Cách làm CANH BÍ ĐAO NẤU NGAO

Món ăn hấp dẫn bởi những miếng thịt ngao ngọt mềm, lại có tính giải nhiệt, mát ruột, tốt cho tiêu hóa.

Nguyên liệu:

  • 1 ký ngao sống
  • Nửa kí bí đao
  • Hành tím, hành lá
  • Gia vị.

Cách làm:

– Bí đao chọn trái nặng tay, vỏ xanh đậm, còn ít lông tơ là bí ngon. Gọt vỏ bỏ ruột, xắt miếng vừa ăn.

– Ngao ngâm nước vo gạo nhiều giờ cho ra hết chất dơ. Chà rửa thật sạch, bắc lên bếp cho lượng nước đủ nấu canh vào nấu cho ngao há mỏ, dùng đũa khuấy cho thịt tách khỏi vỏ.

– Vớt bỏ vỏ ngao. Vớt thịt ngao ra chén riêng, ướp với chút hạt nêm, tiêu, hành củ băm trong 15 phút.

– Bắc chảo cho tí dầu, cho hành tím thái nhỏ vào phi thơm rồi cho thịt ngao vào xào thơm. Trút chảo này vào nồi nước luộc ngao ban nãy (vẫn đang nấu trên bếp). Cho tiếp bí đao vào nấu cho sôi bùng lên, vặn nhỏ lửa, nêm nếm lại vừa miệng. Tắt bếp. Rắc hành lá thái nhỏ, tiêu.

– Múc canh ra tô ăn nóng với cơm.

 

Bảo Tố

Cách làm CANH KIM CHI THỊT BÒ

Món canh kim chi thịt bò có vị chua cay dễ ăn, là cách đơn giản nhất để chiều lòng khẩu vị cho cả nhà.

Nguyên liệu:

– 2 lạng kim chi

– 2 lạng thịt bò

– 2 lạng nấm thủy tiên

– 1 trái bí ngòi

– Boa rô, hạt nêm, muối

Cách làm:

Bước 1:

– Thịt mua về xắt lát mỏng, ướp với 1/3 mcf tiêu, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe dầu ăn trong 15 phút cho ngấm.

Bước 2:

– Kim chi cắt nhỏ.

Bước 3:

– Nấm rửa sạch, bỏ chân, ngâm nước muối loãng 10 phút rồi rửa lại cho sạch, để ráo.

– Bí rửa sạch rồi gọt sơ vỏ, xắt miếng vừa ăn.

Bước 4:

– Bắc nồi cho hành vào phi thơm, rồi cho bò vào xào chín tới, sau đó vớt ra để riêng.

 

– Cho kim chi và nấm vào nồi xào 3-5 phút.

Bước 5:

– Đổ nước lọc vào nồi, đun sôi, thì cho tiếp bí vào đun cùng.

– Châm nước lọc vào nồi nấu sôi. Nước sôi thì cho bí vào nấu cùng.

Bước 6:

– Nêm gia vị lại cho vừa ý. Nấu tới khi bí chín mềm thì đổ thịt bò vô nồi nấu sôi lại lần cuối rồi tắt bếp.

– Múc canh ra tô, rắc boa rô thái nhỏ, ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

Cách làm CHÈ MÈ ĐEN

Chè mè đen (xí mà phủ) là món chè không chỉ ngon mà còn là vị thuốc giúp xanh tóc, bổ da. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm món chè mè đen thật đơn giản:

 

Nguyên liệu:

–  1,5 lạng mè đen

– 4 muỗng súp đường trắng

– 1 muỗng súp bột sắn dây

Cách làm chè mè đen:

Bước 1:

– Mè đãi nhiều lần cho sạch, để cho thật ráo.

Bước 2:

– Mè ráo nước rồi thì cho vào chảo rang nhỏ lửa 3-5 phút cho thơm. Tắt bếp.

Bước 3:

– Bột sắn dây hòa chút nước cho tan.

Bước 4:

– Mè rang rồi thì đem cho vô máy xay sinh tố, xay cùng 1/2 chén nước lọc cho thật nhuyễn.

– Bắc nồi cho mè đã xay vào, châm thêm nước lọc, đường trắng, nấu nhỏ lửa cho đường tan. Nêm nếm lại vừa miệng.

Bước 5:

– Cuối cùng cho sắn dây đã hòa tan vào, khuấy nhẹ cho tới khi quyện đều sánh đặc, tắt bếp,

– Ăn nóng là ngon nhất.

Theo Cún Khang

Cách làm BÚN BÌ

Bún bì là món ăn dân dã, dễ làm nhưng được ưa thích vì dễ ăn, ngon miệng.

Chuẩn bị:

– Làm bì thịt: nửa kí nạc mông hoặc nạc vai, 3 lạng bì, tỏi, nước mắm, ớt, đường, tiêu, hạt nêm.

– Làm thính: 1/2 chén nếp

– Làm nước chấm: nước mắm, đường, chanh hoặc dấm, nước lọc

– Rau ăn kèm: 1 củ cà rốt, 1 trái dưa leo, rau thơm, xà lách.

– Hành phi, đậu phộng rang.

Cách làm bún bì:

Bước 1:

– Bì mua về rửa kỹ cho sạch. Bắc nồi nước sôi cho bì vào nấu 7-10 phút tùy theo miếng bì dày hay mỏng. Đậy nắp nồi lại tắt bếp, chờ tới khi hơi nguội thì vớt bì ra ngâm vào nước lạnh cho bì dai, dòn.

– Xắt bì thành sợi. Để ráo.

Bước 2:

– Thịt rửa sạch, xắt miếng bao diêm, ướp với 1/2 muỗng cafe tỏi băm, 2 muỗng súp nước mắm, 2 muỗng súp đường,  1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe hạt nêm, 1/2 muỗng cafe tiêu, ớt… ướp trong 3-5 tiếng cho ngấm.

Bước 3:

– Bắc chảo cho dầu vào rồi cho thịt cùng nước ướp vào xào cho thịt vàng đều hai mặt. Nếu nước ướp mau cạn thì châm vào ít nước, nấu tới khi nào chín thịt hoàn toàn. Thịt chín rồi thì để nguội, xé sợi hoặc cắt thành cọng nhỏ.

Bước 4:

– Làm thính: nếp đãi sạch, cho vào chảo rang vàng thơm, để nguội rồi xay thật nhuyễn.

Bước 5:

– Trộn thịt đã cắt sợi, bì, thính cho thật đều.

Bước 6:

– Rau nhợ các thứ đem rửa sạch để ráo nước. Thái nhỏ.

Bước 7:

– Dưa leo rửa sạch, gọt sơ vỏ, bỏ ruột, thái sợi.

– Cà rốt cạo vỏ, thái sợi. Ướp cà rốt với 1 muỗng cafe đường, 1/4 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe dấm, ướp trong 15 phút rồi vớt ra vắt ráo.

Bước 8:

– Pha nước trộn: 3 muỗng canh nước lọc + 3 muỗng canh đường hòa tan rồi châm 2 muỗng canh nước mắm, chút dấm hay chanh, nếm lại vừa miệng thì thôi.

