp được thưởng thức.

500 con cá anh vũ/ 1 tháng dành cho đại gia Việt

Với niềm tin: ăn cá anh vũ sẽ gặp nhiều may mắn, trong năm vừa qua, không ít người đã đổ xô đi tìm ăn cá anh vũ để “xua đuổi cái đen” và rước “ông thần may mắn về nhà”.

Cá anh vũ hay còn có tên gọi khác là cá Tiến Vua, là một trong những loại cá nổi tiếng nhất của Việt Nam bởi sự quý hiếm và ngon miệng. Loại cá này rất khảnh ăn, chỉ ăn rêu tảo và sống ở vùng nước trong, không ăn tạp như nhiều loại cá khác nên nhiều người cho rằng chúng thể hiện sự sang trọng.

Hơn nữa đây là loại cá theo sử sách ghi lại để tiến vua và cúng tế thần linh nên được rất nhiều đại gia Việt yêu thích. Đặc điểm của loại cá này là thịt trắng, quánh và thơm ngon hơn bất cứ loài cá sông nước nào. Tuy nhiên, với người bình thường chẳng ai ăn con cá anh vũ này làm gì, vì nhìn nó như con cá trôi, và giá thì quá đắt… Còn đối với những người có tiền thì loại cá này cũng chẳng đáng là bao. 3,5 triệu một kg, chứ có 10, 20 triệu họ cũng sẵn sàng bỏ ra chỉ để thưởng thức cái khối sụn môi như cái “mõm lợn” của con cá anh vũ.

Và theo một vị giám đốc của Công ty phân phối loại cá anh vũ này cho biết, mỗi tháng công ty của ông xuất ra thị trường khoảng 400 đến 500 con, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng sang trọng, bán vào Sài Gòn, và xuất khẩu ra nước ngoài.

1 con cua bằng 1 tấn thóc có sá gì!

Nếu như ăn cá anh vũ để lấy may, thì trào lưu ăn cua Hoàng Đế mới là đẳng cấp. Và đẳng cấp ấy có giá bằng cả 1 tấn thóc của người nông dân.

Vào giữa tháng 7/2012, trên báo Phunutoday có đưa tin, một siêu thị ở Hà Nội vừa bày bán loại cua khổng lồ nặng gần 2kg, với giá khoảng 5 triệu đồng một con, mức giá này đắt gấp 10 lần so với cua bể Việt Nam.

Tên của loại cua này là King crab hay còn gọi là cua Hoàng đế. Cua này chỉ sống ở những vùng biển nước rất lạnh và sâu từ 200-400 m như Alaska (Mỹ), Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là loại cua hiếm có, khó tìm bởi để đánh bắt nó, những người thợ săn phải ra khơi vào những ngày bão biển. Điều đặc biệt là loại cua này có kích thước và trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với cua biển thông thường.

Cách đây vài năm, chỉ có những đại gia giàu có ở Hà Nội mới có cơ hội thưởng thức món ăn cao cấp này tại những nhà hàng sang trọng nhập khẩu về với mức giá khoảng 10 triệu đồng/con. Còn đến năm 2012, họ đã có thể “thỏa mãn” nhã hứng xơi cua Hoàng Đế vì tại siêu thị đã bày bán rất nhiều loại cua này.

Giá mỗi kg tu hài Canada bán tại một số nhà hàng hải sản tại Hà Nội phổ biến 1,9- 2,5 triệu đồng. Các nhà hàng kinh doanh món ăn này và kiếm bộn tiền từ những vị khách tin rằng ăn tu hài có thể tăng cường sinh lực, bổ thận tráng dương.

Tu hài (ốc vòi voi) được sơ chế.

Với trọng lượng trung bình 1-2 kg/con, tính ra, giá tu hài Canada tương đương với giá cua Hoàng đế nhập khẩu.

Được ví như “nhân sâm của đại dương”, những con hải sâm vừa là một vị thuốc quý, vừa là loại thực phẩm cao lương mỹ vị dành cho các bậc vua chúa thời xưa. Hiện 1kg hải sâm thô trên thị trường có giá gần 2 triệu đồng.

Súp vi cá mập cũng là món ăn cực đắt mà nhiều người Việt bỏ tiền ra để thưởng thức. Giá mỗi thố nhỏ dành cho một người ăn ở nhà hàng thường vào tầm 1.320.000 đồng. Còn giá cho 1kg vây cá mập chưa chế biến dao động từ 10 – 20 triệu đồng.

50 – 150 triệu, một bữa rùa vàng

Trong cơn bão giá, nhiều người phải thắt chặt chi tiêu nhưng không ít đại gia sẵn tay chi tiền cho một bữa ăn lên tới 150 triệu chỉ có 3 con rùa vàng mà theo người ta đồn nhau rằng “Rùa vàng cực quý hiếm, nó sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ, ăn vào tăng cường sinh lực, đặc biệt ai có bệnh tim nếu uống rượu pha mật rùa, huyết rùa sẽ hết ngay”. Mức giá thì không hề rẻ chút nào, 50 triệu một con.

Để bồi bổ thậm chí có người còn ăn món này thường xuyên. “Thường thôi, mỗi tháng có khi anh chén vài ba con rùa vàng” – một đại gia cho biết.

Phở (hơn nửa triệu), bít tết (hai triệu) bò Kobe

Món phở tại Hà Nội có giá 750.000 – 850.000 đồng/bát, đắt hơn 20 lần một bát phở thông thường được cho là làm từ thịt bò Kobe nhập khẩu từ Nhật Bản. Bò được nuôi theo một quy trình khá cầu kỳ: ăn ngô non, lúa mạch, uống bia thay nước, được tắm nước nóng, nghe nhạc Mozart, xoa bóp bằng rượu Sake.

Tại Hà Nội, một nơi nổi tiếng với món ăn giá nửa triệu này là khách sạn Vườn Thủ Đô. Theo lời đầu bếp khách sạn này, thịt bò Kobe 40% là mỡ, nhưng không có cholesterol, có thể ăn sống được. Những người ăn món phở giá “khủng” này chủ yếu là doanh nhân, người có điều kiện.

Sau đó không lâu, khi xảy ra lùm xùm xung quanh việc thịt bò Kobe nhập khẩu vào Việt Nam không có chứng từ, cơ quan chức năng yêu cầu các nhà hàng kinh doanh món ăn này phải niêm yết giá công khai cũng như xuất xứ của thịt. Hiện, món phở xa xỉ này gần như “mất tích” ở Hà Nội.

Theo nhân viên khách sạn này, từ nhiều tháng nay, đầu bếp tại đây không còn chế biến món phở Kobe giá hơn nửa triệu. Trên thực đơn hiện tại, món ăn nói trên cũng biến mất.

