5 TRƯỜNG HỢP BỆNH CẦN KIÊNG TỎI

Tỏi là loại gia vị, đồng thời là loại dược liệu quý cho con người với khả năng phòng chống nhiều bệnh tật. Tuy vậy, không phải ai cũng thích hợp với loại nguyên liệu đặc biệt này.

Cho dù bạn không mắc bệnh đi nữa, thì ăn quá nhiều tỏi cũng không tốt. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, mỗi ngày bạn chỉ nên ăn nhiều nhất 10g tỏi. 

Sau đây là những loại bệnh mà khi mắc phải, bạn cần hạn chế / tránh xa tỏi:

Tiêu chảy

Lúc bạn bị tiêu chảy, hệ tiêu hóa đang bị tổn thương do vi khuẩn xâm nhập. Lúc này ăn tỏi sẽ gây kích ứng, càng dễ làm niêm mạc ruột tổn thương, xung huyết, nghẽn tắc những chất cần được tiêu hóa. Điều này làm bệnh càng trầm trọng hơn.


Bệnh về mắt

Tỏi có thể làm tổn thương mắt người bình thường nếu ăn quá nhiều trong thời gian dài. Còn với người bị thị lực sút kém, hoa mắt, mắc các bệnh về mắt thì nên kiêng tỏi.

Viêm gan

Một số thành phần của tỏi khi vào dạ dày gây kích thích mạnh, ức chế tiết dịch vị ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn. Nếu người ăn có bệnh gan thì điều này sẽ gây triệu chứng buồn nôn.

Hơn nữa, các thành phần dễ bay hơi của tỏi làm giảm hemoglobin có thể dẫn đến thiếu máu, không có lợi cho việc điều trị bệnh gan.

Bệnh thận

Người mắc các bệnh về thận và đang uống thuốc điều trị cần kiêng tỏi vì tỏi làm mất hiệu quả của thuốc, hoặc làm xuất hiện tác dụng phụ của thuốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sức đề kháng yếu:

Ăn tỏi nhiều sẽ tiêu hao khí của con người, đồng thời cũng tiêu hao cả máu. Hơn nữa tỏi hăng, nóng, có độc, sinh đờm động nhiệt, tản khí hao máu. Vì vậy, người có thể chất kém, khí huyết yếu cần chú ý hạn chế ăn tỏi.

Theo Trí Thức Trẻ

15 THÓI QUEN GÂY HƯ THẬN

Bạn có thể sống bình thường với quả thận chỉ còn 20% chức năng. Điều đó giải thích tại sao sự suy giảm từ từ và tổn thương dần của thận có thể không được nhận ra trong thời gian dài.

Đôi khi một số thói quen phổ biến có thể gây tổn thương cho thận. Khi vấn đề được phát hiện thì có thể đã là quá trễ.

Thận thực hiện nhiều chức năng như sản xuất hormone, lọc máu, hấp thu khoáng chất, sản xuất nước tiểu và duy trì cân bằng axit-alkaline lành mạnh. Do vậy, con người không thể sống mà thiếu thận. Nếu bạn muốn thận phát triển và phục vụ sức khỏe tốt thì cần loại bỏ những thói quen gây hại dưới đây:

1. Uống soda có đường

Hay uống nước ngọt là một trong những thói quen chính gây hại cho thận. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống trên 2 cốc soda mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh thận cao hơn. Protein sẽ lọt vào nước tiểu của bạn trong trường hợp thận bị tổn thương. Protein trong nước tiểu (protein niệu) là một dấu hiệu sớm của tổn thương thận. Khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh có thể vẫn cứu chữa được.

2. Thiếu vitamin B6

Đây cũng là một trong những lý do gây tổn thương thận. Chế độ ăn lành mạnh là quan trọng để có chức năng thận tốt. Theo một nghiên cứu, thiếu vitamin B6 làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Để chức năng thận được hoạt động tối ưu, bạn nên dùng ít nhất 1,3miligram vitamin B6 mỗi ngày. Những nguồn thực phẩm giàu loại vitamin này nhất gồm cá, đậu xanh, gan bò, khoai tây và các loại rau giàu tinh bột.

3. Ít vận động

Tập luyện là cách tốt để bảo vệ thận. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người chăm chỉ tập luyện giảm 31% nguy cơ bị sỏi thận. Duy trì cân nặng vừa phải cũng sẽ làm giảm nguy cơ bị sỏi thận. Không tập luyện là một thói quen gây tổn hại cho chiếc máy lọc máu này.