 

Bước 9:

– Xếp rau dưới cùng, rồi tới bún, rồi tới bì và cà rốt, dưa leo. Cuối cùng rắc đậu phộng rang giã dập và hành phi lên. Trước khi ăn chan nước chấm, trộn cho đều.

theo Cún Khang

NHỮNG MÓN ĂN HẤP DẪN NÊN THỬ Ở HÀ TIÊN

Đất Hà Tiên nổi tiếng với cảnh vật hữu tình, người dân thuần hậu dễ mến… Đất Hà Tiên còn là nơi đón nhận nhiều sản vật ngon từ biển, từ rừng, những thứ đã tạo ra những món ăn hấp dẫn khiến du khách đã ăn một lần là nhớ mãi.

Khi đã nói đến những món ngon ở miền Tây chắc chắn những người sành ăn sẽ không thể bỏ qua các món đặc sản của người dân địa phương tại Hà Tiên. Đây là vùng đất từ lâu nổi tiếng bởi có nhiều thắng cảnh đẹp và có nhiều món ăn ngon, độc đáo, hấp dẫn, với sự kết tinh giữa các dân tộc Việt – Hoa – Khơme.

Nem nướng


Nem được vo dài dọc hoặc tròn và được nướng chín vàng trên bếp than hồng. Có rất nhiều loại nước chấm ăn khi thưởng thức món ngon này, nhưng đặc trưng và nổi tiếng nhất là nước chấm được làm từ tương ngọt nấu chín với nước me chua để tạo thành nước chấm đậm đà. Xà lách, tía tô, húng thơm, dưa chuột, khế, chuối chát… là các loại rau đặc trưng khi ăn nem nướng. Dùng bánh tráng lót phía dưới, cho rau sống, chuối, dưa chuột, dứa lát mỏng, sau đó tách nửa phần nem đã nướng vàng thơm, cuốn tròn lại chấm vào chén tương có một ít lạc rang vàng, ớt băm cay the the… bạn sẽ cảm nhận được mùi vị thơm lừng đặc trưng.

Bánh tằm bì
Bánh tằm bì có nhiều trong thực đơn miền Tây Nam bộ. Chính vị béo, mặn, ngọt và thơm thơm làm cho món ăn thêm hấp dẫn. Nguyên liệu quan trọng của bánh chính là sợi bánh phải hấp sao cho vừa mềm, vừa dai. Những sợi bánh tằm trắng, dai dai vừa được hấp chín thơm hương vị của bột gạo. Món này sẽ ngon đậm đà hơn nhờ vị béo của nước cốt dừa. Nước mắm pha sao cho có độ chua ngọt và cay cay để món ăn thêm phần hấp dẫn, ăn kèm rau sống, bì, giá sống, dưa leo băm mịn.

Cơm gà
Do Hà Tiên là vùng đất có nhiều dân tộc Việt – Hoa –  Khơme sinh sống, nên món cơm gà Hải Nam cũng góp phần làm cho ẩm thực nơi đây thêm phong phú và đặc trưng. Điểm đặc biệt hấp dẫn ở món cơm gà Hải Nam của xứ sở này là gà được ướp với rất nhiều gia vị thơm ngon và nướng vàng (chứ không luộc). Cơm được nấu gạo dẻo thơm nồng. Món ăn còn có sự kết hợp tuyệt vời giữa đồ chua rau củ, xà lách, rau thơm, dưa leo. Thịt gà mềm, dậy mùi thơm với phần da gà giòn ngon tuyệt ăn cùng cơm và nước chấm pha chua cay ngọt rất hài hòa… đã làm nên sự hấp dẫn cho món ăn.

Hủ tiếu hấp
Hủ tiếu hấp là món ăn dân dã có xuất xứ từ Phnom Penh (Campuchia). Khi được du nhập và giao thoa vào miền Tây Nam bộ, món ăn đã chuyển mình phong phú thành một món ăn ngon, đa dạng và hấp dẫn. Nguyên liệu làm hủ tiếu hấp được sử dụng từ sợi hủ tiếu tươi, có độ dai và mềm. Sợi hủ tiếu cho vào xửng hấp. Những sợi hủ tiếu hấp kết hợp kèm bì trộn thính và thịt heo nạc xắt sợi, chả giò chiên hoặc thịt nướng, dưa leo, giá và một ít rau thơm, mỡ hành, ớt băm nhuyễn… Riêng nước mắm chan món bún này phải được pha bằng nước mắm nấu với đường cát, kết hợp cùng tỏi ớt băm nhuyễn và chanh chua sao cho hài hòa.

Bánh lọt xào
Đây là món ăn khá lạ so với người dân Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu như bạn từng thưởng thức món bánh lọt xào một lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng thơm ngon. Ngoài bột để làm thành những sợ bánh, món ăn còn có thêm các thành phần quan trọng như trứng gà, giá hẹ, tôm tươi hoặc có thể thay thế là bò tùy theo sở thích, lạc rang vàng, hành lá, chanh tỏi ớt, và các gia vị nêm… Món bánh lọt xào khi dùng nóng, bạn sẽ cảm nhận hết vị tươi ngon từ thịt tôm băm, vị ngọt từ rau hẹ, giá và hương vị thơm phức từ bánh lọt đã chiên vàng. Món ăn kèm nước mắm pha chua cay ngọt.

Bánh canh hải sản
Một món ăn được xem là ngon không chỉ đánh thức được khứu giác, vị giác mà còn phải thỏa mãn thị giác cho thực khách. Khi đã hội tụ đủ ba yếu tố hương – sắc – vị thì món ăn mới thực sự tinh tế. Chính vì vậy, ngoài loại bột để se nên những sợi bánh canh trắng trong và ngon, không thể thiếu các thành phần phụ như mực, tôm, trứng cút và đặc biệt nước lèo phải đậm đà (nước lèo có thể ninh từ xương hoặc nấu cùng một số hải sản cho ngọt nước và thơm mùi đặc trưng). Tất cả được hòa quyện vào nhau một cách hào hòa và khéo léo, tạo nên một món ăn đặc trưng riêng cho xứ biển Hà Tiên.

Chả cá chiên
Hà Tiên là xứ biển nên rất nhiều tôm cá. Vì vậy, ngoài những món cá ăn thông thường như nấu canh chua, chiên, hấp… chả cá chiên cũng là một món ăn khá thú vị. Món được làm từ cá rựa, cá chai hoặc cá thu quết cùng hành, tiêu cho thật nhuyễn và dai, sau đó cán mỏng, rồi chiên vàng đều. Món chả cá Hà Tiên đặc biệt ở chỗ được kết hợp kèm đu đủ và cà rốt bào thành sợi mỏng, rồi ngâm chua với ớt cay. Chính sự kết hợp khéo léo này đã tạo nên một đặc trưng rất riêng và là điểm nhấn cho những ai có dịp đến Hà Tiên để tham quan cảnh đẹp và thưởng thức món ăn ngon nơi đây.

Xôi
Ẩm thực miền Tây nói chung và ẩm thực Hà Tiên không cầu kỳ nhưng vẫn có sức thu hút và luôn khiến du khách phải nhớ mãi hương vị mà mình đã có dịp thử qua. Những món ăn trên luôn hấp dẫn du khách bởi sự giản dị, mộc mạc vốn có. Vùng đất Hà Tiên xinh đẹp này còn rất nhiều món ngon để thực khách có thể đến thưởng thức và khám phá.
Xôi Hà Tiên có cả xôi mặn và xôi ngọt, được nấu khéo léo với hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Người Hà Tiên dùng loại nếp thật ngon để nấu xôi, nên khi xôi vừa chín tới đã lan tỏa mùi thơm nồng khắp nơi. Xôi mặn Hà Tiên rất ít gia vị, chỉ có tôm khô giã rắc trên mặt xôi nhưng vị đậm đà. Với xôi ngọt, thực khách có thể thưởng thức xôi xoài hay xôi hột gà, còn xôi dừa thì vừa béo, vừa ngọt thơm. Điểm đặc biệt của món xôi nơi đây là người bán sẽ dùng bánh phồng cuộn bên ngoài để giữ chặt xôi và ăn ngon miệng hơn. Sự trộn lẫn tất cả hương vị này đã tạo nên nét độc đáo riêng của món xôi Hà Tiên.

