Cách làm RAU CÀNG CUA TRỘN DẦU DẤM THỊT BÒ

 

Rau càng cua vị giòn hăng, tính mát và giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích. Rau càng cua trộn dầu giấm thịt bò đơn giản nhưng ngon miệng, là lựa chọn rất hợp lý cho những ngày bận rộn, oi bức.

Nguyên liệu:

  • 500gr rau càng cua
  • Thịt bò tùy ý
  • Hành, tỏi băm nhỏ
  • Dầu ăn, dấm, muối, đường, nước mắm.
  • Đậu phộng giã nhỏ (đừng giã nhuyễn)
  • (có thể thêm hột vịt luộc xắt lát nếu thích)

Cách làm:

Làm dầu giấm: 3 muỗng canh dấm + 2 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước + 1 muỗng canh dầu ăn + 1/2 muỗng cafe muối + ít tiêu cho vào bát, khuấy đều, nếm thử vị hơi mặn, hơi chua là được, đừng ngọt quá.

Chuẩn bị trộn:

– Rau càng cua rửa sạch, lặt cọng vừa ăn.

– Thịt bò thái nhỏ, ướp với hành, tỏi băm, chút mắm muối trong 15 phút, sau đó xào vừa chín.

Chuẩn bị ăn:

– Khi ăn mới bắt đầu đem trộn rau, thịt và dầu dấm lại với nhau.

– Cho ra đĩa, rắc đậu phộng giã nhỏ lên. Măm măm!

*Món này có thể cho thêm cà chua, trứng luộc xắt lát nếu thích.

Bé Thúi (MAV.vn, facebook Món ăn Việt Nam)

Hủ tiếu gõ, ngõ Sài Gòn

Đã từ lâu, hình ảnh cái xe hủ tiếu còi cọc đậu nơi hè phố với một dáng vẻ khiêm nhường hết cỡ, đã trở thành một cái gì đó không thể thiếu trong những câu chuyện ăn uống Sài Gòn.

Người ta dùng mấy tiếng: Hủ tiếu gõ, gọn lẹ hơn: Mì gõ… để gọi và cũng là để mô tả cái biểu tượng giản dị nhưng cũng đầy cá tính riêng biệt đó. Cá biệt, ở cách bán, cách ăn, cho tới hương vị. Xa xăm, hoài niệm hơn một chút: cá biệt ở cái tiếng gõ. Hơn chục năm trước, tiếng gõ lóc cóc, hoặc leng keng, hoặc lạch cạch, thay cho tiếng rao mời hủ tiếu bằng miệng, vẫn rất thịnh hành. Tiếng gõ có tiết điệu, hình như mang theo tâm trạng người gõ, lúc vui vẻ, lúc buồn bã, khi hững hờ, khi hớn hở… và thường mang đến cho người nghe cảm giác…đoi đói. Để cho tới hôm nay, người ta sẽ cảm thấy lao xao quá đỗi, mỗi khi nghe ra tiếng gõ hũ tiếu trong một khoảng lặng mịt mờ nào đó của đời sống thành thị. Vì bây giờ, không mấy ai đi gõ nữa, có lẽ tại Sài Gòn đã quá ồn ả cho những tiếng gõ đó chăng?

Hết gõ, nhưng vẫn gọi hủ tiếu gõ, chính là vì chưa một ai vội quên đi cái âm điệu mộc mạc đáng yêu đó. Ừ thì hết người đi gõ, nhưng xe hủ tiếu vẫn còn đâu đó thôi. Ừ thì, tạm biệt một thứ dư âm lãng mạn, ta đi ăn hủ tiếu, ăn sợi hủ tiếu phơi khô rồi lại trụng nước, ta ăn miếng bò viên thái mỏng hết cỡ, ta húp muỗng nước lèo ngòn ngọt thơm mùi hẹ ớt xì dầu, chớ đâu có ăn âm thanh lóc cóc leng keng, tuy rằng, nói thật thì vẫn hơi buồn một chút.

Có ai đã thống kê có bao nhiêu xe hủ tiếu gõ ở Sài Gòn? Cái sự thống kê thực khá là thơ mộng, ngộ nghĩnh và có lẽ không khả thi mấy. Mỗi xe hủ tiếu gõ lặng thầm hùng cứ một góc phố, một ngõ hẻm, Sài Gòn có bao nhiêu con phố, bao nhiêu con hẻm, thì hãy gom lại đi, rồi cộng với một con số dễ thương nào đó cho dư ra, càng nhiều càng tốt, để tạm gọi là biết số lượng xe hủ tiếu đang ngang dọc, dọc ngang.

Tính sơ sơ như vậy, để thấy sự gắn bó vô địch của hủ tiếu gõ đối với mảnh đất Sài Gòn. Tại sao có hiện tượng trên? Là bởi đất Sài Gòn, tuy lắm khi mang tiếng đắt đỏ, phồn hoa lấp lánh chi chi đó, nhưng không hề, Sài Gòn thực chất rất giản dị, bụi bặm, và rẻ rề. Ai chưa tin, thì cứ ghé vô một quán hủ tiếu gõ – không tốn kém gì hết, kể cả xăng, vì nó cách nhà bạn quá lắm vài trăm thước.

Gọi là quán cho dễ gọi, chứ chỉ là mấy cái bàn kèm theo mấy bộ ghế cóc. Ngay cạnh đó là xe hủ tiếu bốc khói, thoang thoảng mùi nước lèo. Gọi là quán, nhưng người ngồi ăn luôn ở tình trạng lộ thiên hết cỡ, may mắn mới có cái bạt che, lỡ mà gặp trời mưa, tấm bạt èo uột kia không đỡ nổi, nước bắn vô tô hủ tiếu từ vài chục đến vài trăm giọt, gọi là nêm thêm đôi chút hương vị Sài Gòn. Vậy đó, để cho biết bao người, nói mê mẩn thì hơi quá, nhưng gần thì ăn, xa thì nhớ, nhớ thì thèm. Cái hương vị đặc trưng của hủ tiếu gõ, của Sài Gòn, mà không một quán ăn hoàn chỉnh nào tái hiện nổi, nó cứ nhẹ nhàng, bâng quơ… như một bài thơ, một tiếng hát giang hồ không cầu kỳ gọt dũa, vậy mà ngấm, nhiều khi ngấm tới trái tim, nói hơi quá, nhưng còn biết nói sao? Còn biết nói làm sao cho nó bớt tình cảm hơn, khi mà cái tô hủ tiếu được cả Sài Gòn công nhận về độ dễ ăn ấy, chỉ có giá là… mà thôi, không ai nỡ nói giá tiền của một món quà, ở đây, là món quà giành cho những người yêu Sài Gòn.

Nói về hủ tiếu gõ thì còn nhiều chuyện lắm, nhưng rồi, nói chỉ là nói, nghe chỉ là nghe, không thay thế được cho hành động. Hôm nay, ngày mai, ngày mốt, hoặc ngày kia, bạn sẽ phải đi ăn một tô, cho nhớ. Nhớ rồi thì để giành đó, sau này sẽ có lúc dùng tới, đó là khi bạn được một người bạn đầy thú vị nào đó gợi nhắc về một Sài Gòn mà ai cũng ưa thích, đó là một Sài Gòn rất dân dã, chịu chơi mà gần gũi vô cùng…

 Trần Khiêm

10 món ăn có mùi “lạ” nhất thế giới

Có những món ăn rất quen thuộc ở một số quốc gia, nhưng lắm khi nó lại rất là khó hiểu đối với phần còn lại của thế giới.

1. Trứng bắc thảo

Hay còn gọi là trứng thiên niên kỷ, là loại trứng gia cầm sau khi được ủ bằng một hỗn hợp gồm đất sét, tàn thuốc, muối, chanh, trà, trấu, tro… trong một thời gian vài tháng, thậm chí vài năm. Trứng khi lột vỏ có màu sắc đặc biệt đẹp, nhưng hương vị thì … đặc biệt khai. Tuy vậy, hầu hết những ai vượt qua thử thách này đều nghiện loại trứng này. Trứng phổ biến tại Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan.

2. Natto

Món ăn trông giống như được trộn bằng…chất nhầy từ mũi này, nhưng là một món đặc sản của Nhật bản. Được làm từ đậu tương lên men, nó thường được ăn trong bữa điểm tâm với cơm, sushi hoặc là gia vị cho bát mì. Hương và vị của nó đều là thử thách đối với những người mới ăn lần đầu.

3. Rakfish

Được làm từ cá hồi lên men trong nhiều tháng bằng dịch của cá tiết ra, và sau đó, miếng cá thối – ở nhiều nghĩa – được rửa sạch bằng bia và rượu khoai tây và ăn sống. Đây là món đặc sản phổ biến, thậm chí là món ăn quốc hồn quốc túy của Na Uy, tuy  rằng họ không thích quảng bá hương vị của nó ra thế giới. Với nhiều người, nó là món cá thối nhất hành tinh.

4. Nước đái bò.

Theo quan niệm của nhiều tín đồ Hindu, bò là con vật linh thiêng và nước tiểu của bò cũng là loại nước thánh có thể trị bệnh. Tại nhiều nơi ở Ấn Độ, nước đái bò được bán như một loại nước giải khát và được ưa thích và tiêu thụ mạnh như sữa tươi. Thậm chí, có tổ chức còn công bố kế hoạch sản xuất loại đồ uống từ nước tiểu bò để cạnh tranh với Pepsi và Coca Cola.


5.Surströmming

Cá trích được lên men vài tháng, sau đó được đưa vào ống bơ thiếc ủ chừng một năm. Quá trình lên men mạnh đến mức những cái lon thiếc phình ra và có thể nổ. Người ta thường thưởng thức nó ngoài trời vì không muốn ngộp trong hương vị rất khó tả của Surströmming.

6. Kiviak

Một món ăn kinh dị cả về hương vị lẫn cách thức chế biến. Một bộ da hải cẩu sau khi rút xương và lóc thịt, được nhồi khoảng 300-500 con chim Auk (một loài chim biển) vào và khâu lại, chôn dưới đất trong vài tháng. Khi bới lên để bày ra ăn thì chim chóc ở trong đã ra nước. Và độ kỳ dị của hương vị thì bạn cũng hình dung được rồi.

