Cách làm BÁNH NƯỚNG TRUNG THU

Bánh nướng là loại bánh không thể thiếu trong những món bánh ngon mùa Trung thu.  Bánh nướng nhân thập cẩm là kiểu bánh truyền thống, sau này có thêm trứng muối và thêm bớt một số nguyên liệu khác, giúp cho món bánh trở nên gần gũi với khẩu vị hiện nay hơn.

Làm bánh trung thu trải qua khá nhiều công đoạn, tuy vậy bạn chỉ cần chu đáo, cẩn thận thì việc làm nên một chiếc bánh ngon và an toàn cho gia đình không phải là khó.

1. Nguyên liệu:

  • * Vỏ bánh: (Cho 12 cái bánh 100g hoặc 10 cái 150g)
  • – 200g nước đường đã nấu (xem cách làm ở dưới)
  • – 50ml dầu ăn
  • – 1/4 thìa cà phê baking soda
  • – 1 thìa cà phê nước tro tàu
  • – 320g bột mỳ

4 nguyên liệu trên (trừ bột mỳ) trộn đều với nhau, để nghỉ ít nhất là 4 tiếng trước khi làm bánh

* Nhân bánh thập cẩm (Cho 12 cái bánh 100g hoặc 10 cái 150g):

  • – 120g hạt điều rang chín
  • – 120g vừng trắng rang chín
  • – 120g hạt dưa bóc nõn, rang chín
  • – 120g lạp xường loại ngon
  • – 120g mứt bí
  • – 120g mứt sen
  • – 100g mỡ đường (xem cách làm ở dưới)
  • – Lá chanh vài lá

* Nước sốt trộn nhân

  • – 50g đường xay
  • – 50g nước lọc
  • – 50g mật ngô (corn syrup)
  • – 1 thìa cà phê hắc xì dầu (dark/black soy sauce)
  • – 10ml dầu mè
  • – 20ml rượu Mai quế lộ / rượu trắng loại ngon
  •  – 50g bột nếp rang chín (bột bánh dẻo)

Trộn đều 6 nguyên liệu trên (trừ bột bánh dẻo), khuấy cho tan đường.

2. Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm:

* Phần nhân bánh:

Bước 1:

Làm mỡ đường:

– Xắt hạt lựu 100gr mỡ gáy, rửa sạch rồi đem luộc, nước sôi khoảng 3 phút thì vớt mỡ ra cho ráo nước.

– Trộn đều mỡ với 3 thìa đường, để một lúc cho ngấm.  Đem phơi ở nơi có gió đến khi mỡ trong là được (tốt nhất là bạn nên làm mỡ đường trước 1 ngày).

Bước 2:

– Xắt hạt lựu các loại mứt sen, mứt bí.

– Rửa sạch lá chanh rồi thái sợi, thái nhỏ lạp xưởng.

– Rang chín hạt điều, vừng trắng

– Hạt dưa bóc nõn, rang chín.

Bước 3:

– Cho tất cả các nguyên liệu phần nhân vào trộn đều trong một chiếc tô lớn, rót nước sốt trộn nhân đã làm vào. Tiếp đó rắc đều từng thìa bột bánh dẻo, trộn thật đều.

– Dùng tay thử xem có độ kết dính chưa, nếu chưa thì bạn thêm vào một ít corn syrup (mật ngôi) hoặc rượu, nếu ướt quá thì thêm một ít bột bánh dẻo, canh đến khi nào các nguyên liệu kết dính lại thành một khối là được.

 

* Phần vỏ bánh nướng:

Bước 1:

Cách làm nước đường (cho ra được khoảng 1L nước đường):

– 1 kg đường vàng/đỏ

– 600ml nước

– 1 thìa mạch nha (30g)

– Nước cốt của 1 quả chanh

– 1 thìa cà phê nước tro tàu

– Cho đường và nước vào nồi, khuấy tan rồi đun sôi, khi đường sôi không được khuấy nữa, vặn lửa nhỏ.

– Đun nước đường thêm khoảng 20 phút thì bạn đổ mạch nha và nước cốt chanh vào cùng, lưu ý là vẫn không nên khuấy đường.

– Tiếp tục đun thêm khoảng 15 phút thì cho nước tro tàu vào cùng, đun thêm 5 phút là được, tắt bếp, để nguội , bảo quản trong lọ nơi thoáng mát.