Bài & ảnh: Thư Kỳ (Ngoisao)

NHỮNG MÓN ĂN DU KHÁCH KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN HUẾ

Đất cố đô gắn liền với những di tích lịch sử quan trọng và những thắng cảnh thiên nhiên xinh đẹp. Đến với Huế, du khách còn được thưởng thức những món ăn đậm đà từ những sản vật độc đáo qua bàn tay khéo léo và trí óc sáng tạo của con người nơi đây.

Sau đây là những món ăn bạn nên thưởng thức nếu có dịp đi ra Huế:


Chè

Chè là món ăn quen thuộc ở mọi địa phương, nhưng nói đến chè Huế, người ta vẫn phấn khích hơn. Đó là vì chè tại các quán chè ở Huế có rất nhiều loại, trình bày bắt mắt, hấp dẫn. Từ chè đậu ván, đậu ngự, đậu xanh, đậu đen, cho đến chè khoai, chè bột lọc, thịt quay… bạn đều có thể tìm thấy trong bất cứ một tiệm chè nhỏ nào. Một ly chè tại Huế thường ít ỏi, dường như là để “chừa bụng” cho bạn gọi thêm vài món chè khác.

Bún bò

Được xem là món ăn tiêu biểu nhất của nền ẩm thực Huế. Bún bò Huế có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách thập phương, trong nước cũng như quốc tế. Sợi bún, rau sống là những thành phần quan trọng, nhưng cái làm nên sự đặc biệt của tô bún bò Huế là ở nước dùng. Nước dùng bún bò là sự phối hợp ăn ý giữa nhiều thứ nguyên liệu với nhau như ớt, sả, được chấm phá thêm vị mặn mà đặc trưng của mắm ruốc Huế. Ăn xong tô bún bò Huế người ta có cảm giác “thỏa mãn” lạ kỳ mà ít món ăn nào mang lại được.

Bánh khoái

Bánh khoái có lẽ liên quan tới bánh xèo ở nhiều địa phương miền Trung, nhưng khi ăn rồi bạn mới thấy nó thật đặc biệt. Bánh khoái vỏ dày, giòn tan, bột vỏ thơm lừng, cộng với đó là phần nhân từ tôm, thịt, một chút rau nhợ. Bánh khoái chấm với tương gan heo pha chế theo công thức đặc biệt, mang lại sự đầy đặn trong vị giác. Tại Huế có nhiều chỗ đổ bánh khoái ngon, trong đó nổi tiếng là bánh khoái Lạc Thiện ở Thượng Tứ.Bánh khoái (ảnh: Dangngoctai)
Bèo nậm lọc ram ít
Bèo, nậm, lọc, ram, ít là tên những loại bánh được bán chung trong những hàng bánh lụp xụp trên vỉa hè Huế. Các món đơn giản chỉ làm từ bột gạo, bột nếp, bộ năng, thêm ít tôm chấy, thịt băm…nhưng khi ăn với phần nước mắm được pha hấp dẫn, món ăn có thể chinh phục bất cứ khẩu vị nào. Có thể nói bèo nậm lọc ram ít là những món bánh được liệt kê đầu tiên trong danh sách những món phải ăn ở Huế của khách du lịch.
Cơm chay
Huế có một “bộ môn” ẩm thực độc đáo đó là cơm chay. Cơm chay Huế được liệt vào dạng “phải ăn” khi đến Huế vì sự đa dạng, phong phú và rất ngon miệng của những món ăn đầy sáng tạo, đẹp mắt được truyền đời từ các nghệ nhân Huế. Đặc biệt, cũng với những nguyên liệu rau, củ, nấm thông thường, nhưng bạn có thể gọi những món giò, chả, nem công, chả phượng, tôm hùm, cá rán… với hương vị ngon lành khó phân biệt với “đồ thật”.
Cơm hến
Cơm hến thường bán với bún hến, là món quà sáng đơn sơ nhưng “ảo diệu” của người Huế. Món ăn chỉ làm từ cơm nguội, một số loại rau rẻ tiền cùng với chút hến, đậu phộng, mắm ruốc… nhưng khi trộn lên, tất cả hương vị như bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo, khăng khít. Cơm hến có ở khắp nơi nhưng người ta thường đến khu vực thôn Vĩ Dạ, đường Hàn Mạc Tử bên cồn Hến để ăn món này vì cho là ngon nhất.
Bánh canh Nam Phổ 

Đây là món ăn nổi tiếng từ làng Nam Phổ, huyện Phú Vang. Bánh canh có sợi dai nhẹ từ bột gạo pha bột lọc, ăn với nước xương pha nước luộc tôm có độ sánh cao. Trong tô bánh canh Nam Phổ luôn hấp dẫn bởi màu thịt tôm tươi vàng nổi trội. Nam Phổ cách trung tâm Huế chừng 10km, nhưng bánh canh Nam Phổ thì có ở mọi ngóc ngách của thành phố nhỏ nhắn này.
Nem lụi
Nem lụi là một kiểu nem nướng ăn với các loại rau sống, bánh tráng và tương chấm. Nem ở đây làm từ thịt giã nhuyễn, bì sợi, mỡ heo thái lựu, ướp với thính, gia vị rồi đắp vào que tre sau đó nướng vàng. Nem có vị chua ngọt thơm ngon của thịt lên men, là món ăn hấp dẫn biết bao du khách ngay từ lần đầu dạo qua những con phố ẩm thực của Huế.

Cách làm TRỨNG CUỘN TÔM HẤP

Một cách làm món trứng chiên đẹp mắt và thơm ngon bởi phần nhân tôm, cà rốt bên trong. Để làm món này đẹp nên lưu ý rán trứng không bị cháy.

 Nguyên liệu: (cho 1 -2 người ăn)
– 1 hột gà– 1 lạng tôm – nửa củ cà rốt

– Muối, bột nêm, dầu ăn, tiêu.

 

 
 
Thực hiện:  
 

Bước 1:

– Tôm lột vỏ, bỏ chỉ đen, xay nhuyễn. Ướp với chút bột nêm, muối, tiêu.

 

Bước 2:

– Cà rốt thái nhỏ hạt lựu, cho vào trộn chung với tôm.

 

Bước 3:

– Trứng đánh vào chén. Bắc chảo cho ít dầu làm nóng rồi cho trứng vào tráng mỏng.

 

Bước 4:

– Sau đó quết tôm trộn cà rốt ban nãy lên mặt trứng.

 

Bước 5:

– Cuộn tròn lại rồi đem hấp cách thủy khoảng 15 phút cho tôm chín là xong. Trước khi ăn cắt ra thành khoanh nhỏ. Ăn nóng với cơm.

 
 

 

 

Lan Khuê.

Cách làm CHẢ BÌ CHIÊN

 

 

Chả bì chiên là món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn, bạn có thể dùng trong bữa cơm gia đình, ăn với bún hoặc làm một món cho bữa tiệc.