7. Tàu hũ thúi

Món ăn thường gặp tại các chợ đêm ở Trung Hoa Đại Lục, Đài Loan và các quốc gia có nhiều người Hoa sinh sống. Đậu phụ sống được lên men trong một hỗn hợp gồm các loại rau, sữa, thịt, đôi khi là hải sản, sau đó ủ trong một thời gian càng dài càng tốt. Và hương vị của món này thì tương tự như khi người ta bị đầy hơi và bắt đầu giải tỏa qua không khí.

8. Hákarl

Món này có thành phần chính là thịt cá mập được lên men. Thịt cá mập rất độc do chúng thải chất độc qua lớp da, tuy vậy với người Iceland thì thịt cá mập là đặc sản. Họ chặt nhỏ thịt cá ra và chôn trong sỏi trong ít nhất 6 tuần để loại trừ độc tố. Tuy rằng hết độc hại, nhưng mà nhiều người vẫn không ăn được món này, vì nó có mùi khai đến mức chỉ cần ngửi cũng đủ muốn nôn.

9. Narezushi

Được coi là tiền thân của sushi và sashimi, narezushi làm từ cá muối lên men với cơm trong thời gian 4 năm. Nó có vị chua và mùi khó ngửi, nên rất khó làm quen.

10. Phô mai Époisses de Bourgogne

Đây là một trong những món ăn ưa thích của Napoleon đại đế. Nhà văn Pháp Jean Anthelme Brillat-Savarin đã nhận xét món ăn này là vua của các loại phô mai. Tuy vậy, không phải ai cũng chịu được nó, bằng chứng là ngay tại quê hương nước Pháp, món ăn này đã bị cấm đem đến các nơi công cộng.

Mỹ Lạo tổng hợp.

NHỮNG MÓN NÊN ĂN VÀO DỊP TRUNG THU

Tết Trung thu đến vào giữa mùa thu, khi những thức ngon vật lạ đang độ dồi dào. Trong dịp Tết, gia đình quây quần vui vẻ, cùng nhau thưởng thức món ngon bên mâm cỗ ấm cúng. Vậy ta nên lựa chọn những món nào vừa ngon vừa phù hợp với tiết khí, mang lại sức khỏe cho cả gia đình.

Bánh trung thu

Tất nhiên, món ăn truyền thống không thể thiếu là những chiếc bánh trung thu. Bánh trung thu vốn là chiếc bánh truyền thống có từ lâu đời của dân tộc. Dịp tết Trông trăng về, không khí mùa thu trở nên vô cùng mát mẻ và dễ chịu sau thời gian dài những ngày hè nóng nực, oi bức. Gia đình lại quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức những chiếc bánh trung thu thơm ngon. Bánh trung thu đặc trưng có hình trong tượng trưng cho trăng tròn, có vị vô cùng ngon miệng và hấp dẫn. Bánh cũng có đầy đủ dưỡng chất cho sức khỏe.

Khoai môn

Với phong tục xưa, ăn khoai môn có tác dùng diệt ác, trừ ta và tôn sùng cái thiện. Qua đó, việc ăn khoai môn vào ngày tết trung thu có ngụ ý muốn xua tan điều không may và câu mong một vụ mùa sắp tới may mắn.

Ốc

Mỗi dịp trung thu, ốc thường rất ngon, bởi ốc lúc đấy rỗng ruột, không sinh sản nên không có con, nhiều thịt. Trong ốc cũng chứa nhiều Vitamin A có tác dụng bổ mắt. Đó chính là lí do mà người xưa quan niệm rằng ăn ốc vào mùa thu có thể giúp sáng mắt. Bây giờ, nhiều người, nhiều gia đình vẫn giữ được tập tục ăn ốc vào ngày tết trung thu.

Món chế biến từ ngó sen

 

1381993_10151795979683229_1727725283_n

Ngó sen là thứ nguyên liệu đặc trưng của mùa thu dành cho ngày tết trung thu. Dùng ngó sen, hoa quế trộn vào các thức ăn tạo ra hương vị của món ăn mới, hấp dẫn và có hương vị thơm ngon hơn rất nhiều. Các hương vị của ngó sen, hoa quế hòa quyện tao ra cảm giác thoang thoảng của mùa thu, làm bữa cơm đoàn viên của gia đình thêm phần ấm cúng, yêu thương nhau nhiều hơn. Ngoài ra, ngó sen còn biểu tượng cho sự cát tường, ăn ngó sen trong dịp tết trung thu nghĩa là sự đoàn viên.

Món ăn truyền thống

Trung thu được coi như cái tết thứ 2 của dân tộc, ngày mà gia đình bên nhau, cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống và nhớ về những nét văn hóa lâu đời của dân tộc. Bên cạnh đó, các món ăn dân tộc được dâng lên ông bà, tổ tiên, đất trời cũng là một tập tục đầy ý nghĩa.

(st)

NHỮNG MÓN NÊN KHÁM PHÁ KHI ĐẾN ĐẤT CẢNG HẢI PHÒNG

Đất Hải Phòng không chỉ là một thành phố cảng xinh đẹp nhộn nhịp với những bãi biển tươi mát và những con người giàu cá tính. Nơi đây cũng sản sinh ra những món ăn đặc sắc, được người dân khắp đất nước ưa chuộng như Bánh đa cua, sủi dìn, nem cua bể, bún tôm… 

Bún tôm


Bún tôm là một hương vị đặc trưng của Hải Phòng. Bún dùng trong món này phải là loại bún sợi to, tôm là tôm sú hoặc tôm giảo tươi, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non, chân giò. Rau ăn kèm thường là rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, thì là, hành lá. Tuy mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có một vài món xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng thì mới được coi là bún tôm chuẩn.

Bánh đa cua

Bánh đa cua là món ăn làm nên tên tuổi cho ẩm thực đất Cảng. Mỗi bát bánh đa là sư tổng hòa các màu sắc phong phú: màu đỏ sậm của bánh đa, nâu hồng của gạch cua, đỏ tươi của cà chua, xanh non của rau rút và rau muống, xanh đậm của chả lá lốt chiên, thêm sắc vàng của chả cá và hành phi.

Bánh đa cua muốn ngon phải dùng chính bánh đa đặc sản của làng Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng) nổi tiếng dẻo dai, ngâm nước lâu cũng không nát. Tương ớt ăn kèm tuy chỉ là yếu tố phụ cũng là loại đặc biệt, được chế biến theo một vài cách thứ gia truyền. Người Hải Phòng ăn bánh đa cua vào tất cả các bữa. Món ăn ngày nay đã nức tiếng khắp nơi, trở thành niềm tự hào của người dân đất Cảng, giống như phở của người Hà Nội hay bún bò đậm đà xứ Huế.

Bánh mì que


Bánh mì que hay còn gọi là bánh mì cay là chiếc bánh “nhỏ mà có võ” của ẩm thực Hải Phòng. Hình dạng bánh thuôn dài, nhỏ chỉ độ 1/3 hay 1/5 chiếc bánh mì thông thường nhưng nổi tiếng với vị giòn ngon độc đáo. Bánh mì que đúng kiểu thường ăn với pa tê gan và rau thơm thái nhỏ, không thể thiếu tương ớt “chíu trương” – thứ làm nên vị cay đặc trưng của bánh mì Hải Phòng.

Sủi dìn


Sủi dìn tương tự bánh trôi tàu nhưng viên nhỏ hơn. Món ăn mang cái tên nghe có phần lạ tai bởi có xuất xứ từ cộng đồng người Hoa sống ở Hải Phòng trước đây. Nguyên liệu chính tạo nên sự hấp dẫn cho sủi dìn là bột nếp, vừng đen, dừa nạo, gừng tươi, đường cùng hương liệu đặc biệt. Cũng tương tự bánh trôi tàu, vị nước gừng ấm nóng của món sủi dìn thích hợp ăn vào mùa đông hơn cả. Món ăn lâu nay đã trở thành món quà vặt phổ biến đất Cảng mùa lạnh. Tuy nguyên liệu dễ kiếm nhưng không phải ai cũng biết cách chế biến sủi dìn ngon. Nếu không khéo léo có thể làm vỡ nhân hoặc nhân bật ra ngoài vỏ.

Cơm cháy hải sản


Không cần phải tới mảnh đất cố đô Ninh Bình mới có thể thưởng thức cơm cháy. Người Hải Phòng cũng có cơm cháy, lại mang hương vị biển độc đáo, ấy là cơm cháy hải sản. Ngoài cơm cháy giòn, nước sốt trong món cơm của người Hải Phòng được chế biến từ các nguyên liệu hải sản từ biển quê hương như tôm, cua, mực, tu hài…Vì vậy mà món cơm cháy Hải Phòng mang hương vị rất riêng, khác biệt hoàn toàn với cơm cháy vùng đặc sản dê núi Ninh Bình.

 

Bún cá biển


Bên cạnh bún cá đồng cũng đã nức tiếng xa gần, Hải Phòng còn có thêm món bún tận dụng tiềm năng hải sản phong phú của mình nữa là bún cá biển. Bún cá biển có vị thơm; thịt cá biển săn chắc, ngọt đậm; không thể thiếu miếng chả cá dai ngậy. Tùy khẩu vị, có người còn thích ăn bún cá với móng giò, bởi vị chua cay dịu của nước dùng có thể dung hòa hoàn hảo các nguyên liệu với nhau. Tuy dùng cá biển nhưng bún cá được chế biến theo phương thức bí truyền nên rất dễ ăn và không ngán.

 

Nem cua bể


Người nước ngoài đến Hà Nội thường rất mê những chiếc nem cua bể vuông vức, giòn rụm. Thật ra, món ăn này nổi tiếng hơn cả phải là ở Hải Phòng. Ngoài những nguyên liệu thông thường của món nem miền Bắc, nem cua bể có thêm sự có mặt của thịt cua bể, cũng là một trong những đặc sản của vùng biển quê hương. Chiếc bánh đa nem tuy giản đơn nhưng cũng phải là loại bánh tráng sản xuất theo phương pháp truyền thống địa phương, gói bọc nhân nem rồi gấp thành miếng vuông vức đẹp mắt, khi chiên lên vẫn còn nguyên hương vị đặc trưng của cua bể. Nem có thể chấm với nước chấm hoặc ăn kèm bún và rau sống.