– Bạn nấu càng lâu thì màu nước đường sẽ càng đậm, vỏ bánh sẽ lên màu rất đẹp. Nên được thì bạn chuẩn bị nước đường đã nấu khoảng trước 1 tháng khi làm bánh hoặc lâu hơn nếu có thể, không thì làm trước khoảng 1 tuần.

Bước 2:

– Từ từ rót nước đường đã chuẩn bị vào trộn đều với 320gr bột mì, dùng tay trộn cho đến khi bột thành khối dẻo, mịn.

– Ủ kín bột lại và để bột nghỉ 30 phút.

Bước 3:

– Cân trọng lượng nhân bánh với vỏ bánh theo tỷ lệ 2:1. Ví dụ, làm bánh 150gr thì cân 100gr nhân và 50gr bột. Lấy một lượng bột tương ứng, ve tròn.

– Vo viên phần nhân thật chặt.

 

 

* Cách đóng bánh:

Bước 1:

– Rắc một lớp bột áo mỏng vào khuôn bánh.

Bước 2:

– Cán mỏng viên bột vỏ bánh, dày khoảng 2-3mm. Đặt viên nhân vào giữa, khéo léo bọc kín lại rồi ve tròn sao kho vỏ ôm khít nhân bánh.

– Lăn bánh qua một lớp bột áo rồi đặt vào khuôn, nén chặt. Như thế bánh sẽ chắc hơn và có họa tiết sắc nét đẹp mắt.

Bước 3:

Lót vào khay giấy nến, gỡ bánh ra khỏi khuôn và xếp vào khay nướng.

 

 

* Nướng bánh:

Bước 1:

Làm hỗn hợp trứng để quét lên mặt bánh nướng: 5ml nước + 1 lòng đỏ trứng, khuấy đều hỗn hợp.

Bước 2:

– Làm nóng lò nướng 10 phút ở nhiệt độ 200 – 210 C.

– Xếp bánh lên khay đã quét qua dầu ăn.

– Nướng bánh trong 5 phút, khi bánh có mùi thơm và bắt đầu vàng là được.

– Lấy nhanh bánh ra khỏi lò, xịt một chút nước lọc lên bánh rồi để bánh nghỉ 5 phút.

– Sau đó lấy chổi quét hỗn hợp lòng đỏ trứng lên mặt bánh.

 

Bước 3:

– Vặn lò nướng ở 220 độ C và nướng tiếp 3 phút.

– Khi bánh ngả màu vàng đậm thì tắt bếp, lấy bánh ra.

– Chú ý, nếu sau khi nướng lần 1, thấy bánh bị cứng thì nhúng bánh vào nước lạnh rồi vớt ra, để bánh nghỉ 10 phút mới nướng tiếp lần 2.

– Bánh để khoảng 2 ngày sẽ mềm và lên màu rất đẹp mắt.

 

 

 

 

Chúc các bạn thành công!

 Theo Bếp Thu Trang

 

Cách làm BÁNH TRUNG THU KHOAI TÍM không dùng lò nướng

Bánh trung thu khoai tím là món bánh ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng, nhưng cách làm thì rất đơn giản.

 

Nguyên liệu:

  • – Khoai tím: 4,5 lạng
  • – Hột sen tươi: 2 lạng
  • – Đường: 700g
  • – Dầu ăn: 1 muỗng canh
  • Ngoài ra bạn cần có khuôn làm bánh trung thu mua ở chợ.

Thực hiện:

Bước 1:

– Hột sen rửa sạch, tách đôi, bỏ tim rồi đem hầm nhừ. Sau đó trộn với 700g đường rồi đem xay nhuyễn.

Bước 2:

– Bắc chảo lên bếp làm nóng rồi cho nhân hột sen lên xào tới khi dẻo đặc lại, cho tiếp 1 muỗng canh dầu ăn vào, đảo luôn tay. Sau đó nhắc ra để nguội.

Bước 3:

– Khoai hấp chín, bỏ vỏ, nghiền nát. Ép khoai qua rây để bỏ xơ (chỉ lấy bột khoai nhuyễn). Sau đó cho khoai nghiền vào tủ mát 30 – 60 phút.

Bước 4:

– Nhân sen vo thành những viên nhỏ bằng nhau. Khoai chia ra thành từng phần bằng nhau (một phần khoai to gấp hai phần hạt sen.

 

– Ép phần khoai cho dẹt, sau đó đặt viên nhân hạt sen vào giữa, gấp khoai lại cho kín, vo tròn rồi cho vào khuôn ép tạo hình bánh trung thu.