4. Thiếu magiê

Thiếu magiê có thể gây rắc rối cho thận. Nếu bạn không hấp thu đủ magiê, canxi không thể được hấp thụ và tiêu hóa hợp lý. Điều này có thể dẫn tới canxi bị dư thừa và hình thành sỏi. Để dự phòng điều này, bạn cần có đủ magiê trong chế độ ăn, ăn nhiều rau lá xanh, đậu, hạt, và quả bơ.

5. Thiếu ngủ

Ngủ không hợp lý cũng góp phần gây tổn hại cho thận. Giấc ngủ ngon rất quan trọng đối với nội tạng này. Một nghiên cứu chỉ ra rằng sự gián đoạn giấc ngủ kéo dài có thể gây bệnh thận. Mô thận được tái tạo trong đêm, vì vậy sự gián đoạn giấc ngủ có thể gây tổn hại trực tiếp cho nó. Bạn cần ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm.

6. Không uống đủ nước

Bạn cần uống đủ nước để duy trì chức năng thận. Nếu không uống đủ, các độc tố có thể bắt đầu tích tụ trong máu. Uống ít nhất 12 cốc nước mỗi ngày là tốt cho thận. Một cách đơn giản để xem bạn có uống đủ nước hay không là kiểm tra màu nước tiểu. Nếu không uống đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng sậm.

7. Nhịn tiểu

Khi cơ thể có nhu cầu bạn nên đáp ứng. Giữ lại nước tiểu trong bàng quang là không tốt. Nếu thường xuyên như vậy sẽ làm gia tăng áp lực nước tiểu lên thận và dẫn tới suy thận.

8. Sử dụng quá nhiều muối

Đây là một trong những nguyên nhân gây suy thận. Muối rất quan trọng với cơ thể nhưng bạn nên hạn chế việc hấp thu nó. Sử dụng quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và tăng áp lực lên thận. Bạn không nên ăn quá 5,8 g muối mỗi ngày.

9. Dùng quá nhiều caffein

Bạn thường sử dụng nhiều caffein hơn mình nghĩ. Caffein có trong nhiều loại nước ngọt và soda, đồ uống năng lượng và cà phê. Huyết áp sẽ tăng do dư thừa caffein và thận của bạn có nguy cơ bị tổn thương. Vì vậy hãy sử dụng hạn chế caffein.

10. Lạm dụng thuốc giảm đau

Đôi khi bạn dùng thuốc quá thường xuyên và với liều quá lớn. Khi cơn đau xuất hiện, có thể khắc phục dễ dàng bằng việc uống thuốc. Nhưng bạn nên thận trọng vì tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ và nhiều loại thuốc gây tổn thương cho thận.

11. Uống thuốc không đầy đủ

Huyết áp cao và tiểu đường là 2 bệnh phổ biến gây ra bởi lối sống và chế độ ăn không lành mạnh. Nếu bạn mắc các bệnh này, bạn có thể bị tổn thương thận từ từ. Tuy nhiên, nếu bạn uống thuốc đầy đủ, tổn thương sẽ được dự phòng. Hãy bảo vệ cơ quan thiết yếu này của bạn bằng cách dùng thuốc theo đơn.

12. Ăn quá nhiều đạm (protein)

Theo một nghiên cứu, việc sử dụng quá nhiều đạm trong chế độ ăn có thể gây hại cho thận. Sản phẩm phụ của tiêu hóa đạm là ammonia. Nó là một chất độc mà thận cần phải vô hiệu hóa. Nhiều đạm nghĩa là thận phải làm việc nhiều hơn, điều này có thể dẫn tới suy giảm chức năng thận.

13. Không điều trị những bệnh nhiễm trùng thông thường một cách nhanh chóng và thích hợp

Đôi khi bạn bị cảm lạnh đơn thuần. Bạn buộc cơ thể phải làm việc và không nghỉ ngơi hợp lý. Điều này có thể gây tổn thương cho thận. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người không nghỉ ngơi và điều trị hợp lý thường kết thúc với bệnh thận.

14. Uống quá nhiều rượu

Các độc tố trong rượu không chỉ gây tổn thương cho gan mà còn gây tổn thương cho thận. Điều này sẽ làm tăng áp lực cho nó và khiến thận bị tổn thương từ từ. Một cách để tránh bệnh này là uống rượu vừa phải.

15. Hút thuốc

Hút thuốc có liên quan tới bệnh xơ vữa động mạch. Việc thu hẹp và xơ cứng mạch máu ảnh hưởng tới việc cung cấp máu cho các cơ quan thiết yếu trong đó có thận. Theo nghiên cứu này, cứ hút 2 điếu thuốc mỗi ngày là có thể tăng gấp đôi số tế bào nội mô có trong máu. Đây là dấu hiệu của tổn thương động mạch.

