8 SỰ THẬT ÍT AI BIẾT VỀ NGĂN ĐÁ TỦ LẠNH

Ngăn đá tủ lạnh thường được mặc định là nơi để làm đá, bảo quản kem hay thịt cá… Ít ai ngờ rằng chúng còn nhiều điều để trông đợi hơn.

Nhiều gia đình không sử dụng hết tiềm năng của ngăn đá tủ lạnh. Một số ý tưởng sau sẽ giúp bạn sử dụng tốt hơn.

1. Làm thế nào để bảo quản thực phẩm trong ngăn đá

Thức ăn sẽ giảm mùi vị theo thời gian do vi sinh vật và vi khuẩn (trừ thực phẩm đã có chất bảo quản). Tủ lạnh làm chậm quá trình phân rã bằng cách làm lạnh môi trường để vi khuẩn sinh sôi chậm. Đông đá thực phẩm làm chậm quá trình này xuống hơn nữa, do đó kéo dài tuổi thọ của thực phẩm trong nhiều tháng hoặc thậm chí lên đến một năm mà không cần dùng chất bảo quản hóa học.

FDA khuyên nên để nhiệt độ tủ lạnh của bạn bằng hoặc dưới 4 độ C, trong khi giữ ngăn đá của bạn ở -18 độ C.

2. Tăng cường không gian sử dụng trong tủ đá

Bạn càng nhét nhiều đồ vào tủ đá, thì việc tiêu hao năng lượng càng ít. Nếu bạn không tìm thấy cái gì nhét vào thì hãy vo tròn báo vứt vào hoặc bỏ thêm nước vào các túi nhỏ để lấp chỗ trống. Việc này cũng rất có ích những khi mất điện, đá sẽ bảo quản thức ăn đủ cho bạn được một khoảng thời gian có điện trở lại.

Đập trứng ra đông đá sẽ dễ tách lòng hơn cho các món ăn tương lai. Ảnh: food-hacks.

3. Làm thế nào để lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh

Hầu hết các thực phẩm buộc phải xử lý trước khi đi vào ngăn đá. Ví dụ, luôn luôn rửa sạch, chần rau quả, trái cây qua nước sôi trước khi đặt chúng trong túi lưu trữ để giữ lại vẹn toàn dinh dưỡng và hương vị của nó.

Các loại bánh ngọt và bánh mì cũng phải để nguội hoàn toàn trước khi đông lạnh. Nên phân nhỏ và đóng gói cẩn thận để đảm bảo tuổi thọ trong tủ đông. Nên ghi nhãn lên thực phẩm đông lạnh để giúp bạn sắp xếp tiêu thụ thực phẩm hợp lý cho bữa ăn hàng ngày.

4. Quan tâm đến đông lạnh chất lỏng

Hãy nhớ rằng các chất lỏng sẽ nở hơn khi đông lại. Nếu bạn muốn đông lạnh sữa thì hãy đặt nó vào ly hoặc túi rộng.

Đông lạnh các lại thảo mộc tươi để sử dụng khi cần. Ảnh: food-hacks.

5. Đông lạnh những thực phẩm bạn không ngờ tới

Rất nhiều thực phẩm khác có thể được đông lạnh nhưng không phải ai cũng biết. Bạn hoàn toàn có thể bảo quản ngăn đá các loại sau:

– Các loại thảo mộc tươi: rửa sạch, thái nhỏ, bỏ chúng vào khay nước đá với một ít nước.

– Tỏi băm và hành lá băm nhỏ.

– Bánh pizza, bánh mì và nhất là bột làm bánh.

–  Mì ống đã nấu.

– Súp, nước sốt.

– Các loại bột, hạt…

6. Tiết kiệm nhờ tủ đông lạnh

Bạn có thường xuyên vứt hành tây và cà rốt hoặc các loại thảo mộc sau khi nấu? Đầu bếp người Pháp nổi tiếng Jacques Pepin khuyên nên có các hộp nhỏ hoặc túi để lưu trữ nguyên liệu thừa mỗi lần. Biết đâu bạn lại có một món ăn ngon từ các nguyên liệu ấy. Mẹo này rất hữu ích, giúp bạn tiết kiệm tiền và hạn chế chất thải.