Cũng giống như món phở, bít tết bò Kobe được một số nhà hàng ở Hà Nội chế biến và một thời gian khá hút khách. Giá mỗi suất bít tết khoảng 200- 300 gam thịt bò là trên 1,9 triệu đồng.

Theo đánh giá của nhiều người, mức này quá cao so với mặt bằng chung. Nhưng cũng có người ủng hộ và cho rằng nếu là thịt bò Kobe thì mức giá nói trên quá “bèo”, ngay cả khi bỏ từ 5 đến 10 triệu đồng mà được ăn thịt bò Kobe thật thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo”.

Nửa triệu đồng/chiếc chân gà

Tại một nhà hàng ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, thịt gà Đông Tảo có giá 1.150.000 đồng/kg, còn chân gà Đông Tảo giá 500.000 đồng/chiếc.

Nhiều người cảm thấy sốc, choáng bởi chưa bao giờ thấy ở đâu bán một chiếc chân gà lại có giá cao ngất ngưởng như vậy.

Bên cạnh những người cho rằng, đây là một cái giá cắt cổ thì cũng có những người lý giải sở dĩ có giá đắt như vậy vì gà Đông Tảo chỉ quý ở cái chân, chân càng to thì càng đắt.

Tổng hợp từ Internet

Cách làm CÁ CƠM CHIÊN TỎI ỚT

CÁ CƠM CHIÊN TỎI ỚT là món dễ làm và luôn luôn dễ ăn nhờ vào kết cấu giòn ngon, thịt cá ngọt thơm tẩm gia vị cay mặn hài hòa.

Nguyên liệu:
– 4 lạng cá cơm,
– Tỏi băm
– 1 muỗng súp bột năng
– 2 muỗng súp mật ong, canh nước mắm, ớt bột,  muối, dầu chiên và dầu điều.

Cách làm:

–  Cá cơm tươi mua về bỏ đầu và ruột, rửa sạch, để ráo.

– Ướp cá với 1 muỗng cafe muối trong 30 phút
– Lăn cá qua một lớp mỏng bột năng

– Bắc chảo đun nóng dầu, cho cá vào chiên vàng đều, nhỏ lửa cho cá giòn.

– Sau đó vớt ra dĩa, lót sẵn giấy thấm dầu ở dưới cho cá ráo dầu.

– Chuẩn bị một bát nhỏ, trộn mật ong, mắm, ớt theo độ cay mà bạn thích.

– Bắc chảo cho chút dầu ăn, phi thơm tỏi băm, rồi trút hỗn hợp nước mắm, mật ong ớt ở trên vào, nấu sôi.

– Sau đó cho cá đã chiên giòn khi nãy vào xào đều cho tới khi hỗn hợp mắm ớt mật ong bám quanh mình cá và khô đi.

Tắt bếp, múc ra dĩa rắc tiêu lên, ăn với cơm nóng.

Theo Ngôi sao

10 CÁCH “ĐỐI XỬ” SAI LẦM THƯỜNG GẶP ĐỐI VỚI RAU CỦ

Rau củ là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách sử dụng sao cho bảo đảm dinh dưỡng và an toàn. Sau đây là những sai lầm thường gặp  khi sử dụng rau xanh:

Xào nấu lâu trên lửa nhỏ: Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên rằng, thay vì nấu rau ở lửa nhỏ trong thời gian dài, thì bạn nên bật lửa lớn và xào nấu nhanh chóng. Như vậy sẽ tránh việc các sinh tố trong rau bị phân hủy hết.

Không nấu ngay sau khi sơ chế: Các vitamin trong rau sẽ bị oxy hóa dần từ khi bạn cắt, lặt rau. Nên hãy nấu ngay sau khi sơ chế và ăn ngay sau khi nấu.

Nấu xong chưa ăn ngay: Đây cũng là một bước để làm thất thoát chất dinh dưỡng trong rau trước khi cho vào cơ thể. Tốt nhất là cá tiến trình sau nên làm liên tục: rửa > cắt > nấu > gắp ra khỏi chảo > ăn ngay và luôn.

Bỏ phần lá: Phần lá rau cũng nhiều vitamin như các phần khác, không nên bỏ đi.

Gọt hết vỏ rau củ: Nhiều người cho rằng gọt sạch láng vỏ rau củ là an toàn, và nghĩ rằng phần vỏ chẳng có giá trị gì. Nhưng ở nhiều loại rau củ, sự thật thì phần vỏ còn bổ hơn phần ruột, ví dụ bí đỏ, củ cải, cà dái dê, cà rốt…. Vậy trừ khi vỏ nó quá dày, bạn không cần phải gọt hết vỏ mà chỉ cần rửa sạch trước khi chế biến.

Ăn cái bỏ nước: Nước rau khi xào nấu, tuy đôi khi nhạt nhẽo nhưng luôn chứa đa phần các chất dinh dưỡng trong rau. Nếu ăn rau mà bỏ nước rau thì thật là quá phí.

Thái rau rồi mới rửa: BẠn nên làm ngược lại, vì rửa rau sau khi cắt cũng là rửa bớt chất dinh dưỡng trong rau.

Trữ lâu ngày: Mua sẵn rau xanh để trong tủ lạnh rồi dùng dần trong tuần là sai lầm nhiều người mắc phải. Lý do là chất dinh dưỡng sẽ thất thoát nhanh chóng từ khi rau xanh được nhổ khỏi mặt đất. Ví dụ, sau 24 giờ, các loại rau như rau ngót, rau cải sẽ mất tới 84% lượng sinh tố C nếu trữ trong nhiệt độ 20 độ C.

Nấu rau lâu: Không chỉ làm mất chất dinh dưỡng, nấu rau quá lâu còn khiến cho nitrate trong rau biến thành nitrit nitrat, dễ gây ngộ độc ở trẻ em.

Trụng rau rồi mới nấu: Không cần phải trụng rau rồi mới nấu, nếu bạn không muốn một lượng chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất phòng chống ung thư có trong rau bị thất thoát sau khi trụng.

Bạnh Bư (tổng hợp)

Không phải lúc nào tủ lạnh cũng là nơi lưu trữ lý tưởng cho các loại thực phẩm, nhất là với những thực phẩm sau đây:

Bánh mì: Bánh mì sẽ cứng, xốp đi nếu nằm lâu trong tủ lạnh.

Tương ớt: Đa phần các loại tương ớt có thể bảo quản vài năm trong nhiệt độ thường, vì vậy, bỏ tủ lạnh chỉ tổ làm cho nó dễ bị mốc.

Cà chua: Cà chua có thể bảo quản tốt trong điều kiện thường. Nếu bạn bỏ vào tủ lạnh lâu, khi lấy ra cà chua dễ bị dập, biến đổi hương vị.

