Đến với Tịnh Biên, An Giang, du khách thường được giới thiệu đến chùa Bánh Xèo để thưởng thức món bánh Xèo cũng như tham quan cơ sở làm bánh “khổng lồ” ở nơi đây.
Nằm dưới chân núi Cậu, từ lâu Thiền viện Đông Lai (thị trấn Tịnh Biên, H.Tịnh Biên, An Giang) được các phật tử cũng như du khách khắp nơi biết đến nhờ món bánh xèo nổi tiếng.
Thiền viện Đông Lai còn có tên gọi khác là chùa Phật Nằm hay chùa Bánh Xèo. Sở dĩ có tên chùa Bánh Xèo là do nhà chùa thường đãi miễn phí món bánh xèo chay khi du khách đến đây cúng viếng. Chùa hiện có một “đội quân” chuyên chế biến bánh xèo, trong đó phải nhắc đến “đệ nhất bếp” Ngô Văn Vũ. Mặc dù còn rất trẻ (31 tuổi) nhưng Vũ đã có hơn 10 năm tình nguyện làm công quả trong chùa. Anh cũng chính là người đầu tiên xung phong chiên bánh xèo phục vụ khách.
Dùng 40 bếp chiên bánh
Đến chùa Bánh Xèo vào ngày rằm tháng Giêng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến và thật sự khâm phục khả năng đổ bánh xèo của Vũ. Thường một đầu bếp chỉ đảm nhận chiên khoảng vài chảo bánh xèo, riêng Vũ “tả xung hữu đột” cùng lúc đến hơn chục chảo. Tay anh thoăn thoắt di chuyển quanh các chảo, cái này vừa ráo mặt, giòn lớp vỏ thì cái kia đã chín. Vũ vừa khuấy bột, đổ bột, thêm nhưn và xoay chảo liên tục. Khách đến càng đông, anh làm càng hăng say như quên đi cái nóng của củi lửa. “Riết rồi quen, lúc mới bắt tay vào đổ, bánh khét hoài. Làm càng lâu ngày thì tay nghề đạt đến độ chín muồi, bánh sẽ càng thơm ngon”, Vũ chia sẻ. Theo anh, muốn chiếc bánh xèo ngon và giòn phải khuấy bột cho thật đều, trong quá trình chiên đảo chảo nhanh tay. Món bánh xèo ở đây thường ăn kèm với các loại rau rừng trên núi Cấm, đặc biệt là rau kim thất mọc dại theo triền núi nên mùi vị rất độc đáo, ít nơi nào có được.
Nhà khách phía sau chùa rộng rãi, sạch sẽ, được đặt nhiều bàn ghế để phục vụ du khách gần xa. Cạnh đó là chái bếp với hơn 40 cái lò dùng chế biến món bánh xèo. Anh Vũ cho biết ngày thường đổ khoảng 6.000 – 7.000 cái, riêng ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày rằm, lượng khách tăng gấp 4 lần nên phải dùng đến 40 chiếc bếp làm mới xuể.
Rằm tháng Giêng vừa qua, du khách, phật tử kéo đến cúng nườm nượp nên nhà chùa phải huy động hơn chục người chế biến và phục vụ bánh xèo. Chỉ trong 2 ngày, nhà chùa mua đến 70 kg bột và gần 40 lít dầu. Khẩu phần ăn không quy định, khách muốn ăn bao nhiêu đều được đáp ứng. Ăn xong, khách còn được nhà chùa phục vụ nước giải khát gồm trà đường, cà phê, đậu nành nóng…
Duy trì bánh xèo miễn phí
Thiền viện Đông Lai được xây dựng vào năm 1999, do thượng tọa Thích Thiện Chí làm trụ trì. Cô Lâm Thị Phương, một phật tử hay làm công quả ở chùa, cho biết khi thầy Chí về đây, vào mỗi dịp rằm lớn, các vị tăng ni, phật tử khắp nơi đổ về cúng chùa. Có một số phật tử nảy sinh ý tưởng làm món bánh xèo chay đãi mọi người. Thấy món này dễ làm, ăn ngon nên thầy Chí đã nhờ những người làm công quả chế biến phục vụ khách. Lúc mới bắt tay vào làm, nhiều người cũng băn khoăn vì sợ đổ bánh xèo tốn kém, nhà chùa không kham nổi. Thầy Chí đã dùng tiền cúng dường của khách thập phương để mua vật dụng, bột, đường, củi, rau… làm bánh. Dần dà về sau, khách đến ngày càng đông, họ ăn xong rồi cúng dường hoặc gửi tiền lại cho nhà chùa. Bằng nguồn kinh phí này, nhà chùa xoay vòng và duy trì chế biến món bánh xèo đãi khách thập phương đến tận ngày nay.
Tấn Phát (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140226/chua-banh-xeo.aspx)