Chuẩn bị:

  • – 1 lạng mỡ heo
  • – 2 lạng nạc thăn
  • – 50ml mỡ nước (hoặc dầu ăn)
  • – 2 lạng da heo (bì lợn)
  • – Lá chuối, bột ngọt, nước mắm, muối

Sơ chế:

– Mỡ heo rửa sạch, xắt lát mỏng rồi cho vào ngăn đá cấp đông trong 1 giờ.

– Bì heo mua về cạo lông lại cho sạch, rửa sạch, cho vào nước sôi chần qua rồi lại đem rửa bằng nước lạnh. Để ráo. Sau đó lấy dao cắt cho lớp bì còn thật mỏng.

– Thịt thăn rửa sạch, xắt lát mỏng, nhỏ.


– Lá chuối dùng giẻ ướt lau cho sạch.

Thực hiện:

– Thịt thăn cho vào máy xay thịt xay mịn, rồi cho tiếp mỡ heo vào xay chung cho hai thứ nát nhuyễn quyện đều. Sau đó cho tiêu, muối, bột ngọt vào xay cùng.

– Bì heo xắt nhỏ, rồi cho luôn vào cối xay sơ cho trộn đều với các nguyên liệu đã xay (lưu ý không xay nhuyễn bì).

– Trải lá chuối ra mặt phẳng, cho hỗn hợp thịt mỡ bì vừa xay lên, bó chặt, đậy hai đầu lại. Dùng dây hoặc lạc buộc cho chặt.

– Bắc nồi nước sôi, cho cây chả vào nấu chín rồi vớt ra để nguội. Cho vào ngăn mát tủ lạnh 4-6 tiếng cho chả cứng, chắc.

– Lột bỏ vỏ chuối, xắt chả thành lát vừa ăn (cũng có thể chiên nguyên cây). Cho vào chảo dầu nóng chiên vàng đều rồi vớt ra để ráo.

– Ăn nóng. Có thể chấm tương ớt hoặc xì dầu, nước mắm.

 

Huyền Anh (theo Afamily.vn)

 

NHỮNG MÓN ĂN ĐƯỜNG PHỐ KHIẾN DU KHÁCH ‘MUỐN BỎ CHẠY’

Ẩm thực đường phố là một trong những thứ hấp dẫn nhất đối với dân du lịch. Tuy vậy, trên những con đường ở khắp thế giới, có những món mà phải thật sự can đảm bạn mới dám thử.

Khô thằn lằn

Tại Hongkong, đây là món ăn khoái khẩu và nổi tiếng. Tuy vậy trông chúng thật ghê rợn với nhiều du khách. Thằn lằn khô thực chất không phải để gặm ăn, nó được cho vào nước lẩu để mang lại hương vị đậm đà. Thằn lằn khô thường bán theo cặp: một cái, một đực.

Mũi nai nấu đông

Món ăn có cái tên rất dễ hình dung này lại gây ngần ngại cho nhiều du khách. Mũi nai cạo lông, ướp gia vị, nấu sôi rồi xắt thành lát, phủ lên nước dùng để nấu cho đông lại như thạch.

Mì bạch tuộc sống

Món này chỉ phổ biến ở đường phố Nhật Bản, còn ở những nước khác, nó thường có trong những show truyền hình về sự can đảm. Món ăn này ngoài mì ra thì phần ấn tượng nhất là những con bạch tuộc còn ngọ nguậy. Và nó còn ngọ nguậy cho đến khi người ta cho vào mồm nhai.

Bọ cạp chiên giòn 

Đây làm ón ăn dễ tìm thấy ở các ngôi chợ Trung Quốc. Bọ cạp được rán ngập dầu, làm mất khả năng gây độc. Bọ cạp được coi là vị thuốc ở Trung Quốc, giúp đẩy mạnh tuần hoàn máu, giảm đau cơ thể. Nhiều người đã ăn cho biết, bọ cạp có vị khá giống bỏng ngô, thơm bơ, béo ngậy bên trong.

Đầu cá hồi lên men

Đây là một món ăn thử thách ngay từ khi người ta ngửi thấy nó. Tuy vậy, khi ăn vào thì nó cũng ngon một cách kỳ thú, như những món lên men khác. Đầu cá hồi được cho vào thùng nhựa hoặc gỗ, vùi trong đất vài tuần cho phân hủy, lên men… rồi mới chế biến và sử dụng.

Dương vật cá

Thêm một món ăn của Nhật. Lần này, đặc điểm gây e ngại của món ăn đến từ nguyên liệu: dương vật của cá tuyết, cá angler hoặc cá nóc. Thoạt trông chúng có vẻ hấp dẫn, béo bở như não bộ màu trắng. Khi ăn nó có vị ngọt, ngậy béo thơm ngon.

Đậu phụ thối

Đậu phụ thối, như tên gọi, nó là sản phẩm từ việc lên men đậu phụ theo một số cách để tạo ra một mùi được diễn tả bằng từ “thối”. Thối ở đây có nhiều cấp độ, từ nhẹ nhàng đến nồng nặc. Có những phần đậu phụ thối tại Đài Loan mà nếu bạn để dây vào quần áo, bạn sẽ phải đem áo quần đi giặt ngay lập tức. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận vị ngon kỳ lạ của đậu phụ thối sau khi được cho vào miệng. Ngoài Đài Loan, món này còn phổ biến ở Hồng Công, Trung Quốc, Indonesia, Singapore.

 

Thái Hoa (theo www.destinationseeker.com)

MÓN NGON ĐỒNG THÁP MÙA NƯỚC NỔI

Mùa nước nổi miền tây bắt đầu từ khoảng tháng 8 tới tháng 11 Âm lịch. Lúc này, bên cạnh tỉnh An Giang là nơi nước đổ về, thì dân du lịch cũng tìm đến Đồng Tháp, nơi có vùng Đồng tháp Mười mênh mông, để thăm thú cảnh quan nước nổi cũng như thưởng thức những món “quà” khi nước đổ về.

Sau đây là một số món đặc trưng không thể bỏ qua khi có dịp đến với Đồng Tháp vào mùa nước nổi.

Lẩu cá linh bông điên điển


Khoảng thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 11 là mùa nước nổi ở Đồng Tháp và cũng là mùa cá linh sinh sôi, mùa bông điên điển nở vàng ven các sông. Cá linh và bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi của Đồng Tháp, người dân địa phương thường dùng chúng để chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó món đặc sản nổi tiếng nhất du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi chính là lẩu các linh bông điên điển.

Theo kinh nghiệm ăn uống ngon và rẻ khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi, thì lẩu cá linh bông điên điển ngon nhất là vào đầu mùa nước nổi, bởi lúc này cá linh chưa lớn hẳn nên xương rất mềm, thịt ngọt, bụng lại có chút mỡ nên ăn rất ngon và béo ngậy. Đặc biệt, bông điên điển đầu mùa cũng thơm, bùi và giòn hơn những thời điểm khác. Sự kết hợp của cá linh và bông điển điển sẽ đem lại một hương vị thơm ngon, thanh mát và lạ miệng mà không món lẩu nào bạn đã từng ăn có được.

Ăn kèm với món ngon đặc sản nổi tiếng phải ăn một lần khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi này là bún tươi, cơm trắng, mắm ớt và một số loại rau đặc trưng khác. Ngoài ra, bạn đừng quên thưởng thức thêm món lẩu riêu cua đồng đặc biệt của Đồng Tháp nữa nhé.