Dưa hấu: Tủ lạnh sẽ làm mất chất chống oxy hóa trong dưa hấu, như vậy làm giảm đi lợi ích phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của loại quả này.

Rau thơm: Rau thơm sẽ mau héo khi nằm trong tủ lạnh, ngoài ra hương vị của nó cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Khoai tây: Sau một thời gian nằm trong tủ lạnh, khoai tây dễ bị sượng, thay đổi mùi vị.

Cà phê: Cà phê nếu nằm trong tủ lạnh chung với nhiều thực phẩm khác, thì khi bạn uống, mùi cà phê rất ít, thay vào đó là đủ loại mùi vị trong tủ lạnh.

Rượu: Rượu lạnh có thể được nhiều người thích, nhưng nếu uống như vậy, bạn phải chấp nhận là rượu đó đã bị giảm hương vị.

Mật ong: Ở trong nhiệt độ lạnh, mật ong dễ bị kết tinh và trở nên khó sử dụng.

Tỏi và hành: Hành củ và tỏi không cần phải bỏ tủ lạnh, mà cho dù có bỏ cũng chẳng hay ho gì, chúng sẽ bị xốp đi, thậm chí là nấm mốc.

Bé Thúi (Theo BuzzFeed)

Cách nấu món Sườn non lăn bột

Với lớp vỏ bột thơm giòn ở ngoài và phần thịt mềm béo, món ăn đơn giản này đã trở thành món ruột của nhiều người.

Nguyên liệu:

  • Sườn non
  • Bột mì
  • Trứng gà
  • Nước mắm, tiêu, hành băm, 1 ít tỏi băm, gia vị…
    (Về liều lượng thì tùy các bạn ăn được bao nhiêu, muốn tẩm nhiều bột hay không mà tự điều chỉnh)

Cách làm:

Sườn non lựa loại ngon (nhiều sụn). Mua về rửa sạch rồi chặt thành miếng vừa ăn.

– Chuẩn bị một nồi nước, bốc 1 nhúm muối nhỏ và đập 1 củ hành tím bỏ vào, bật bếp. Rồi thả sườn vào nấu cho chín tái (đừng chín luôn nhé!). Sau đó vớt ra, rửa sườn lại cho sạch sẽ. Bước này sẽ giúp sườn bong thịt ra, dễ gặm hơn, ngoài ra còn khử mùi hôi của thịt.

– Lấy sườn ra rồi thì ướp với hành tím băm, tỏi băm (ít thôi cho thơm, nhiều quá át mùi), nước mắm, hạt tiêu trong 20 phút.

– Trong lúc đó thì chuẩn bị cái tô, cho bột mì vào ước lượng cho vừa ôm hết số thịt sườn, rồi đập 1-2 quả trứng, cho chút nước vào rồi quấy lên, nêm chút xíu muối, bột ngọt cho có vị. Hỗn hợp này nên quấy sao cho sền sệt, đừng lỏng quá cũng đừng khô quá khó bám.

– Quấy xong rồi thì đổ sườn đã ướp vào, trộn đều lên cho bột quyện vào thịt.

– Sau đó bắc cái chảo dầu, bật lửa vừa phải, rồi gắp sườn lăn bột vào chiên. Chiên đến khi nào vỏ bột hơi vàng là ngon, đừng chiên kỹ quá sẽ dễ bị khô, cứng. Lưu ý là bật lửa vừa hoặc nhỏ, đừng lửa lớn quá làm bột muốn cháy đen mà sườn thì chưa kịp chín.

Bé Thúi

BÍ QUYẾT LÀM CÁC MÓN CHIÊN RÁN NGON HƠN

Món chiên rán là những món ưa thích của nhiều người. Tuy vậy, để có những món chiên rán thơm , giòn ngon, người làm bếp phải có nhiều kinh nghiệm.

Đầu bếp Võ Quốc tại TP HCM chia sẻ bí quyết chiên thức ăn cho đúng, rán đậu phụ làm sao để giòn…

Chiên thức ăn

– Nên đổ dầu ngập thức ăn vừa đủ. Đừng cho dầu nhiều quá nửa chảo, vì khi cho thực phẩm vào chiên dầu sẽ văng ra.

Với những món chiên thì chỉ nên chiên dầu vừa ngập mặt và không quá nửa chảo. Ảnh: N.S.

– Độ nóng của dầu vừa đủ, khoảng 175-190 độ C. Không có dụng cụ đo nhiệt, có thể thử bằng cách thả mẩu bánh mì khô vào dầu. Nếu miếng bánh mì vàng đều là dầu vừa đủ nóng, bánh bị cháy đen ngay do dầu quá nóng. Trường hợp xung quanh mẩu bánh dầu nổi bọt bong bóng cho thấy nhiệt độ vẫn còn chưa đủ.

– Khi chiên thức ăn, dầu canola (một loại dầu ăn làm từ hạt hoa cải) là lựa chọn tốt nhất bởi tính chịu nhiệt cao, không dễ bị phân hủy. Dầu ôliu chỉ tốt khi dùng để ăn sống (trộn với salad) hay xào thức ăn, nhưng dưới nhiệt độ cao khi chiên thức ăn thì hoàn toàn không nên dùng dầu ôliu.

Chế biến món trứng

– Nên để trứng ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C). Lấy trứng ra khỏi tủ lạnh khoảng 30 phút trước khi nấu sẽ tốt hơn, vì trứng lạnh sẽ dễ bị nứt khi luộc, đóng cục khi nấu hay chiên và sẽ không nổi khi đánh trứng lúc làm bánh.

Để đánh trứng nổi, dụng cụ đánh phải sạch và không dính bơ hay dầu mỡ. Ảnh: N.S.

– Nếu bạn cần chế biến ngay mà không có nhiều thời gian chờ cho trứng lạnh ở nhiệt độ phòng, nên ngâm trứng vào tô nước ấm (không ngâm nước sôi) khoảng 5-10 phút là có thể dùng được.

– Khi cần tách riêng lòng trắng lòng đỏ: Dùng trứng mới và lạnh sẽ dễ tách hơn. Đập trứng vào cái phễu, lòng trắng chảy xuống phễu, lòng đỏ sẽ còn lại trong phễu.

– Khi cần đánh nổi trứng hay lòng trắng, các dụng cụ tiếp xúc trứng phải sạch, không dính dầu mỡ hay bơ, nếu không trứng sẽ không nổi.

– Nếu chỉ cần sử dụng lòng trắng trứng: Cho phần lòng đỏ còn lại vào một chén nước lạnh hay sữa và cất vào chỗ tối. Khi dùng, chỉ cần đổ sữa hay nước đi, lòng đỏ vẫn tươi nguyên.

