CÔNG DỤNG CỦA WASABI: KHÁNG UNG THƯ, CHỐNG LÃO HÓA

Wasabi (nên phân biệt với mù tạc) là loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn nổi tiếng của Nhật Bản như sushi, sashimi. Loại gia vị có hương nồng kì lạ này đã làm bao nhiêu người “phát nghiện”, nhưng ít ai biết rằng nó còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và vẻ đẹp.

Wasabi có tên khoa học Eutrema japonica, là bà con họ hàng với bắp cải và mustard (ta quen gọi là mù tạc). Tuy gọi wasabi là mù tạc nhưng thật ra chúng chỉ là “anh em” của nhau vì cùng chung một gia đình họ thực vật Brassicaceae. Cái vị cay cay the the của wasabi đã làm đắm lòng biết bao thực khách nhưng ít ai biết rằng nó còn có thể “tân trang” sắc đẹp và có giá trị chữa bệnh.

Kháng ung thư

Loại gia vị này có thể gánh vác những công việc nặng nhọc cho sức khỏe như có khả năng ngăn chặn những loại vi khuẩn gây sâu răng, làm tăng tuần hoàn, tăng cường ôxy cho các hoạt động của mô tế bào, giúp “con ngọc hoàng” có thể vượt qua “cơn mê”. Wasabi cũng được chứng minh rằng có khả năng hỗ trợ “chuyện chúng mình”.

Nhưng đặc tính “ngon cơm” nhất của wasabi đang được các nhà khoa học nghiên cứu rầm rộ chính là khả năng kháng ung thư. Dùng wasabi trong các bữa ăn có thể hưởng lợi từ đặc tính kháng ung thư của nó nhờ chứa những hợp chất có tên gọi isothiocyanates. Nhiều nghiên cứu cho thấy một trong những hợp chất isothiocyanates có trong wasabi là 6-MITC, chất này có khả năng ức chế sự phát triển của những tế bào ung thư dạ dày và tế bào ung thư nhũ hoa.

Điều quan trọng là chỉ wasabi “chính chủ” mới có những khả năng tuyệt vời kể trên, còn những loại “nhái” cho dù cùng thuộc họ Brassicaceae cũng có ít hoặc không có những đặc tính kháng ung thư như wasabi. Các nhà khoa học giải thích rằng những loài khác trong cùng họ thực vật này đa phần đã qua chế biến nên những loại enzyme đóng vai trò xúc tác trong việc tạo ra isothiocyanate formation đã bị thoái hóa.

Chống lão hóa

Wasabi cũng góp công trong việc phòng chống những tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp. Những thành phần bay hơi có trong wasabi gây nên những phản ứng mạnh mẽ cho đường mũi và xoang mũi, hợp chất allyl isothiocyanate được giải phóng sẽ có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của những tác nhân gây bệnh đường hô hấp… Khi bị cảm lạnh hoặc những người bị dị ứng theo mùa, wasabi sẽ giúp xoang mũi được kích thích, nhờ đó mở rộng đường mũi để nhận không khí nhiều hơn.

Wasabi là gia vị ưa thích của Nhật Bản

Trong y học cổ truyền Nhật Bản, wasabi được dùng như một chất kháng vi khuẩn  trong những trường hợp ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc do E.coli và Staphylococcus aureus nhờ vào các hợp chất isothiocyanates. Wasabi rất giàu kali, canxi, vitamin C và những hóa chất thực vật (phytochemicals) có tính kháng ôxy hóa cao, nhờ vậy mà wasabi còn có đặc tính “ăn tiền” là làm đẹp da vì giúp da chống lại sự lão hóa do các gốc tự do gây ra. Cách dùng wasabi để làm đẹp da cũng rất đơn giản khi chỉ cần thoa wasabi vào da với một liều lượng thích hợp. Hiện tại, ngành công nghiệp mỹ phẩm cũng đang ăn theo loại gia vị này, rất nhiều sản phẩm chăm sóc da đã thêm wasabi vào như một tác nhân chính làm cho làn da đẹp và săn chắc.

Làm dầu mát-xa

mav079

Trộn 1/4 chén dầu rau cải và 1/4 chén dầu mè loãng rồi bắc lên chảo, đun ở ngọn lửa thật nhỏ trong 2 phút để làm ấm. Cần lưu ý là không đun quá nóng đến sôi hoặc bốc khói. Bắc chảo xuống khỏi bếp, trộn vào nửa muỗng wasabi rồi khuấy đều. Nhớ là giai đoạn này phải dùng đũa gỗ để khuấy vì đũa nhựa sẽ khiến cho những hóa chất có trong wasabi bị “phế võ công”.

Sau khi khuấy xong, đậy nắp lại và để nguội trong 1 giờ rồi nhỏ vào 5 giọt vitamin E (có thể lấy từ viên nang vitamin E), sau đó tiếp tục khuấy đều. Cuối cùng, bạn đã có một sản phẩm mát-xa độc đáo, giúp da khỏe và săn, đồng thời giúp da tẩy được “nợ trần” sau một ngày đi đường hứng đầy khói xe, bụi bặm.

Lưu ý khi sử dụng wasabi

– Dùng wasabi ở liều nhỏ không sao nhưng nếu dùng quá nhiều với mục đích kháng ung thư sẽ làm tổn thương gan vì trong thành phần wasabi có một chất hại gan (hepatotoxin).

– Wasabi có thể gây dị ứng ở một số cơ địa.

– Wasabi ở những nhà hàng hải sản chưa chắc là wasabi chính hiệu, cũng có thể là “hàng nhái” cùng thuộc họ Brassicaceae.

– Những người thích ăn hải sản tươi sống nghĩ rằng nhúng hải sản chưa nấu chín vào nước chanh, thêm vài miếng wasabi thì có thể “hóa giải” đám ký sinh trùng đang chực chờ rình rập. Thực ra, wasabi trong trường hợp này chỉ có tác dụng làm… thơm và cay một tí mà thôi.

Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường (Người lao động)



You Might Also Like