Cách nấu BÚN MẮM – BÚN NƯỚC LÈO

 

Bún mắm (một số nơi gọi là bún nước lèo, tuy vậy cũng có một số chỗ gọi bún nước lèo cho một món khác) là món ăn đặc biệt hấp dẫn với mọi người, nhưng cách làm thì không phải khó. Quan trọng là khâu chuẩn bị nguyên liệu.

Nguyên liệu: 

-1/2 ký bún sợi vừa
-1 lạng mắm cá linh
-3 lạng cá lóc
-3 lạng tôm sú
-2 lạng heo quay
-3 cây sả
-1 củ ngải bún
-1 trái dừa xiêm

-Giá, hẹ, bắp chuối bào, húng cây, đường, chanh, ớt, gia vị

Thực hiện:
-Cá lóc làm sạch, lạng phi lê, xắt miếng vừa ăn. Tôm bóc vỏ làm sạch, rút chỉ đen. Bỏ vào 1 lít nước luộc chín, rồi vớt cá với tôm ra, còn lại nước luộc để làm nước dùng.
-Cho mắm linh vào nồi nước, nấu sôi lại, nhớ khuấy đều cho tan mắm, rồi vớt hết xương xẩu ra để cho nước trong.
-Cho sả cây đập dập, nước dừa, ngải bún, chút ớt bột vào trong nồi, cho thêm gia vị (đường, muối, nước mắm…) vào nêm cho vừa miệng.
-Bún tươi trụng qua nước sôi, để ráo. Heo quay chăt miếng vừa ăn. Hẹ cắt khúc 2cm. Húng cây, bắp chuối, giá, nhặt rửa sạch. Bắp chuối bào sợi.
-Bún sắp vào tô, rồi tới tôm, cá lóc, heo quay, hẹ, rồi chan nước dùng lên, ăn với rau đã chuẩn bị, nhớ thêm chanh ớt.

Ngải bún là gia vị không thể thiếu trong bún nước lèo. Tại Sài Gòn có thể mua ngải bún ở các chợ lớn của quận, hoặc chợ Bến Thành, muốn chắc ăn thì ra chợ Campuchia (Lê Hồng Phong, Q10).

Bé Thúi (MAV.vnfacebook Món ăn Việt Nam)

 

6 MÓN ĐẶC SẢN BẠC LIÊU KHÔNG THỂ KHÔNG YÊU

Đến với Bạc Liêu, du khách không chỉ thưởng thức 6 câu vọng cổ mùi mẩn từ miền quê danh tiếng, mà còn phải tìm ăn cho được nhiều món lạ mà ngon miệng khó tìm thấy ở những nơi khác.

Nếu có dịp nào bạn đi du lịch về phương Nam, đến vùng đất Mũi, nhớ ghé lại Bạc Liêu để thăm danh lam thắng cảnh và thưởng thức các món ngon vừa lạ tai lại rất lạ miệng, chắc chắn bạn sẽ có nhiều kỷ niệm và nhiều ấn tượng khó quên.

Bánh canh tôm nước cốt dừa

Bánh canh tôm nước cốt dừa có thành phần và cách nấu đơn giản hơn so với các loại bánh canh khác. Tôm tươi được người bán mua về, lột vỏ, bỏ chỉ đen và dùng dao đập dẹp, bắt chảo dầu nóng, cho tôm vào cùng một ít gia vị, đảo đều đến khi tôm vừa chín thì tắt bếp. Khi chế biến món ăn này, người bán cho sợi bánh làm từ bột gạo vào đun sôi, khi gần chín cho tôm đã làm sẵn vào, sau đó cho nước cốt dừa vào và nêm gia vị cho vừa ăn.

Bát bánh canh tôm nước cốt dừa đầy màu sắc với màu trắng của sợi bánh canh, màu trắng đục hơi sệt của nước dùng, màu hồng của tôm điểm xuyết sắc xanh của hành lá trông thật bắt mắt và hấp dẫn. Cái hay của người bán là mặc dù được nấu chung với nước cốt dừa, có vị béo nhưng lại không gây cảm giác ngấy cho người ăn. Ăn một thìa bánh canh nước cốt dừa, cảm nhận cái vị ngọt của tôm, cái vị béo cùng hương thơm thoang thoảng của nước cốt dừa.Ngoài những món kể trên, ở đây còn có nhiều món ăn ngon nổi tiếng không kém như bánh đúc, bánh bèo ngọt, bánh ít.

Cốn xại, xá bấu

Không biết món cốn xại, xá bấu có tự khi nào, nhưng người Hoa ở Bạc Liêu sử dụng cốn xại (cải muối), xá bấu (củ cải muối) trong bữa ăn hàng ngày. Đây được coi là món ăn đặc sản mang đậm tính truyền thống của người Hoa.

Muốn làm cốn xại ngon, thì cải làm cốn xại (cải tùa xại dùng để làm dưa cải) phải thật tươi non. Đầu tiên, cải được cắt thành miếng nhỏ hoặc để nguyên bắp, rồi đem phơi cho đến héo, nếu không khi làm cải dễ bị hư, đây được coi là khâu quan trọng nhất. Cải sau khi phơi xong, sẽ đem trộn với muối hột, đường, rượu và nhất định không thể thiếu củ riềng để tạo mùi. Cốn xại tính từ khi muối, đến khi ăn được cũng mất hai tuần.

Cớm xại


Xá bấu ngon nhất là khi dùng với cháo trắng.

Đối với xá bấu thì cách làm đơn giản hơn. Xá bấu mua về chỉ cần rửa sạch, xắt từng cọng nhỏ phơi khô. Lúc muối, chuẩn bị các thứ gia vị như: đường, bột ngũ vị hương, rượu rồi trộn đều với nhau. Khi nào thấy đường tan, thấm hết vào cọng xá bấu là ăn được. Món này ăn với cháo trắng thì thật tuyệt vời. Có người nói: “Đã là người Hoa thì phải biết ăn cháo trắng với xá bấu”.

Cốn xại từ khi làm đến lúc ăn được khôngdưới hai tuần, nhưng đối với cốn xại dùng để làm gỏi thì chỉ cần vài ngày. Khi làm món này, người ta lấy cốn xại trộn với củ kiệu, thịt luộc thái mỏng, tôm đồng luộc lột vỏ hoặc tôm khô và chấm nước mắm chua. Với món ăn này, người ăn sẽ cảm nhận được cái vị cay cay của cải mới, cái ngọt, béo của thịt, tôm, cộng thêm mùi thơm của lạc rang được trộn vào và cái vị hăng hăng của củ riềng, làm cho món gỏi cốn xại mang một hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Rồi để góp phần làm phong phú thêm cái hương vị của mấy ngày Tết, cốn xại còn được ăn kèm với nhiều món khác như: bánh tét chiên, bánh phồng tôm, cá khô, thịt khô… Đây thật sự trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Trải qua quá trình cộng cư lâu dài, sự kết hợp chế biến từ các món ăn của các dân tộc anh em trên vùng đất Bạc Liêu không chỉ thể hiện sự gắn bó keo sơn, nghĩa tình trong cuộc sống, mà còn góp phần bổ sung, làm phong phú thêm văn hoá ẩm thực của địa phương. Ở một góc độ khác, những món ăn tưởng chừng bình dị này, lại được nâng lên thành một thứ văn hoá, mà người ta có thể tìm thấy được qua nghệ thuật ẩm thực.

Bánh củ cải

Ghé chợ Bạc Liêu để thưởng thức thêm một đặc sản nữa đó là bánh củ cải. Bánh có nguồn gốc của người Hoa. Bánh được làm bằng bột mì trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Trong là nhân bánh gồm tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn. Bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, diếp cá, húng lủi, húng cây, quế và ít xà lách. Không thể thiếu phần nước chấm: pha nước mắm, chanh, đường, tỏi, ớt cho vừa ăn.

Bún Bò cay

Cách đây chừng chục năm, Bạc Liêu đã làm “nóng” thị trường ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long với loại cây hoang dã là bồn bồn khi được chế biến thành một vài món ăn lạ mà ngon miệng, đáp ứng khẩu vị của những người “sành ăn”…

Chính vì vậy mà ẩm thực Bạc Liêu có tính đặc thù riêng biệt: dân dã, mộc mạc, đã thưởng thức một lần, khó lòng quên. Nhưng có một món mà đến Bạc Liêu bạn không thể không thưởng thức đó là bún bò cay. Và đúng như tên gọi của món ăn, tô bún này được nấu với rất nhiều ớt tươi, khiến màu đỏ của nước bún là nguyên chất chứ không cần phẩm màu. Cạnh bên đó là một đĩa quế tươi xanh, cùng một đĩa muối hột đâm ớt đỏ thích mắt có kèm một lát chanh. Vắt chanh vào tô bún, nhặt rau quế (vừa phải, nhiều hoặc ít quá sẽ làm mất hương vị tô bún) cho vào, dùng đũa trộn đều. Gắp một miếng thịt chấm muối ớt cho vào miệng, hoặc nạc hoặc nạm hoặc gàu, gân, thứ nào cũng cho bạn hương vị đặc trưng ngon của thứ ấy. Ăn xong, bạn sẽ thỏa mãn trong vị cay đến chảy nước mắt, rồi đến cái giòn, dai, bùi béo của thịt bò và vị chua kích thích dịch vị của chanh. Nhưng “đã đời” nhất là sau một đêm say, ăn xong tô bún, vị cay và sức nóng của nó làm các lỗ chân lông toát đầy mồ hôi, sảng khoái cả người.

Phải nói bún bò cay là đặc sản có một không hai, chẳng những của Bạc Liêu, mà có thể là của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, có lẽ bún bò cay được chế biến chẳng lấy gì làm công phu, cầu kỳ. Chỉ là thịt bò nấu với sa tế mà thôi, nhưng bún bò cay ngon nhờ không dùng nhiều mỡ và đặc biệt được pha chế theo một công thức bí truyền. Vì thế, đến Bạc Liêu mà không ăn bún bò cay là xem như chưa “biết” Bạc Liêu vậy!

Bánh tằm Ngang Dừa

Nếu có dịp xuôi về miền đất Bạc Liêu, nơi sản sinh bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, xin mời về thị trấn Ngang Dừa nhỏ bé này để thưởng thức một lần bánh tằm, vừa dân dã, thôn quê để giữ ấn tượng sâu sắc về miền đất trù phú cò bay thẳng cánh.

Để có được những cọng bánh tằm Ngang Dừa, thưởng thức như ý, thơm ngon, dẻo, mềm mại trắng phau bên chiếc đĩa, với hương vị bay phảng phất đâu đây, gợi cho ta có một cảm giác thèm muốn ăn ngay để thưởng thức các mùi vị thật quyến rũ. Trước tiên người làm phải chọn loại gạo tẻ mùa ngon như gạo Tài Nguyên, Một Bụi, Tép Hành, Trắng Tép… Ngâm vài đêm rồi mới xay, pha nước muối loãng cùng với bột, cho vào một cái hũ, ngâm tiếp hai đêm rồi mới đánh liên hồi, để nguội lăn tròn bằng trái cam to, cho vào khuôn ép như ép bún.

Bánh tằm Ngang Dừa tuy đơn giản nhưng rất khó làm bởi rất kén nguyên liệu, đòi hỏi phải là gạo tẻ lúa mùa chính hiệu được sản xuất quanh vùng. Bằng đôi tay khéo léo thuần thục, nhanh nhẹn của các cô gái địa phương đã tạo nên những cọng bánh tằm được nhiều người ưa thích, biết đến.

Bánh tằm Ngang Dừa có hai loại mặn và ngọt, khi ngồi xung quanh bên chiếc gánh tùy theo sở thích khẩu vị của quý khách mà thưởng thức cái hương vị đồng quê miệt biển Bạc Liêu. Chính vì nhiều lẽ đó mà bánh tằm Ngang Dừa trở thành một món ăn độc đáo và rất lạ lẫm hấp dẫn với khách du lịch phương xa.

Mắm chua Vĩnh Hưng

Mắm cá đồng, có ở hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là ở Cà Mau. Nhưng tham quan tháp cổ Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), bạn sẽ được dân địa phương giới thiệu món mắm chua. Mắm chua được chế biến từ cá sặt, cá rô, cá lóc nhỏ…, cùng muối, đường, thính, rượu, riềng, tỏi, ớt…. Không giống các loại mắm mặn khác, mắm chua chỉ ăn trong vòng 10 – 15 ngày, nếu có tủ lạnh thì để được lâu. Ngoài sản xuất mắm chua bằng cá sặt, cá rô, cá lóc, người ta còn làm mắm cá lóc mặn truyền thống.

Mắm chua có mùi rất thơm, màu hơi xanh (không đỏ như mắm đồng), còn nguyên dạng con cá nhưng toàn bộ xương đã mềm. Mắm chua ăn cùng với vài trái bần hoặc vài trái ổi, thậm chí vài trái khế, chuối chát, me xanh, hoặc mấy lát dưa leo cũng được. Để tăng thêm hương vị và cho “dễ ăn”, nên có một nắm ớt hiểm xanh. Gắp một con mắm chua bằng cá sặc, cá rô hoặc cá chốt, cho nguyên con vào miệng, không cần phải xé (nếu là mắm cá lóc chua thì phải xé), cắn trái ớt hiểm và miếng ổi, nhai nghe vị mặn vị chua của con mắm mềm từ thịt tới xương hòa trên mặt lưỡi.

Ngọc Anh
(Nguồn: VietQ)

CÁCH LÀM 8 MÓN ĂN GIẢI ĐỘC GAN

Gan có thể được coi là một cơ quan có chức năng giải độc của cơ thể. Một số các chức năng của gan bao gồm: điều chỉnh lượng chất béo, cân bằng nội tiết tố, và trợ giúp tiêu hóa. Gan cũng rất dễ bị ngộ độc khi bạn ăn uống thiếu khoa học.

 Do đó, cần chú trọng hơn trong việc chăm sóc gan, giúp gan thải trừ các độc tố. Cách đơn giản nhất chúng ta có thể tự làm là chọn cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh.

Dưới đây là 8 món ăn có tác dụng dưỡng gan, giải độc rất tốt bạn có thể tự làm cho bản thân và gia đình:

 

  • Canh khoai môn -củ năn

Có tác dụng phòng ngừa ung thư, chống ôxy hóa, bài trừ chất độc hóa học ở gan.

Chuẩn bị: Khoai môn 300 g, củ năn 150 g, hạt tiêu một ít, muối vừa đủ, nước cốt gà 1/2 muỗng nhỏ, dầu ăn 2 muỗng lớn.

Chế biến: Khoai môn rửa sạch, gọt vỏ, xắt lát mỏng. Đổ nước vào nồi nấu sôi, khoai môn, củ năn lần lượt trụng qua nước sôi trong 1 phút, vớt ra dội nước lạnh. Củ năn rửa sạch, xắt lát, sử dụng sau. Bắc nồi lên bếp, đổ dầu ăn, cho vào hạt tiêu, khoai môn, củ năn xào chín một nửa, đổ vào 8 ly nước dùng, thêm muối, nước cốt gà nấu đến thấm vị thì hoàn tất.