– Thêm một ít bột chanh hoặc vỏ chanh khô mài nhuyễn vào các món bánh để làm giảm mùi tanh của trứng.

– Nếu không có dụng cụ cắt trứng, nhúng dao vào nước nóng, khi cắt trứng sẽ không bị vỡ.

Chế biến đậu phụ

– Đậu phụ mua về nên luộc sơ trong nước sôi có dằn chút muối, trút ra rổ để ráo nước, đậu phụ sẽ mềm và tươi hơn.

Muốn chiên đậu giòn phải để đậu thật ráo nước. Ảnh: N.S.

– Trước khi chiên đậu phụ nên để thật ráo, hoặc dùng nhiều khăn giấy bao lại, dùng thớt hay vật nặng đè lên miếng đậu phụ khoảng 15-20 phút cho ra hết nước.

– Trẻ nhỏ có thể ăn đậu phụ sống, nhưng tốt hơn hết là nên hấp cách thủy khoảng 5 phút để diệt các vi khuẩn có trong đậu phụ có thể gây khó chịu cho đường ruột của trẻ.

– Đậu phụ trứng, đậu phụ non, óc đậu là những loại đậu phụ mềm, mịn làm từ đậu nành nguyên chất, rất dễ vỡ nên khi dùng chế biến món ăn cần nhẹ tay. Có thể tẩm đậu phụ qua bột hoặc lăn vào trứng gà trước khi chiên để đậu phụ không bị vỡ. Khi hấp món ăn, tránh để nguyên liệu nặng hơn lên đậu phụ mà nên đặt đậu phụ lên trên cùng.

Khánh Hòa (vnexpress.net)

Những ứng dụng hay từ nguyên liệu nhà bếp (phần 1)

Nguyên liệu trong bếp không chỉ để làm đồ ăn hay bỏ đi sau khi sử dụng, nó còn có nhiều công dụng hay khác, nếu biết tận dụng những mẹo này, bạn có thể tiết kiệm được không ít đấy.

Dùng tiêu để đuổi kiến.

Kiến rất sợ tiêu, bạn thử rắc một ít tiêu xay vào chỗ thường trú của kiến, nó sẽ hiểu ngay ý bạn.

Dùng dấm xóa vết bầm

Da bạn bị bầm tím nhìn hơi khó coi, lúc này dùng miếng vải hoặc bông gòn hút giấm rồi bôi vào chỗ bị bầm. Giấm có tác dụng làm lợt đi màu bầm, lại còn giúp da bạn hồi phục nhanh hơn.

Dùng chuối để đánh răng

Bạn có thể tiết kiệm tiền tẩy trắng răng bằng cách dùng vỏ chuối chà quanh răng khoảng 3 phút mỗi ngày. Khoảng vài tuần sau, răng bạn sẽ trắng lên đáng kể.

Dùng nước ấm và đá tách thủy tinh:

Khi bạn chồng hai ly thủy tinh vừa khít thì thường chúng bị hút vào nhau khó hít ra. Lúc này bạn bỏ đá tủ lạnh vào cái ly ở trong, sau đó ngâm ly vào nước ấm. Nhiệt độ cao làm cái ly ở ngoài nở ra, còn nhiệt độ lạnh làm ly ở trong co lại, thế là bạn chỉ cần nhấc nhẹ là 2 cái ly sẽ rời nhau.

Dùng hành khử mùi hóa chất

Một số người không thể chịu nổi mùi của các loại hóa chất dùng trong nhà như sơn hoặc vẹc ni, Nếu hít nhiều những mùi này sẽ gây hại sức khỏe. Bạn có thể khử mùi của chúng bằng cách trộn hành củ / hành tây thái nhỏ với nước trong một cái chén rồi đặt chén ở chỗ cần khử mùi.

Dùng nước luộc để tưới cây

Nước luộc nui, khoai tây nếu còn thừa, bạn có thể bón vào cây trong vườn hoặc chậu, cây sẽ phát triển tốt nhờ vào chất dinh dưỡng trong nước luộc.

Dùng bã cà phê bón phân

Bã cà phê là loại phân bón tốt được nhiều người biết đến với khả năng làm giàu ni tơ cho đất. Nếu nhà bạn có người uống cafe phin và trồng cây cảnh, không nên bỏ qua tác dụng này.

Dùng hành tây làm sáng tranh ngả màu

Tranh sơn dầu để lâu màu trắng sẽ ngả vàng, đừng lo, bạn cắt đôi một củ hành tây rồi chà lên chỗ cần làm sáng sẽ thấy ngay hiệu quả.

Dùng sữa làm dịu vết côn trùng cắn

Khi bị côn trùng cắn sưng đau, ngứa, bạn hãy pha sữa với nước, muối và bôi lên những vết đốt. Với cách này, vết đốt và cơn ngứa sẽ lặn bớt nhanh chóng.

Bạnh Bư tổng hợp.

30 mẹo vặt cho người nội trợ (phần 2)

Những mẹo vặt nhà bếp được lấy từ kinh nghiệm của người nội trợ lâu năm sẽ luôn đem đến cho bạn những bất ngờ vì công hiệu của chúng.

16. Nước cống bạn có được khi thay nước bể cá là phân bón rất tốt cho cây với nito, phốt pho bên trong nó. 

17. Khi rã đông thịt, nên rưới chút dấm lên. Dấm làm mềm thịt, lại còn làm giảm nhiệt độ đóng băng làm rã đông nhanh hơn. 

18. Kem đánh răng là chất đánh bóng đồ bạc rất hữu hiệu.

19. Baking soda không khử mùi hiệu quả cho tủ lạnh bằng than hoạt tính. Mặc dù vậy, nó vẫn rất tốt để khử mùi cống rãnh, mặt bếp và bồn rửa mặt.

20. Mủ của rau, củ có thể khiến đôi tay bạn đen xì. Lúc này hãy chà một vài lát khoai tây đã gọt vỏ hoặc dùng dấm.

21. Bạn mua bánh mì về mà ăn không hết, hãy cho một nhánh rau cần tây tươi vào túi bánh mì và đóng kín lại. Cần tây có thể phục hồi hương vị và kết cấu cho bánh mì.

22. Nếu muối của bạn vón cục, hãy đặt vài hạt gạo vào hộp muối để  nó ấp thụ độ ẩm quá mức trong đó.

23. Băm thái hành dễ khiến bạn “rơi lệ” và chất cay khiến nước mắt bạn phải rơi tập trung ở phần gốc. Do vậy, giảm cay mắt bằng cách để gốc của nó cắt sau cùng. Có một mẹo dân gian là hãy nhai bất cứ thứ gì khi cắt hành để không bị cay mắt.