Các món ăn từ ếch đồng


Mùa nước nổi đã mang đến cho Đồng Tháp rất nhiều món ăn ngon dân dã, trong đó phải kể đến những món ăn ngon từ ếch đồng như: Ếch chiên bơ, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng sả ớt hay nấu cháo ếch….

Ếch vào mùa nước nổi ở Đồng Tháp rất to, béo, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Khi chế biến thành món ăn thường rất thơm, ngon và hấp dẫn. Chính vì thế ếch đồng luôn là một trong những món ăn ngon dân dã đặc trưng và hấp dẫn nên thử ăn một lần khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi.

Bông súng mắm kho


Là một món ăn dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đồng Tháp nhất định phải thử một lần. Du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi không chỉ là mùa của bông điên điển mà còn là mùa hoa súng. Người dân nơi đây thường chọn những bông súng trắng, cọng nhỏ và mọc ở đìa, bởi đây mới là những bông súng mềm, ngon và ngọt. Còn mắm, họ sẽ lấy loại mắm đỏ, lọc bỏ xác và cho vào nồi nấu chung với nước dừa, thịt ba chỉ, cá rô đồng, cá lóc và sả ớt. Khi nào nồi mắm sôi, người ta sẽ vớt bọt vài lần rồi bỏ ra để ăn nóng cùng bông súng và một số loại rau sống khác.

Vị mắm kho đậm đà, hơi cay kết hợp với vị ngọt và giòn của bông súng đã tạo thành một món ăn dân dã tuyệt vời cho vùng Đồng Tháp mùa nước nổi.

Chuột quay lu


Nhắc đến những món ăn ngon đặc sản không thể không thưởng thức khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi, chắc chắn không thể bỏ qua món chuột quay lu Cao Lãnh.

Sau mỗi mùa gặt, người dân vùng Cao Lãnh lại bắt đầu săn những con chuột béo múp do ăn nhiều thóc lúa để chế biến thành nhiều món khác nhau như: Chuột xào lăn, xé phay, chuột xối mỡ, luộc cơm mẻ, xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng,…nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là món chuột quay lu. Khi nếm miếng thịt chuột đồng có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và đậm đà chẳng kém gì thịt hươu, thịt nai bạn sẽ biết tại sao đây là là một trong những đặc sản nổi tiếng Đồng Tháp không thể bỏ qua.

Tắc kè xào lăn


 

Bên cạnh hai món ngon dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đồng Tháp mùa nước nổi nói trên, bạn cũng hãy nếm thử thêm món tắc kè xào lăn nữa nhé. Món này không chỉ thơm ngon, lạ miệng mà còn rất bổ dưỡng, đặc biệt là với nam giới.


Cơm gói lá sen

Thêm một món ăn đặc sản không thể không nếm thử khi du lịch Đồng Tháp là cơm gói lá sen. Đây là một trong những món ăn cung đình chỉ Đồng Tháp mới có và ngon không đâu sánh bằng.

Cơm được nấu bằng gạo huyết rồng (một loại gạo hạt nhỏ, trong, thon dài và màu đỏ), hạt sen và muối mè bọc trong lá sen rồi đem hấp chín. Khi cơm chín, mở lá sen ra, bạn sẽ thấy hạt sen màu trắng, muối mè màu đen nổi bật trên nền cơm đỏ, rất bắt bắt. Không chỉ vậy, cơm lại rất ngon, càng nhai càng ngọt, bùi và thơm mùi sen.

Ngoài ra, bạn cũng hãy để bụng để thưởng thức thêm món cơm rang lá sen nữa nhé. Cơm rang cùng thịt, lạp xường, hạt sen, hạt đậu hà lan, cà rốt, trứng… sau đó bó trong lá và đem ủ nóng, khi nào khách ăn thì sẽ bỏ ra. Vị ngon đậm đà của cơm rang cùng các loại nguyên liệu kết hợp với hương thơm của lá sẽ sẽ làm bạn nhớ mãi không quên món ăn tuyệt vời này.

Hủ tiếu Sa Đéc

Hủ tiếu là một trong những món ngon đặc sản nổi tiếng và phổ biến. Có thể bạn đã ăn món này ở rất nhiều nơi, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua nó khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi.

Hủ tiếu Sa Đéc có sợi mềm, không bở, không dai, màu trắng sữa và rất thơm. Đặc biệt, nước dùng rất thơm, ngọt thanh nhưng không quá béo ngậy. Khi nào khách gọi, đầu bếp sẽ cho hủ tiếu vào tô, rắc chút thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan… cùng hành lá và ngò băm nhuyễn lên trên rồi mới chan nước dùng vào.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò, quẩy, rau sống, xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, thực khách trộn tất cả các nguyên liệu lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của hủ tiếu Sa Đéc. Ngoài ra, đừng bỏ qua món hủ tiếu khô độc đáo, lạ miệng nữa nhé.

Theo Dulich9

Cách làm THỊT BA RỌI CUỐN LÁ NẾP NƯỚNG

Món thịt ba chỉ nướng béo thơm nay bổ sung hương thơm của lá nếp, sẽ mang lại cho bữa họp mặt cuối tuần của bạn một món ăn ngon miệng.

Chuẩn bị: 

  • – Thịt ba rọi: 4 lạng
  • – Lá dứa (lá nếp)
  • – Ngũ vị hương, tỏi, đường, muối, nước mắm.

Thực hiện:

Bước 1:

– Thịt mua về rửa sạch, xắt miếng mỏng vừa ăn (không nên xắt dày vì nướng lâu chín)

– Cho thịt vô tô, ướp với 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe nước mắm, 1/3 muỗng cafe ngũ vị hương, 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe tỏi băm, ướp trong 1 giờ đồng hồ.

Bước 2:

– Lá dứa rửa sạch, cắt đôi, để cho ráo.

Bước 3:

– Để một miếng thịt đã ướp lên lá nếp rồi cuốn lại vài vòng cho chắc. Làm lần lượt cho hết thịt.

Bước 4:

 Xếp thịt lên vỉ nướng than hoa, trở cho thịt chín đều. Nướng cho lá nếp cháy xém, thịt chín là ngon.

– Nếu nướng bằng lò thì bật lò 180 độ rồi nướng 12-20 phút, trở thịt cho chín đều.

– Ăn nóng với cơm hoặc bún, rượu bia.

Theo mẹ Cún Khang

Cách làm HẾN XÀO LÁ LỐT

Một món ăn kết hợp giữa vị ngọt của thịt hến và mùi thơm hấp dẫn của lá lốt là một lựa chọn hấp dẫn cho mâm cơm gia đình hoặc trong bữa ‘lai rai’ với bạn bè.

Chuẩn bị:

  • – 3 lạng thịt hến (hoặc mua hến sống về gỡ lấy thịt)
  • – 5 cái lá lốt
  • – 1/2 củ hành tây
  • – Hành củ, tiêu, muối, nước mắm, hạt nêm, tương ớt

Thực hiện:

Bước 1:

– Hến nhặt vỏ, sạn cho kĩ. Rửa sạch, để ráo.

Bước 2:

– Lá lốt rửa sạch rồi xắt sợi.

– Hành bỏ vỏ, thái nhỏ.

Bước 3:

– Bắc chảo cho vào 2 muỗng cafe dầu ăn, cho hành củ xắt lát vào phi thơm rồi cho hành tây vào xào chín.

Bước 4:

– Cho hến, tương ớt, 1/2 muỗng cafe muối, chút nước mắm, tiêu, hột nêm vào xào.