Vậy là xong món bánh trung thu khoai tím nhân sen. Rất đơn giản mà lại ngon miệng!

Bảo Tố

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĂN BÁNH TRUNG THU

 Bánh trung thu là món ăn truyền thống chưa bao giờ thiếu trong dịp tết Trung Thu. Hiện có rất nhiều loại bánh với nhiều giá cả, chất lượng khác nhau cho bạn lựa chọn. Bánh trung thu ngon và được nhiều người đặc biệt ưa thích, vấn đề là ăn làm sao để tốt hay ít nhất là không có hại cho cơ thể.

Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm cỡ trung bình cung cấp cho cơ thể gần 600 kcal, tức năng lượng gấp 2 lần bát phở bò.

Bánh trung thu thường rất ngọt và béo ngậy, do vậy cung cấp nhiều năng lượng. Trong bánh có rất nhiều đường và chất béo, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng. Ngoài ra tạo nên hương vị đặc trưng còn là một biện pháp để bảo quản bánh.

Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170 g, cung cấp 566 kcal bao gồm 16,3 g đạm – 6,6 g lipid – 110,2g glucid. Một chiếc bánh dẻo một trứng đậu xanh khoảng 176 g chứa 648 kcal (năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò).

Một cái bánh nướng 176 g nhân thập cẩm cung cấp 706 kcal trong đó có 18 g đạm – 31,5 g lipid – 87,5 g glucid. Một chiếc bánh nướng đậu xanh một trứng trọng lượng 176 g cung cấp 648 kcal gồm 19,5 g protid – 27,5 g lipid – 80,6 g glucid.

Bánh trung thu thường khó tiêu do nhiều chất béo, đạm động vật vì vậy chỉ cần cho trẻ ăn một miếng, 1/8 chiếc bánh sau bữa ăn là đủ. Ảnh: N.Phương. 

Lượng bột đường

Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (một bát cơm 258 g). Đường  chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh nên có thể gây tăng đường huyết nhanh. Vì thế nếu ăn bánh trung thu quá nhiều, trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể bị tiểu đường. Với trẻ biếng ăn, khi ăn một miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và làm chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.

Chất béo

Phần lớn chất béo trong bánh trung thu từ thịt mỡ, là loại chất béo no gây nhiều tác hại. Chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng có chút acid béo không no có lợi.

Lượng chất béo trong một chiếc bánh trung thu bằng 1-2 lần lượng chất béo trong một bát phở bò hoặc phở gà.

Chất đạm

Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật; nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc.

Vitamin

Các vitamin trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.

Lời khuyên

Bánh trung thu giàu năng lượng từ đường và chất béo, nên với trẻ thừa cân béo phì và người mắc bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng thì là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe. Trẻ gầy ít thích ăn bánh, trẻ thừa cân béo phì thì ngược lại, thậm chí bánh càng ngọt càng béo chúng lại càng thích.

Ăn bánh thường khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ. Ăn xong trẻ cần súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn.

Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn một nửa bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày phải bớt đi khoảng một bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, đồng thời tăng lượng rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh.

Nếu không giảm phần cơm thì nhớ đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.

Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng, nên lựa chọn bánh trung thu dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo. Mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến
Viện Dinh dưỡng

Nguồn: VNexpress.net

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/dinh-duong/thuc-don/mot-chiec-banh-deo-thap-cam-beo-bang-2-bat-pho-bo-3268574.html

Bộ ảnh Tết Trung thu xưa (phần 1)

Trong phần 1 của loạt ảnh, mời các bạn đến với những hình ảnh ghi lại cảnh vui trung thu xưa lắc xưa lơ…

 

Những ảnh này nằm trong số những bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp (École Francaise d’ Extrême – Orient)

Đám con trẻ hào hức với Tết trung thu xưa

Đèn lồng, đèn cá chép, đèn kéo quân luôn làm những đứa trẻ thèm thuồng

Đèn hình con cua là ước ao của bọn trẻ cả tháng trời trước Tết trung thu

Đủ các món đồ chơi được bày bán ở những khu chợ xưa

Múa lân trung thu xưa

Một cửa hàng thực phẩm thời xưa, nay chỉ còn là dĩ vãng

Mâm cỗ trung thu xưa có đầy đủ các loại trái cây

 

Xem tiếp:
Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 2)