Không đông lạnh rau củ tươi trong ngăn đá. Ảnh: food-hacks.

7. Thời hạn bảo quản thực phẩm đông lạnh

Hầu hết các thực phẩm bạn đông lạnh có hạn dùng tối đa khoảng một năm bao gồm thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, thịt nấu chín sẽ không để được lâu. Hầu hết các sản phẩm từ sữa nên được sử dụng trong vòng hai đến ba tháng.

8. Những lưu ý cần phải nhớ

Sử dụng hầu hết các thực phẩm đông lạnh trong vòng sáu tháng để giữ hương vị tốt hơn và cố gắng tránh lớp băng trên thực phẩm đông lạnh. Nếu một thực phẩm bị mất nước, nó có thể bị “cháy đông” sẽ mất đi chất dinh dưỡng.

Thêm một lời khuyên nữa là những khi có thực phẩm ngon, hãy mua và trữ đông để dùng dần, vừa ngon, lại tiết kiệm, tiện dụng.

Bảo Nhiên (Theo food-hacks)

Nguồn: VnExpress

http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/noi-tro/khong-may-nguoi-phat-huy-het-tac-dung-cua-ngan-da-tu-lanh-3276420.html

VÌ SAO KHÔNG NÊN ĐỂ TRỨNG Ở CÁNH CỬA TỦ LẠNH?

Tủ lạnh thường có thiết kế một khay để trứng ở cánh cửa, nhưng trên thực tế, nếu bạn làm theo gợi ý này của nhà sản xuất, trứng sẽ nhanh hỏng hơn nhiều.

Sau đây là 5 điều bạn nên biết khi sử dụng trứng cho gia đình

Lau rửa sạch rồi mới cất

Trứng mua về nên dùng khăn mềm ướt lau sạch sau đó mới đem cất trữ. Nếu trứng không rửa sạch trước khi bảo quản thì phân gà, vịt còn bám ở ngoài vỏ rất mất vệ sinh, thậm chí có thể gây bệnh.

Đặt trứng đúng vị trí

Nhiều người có thói quen để đầu to của trứng xuống dưới, đầu bé lên trên nhưng làm vậy không đúng. Theo kinh nghiệm của nhiều chị em chia sẻ, để trứng tươi lâu, lòng đỏ không bám sát vào vỏ trứng, nên lưu ý lúc nào cũng phải để đầu to của quả trứng phía trên, dựng đứng, không nên để nằm hoặc trở ngược đầu lại.

Không để ở cánh cửa tủ lạnh

Mặc dù tủ lạnh luôn làm sẵn giá để cho bạn cất trứng tuy nhiên để trứng ở cánh cửa tủ lạnh không tốt. Vì cánh cửa tủ lạnh luôn được mở ra thường xuyên vì thế nhiệt độ ở cánh cửa không đều, thay đổi liên tục khiến trứng sẽ rất nhanh hỏng. Vì thế, cách tốt nhất, sau khi rửa sạch trứng, sau đó cho trứng vào hộp carton rồi mới cất bên trong ngăn mát tủ lạnh nhé!

Nếu đã cất trứng trong tủ lạnh thì nên để luôn trong tủ, không lấy ra và để ở môi trường ngoài. Vì lúc này, nhiệt độ bên ngoài cao sẽ khiến những hạt nước li ti đọng trên vỏ thấm vào trứng, làm giảm khả năng chống vi khuẩn nên trứng sẽ mau hỏng hơn.

Thời gian bảo quản trứng

Trứng lưu trữ trong tủ lạnh cũng chỉ nên để từ 3-5 tuần. Trứng đã cho ra khỏi tủ lạnh thì dùng trong 2 tiếng, nếu để lâu trứng sẽ hỏng.