Lẩu cua đồng


Cua đồng tuy không phải là đặc sản vùng biển nhưng lẩu cua đồng chế biến theo kiểu Hải Phòng vẫn có những đặc trưng không thể trộn lẫn với nhiều nơi khác. Nước dùng lẩu cua Hải Phòng rất đậm đà và nhiều gạch, ăn kèm với bánh đa đỏ và chả cá biển đều là “chính hãng” đất Cảng. Ngoài vị ngon, lẩu cá Hải Phòng còn khá rẻ so với món tương tự ở Hà Nội hay một vài nơi khác.

(Theo Depplus.vn/MASK)

8 thói quen làm hại thận của bạn

Thận rất quan trọng với sức khỏe của chúng ta. Nhiệm vụ của thận là lọc máu, sản xuất kích thích tố, hấp thụ khoáng chất, sản xuất nước tiểu, loại bỏ độc tố và trung hòa axit. Tổn thương hoặc suy giảm hoạt động của thận có thể không có biểu hiện cụ thể trong nhiều năm nên nhiều người thường bỏ qua. Do đó bệnh thận thường được gọi là “bệnh im lặng”. Đó là lý do bạn nên chăm sóc thận trước khi quá muộn.

Dưới đây là danh sách 10 thói quen phổ biến có thể làm hỏng thận của bạn theo thời gian.

1. Không uống đủ nước

Chức năng quan trọng nhất của thận là lọc máu và loại bỏ độc tố, chất thải. Khi bạn không uống đủ nước trong ngày, các độc tố và chất thải ngày bắt đầu tích lũy và gấy áp lực cho thận trong việc thải lọc. Kết quả là thận phải làm việc nhiều hơn và có thể bị tổn thương nghiêm trọng.

2. Ăn quá mặn

Cơ thể bạn cần natri hoặc muối để hoạt động trơn tru. Tuy nhiên tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và gây tổn thương cho thận. Một nguyên tắc nhỏ là không ăn quá 5 gam muối trong một ngày.

3. Thường xuyên nhịn tiểu

Nhiều người trong chúng ta bỏ qua yêu cầu này của cơ thể vì quá bận rộn hoặc muốn tránh nhà vệ sinh công cộng. Thường xuyên nhịn tiểu sẽ làm tăng áp suất nước tiểu lên thận, có thể dẫn đến suy thận, sỏi thận, và mất kiểm soát trong việc thải lọc. Vì vậy, bạn cần đi vệ sinh khi cảm thấy cần thiết.

4. Tiêu thụ quá nhiều protein động vật

Tiêu thụ quá nhiều chất đạm, đặc biệt là thịt đỏ, làm tăng tải về trao đổi chất của thận. Vì vậy, tiêu thụ nhiều protein trong chế độ ăn uống của bạn có nghĩa là thận của bạn phải làm việc vất vả hơn và điều này có thể dẫn đến tổn thương thận hoặc rối loạn chức năng theo thời gian.

5. Thiếu ngủ

Chúng ta đã biết về tầm quan trọng của một giấc ngủ ngon. Mất ngủ mãn tính có liên quan đến nhiều bệnh và bệnh thận cũng có trong danh sách này. Thiếu ngủ liên tục sẽ ảnh hưởng đến cơ chế sinh học, làm cho mô thận bị hư hỏng sẽ phục hồi, do đó hãy cho cơ thể của bạn thời gian để chữa lành và tự phục hồi.

6. Uống nhiều cà phê

Cũng giống như muối, caffein trong cà phê có thể làm tăng huyết áp và làm gia tăng căng thẳng tới thận của bạn. Theo thời gian, tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể gây tổn thương cho thận của bạn.

7. Lạm dụng thuốc giảm đau

Nhiều người vẫn sử dụng thuốc giảm đau với bất kỳ đau nhức nhỏ có thể khỏi một cách hoàn toàn tự nhiên. Sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn đến tổn hại nghiêm trọng của gan và thận.

8. Uống rượu

Mặc dù không có gì sai khi thưởng thức một ly rượu vang hoặc một cốc bia, nhưng hầu hết chúng ta thường không dừng lại ở mức đó. Rượu thực sự là một loại độc tố dẫn đến căng thẳng, tổn hại gan và thận.

(theo Soha.vn)

3 THỰC PHẨM TUYỆT VỜI ĐỂ GIẢI ĐỘC CƠ THỂ

Cơ thể con người qua việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng các món ăn không đảm bảo an toàn sẽ bị tích tụ rất nhiều độc chất. Vì vậy, bạn cần quan tâm đến việc giải độc, thanh lọc để đạt được trạng thái cơ thể khỏe mạnh nhất. May mắn là việc giải độc có thể thực hiện hiệu quả qua những thực phẩm hết sức quen thuộc:

Quả chanh phòng chữa nhiều bệnh, làm sạch nội tạng

Chanh là một loại thực phẩm tốt nhất trong việc giúp thanh lọc gan. Nhiều người thích uống nước chanh vì có chứa vitamin C, hàm lượng vitamin C cao 51,7mg/100g. Các chất flavonoit trong chanh (chất chống ôxy hóa) có thể chống các bệnh suy thoái não. Không chỉ thế, chanh còn có tác dụng làm sạch bàng quang, thận, hệ tiêu hóa và phổi.

Thường xuyên bổ sung một cốc nước hòa với nước vắt nửa quả chanh vào chế độ ăn hàng ngày của bạn còn giúp quá trình tiêu hóa của cơ thể diễn ra thuận lợi hơn. Có thể dùng quả chanh tươi hoặc nước cốt chanh đóng chai. Lưu ý người đau dạ dày không nên uống quá nhiều chanh.

Dưa chuột rất tốt để thanh lọc cơ thể: Dưa chuột là một trong những thực phẩm “vàng” bởi ngoài những tác dụng tốt cho sức khỏe như bù nước, giảm nhiệt, loại bỏ độc tố, nó còn là loại quả rẻ tiền, hữu ích trong việc làm đẹp. Dưa chuột có nhiều nước (96%), rất ít kalo (10kcal/100g), có tính lợi tiểu và phục hồi khoáng với rất nhiều chất khoáng và nguyên tố vi lượng (kali, photpho, magie…). Dưa chuột chứa những chất chống ôxy hóa đặc biệt với tỷ lệ hợp lý như β-carotene và α-carotene, vitamin C, vitamin-A, zea-xanthin và lutein.

Loại quả này có lượng vitamin K cao, cung cấp khoảng 17 µg vitamin K/100 g. Vitamin K có vai trò quan trọng đối với xương do nó thúc đẩy hoạt động tạo xương. Vitamin này cũng đã được xác định vai trò trong điều trị bệnh nhân nhờ hạn chế tổn thương tế bào thần kinh trong não.

Tuy nhiên ăn dưa chuột không đúng cách không những không phát huy được hết giá trị dinh dưỡng mà còn gây hậu quả xấu. Người sử dụng cần chú ý, không mua những quả đã quá già hoặc có màu vàng vì chúng thường chứa nhiều chất xơ không tan và hạt cứng.

Ngoài ra, cũng nên tránh những quả mà hai đầu nhăn nheo, vì đó là dấu hiệu dưa đã cũ và bị héo. Trước khi ăn, cần rửa kỹ dưa dưới vòi nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn và thuốc trừ sâu. Liều lượng tốt: 150g, 1 – 2 lần/tuần.

Nghệ: loại thảo dược quen thuộc

Nghệ là một trong những loại gia vị có lợi cho việc duy trì sức khỏe của gan. Vì nghệ có khả năng tiêu hóa chất béo và hoạt động như một kháng sinh tự nhiên bảo vệ cho gan của bạn. Củ nghệ giàu canxi và kali, làm dịu các cơn đau đường tiêu hóa, đau bụng đầy hơi chướng bụng. Trong thành phần của củ nghệ có chứa chất curcumin có thể chữa lành những tổn thương trong gan, dạ dày đồng thời thúc đẩy màng nhầy và da phát triển khỏe mạnh.

Ngoài ra, nó còn có tác dụng hỗ trợ các khớp xương bị thoái hóa hay bị viêm khớp, giúp tăng cường hệ tiêu hóa, làm giảm cholesterol, đào thải chất độc, làm khô và giúp vết thương mau lành. Trong ăn uống, nên pha trộn  nghệ để làm tăng hương vị giúp món ăn ngon và hấp dẫn hơn nhưng cũng rất tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tráng (sức khỏe & đời sống)

9 mẹo làm bếp các mẹ khó bỏ qua

Một số mẹo làm bếp giúp tươi rau củ, khoai tây không nảy mầm, lau chùi, thái hành tỏi, nêm quá mặn,…

1. Để làm tươi lại rau củ bạn… lỡ để quên trong tủ lạnh vài ngày, hãy bỏ chúng vào bát nước lạnh trong vòng 30 phút. Sau khi vớt ra, cắt bỏ những phần quá héo, úa và tiếp tục sử dụng phần còn lại.

2. Nếu nồi, chảo của bạn bị gỉ cũ, chỉ cần một nửa củ khoai tây, chấm vào muối trắng và chà đều quanh nơi bị gỉ. Bạn sẽ nhận được kết quả bất ngờ đấy!

3. Khi thái hành, tỏi, ớt… để tránh hương của chúng xộc lên mắt, mũi bạn, chỉ cần rải một ít muối trắng lên thớt trước khi sử dụng thì sẽ hạn chế được điều này.

4. Để rửa tay có mùi sau khi cắt hành, tỏi chỉ cần chà tay lên một muỗng bằng thép không gỉ khoảng 30 giây rồi mới rửa lại bằng nước. Thép hấp thụ mùi rất tốt. Nếu bạn có hạt cà phê tươi, nó cũng hấp thụ mùi cũng rất hiệp quả.

5. Để làm sạch chiếc ấm điện bám đầy cặn khó chùi, hãy đun sôi một hỗn hợp một nửa giấm, nửa nước trong ấm. Sau đó, những mảng bám đó sẽ hết sạch.

6. Để giữ cho khoai tây không nảy mầm trong túi, hãy cho một quả táo vào với nó.

7. Mủ, nhựa từ rau, củ có thể khiến tay bạn đen xì. Lúc này hãy chà một vài lát khoai tây đã gọt vỏ hoặc dùng giấm để tẩy chúng.

8. Nếu bạn quá tay khi nấu canh, chỉ cần thả vào nồi một miếng khoai tây để nó hấp thụ bớt lượng muối dư thừa. 9. Khi rã đông thịt trong tủ lạnh, đổ thêm một chút dấm lên trên, nó không chỉ làm mềm thịt mà còn giảm nhiệt độ đóng băng và do đó làm nó tan nhanh hơn.

theo Webtretho

5 MÓN ĂN TIÊU BIỂU KHÔNG THỂ BỎ QUA Ở ĐẤT HẢI DƯƠNG

 Đến với đất Hải Dương, không thể bỏ qua 5 đại diện tiêu biểu cho nền ẩm thực dung dị mà quyến rũ.

1. Bánh đậu xanh

Bánh đậu xanh là đặc sản không thể không nhắc tại Hải Dương. Bánh được làm từ bột đậu xanh quết nhuyễn với đường và dầu thực vật hay mỡ động vật, thường là mỡ heo. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ, gói giấy bạc thành hộp nhỏ hay gói giấy thấm mỡ thành từng thỏi. Món này thường được dùng khi uống trà tàu hay chè xanh. Trải qua cả trăm năm, hương vị bánh đậu xanh vẫn không bị thay đổi nhiều, trở thành nét văn hóa ẩm thực rất đỗi tự hào của người dân Hải Dương.

2. Vải thiều Thanh Hà

Vải thiều là đặc sản mùa vụ. Mùa hè đỏ lửa cũng là lúc vườn vải nhuộm một màu đỏ sậm. Cũng từ khi ấy, khắp các con đường đổ vào các thị trường tiêu thụ lớn đều tràn ngập màu đỏ của vải. Nếu tháng 5 bạn có mặt ở Thanh Hà, huyện Nam Thanh, Hải Dương bạn sẽ thấy làng quê như có hội.

Trái vải thiều Thanh Hà lớn cỡ ngón chân cái, tạo thành chùm, vỏ màu đỏ sậm hơi sần sùi. Bóc vỏ ra, bên trong là một lớp cùi trắng nõn, mọng nước, vị ngọt dịu mát, thơm của nước vải ngấm tận chân răng. Đặc biệt, mùi thơm của vải khi ăn xong vẫn còn vương vấn mãi.

3. Rươi cuối thu

Một đặc sản mùa vụ cũng không kém phần hấp dẫn khác ở Hải Dương là rươi. Mùa rươi bắt đầu từ độ tháng 8 âm lịch, ở Hải Dương rươi chỉ có ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ và Đông Triều. Món rươi dễ chế biến nhất, thơm ngon bậc nhất là làm chả. Chả rươi được chế biến theo các phương cách đặc biệt, thơm lừng hấp dẫn. Chấm chả rươi với mắm chắt, tỏi ớt băm nhuyễn ăn cùng bún, rau thơm ngậy ngon hết sức.

4. Bánh gai

Dẫu không phải là mảnh đất sáng tạo bánh gai nhưng món bánh này ở Hải Dương cũng mang hương vị hấp dẫn khiến nhiều thực khách không khỏi ngỡ ngàng. Bánh có vỏ làm từ bột nếp hoà với lá gai đã được giã nhuyễn làm lên sắc đen huyền mà hấp dẫn đến lạ kỳ. Còn nhân bánh là tổng hợp rất nhiều nguyên liệu như dừa, đỗ xanh, bí đao, đôi chỗ còn cho thêm lạc, vừng, sen, mỡ lợn thái nhỏ… Bánh gai ở Hải Dương nổi tiếng nhất là bánh gai vùng Ninh Giang.

5. Bún cá rô đồng

Bún cá rô đồng Hải Dương ngon đặc biệt hơn nhiều nơi khác, bởi cách chế biến nước dùng và cá đặc sắc. Ấy là cá rô làm sạch vẩy, bỏ vào nồi nước có nêm chút gia vị rồi luộc sôi. Chờ nguội thì gỡ thịt cá ra để riêng. Xương cá được giã nhừ, lọc kỹ rồi cho nước vào nồi nước dùng. Cá phải đúng cá rô đồng, rau cải cúc, rau cải xanh hay rau cần phải tươi non, làm sạch rồi cắt khúc đều chằn chặn. Cá rô đồng béo chắc cũng phải đủ to thì mới gỡ được khổ thịt ưng ý mà không vụn quá. Bát bún được bưng lên, nghi ngút khói. Trên bát bún cá, ngoài hành hoa, rau thìa là tươi non thì bao giờ cũng điểm xuyết thêm lớp trứng cá mịn màng, vàng ruộm. Nếu có dịp ghé thăm Hải Dương, đừng quên thưởng thức món ăn dân dã nhưng cũng không kém phần công phu này nhé.

Theo Depplus.vn/MASK

“Truyền thuyết” về bánh mì Sài Gòn, món ngon đường phố số 1 thế giới

Bánh mì là món ăn chính của phương Tây, xét về mặt biểu tượng thậm chí được đồng nhất với thánh thể của chúa Kitô: Bánh mì là bí nhiệm nhỏ, rượu vang là bí nhiệm lớn. Có lẽ, bánh mì đã xuất hiện ở xứ ta trước cái mốc 1859, nhưng được biết đến nhiều là sau khi đội quân viễn chinh chiếm thành Gia Định.

 

Lịch sử xuất hiện món bánh mì tại Sài Gòn:

Bánh mì là món ăn chính của phương Tây, xét về mặt biểu tượng thậm chí được đồng nhất với thánh thể của chúa Kitô: Bánh mì là bí nhiệm nhỏ, rượu vang là bí nhiệm lớn. Có lẽ, bánh mì đã xuất hiện ở xứ ta trước cái mốc 1859, nhưng được biết đến nhiều là sau khi đội quân viễn chinh chiếm thành Gia Định.

Ngoài người Pháp, cách làm bánh mì(hay còn gọi là bánh mì Baguette) đầu tiên được người Hoa tiếp thu, sản xuất bán ra thị trường và trong số khách hàng mua bánh mì thời kỳ đó có cả người Việt: Bồi bàn, thông ngôn, thầy lý có lẽ là những người nếm bánh mì đầu tiên; kế đó là công chức tân trào, rồi đến tầng lớp Tây học, thị dân và dần dần tỏa rộng phổ biến cả thành thị lẫn nông thôn.

Loại thức ăn này tồn tại trong cái nhìn của dân ta là bánh – hiểu là món ăn chơi, không phải là thực phẩm thường xuyên như cơm, thế nhưng dần dà đã trở thành “cơm tay cầm”, tức không ăn bằng chén đũa và ăn bánh mì thay cơm được định danh theo kiểu nói lóng là “thổi kèn”, hàm nghĩa là ăn tùng tiệm qua bữa, không đầy đủ đàng hoàng như bữa cơm thường lệ. Thế mà đến nay, các loại bánh mì đều có đủ mặt (bánh mì rế, bánh mì đũa, bánh mì cóc…) và việc ăn bánh mì có nhiều biến tấu đa dạng.

Bánh mì ăn theo kiểu Tây có cơm Tây, bánh mì ăn với súp, bittết, ốp-la (oeufsurplat), bánh mì ôp-lết (omelette: trứng rán), bê-cơn (bacon của Ăng lê). Có thể kể thêm cách ăn bánh mì với patê, jămbông, xúc xích, bơ, mứt.

Khởi thủy của bánh mì Sài Gòn cũng như tất cả bánh mì ổ ở Việt Nam chính là bánh mì Baguette do người Pháp mang đến những năm đầu thế kỷ 19. Những sự biến đổi về hình thức cũng như chất lượng đến cách chế biến phong phú cho bánh mì Sài Gòn đã nói lên nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của người Sài Gòn. Trước năm 1975, với chương trình tài trợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bộ giáo dục đã chu cấp cho các trường tiểu học tư thục và công lập một bữa ăn nhẹ với bành mì và sữa tươi, sữa thì do hãng sữa Fore Most cung cấp và bánh mì do các lò cung cấp.

Đứng trước nhu cầu đó, giới sản xuất bánh mì Sài Gòn coi đây là một thách thức “tuyệt diệu”. Những lò gạch truyền thống theo kiểu Pháp từ những năm của thập niên 50-60 thiếu khả năng đáp ứng, sang những năm đầu 70 được thay thế dần bằng những loại lò điện, tiêu biểu như “Matador” hay “Anwator” của Nhật được biết qua tiếng Anh là deck ovens, là loại lò có nhiều tầng/ngăn nướng. Sau năm 1975 kinh tế tư nhân bị tiêu diệt (1975-1986) nhu cầu cung cấp điện bị hạn chế tối đa, một số lò điện và lò gạch chỉ hoạt động dưới dạng hợp tác xã và sản xuất “chui/lậu” ra thị trường, cũng từ đó xuất hiện một loại bánh mì có tên “bánh mì lò thùng phi/phuy”, người dân Sài Gòn sống trong thời “bao cấp” đều biết đến “danh xưng” bánh mì thùng phuy (lò được chế biến từ những thùng phuy 200l, lò có 2 phần chính: phần vỏ bên ngoài được dùng nguyên vẹn 1 thùng phuy).

Tiệm bánh mì đầu tiên tại Sài Gòn

Tiệm bánh mì Hòa Mã năm 1960

 

Gần ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu có một tiệm bán bánh mì nhỏ với bảng hiệu cũ kỹ, phai màu theo năm tháng. Bánh mì Hòa Mã đã tồn tại 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhiều người khẳng định chủ nhân ở đây là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Dậu, chủ nhân của hiệu bánh mì Như Lan hiện nay, cho biết ngày xưa bà rất mê bánh mì Hòa Mã. Lúc nhỏ, bà thường đến mua bánh mì ở đây và ước ao ngày nào đó mình cũng có một cửa hàng bán bánh mì như ý thích.

Sài Gòn từ trước năm 1958 đã có những cửa hiệu bán bánh của người Pháp. Họ bán bánh ngọt, bánh mì theo gu Pháp để phục vụ chủ yếu dân Tây. Bánh mì Tây là loại đặc ruột, tùy hình dáng mà được gọi tên (bánh mì gối là do tròn lớn như cái gối…). Và thịt nguội được bán riêng theo nhu cầu của người mua.

Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để cung cấp cho người Việt trong khu vực. Thế là năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay.

Ban đầu, tiệm cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công chức, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm. Thế là Hòa Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa, pa–tê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc, lớp học.

Lúc đó, tiệm Hòa Mã gọi một ổ bánh mì thịt của mình là cát–cút, có lẽ dùng theo từ Pháp casse-croûte, tức bữa ăn lót dạ, bữa ăn qua loa (thật ra, tên gọi đúng của bánh mì kẹp thịt là sandwich). Giá bán một ổ là 3 – 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 – 10 đồng.

Ngày xưa, các vị công chức ở vùng Bàn Cờ, cư xá Đô Thành rất thích ăn bánh mì Hòa Mã. Bà Tịnh vốn xuất thân làm thịt nguội cho hãng Tây nên vẫn giữ gu Pháp cho bánh mì Hòa Mã suốt 50 năm. Không ít người ở nước ngoài về thăm quê hương thường ghé lại Hòa Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt không thể nào quên.

Hương vị bánh mì Sài Gòn

Bánh mì thịt kiểu Sài Gòn bắt đầu định được dáng vẻ, hương vị riêng của mình. Vì ổ bánh mì vừa đủ cho một khẩu phần ăn nên không cần lớn lắm, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải để bột không quến khi nhai làm mất ngon.

Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau. Vì vậy ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương  thơm, vài khoanh ớt cay vừa ăn vừa hít hà mới khoái.

Ăn ổ bánh mì thịt có đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của bột mì, béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa–tê như một bản phối tròn trịa sắc màu nhưng không hề ngán bởi có rau dưa tươi mát. Và điều quan trọng của ổ bánh mì thịt Sài Gòn là ngon, rẻ, tiện lợi cho tất cả mọi tầng lớp.

Một thời gian sau, nhiều hiệu bánh mì thịt bắt đầu xuất hiện ở thành phố. Bánh mì không dừng lại ở món điểm tâm nữa, nó được dùng cả ở bữa trưa, chiều, tối.

Hằng ngày những chiếc xe được sắp đầy những ổ bánh vàng ươm thơm phức và được chở đi khắp mọi nẻo đường khắp Sài Gòn để phục vụ cho người dân Sài Gòn. Có lẽ bánh mì là một món ăn không thể thiếu và không thể không bắt gặp ở Sài Gòn.

Ngoài bánh mì kẹp thịt nguội thì ở Sài Gòn bạn còn có thể bắt gặp những biến tấu của nhân kẹp bánh mì với các loại như:

Bánh mì thịt nướng: Nhân bánh mì được làm từ thịt heo ướp với các loại gia vị và đem nướng lên , ăn kèm với dưa chua và nước mắm, món này các bạn có thể bắt gặp ở khắp nẻo đường Sài Gòn trên những chiếc xe bán bánh mì dạo.

Bánh mì xíu mại: Món này được người Hoa ở Sài Gòn chế biến mang một nét đặng trưng với thứ nước sốt cà huyền bí và màu sắc hấp dẫn của những viên xíu mại chắc chắn sẽ làm xiêu lòng mọi thực khách từ già tới bé

Bánh mì ốp la: Món bánh mì này là một trong những món khoái khẩu của giới học sinh, sinh viên, vị thơm và béo của trứng hòa quyện cùng vị chua ngọt của dưa chua và độ giòn của bánh mì làm biết bao giới trẻ si mê, vừa rẻ lại vừa bố và thơm ngon.

Bánh mì chả cá: Những miếng chả cá nóng giòn vàng ươm được nhồi vào trong ổ bánh mì nóng giòn thì quá tuyệt

Bánh mì heo quay: Heo quay giòn rụm mà ăn chung với bánh mì giòn sẽ tạo ra những âm thanh nghe rất vui tai và hương vị cực kì ngon.

 

Bánh mì Việt – món ăn đường phố ngon nhất thế giới

Được ưu ái giữ nguyên tên tiếng Việt, bánh mì Việt Nam được các báo nước ngoài giới thiệu là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Vào năm 2011 từ “banh mi” được đưa vào từ điển danh tiếng của Oxford.

Bánh mỳ Việt Nam được giới thiệu là một trong những món đường phố ngon nhất thế giới.

Chuyên trang du lịch The Gardian miêu tả, tại Việt Nam ổ bánh dài được nướng qua trên than hồng cho giòn lớp vỏ. Người ta mổ chiếc bánh ra, thoa một ít sốt mayonnaise, patê, sau đó nhồi thịt, rau ngâm chua, rau sống vào, có thể chan thêm nước tương, gia vị cay.

“Một điều bí mật mà không mấy người biết là món sandwich ngon nhất thế giới không phải được tìm thấy ở thành phố Rome, Copenhagen hay New York mà ở Việt Nam”, bài báo viết.

Xét về nguồn gốc, bánh mì Việt Nam là sản phẩm giao lưu hóa ẩm thực của nhiều quốc gia. Chẳng hạn chiếc bánh mì nướng rất giống với các loại bánh mì Pháp, trong khi thành phần nguyên liệu gồm xá xíu, thịt lợn nguội lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Riêng các loại thảo mộc và gia vị thì rõ ràng là đặc trưng của vùng Đông Nam Á. Giá trung bình của một ổ bánh mì khoảng 15.000 đồng.

 

Theo banhmi.odau.com

5 ĐẶC SẢN TỪ SÂU TUYỆT NGON CỦA ẨM THỰC VIỆT

Ẩm thực Việt rất đa dạng và đặc sắc, và dĩ nhiên trong đó có không ít những món khó làm quen. Những món từ sâu sau đây là một ví dụ.

Rươi

Rươi là một giống hải trùng có nhiều ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… Tuy vậy, món ăn lại nổi tiếng và quen thuộc với người Hà Nội. Về hình dáng, rươi trông gần giống đỉa lai rết bởi thân hình nhũn nhũn nhưng rất nhiều chân. Khi sống, rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ, vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ, sặc mùi tanh. Với hình dáng đó, nó không chỉ khiến trẻ em mà du khách cũng phải xanh mặt.

Thế nhưng, sau khi qua chế biến, kết hợp cùng một số nguyên phụ liệu khác, con rươi đáng sợ chuyển mình thành đặc sản thơm ngon khó quên với các món như chả rươi, rươi hấp, rươi xào củ niễng, rươi kho, mắm rươi, rươi khô, rươi đúc trứng…

Những con rươi sống đủ sức làm xanh mặt người “yếu vía”.
 

Thế nhưng món chả rươi ngon lành lại có mãnh lực khó cưỡng.

Sâu măng

Sâu măng là loại sâu sống trên cây măng và là đặc sản của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Sâu măng to bằng đầu đũa, dài cỡ 2 đốt ngón tay. Cách săn sâu khá đơn giản, vào khoảng tháng 9, tháng 10, người săn sâu chỉ cần mang theo dao và giỏ đi một vòng quanh rừng nứa. Những bụi nứa có cây măng nào cao khoảng đầu người có biểu hiện héo ngọn, thân cong, mắt u thì hạ xuống, rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ.

Có nhiều cách chế biến sâu măng nhưng món ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là xào lá chanh. Giá bán sâu măng ngay tại thị trấn Mường Lát vào mùa thu hoạch có giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.

Sâu măng có màu trắng đục, thon dài.
 

Không chỉ hấp dẫn ở vị ngọt, béo, đặc sản kinh dị này còn “lôi cuốn” thực khách ở hương thơm, vị giòn khó cưỡng.

Sâu chít

Sâu chít là côn trùng sống trong cây chít và là niềm tự hào về đặc sản đặc biệt địa phương của người dân Tây Bắc. Với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, sâu chít được xưng tụng là “đông trùng hạ thảo của Việt Nam”.

Cách bắt sâu chít khá đơn giản. Người thu hái sẽ lựa chọn những cây chít có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa, chẻ đôi ngọn để moi sâu ra, thả vào chậu rượu nhạt để sâu không bị biến chất. Cách sử dụng phổ biến nhất của sâu chít là ngâm rượu, ngoài ra còn có thể sao khô, nấu cháo.

Ngọn chít có sâu được bày bán để giữ nguyên hương và chất của đặc sản.
 

“Đông trùng hạ thảo của Việt Nam” không chỉ dành riêng cho đàn ông.

Sâu cát (sá sùng)

Gọi là sâu cát vì nó thường sống sâu trong cát và có hình dáng giống với loài giun, còn gọi là trùn biển, sá sùng. Sâu cát được tìm thấy nhiều ở vùng bờ biển Quảng Ninh, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn.

Muốn bắt được sá sùng, bạn phải ra biển thật sớm, rồi lần theo hàng triệu vết bò ngoằn ngoèn đến hang và đào đào sâu từ 10 – 20 cm là có (gần trưa có lúc phải đào sâu tới 60 – 70 cm). Khi còn sống, trùn biển màu nâu đỏ có ánh bạc; con to dài khoảng 4 tấc, con nhỏ dài hơn 2 tấc; trên thân có nhiều bó cơ nên di chuyển linh hoạt.

Thoạt trông con trùn biển còn sống ngọ ngoậy trong thùng, chưa chắc ai dám ăn song sau khi qua chế biến như sá sùng xào với tỏi tươi, người dân vùng biển Hạ Long gọi là mồi xào hay rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì ăn hoài không ngán. Nếu không thích các món sá sùng tươi sống, bạn có thể phơi khô rồi chế biến tùy ý.

Sâu cát đã được sơ chế sạch…
 

  
Và những món ăn ngon lành từ loại đặc sản không ai muốn ăn sống này.

Đuông

Đuông, ấu trùng của sâu, là một trong những đặc sản khó cưỡng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có hai loại đuông là đuông dừa và đuông chà là với kích thước và màu sắc khác nhau.

Cách bắt đuông khá đơn giản, cứ thấy cây dừa nào héo ngọn, vàng lá chặt đi là sẽ tìm thấy đuông. Mỗi cây dừa/chà là như thế có hàng trăm con đuông. Cách thưởng thức kinh dị nhất của đặc sản này là đuông sống “tắm” nước mắm – dành cho những tay sành ăn hay “kiên gan”. Riêng với những người mới tập ăn hay “yếu vía”, các món như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, đuông luộc nước dừa, đuông hầm… là món tủ.

