NGƯỜI BỊ TỊCH THU BÌNH TRÀ MIỄN PHÍ ĐƯỢC TRẢ LẠI, XEM XÉT TUYÊN DƯƠNG KHEN THƯỞNG

Sau một thời gian bị tịch thu thùng trà đã miễn phí, gây phản ứng mạnh của cộng đồng mạng, anh Trần Nam Anh đã được trả lại thùng trà, và còn được lãnh đạo phường cho biết sẽ xem xét tuyên dương, khen thưởng.

Chiều ngày 1/8, chủ tịch UBND phường Phương Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với những hoạt động từ thiện giúp người trên địa bàn từ các cá nhân, doanh nghiệp.

Trước đó, phường đã tịch thu bình trà miễn phí của anh Trần Nam Anh (địa chỉ 1031B đường Giải Phóng), và gặp phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng.

Qua xem xét, lãnh đạo phường Phương Liệt cho biết, ông hưởng ứng hành động này. Theo ông, việc làm của anh Trần Nam Anh là tấm gương để mọi người noi theo. Ông Hải cũng cho biết sắp tới sẽ họp xem xét tuyên dương việc làm của anh trước nhân dân. Bên cạnh đó, những người có việc làm tốt tương tự cũng sẽ được xem xét khen thưởng, tuyên dương trước mọi người.

Anh Trần Nam Anh kể chuyện lên phường Phương Liệt nhận lại thùng trà đá bị tịch thu vào chiều ngày 27/7.

Ngày 31/7, anh Trần Nam Anh đã được công an phường Phương Liệt mời đến trụ sở phường viết biên bản nhận lại thùng trà đá đã bị tịch thu vào chiều 27/7.

Trong buổi làm việc này, đại diện phường giải thích nguyên do tịch thu thùng trà miễn phí giành cho người nghèo, người lao động của anh, đó là việc để bình trà ở gốc cây vỉa hè đường Giải Phóng đã vi phạm quy định về vỉa hè, lòng đường.

Bên cạnh đó, đại diện phường cũng cho biết, vì anh Nam Anh để bình trà ở đó, nhiều người xe ôm, hàng rong sẽ để xe ở lòng đường khi ghé uống nước, gây cản trở giao thông.

Theo đó, anh Nam Anh không bị cấm đặt thùng trà đá miễn phí nữa, nhưng được yêu cầu phải để vào nơi hợp lý, đảm bảo không gây cản trở giao thông, lấn chiếm lòng lề đường.

Anh Nam Anh cho biết, sau buổi làm việc, anh được nhận lại bình trà đá và cốc đem về nhà mà không phải đóng phạt.

Ngày 1/8, sau khi đặt lại bình nước miễn phí, một số người thắc mắc vì thấy bình nước lần này là nước lọc. Anh Nam Anh cho biết, do hôm đó trời mưa to, công việc bị trở ngại nên anh không pha trà đổ v ào bình được. Những ngày sau anh sẽ tiếp tục với bình trà đá miễn phí cho người đi đường.

Cái Quan Tổng hợp.

“Nên phạt nặng những người đặt trà đá từ thiện ở vỉa hè”

Bạn Ami Nguyễn mới có bài viết về trà đá từ thiện, cho rằng công an đã thực thi luật một cách cứng nhắc, và rằng việc buộc những người giúp đỡ dân nghèo phải xin phép là hành động quan liêu. Có bạn còn quy kết rằng tịch thu bình trà đá như vậy là “tịch thu lòng tốt”.


Công an, dân phòng, trật tự đô thị sẽ bị ném đá khi tịch thu bình trà, và cũng bị ném đá khi xảy ra tình trạng hỗn loạn nếu không tịch thu – Ảnh: Khả Hòa

Tất nhiên, đó là góc nhìn của riêng các bạn.

Tôi thì lại cho rằng cần phải xử lý đúng pháp luật những người đặt bình trà từ thiện ở vỉa hè, nếu tái phạm, hãy phạt nặng hơn.

Những người chủ cửa hàng đặt bình nước lý luận rằng bình nước không quá lấn chiếm vỉa hè là nói cùn. Thế nào là không quá lấn chiếm? Thực thi pháp luật thì không được tạo ra tiền lệ, ngày nay các bạn đặt bình nước, ngày mai là một quán nước, rồi dần dần sẽ là cái chợ chăng? Chưa kể, bạn đặt được thì người bên cạnh cũng đặt được, và cả phố cũng sẽ làm theo, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Là công an, dân phòng, trật tự đô thị, họ sẽ hứng búa rìu dư luận các bạn ạ, họ bị ném đá khi tịch thu bình trà, và cũng bị ném đá khi xảy ra tình trạng hỗn loạn nếu không tịch thu, thật khôi hài.

Nếu 4, 5 người dừng xe ở lòng đường chen nhau uống nước vào giờ tan tầm, thì việc xảy ra tai nạn thương tâm chỉ là điều sớm muộn. Chưa kể với thời tiết nóng bức như những ngày qua, việc 1.000 cái miệng uống chung một bình nước, sẽ là một ổ dịch tiềm năng của các bệnh tiêu chảy, hô hấp.

Bạn Ami Nguyễn có cái tên hơi Tây, không biết bạn đã từng ở Tây chưa? Hồi tôi còn ở San Francisco (Mỹ), tôi cùng vài gia đình muốn lắp đặt một chiếc ghế bench gỗ trên vỉa hè khuất sâu trong phố phục vụ người đi bộ thì được chính quyền hỗ trợ cho một mẫu đơn, họ yêu cầu chúng tôi chụp ảnh, vẽ sơ đồ chi tiết rồi gửi lên phòng Công trình Công cộng (DPW) kèm với đơn theo mẫu, việc được duyệt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định chủ quan của giám đốc DPW. Đừng tưởng xứ tự do có nghĩa là thích làm gì cũng được, kể cả là việc công ích.

Ở Mỹ, DPW kiểm soát từ thu gom rác, cào tuyết, phạt xe cho đến chống graffiti (vẽ tường), bạn muốn đặt thùng rác ra vị trí khác thuận tiện hơn cũng phải xin phép, nếu chống đối thì tùy mức độ bạn sẽ bị phạt tiền hoặc vài giờ lao động.

Ở Na Uy, việc cho tiền ăn xin có thể đối mặt với án tù. Luật là luật và không có ngoại lệ. Lý do tốt đẹp (theo cảm tính chủ quan của cá nhân) không thể dùng để bào chữa cho việc vi phạm luật pháp, vì luật pháp phục vụ toàn dân chứ không phục vụ cá nhân, cho dù là cá nhân nghèo, lang thang hay đang trong trạng thái khát nước giữa trưa hè 40 độ của thủ đô Hà Nội.

Có lý do mà tượng thần Libra luôn bịt mắt, tay cầm cân tay cầm kiếm xử phạt công minh bất kể người phạm tội đáng thương đến mức nào. Để có công bằng, thì luật pháp không thể duy tình.

Các bạn nghĩ rằng việc (cố tỏ ra) thương người nghèo chứng tỏ mình văn minh? Khi đặt tình lên trên lý, lấy hoàn cảnh biện minh cho việc phá hoại kỷ cương xã hội, thì các bạn chưa văn minh được đâu.

Chung Nguyên

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội