Ngày Tết hẳn gia đình nào dù có ‘hiện đại’ cách mấy cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống. Tùy theo vùng miền mà thực đơn ngày Tết bao gồm những món khác nhau. Sau đây mời các bạn đến với mâm ăn truyền thống của miền Bắc – nơi vẫn giữ gìn những gì cổ truyền nhất trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
1. Bánh chưng
Bánh chưng. Ảnh: Vietq. |
Trong khi miền Nam và miền Trung ăn bánh Tét với dưa món, dưa kiệu thì miền Bắc là kiểu gói bánh chưng truyền thống ăn với dưa hành. Bánh chưng có hình vuông, có thể to bằng bàn tay nhưng với bánh Tết thường gói to. Bánh chưng thường được gói rất vuông vức, và bằng lá dong chứ không bằng lá chuối như gói bánh Tét. Các thành phần trong bánh chưng thường gồm nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ, thịt ba chỉ, tiêu, có thể cho thêm hành.
2. Dưa hành
Dưa hành. Ảnh: Tổ Ấm Việt. |
Dưa hành là loại ăn kèm không thể thiếu khi ăn những món béo ngậy của ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu, chân giò muối… Dưa hành có vị cay nhẹ, hăng, thơm, chua thanh… thật khác với vị đậm ngọt của dưa món, dưa kiệu trong miền Nam. Dưa hành không chỉ giúp cho món ăn ngon, điều hòa hơn mà còn giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa.
3. Giò nạc, giò thủ
Giò nạc, miền trong còn gọi là chả lụa. Ảnh: Citinews. |
Giò tai (trong nam gọi Giò thủ)
Mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc không thể thiếu giò, chả. Món ăn này luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong bàn tiệc.
4. Thịt đông
Thịt đông. Ảnh: Nauanngon. |
Thịt đông (chân giò nấu đông) là món ăn rất ngon, phổ biến ở miền Bắc Việt trong những ngày trời lạnh, nhất là dịp Tết. Khi làm món này, nên nêm hơi nhạt một tí, khi ăn kèm theo nước mắm sẽ ngon hơn.
5. Nem rán
Nem rán. Ảnh: Vietnamonline. |
Nem rán một món ăn không chỉ quen thuộc trong bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống miền bắc. Những miếng nem được chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà tròn vị.
6. Canh măng khô
Canh măng khô. Ảnh: yeutretho. |
Măng khô làm trung hòa vị béo của thịt lợn, tạo nên vị ngọt thanh mà không ngấy cho món ăn cổ truyền này.
7. Canh bóng thả
Canh bóng thả. Ảnh: Tổ Ấm Việt. |
Canh bóng không chỉ ngon mà còn hấp dẫn thực khách bởi màu sắc sinh động: Đỏ của cà rốt, xanh bông cải xanh và đậu Hà Lan, trắng trong của bóng bì, nâu sậm của nấm hương, vàng của chả cá…
8. Gà luộc
Gà luộc. Ảnh: Tổ Ấm Việt. |
Món gà luộc để cúng trong đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới. Người ta tin rằng món ăn này dâng lên đất trời ngày đầu xuân sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Khi ăn những miếng thịt gà có màu vàng tươi, rắc thêm lá chanh thái nhỏ chấm với muối tiêu chanh ớt tạo nên một hương vị đặc trưng.
9. Chè kho
Chè kho. Ảnh: Tổ Ấm Việt. |
Đây là món ăn ngày Tết ở miền Bắc, quen thuộc nhất với người dân Hà Nội. Chè kho rất giản dị trong việc kết hợp nguyên liệu, chỉ cần đậu xanh, vừng trắng và đường cát là có thể nấu thành nồi chè. Chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn tan ngay trong miệng.
Lê Hà Ngọc Trâm (VNexpress.net):