Đuông “tắm” nước mắm là cách thưởng thức đặc biệt của đặc sản này.

Theo Infonet

Cách làm Bún sứa

Bún sứa là món ăn quen thuộc ở nhiều tỉnh duyên hải miền Trung. 

1. Nguyên liệu

– 100g sứa biển tươi
– 1 quả trứng gà
– 50g tôm sú
– 1,5 lít nước dùng cá
– Hành, ngò, khế, cà chua, thơm
– Rau thơm, hoa chuối, giá, bún tươi dùng kèm
– Gia vị: muối, đường, bột ngọt, nước mắm mặn, nước mắm dẻo Nha Trang pha sẵn

2. Cách làm
– Sứa tươi mua về rửa cho sạch nhớt, ngâm trong nước pha muối, phèn rồi xả lại 4-5 lần cho đến khi sứa nhả hết vị muối biển, rửa lại nhiều lần, cắt miếng vừa ăn nếu sứa to, để ráo.
– Tôm sú rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ đen. Nếu thích, có thể nấu thêm cá ngừ.
– Khế, cà chua, thơm cắt lát mỏng. Hành, ngò cắt khúc.
– Bắc nồi nước dùng cá lên bếp (được nấu từ đầu cá, xương cá), nấu sôi.
– Khi nước sôi, cho khế, cà chua, thơm vào nấu để tạo vị thơm chua tự nhiên, nêm muối, đường, nước mắm vừa ăn. Đập trứng gà, đánh tan, cho vào nước lèo, khuấy nhanh để tạo thành sợi, cho tôm, sứa vào nấu khoảng 7 phút là được. Cuối cùng, nêm thêm bột ngọt.
– Khi ăn, cho bún vào tô, xếp sứa, tôm lên rồi chế nước dùng nóng.
– Dùng chung với rau thơm, hoa chuối. Chấm sứa với nước mắm dẻo sẽ ngon hơn

Cách làm Chân Gà Hấp Hành ngon

Chân hấp hành là món ăn mang vẻ ngoài giản dị nhưng lại cực kỳ ngon miệng, là nhờ một số bí quyết trong sơ chế, làm nước hấp.

Nguyên liệu:

  • Nửa ký chân gà sạch
  • 1 bó hành lá
  • Rượu trắng
  • Dầu ăn, tiêu, muối, bột nêm.
  • Chanh

*** Nên chọn chân gà loại nhỏ, chắc ăn sẽ đỡ ngán hơn chân gà to béo.

Cách làm:

– Chân gà mua về rửa sạch, sau đó ngâm trong nước có vắt miếng chanh để loại bỏ mùi hôi, cũng như giữ màu trắng cho chân gà.
– Hành lá lặt rửa sạch, sau đó cắt thành khúc 5cm.
– Bắc nồi nước cho chân gà vào, sau đó đun sôi. Đậy nắp lại nấu khoảng 10 phút rồi nhắc nồi xuống, đổ hết nước ra ngoài.
– Cho hành vào nồi chân gà, cho tiếp 1 muỗng cafe rượu trắng, 1 muỗng cafe dầu ăn, chút bột nêm, 1/2 muỗng cafe muối. Hấp tiếp trong khoảng 5 phút là xong.
– Khi ăn dọn kèm với muối tiêu vắt lát chanh.

Bé Thúi .

Cách làm TÔM RANG ME

Món Tôm rang me là một món ăn đơn giản nhưng rất ngon miệng và trông cũng “sang trọng” không kém cua rang me trên các bàn tiệc.

Nguyên liệu:

  • 3 Lạng tôm – rửa sạch với nước muối pha loãng rồi bóc vỏ, rút chỉ đen trên lưng tôm, để dành lại đuôi tôm cho đẹp.
  • 1 vắt me khô hoặc 1 quả me tươi
  • Hành lá và rau ngò (rau thơm) rửa sạch, thái nhỏ
  • Nước mắm, đường, muối, tiêu, hạt điều tạo màu và tỏi.

Thực hiện:

Bước 1: Ướp tôm với nửa thìa cà phê muối cùng chút hạt tiêu trong khoảng 15 phút.

Bước 2: Me đổ ra bát, dầm với ba thìa súp nước nóng cho me tan thì gạn lấy nước cốt me, bỏ hột me đi. Tỏi bóc vỏ, thái nhỏ hoặc giã nhuyễn.

Bước 3:Làm nóng hai thìa cà phê dầu ăn trong nồi hoặc chảo, đổ ít hạt điều vào đảo khoảng 2 phút để tạo màu cho đẹp. Vớt hạt điều bỏ đi, cho tỏi vào phi thơm.
Đổ tôm vào xào chín rồi cho ra đĩa, để riêng.

Bước 4:Vẫn dùng chảo đã xào tôm, bạn đổ nước cốt me vào, thêm vào khoảng hai thìa cà phê nước mắm và hai thìa cà phê đường.

Đun sôi đến khi nước xốt me sánh đặc thì bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị, nêm hơi ngọt ngọt, chua chua; thêm ớt bột hoặc ớt tươi xắt lát nếu bạn thích ăn cay.

Bước 5:Nhanh tay đổ tôm vào đảo cho nước xốt bám đều lên tôm.
Thêm hành lá và rau ngò đã thái nhỏ vào đảo đều rồi tắt bếp.

Bước 6. Lấy tôm ra đĩa, dùng nóng với cơm.

Theo Mẹ Bon: aFamily.vn / MASK Online

THẬT TUYỆT VỜI KHI THƯỞNG THỨC 10 MÓN NÀY Ở NHA TRANG

Nha Trang là thành phố hiền hòa, xinh đẹp bên bờ biển đông. Địa hình Nha Trang có cả núi rừng, sông biển, điều đó mang đến cho miền đất này những món ăn hấp dẫn và phong phú. 

1. BÚN CHẢ CÁ

Đây là món ăn nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang, món ăn đơn giản với nước dùng trong, chả cá và những sợi bún loại nhỏ xíu. Chả cá ngon và nổi tiếng do làm từ cá tươi, đảm bảo độ dai. Nguyên liệu là cá thu, cá mối, cá cờ… thường được chế biến thành hai loại là chả hấp và chả chiên.

Bên cạnh đó, nước dùng luôn có vị ngọt thanh do được nấu từ xương cá tươi, thường là xương cá thu, cá cờ hoặc những loại cá nhỏ nổi tiếng của vùng biển miền Trung như cá chỉ vàng, cá liệt… Ăn bún chả cá phải ăn kèm với tương ớt. Vị ngọt, cay nồng của tương ớt tăng thêm hương vị cho chả cá, để sự ngon miệng gần như được thể hiện trọn vẹn.

2. BÚN SỨA

Sứa nấu bún phải chọn loại nhỏ bằng đầu ngón tay cái, màu trắng đục, mình dày, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Bún sứa ngon còn ở nước dùng được nấu bằng cá liệt, loại cá chỉ lớn chừng ba ngón tay với phần đuôi thắt lại trông như cái nơ, không xương nhỏ và ngọt lừ. Ăn thấy thanh và không ngán. Thành phần nước dùng còn có vị ngọt của chả cá tiết ra. Khi thưởng thức, thực khách sẽ có cảm nhận trọn vẹn nước dùng ngọt thanh, sứa giòn giòn, mát lạnh và vị cay ở ớt tạo nên cái ngon tuyệt vời.

3. BÚN CÁ DẦM

Thành phần chính của món ăn là cá dầm, đây là đặc sản nổi tiếng của Khánh Hòa rất được ưa thích. Ngoài ra, bát bún còn có chả cá và nước dùng. Không nấu từ xương heo như các loại bún khác, nước dùng bún cá dầm được nấu từ chính xương của loại cá này nên có vị ngọt thanh rất tự nhiên. Ăn kèm là đĩa rau sống được thái nhỏ đặc trưng của người dân Nha Trang.

4. NEM NINH HÒA

Thành phần chính của nem là thịt lợn tươi vừa mới mổ xong, lạng bỏ hết gân, rửa sạch, lau khô bằng vải sạch và thái từng lát mỏng. Sau đó cho thịt và gia vị như: muối, tiêu, đường, bột ngọt vào cối quết thật nhuyễn, quết càng nhanh tay thịt càng săn chắc lại thì nem càng ngon. Trong công đoạn chế biến nem người ta không quên thêm da heo thái mỏng vào. Nem Ninh Hòa được gói bằng lá chùm ruột hoặc lá khế… Lựa những chiếc lá còn non xanh để để tạo mùi thơm. Nem sau khi gói xong được để nơi thoáng mát qua hôm sau là có thể dùng được.

5. BÁNH CĂN

Có hình dáng gần giống với chiếc bánh khọt của người miền Nam. Nguyên liệu chính để làm bánh căn là gạo. Gạo được ngâm mềm, xay thành bột và đổ chín trên những chiếc khuôn bánh bằng đất nung. Nhân của bánh căn rất phong phú và đa dạng, có nhiều loại như: thịt, trứng, nấm, mực, tôm… mỗi loại nhân mang đến cho người ăn cảm giác ngon miệng khác nhau. Nước chấm bánh căn có màu đỏ tươi, được pha hơi sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh thái thành sợi nhỏ.

6. BÁNH ƯỚT

Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là bánh ướt Diên Khánh, một huyện giáp ranh với thành phố Nha Trang. Người dân Khánh Hòa thường ăn bánh ướt không với nước mắm chua ngọt, tuy nhiên, bạn có thể thưởng thức món ăn này với thịt nướng, thịt heo quay, lòng heo, tôm, nem…

7. BÁNH BÈO

Cũng như bánh ướt, bánh bèo cũng được làm từ bột gạo. Ăn bánh bèo không thể thiếu tôm cháy. Màu vàng của tôm tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho món ăn. Bánh bèo hấp dẫn với màu trắng của bột gạo, màu vàng rộm của tôm cháy sẽ tròn vị hơn với chén nước mắm ngọt cay xé lưỡi, là chất xúc tác làm cho món ăn dân dã này trở nên ngon miệng.