25. Khi làm món sup, nước sốt, thịt hầm quá nhiều dầu mỡ bạn hãy nhúng vào đó một viên đá. Đá sẽ hút chất béo, ngay sau đó bạn múc đá ra.24. Luôn luôn giữ một cây lô hội trong nhà bếp. Nó là vô giá khi cánh tay bị xước hoặc ngón tay bị bỏng. Chỉ cần bẻ đôi lá nha đam và lấy gel bôi lên vết thương.

26. Nước sôi để nguội sẽ đông nhanh hơn nước lã. Điều này có ích nếu bạn muốn sớm có đá để sử dụng.

27. Nếu hai chiếc cốc của bạn dính chặt vào nhau. Tách nó dễ dàng bằng cách cho đá vào ly bên trong, đổ nước ấm vào ly bên ngoài. Thủy tinh gặp nóng sẽ nở, gặp lạnh sẽ co và bạn sẽ tách hai cốc dễ dàng.

28. Để giúp một ngăn tủ gỗ đóng mở trơn tru hơn hãy bôi nến lên ray cửa

29. Khi bị bầm tím hãy lấy một miếng bông viên tròn và ngâm trong dấm trắng rồi áp nó lên chỗ đau. Vết bầm sẽ giảm thâm và sớm biến mất.

30. Để giữ cho rau quả tươi lâu hãy bọc chúng trong báo trước khi cho chúng vào tủ lạnh.

Thanh Thu – vnexpress.net (theo lifehackery.com)

VÌ SAO BẠN NÊN UỐNG TRÀ XANH MỖI NGÀY?

Một chén trà mỗi ngày không những giúp bạn nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng cường sinh lực mà còn phòng chống bệnh tật.

1. Đào thải độc tố

Trà xanh cũng giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể. Trà xanh cũng là một thuốc lợi tiểu và giúp làm giảm khả năng tích nước. Tác dụng lợi tiểu của trà xanh đã được sử dụng nhiều thế kỷ giúp thải chất lỏng dư thừa ra ngoài cơ thể. Duy trì uống trà xanh hằng ngày giúp ngăn chặn sự tích nước trong cơ thể.

2. Lợi tiểu, giảm huyết áp

Uống trà xanh giúp lợi tiểu và giảm sung, ức chế sự hấp thu của tiểu quản thận, kích thích trung khu vận động của huyết quản, gia tăng độ lọc của thận, từ đó có tác dụng lợi tiểu. Ngoài ra, hóa chất hỗn hợp trong trà còn có tác dụng tốt trong việc giảm huyết áp, những bệnh nhân cao huyết áp rất thích hợp uống trà đậm vừa phải.

3. Giảm stress

Các thiamine trong trà xanh đã được chứng minh để tạo ra một tác dụng làm dịu bớt căng thẳng. Nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng bạn có thể uống thử một tách trà và cảm nhận sự khác biệt. Trà xanh khử chất caffein và bạn có thể uống trà xanh thay thế cafe.

4. Chống lão hóa

Rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng mình trà xanh có tác dụng chống lão hóa nhờ các chất vitamin và amino acids khác nhau. Do vậy, uống trà xanh thường xuyên có thể phòng ngừa tình trạng thiếu vitamin A, C và B… Uống trà một thời gian dài có ích cho việc phòng chống bệnh và kéo dài tuổi thọ ở người cao tuổi. Tại Nhật Bản, những người thích trà đạo thường sống thọ và sắc mặt hồng hào.

5. Tốt cho trẻ nhỏ

Không chỉ có tác dụng với người lớn, trà xanh còn có tác dụng với cả trẻ nhỏ. Nếu mỗi ngày, bạn cho trẻ uống 2 – 3 ly (0,5 – 2g trà/ly), uống vào buổi sáng và uống khi còn ấm có thể bổ sung vitamin, đường và chất fluoride cho cơ thể.

Trà còn có thể chống chứng biếng ăn, tốt cho việc tiêu hóa, giúp trẻ nhỏ thanh nhiệt cơ thể. Hàm lượng fluoride trong trà khá cao, cho trẻ uống với liều lượng thích hợp, khuyến khích thói quen dùng trà súc miệng, không chỉ giúp chắc xương mà còn có thể ngừa sâu răng. Ngoài ra, dùng những chén trà xanh thật đặc, khi còn nóng thả vào vài viên đá để kết tủa tannic acid và dùng nước trà rửa mặt hoặc tắm cho trẻ sẽ làm cho làn da của trẻ mịn màng hơn.

6. Giảm cân

Trà xanh có công dụng giúp tiêu hóa tốt và làm tan mỡ, có thể giúp ích trong việc giảm cân. Đó là vì chất caffeine trong trà giúp làm tăng lượng tiết ra của dịch dạ dày, giúp tiêu hóa nhanh, tăng cường khả năng phân giải mỡ thừa. Các vitamin trong trà giúp giảm bớt mỡ thừa trong cơ thể. Tuy nhiên hiệu quả của nó thì mỗi người mỗi khác, mỗi người có sự thích ứng của riêng mình.

9 điều kỵ khi uống trà:

– Không uống trà khi đói bụng
– Không uống trà quá nóng
– Không uống trà lạnh
– Không nấu trà quá lâu
– Không nấu trà nhiều lần
– Không uống trà trước khi ăn
– Không uống trà ngay sau khi ăn
– Không uống thuốc bằng nước trà
– Không uống trà để qua đêm

Cách bảo quản trà

– Cất trà ở những nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, cách mặt đất tối thiểu 50cm.

– Không để chung trà cùng các hàng hóa có mùi như: mỹ phẩm, thuốc lá, xà phòng nước mắm, cá khô, long não…

– Không mở túi/hộp trà nhiều lần, nhất là trong những ngày thời tiết nồm ẩm. Không dùng tay lấy trà trực tiếp trong túi/hộp đựng bởi hơi ẩm, mồ hôi từ tay sẽ làm biến chất lượng trà còn lại.

Trần Quỳnh tổng hợp (ngoisao.net)

NHỮNG THỰC PHẨM ĐƯA BẠN VÀO GIẤC NGỦ NGON NHANH CHÓNG

Ngủ là thời gian để các tế bào của cơ thể, kể cả tế bào não, được phục hồi. Đó là lý do tại sao thiếu ngủ sẽ làm bạn mệt mỏi, choáng váng, mất tập trung… Sau đây là một số loại thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn.