  • Canh thịt nạc – hoàng kỳ

Canh thịt nạc – hoàng kỳ có tác dụng chống ôxy hóa, kích hoạt tế bào miễn dịch.

Chuẩn bị: Thịt nạc heo 0,5 kg, hoàng kỳ 10 g, đậu hòa lan 50 g, cải thảo 200 g, muối vừa đủ, bột tiêu một ít, nước 1 lít.

Chế biến: Thịt nạc rửa sạch xắt lát, trụng qua nước sôi, vớt ra, sử dụng sau. Hoàng kỳ rửa sạch, cải thảo rửa sạch xắt lát, đậu hòa lan rửa sạch, sử dụng sau. Đổ nước vào nồi nấu sôi, thêm hoàng kỳ, thịt nạc nấu sôi lại, chuyển lửa nhỏ nấu 1 giờ, thêm cải thảo, đậu hòa lan nấu 20 phút, nêm muối, bột tiêu thì hoàn tất.

  • Canh hàu nấu cải thảo

Hàu được cơ thể hấp thu nhanh, theo đó, cải thiện tuần hoàn máu và tim mạch, tăng cường chức năng gan, dưỡng gan giải độc. Món canh chống ôxy hóa, kích hoạt tế bào miễn dịch, bài trừ chất độc hóa học ở gan.

Chuẩn bị: Hàu 200 g, cải thảo 100 g, củ hành xắt sợi một ít, muối 1 muỗng nhỏ, bột nêm 1/2 muỗng nhỏ, rượu 2 muỗng lớn, dầu mè một ít.

Chế biến: Hàu dùng nước rửa sạch đất cát. Thịt hàu trụng qua nước sôi, vớt ra, cho ráo nước, sử dụng sau. Cải thảo rửa sạch xắt lát. Bắc nồi lên bếp, đổ dầu, phi thơm gừng, hành, thêm cải thảo xào sơ, đổ nước dùng nấu sôi, thêm hàu nấu 15 phút, nêm muối, bột nêm cho thấm vị, rưới dầu mè thì hoàn tất.

  • Canh sườn dê nấu hà thủ ô

Đây là món canh chống ôxy hóa, kích hoạt tế bào miễn dịch.

Chuẩn bị: Hà thủ ô 20g, đậu đen 20g, sườn dê 0,5kg, rong biển 100g, nấm hương 2 tai, gừng lát một ít, muối vừa đủ, nước dùng.

Chế biến: Sườn dê chặt đoạn 4cm, trụng qua nước sôi, vớt ra. Đậu đen ngâm trước 3 giờ, nấm hương bỏ cuống, rửa sạch, rong biển xắt nhỏ, hà thủ ô rửa sạch, sử dụng sau. Đổ nước vào nồi nấu sôi, cho tất cả vật liệu vào, nấu sôi lại bằng lửa mạnh, chuyển lửa nhỏ nấu 1 giờ, bỏ bột nêm thì hoàn tất.

  • Cháo bồ công anh

Nhiều nghiên cứu hiện đại cho thấy bồ công anh vị ngọt tính bình, không độc, có tác dụng ức chế vi khuẩn phổ rộng và diệt khuẩn thấy rõ, có tác dụng ức chế và tiêu diệt đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ. Món cháo phòng ngừa ung thư, giảm huyết áp, bài trừ độc tố ở gan.

Chuẩn bị: Bồ công anh 60g, kim ngân hoa 30g, gạo 10g, muối 1/2 muỗng nhỏ, bột nêm 1/2 muỗng nhỏ.

Chế biến: Bồ công anh, kim ngân hoa sắc lấy nước cốt, bỏ bã. Gạo vo sạch, ngâm nước nửa giờ. Bắc nồi lên bếp, đổ nước dùng, nấu sôi, chuyển lửa nhỏ ninh khoảng 1 giờ cho đến khi nhừ thì hoàn tất. Đổ vào nước thuốc nấu chung. Chia 2 lần ăn ấm.

  • Cháo gan dê

Món cháo giúp lọc máu, chống ôxy hóa.

Chuẩn bị: Gan dê 150g, gạo 100g, hành, gừng, dầu ăn với mỗi thứ vừa đủ, muối 1/2 muỗng nhỏ.

Chế biến: Gan dê rửa sạch, xắt lát nhỏ, sử dụng sau. Gạo vo sạch, cùng với hành, gừng, dầu ăn, muối với 1 lít nước, ninh cháo bằng lửa nhỏ cho đến khi cháo nhừ, gan chín thì hoàn tất. Dùng ăn nóng sáng và chiều lúc bụng đói.

  • Cháo gan heo – gân bò

Món cháo giúp chống lão hóa, bài trừ độc tố ở gan.

Chuẩn bị: Gan heo 70g, gân bò 150g, nếp 200g, muối 1/3 muỗng nhỏ, gừng xắt sợi 5 g, hành nhuyễn 5g.

Chế biến: Gan heo xắt lát mỏng, trụng qua nước sôi, loại bỏ sợi máu, sử dụng sau. Gân bò nấu đến mềm vớt ra, xắt lát, sử dụng sau. Nếp vo sạch cho vào nồi nấu sôi, khi nếp nở, thêm gan heo, gân bò, gừng sợi, hành nhuyễn và một ít muối thì hoàn tất.

  • Cháo gan heo – măng tươi

Theo thông tin trên Lao động, đây là một món cháo rất tốt khi có tác dụng thúc đẩy hoạt hóa tế bào, bài trừ độc tố ở gan.

Chuẩn bị: Cháo trắng 1 chén, măng tươi 100 g, gan heo 100g, hành và gừng một ít, rượu 1/2 muỗng nhỏ, muối một ít, bột năng một ít, nước dùng vừa đủ, bột nêm 1/3 muỗng nhỏ.

Chế biến: Măng tươi rửa sạch, xắt lát xiên. Gan heo rửa sạch xắt lát, cho vào chén, thêm rượu, muối, bột năng ướp 5 phút, 2 vật liệu này lần lượt trụng qua nước sôi, vớt ra, để ráo, sử dụng sau. Đổ cháo vào nồi, bắc lên bếp nấu sôi, thêm măng tươi, gan heo và nước dùng, muối, bột nêm trộn đều, rắc lên hành, gừng xắt nhuyễn, múc ra chén.

Theo SK&GĐ

12 THỰC PHẨM CÓ TÍNH NĂNG SÁT KHUẨN QUÝ GIÁ

Thực phẩm không chỉ giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, một số loại thực phẩm còn mang lại khả năng phòng chống bệnh tật rất tốt, thậm chí không thua gì các loại thuốc đề kháng. Sau đây là những thực phẩm quý mà bạn nên sử dụng, vì nó mang lại khả năng sát khuẩn, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể:

 

Hành tây:

Thuộc họ thực vật allium, cung cấp hương vị hăng và cay cho các món ăn. Chúng chứa nhiều chất flavonoid giúp kích thích sản xuất các chất chống ôxy hóa, do đó có đặc tính kháng khuẩn và tăng cường miễn dịch mạnh mẽ.

Sữa chua:

Một nghiên cứu của Trường Đại học Vienna (Áo) cho biết mỗi ngày trẻ ăn 1 hộp sữa chua có tác dụng tương đương với tiêm một ống thuốc tăng sức đề kháng

Các kết quả nghiên cứu cho thấy probiotic, một loại vi khuẩn có tác dụng tuyệt vời trong việc tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn sự xâm nhập của virus, được tìm thấy trong sữa chua. Dù nhiều loại thực phẩm khác cũng có probiotic nhưng sữa chua được coi là nguồn probiotic dồi dào nhất cho trẻ nhỏ.

Chính vì vậy, các bà mẹ đừng quên cho con ăn sữa chua để phòng tránh dịch sởi. Bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn được sữa chua mỗi ngày với “tiêu chuẩn”: Trẻ ở độ tuổi 6-10 tháng là 50 g/ngày, 1-2 tuổi: 80 g/ngày, trên 2 tuổi: 100 g/ngày.

Hạt đu đủ: 

Các loại axít béo có trong hạt đu đủ được cho là giúp cơ thể phòng chống ung thư. Hạt đu đủ cũng giúp loại bỏ khỏi cơ thể các loại ký sinh trùng đường ruột nhờ hàm lượng enzyme cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạt đu đủ cũng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm mạnh mẽ ở hệ tiêu hóa và đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn. Chúng ta có thể ăn hạt đu đủ thô với mục đích chữa bệnh hoặc chế biến thành món ăn bằng cách làm khô và nghiền, dùng thay cho hạt tiêu.

Yến mạch:

Chứa beta-glucan, một loại sợi có khả năng kháng khuẩn và chống ôxy hóa. Khi động vật ăn hợp chất này, chúng ít có khả năng bị cúm, bệnh Herpes và nhiều bệnh lây nhiễm khác. Yến mạch không những có khả năng tăng cường hệ miễn dịch mà còn có thể giúp thuốc kháng sinh phát huy tác dụng tốt hơn. Bà mẹ nên cho trẻ ăn yến mạch khoảng 3 lần/tuần xen kẽ với ăn cơm và các loại thực phẩm tinh bột khác.

Tỏi:

Chứa rất nhiều allicin, một chất giúp chống nhiễm trùng và ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Các nhà nghiên cứu Anh đã cho 146 người sử dụng tỏi và các thực phẩm chiết xuất từ tỏi trong 12 tuần, nhận thấy những người này rất ít nguy cơ bị lây nhiễm cúm hay cảm lạnh. Cho trẻ ăn 1 tép tỏi mỗi ngày xào cùng thịt bò, heo hay gà có thể giúp tăng sức đề kháng.

Canh thịt gà:

Chất cysteine axít amin sản sinh từ thịt gà nấu canh có tác dụng ngăn chặn sự di cư của các tế bào viêm. Bổ sung gia vị tự nhiên như hành và tỏi vào món canh gà, súp gà cho trẻ có thể giúp tăng sức mạnh hệ miễn dịch của bé.

Atisô: 

Chứa hợp chất thực vật chống ôxy hóa gọi là axít caffeoylquinic, được sử dụng để điều trị rối loạn hoạt động gan nhờ khả năng kích thích dòng chảy của mật. Dòng chảy này được điều hòa sẽ giúp cơ thể tiêu hóa chất béo, góp phần làm sạch các chất gây viêm cho cơ thể có trong thức ăn nhiều dầu mỡ.

Súp lơ xanh:

Là một trong những loại rau họ cải, được biết đến nhờ đặc tính chống ôxy hóa mạnh mẽ. Khoa học đã chỉ ra rằng một chế độ ăn giàu các loại rau xanh họ cải sẽ làm giảm nguy cơ ung thư. Các loại rau họ cải khác bao gồm bắp cải, cải bruxen, cải xoăn…

Trái bơ:

Cung cấp các axít đơn không no tốt cho tim và glutathione, một hợp chất có tác dụng ngăn chặn sự hấp thu các chất béo trong ruột dẫn đến quá trình ôxy hóa. Ngoài ra, chúng cũng giúp làm sạch các độc tố tích tụ tại gan, giúp tăng cường chức năng gan trong cơ thể.

Củ cải đường:

Chứa betalain, một sắc tố thực vật khiến củ cải đường có màu đỏ đậm, có đặc tính chống viêm và diệt nấm mạnh mẽ. Betalain thúc đẩy quá trình cấu trúc tế bào, giúp sửa chữa và tái tạo các cơ quan, đặc biệt là gan – trung tâm thải độc chính của cơ thể.

Rễ cây bồ công anh:

Hoạt động như một thuốc lợi tiểu bằng cách tăng sản xuất nước tiểu, từ đó giúp lọc máu và đào thải độc tố. Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu một chất chiết xuất từ rễ bồ công anh có khả năng khiến các tế bào ung thư máu “tự chết”.

Cây thì là:

Giàu vitamin và các chất chống viêm. Thì là có chứa hóa chất giúp kích hoạt các glutathione – một chất chống ôxy hóa trong gan có thể vô hiệu hóa các gốc tự do. Thì là còn rất giàu vitamin C và chất kháng sinh vô cùng cần thiết đối với cơ thể. Thì là cũng là một thực phẩm giàu chất xơ nhưng ít calo, rất lý tưởng cho quá trình làm sạch bên trong các cơ quan cơ thể.

Theo BS Hoàng Tuấn Linh (Người lao động)

Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 2)

Tết Trung Thu là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của mỗi người. Theo thời gian, mọi thứ đều thay đổi và không khí của ngày hội tuổi thơ xưa nay chỉ còn trong những bức ảnh hiếm hoi còn sót lại. Mời các bạn xem tiếp bộ ảnh về Trung Thu xưa, nguồn ảnh sưu tầm:

Một cửa hàng điện tử tại thị xã Cao Bằng bày bán thêm đèn ông sao và đồ chơi Trung thu. Ảnh được chụp năm 1994.

Phá mâm cỗ Trung thu luôn là khoảng thời gian được các em thiếu nhi mong chờ nhất.

Cửa hàng bán đồ Trung Thu đầu thế kỷ 20.

Một đại gia đình tề tựu đông đủ bên mâm cỗ Trung Thu (đầu thế kỷ 20).

Trẻ em vui sướng bên đèn Ông Sao (1989)


Hà Nội thập niên 1990, một cô bán đèn lồng đang “chào hàng” với một bé gái bên quán nước.


Một chợ Trung thu Hà Nội, năm 1987.


Đồ chơi Trung thu xưa gắn với truyền thống dân tộc (đầu thế kỷ 20).


Anh sửa lồng đèn cho em, hình ảnh không thể quên với tuổi thơ 8x trở về trước.


Sài Gòn mùa Trung thu xưa (thập niên 1990).


Bánh Trung Thu Đông Hưng Viên nổi tiếng Sài Gòn, ảnh chụp trước 1975.

Xem tiếp:
Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 1)
Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 3) 

Mỹ Mạnh TỔNG HỢP (MAV.vn)

Đặc sản Hòa Bình gợi miền sơn cước

Không quá xa Hà Nội, Hòa Bình là điểm đến khá thú vị với cảnh sắc thiên nhiên phong phú. Mỗi địa hình tiêu biểu của Hòa Bình đều có những đại diện món ăn ấn tượng.

Vùng trung du đồi thấp Lương Sơn có thịt trâu lá lồm, vùng núi đá vôi địa hình karst trùng trùng Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong với gà nuôi thả, cho tới vùng lòng hồ mênh mông sông Đà với đa dạng các loại cá ngon và vùng núi cao Mai Châu với một phần dãy Pù Luông nổi tiếng cùng các loại rau lá rừng tạo thành món ngon.

Cá sông Đà nướng đồ

Vùng lòng hồ sông Đà chứa trong nó rất nhiều loại cá nước ngọt ngon lành. Nào là trắm, chép, lăng, nheo… có thể làm ra hàng chục món khác nhau. Trong đó, không thể không kể đến món cá nướng đồ.