Chị em lưu ý, chỉ nên mua trứng được lưu trữ ở nơi mát mẻ; kiểm tra để chắc rằng trứng không bị nứt hoặc bẩn; bảo đảm trứng không quá hạn; chỉ chọn mua trứng đã kiểm dịch.

Phân biệt trứng gà bị tẩy trắng

Để bán trứng với giá cao hơn, nhiều người bán hàng đã dùng axít acetic (có trong chanh, giấm) để tấy màu trứng gà công nghiệp cho giống với trứng gà ta. Nhưng chỉ cần để ý và quan sát một chút bạn sẽ dễ dàng nhận ra:

– Trứng gà công nghiệp to hơn, có trọng lượng từ 55 – 60g, trong khi trứng gà ta bé hơn, chỉ nặng trên dưới 45g.

– Trứng gà tẩy trắng có màu trắng hơi phớt hồng, vỏ xù xì trông như có lớp bụi trắng phủ lên, không bóng và quá sạch sẽ. Trong khi trứng gà ta thật có màu trắng tự nhiên và có thể có vết bẩn dính trên vỏ. Chọn trứng gà tươi, ngon không quá khó nhưng đòi hỏi bạn phải chú ý quan sát tỷ mỷ và kỹ càng.

Tổng hợp

NHỮNG ĐIỀU PHẢI NHỚ NẾU NHÀ BẠN CÓ TỦ LẠNH

Ngày nay tủ lạnh đã là một vật dụng phổ biến đối với mọi người. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu hết công năng của tủ lạnh, cũng như sử dụng tủ lạnh để bảo quản thức ăn đúng cách.

Những lưu ý sau đây sẽ giúp bạn sử dụng tủ lạnh hợp lý, hiệu quả hơn, thực phẩm bảo quản được lâu và không bị biến chất.

Dưới đây là những điều cần lưu ý theo khuyến cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm:

Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm.

Thực phẩm mới cho vào ngăn đông đá nên để ở phía trong. Thực phẩm cũ, mua từ trước đó nên xếp ra ngoài để dùng trước. Nên gắn nhãn, đề ngày trên thực phẩm để tránh trường hợp để thức ăn quá hạn sử dụng.

Dù để trong tủ lạnh, thực phẩm vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín, không chỉ vì thành phần của món ăn, mà còn vì chất lượng để tránh trường hợp thức ăn này bị dính mùi của món ăn khác.

Một số thực phẩm như phô mai, cá, khô… nên được bọc kín bằng giấy bạc. Lưu ý tương tự với một số rau quả dễ bốc mùi như mít, dứa hành…

Không nên để trái cây quá sát bên nhau trong tủ lạnh để tránh một trái chín sớm làm lây sang các hoa quả khác.

Phần lạnh nhiều nhất trong ngăn mát tủ lạnh là mặt kính sát với ngăn rau củ, đây là nơi có nhiệt độ thấp nhất. Do đó, đây cũng là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá. Ngăn gần với phần đông đá nhất là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ “mát” như sữa chua, bánh ngọt.

Hộc tủ dưới cùng là khu vực dành riêng cho rau củ. Nên loại bỏ phần lá xanh không cần dùng của nhiều loại rau củ, như cà rốt, củ cải, su hào… trước khi cho vào ngăn này. Rau củ nên được bao bọc, đặc biệt bằng vải thưa thấm chút nước hay giấy nhựa loại có đục lỗ li ti thì tốt nhất.

Ngăn trên cùng của cửa tủ lạnh là nơi để phù hợp của các món ăn cần nhiệt độ thấp nhưng không được đông cứng như trứng, bơ, mứt. Ngăn kế tiếp phía dưới là nơi phù hợp cho gia vị, cà phê với điều kiện là thực phẩm được bảo quản trong hộp, lon… đậy thật kín.

-Không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông – rã đông đều giảm 20%. Chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh với một thời gian nhất định rồi đem chế biến chứ không nên để quá lâu.

Hoàng Anh (VNexpress.net)

Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/noi-tro/meo-vat/luu-y-khi-bao-quan-thuc-an-trong-tu-lanh-3148698.html