Bước 5:

– Xào chừng 5-8 phút là hến sẽ chín tới, ta nêm lại gia vị vừa miệng. Sau đó cho lá lốt vào đảo tới khi lá lốt chín, dậy mùi thơm thì tắt bếp.

– Ăn nóng với cơm hoặc xúc bánh tráng.

Theo mẹ Cún Khang

Cách làm MÌ XÀO BÒ

Món ăn mì xào bò theo kiểu Hoa sẽ rất hấp dẫn để đổi vị cho gia đình trong những ngày ‘chán cơm’.

Chuẩn bị:

  • Mì: 2 vắt (nên dùng mì vằn thắn tươi loại sợi nhỏ là ngon nhất)
  • Thịt bò: 1,5 lạng
  • Cà rốt: nửa củ
  • Cải thảo, cải thìa hoặc cải xanh tùy thích: 1,5 lạng
  • Tỏi băm: 1 muỗng cafe
  • Gia vị

Nước sốt: 1 thìa súp nước tương + 1 thìa súp dầu hào + 1/2 thìa súp hắc xì dầu + 1/2 thìa súp dầu mè thơm, trộn đều lên.

Thực hiện:

– Mì ngâm nước cho rã mềm nếu là mì khô. Nếu là mì tươi thì rã sợi cho rời ra. Cho mì vào nồi nước sôi chần 1 phút rồi vớt ra xả lại nước lạnh, để thật ráo.

– Bò xắt lát mỏng, ướp với chút gia vị trong 15 phút cho ngấm.

– Cà rốt gọt vỏ, bào sợi. Cải rửa sạch thái miếng vừa ăn.

– Bắc chảo cho vào chút dầu, cho tỏi vào phi thơm rồi trút thịt bò vào xào nhanh cho chín tái, trút ra dĩa để đó.

– Lại cho cà rốt và cải vào chảo, đảo nhanh tay, nêm 1/2 muỗng cafe muối, xào chín tới thì lại trút ra dĩa để đó.

– Lại tiếp tục cho vào chảo 1 thìa súp dầu ăn, cho phần tỏi băm còn lại vào phi vàng thơm rồi cho mì vào đảo nhanh tay trong 1 phút.

– Cho nước sốt vào chung với mì, trộn đều trong vài phút cho sợi mì thấm sốt, săn lại.

– Cho tất cả thịt, rau vào cùng với mì, đảo đều, nêm lại vừa ăn rồi xào thêm vài phút cho chín tất cả nguyên liệu, tắt bếp.

– Cho ra dĩa rắc tiêu, trộn lên ăn nóng.

Theo Hà Linh

Cách làm BÁNH KHOAI MỠ CHIÊN GIÒN

Bánh khoai tía (khoai mỡ) là món ăn vặt hấp dẫn mọi người nhờ hương vị nhẹ nhàng bên trong kết cấu giòn giòn dai dai và màu sắc dễ thương của nó.

Chuẩn bị:

  • – Khoai tía: 1,5 lạng
  • – Sữa tươi (hoặc nước lọc): 30ml
  • – Đường cát trắng: 40g
  • – Bột năng: 60g
  • – Bột nếp: 50g
  • – 1/2 muỗng cafe muối.

Cách làm:

Bước 1:

– Khoai mua về gọt vỏ, rửa sạch, xắt nhỏ rồi đem hấp cách thủy cho chín mềm. Hoặc bạn có thể đem nấu trong lò vi sóng. Khoai chín mềm rồi thì cho 1/2 muỗng cafe muối vào, nghiền nát nhuyễn, trộn đều.

Bước 2:

– Cho tiếp bột năng, bột nếp, đường, nước (hoặc sữa tươi) vào với khoai, nhào trộn thật đều đến khi bột mịn thì dùng màng thực phẩm bịt kín để ủ bột trong 30 phút.

Bước 3:

– Ủ bột xong rắc chút bột năng lên bột, ngắt một nắm bột nhỏ rồi se trên mặt phẳng cho thành cọng dài, ngắt thành cọng ngắn vừa ăn.

Bước 4:

– Bắc nồi nhỏ, cho dầu ăn vào đủ ngập bột. Đun dầu sôi rồi gắp lần lượt từng viên bột vào chiên vàng đều.

Bước 5:

– Sau khi chiên bánh sẽ có phần vỏ giòn, ngả vàng. Ta vớt ra để cho ráo dầu rồi sử dụng.

Theo Cún Khang

Cách làm GỎI KHẾ TÔM THỊT

Một món gỏi chua nhẹ của khế kết hợp với tôm thịt sẽ luôn khiến mọi người không ngừng đũa.

Nguyên liệu:

  • – Khế chua: 1 trái
  • – Dưa leo: 1 trái
  • – Thịt ba rọi: 2 lạng
  • – Tôm: 3 lạng
  • – Quế, gia vị.

Cách làm:

Bước 1:

– Thịt mua về rửa sạch, luộc chín với tí muối rồi để thịt nguồi, xắt sợi nhỏ.

Bước 2:

– Tôm rửa sạch cắt râu, luộc chín, vớt ra dĩa để ráo.

Bước 3:

– Khế cắt bỏ phần diềm (cạnh), xắt cọng nhỏ rồi xếp thành bó, bóp cho ra bớt chất chua.

– Dưa leo rửa sạch, gọt bớt vỏ rồi xắt sợi. Rắc vô dưa leo một ít muối, để 15 phút rồi vắt cho dưa leo ráo nước.

Bước 4:

– Pha nước trộn gỏi gồm: 2 muỗng súp nước mắm + 2 muỗng súp đường + 2 muỗng súp nước lọc + ớt bột, hòa tan, nêm nếm vừa khẩu vị.

– Trộn dưa, khế, thịt, tôm vào tô to, thêm nước trộn vào cùng với rau quế thái nhỏ, trộn cho thật đều, nêm nếm tùy sở thích.

– Ăn ngay sau khi trộn xong mới ngon.

theo Cún Khang

NHỮNG ĐẶC SẢN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN VỚI HÀ TĨNH

Về quê hương ví dặm Hà Tĩnh, bên cạnh việc chiêm ngưỡng cảnh quan sông nước hữu tình, thưởng thức những làn điệu dân ca mộc mạc ân tình, du khách còn phải nếm trải những hương vị rất riêng từ những món đặc sản phổ biến nơi đây.

 

Cam bù Hương Sơn

Là đặc sản nổi tiếng của huyện Hương Sơn, được trồng chủ yếu ở 12 xã trong huyện, gồm: Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Mai, Sơn Thuỷ, Sơn Trường, Sơn Hàm, Sơn Quang, Sơn Diệm, Sơn Lâm, Sơn Kim. Cam bù khi chín vỏ đỏ, xốp dễ bóc vỏ, múi cam mọng nước, ít hạt, ăn có vị ngọt, hương thơm quyến rũ, giá trị dinh dưỡng cao. Đây là cây bản địa được chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm. Cam bù Hương Sơn là đặc sản mà du khách thường mang về làm quà cho người thân khi đến Hà Tĩnh.

Hồng Đông Lộ và Hồng Tiến

Có hai loại quý nhất là hồng Đông Lộ (Thạch Hà) và hồng Tiến (Nghi Xuân). Hồng Đông Lộ có quả hình vuông, màu xanh cam hoặc vàng, ruột màu vàng, khi chín ăn vừa ngọt, vừa thơm. Hồng Tiến Nghi Xuân (dùng để cung tiến vua ngày xưa nên gọi là hồng Tiến) khi chín có màu sẫm rất đẹp, mọng, vỏ mỏng (dân địa phương gọi là hồng trứng), ăn mềm ngọt mát và thơm. Cả hai loại hồng đều chín từ cuối hè cho đến hết thu.