Từng con cá tươi roi rói từ sông lên được thọc các que nhỏ, dài từ miệng xuống đuôi. Sau đó, cá còn được kẹp bằng tre ở ngoài để không bị gãy, rơi khi chín. Tiếp đó, từng xiên cá ấy được đưa lên bếp nướng thơm.

Món cá nướng ở Hòa Bình còn thêm công đoạn đồ, nên hương vị rất đặc biệt (Ảnh: Internet)

Cá nướng dù đã ngon nhưng không ăn ngay mà được cho thêm muối, gói vào lá chuối rồi đồ lên. Khi cá được mang ra, mùi thơm rất đặc biệt, không chỉ là mùi của than ấm, mùi của thịt cá ngọt tươi mà còn thoang thoảng hương chuối, hương tre của rừng và đậm đà vị mặn mà đơn sơ của muối.

Măng chua nấu thịt gà

Ở Hòa Bình, gà Lạc Sơn được coi là ngon nhất. Gà Lạc Sơn sống trên núi đá vôi, uống nước sông Bưởi nên thịt dai, thơm và lạ. Đây cũng là nguyên liệu lý tưởng để làm món đặc sản măng chua nấu thịt gà – món ngon Hòa Bình không thể bỏ qua.

Măng chua nấu thịt gà vừa béo, vừa bùi, lại ngọt và thanh, khó diễn tả hết được bằng lời!

Để có món này đúng điệu, người đầu bếp sẽ chọn gà nhỡ, sơ chế, bỏ lòng mề rồi chặt ra từng miếng nhỏ như bình thường. Tiếp đó, mới đem ướp cùng măng chua và các loại gia vị khác.

Chỉ nửa tiếng là gà ngấm. Khi ấy đem đi nấu bếp củi, lửa đều, không quá to chừng 1 – 2 tiếng. Đặc biệt, khi gà và măng nhừ, người ta còn cho thêm hạt dổi nướng giã nhỏ vào chung.

Từng miếng từng miếng gà khi bày ra đều có mùi thơm đặc trưng, vị ngon là quyện hòa của thịt gà, măng chua, dổi vừa béo, vừa bùi, lại ngọt và thanh, khó diễn tả hết được bằng lời.

Chả cuốn lá bưởi

Có lẽ chỉ ở Hòa Bình mới có món này. Thịt lợn ba chỉ sau khi sơ chế không băm nhỏ như các loại chả khác, và cũng không ướp quá nhiều loại gia vị. Người ta chỉ thái con chì vừa ăn rồi bỏ chút mắm, hành vào, sau đó cuốn lá bưởi ở ngoài và cho vào kẹp, nướng trên than hồng.

Chả cuốn lá bưởi chỉ có ở Hòa Bình (Ảnh: Internet)

Người ăn còn ngửi thấy rõ mùi thơm của thịt quyện với dầu từ lá bưởi. Do được nướng nên thịt không ngấy nhiều, ngược lại, còn săn và đậm ngọt.

Ngoài ra, lá bưởi cháy cháy, giòn giòn cũng tạo thêm vị cho món chả này. Nuốt miếng chả xong còn thấy tê tê đầu lưỡi, không hẳn là cay, không gây khó chịu mà ngược lại, khó quên vô cùng.

Lợn thui luộc

Chọn loại lợn nuôi thả, thịt chắc mà lại ít mỡ, không ngấy rồi đem thui. Điều đặc biệt là món này người đầu bếp không sơ chế trước khi thui mà để lợn nguyên lông, thui đến đâu thì cạo đến đó.

Lợn thui đều hết rồi mới đem rửa sạch sẽ trước khi lấy nội tạng, sau đó thì không rửa nước nữa mà cứ thế treo lên cho ráo máu.

Thịt lợn thui rồi mới luộc để được lâu, thịt lại ngọt và thơm hơn hẳn bình thường (Ảnh: Internet)

Tiếp đó, thịt được pha và cho vào luộc vừa chín tới. Thịt lợn thui luộc thái mỏng, bày trên lá chuối mới thật là tuyệt. Từng miếng nóng hôi hổi chấm cùng muối rang hạt dổi nướng giã nhỏ ngon không gì bằng.

Người ăn sẽ ấn tượng ngay bởi mùi thơm lừng, vị ngọt của thớ thịt, độ giòn của bì, hơi béo của mỡ kết hợp với cái đặc trưng của hạt dổi và đậm của muối. Đến Hòa Bình nhất định phải thử món này.

Thịt lợn muối chua

Dường như thịt lợn ở Hòa Bình luôn có cách chế biến độc đáo. Cũng vẫn là lợn, nhưng thịt lợn muối chua lại cho ta cảm giác thưởng thức cả cây cỏ và vị rừng do cách làm khá độc đáo.

Thịt lợn muối chua để ở gác bếp cho khách phương xa hoài nhung nhớ mùi lá rừng, mùi khói củi! (Ảnh: Internet)

Lá chuối rừng hơ lên trên lửa, lót vào đáy bồ làm bằng tre, nứa,rải một lớp gạo rang nhỏ trộn với muối rang sau đó xếp thịt lợn lên, cứ một lần xếp thịt lại rải một lần gạo rang với muối.

Thịt lợn không phải cứ thế cho vào mà phải được ướp với men lá rừng cùng gạo rang giã nhỏ khoảng 1 tiếng. Sau đó, người ta đậy kín nắp bồ bằng lá chuối và để bồ thịt muối ở quang bếp củi hoặc trên gác bếp đun củi.

Món này khi ăn nghe vị chua chua nhẹ nhẹ do men lá, thịt còn ngậy, dai, mặn vừa và thơm gạo quyện vào. Thịt lợn muối chua – món ngon Hòa Bình thường ăn kèm với các loại lá rừng của riêng đất này.

Măng đắng

Người ta thường muối măng cho chua, nhưng ở Hòa Bình lại có món măng đắng đặc biệt. Người làm măng phải vào rừng chọn những lóng măng còn non tơ, mỡ màng, thân ngập trong đất, trồi lên chỉ 1 – 2 đốt ngón tay.

Măng đắng vừa ngọt, vừa mặn mặn, vừa cay nồng, vừa tê tê các vị trong đồ chấm có tên lạ lẫm: chẩm cheo (Ảnh: Internet)

Măng phải nướng trên củi cho đến khi cháy xém bên ngoài và quắt lại. Khi ấy, mới bóc ăn. Măng cứ thế chấm gói chẩm cheo làm từ muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ.

Vị rõ nhất khi ăn măng là cái đắng đắng nhưng ngọt của măng rừng tươi non và vị cay của đủ thứ gia vị, từ cay nồng ớt, cay thơm gừng cho đến tê tê mắc khén và cay chan chát vị tỏi. Ngoài ra, còn có cảm giác chua chua của măng, thơm thơm mùi củi và đậm đà muối. Măng đắng cũng khá kén người ăn, nhưng nếp có dịp đến Hòa Bình thì nên thử để biết.

Thịt trâu nấu lá lồm

Món ăn này của người Mường ở Hòa Bình rất phổ biến vì được ưa thích. Thịt trâu đem thui, cạo sạch sẽ sau đó, đem bung cho mềm. Khi thịt đã chín tương đối thì thái miếng nhỏ hơn, cho vào nồi đất hầm kĩ.

Thịt trâu nhừ mềm thấm vị lá lồm và gạo tấm, ăn rất ngon (Ảnh: Internet)

Lá lồm (một loại lá chua) giã nhỏ và tấm gạo cho vào nồi hầm chung với thịt trâu. Cứ giữ lửa cho đến khi gạo tấm nở và sánh lại là được. Thịt trâu hầm xong nhừ kĩ, ngấm vị chua lá lồm và hương gạo, khá dễ ăn.

Rau rừng đồ

Rừng núi Hòa Bình có vô vàn loại lá cây rừng ăn được mà người dân gọi là rau. Những loại này khá dễ kiếm ở đây: rau beo, rau tầm bóp, rau đốm, rau đu đủ, rau the hởi, hoa chuối, quả quạnh…

Từ rau rừng đủ loại, người Hòa Bình tạo nên món chứa đựng đủ hương vị đắng, cay, ngọt, bùi… (Ảnh: Internet)

Tất cả đều là nguyên liệu cho món rau đồ. Món này khá đơn giản, chỉ cần hái rau, đem rửa sạch rồi đem đồ khoảng 30 – 40 phút là được. Rau đồ – món ngon Hòa Bình – ăn chung với bánh dày làm từ gạo và sắn cùng thứ nước chấm lạ lạ của người bản xứ.

Chỉ vậy thôi mà thu hút bao người. Do các loại lá có nhiều vị nên thử món này, khách sẽ cảm nhận được đủ hương vị đắng, cay, ngọt, bùi và thơm thảo khác nhau. Đây cũng là điểm đặc biệt và quyến rũ nhất.

Ngoài ra, Hòa Bình còn rất nhiều món ngon khác như sôi ngũ sắc, cơm lam, khoai sọ Vạn Mai, tỏi tía Loóng Luông… cũng đặc biệt và cuốn hút lắm thay.

Tạ Ban (theo Eva.vn)

6 MÓN ĂN ĐƠN GIẢN ĐỂ CHỮA ĐAU HỌNG

Đau họng kéo dài luôn gây khó chịu cho mọi người. Sau đây là những loại thức ăn không những trị đau họng hiệu quả, mà còn dễ nuốt ngay cả khi bạn bị đau họng:

Chanh mật ong: hỗn hợp nước chanh pha mật ong là thuốc giảm đau họng hữu hiệu, không chỉ dùng làm thuốc chữa viêm họng, bạn có thê uống hằng ngày vào buổi sáng sẽ giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh.

Chuối: Chuối không có tính a xít, lại là loại quả mềm, dễ nuốt khi bạn bị đau họng. Chuối có chỉ số đường huyết thấp và giàu vitamin B6, kali và vitamin C.

Súp gà: được xem là liệu pháp hữu hiệu để chống viêm họng. Các chuyên gia cho rằng một tô súp gà nóng còn có tác dụng tốt hơn liều thuốc kháng sinh. Súp gà có đặc tính kháng viêm nhẹ và giúp giảm đờm bằng cách ngăn virus tiếp xúc với màng nhầy. Nấu súp gà với cà rốt, hành tây, cần tây, củ cải, khoai lang và tỏi giúp bồi bổ sức khỏe và còn chữa bệnh.

Cà rốt: Cà rốt có đầy đủ các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin A, vitamin C, vitamin K, chất xơ và kali. Cà rốt luộc hoặc hấp có thể giúp bạn chữa bệnh, nhưng nên nhớ đừng ăn sống, kẻo phản tác dụng.

Trứng: dễ tiêu hóa protein, trứng, nhất là phần lòng trắng trứng giúp đối phó với viêm họng và các cơn đau họng. Tuy nhiên, nếu bạn thêm gia vị vào trứng, có thể làm phản tác dụng.

Trà gừng, trà mật ong: một ly trà gừng trà mật ong nóng là cách tốt để xoa dịu cổ họng. Nhâm nhi trà cùng với việc hà hít hơi từ tách trà nóng có thể giúp giảm tắc nghẽn họng và làm dịu cơn đau ngực do ho.

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

 

Món ăn Việt Nam đời xưa

Nấu nướng là một phần quan trọng của văn hóa. Những di tích thuộc về môn nầy là chứng chính xác để đo trình độ văn minh của một dân tộc vào một thời đại. Ở nước ta, nay còn thấy một bản cảo, bằng chữ chép những món ăn với cách làm trước nay hơn 250 năm. 

Món Ăn Việt Nam Đời Xưa theo sách Thực Vật Tất Khảo

Hoàng Xuân Hãn

Nấu nướng là một phần quan trọng của văn hóa. Những di tích thuộc về môn nầy là chứng chính xác để đo trình độ văn minh của một dân tộc vào một thời đại.

Ở nước ta, nay còn thấy một bản cảo, bằng chữ nôm, chép những món ăn với cách làm trước nay hơn 250 năm. Cảo ấy mang tên ” Thực vật tất khảo tường kí lục ” (1), nghĩa là : tập ghi rõ ràng những phép phải khảo khi làm các món ăn. Ta sẽ gọi tắt cảo ấy là ” Thực vật tất khảo “. Cảo gồm 125 tờ giấy dó, khổ nhỏ 14 x 22 phân. Mỗi trang viết 8 cột. Trong cảo có 279 tiểu đề. Mỗi tiểu-đề có ghi số mã (thứ-tự) từ 1 đến 288. Vì lẽ có số mã bị bỏ sót, có số mã được dùng hai lần, cho nên tiểu đề ít hơn số mã. Mỗi tiểu-đề mang tên một món ăn, trừ tiểu đề mang số 184 ” Trị lăng pháp ” (2) nghĩa là phép xây lăng (mộ vua, chúa). Kẻ dọn cảo nầy đã sao lục góp lại nhiều sơ cảo có trước, trong đó có hai thực phả. Thực phả đầu chứa 174 món ăn, thực-phả sau chứa 104 món. Hai phả ấy có ghi đến 90 món và lời giải trùng nhau. Nếu lọc lại thì chỉ còn 189 món khác nhau, tuy rằng tổng số ghi là 279 món và số mã đánh từ 1 đến 288. Tuy vậy, hàng đầu cảo mang hai chữ tân san (3) nghĩa là mới khắc. Ta không rõ rằng vốn đã có bản khắc chăng, hay là ý soạn giả muốn đem cảo nầy ra khắc.

Sau các đoạn đuợc sao tập, còn thấy ghi thời điểm. Đó là những thời điểm các sơ cảo. Dẫu sao, các điều ghi lại trong cảo nầy theo các thời điểm ấy, chắc đã có từ hơn 250 năm, vào khoảng đầu đời vua Cảnh Hưng nhà Lê.

Tóm lại, cảo ” Thực vật tất khảo ” gồm có hai phần chính là hai thực phả và ba phần phụ như sẽ thấy sau :

Những món ăn được ghi lại đều thuần túy Việt Nam, dùng trong mọi từng lớp xã hội, từ nước cáy ở thôn quê, qua cá rán nhà trưởng giả, đến ram mọc chim nhà quyền quí. Đáng chú ý là không thấy những món nay coi là rất sang, như vây, bóng, yến sào. Vây, bóng có lẽ ngoại lai. Còn yến sào thì được dùng làm gia vị cho nhiều món. Sự hiện diện yến sào và phép xây lăng trong cảo khiến ta phải nghĩ rằng soạn giả cảo nầy là một thái giám coi việc nội vụ trong cung chúa Trịnh hoặc vua Lê. Năm soạn phép xây lăng (1735) chính là năm vua Long Đửc mất. Ý chừng, ấy trỏ lăng vị vua nầy.

Trong số các món ăn được ghi, đại khái có hơn 10 loại: mỗi loại gồm nhiều thứ: loại Bánh (28 thứ), Xôi (15), Mứt (19), Dưa (10), Mắm (24), Cá (16), Thịt chả (15), Chim gà (17), Món chay (19), Bột, Kẹo, Bún, Nấm, vân vân (26).