8. BÁNH ĐẬP

Món ăn là sự kết hợp giữa bánh tráng nướng, bánh ướt, ăn kèm với thịt nướng hoặc bạn có thể ăn với thịt luộc hay lòng lợn… Ăn bánh đập không thể thiếu chén mắm nêm với vị cay đặc trưng của người dân miền biển. Ghép một miếng bánh tráng nướng và bánh ướt lại, thoa lên bề mặt một ít mỡ hành, tôm cháy, sau cùng là thịt nướng hay thịt luộc… gập đôi, chấm vào chén mắm nêm và thưởng thức. Cái giòn rụm của bánh tráng, cái mềm dẻo của bánh ướt hòa quyện vào nhau trong cái đậm đà của mắm nêm, miếng thịt nướng chín vàng, thơm phức đem lại cảm giác ngon miệng rất thích thú.

 

(Theo Yeudulich)

Mẹo dân gian chữa đau răng hiệu quả

Thứ nhất đau mắt, thứ nhì dắt răng, câu tục ngữ của chúng ta nói về mức độ khó chịu khi bị đau răng. Đã bao giờ bạn lâm vào tình trạng bị đau răng? Nếu chưa có thời gian đi khám bác sĩ, bạn có thể tìm thấy một số nguyên liệu trong nhà bếp để có thể chữa trị tạm thời cảm giác đau nhức răng.

Một số mẹo vặt dân gian sau đây giúp bạn giảm đau răng:

Nước đá

Đây là cách thức rất dễ dàng nhưng không mấy ai để ý mỗi khi có hiện tượng đau răng. Bạn hãy lấy khăn sạch dùng nước đá bỏ vào trong chiếc khăn đó. Bạn bọc đá lại, hơi đá bắt đầu tỏa ra và bạn bắt đầu xoa vào chỗ đau. Chỉ một chút thôi là bạn sẽ cảm thấy khu vực răng đang bị đau có phần hơi tê vì cảm giác lạnh. Sau đó cảm giác đau nhức dần dần giảm. Tuy nhiên, sau đó bạn vẫn nên đi khám bác sĩ.

Chườm nóng

Dùng băng gạc ấm và nóng để giảm cơn đau. Đầu tiền chườm khăn bọc đá lên trên má chỗ vùng răng bị đau trong khoảng một phút. Sau đó thay bằng chai nước ấm lên đúng vị trí đó. Lặp đi lặp lại một vài lần như vậy, cơn đau của bạn sẽ giảm đáng kể.

Chanh

Nước chanh được chứng minh là rất hiệu quả trong giảm đau răng. Nó sẽ massage cho răng và nướu. Ngoài ra, nước hành tây cũng có tác dụng như nước chanh, vì vậy, nếu bạn chịu được mùi của hành tây thì có thể dùng nước hành tây thay nước chanh cũng rất tốt.

Muối

Muối là gia vị rất hữu dụng trong trường hợp này. Bạn hãy cho nước ấm vào một cái ly và thêm vào đó 2 thìa muối và khuấy đều lên. Lúc này, nước muối có vị mặn nhất định và do muối có khả năng sát khuẩn nên khi bạn sử dụng nước muối để ngậm và xúc miệng thì các triệu chứng đau và nhức răng sẽ giảm đi. Bạn nên ngậm và xúc nước muối khoảng 30 giây, sau đó thì nhổ đi và lặp lại liên tục như vậy.

Gừng

Gừng có khả năng sát khuẩn, cũng làm giảm đi những triệu chứng viêm nhiễm, chữa trị cho các vết thương nhỏ, hoặc những vết đang sưng tấy. Vì vậy, gừng cũng có tác dụng khi chúng ta đang bị sâu răng. Đầu tiên bạn thái gừng thành những lá mỏng, sau đó cho lát gừng vào vị trí răng mà chúng ta đang bị đau, cắn thật chặt lại cho nước chảy và ngấm vào chỗ bị đau sẽ giúp cho chúng ta giảm đau nhức và giảm sưng.

Tỏi

Tỏi cũng có khả năng sát khuẩn. Bóc vỏ tỏi tươi rồi đập dập và cho thêm vào ít muối và trộn đều. Sau khi trộn đều phần muối ngấm vào tép tỏi và bạn dùng tép tỏi ngậm vào vị trí mà răng đang đau cũng sẽ làm giảm đi cảm giác khó chịu. Với tỏi trộn đều với muối bạn có thể dùng thêm ít nước dầm cho nước ở tép tỏi tiết ra nhiều hơn. Dùng bông gạc thấm nước tỏi, muối và chấm vào những chỗ răng đau, bạn có thể làm liên tục như vậy. Hoặc bạn có thể dùng những tép tỏi vào giữa những chỗ răng đang bị đau và cắn thật chặt lại để cho nước ép tỏi tứa ra và thấm đều vào những chỗ răng đau, giảm được tình trạng viêm sưng.

Hành tây

Nếu bạn nào chịu đựng được mùi vị của hành tây, thì có thể ép lấy phần nước ngậm vào chỗ đau hoặc thái lát mỏng và ngậm vào trong chỗ đau.

Những phương pháp đơn giản trên giúp bạn tạm thời giảm được các cơn đau răng. Tuy nhiên, nếu có thời gian tốt nhất bạn cần đến bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt để được thăm khám và phát hiện được nguyên nhân gì khiến cho răng của bạn bị đau, nhức… và có cách chữa trị hiệu quả.

(Theo Khoahoc)

‘ĐÁNH TAN’ CƠN NGHẸT MŨI BẰNG 7 MẸO ĐƠN GIẢN

Mùa lạnh, nhiều người dễ bị nghẹt mũi. Nguyên do thường là cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng, dị ứng… Lúc đó, bên cạnh việc uống thuốc chữa bệnh, thì chúng ta cũng có thể sử dụng một số cách đơn giản sau đây để đẩy lùi tình trạng nghẹt mũi khó chịu.

 

Tỏi: Ép tỏi lấy nước rồi nhỏ vào mũi là cách dân gian hiệu quả. Nước tỏi có thể giúp tẩy sạch các chất nhầy trong mũi.

Uống nước: Bổ sung từ 8-10 ly nước trong ngày, có thể là nước canh, nước rau, trà thảo dược… cũng là cách để đối phó với nghẹt mũi hiệu quả.

Xông mũi: Bạn có thể hít mùi khuynh diệp, hoặc xông mũi bằng nước muối nóng để giảm nghẹt mũi.

Cà chua: Nước ép cà chua kèm một chút nước cốt chanh và mật ong là liều thuốc trị nghẹt mũi hữu hiệu.

 

Lá húng quế: Khi bị nghẹt mũi, ông bà ta thường khuyên nhai vài lá húng quế trong miệng. BẠn có thể pha húng quế với trà cũng được.

Gừng tươi: Ly trà ấm với chút gừng tươi sẽ giúp đẩy lùi những triệu chứng khó chịu khi cảm cúm, trong đó có nghẹt mũi. Bạn nên uống 2-3 lần trong ngày.

Mật ong: Đây được coi là liều thuốc hữu hiệu nhất để trị nghẹt mũi. Bạn hãy hòa 2 muỗng mật ong trong một ly nước hoặc sữa ấm rồi uống. Có thể dùng 2 muỗng trà mật ong trước khi ngủ để tránh nghẹt mũi.

 

Mỹ Mạnh tổng hợp.

 

Nếu ngồi lâu quá một tiếng đồng hồ, bạn nên thay nước lẩu vì lúc đó nó đã chứa nhiều chất nitrit gây ung thư cùng những chất có hại khác.
Vào mùa thu và mùa đông, món lẩu đặc biệt được mọi người yêu thích. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau để không ảnh hưởng sức khỏe.

Đừng ăn quá nóng

Người ta thường nói ăn lẩu “một nóng đánh bại ba tươi”, có nghĩa là phải thật nóng, yếu tố nóng quyết định vị ngon của lẩu hơn cả yếu tố rau tươi, thịt tươi. Nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản chỉ có thể chấp độ nóng cao nhất là 50 – 60 độ C, trong khi nhiệt độ của nồi lẩu lên tới 120 độ C. Việc ăn ngay thực phẩm vừa được đun sôi rất dễ làm tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản. Cùng với nhiều gia vị cay mang tính kích thích, nó dễ gây viêm loét đường tiêu hóa.

Chuyên gia nhắc nhở:  Duy trì “ba tươi”, từ bỏ “một nóng”. Thức ăn lấy từ trong nồi ra nên cho vào một cái đĩa để nguội bớt rồi mới ăn. Những người mắc bệnh đường tiêu hóa khi ăn lẩu nên cho ít ớt.

Đừng ăn tái

Ăn đồ chưa chín hẳn hoặc tươi sống là một trong những lý do khiến mọi người thích lẩu. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Thực phẩm tươi sống và tái chưa tiêu diệt được hết vi khuẩn và ký sinh trùng, dễ gây nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Chuyên gia nhắc nhở: Chấp nhận hy sinh một ít hương vị để thức ăn chín hẳn. Nhưng nếu là rau xanh thì không nên để quá lâu.

Thay nước lẩu nếu ăn lâu 

Rất nhiều người cho rằng, nước lẩu là tập hợp tinh hoa từ các thực phẩm khác nhau, ngon và bổ dưỡng, nhưng thực tế không phải như vậy. Nồi lẩu sôi đi sôi lại thì vitamin và các yếu tố có lợi khác đã bị phá hủy, trong khi lượng chất béo bão hòa, natri, purine và các thành phần gây hại khác sẽ tăng cao, là nguy cơ gây béo phì, xơ vữa động mạch, gout, tiểu đường hoặc một số bệnh khác. Nếu trong lúc ăn lẩu còn uống bia, rượi thì hại càng thêm hại.

Chuyên gia nhắc nhở: Nên uống ít nước lẩu và nên uống khi mới nấu. Khi nồi lẩu nấu quá 60 phút, nó sẽ chứa rất nhiều nitrit, nếu muốn ngồi tiếp thì nên thay nước lẩu.

Lưu ý thời gian

Việc ăn lẩu kéo dài trong vòng mấy tiếng đồng hồ sẽ làm tăng cao lượng cholesteron trong máu, nếu ăn quá lâu sẽ dẫn đến rối loạn đường tiêu hóa.