Hạnh nhân

Những loại hạt không ướp muối, đặc biệt là hạnh nhân, được xem là một loại “thực phẩm tăng lực” quan trọng giúp bạn ngủ ngon hơn. Hàm lượng chất magnesium trong hạt giúp bạn ngủ thẳng giấc và thúc đẩy việc thư giãn cơ. Bên cạnh đó, hàm lượng protein trong hạt cũng giúp ổn định mức đường huyết trong khi ngủ. Nên ăn 2-3 hạt hạnh nhân khoảng 1 giờ trước khi lên giường.

Sản phẩm sữa

Phô-mai, sữa và sữa chua được xem là những nguồn cung cấp chất tryptophan có khả năng gây ngủ tự nhiên. Bạn thậm chí có thể dùng những loại thực phẩm này để an định thần kinh trước khi ngủ do hàm lượng calcium trong chúng có tác dụng giảm stress và ổn định các sợi thần kinh.

Trứng luộc

Nếu khó ngủ, bạn có thể ngồi dậy và “chén” một quả trứng luộc. Với hàm lượng protein cao, trứng giúp bạn cải thiện giấc ngủ và duy trì vóc dáng, nghĩa là nó cung cấp cho bạn một sự bảo vệ toàn diện. Tuy nhiên, nếu bạn có mức cholesterol cao chỉ nên ăn lòng trắng trứng.

Ngũ cốc

Các cuộc nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh ngũ cốc nguyên hạt ít đường có thể giúp con người ngủ ngon hơn. Ngũ cốc được bổ sung thêm sữa chua có thể giúp kích hoạt chất serotonin trong não, vốn có khả năng chi phối tâm trạng và giấc ngủ. Khi mức serotonin trong cơ thể tăng cao, chúng làm cho con người cảm thấy buồn ngủ.

Bắp rang không béo

Loại bắp rang này chứa một hàm lượng carbohydrate đủ để hỗ trợ việc đưa chất tryptophan vào não. Tryptophan được dùng để sản xuất chất có tác dụng kích thích giấc ngủ là serotonin. Vì thế, bạn có thể ăn một ít bắp rang trước giờ đi ngủ để có giấc ngủ ngon, đương nhiên đó phải là loại bắp rang không chứa chất béo.

Mật ong

Hãy thêm chút mật ong vào bát ngũ cốc mà bạn dùng lúc đêm khuya hoặc nhỏ vài giọt vào ly nước uống trước khi ngủ. Mật ong có thể tạo ra một sự khác biệt đáng kể trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Những đặc tính kích thích giấc ngủ của mật ong khiến loại thực phẩm này trở thành một liệu pháp hữu dụng cho người bị mất ngủ.

(ST)

Sử dụng gia vị đúng cách

Không nên nêm mì chính vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao, chỉ tầm 70 – 80 độ C là vừa phải.

Tỏi, hành

Đây là gia vị có mùi hăng nên bạn cần cẩn thận về liều lượng khi dùng. Nếu ướp hành, tỏi quá tay bạn sẽ làm mất mùi vị đặc trưng của thực phẩm.

Khi rán trứng với hành, các bà nội trợ thường trộn đều hành với trứng rồi đổ cùng lúc vào chảo rán. Thói quen này sẽ không tận dụng được mùi thơm của hành, làm trứng và hành chín không đều. Cách làm đúng là cho hành, tỏi vào dầu trước, xào đến khi hành tỏa mùi thơm rồi cho trứng vào sau.

Không nên dùng hành tây, tỏi tây để trang trí món ăn. Chỉ dùng nấu chung với các nguyên liệu khác để tận dụng hết mùi thơm.

Giấm

Giấm giúp khử mùi và tăng hương vị cho món ăn. Một số người làm món sườn xào chua ngọt hay cho giấm vào sớm. Như thế, mùi giấm sẽ át mất vị ngọt, thơm đặc trưng của thịt và đường khi rán vàng. Chỉ pha giấm với nước sốt cà và rưới lên sườn đã chín vàng, đun sôi vài phút, nhấc xuống.

Khi chế biến các món nộm gỏi, trộn có thịt, bạn nên dùng chanh thay giấm.

Quế và hồi

Khi dùng dạng cây, bạn cho chúng vào lúc ướp nguyên liệu và lúc nấu để tận dụng hết hương thơm. Nếu dùng dạng bột, bạn nên hòa với một ít nước.

Không cho quế, hồi vào dầu đang nóng vì sẽ gây cháy, món ăn có mùi hăng và vị đắng.

Hạt tiêu

Các bà nội trợ hay ướp tiêu vào thức ăn trước khi chế biến để tạo mùi thơm. Tuy nhiên, hạt tiêu nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất mùi thơm đặc trưng. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên rắc hạt tiêu khi thức ăn đã chín.

Ngoài ra, trong hạt tiêu có một lượng dầu rất nhỏ để giữ hương thơm. Tiêu xay sẵn sử dụng tiện lợi nhưng sẽ bị mất mùi nhanh chóng. Do đó, các bà nội trợ muốn giữ tiêu dùng lâu dài nên để nguyên hạt, cất nơi khô thoáng. Khi cần dùng mới lấy tiêu ra xay nhuyễn. Như vậy, tiêu sẽ đảm bảo thơm ngon.

Mật ong

Trong mật ong có nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như carbohydrate, chất chống ôxy hóa, axít béo, axít amin, các vitamin và khoáng chất. Các chất này dễ bị phân hủy khi ta đun nóng, chưng cất mật ong ở nhiệt độ cao. Chỉ nên pha mật ong vào nước ấm, trà hoặc sữa ở khoảng 40 độ C trở xuống.

Khi bảo quản mật ong, nên để trong lọ thủy tinh, nơi tránh nắng. Không nên để trong lọ kim loại vì dễ bị biến chất và có thể gây ngộ độc khi dùng. Khi thấy trong lọ mật có nhiều bọt khí nghĩa là đã biến chất, nên bỏ đi.

Gừng

Gừng thường được dùng để ướp thịt, cá và khử mùi tanh. Trong gừng có chứa men zingibai làm thịt mau mềm. Khi sử dụng, bạn nên rửa sạch và để cả vỏ vì có tác dụng chữa bệnh và tăng hương vị.

Không nên dùng những củ gừng để lâu vì có chứa độc tố lưu huỳnh gây hại cho gan.

Mù tạt

Gia vị này giúp khử mùi tanh của thủy hải sản và kích thích vị giác. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên dùng mù tạt để ướp thực phẩm hoặc làm sốt cho các món trộn vì chất enzyme tạo mùi của mù tạt rất dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Bạn không nên dùng mù tạt thay ớt khô hoặc ớt bột trong các món lẩu cay.

Đường, mì chính (bột ngọt)

Khi thực hiện các món rán và nướng, bạn chỉ nên dùng ít đường để ướp thực phẩm. Nếu dùng nhiều, món ăn rất dễ cháy khét, bị sậm màu gây mất thẩm mỹ và có vị đắng.