Về cách làm những món ăn, văn dùng toàn là văn xuôi nôm viết theo lời nói thông thường, giản dị, có nơi ngắn ngủi nên tối nghĩa. Vả chăng kẻ viết nôm trong cảo không phải nhà nho giỏi chữ, cho nên chữ nôm viết không chính-xác, không thống nhất. Những Việt từ dùng đây thường trỏ món ăn hoặc cách nấu nướng; nó không thường thấy trong những tập văn chương ta quen biết. Khi biên giả dùng phép hài thanh, thì có lúc dùng âm tố Hán quá xa âm tố Việt mà mình muốn diễn, ví dụ dùng các âm Hán tiếp, lồi, kim, tạm để diễn những từ Việt bếp, nhồi, rim, rạm. Vì vậy, phiên âm cảo nầy gặp nhiều trở ngại. Kết quả cũng không chính xác. Nhưng đây là một tư liệu rất quan trọng để khảo ngôn ngữ và chữ nôm dân gian về đầu đời Cảnh Hưng.

Tôi bắt đầu giới thiệu một vài món ăn, bằng cách diễn âm y nguyên văn nôm. Tôi sẽ chú thích chữ khó, nêu chữ ngờ. Có chỗ tôi thêm, trong cặp vòng đơn, một chữ để câu văn thành dễ hiểu. Hoặc có chữ nôm không đoán ra âm, tôi sẽ thay bằng âm khác cho xuôi nghĩa ; âm thế sẽ đặt giữa cặp vòng vuông […], và nếu làm được thì tôi sẽ viết thêm chữ nôm bị nghi ngờ. Cảo nầy, mỗi trương viết 8 dòng, chữ tháo khó đọc. Riêng những món trùng điệp ở hai thực phả, thì có thể so sánh mà sửa chữa chỗ sai chỗ sót. Tôi sẽ ghi chú thích liền sau mỗi bài.

1. XÔI VÒ – số 31 và 207

Lấy đậu xanh mà ngâm, phỏng một trống nửa canh(a). Văn (b) ra xem nó tróc vỏ (chưa). Lấy muối mà xát khan (c) cho bẵm (d) có bọt ra, sẽ đãi cho sạch. Chọn gạo nếp cái tốt cho sõng (e). Gạo, vò đi, để ngâm một chốc, vớt ra. Mỡ với đậu trộn vào, xôi lên (f). Phỏng nó chín hai phần còn một, thì đổ ra, quạt cho ráo, cho nguội. Đánh nước muối, tưới vào, trộn đi cho đều. Lại xát đậu vào, lại xôi lên cho chín. Xem mặt xôi nó đã chín trong mặt, lớn hạt xôi mà nhẻo (g) (chưa), thì tra đường. Nếm cho vừa. Hoặc nó còn cứng hạt xôi, (thì) lại tới nước, với tra đậu; lại xôi lần nữa. Vát (h) ra, sẽ tra đường. Hoặc nó rắn thì tra đường nước; hoặc nó nát thì tra đường tán. Tra đường vào sàng (i) mà đưa (j) cho chóng. Lấy hạt sõng, tra đường còn nóng, chớ tra nguội. Nếm cho vừa thì thôi.

Như bằng làm xôi chay, thì đừng mỡ.

chú thích : (a) Trống canh : thời-gian bằng hai giờ ngày nay. (b) Văn : cầm vào đầu ngón tay mà xát đi xát lại. (c) Khan : không ướt, không trộn nước. (d) Bẵm : mạnh, với nhiều sức. (e) Sõng : trong, bóng. (f) Câu sau diễn theo bài số 207 ; bài kia sót nhiều chữ. (g) Nhẻo : cũng viết dẻo. (h) Vát (4) : có thể đọc vớt. Hoặc là vát, âm còn trong thành ngữ vớt vát. (i) Sàng : đồ tre đan bẹt và mắt thưa, có thể dùng để rây. Đây theo bài số 207. (j) Đưa : vận chuyến sàng để rây.

2. GIÒ LỤA – số 155 và 252

Giò lụa thì chọn thịt thăn (a) đừng hôi. Lấy ngón (tay) mà văn (b) cho dẻo tốt. Chớ mua thăn già, thăn non. Như bì thì bì lợn non, cho trắng, tốt, mỏng bì. Đem về đánh muối bì cho trắng. Luộc lá chuối cho lụi (c); rửa đi. Sắp lá cho sẵn. Lét (d) thăn ra, dần (e) qua đi. Đâm cho chóng nhỏ. Phỏng cái giò thì ba đồng (f) mỡ chứ, trộn vào mà cùng đâm. Tra nước mắm cho vừa; mà bó cho chặt, mà nấu cho chín. Phỏng nấu nó, như luộc trứng chín thì nó chín. Sẽ lấy ra mà ép, mà châm (e) cho ráo.

Chú thích : (a) Thăn : thịt nạc ở dọc lưng lợn. (b) Văn : xem bài 1 , (b). (c) Lụi : héo mềm. (d) Lét (5) : có thể đọc trét, sét hoặc dẹt chăng ? ý là trải trên chỗ bằng. (e) Dần : lấy sống dao mà đập cho mềm. (f) Đồng : 1/10 lạng, chừng bằng 3,9 gam. (g) Châm :chọc thủng lá gói cho nước chảy đi.

3. NEM BẢNG – số 159 và 254

Nem bảng (a) thì lấy nửa thịt thăn (b), nửa thịt rọi (c). Chọn lấy thịt nào đừng hôi; đem về, lạng (d) đi cho hết gân. Mà thái ra từng miếng mà muối; để một chốc, nó ra nước (thì) lấy khăn vải vắt đi cho ráo. Thái cho mỏng, dần (e) cho nhỏ mà đâm. Rồi sẽ băm (f) một ít mỡ mà đâm một nơi (g) cho nhỏ. Rồi sẽ trộn lại làm một; sẽ đâm. Tra một ít cơm với thính (h)nếm cho vừa mùi, mà bóp cho đều. Với lấy một tấm thịt ba rọi (i); lấy nồi luộc vừa chín đến chứ. Rồi tra một ít mật với rượu vào thịt ấy mà bác cho vàng tốt. Rồi rửa nước lã đi; lấy khăn vải mà lau cho ráo. Rồi liền lộng (j) hết trên thịt nó đi. Lại cắt chung quanh nó đi. Rồi thái ra cho mỏng, mà rắc muối với thính cho vừa. Lấy lá vông (k) mà lót. Rồi đặt thịt ba rọi ấy quanh, thịt nem ở giữa. Dát (l) cho mỏng. Gói lá chuối ngoài cho kín, mới ngon.

Tháng sốt thì một đêm đã nên ăn. Tháng rét thì hai ba đêm mới nên ăn.

chú-thích : (a) Bảng : tên một cách làm nem, có thể là tên làng gốc, như nói cốm vòng (làng Dịch Vọng). Bảng đây trỏ làng Đình Bảng chăng? Cảo nầy chỉ mách hai thứ nem mà thôi : nem bảng và nem gói. (b) Thăn : xem bài 2, (a). (c) Rọi : thịt gồm nhiều lớp nạc và mỡ lẫn nhau ; cũng gọi thịt ba rọi (ba lớp). (d) Lạng : lấy mũi dao sắc tách thịt ra. (e) Dần : xem bài 2, (e). (f) Băm (6) : theo nôm thì âm đáng là lăm, trăm… Đoán ấy là băm, nghĩa là chặt nhỏ. (g) Nghĩa là riêng. (h) Thính : gạo rang và nghiền nhỏ. (i) Ba rọi : xem (c) trên. (j) Lộng (7) : nghĩa là khoét, như nói chạm lộng. (k) Vông : cây gỗ nhỏ mọc ở bờ rào, gỗ mềm, lá cụm ba, phẳng, mỏng, hình tim, dùng gói nem ; cũng có tên vông nem, thuộc loại Erythrina. (l) Dát(8): làm mỏng. Nếu đọc đặt thì không đắt ý.

4. CHIM ĐỒ – số 122 và 262

Làm lông. Đánh muối (cho) trắng. Mổ phanh ra, mà dần (a) qua cái chim. Lấy thịt sườn lợn, mà chặt từng miếng. Một ít nước đường, nước mắm. Phỏng ba lát gừng. Phỏng nửa quả chanh nhỏ, vắt lấy nước nó một ít. Với tương tàu, hành với cây răm. Bóp vào làm một trong cái chim ấy. Sẽ để vào bát mà đồ (b). phỏng hầu chín đem ra, bỏ xương. Lọc lấy nước với thịt chứ, mà nếm mùi (cho) vừa. Hoặc thiếu mùi chi thì thêm mùi nấy. Lại để vào, lại đồ bao giờ ăn sẽ lấy ra. Như tra tương tàu thì cũng nên.

chú thích : (a) Dần : xem bài 2. (e). (b) Đồ : nấu hấp bằng hơi nước.

5. CHIM QUAY, GÀ QUAY – số 116 và 260

Chim (hay) gà cũng làm lông. Đánh muối cho sạch. Lôi lòng đi. Mỡ với hành ép vào trong bụng nó. Xỏ bàn (a) mà quay cho chín. Lấy miếng mỡ mà phất. Nó vàng, nó dừ thì thôi.

chú thích : (a) Bàn : dụng cụ để quay đồ ăn, hình cái bàn ; gồm có cái que để xuyên qua con gà mà quay trên than nóng.

6. CÁ NHỒI – số 145 và 277

Đánh vảy đi. Mổ bên sống (a) nó ra, lấy xương ra cho hết. Rồi kéo lấy thịt nó. Rồi lạng (b) hết xương con nó đi. Để dưng (c) da nó chứ. Cá kéo ra thì đâm cho nhỏ. Phỏng ba phần cá (thì) một phần mỡ, một phần cua, một ít yến sào. Đâm vào làm một. Tra nước mắm, nước đường vào. Nướng thử nếm cho vừa. Nhồi vào (da) con cá. Lấy nước thịt sườn, nước chanh, nước mắm, nước đường, pha vào làm một. Để con cá vào bát. Sẽ đồ (d).

chú thích : (a) Sống : lưng. (b) Lạng : xem bài 3, (d). (c) Dưng: ở cạnh phần đang quan hệ; ví dụ: người dưng. (d) Đồ: xem bài 4,(b).

7. THANG CÁ – số 154

Hoặc (cá) trôi, hoặc cá chi thì cũng nên. Cá hành (a) cho tươi, mà rửa cho sạch. Mà xủi vảy nó đi. Lôi lòng đi, mà khử (b) đi dần. Mà kéo ra mà bỏ xương. Nơi đâu nó có đỏ thịt, thì cắt đi. Hễ ba cá thì một phân mỡ sống. Nhồi củ hành mà nướng. Đâm một nơi (c) Cho nhỏ. Rồi sẽ đâm lại làm một. Lấy cà cuống với nước mắm, sẽ tra vào cho vừa mùi. Rồi thì dát ra cho mỏng bằng cái đĩa ấy. Rồi luôn nấu nước lã lên cho sôi, mà tra bánh cá ấy vào. Nấu cho nó chín, thì sẽ vớt ra, mà để cho nó nguội. Rồi sẽ thái ra mỏng, để trên bát thang (d) ấy.

Nào nước nấu nó ấy, thì tra một ít sườn lợn với tôm canh (e)Cho vừa mùi chi thì thôi (f) : (tra) hoặc lá tía tô, hay là rau răm thì mặc lòng; mà thái, cũng để trên bát ấy. Hoặc có ăn kiêng thì đừng tra thịt lợn với cà cuống mà thôi. Lại cứ như phép làm.

chú thích : (a) Hành : dùng. (b) Khử: vứt bỏ đi . (c) Xem bài 3, (g). (d) Thang : món ăn thịt cá nấu với nhiều nước bản chất. (e) Canh (9) : thường đọc ngạmh (cá ngạnh); đây trỏ tôm khô dùng để nấu canh. (f) ý là : muốn gia vị thế nào cũng được.

8. MỨT CHANH – số 56 và 223

Chanh thì mài hay là gọt thì cũng nên. Rồi thì đánh muối cho bẵm (a) , cho sạch hăng. Chẻ bốn bên ra mà rửa nước lã cho sạch chua. (Tra) nước phèn cho nó vừa chát nước. Sáng ngày một lần thay nước, tối một lần thay nước; phỏng ba ngày cho nó hết nước hăng. Rồi lấy lá gai mà đâm ra cho đặc. Lấy nồi gang thịt (b) đánh cho láng. Đổ nước lá gai vào mà xếp chanh vào nồi. Một lớp chanh thì lại xếp một lớp lá gai. Bắc lên bếp nấu cho nó xanh. [Nước (c)] chưa xanh thì lại lấy lá cách (d) mà nấu; hai lần rửa đi cho sạch. Hoặc có làm mứt nào xanh, thì cứ như phép ấy mà làm. Nấu nước đường mà đảo. Đem ra vắt đi cho ráo. Lại lấy đường mà ngào cho nó đen. Liệu vừa chứ, chớ cho nó đen quá mà xấu. Phỏng ba ngày sẽ nấu nước đường khác thay nó, (thì) nó mới trong tốt. Muốn thêm mùi thì tra một ít nước hoa; liệu cho lặn (e) mùi chứ (f).

Như muốn làm ráo, đương (thì) chọn đường tốt. Các phép cũng thế ấyĐể nhỏ lửa, ngào mãi cho ráo mà thôi.

chú thích : (a) Bẵm : xem bài 1 , (d). (b) ý là : nồi bằng gang thường dùng để nấu thit. (c) Nước (10) chữa ra (11). (d) Cách (12) : theo thoạI số 56; đó là một thứ cây nhỡ trồng ở rào có lá xanh mướt, hình bầu dục rộng, có thể dùng gói nem. Thoại số 223 viết chữ (13) đọc khác tự dạng giống chữ cách trên, nhưng ý không chính xác bằng. (e) Lặn (14) (thoại số 56) và (15) (thoại số 223) : ý là không nổi mùi, không xông mùi. (f) Thoại 223 dừng ở dây, thêm đoạn sau bằng chữ bé. Còn thoại 56 thì không có đoạn sau, nhưng lại thêm chính văn sau : ” Phỏng mùi hoa hoặc làm vội bấy giờ. Ngào rồi thì nấu nước đường khác, để cho lạnh (mà) thay. Bấy giờ nó mới được trong tốt “.

Xem chừng ý có trùng điệp với trên.

9. BÁNH RÁN – số 10 và 195 + 196

Lấy gạo nếp cái cho tốt, vò cho sạch, rây cho nhỏ, rồi phơi ra. Phơi thì phơi trong gió : chớ phơi nắng mà khét. Lấy bột lọc nếp mà nghiền cho nhỏ. (Đong thì) lấy chiếc đũa mà gạt bằng miệng bát. (Lấy) bốn bằng miệng bát bột đâm (a), một bằng miệng bát lẻ, (hoặc) hai bát bột lọc cũng nên. Trộn đi. Lấy rây mà rây, chín, mời bận cho đều Nấu nước, bắc lên với dềnh (b). Đâm ra cho nhỏ, mà vắt với nước bắc ấy.(Dùng) vừa dềnh,chớ lắm mà khét (c). Sú bột thì cho rắn; chớ sú ướt mà khó rán. Lăn vừng thì lấy một ít rượu pha với nước lã. Ngửi hơi rượu, (cho) một ít chứ, chớ pha nhiều.