Đến Hà Tĩnh, nếm thử quả hồng du khách sẽ thấy khỏe và sảng khoái hẳn lên. Thật thú vị khi được ngồi trên chiếc chõng tre dưới tán cây hồng, nhấm nháp quả ngọt ngon, nghe những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về những quả hồng tiến vua, về những cây hồng tổ, nghe hát ca trù Cổ Đạm, hát giặm, hát ví “giận thương”…

Bún bò Đức Thọ

Để có một tô bún bò ngon, ngoài bún được làm từ gạo quê Đức Thọ, sợi bún to tròn và có màu hoa cau, thịt bò cũng phải là thịt của con bò được chăn thả vùng ven đê ở làng quê Đức Thọ, như thế thịt sẽ mềm, ngọt. Nước dùng được hầm từ xương ống, đuôi bò. Trong quá trình chế biến nước dùng, người đầu bếp phải rất tỉ mỉ, xương phải rửa thật sạch cho đến khi hết máu còn dính lại, thường xuyên gạn bỏ bọt trên nồi nước hầm xương để màu nước dùng luôn được trong; thịt bò được thái hơi dày sẽ mềm và ngọt hơn khi ăn. Hành lá, lá mùi tàu, nước mắm ớt, tỏi dầm, tiêu, thêm một múi chanh sẽ là những gia vị ăn kèm cho một tô bún bò hoàn hảo. Để rồi những ai đã một lần thưởng thức phải nhớ mãi!

Hến sông La

Hến là món ăn phổ biến của mọi gia đình ở vùng ven sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày, như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng; canh hến nấu rau tập tàng; cơm nước hến thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao.

Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. Đúng như câu ca ai ví “Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam).

Kẹo cu đơ

Kẹo cu đơ có hình tròn như chiếc gương, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm, có vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa ngọt, vừa thơm lại cay nhẹ… ăn rất lạ miệng.

Đây cũng là đặc sản đặc trưng nhất của người Hà Tĩnh bởi nó chứa hương vị thiên nhiên và hơi thở cuộc sống. Vị ngọt của cu đơ như sự hiền hòa nhân hậu chịu thương chịu khó. Vị chát của chè xanh như những thăng trầm, khắc nghiệt của thiên tai mà con người nơi đây quanh năm phải gánh chịu. Có lẽ vì thế, khắp một dải miền Trung, du khách đi qua vẫn nhớ về kẹo cu đơ, nước chè xanh của người Hà Tĩnh.

Bánh đa vừng

Ở Hà Tĩnh có một món ăn dân dã, rẻ tiền mà thật ngon, đó là bánh đa. Vùng nào, chợ nào, quán nào cũng có nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh đa Chợ Tỉnh, Chợ Cầy, Chợ Hội… Bánh đa ở những vùng này dầy, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen, ăn vừa béo, thơm, vừa giòn, khi đói có thể ăn trừ cơm, chỉ thấy no mà không thấy chán.

Bánh đa ở Hà Tĩnh được làm hoàn toàn bằng gạo ngon, không pha thêm ngô, sắn như ở nhiều nơi khác. Thông thường khi làm bánh đa, nguời ta chọn loại gạo gié vụ mùa, vừa dẻo, vừa thơm, không dùng gạo xay từ các vụ lúa trước, năm trước vì lúa để lâu nên gạo mất chất.

Khách cầm bánh, bẻ từng miếng, chấm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay xè, có vài giọt cà cuống thì càng ngon tuyệt. Ở Hà Tĩnh người ta còn ăn bánh tráng xúc nham (gỏi) bắp chuối, hến xào…

Gỏi cá đục

Về với mảnh đất của đại thi hào Nguyễn Du, là cái nôi của ca trù… chúng ta sẽ được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ biển, trở thành nét văn hóa riêng của làng biển Xuân Nghi.

Cá đục dài khoảng 13-18 cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.

Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non… cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng. Khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.

Mực nhảy Vũng Áng

Vùng biển Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là khu kinh tế cảng biển sầm uất, sôi động, non nước hữu tình nổi tiếng với món hải sản có tên là mực nhảy. Vì mực ở đây khá to con, được chế biến ngay sau khi đánh bắt, vẫn giữ nguyên được độ tươi nên người dân địa phương đặt tên là mực nhảy.

Mực nhảy có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác như luộc, xào, hấp hay gỏi. Mực nhảy có vị tươi, ngon, thơm rất đặc trưng, khác hoàn toàn so với các loại mực ở vùng biển khác trên cả nước.

Ram bánh mướt

Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán, là món ăn nổi tiếng, góp phần làm nên hương vị ẩm thực Việt Nam. Nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác. Bánh mướt là cách gọi khác của bánh cuốn, bánh ướt – món ăn ưa dùng của xứ Nghệ. Bánh mướt đơn giản chỉ cần chấm mắm, thường ngày là bánh mướt cuốn chả, sang hơn là canh gà bánh mướt. Người miền Bắc thường cuốn mướt với nhân thịt, khi tráng cho nhiều mỡ, nhưng người miền Trung bánh mướt để không nên khi ăn thưởng thức được hương vị mát lành, thanh đạm.

Ram mướt là thức bánh kết hợp hài hòa hai loại khác nhau, vừa giản dị vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy. Cuốn ram với bánh mướt chấm với nước mắm tỏi ớt rồi ăn ta sẽ thấy hương vị không thể chê vào đâu được. Nếu bánh cuốn ram ăn vào buổi sáng sớm thì ram rau sống lại ăn bất cứ khi nào.

Bánh bèo Hà Tĩnh

Bánh bèo là một loại bánh dân dã và không phải là đặc sản riêng của vùng nào, nên có ở khắp các miền đất nước như Huế, Nghệ An, Quảng Bình…. Khác với bánh bèo ở các nơi khác, bánh bèo Hà Tĩnh mang một sắc thái ẩm thực riêng.

Bánh bèo ở Hà Tĩnh được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô, sau đó ăn kèm với rau thơm, bánh bèo khi ăn chấm nước mắm chua ngọt pha thêm tương ớt để tạo nên vị vừa cay, vừa chua ngọt.

Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon và hấp dẫn. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn mang vị đậm đà.

Bưởi Phúc Trạch

Mời về Phúc Trạch quê em/ Chè thơm bưởi ngọt người quen đợi chờ… Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, được bạn bè gần xa biết đến. Bưởi có dạng hình cầu tròn, nhỏ chứ không to, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên. Thịt bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt. Bưởi Phúc Trạch tự hào là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm của cả nước.

TH (th)/Báo Gia đình & Xã hội

 

Cách làm SƯỜN NON RIM XÓC TỎI

Món sườn rim mặn ngọt được phủ quanh bởi lớp tỏi thơm hấp dẫn sẽ là một món ăn ngon cho bữa cơm gia đình bạn trong tiết chuyển mùa.

Nguyên liệu:

– Nửa kí sườn non, chọn sườn nhiều sụn là ngon nhất

– 1 muỗng súp tỏi băm

– Xì dầu, nước mắm, ớt bột, gia vị.