Khi nêm mì chính, chúng ta không nên cho vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chỉ nên cho mì chính vào khi thức ăn để khoảng 70 – 80 độ C. Đồng thời, người nội trợ nên nêm một lượng nhỏ mì chính vừa đủ để kích thích vị giác. Không nên cho quá nhiều loại gia vị này vào thức ăn vì một số người dị ứng với bột ngọt có thể bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí bị ngộ độc.

NS

Cách nấu món Bò kho ngon

kho là món ăn phổ miến trong miền Nam. Miền Bắc có một món tương tự là sốt vang, nhưng không hoàn toàn giống. Bò kho có nhiều cách ăn và cách làm, quan trọng là miếng bò phải mềm, ngấm, nước dùng màu điều bắt mắt, thơm vị hồi, quế…

Nguyên liệu làm món bò kho bánh mì ngon:

– Chính:

  • 600gr thịt (Bắp bò, nạm, gân, tùy ý bạn)
  • 400gr cà rốt.

– Gia vị:

  • 3 nhánh sả
  • 3 bông bát giác hồi hương (còn gọi là đại hồi, hoa hồi, mua ở tiệm gia vị nào cũng có)
  • 1/4 muỗng cafe bột quế hoặc 1 miếng quế
  • 1 củ gừng, 1 muỗng canh hành củ, 1 muỗng cafe tỏi (tất cả băm nhỏ)
  • Dầu điều
  • Bột cà ri
  • Đường, muối, tiêu, chanh.
  • Bột ngũ vị hương hoặc 1 gói gia vị bò kho

– Thêm:

  • Rượu trắng để khử thịt
  • 1 muỗng canh bột năng pha với nước (cái này để thêm vào nồi bò kho nếu bạn muốn cho hỗn hợp sệt lại chấm bánh mì)
  • Ngò gai, rau om, húng quế…để ăn kèm.

Cách nấu món ngon BÒ KHO :

  • Sơ chế:

– Cà rốt xắt khúc có độ dày vừa ăn.
– Dùng 1 phần gừng băm hòa vào rượu trắng rồi xát lên thịt bò, để ngâm như vậy khoảng 5 phút để thịt bò hết hôi.
– Sau đó rửa lại bằng nước sạch, trụng qua nước sôi.
– Sau đó bỏ ra thớt cắt thành miếng vuông dày vừa ăn.
– Cho thịt bò vào cái tô, ướp với 2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe màu điều, 2 muỗng cafe bột cà ri, 1 muỗng cafe ngũ vị hương. Ướp trong ít nhất 1 tiếng (để qua đêm được thì càng tốt, vì thịt phải ngấm mới ngon.)

  • Thực hiện:

– Bắc cái nồi để kho lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu màu điều vào rồi cho hành tỏi và gừng băm vào phi thơm.
– Đổ tô thịt bò đã ướp vào xào cho săn mặt ngoài, sau đó đổ 1 lượng nước lọc vừa đủ ngập mặt thịt, rồi cho 3 nhánh sả + hoa hồi, bột quế vào nồi (hoa hồi và quế cây nên cho vào túi vải cho dễ lấy ra) .
– Đun nước cho sôi rồi vớt bọt, nhỏ lửa.
– Hầm với lửa nhỏ cho khoảng 30 phút, sau đó nêm nếm lại cho vừa ăn (nêm gia giảm bằng muối, đường, ngũ vị hương nhé). Nếu thấy vị quế hồi đã đủ ăn thì vớt quế và hồi ra ngoài, còn nếu chưa thì hầm tiếp.
– Hầm đến khi thịt bò chín mềm, thì cho cà rốt vào hầm tiếp cho đến khi cà rốt mềm vừa ăn.

*** Nếu muốn nước dùng sệt thì bạn cho bột năng pha nước vào khuấy lên cho tới khi sền sệt.

ScreenHunter_010

  • Trình bày:

– Múc bò kho ra tô, điểm thêm chút ngò gai, bạc hà, rau om… thái nhỏ, vắt miếng chanh cho thơm…
– Có thể chuẩn bị thêm dĩa muối tiêu chanh để chấm thịt bò ăn sẽ đã cái miệng hơn.
– Bò kho ăn nóng, với bánh mì, cơm, phở, mì gói, hủ tiếu hoặc bún tùy bạn.

***Lưu ý: Quế và hồi mua ở tiệm gia vị, nhưng nếu không có, thì bạn tăng lượng ngũ vị hương lên là đươc, vì ngũ vị hương cũng có thành phần chính là quế và hồi.

Bé Thúi

6 MÓN ĂN THƯỜNG BỊ KỲ THỊ TRÊN THẾ GIỚI

Sự khác biệt về văn hóa tạo nên một thế giới ẩm thực đầy thú vị, tuy nhiên bên cạnh đó, điều này cũng mang đến nhiều bất đồng khó hàn gắn. Thậm chí, có những món ăn mà người ăn thường nhận được sự kỳ thị gay gắt. Người ăn những món này thường nhận được ác cảm từ nhiều người xung quanh.

Thịt Chuột lang

mav114

Với một số người, chuột lang vô cùng dễ thương, ít khi bệnh lại sống rất tình cảm. Chúng còn dễ nuôi và giá thành không quá mắc.

Dù vậy đối với vùng Nam Mỹ, đặc biệt là những nước như Bolivia, Peru, Ecuador và Colombia, chuột lang là món ăn bày trên mâm cơm thường ngày. Ước tính, khoảng 65 triệu chuột lang được tiêu thụ mỗi năm tại Peru. Chuột lang cũng là món ăn khoái khẩu với một số vùng ở Châu Phi.

Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ và Châu Âu, ăn chuột lang là một điều hết sức cấm kỵ.

Thịt Ngựa

Thịt ngựa được ưa chuộng ở nhiều nơi tại Châu Âu và Nhật, Bỉ và Hà Lan nổi tiếng với món thịt ngựa xông khói, Đức nổi tiếng với món ngựa om. Ở Nhật thường ăn thịt ngựa sống hay còn gọi là Bashashi.

Mặc dù là một món ăn được ưa chuộng đi chăng nữa thì ngựa vẫn là một loài vật trung thành, giúp ích cho con người, đó là lý do vì sao tiêu thụ thịt ngựa là sự cấm kỵ đối với hầu hết các nước như Anh, Mỹ, Canada (trừ Quebec) và Úc.