Khi mới rán, thì phải (d) lửa chứ, đừng cả lửa lắm. Đến khi nó đã nặng đũa (e), (thì) một tay lấy một cái bánh mà tra vào nước đường. Bẻ ra xem. (Như) ngoài nó giòn, trong thì dở mủn (f), (thì) vớt ra cho chóng. Lấy giấy mà lăn đi cho hết mỡ, kẻo khét. (Bỏ) vào còn nóng, mới tốt cái bánh. Nếm cái bánh cho vừa đường. Đem lên, lấy giấy bịn (g) cho kín. Đó là bánh pha để lâu. Có muốn cho nó mỏng vỏ, thì pha bốn bột đâm (h), hai bột nếp lọc. Ăn bấy giờ thì ngon, nhưng để chẳng được lâu. ấy là bánh rán bột bộ (i).

Bánh rán bột lọc thì chọn lấy bột chợ nó bán ấy (a). Xem bột nào tốt thì mua lấy. Lại đong bốn bằng miệng bột lọc nếp thì một bằng miệng rưỡi bột lọc tẻ. Đâm lại làm một. Rây cho đều. Dù trộn lại, dù rán, cũng như bánh bột bộ.

Rán mầu xanh thì phơi lá (k) cho ráo mà (đâm) luôn với bột. Nướng lên (l) một ít, xem vừa mầu xanh (thì) sẽ nắm mà rán. Rán thì nhận cái bánh xuống, cho mỡ lên trên. Trộn (m) Cho mau, nó mới tốt. Đến khi nó [phồng (n)] thì hơn lửa, kẻo nó dẹp xuống. Các điều cũng như bánh bột bộ.

chú thích : (a) Bột đâm : ý trỏ bột gạo nếp nói ban đầu. (b) Dềnh : thứ quả hình bầu-dục, khi chín thì vỏ vàng đỏ, đượọc dùng để nhuộm bột. Cũng có tên dành-dành, chi-tử. Cây mộc nhỏ thuộc loài Gardina. (c) Khét : nôm viết (16), chắc đều phải đọc như vậy. (d) Phải : vừa đúng mức. (e) Nặng đũa : ý là khi chọc đũa vào thì phải đè mạnh. (f) Mủn : đọc mẳn hoặc mủn, nghĩa là trạng thái hạt nhỏ rời. (g) Bịn (17) : đáng đọc bện hoặc bịn (bít), ý là gói kín. (h) Xem chú thích (a) trên. (i) Bột bộ : bài số 195 mang đề ” Bánh rán bột bộ ‘ , dứt ở dây. Đoạn nối sau là bài số 196. Cả toàn bài mang số 10, nhưng có bỏ sót một khoảng như sẽ thay sau. (j) : Đoạn nầy được chép riêng thành bài số 196 mang đề ” Bánh rán bột lọc ” Tuy tôi chưa biết chắc ý nghĩa từ bột bộ, nhưng qua hai bài số 195 và 196 thì thầy rằng trong nguyên liệu bánh rán bột bộ và bánh rán bột lọc chỉ khác nhau bằng dùng bột đâm cho bánh bột bộ, và bột chợ cho bánh bột lọc mà thôi. (m) Lá : có lẽ gai hay lá hiên mà ta thấy trong những bài khác, cũng trong trường hợp nầy. (n) Đây theo bài số 196, còn bài số 10 sót một ít chữ.

10. CHÈ NGŨ VỊ – số 18, 75, 76, 240 và 241

Tổng-luận – Trong cảo nầy có ba bài chung một tiểu-đề ” Chè ngũ vị ” số 18, số 75 và số 240. Hai số sau chung một lời. Lại có hai bài khác cũng chung một lời, số 76 và sồ 241, với đề ” Chè tháng sốt ‘ , nghĩa là chè ăn vào tháng nóng. Xét nội-dung thì ấy cũng là chè ngũ vị; mà lời cảo bài 76 và 241 lại gần lời bài 18 hơn các bài 75 và 240. Xét chung năm bài, thì thấy Hán từ vị đọc nôm là mùi; mà mùi có hai nghĩa : một là mùi ngửi hoặc nếm, hai là mầu sắc. Tuy rằng ngũ vị cốt trỏ số năm nguyên liệu của một món ăn, như nói dưa ngũ vị (bài số 244), nhưng ở đây, ngũ vị có lẽ trỏ nguyên liệu có năm thứ mầu sắc khác nhau : trắng, vàng, biếc, xanh, đỏ. Còn số nguyên liệu trong các món chè, thì lại quá số năm. Trong ba bài số 18, 76, 241, thì dùng thạch trắng, quả dềnh vàng, củ huỳnh tinh biếc, lá hiên xanh, quả hồng tàu đỏ. Ngoài đường, số 18 có dùng thêm ba nguyên liệu : hạt sen, củ lạc (đậu phụng) và hạt dưa; các số 76 và 241 chỉ dùng thêm hai nguyên liệu: hạt sen và yến sào Đến khi các bài số 75 và 240, thì lại không thông qua năm mầu, và chỉ kể sáu thực phẩm được dùng : hạt sen, củ lạc, củ mài, huỳnh tinh, hồng tàu và yến sào. Sau đây, tôi sẽ phiên âm riêng rẽ các bài ấy, rồi sẽ chú thích chung.

10a. CHÈ NGŨ VỊ (Số 18)

Nấu thạch hoa (a) lên, để trắng. Với (mùi) vàng (thì) nấu (dềnh). Với mùi biếc thì giáo (b) hoàng tinh, cũng như (làm) bánh trôi nước ấyMùi xanh thì lấy lá hiên (c) non mà tẩm đi. Mùi đỏ thì lay hồng tàu. Chọn lấy (hạt) sen, bóc ra, nhỏ tầy đầu đũa ằy. Cắt hai bên đầu ; tống ruột nó đi. Lạc hoa sinh (d) thì luộc cho chín; cắt hai đầu nó đi; chọn đường cho trắng, mà nấu nước, lọc cho trong. Hạt dưa thì rang cho vừa, xỏa (e) lên cho nó trắng, đừng rang vàng; lấy nước đường mà dầm. Thức vàng, thức biếc, thức trắng, một thức (để) một nơi, cho nó thôi (f) ra ; bao giờ hầu (g) ăn, sẽ vớt sang nước khác, sẽ trộn các thức vào làm một. Như bằng (h) cái sen, cái hồng tàu, với lạc hoa sinh, với hạt dưa, bao giờ hầu ăn, thì sẽ để sen với hồng tàu, lạc hoa sinh với hạt dưa ; chớ tra để lâu; nó giun (i) lại mà lơi (j).

10b. CHÈ NGŨ VỊ (Số 75 và 240)

Luộc hạt sen cho bở. Luộc lạc hoa sinh cho bở. Cắt hai bên đầu nó đi. Củ mài thì cắt ra từng miếng, luộc cho chín. (Lấy) một ít bột hoàng tinh quấy vào nước mà nấu lên cho sôi. Ngửi [không] còn hôi, rồi sẽ tra hạt dưa, (hạt sen), lạc hoa sinh, củ mài vào mà nấu. Bấy giờ sẽ tra đường.

Nếm cho vừa (rồi) sẽ tra yến sào vào. Vớt ra cho chóng kẻo chát yến sào. Xả (k) lên trên bát, sẽ tra hồng tàu.

10c. CHÈ THÁNG SỐT (l) (Sồ 76 và 241)

Nấu thạch hoa (a) để vậy, đừng pha đường. Cắt ra từng khổ, thái cho mỏng. Sen thì tìm sen tươi, còn non, tầy đầu chiếc đũa. Bóc đi cho hết vỏ; bỏ lõi (m) trong nó đi. Nước thì nấu lên cho trong, để cho nguội. Đường thì rửa cho sạch bụi. Đổ đường vào mà đánh với nước lã ấy cho vừa mùi.

Lảy lá hiên non cho xanh; nơi đâu nó xanh thì cắt lấy bằng đốt ngón tay. Đảo (n) cho chín. Thạch hoa (thì) nửa nấu trắng, nửa ngâm (với) dềnh (o), (rồi) nấu cho vàng. Yến sào với thạch hoa, hạt sen, lá hiên, thì đổ nước vào mà ngâm cho lâu, rồi sẽ thay nước đường khác. Bao giờ ăn sẽ tra hồng tàu.

Ấy (là) chè tháng sốt. Dẫu để cả ngày thì cũng chẳng có thiu.

Như mùi biếc thì lấy bột hoàng tinh; (hoặc) lầy nước làm xôi gấm (p) mà làm. Xem cho nó vừa mùi. Tẩm nước lã đi cho hết hôi. Lấy khăn mà vắt bột cho ráo. Lấy chén nước đóng (q) như (khi) trụng (r) bánh phân (s). (Rồi) giáo lên cho chín. Lấy lá dong mà gói, rồi cắt ra cho mỏng.

Như mùi biếc, mùi vàng, thì lấy nước đường mà dầm. Bao giờ ăn sẽ tra nước đường khác.

chú thích : (a) Thạch hoa : chát nhầy lầy từ cây rong câu, ăn được ; cũng gọi tắt là thạch ; thuộc loại Agar. (b) Giáo : bỏ vào nước sôi mà quấy cho chóng đặc. (c) hiên : thứ cỏ loài tỏi, lá bẹt dài, hoa cuống dài, hình phễu, nở thành chùm mầu vàng đỏ. Búp ăn được, gọi là kim châm. (d) Lạc hoa sinh : thường gọi tắt là củ lạc (đậu phụng) ; nghĩa chữ nho là : hoa rụng xuống đất mà sinh củ. (e) Xỏa : trải tung ra. (f) Thôi : mầu hoặc mùi của một vật ngâm, nó thấm dần vào nước. (g) Hầu : gần, sắp. (h) Như bằng : còn như. (i) Giun(18) : co lại cũng nói chun, trun. (j) Lơi (19) : rời rạc, trái với săn. Chữ nôm nầy rất gần với (20) đọc chua. Nhưng ý đây e không hợp. (k) Xả : đổ chóng ra. (l) Tháng sốt : mùa hè ; ý là chè ăn cho mát ruột. (m) Lõi : mầm xanh nằm dọc trong hạt sen, vị đắng. (n) Đảo : nấu khan và chóng với lửa nóng, vừa nấu vừa đảo trên dưới cho khỏi cháy. (o) Xem bài 9, (b). (p) Gấm : thứ lá, đâm lấy nước dùng để nhuộm xôi làm xôi gấm (số 38 và 213), hoặc là xôi biếc (các sồ 43, 210, 211 ). (q) Đóng (21) : tạo hình bằng cách nén chất dẻo vào khuôn. Đây đọc đong thì không hớp ý. (r) Trụng(22) : giúng chóng vào nước sôi. (s) Bánh phân : một thứ bánh làm bằng bột hoàng tinh hoặc bột đậu, có thể trộn với bột súng, giáo lên hoặc tráng ra (các số 5, 6 và 186).

Hoàng Xuân Hãn

(bài đã đăng trên báo Đoàn Kết  số 421, 02.1990)

10 THỰC PHẨM CHỊ EM CÀNG ĂN CÀNG ĐẸP

Mười loại thực phẩm sau đây là những thực phẩm lý tưởng giúp tăng cường vẻ đẹp bên ngoài của phụ nữ thực sự hiệu quả. Các thực phẩm chúng ta ăn ảnh hưởng đến chúng ta bằng nhiều cách. Ví dụ như khi chúng ta ăn những thức ăn có nhiều dầu mỡ có thể ảnh hưởng xấu đến làn da, và ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin E và chất chống oxi hóa giúp chúng ta cải thiện làn da.

Dâu tây

Chỉ cần một cốc dâu tây mỗi ngày sẽ giúp bạn loại bỏ các tế bào da chết và các tạp chất khác. Vitamin C trong dâu tây cũng rất cần thiết cho cơ thể trong việc sửa chữa các mô da bị hư hại.

Quả óc chó

Quả óc chó có khả năng tăng cường sức khỏe cả da và tóc. Giàu vitamin E, protein và axit béo omega-3, quả óc chó là sự lựa chọn hoàn hảo cho mái tóc của bạn. Quả óc chó cũng giúp da giữ lại ánh sáng rực rỡ trẻ trung của mình bằng cách thúc đẩy khả năng giải độc tự nhiên của cơ thể và bảo vệ da khỏi tia cực tím có hại. Ngon và lành mạnh, quả óc chó là một món ăn làm đẹp tuyệt vời trong thực đơn của bạn.

Ớt đỏ

Ớt đỏ là thực phẩm tuyệt vời cho làn da hoàn hảo. Chúng giúp giữ cho làn da của bạn được nuôi dưỡng với các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển và bảo vệ da bạn khỏi các chất có hại và tia UV.

Ớt đỏ cũng rất giàu vitamin E và beta-carotene giúp tăng cường vẻ đẹp của làn da. Trong thực tế, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giữ cho làn da của bạn trông trẻ trung là bổ sung nhiều ớt đỏ vào chế độ ăn uống. Có nhiều cách kết hợp ớt đỏ với các loại thực phẩm khác cho ra đời những món ăn vừa ngon vừa lành mạnh.

Sữa chua

Sữa chua là món ăn hoàn hảo cho mái tóc, móng tay, và thậm chí cả làn da. Enzyme tự nhiên của sữa chua và acid lactic giúp nuôi dưỡng và bảo vệ làn da cũng như móng tay và tóc. Hơn nữa, nó thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn, loại bỏ chất thải và độc tố tự nhiên khác ra ngoài cơ thể.

Trứng

Hàm lượng protein phong phú trong trứng giúp tăng cường dinh dưỡng cho mái tóc của bạn! Tóc của bạn cần protein để phát triển và khỏe mạnh. Ngoài ra, trứng có hàm lượng sắt cao cũng rất quan trọng cho sưc khỏe của tóc.

Sắt thúc đẩy khả năng cung cấp oxy quan trọng của cơ thể để nang lông phát triển; không có nó, nguy cơ rụng tóc có khả năng tăng cao.

Dầu ô liu

Dầu ôliu chứa các chất chống oxy hóa và chống viêm. Nhiều tại liệu cổ xưa cũng như hiện đại đã viết về cách sử dụng dầu ô liu để nâng cao vẻ đẹp của da và tóc. Oliu cũng là một thực phẩm làm đẹp tuyệt vời khi có mặt trong chế độ ăn uống.

Với nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả khả năng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, dầu ô liu là thực phẩm cần phải có trong gian bếp nhà bạn.