Chuyên gia nhắc nhở: Nên ăn trong vòng hai giờ trở lại. Ăn lẩu một tuần không nên quá một lần, cần cân bằng lượng rau và lượng thịt.

Cách ăn lẩu tránh bị nóng

Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, lúc chọn thực phẩm cho nồi lẩu, bất luận là rau hay thịt, điều quan trọng nhất là phải tươi, ngon. Ngoài thịt bò, lợn, gà, cá, đừng quên các loại rau mát như cải chíp, cải xoong, rau muống… Nếu ăn được vị đắng thì có thể chọn mướp đắng. Trong nồi lẩu nên cho ít ngó sen, không những giúp cân bằng dinh dưỡng mà còn để giải nhiệt. Cho thêm đậu phụ cũng là cách bổ sung dinh dưỡng và giải nhiệt tốt.

Theo Đất Việt

5 LƯU Ý KHI ĂN CÀ CHUA

Cà chua là một trong những thực phẩm thông dụng nhất của thế giới. Với hương vị thơm ngon và tính chất bổ dưỡng, cà chua là thành phần không thể thiếu ở rất nhiều món ăn. Tuy vậy không phải cách ăn cà chua nào cũng có lợi cho sức khỏe, thậm chí có những cách ăn khiến cà chua trở nên có hại. 

Màu đỏ của cà chua cho thấy hàm lượng vitamin A trong cà chua rất cao, trung bình 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hằng ngày về vitamin A, vitamin B6, vitamin C. Ngoài các vitamin B1, B2, cà chua còn rất giàu các chất vi lượng như canxi, sắt, kali, phospho, magiê, nickel, cobalt, iod, các axid hữu cơ dưới dạng muối citrat, malat… Chính nhờ các yếu tố ấy mà cà chua được xem là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Sắc tố lycopen có trong cà chua, đặc biệt là ở vỏ, cùng với beta-caroten được xem là những chất chống ôxy hóa mạnh, vừa ngăn chặn tế bào ung thư, vừa chống sự hình thành của các cục máu đông trong thành mạch máu. Lycopen còn có tác dụng chống thoái hóa hoàng điểm, từ đó làm giảm mù lòa.

Cà chua là một loại rau rất bổ dưỡng và lành mạnh, có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa và điều trị bệnh suy nhược, chống chống nhiễm trùng. Nhưng không phải cứ ăn cà chua là sẽ bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Dưới đây là 5 lưu ý khi ăn cà chua:

Thứ nhất, không ăn cà chua và dưa chuột cùng một lúc

Tại sao không nên ăn cà chua và dưa chuột cùng một lúc? Lý do là bởi vì dưa chuột chứa một loại enzyme catabolic, sẽ phá hủy hàm lượng vitamin C có trong các loại rau khác. Cà chua là một loại rau có chứa một số lượng lớn vitamin C. Nếu bạn ăn hai loại thực phẩm với nhau, vitamin C trong cà chua sẽ bị phân hủy và bị phá hủy bởi các enzyme catabolic trong dưa leo.

Thứ hai, không nên ăn cà chua khi bạn uống thuốc chống đông máu

Cà chua chứa rất nhiều vitamin K. Tác dụng chính của vitamin K là xúc tác cho sự tổng hợp của prothrombin và coagulin trong gan. Vì vậy, nếu bạn ăn cà chua khi dùng thuốc chống đông, nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc này.

Thứ ba, không nên ăn cà chua khi đói

Cà chua có chứa một lượng lớn các chất làm se da hòa tan, sẽ phản ứng với axit dạ dày và đông vào cục u không hòa tan. Những khối u này có thể ngăn chặn các môn vị của dạ dày, dẫn đến đau bụng và khó chịu.

Cà chua chứa rất nhiều pectin và nhựa phenolic và các thành phần khác giống như trong quả hồng vàng. Khi ăn cà chua lúc đói, những chất này có thể dễ dàng phản ứng với axit, hình thành các cục không hòa tan, gây ảnh hưởng đến dạ dày, khiến khó chịu. Dạ dày phải tiêu thụ những chất này có thể gây ra đau bụng, nôn mửa và thậm chí là sốc. Do vậy, tuyệt đối không nên ăn cà chua lúc đang đói.

Thứ tư, không ăn cà chua xanh chưa chín

Cà chua xanh, chưa chín có chứa số lượng lớn các yếu tố alkaloid . Khi tiêu thụ nhiều sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm nhiều hơn. Các triệu chứng ngộ độc do ăn cà chua xanh thường là buồn nôn, nôn mửa, tiết nước bọt, yếu sức, mệt mỏi và các triệu chứng khác… thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.

Các chất độc hại trong cà chua có tên là alkaloid sẽ giảm dần và sẽ biến mất trong cà chua chín đỏ. Do vậy, bạn tuyệt đối không nên ăn cà chua xanh, chưa chín.

Thứ năm, không ăn cà chua nấu kỹ

Nếu cà chua đã được nấu chín trong một thời gian dài, dinh dưỡng và hương vị ban đầu của nó sẽ bị mất. Ngoài ra, nếu bạn ăn cà chua đã bị mất hết chất dinh dưỡng, có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, đó là rất nguy hiểm đối với cơ thể con người.

Cà chua là một loại rau bổ dưỡng, có chứa lycopene, vitamin C…Do vậy, nếu bạn chú ý và tránh các điều cấm ký trên khi ăn cà chua nó sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe của bạn.

Cách bảo quản cà chua:

Cà chua có hàm lượng Vitamin A cao, được sử dụng nhiều vào việc chế biến, làm tăng hương vị và màu sắc món ăn. Muốn giữ chúng được lâu hơn, bạn có thể làm một trong 2 cách sau:

Cách 1: Chọn quả chín, vẫn còn cứng, vỏ bóng, rửa sạch rồi hấp chín. Khi chúng đã chín mềm bạn bỏ ra để nguội, nghiền thật nhuyễn rồi lọc bỏ hột. Đem cà chua đun lên sền sệt là được, nhớ bỏ vào một chút muối và cho vào chai. Đun một ít mỡ thật sôi để nguội rồi đổ lên miệng chai. Cách này có thể để được cà chua quanh năm.

Cách 2: Chọn những quả chín, vẫn còn cứng, đỏ bóng, đem rửa sạch để khô ráo và xếp lần lượt từng lớp vào trong lọ to, hoặc chum vại. Cứ một lớp muối một lớp cà. Đậy lọ lại cho kín, bảo quản ở những nơi thoáng mát. Với cách này, bạn có thể giữ được cà trong một tháng.

(theo SK&ĐS)

Chỉ một vài động tác đơn giản, nhưng những mẹo sau đây sẽ giúp các loại rau củ quả trong nhà bạn tăng thời hạn sử dụng lên gấp nhiều lần.

Nấm:

Nấm mua về lấy ra ngay khỏi túi bóng, sau đó cho vào túi giấy hoặc hộp giấy rồi mới bỏ vào tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát.

Dâu tây:

Muốn bảo quản dâu tây được lâu, có một cách là dùng nước dấm. Chuẩn bị một tô nước pha chút giấm trắng, sau đó cho lần lượt dâu tây vào đảo sơ rồi vớt ra, cho vào cái rổ… Khi đã nhúng hết dâu qua dấm thì đợi tí cho ráo rồi rửa lại bằng nước sạch. Sau đó bỏ tủ lạnh bảo quản như bình thường. Cách này giúp dâu trữ được lâu hơn 1 tuần.

Chuối:

Dùng nilon hoặc màng nhựa bọc thực phẩm quấn cho kín phần cuống của nải chuối sẽ giúp kéo dài thời gian tươi ngon của chuối thêm 3-5 ngày.

Cà chua:

Cà chua không bảo quản trong túi nylon vì sẽ mau chín và nếu chín rồi thì sẽ mau thối. Nên cho vào túi giấy hoặc hộp giấy, để vào chỗ thoáng mát. Nếu lỡ mua cà chua xanh mà muốn cho chín nhanh thì cho ở chung với các loại hoa quả khác. Với cà chua đã chín, bảo quản nơi khuất tối, không cho quả chạm vào nhau, xoay cuống lên trên.

Các loại rau củ nảy mầm:

Khoai lang, khoai tây, gừng, tỏi, hành tây… có thể có hại nếu nảy mầm. Vì vậy để bảo quản được chúng, không dùng túi loại trong để ánh sáng không chiếu vào. Nên dùng túi giấy để đảm bảo bên trong khô ráo, nếu không có thì dùng khăn giấy bọc chúng lại rồi cho vào túi nylon.

Hành tây:

Nếu bạn có tất da cũ thì giặt sạch rồi để hành tây vào treo lên để trữ. Nếu tất dài có thể ngăn ra thành nhiều ngăn để trữ nhiều củ hơn. Cách này giúp hành tây tươi nguyên được 8 tháng.

Rau thơm:

Với các loại rau nhỏ như rau thơm, rau gia vị, bạn rửa cho sạch, nhúng vào dầu ô liu rồi sau đó cho vào cái ca, chế thêm nước vào rồi bỏ ngăn đá cho đông lại như làm đá viên. Cách này rất hữu dụng và phổ biến ở phương Tây.

Rau các loại:

Rau chưa cắt: bọc vào giấy bạc rồi cho vào tủ lạnh. Đối với xà lách, cải xanh, cần tây, cách này bảo quản được rau trong 1 tháng trở lên.

Rau đã lỡ cắt, để cho ráo rồi lấy khăn giấy quấn quanh, sau đó cho vào túi nilon bịt kín lại cho vào tủ lạnh sẽ giữ rau được 1 tuần trở lên.

Riêng các loại rau nhiều dầu thì không nên cho vào tủ lạnh, chỉ cần cột sơ gốc rồi treo lên chỗ thoáng mát.

Khoai tây:

Có cách để khoai tây không nảy mầm là cho một quả táo vào ở chung với nó. Không bao giờ để chung khoai tây với hành vì cả 2 sẽ nhanh hỏng.

Hạt:

Các loại hạt như hạt điều, hạt dẻ mua về nên rang chín rồi cho vào lọ thủy tinh để trữ.

Hành lá:

Nếu đã lỡ thái nhỏ hành mà không dùng tới, thì cho tất cả vào một cái chai nhựa (chai nước suối), đậy lại và cất vào tủ lạnh.

Bé Thúi tổng hợp.