Cá heo

Cá heo chỉ được tiêu thụ tại Nhật. Nói đúng hơn, nó chỉ được tiêu thụ tại một ngôi làng nhỏ tên Taiji phía Nam Honshu.  Thịt cá heo vô cùng quý hiếm . Người dân và chính quyền ở Taiji bỏ rất nhiều công sức cho người tập luyện các cách bẫy cá heo, thường là dồn một tốp cá heo vào cái ổ tạo sẵn để có thể dễ dàng bắt và giết. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra Taiji để ngăn chặn hành động này nhưng vô ích.

Mèo

Thịt mèo là món ăn được người dân Trung Quốc ở phía Nam như Quảng Đông, Quảng Tây và một số vùng ở Peru yêu thích. Đối tượng tiêu thụ thịt mèo thường là người già. Tuy nhiên một tin vui cho hội yêu mèo, các nhà hàng bán thịt mèo ở phía Nam Trung Quốc đã bị chính phủ đóng cửa, đồng thời, những người ăn thịt mèo tại đây sẽ bị phạt tù 15 ngày. Ở Peru, việc ăn thịt mèo không được lan rộng cả nước. Ở Việt Nam cũng có thịt mèo, bạn có dám thử không ?

Cá mập

Thực ra, người ta thường không ăn thịt cá mập, họ chỉ lấy vi của nó để làm món súp trứ danh: súp vi cá. Súp vi cá là món ăn rất nổi tiếng ở Trung Quốc và Đài Loan. Cách để lấy vi thường là, bắt cá mập-cắt vi- thả cá mập trở lại. Một là con cá mập đó nghẹt thở rồi chết, hai là nổi hứng vớt lên làm thịt luôn.

Đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay từng quay một phim tài liệu về đề tài này vào năm 2011, tên là Shark Bait. Sau khi thử món súp vi cá trứ danh, Gordon nói nó nhạt nhẽo.

Chó

 

Phía Nam Hàn Quốc là nơi mà hội những người yêu chó sẽ không hài lòng vì thịt chó được ăn tại đây quanh năm. Mùa hè người ta thường ăn chó hầm. Những món ăn từ chó nổi tiếng ở đây như Bosintang và Gaegogi Muchim. Việt Nam cũng là một đất nước có số lượng người tiêu thụ thịt chó cao. Đây là món ăn mang tính xúc phạm với rất nhiều nền văn hóa vì chó là một loài vật trung thành, giúp ích cho con người trong rất nhiều việc kể cả bắt tội phạm. Nhiều tổ chức bảo vệ Chó đã lên tiếng trước thực trạng ăn thịt chó, theo họ, những người ăn thịt chó đã gián tiếp trở thành những kẻ tiếp tay cho tệ nạn ăn cắp, buôn lậu chó…


Yan/Báo du lịch

Cách nấu bún chả cá Đà Nẵng

BÚN CHẢ CÁ là món ăn phổ biến ở các tỉnh vùng duyên hải miền Trung. Đây là món ăn ngon, hấp dẫn mà cách chế biến không hề cầu kì. Bạn chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu cho ngon và đầy đủ.

1. Nguyên liệu:

Để làm chả:

– 300g cá thác lác nạo

– 200g phi lê cá basa

– 100g mỡ thăn và 1 quả trứng gà.

– 1 muỗng canh bột mì

Để nấu nước bún:

– xương ống heo để nấu lấy nước.

– 100g bí đỏ cắt to khoảng 4x5cm

– 10 lá bắp cải to bằng 1/2 bàn tay

– 3 quả cà chua, 1/4 trái thơm chín, một ít măng khô hoặc tươi

– 2 muỗng canh mắm ruốc

Rau:

– Xà lách, húng quế, húng lủi, giá sống

– Hành lá, hành hương

– Các gia vị thông thường.

2. Chế biến:

Làm chả cá:

– Phi lê cá basa đem xắt nhỏ, rồi giã thật nhuyễn – Mỡ thăn xắt hạt lựu thật nhỏ – Trứng gà đánh tan cùng với bột mì

– Trộn chung cá thác lác nạo, cá basa, mỡ thăn, trứng+bột với 1 muỗng cafe dầu màu điều, 1/2 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe tiêu, 1/2 muỗng cafe đường, 1 củ hành tím băm nhuyễn. Trộn thật kỹ – Thoa dầu ăn lên tay, nặn thành miếng tròn đường kính khoảng 5cm, dày 1cm – Đem chiên ngập dầu, lửa hơi lớn đến khi miếng chả có màu vàng đỏ. Vớt ra ta được chả chiên. Bạn có thể đem chả hấp hơi cũng rất ngon.

Nấu nước bún:

– Xương heo rửa sạch, cho vào nước sôi ninh nhừ lấy chất ngọt.

– Bí đỏ sau khi đã cạo vỏ và rửa sạch, cắt miếng khoảng 4x5cm.

– Bắp cải cắt miếng bằng 1/2 bàn tay. Cà chua cắt múi, Ttơm xắt lát mỏng, măng khô xé sợi, ngâm nước cho mềm (nếu là măng tươi thì chỉ cần rửa sạch, cắt sợi). Luộc măng với ít muối, khi luộc mở nắp để các chất độc trong măng bay hơi.

– Mắm ruốc pha vào nước lạnh, để lắng lấy phần nước trong – Bỏ hết hỗn hợp trên vào nồi nước xương nói trên. Nêm vào 2 muỗng canh nước mắm ngon, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe hạt nêm, 2 muỗng cafe đường. Nước sôi đổ phần nước mắm ruốc vào, hầm lửa vừa, sôi lăn tăn 30′ để các loại rau quả ra nước ngọt.

– Sau đó bỏ hết phần chả cá đã chiên vào, nấu thêm 20′-30′ nữa, nêm nếm lại lần cuối.

– Nếu là cá thu hay cá ngừ thì cắt lát, um sơ trước (để cá khỏi nát), ướp với mắm, muối, tiêu, hành băm rồi bỏ vô nồi nước thay chả cá.

Làm hành chua:

– Hành tím bóc vỏ, chẻ dọc làm 2, củ nào to cắt nhỏ làm 4. Nếu thích cà rốt thì gọt vỏ cà rốt, cắt hạt lựu bằng miếng hành. Pha hỗn hợp theo tỉ lệ: 1 chén nước ấm + 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe muối – Ngâm hành vào, 1 ngày sau ăn được.

3. Trình bày:

– Bún cho vào tô, chan nước lều cùng với chả các hoặc cá lát vào bún. Nhớ là nước bún phải nóng thì ăn mới ngon, không nge mùi tanh của cá. Chả cá có màu vàng đỏ, da dai, trong mềm ngọt, nước ngọt đậm đà kết hợp với hành chua vừa tới, giòn, ko hăng – Khi ăn dọn kèm với rau sống, tỏi ớt giã nhỏ, mắm ruốc.

(Sưu tầm)