Cá hồi

Các axit béo omega-3 trong cá hồi là cần thiết cho cơ thể nói chung, và mái tóc nói riêng. Nếu bạn muốn mái tóc dài phát triển khỏe mạnh, hãy chắc chắn rằng bạn đã có cá hồi trong thực đơn. Các omega-3 trong cá hồi được tìm thấy trong da đầu của bạn cũng như trong các loại dầu tự nhiên của tóc rất cần thiết để giữ độ ẩm. Tóc được dưỡng ẩm ít bị hư tổn và giúp tóc trông đẹp và khỏe mạnh.

Quả việt quất

Quả việt quất được biết đến nhiều với khả năng chống lão hóa. Chúng có thể giữ cho làn da của bạn khỏe mạnh và trẻ trung với đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa. Chúng thậm chí có thể giúp đôi mắt của bạn trông tươi sáng!

Hàu

Ăn các thức ăn giàu kẽm và protein như hàu có thể thúc đẩy tóc mọc dày và khỏe mạnh. Điều thú vị là, hàu thậm chí có thể thúc đẩy tăng trưởng lông mi mắt!

Cà chua

Cà chua có khả năng đặc biệt trong việc thúc đẩy các tế bào trở nên khỏe mạnh hơn để chống lại tác hại từ tia UV. Chúng rất giàu vitamin A mà da cần để ngăn ngừa khô da. Làn da được dưỡng ẩm đặc biệt hấp dẫn và trẻ trung.

Sức mạnh chống oxy hóa của cà chua cũng giúp giữ cho làn da trong trạng thái tốt bằng cách bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do. Bạn có thể làm tăng sức mạnh của cà chua bằng cách nấu chúng lên; cà chua nấu chín có sức mạnh dinh dưỡng thậm chí còn hơn cà chua tươi.

(Theo viet-times)

Nửa trái chuối mỗi ngày giảm nguy cơ tim mạch

Ăn một quả táo và nửa trái chuối mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm tới 40% nguy cơ bệnh tim mạch.

Kết quả xuất phát từ một khảo sát trên gần nửa triệu người Trung Quốc do ĐH Oxford (Anh) thực hiện. Trong 7 năm nghiên cứu, những người tham gia tại 10 khu vực, cả đô thị và nông thôn Trung Quốc được theo dõi sức khỏe tim mạch và lượng tiêu thụ trái cây theo 5 cấp độ: Không ăn bao giờ, ăn hàng tháng, 1-3 ngày trong tuần, 4-6 ngày một tuần và ăn mỗi ngày.

Ban đầu, nhóm người tham gia không mắc bệnh tim mạch cũng như sử dụng thuốc hạ huyết áp. Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học xác định 19.300 người phát triển các bệnh về tim, trên 19.600 người bị đột quỵ. Về mức tiêu thụ hoa quả, có khoảng 18% duy trì thói quen ăn trái cây hàng ngày với lượng trung bình là 150 g, và 6,3% không hề động tới thực phẩm này.

Phân tích dữ liệu thu thập được nghiên cứu rút ra nhận định, thói quen ăn trái cây hàng ngày giúp mọi người giảm nguy cơ bệnh tim mạch tới 25-40% so với những ai hoàn toàn nói không với hoa quả. Cụ thể, đối với bệnh tim do thiếu máu cục bộ (IDH), đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết, các nguy cơ này giảm xuống lần lượt là 15%, 25% và 40%.

Các nhà khoa học cho biết ăn trái cây càng thường xuyên, nguy cơ càng có chiều hướng giảm xuống và khuyến nghị mức 1,5 khẩu phần một ngày, tức khoảng 150 g để hiệu quả đạt được tốt nhất. Mức này tương đương một quả táo và nửa trái chuối mỗi ngày.

Trong những nghiên cứu liên quan khác sử dụng dữ liệu cùng nguồn, các nhà khoa học còn đưa ra tác dụng khác của trái cây trong đó có lợi ích giảm huyết áp. 150 g hoa quả mỗi ngày giúp huyết áp tâm thu/tâm trương giảm tương ứng 3.4/4.1 mmHg so với những người không ăn trái cây. Ngoài ra, tiêu thụ trái cây hàng ngày giảm nguy cơ tử vong nói chung xuống 32%. Tương tự, thói quen này hạ thấp tỷ lệ tử vong do bệnh tim và đột quỵ xuống lần lượt 27% và 40%.

Nghiên cứu vừa được công bố không phải là công trình đầu tiên đưa ra khuyến cáo về tác dụng của trái cây và rau củ trong bảo vệ sức khỏe tim mạch cho con người. Trước đây, các công trình khác cũng khẳng định trái cây là thực phẩm tuyệt vời trong quá trình chống oxy hóa và các hóa chất độc hại trong cơ thể. Tuy vậy, thói quen bổ sung hợp lý trái cây vào khẩu phần hàng ngày vẫn chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ vì nhiều lý do.

“Các bệnh nhân tim và huyết áp cao nên được khuyến khích ăn nhiều trái cây tươi”, Giáo sư Zhengming Chen của nghiên cứu đưa ra lời khuyên.

Ông cho biết, nhiều nước phương Tây đã giảm đáng kể số ca tử vong do bệnh tim mạch trong những thập kỷ qua vì những nguyên nhân chưa thể giải thích đầy đủ. Tăng cường trái cây tươi vào thực đơn hàng ngày là một trong những yếu tố góp phần tích cực vào xu hướng này.

Còn theo ý kiến Tracy Parker, chuyên gia sức khỏe tim mạch Quỹ Tim mạch Anh, nghiên cứu đã góp thêm chứng cứ khẳng định càng ăn nhiều trái cây, sức khỏe càng được cải thiện. “Thậm chí chỉ một phần trái cây tươi mỗi ngày có thể giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch. Nó khiến bạn lưu tâm hơn tới việc ăn thêm nhiều hoa quả để bảo vệ sức khỏe”, bà nhận xét.

Khánh Hà , Vnexpress.net (Theo Daily Express)

10 món ngon lợi sữa cho sản phụ

Một điều mà các sản phụ sau sinh cần quan tâm đó là tiếp cận nguồn sữa từ thực phẩm. Sau đây là danh sách những loại thức ăn có thể đem lại cho mẹ nguồn sữa dạt dào nhất.

1. Móng giò

Đây có lẽ là món ăn lợi sữa phổ biến nhất cho phụ nữ sau sinh bởi món này vừa dễ ăn lại cung cấp nhiều nước cho quá trình tạo sữa. Với một chếc chân giò nhỏ, các mẹ có thể nấu thành nhiều món khác nhau như đu đủ hầm chân giò, canh mướp chân giò, chân giò nấu sung, cháo chân giò…Tuy nhiên, nếu ăn nhiều món này, các mẹ sẽ rất nhanh bị ngấy, khi ấy các mẹ có thể đổi sang các món khác.

2. Canh rau đay

Ăn 150-200g rau đay vào những bữa chính hàng ngày trong tuần đầu tiên và 200-250g/tuần 2 bữa vào những tuần tiếp đó sẽ giúp tăng lượng sữa và lượng chất béo trong sữa. Không những thế, theo các nhà nghiên cứu, trong rau đay còn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như canxi, photpho, sắt, kali và nhiều loại vitamin khác nhau, rất tốt cho sản phụ sau sinh.

3. Rau khoai lang

Rau khoai lang là loại rau rất dễ trồng, dễ ăn. Các mẹ có thể xào hoặc luộc ngọn, lá rau chấm muối vừng. Ăn loại rau này hàng ngày không chỉ giúp các mẹ lợi sữa mà còn giúp nhuận tràng. Do đó, đây là món ăn được rất nhiều mẹ vừa sinh xong lựa chọn.

4. Quả sung

Theo các nhà khoa học, dưỡng chất có trong quả sung là những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người mẹ giúp tạo sữa hiệu quả. Còn theo Đông y, ngoài tác dụng lợi sữa, quả sung còn có tính mát, có tác dụng thông huyết, lợi tiểu, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng. Với loại quả này, các mẹ có thể ăn trực tiếp hoặc phơi khô lá non và quả sắc uống hàng ngày.

5. Hạt bí

Với loại hạt này, các mẹ nên bỏ vỏ, lấy nhân giã nát hòa với nước uống. Mỗi ngày uống 2 lần vào các buổi sáng và tối, mỗi lần 15-20g hạt. Uống liên tiếp trong 3-5 ngày, các mẹ sẽ thấy hiệu quả lợi sữa của hạt bí rất tuyệt vời.

6. Yến mạch

Yến mạch là loại thực phẩm bổ dưỡng, rất giàu protein, vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng giúp nuôi dưỡng dây thần kinh, hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo. Do đó, có thể nói yến mạch là loại thực phẩm giúp gọi sữa mẹ về rất tốt.

7. Rau má

Cũng giống như quả sung, rau má có tác dụng lợi sữa, kháng khuẩn, lưu thông khí huyết. Với loại thực phẩm này, các mẹ có thể dùng rau nấu canh với  thịt bò, thịt gà, thịt nạc thăn…Ngoài ra, các mẹ có thể rửa sạch rau má, phơi khô và hãm để uống thay nước hàng ngày.

8. Rong biển

Trong rong biển có chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, tốt cho hệ tuần hoàn, bài tiết, giúp thải độc, lưu thông máu, tăng tiết sữa, do đó, rong biển là loại thực phẩm được khuyến khích dùng nhiều trong chế độ ăn uống của phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Với loại thực phẩm này, các mẹ có thể làm món salad rong biển hoặc đậu phụ nhồi thịt rong biển.

9. Cây đinh lăng lá nhỏ

Theo kinh nghiệm dân gian, lá đinh lăng tươi nấu với cá đồng hoặc thịt nạc sẽ giúp tăng lượng sữa và các dưỡng chất có trong sữa. Còn đối với rễ cây đinh lăng lâu năm, các mẹ có thể nấu với gừng tươi theo tỷ lệ 40 g rễ cây : 6-8 g gừng rồi dùng nước để uống, cách này giúp trị tắc tia sữa rất hiệu quả.

10. Cây thì là

Theo một số nghiên cứu mới gần đây, các hợp chất có trong cây thì là có tác dụng kích thích cơ thể tiết hormone estrogen và prolactin – hai chất quan trọng, cần thiết cho quá trình sản xuất sữa mẹ.

Trên đây là 10 loại thực phẩm lợi sữa phổ biến nhất mà tôi học được từ mẹ chồng và một số chị em khác. Tuy nhiên, theo tôi, không chỉ chế độ ăn uống, các bà mẹ cũng cần lưu ý có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước lọc và các loại nước hoa quả, chú ý cho con bú đều đặn, đúng cách mới có thể kích thích sữa hiệu quả.

(Theo Viet-times)

NHỮNG LOẠI NỘI TẠNG ĐỘNG VẬT BỔ DƯỠNG NÊN ĂN

Các món ăn từ nội tạng thường rất ngon miệng, tuy vậy cần phải xử lý sạch sẽ trước khi chế biến. Sau đây là những loại nội tạng không chỉ ngon mà còn mang tới những tác dụng rất quý cho cơ thể mà bạn nên chọn ăn.

Gan

Gan là cơ quan giàu chất dinh dưỡng nhất. Gan cũng là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhất trên hành tinh với những hợp chất rất khó tìm ở những thực phẩm khác.

Gan là bộ phận “giàu có” dưỡng chất nhất trong các loại nội tạng. Đây được coi là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất hành tinh vì có những hợp chất quý hiếm, khó tìm thấy ở các thức ăn khác.

Trong gan chứa nhiều retinol – một kiểu tiền viamin A. Ước tính trong 85g gan bò có 26,973 IU vitamin A, còn 85g gan gà có khoảng 15.306 IU. Dầu gan cá cũng dồi dào retinol. Ngoài ra gan còn nhiều folate, choline, B12 là những dưỡng chất quan trọng cho cơ thể.

Để có được tác dụng tốt, có thể ăn gan 2 lần mỗi tuần.

Tim

Tim là một trong những loại nội tạng ngon nhất với kết cấu và hương vị của nó. Trong tim có ít chất béo, nó có chứa nhiều selen, sắt, kẽm, vitamin B2, B12, B6, acid folic. Đặc biệt tim chứa nhiều CoQ10 là chất thiết yếu cho ty thể hoạt động sản xuất năng lượng cho cơ thể.

Nhiều người mắc những bệnh mãn tính vì thiếu CoQ10, tổn thương ty thể. Những người này nên ăn tim để bổ sung trực tiếp chất quý báu này. Những loại tim động vật chứa nhiều CoQ10 nhất là tim bò rừng, nai, bò, trâu.

Lưỡi

Tuy thường nằm trong dĩa lòng, nhưng lưỡi là một bó cơ chứ không phải nội tạng.

Lưới có nhiều calo từ chất béo. Hầu như các loại lưỡi động vật đều có khoảng 70% acid béo.

Bảo Trợ (theo naturalnews)

NHỮNG MÓN BÁNH ĐẶC SẢN NGON NHƯNG ÍT AI BIẾT

Nền ẩm thực của Việt Nam rất phong phú, do đó, bên cạnh những món ăn nổi tiếng, phổ biến, thì còn có những món ăn vì nhiều lý do như: địa lý, hoàn cảnh sống, cách làm cầu kỳ, nguyên liệu khó tìm… mà đã trở nên rất ít phổ biến, rồi dần dần bị thất truyền. 

Sau đây là những món bánh mà khi nhắc đến tên, hiếm ai biết được nó là gì, có hương vị ra sao.

Bánh ngải​ nhân vừng

Bánh ngải là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng, nhưng ngày nay ít có ai biết. Đây là loại bánh rất đẹp, khuôn dạng như bánh dày nhưng có màu xanh ngọc. Bánh làm từ lá ngải cứu nấu với nước tro, rồi trộn chung với cơm nếp sau đó giã nhuyễn. Bánh được gói bằng lá “mác rạng” để không bị khô. Bánh có nhân từ đường phên và vừng.

Bánh bảy lửa

Bánh Bảy lửa, ảnh Vũ Phương Thảo.

Tương truyền bánh do 1 người vợ ở Quảng Nam sáng tạo ra như một loại lương khô để chồng đem theo trên đường ra Huế ứng thí.  Nghe tên bảy lửa đủ biết mức độ công phu của món bánh này. Bánh được làm từ bột gạo, đường, gừng, trải qua bảy lần lửa, nhiều công đoạn rang, giã, sấy kĩ… Thành phẩm là món bánh có thể trữ hàng nhiều tháng. Bánh giòn tan và ngon miệng, từng là món ăn tết phổ biến ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy vậy ngày nay còn ít nhà làm bánh này, một phần vì công phu, tốn sức.

Bánh chông Giao Tiến

Bánh chông là một món ăn ngày tết của cư dân ở xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, Nam Định. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì tộn đường vào rồi giã cho nhuyễn. Sau đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô, rang giòn lên rồi mới ăn. Do miếng bánh hình thoi nhọn hai đầu giống cây chông nên gọi là bánh chông.