Thực hiện:

Bước 1:

– Sườn mua về trụng qua nước sôi rồi xả nước lạnh cho sạch, sau đó chặt thành từng miếng vừa ăn.

Bước 2:

– Cho sườn vào nồi, đổ ngập nước, luộc 30 phút cho thịt mềm dễ róc xương.

Bước 3:

– Vớt sườn đã luộc ra ngoài. Nồi nước luộc nhấc qua một bên để sau này dùng tới.

– Bắc chảo cho sườn vào chiên sơ.

Bước 4:

– Tỏi băm phi thơm giòn (có thể dùng tỏi khô).

Bước 5:

– Chiên sườn tới khi vàng hai mặt thì chắt bớt dầu mỡ ra ngoài, cho vào chảo ít ớt bột, 2 muỗng súp nước mắm, 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng súp đường, 1 muỗng cà phê xì dầu. Châm thêm nước luộc sườn cho xâm xấp mặt thịt, đun tới khi nước cạn lại, sánh dẻo, sườn ngấm, thì nêm nếm lại cho vừa miệng.

Bước 6:

– Trút tỏi phi vào đảo cho tỏi bám đều khắp các miếng sườn, nấu tiếp 3 phút rồi tắt bếp. Múc ra dĩa ăn với cơm.

Theo Cún Khang

Cách làm BÁNH ÍT NHÂN DỪA

Bánh ít nhân dừa là món quà vặt dân dã nhưng luôn luôn hấp dẫn bởi kết cấu dẻo dai độc đáo cùng vị thơm ngon của phần nhân, phần nếp.

Nguyên liệu: cho 10 cái

– Vỏ: 2,5 lạng bột nếp, nước sôi, đường, muối

– Nhân: 1 lạng đường trắng, 1,5 lạng dừa già nạo, 150ml nước lọc, 1/2 chén đậu phộng giã sơ, muối, 1 muỗng súp bột năng

– Lá chuối để gói, xửng hấp.

Cách làm:

Bước 1:

– Làm phần vỏ: trộn bột nếp + 1/2 mcf muối + 2 muỗng súp đường. Châm nước sôi vào hỗn hợp ,vừa châm vừa lấy vá khuấy nhẹ tới khi hỗn hợp bột mềm, dẻo thì ngưng. Lấy tay nhào đều bột khoảng 5 phút tới khi bột mịn, ấn nhẹ vào không dính tay. Lúc này lấy màng bọc thực phẩm bọc kín bột, ủ chừng 1 giờ đồng hồ cho bột nở.

Bước 2: Làm nhân

– Bắc chảo sâu lòng, cho 1 lạng đường + 150ml nước vào nấu sôi cho tan đường.

Bước 3:

 Khi nước đường chuyển sang màu cánh gián thì nhanh chóng cho dừa nạo vào đảo đều, nấu 5-10 phút cho tới khi nước đường cạn, ngấm vào dừa dẻo thì tắt bếp.

Bước 4:

 Thêm lạc rang, bột năng và một ít muối vào đảo đều, để nguội và dùng tay vo tròn.

– Cho đậu phộng rang, bột năng và chút muối vào hỗn hợp, trộn đều lên. Để nguội rồi vê thành từng viên nhỏ (viên nhân).

Bước 5:

 Lá chuối dùng khăn vải lau sạch. Để ráo. Sau đó cắt thành miếng 25x15cm.

Bước 6:

 Chồng hai lá chuối lên nhau rồi gấp lại như trong ảnh. Dùng ngón tay chặn giữa tâm rồi gấp mép góc lá từ trái qua phải, cuốn lại thành hình phễu..

Bước 7:

– Thò tay vào phần bột đã ủ ngắt một viên to bằng viên nhân, ấn cho bẹp rồi cho viên nhân vào giữa, đắp lại kín rồi vo tròn.

Bước 8:

– Nhét viên bột bọc nhân vừa vo vào lá chuối, đậy các mém đáy lại cho kín. Làm lần lượt cho hết bột và nhân.

Bước 9:

  Bắc xửng lên bếp nấu sôi rồi xếp bánh vào nồi, đậy kín, hấp từ 20-25 phút là bánh chín. Để nguội rồi ăn.

Theo mẹ Cún Khang

Cách làm THỊT KHO KHOAI SỌ

 Thịt kho khoai sọ sẽ là món ăn đổi vị giàu dinh dưỡng cho bữa cơm gia đình bạn.

Chuẩn bị:

– 4 lạng nạc vai

– Khoai sọ: 2-3 củ

– Ngò, hành củ, đầu hành lá, nước dừa (hoặc nước lọc)

– Gia vị, ớt bột

Cách làm:

Bước 1:

– Thịt mua về rửa sạch, chần qua nước sôi rồi xả lại nước lạnh cho sạch. Sau đó thái thành từng miếng vừa miệng.

– Ướp thịt với 1mcf nước mắm, 1/2mcf tiêu, 1/2mcf muối, trong 1 tiếng.

Bước 2:

– Khoai gọt vỏ, cắt vừa ăn rồi ngâm vào nước pha tí muối, tiếp đó rửa lại cho sạch.

Bước 3:

– Bắc nồi kho cho vào 1 muỗng cf dầu điều, cho hành củ xắt lát vào phi thơm rồi cho thịt vào đảo 5-7 phút cho săn thịt.

Bước 4:

– Tiếp đến cho khoai vào nấu cùng với thịt, chan vào nồi thêm 1/2 muỗng canh nước mắm, đậy nắp nấu sôi.

Bước 5:

– Trút nước dừa hoặc nước lọc cho ngập 2/3 thịt. Cho tiếp ớt bột, vặn nhỏ lửa đun cho thịt chín, thấm gia vị. Khi đun thỉnh thoảng đảo nhẹ tay.

Bước 6:

– Nêm gia vị vừa miệng, sau đó đun tiếp tới khi thịt mềm, ngấm thì tắt bếp. Cho ngò, đầu hành rồi rắc tiêu vào. Ăn nóng với cơm.

Theo bếp Cún Khang

Cách nấu CANH CÁ CHỈ VÀNG

Để giữ được vị ngọt ngon của cá chỉ vàng, món canh này chỉ phối hợp với một vài loại rau quả có vị thanh nhẹ… Món canh rất dễ ăn sẽ mang lại cho gia đình bạn bữa cơm ấm áp.

Chuẩn bị:

– Cá chỉ vàng tươi: 500g

– Cà chua: 2 trái, bổ múi cau

– Dứa mới chín tới: 1/4 trái, xắt lát nhỏ

– 1 vắt nhỏ me chua

– Hành lá cắt khúc, ớt thái lát, gia vị

Thực hiện:


– Cá làm sạch, để ráo nước.

– Me cho vào chén, chế nước sôi vào dằm lấy nước cốt chua. Chắt nước ra để nấu canh, bỏ phần bã và hột me đi.

– Bắc nồi cho phần trắng của hành vào phi thơm tiếp đến cho cà chua vào xào sơ.

– Trút cá vào, nêm một ít gia vị rồi xào cho cá săn lại. Tiếp đến trút lượng nước đủ nấu canh vào.

– Nấu cho nước sôi rồi vặn lửa vừa nấu tới khi chín cá, trút dứa và một ít nước cốt me vào. Cho thêm đường để trung hòa vị chua, ngọt. Nếm lại vừa miệng.

– Cuối cùng cho hành lá, ớt vào.

– Khi ăn dọn chung với chén nước mắm ớt. Canh này ăn nóng với cơm rất ngon.


theo Khánh Hòa