Bánh nghệ

Từ “Nghệ” ở trong món bánh Nghệ là tỉnh Nghệ An, tuy vậy bánh đã thất truyền ở quê hương của nó. Đã có một thời, bánh nghệ phổ biến ở Sài Gòn- Chợ Lớn như một món ăn chơi, nhưng đến nay thì chắc ít dân Sài Gòn nào biết món bánh này. Bánh làm từ bột gạo nguyên chất, quấy lên rồi nén thành sợi như bánh canh, công đoạn này rất cực vì phải dùng cái nia hứng hàng chục cái bánh một đợt. Bánh ăn nguội với mắm pha, tép mỡ, xoài xanh, chả lụa, chả cá… Ngày nay, may mắn là tại đường Trương Gia Mô, thành phố Phan Thiết vẫn có một nhà biết làm món bánh này, đó là gia đình chị Ngọc Minh, với nghề làm bánh nghệ gia truyền đã được 60 năm.

Bánh cơm nếp mật

Một món ăn ngon của người dân quê Nam Định, làm từ gạo nếp nấu chín trộn với mật mía và gừng. Cơm này có thể để nguội rồi cán thành miếng ăn như ăn bánh.

Bánh khổ

Bánh khổ của người Mường rất dễ ăn và có cách làm khá đơn giản. Bánh làm từ xôi nếp giã nhuyễn, vắt ra từng miếng rồi đặt lên lá chuối, hong gió cho khô. Khi ăn, người ta phải chế biến lần nữa: nướng hoặc rán bánh lên cho thơm, dẻo. Bánh rán xong sẽ phồng lên rất ngon mắt. Bánh từng là món lễ vật thông dụng cho ngày cưới hỏi.

Bạnh Bư tổng hợp.

Bộ ảnh Tết Trung thu xưa (phần 1)

Trong phần 1 của loạt ảnh, mời các bạn đến với những hình ảnh ghi lại cảnh vui trung thu xưa lắc xưa lơ…

 

Những ảnh này nằm trong số những bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp (École Francaise d’ Extrême – Orient)

Đám con trẻ hào hức với Tết trung thu xưa

Đèn lồng, đèn cá chép, đèn kéo quân luôn làm những đứa trẻ thèm thuồng

Đèn hình con cua là ước ao của bọn trẻ cả tháng trời trước Tết trung thu

Đủ các món đồ chơi được bày bán ở những khu chợ xưa

Múa lân trung thu xưa

Một cửa hàng thực phẩm thời xưa, nay chỉ còn là dĩ vãng

Mâm cỗ trung thu xưa có đầy đủ các loại trái cây

 

Xem tiếp:
Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 2)

 

UỐNG NƯỚC CHANH MỖI SÁNG: ĐẸP DA, GIẢM CÂN, PHÒNG BỆNH TẬT

– Chanh là loại cây được trồng rất phổ biến ở nước ta. Ngoài tác dụng giải khát, quả chanh còn là các vị thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Đặc biệt uống nước chanh ấm vào buổi sáng rất có lợi cho sức khỏe.

Dưới đây là 8 lợi ích tuyệt vời của việc uống nước chanh vào buổi sáng mà bạn có thể chưa biết:

1. Tăng cưỡng hệ thống miễn dịch

Chanh giàu vitanim C và nó rất tốt để chống lại các căn bệnh liên quan đến thời tiết lạnh. Vitanim C có trong chanh đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm và được sử dụng như một sự bổ trợ trong điều trị bệnh hen suyễn và các triệu chứng hô hấp khác.

Nước chanh còn có tác dụng tăng cường hấp thụ sắt, chất đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch. Nước chanh cũng chứa nhiều kali, chất có tác dụng kích thích trí não và tăng cường các chức năng của não. Kali còn có tác dụng giúp kiểm soát huyết áp.

2. Đẹp da

Vitamin C và các chất chống oxy hóa khác trong chanh chống lại các gốc tự do. Các gốc tự do là nguyên nhân chính dẫn đến lão hóa khi con người tiếp xúc với tia cực tím và các chất độc môi trường. Lượng chất chống oxy hóa trong chanh có thể giúp bù đắp các tác hại này, giảm thiểu nếp nhăn. Hơn nữa, nước ép chanh có thể sử dụng tại chỗ để giảm sẹo và các đốm đồi mồi. Và như đã nói ở trên, nước chanh kích thích gan, giúp thanh lọc các độc tố trong máu nên giúp cho làn da sạch và mịn hơn.

3. Giảm các bệnh về hô hấp

Một cốc nước chanh ấm vào mỗi sáng sớm sẽ giúp loại bỏ các bệnh nhiễm trùng ở vùng ngực và dừng những cơn ho khan, ho gió lại. Nó cũng được cho là liều thuốc quý giá và hữu ích cho những người đang bị bệnh hen suyễn và thường xuyên bị dị ứng.

4. Giúp giảm cân

Nếu béo phì hay thừa cân, bạn không nhất thiết áp dụng chế độ ăn quá khắt khe, dễ dẫn tới tình trạng bị thiếu chất, hạ huyết áp. Hãy kết hợp uống một cốc nước chanh mỗi ngày cùng với chế độ ăn uống tập luyện khoa học. Chanh có nhiều chất xơ pectin giúp “chiến đấu” với những cơn thèm ăn. Thành phần có axit nhưng bản chất của chanh là tính kiềm, mà những người duy trì chế độ ăn uống có tính kiềm thường giảm cân nhanh hơn.

5. Tốt cho tiêu hóa

Nước chanh không chỉ giúp giải nhiệt và thanh lọc cơ thể nhờ đẩy độc tố ra ngoài mà thành phần có trong nước chanh còn giống như nước bọt và axit có trong hệ tiêu hoá giúp gan sản xuất ra axit cần thiết cho hệ tiêu hoá của bạn. Nước chanh còn giúp giải phóng độc tố và làm giảm các triệu chứng khó tiêu, ợ chua.

6. Cải thiện tâm trạng ngày mới

Sau một đêm ngủ dài, cơ thể có thể rơi vào tình trạng bị mất nước. Mất nước sẽ khiến các bộ phận không thể thực hiện đúng chức năng, dẫn đến tích tụ các chất độc hại, căng thẳng, táo bón… Qua nghiên cứu, nước rất có tác dụng đối với tuyến thượng thận vốn có chức năng điều chỉnh lượng nước và nồng độ khoáng chất, cũng như điều chỉnh phản ứng căng thẳng. Vì vậy, chỉ cần uống một cốc nước chanh ấm vào mỗi buổi sáng, sau một thời gian bạn sẽ thấy tâm trạng vui vẻ hơn khi bắt đầu ngày mới.

7. Lợi tiểu

Uống nước chanh, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn vì nó được coi là một chất lợi tiểu trong cơ thể, giúp làm sạch hệ tiêu hóa. Theo đó tốc độ đào thải độc tố cũng nhanh chóng hơn, giúp giữ cho đường tiết niệu của bạn khỏe mạnh.

8. Hạn chế cà phê

Sau khi uống một ly nước chanh nóng, bạn sẽ thực sự thấy không thèm uống cà phê vào buổi sáng nữa. Tuy đây là một điều khá bất ngờ và cho đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được điều này.

Bạn cần lưu ý rằng, phải uống nước chanh ấm bằng với thân nhiệt, bởi vì nếu nước lạnh sẽ gây sốc cho cơ thể còn nước nóng quá sẽ tiêu diệt các enzym có lợi trong chanh. Bên cạnh đó, vì các axit có trong nước chanh, tốt nhất là uống nước chanh thông qua một ống hút để bảo vệ răng của bạn. Và điều quan trọng nữa là, bạn cần phải ăn sáng rồi mới uống nước chanh không axit có trong chanh sẽ phá hủy dạ dày của bạn.

Cuối cùng, nên dùng chanh tươi tốt hơn nước đóng chai.

T.T ( Megafun.vn Tổng hợp)

8 sai lầm nhiều người mắc khi ăn sáng

Bữa sáng cung cấp nguồn năng lượng chính cho hoạt động của đầu ngày, nên nhiều chuyên gia đã khuyên bạn không nên nhịn ăn sáng, thậm chí coi bữa ăn sáng là quan trọng nhất. Nhưng ăn sáng làm sao cho không hại sức khỏe cũng là điều mà bạn cần quan tâm. 

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, tuy nhiên không phải ai cũng biết ăn sáng sao cho đúng. Nhịn ăn sáng không tốt cho sức khỏe nhưng ăn sáng không đúng cách cũng không có lợi. Nó không những khiến bạn mệt mỏi, thiếu năng lượng mà thậm chí còn ảnh hưởng đến trọng lượng của bạn. Dưới đây là những sai lầm khi ăn bữa sáng mà bạn nên biết để tránh.
1. Ăn sáng ngay sau khi ngủ dậy

Thực tế, ăn sáng ngay sau khi ngủ dậy lại không tốt cho sức khỏe, thậm chí còn có hại cho dạ dày.

Sau một giấc ngủ dài, hầu hết các cơ quan của cơ thể vẫn lưu lại một phần của bữa ăn tối. Cơ quan tiêu hóa vẫn cần thời gian để “xử lý” và hấp thụ nốt phần ăn đó. Nếu bạn ăn bữa sáng quá sớm, thức ăn sẽ chất chồng với nhau, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.


2. Ăn đồ ăn lạnh
Vì vậy, khi ngủ dậy, bạn nên vận động, nghỉ ngơi và ăn sáng sau đó khoảng 20-30 phút.

Cho dù đó là mùa hè thì bạn cũng không nên ăn đồ lạnh trong bữa sáng. Buổi sáng, cơ thể bạn bao gồm cơ bắp, thần kinh, mạch máu đang ở trạng thái co lại. Nếu bạn ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông… ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, lâu ngày dẫn đến táo bón, giảm sức đề kháng của cơ thể.

3. Uống nước sinh tố hoa quả thay vì ăn hoa quả tươi

Bạn thích xay hoa quả để làm sinh tố cho bữa sáng hơn là ăn hoa quả tươi. Điều này có thể thỏa mãn khẩu vị của bạn nhưng bạn cần nhớ rằng, hoa quả sau khi xay qua máy xay sinh tố sẽ bị giảm một lượng đáng kể các chất vitamin, khoáng chất và chất xơ. Thay vào đó, bạn nên uống nước lọc và ăn hoa quả tươi để đảm bảo dinh dưỡng và tránh bổ sung nhiều calo, đường vào cơ thể như với sinh tố hoa quả.

4. Ăn một bữa ăn sáng như cho trẻ em

Vì lo sợ tăng cân nên bạn chọn cho mình chế độ ăn uống với lượng thực phẩm ít ỏi như dành cho trẻ em. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn tốt cho bạn. Bữa sáng là bữa ăn quan trọng vì nó cung cấp năng lượng cho cơ thể để hoạt động trong một ngày mới. Nếu ăn một bữa ăn quá ít calo, lượng calo cung cấp và chuyển hóa thành năng lượng không đủ sẽ khiến cho bạn nhanh chóng bị uể oải, mệt mỏi và đói bụng trước giờ ăn trưa.

5. Ăn đồ ăn thừa từ hôm trước

Không ít người có thói quen ăn đồ ăn thừa còn lại từ hôm trước vào bữa sáng hôm sau. Điều này có thể không gây nhiều ảnh hưởng nếu thực phẩm đó được bảo quản tốt.

Trong một vài trường hợp, thức ăn không giữ lại giá trị dinh dưỡng toàn vẹn sau thời gian dài lưu trữ, thậm chí có những loại thức ăn còn có thể sản sinh ra nitric có hại cho sức khỏe con người. Nếu bạn ăn phải những thức ăn này thì sẽ có thể bị đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa, năng lượng cung cấp cho cơ thể cũng thấp nên bạn sẽ không cảm thấy khỏe khoắn trong một ngày mới.


6. Uống nhiều cà phê hoặc trà vào bữa sáng

Một tách cà phê hoặc trà có thể giúp thúc đẩy tâm trạng và tăng sự trao đổi chất của bạn, nhưng bạn không nên uống quá nhiều.

Caffeine có trong cà phê, trà sẽ kích thích sản xuất hormone gây stress trong cơ thể, tạo cảm giác ngon miệng và thèm ăn khiến bạn ăn nhiều, tăng cân. Đồng thời, caffeine còn có tác dụng kích thích làm tăng tiết axit dịch vị, ảnh hưởng đến dạ dày.

7. Ăn buffet cho bữa sáng

Một bữa ăn buffet sẽ khiến bạn khó xác định được lượng calo mình tiêu thụ cũng như các loại thực phẩm bạn ăn. Do đó, bạn dễ gặp phải sai lầm trong lựa chọn thực phẩm (chọn nhiều đồ ăn chứa đường, dầu mỡ…), khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải trong buổi sáng, giảm sự tập trung trong công việc. Thậm chí, bạn sẽ có nguy cơ tích thêm nhiều mỡ vào cơ thể nếu thường xuyên ăn sáng theo cách này.

8. Vừa đi vừa ăn

Để tiết kiệm thời gian, không ít người có thói quen vừa đi vừa ăn hoặc ăn trong lúc chờ xe bus… Tuy nhiên, điều này lại có thể khiến cho dạ dày của bạn phải làm việc vất vả hơn. Đây cũng chính là lí do khiến nhiều người bị chứng đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa, thường xuyên đau bụng.

Theo PLXH

7 MÓN ĂN GIÚP VÒNG MỘT CỦA CHỊ EM CĂNG ĐẦY

Chế độ dinh dưỡng góp phần rất nhiều vào việc cải tạo nhan sắc của mỗi chúng ta. Ngoài công dụng làm đẹp da, mượt tóc…, thì một số thức ăn còn có tác  dụng bổ sung những chất dinh dưỡng giúp phụ nữ có vòng ngực đầy đặn.

  • Mật ong, trứng gà. 

Lấy một quả trứng gà, trộn với 1 thìa cà phê sữa đặc, thêm 1 thìa cà phê mật ong (nếu không ăn được ngọt bạn có thể gia giảm) cho vào nồi cơm hấp ăn hằng ngày. Trứng gà và sữa sẽ cung cấp protein, chất béo cho các mô mỡ hình thành ở ngực. Nên ăn vào buổi sáng hoặc trưa để tránh tích mỡ ở vùng bụng, vì món này rất nhiều dinh dưỡng.

  • Hỗn hợp bơ, quả óc chó. 

Quả bơ giàu axit béo không bão hòa, tăng độ đàn hồi các mô ngực, có chứa vitamin A có thể thúc đẩy quá trình tiết hormon sinh dục nữ và vitamin C có thể ngăn chặn sự biến dạng của ngực, vitamin E giúp tăng kích cỡ ngực. Bạn có thể xay bơ với quả óc chó hoặc hạnh nhân, thêm mật ong để uống. Chỉ trong vòng 1 tháng, bạn sẽ thấy tác dụng.

  • Sinh tố sữa, đu đủ xanh.

Ăn đu đủ giúp “tăng size” đôi gò bồng đảo là bí quyết được lưu truyền lâu đời trong dân gian. Nhưng hẳn bạn sẽ nghi ngờ tác dụng tuyệt vời của đu đủ nếu chỉ ăn đu đủ chín. Lý do là chất enzyme trong trái đu đủ xanh mới chính là tác nhân giúp “đồi núi” nở nang.

  • Nước ép nho, cà chua. 

Nho là loại quả chứa rất nhiều các loại vitamin, cũng có tác dụng ngăn ngực chảy xệ, nhão do thời gian. Cách chế biến nho tốt nhất cho ngực là pha nước ép cùng cà chua. Nho bóc vỏ bỏ hạt “ cà chua bỏ vỏ ép thành nước. Uống đều đặn mỗi ngày có thể cải thiện nội tiết tố, giúp nở ngực.

  • Canh đu đủ xanh hầm sườn/ giò heo giúp ngực nở: 

Đu đủ xanh gọt vỏ, nạo sạch hột, cắt khúc. Sườn heo cũng chặt khúc, dùng nước sôi chần sơ qua để khử mùi tanh. Cho đu đủ và sườn heo vào nồi hầm chung cho đến khi nhừ.

  • Chân giò hầm hạt sen. 

Bạn có thể hầm chân giò với cháo, hạt sen, đậu đỏ, đậu ván, đậu xanh…ăn thường xuyên để tăng kích cỡ “núi đôi”. Chân giò hầm sẽ cung cấp vitamin, chất béo, chất đạm đầy đủ để “nâng cấp” một bộ ngực như ý muốn. Món ăn này rất có lợi cho sự phát triển của tuyến sữa nên thúc đẩy vòng 1 phát triển tự nhiên. Đây là bí quyết tăng kích thước vòng 1 và có hiệu quả chăm sóc ngực nhỏ rất tốt được áp dụng từ xưa.

  • Gà hầm đỗ tương. 

Trong đậu tương rất giàu estrogen nên giúp kích thích ngực phát triển tự nhiên. Ngoài ra, thịt gà chứa nhiều protien có lợi cho sự phát triển của mô ngực đây là nguồn thực phẩm giúp chăm sóc ngực nhỏ tự nhiên và đơn giản nhất.

Theo Kiến thức

7 thực phẩm dễ gây ngộ độc ở trẻ em

Hệ miễn dịch của trẻ em phát triển chưa hoàn thiện nên thường là “nạn nhân” của ngộ độc thực phẩm. Những thực phẩm  chế biến và cho trẻ ăn không đúng cách có khả năng gây độc rất cao.

 

1. Da và trứng cóc

Thịt cóc chứa nhiều đạm, dùng để làm ruốc và nấu cháo cho bé. Nhưng ngược lại da và trứng của cóc chứa chất cực kỳ độc. Trong quá trình chế biến, nếu để chất độc ở da và trứng lẫn vào với thịt cóc trẻ bị khó chịu, đau bụng, nôn mửa, dẫn đến hôn mê, thậm chí có thể tử vong.

2. Sữa tươi

Sữa tươi chứa nhiều protein, canxi và đường lactose giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển về chiều cao. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn có lợi. Sữa tươi chứa hàm lượng chất béo cao, cộng với việc chế biến sữa không phù hợp với các bé dưới 1 tuổi nên có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của các bé.

Trẻ sơ sinh cơ quan tiêu hóa còn non nớt nên khi uống sữa tươi làm tăng nguy cơ tổn thương các bộ phận. Sữa tuơi chứa một số chất khó tiêu như: Hàm lượng canxi, photpho trong sữa tươi quá cao khiến lượng axit trong dạ dày đóng thành cục gây ra cảm giác chán ăn, trướng bụng và khó tiêu ở trẻ.

Thành phần đường sữa chủ yếu trong sữa tươi đẩy nhanh sự phát triển của trực khuẩn trong ruột già, dẫn đến đau dạ dày ở trẻ sơ sinh. Chất béo trong sữa là mỡ động vật, gây bào mòn đường ruột dẫn đến thiếu máu mãn tính, cấp tính ở bé.

Do đó, lưu ý không nên cho trẻ dưới 2 tuổi uống sữa tươi là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.

3. Củ dền

Củ dền là loại rau bổ dưỡng chứa  hàm lượng nitrat cao. Trẻ ăn củ dền quá nhiều và dài ngày gây ramethemoglobin máu. Hiện tượng này làm cơ thẻ trẻ tím tái, ngạt thở, nghiêm trọng hơn dẫn đến tử vong.

Để đảm bảo sức khỏe và phòng tránh ngộ độc thực phẩm các bậc phụ huynh nên lưu ý:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Tuyệt đối không cho ăn và uống nước củ dền.
  • Với trẻ lớn: Dùng liều lượng vừa đủ, trung bình từ 1 – 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 50 g củ dền.

4. Mật ong

Theo kinh nghiệm dân gian mật ong có tác dụng trẻ nhỏ sạch nhớt, đàm, thông cổ. Nhưng đối với trẻ em dưới 1 tuổi thì không nên cho dùng mật ong vì:

  • Trong mật ong có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum có thể gây ngộ độc hay dị ứng ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Vi khuẩn này không được loại bỏ ngay cả khi mật ong đã được nấu kỹ hoặc tiệt trùng.
  • Vi khuẩn Clostridium xâm nhập vào ruột và phát triển ở đó gây ngộ độc đi kèm là một số biểu hiện như : cơ thể suy nhược, mệt mỏi, bú kém, táo bón, lười ăn, mất vị giác, khó thở và quấy khóc.

5. Trứng

Trứng là loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella. Vi khuẩn này có thể ngấm vào tận bên trong trứng vì vậy nấu chín trứng là điều rất cần thiết. Không nên cho trẻ ẳn trứng sống, trứng chưa nấu kỹ. Sử dụng trứng sống để làm kem thì kem cũng rất có thể bị dính Salmonella.

6. Khoai tây

Thành phần độc tố solanine chứa nhiều lớp ngoài của củ khoai tây. Những củ còn non có màu xanh lá cây, có nhiều đốm đen hoặc đã mọc mầm đều chứa chất có độc tính rất cao. Trẻ ăn phải dễ gây ngộ độc thực phẩm.

7. Đậu nành

Đậu nành không được đun nấu chín kỹ thì vẫn còn các thành phần độc hại tồn tại trong đó. Đặc biệt là sữa đậu nành càng cần đun kỹ nếu không dễ bị ngộ độc.

Đun sôi sữa đậu nành đến 80 độ thì vẫn có nguy cơ gây ngộ độc vì saponin trong sữa và các thành phần độc hại khác chưa hoàn toàn bị phá hủy. Trong vòng 30 phút đến 1 giờ có những triệu chứng của đau dạ dày và viêm đường ruột.

Để tránh trường hợp ngộ độc xảy ra, tốt nhất nên đun sôi sữa đậu nành tới 100 độ C.

 

Theo daitrang.vn

8 LÝ DO VÌ SAO KHÔNG NÊN VỨT BỎ HẠT MÍT

Đây là một loại hạt rất phổ biến và thường bị bỏ đi. Đừng lãng phí mà hãy tận dụng chúng bởi hạt mít có những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe và sắc đẹp mà bạn không biết.

1. Chống nếp nhăn

Nếu bạn muốn giảm bớt những nếp nhăn ở trên khuôn mặt, hãy lấy hạt mít và ngâm chúng trong sữa lạnh một lúc. Sau đó xay nát hạt mít và đắp lên chỗ có những nếp nhăn. Hãy thực hiện thường xuyên nếu như muốn làm giảm bớt nếp nhăn trên khuôn mặt. Một trong những công dụng chủ yếu của hạt mít đó là khiến bạn trông trẻ hơn.

2. Làm cho làn da mềm và sáng hơn

Ăn hạt mít hàng ngày có nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn. Hạt mít chứa hàm lượng chất xơ cao giúp ngăn ngừa chứng táo bón. Chúng là một chất giải độc vô cùng tốt giúp thải các độc tố trong cơ thể. Chữa trị chứng táo bón cũng là cách giúp bạn có một làn da tươi tắn hơn.

3. Làm cho làn da mịn màng

Lợi ích khác của hạt mít là làm cho làn da không bị rạn nứt mà mịn màng hơn. Hãy ngâm hạt mít khô với sữa và mật ong. Sau đó, xay chúng thành một hỗn hợp nhuyễn, rồi thoa đều lên mặt. Bạn để lớp mặt nạ đó khô hẳn trong 15 phút rồi rửa sạch lại.

4. Chữa các bệnh về da và giải tỏa căng thẳng

Hạt mít có nhiều lợi ích vì chúng chứa rất nhiều protein và các chất dinh dưỡng khác. Đó là phương thuốc hoàn hảo chữa các bệnh về da và giảm bớt sự căng thẳng thần kinh. Hạt mít đồng thời duy trì độ ẩm cho da rất hiệu quả. Chúng còn giúp ngăn ngừa rụng tóc và giúp cho gan khỏe mạnh.

5. Tăng độ dày của mái tóc

Hạt mít có tác dụng duy trì sự lưu thông máu. Tuần hoàn máu tốt sẽ giúp cho mái tóc phát triển khỏe mạnh. Hơn nữa, vì có chứa rất nhiều mangan nên chúng cũng giúp kiểm soát lượng đường huyết ổn định.

6. Ngăn ngừa bệnh thiếu máu

Hạt mít cung cấp nhiều chất sắt rất cần thiết cho cơ thể. Chính điều này giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh thiếu sắt.

7. Ngăn ngừa gãy rụng tóc

Loại hạt này chứa nhiều Vitamin A, giúp duy trì đôi mắt sáng khỏe. Chúng cũng ngăn chặn các bệnh về mắt như là bệnh mù trong đêm. Vitamin A còn thúc đẩy tóc khỏe hơn và làm giảm triệt để tình trạng tóc khô gãy rụng.

8. Tăng sự hưng phấn

Hạt mít có thể được rang như hạt dẻ. Những hạt này sau khi nướng được coi là phương thuốc kích thích tình dục giúp tăng cường sự thỏa mãn trong chuyện yêu.

12 BÀI THUỐC TRỊ BỆNH BẰNG BƯỞI

Quả bưởi thường được cho là loại quả bổ dưỡng, có khả năng phòng, chữa bệnh rất tốt. Đó là những công dụng nào?

Bưởi có chứa đường, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, PP và tinh dầu nằm ở vỏ, thành phần chủ yếu là xitronelol. Hạt bưởi chứa một loại este, dầu, prôtit, chất xơ… Chất glucôxit trong vỏ bưởi có tác dụng chống viêm, chống vi trùng; nước quả tươi có thể làm hạ đường trong máu.

Công dụng trị bệnh của quả bưởi

Bưởi vị ngọt hơi chua, tính hàn, có công hiệu đối với tiêu hóa, điều chỉnh khí huyết, làm tan đờm, giải độc do uống rượu. Có thể trị các triệu chứng ăn không tiêu, chướng bụng, buồn nôn, ho nhiều đờm, người uống quá nhiều rượu bị say.

Vỏ bưởi vị ngọt pha đắng và cay, tính ôn. Có tác dụng tiêu thực, tan đờm, chống tức ngực do ho, có thể dùng cho các bệnh như ho nhiều đờm, ăn không tiêu, tức ngực, đau chướng bụng do lạnh. Nhân hạt bưởi có thể dùng chữa sa ruột.

Hoa bưởi đào vị đắng, cay, tính ôn. Có tác dụng tiêu phong hàn, phong thấp, tan đờm, tiêu thức… trị các chứng phong hàn, ho, ngứa cổ họng, ăn không tiêu, tức ngực, buồn nôn…

Bài thuốc ứng dụng

1. Phụ nữ có thai hay nôn ọe: Bưởi 5-8 quả, bỏ vỏ hạt, vắt lấy đường đun nhỏ lửa cho sôi, thêm vào 500g mật ong, 100g đường kính, 10ml nước gừng tươi, đun thành dạng sền sệt rồi cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần một thìa canh pha với nước sôi, ngày uống 2 lần.

2. Ho nhiều đờm: Múi bưởi bỏ hạt, cắt nhỏ cho vào bình miệng rộng, đổ rượu ngập rồi đun cho nhừ, trộn thêm mật ong, thỉnh thoảng xúc một thìa ngậm trong miệng.

3. Ăn không tiêu: Vỏ bưởi rửa sạch, gọt vỏ lớp ngoài cùng rồi cắt thành sợi, đổ đường trắng vào ngâm trong một tuần, mỗi lần uống 15g, ngày 2-3 lần.

4. Họng ngứa, ho, đờm loãng máu trắng: Bưởi đào 10g, trộn với đường và nước, ép lấy nước, thay nước chè.

5. Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, đau bụng: Vỏ bưởi khô sao vàng thơm 12g, vỏ quýt sao thơm 12g, gừng tươi 3 lát. Tất cả sắc với 300ml nước lấy 100ml, chia làm 2 lần uống nóng trong ngày.

6. Người già ho lâu ngày: Cùi bưởi và đường phèn đun chín, mỗi ngày uống 50-100g.

7. Ho khan: Vỏ bưởi nghiền thành bột, đun nóng với ngư tinh (bán ở các hiệu thuốc bắc), ngày uống 4 lần, mỗi lần 3-6g.

8. Chữa tức ngực đau sườn, giải uất trong gan: Dùng vỏ một quả bưởi còn nguyên, đem nướng cháy rồi cạo vỏ, cho vào nước sạch ngâm một ngày cho hết đắng. Sau đó cắt thành miếng rồi cho vào đun với nước, khi gần chín cho 2 củ hành vào, thêm muối, dầu ăn, dùng ăn kèm trong bữa ăn.

9. Cảm cúm, nhức đầu, sốt cao, sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi: Lá bưởi 50g, lá sả 20g, lá hương nhu 20g, lá tre 20g. Tất cả cho vào nồi, bịt kín miệng đun sôi 5 phút rồi đem xông.

10. Chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng: Hạt bưởi để cả vỏ cứng 100g, rửa sạch cho vào cốc thủy tinh to, rót 200ml nước sôi, đậy kín, ủ nóng trong 2-3 giờ. Hạt bưởi sẽ tiết ra chất nhầy làm cho cốc nước đặc, sánh như cháo, gạn bỏ hạt uống nước sau bữa ăn 2 tiếng. Uống liên tục hằng ngày khi hết đau thì thôi.

11. Chữa chướng bụng buồn nôn: Bưởi 1 quả (bỏ hạt, ép lấy nước), trần bì 9g, gừng tươi 6g, thêm đường đỏ nấu lên rồi uống.

12. Bưởi chữa đái đường, béo phì và tim mạch

Bưởi chứa nhiều Vitamin, nhất là vitamin C. Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện trong nước bưởi có chứa insulinl; có thể làm hạ đường huyết. Mỗi ngày ăn một quả bưởi chua sẽ có tác dụng rất tốt cho những người mắc bệnh đái đường, béo phì và người mắc bệnh tim mạch.

(theo nongnghiep)