Hải Ngân (Theo Boldsky)

VNEXPRESS.NET

7 THỰC PHẨM BỒI BỔ THẬN TRONG BẾP NHÀ BẠN

Thận là cơ quan nội tạng quan trọng hàng đầu trong cơ thể người. Việc gìn giữ, bảo vệ để có quả thận khỏe mạnh cũng chính là cách để bảo vệ sức khỏe của bạn. Trong đời sống hàng ngày, có nhiều thực phẩm có tác dụng như thuốc bổ thận, đây là những thực phẩm ai cũng nên bổ sung để phòng ngừa cũng như ngăn chặn các vấn đề nguy hại liên quan đến thận.

Tỏi

1 củ tỏi trung bình chứa 1 mg natri, 12 ng kali, 4 mg phốt pho. 

 

Tỏi là một trong những loại gia vị mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe vì chúng có khả năng phòng ngừa và chữa trị nhiều căn bệnh khác nhau. Tỏi giúp ngăn ngừa sự hình thành các mảng bám trên răng, hạ thấp mức cholesterol trong cơ thể và hạn chế sự viêm nhiễm.

Với hàm lượng natri, kali và phốt pho thấp, tỏi là thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của những người mắc bệnh thận. Chúng được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau: ăn sống, ngâm chua, được băm nhuyễn hoặc nghiền thành bột để dùng làm nguyên liệu hay gia vị cho nhiều món ăn.

Táo xanh

Tất nhiên chúng ta nên ăn táo cả vỏ bởi nó rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Đồng thời, táo có tính mát, lợi tiểu, giảm cholesterol, ngăn ngừa táo bón và ung thư nhờ vào lượng chất xơ dồi dào và các hợp chất chống viêm.

Táo có thể ăn, ép lấy nước hoặc chế biến thành các món bánh đều rất tốt cho người bệnh thận vì nó không chứa natri. 

Bí ngô

Những kết quả nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, bí ngô không chỉ là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là bài thuốc hiệu quả đối với bệnh nhân tiểu đường, suy thận và giúp cơ thể phục hồi tuyến tụy. Bí ngô chứa nhiều tinh bột nhưng chỉ số đường huyết (GI) của nó rất thấp, do đó nó làm giảm lượng đường trong máu giúp quá trình lọc máu ở cầu thận được dễ dàng hơn, tránh nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thành mãn tính.

Các loại cá béo (cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu…) thường chứa nhiều omega-3 – có tác dụng chống viêm nên có thể làm giảm các vấn đề về thận.

 Cá cũng là một nguồn protein tốt nên bạn đừng bỏ qua món ăn bổ dưỡng này nhé. 

Hồng xiêm

Loại quả rất quen thuộc và được nhiều người ở mọi lứa tuổi ưa thích. Hồng xiêm có chứa hàm lượng sodium rất thấp (chất này có hầu hết trong các loại hoa quả và muối), nó giúp điều hòa thể dịch cũng như các hoạt động trao đổi chất. Tuy nhiên, hàm lượng sodium cao sẽ ảnh hưởng đến thận, huyết áp và tim mạch.

Do hàm lượng sodium thấp và vị ngọt của đường tự nhiên nên bệnh nhân huyết áp và thận có thể ăn thường xuyên để giảm nguy cơ và các biến chứng bệnh nguy hiểm.

Hồng xiêm có chứa hàm lượng sodium rất thấp tốt cho thận 

Ớt chuông đỏ

½ chén ớt chuông đỏ chứa khoảng 1 mg natri, 88 mg kali, 10 mg phốt pho

Lượng kali trong ớt chuông đỏ khá ít nhưng loại rau có mùi vị khá thơm ngon này lại là nguồn cung cấp vitamin C và A cực kỳ dồi dào bên cạnh các vitamin B6, a-xít folic và chất xơ. Ớt chuông đỏ tốt cho cơ thể vì chúng chứa nhiều lycopene – chất chống ô-xy hóa giúp phòng chống một số căn bệnh ung thư.

Bạn có thể dùng ớt chuông đỏ bằng cách ăn sống, cho vào món rau trộn hoặc dùng làm nguyên liệu cho các món rau xào…

Bắp cải

Bắp cải là một nguồn tuyệt vời của chất phytochemical. 

Bắp cải là một nguồn tuyệt vời của chất phytochemical có thể tiêu trừ các gốc tự do, giảm thiệt hại cho cơ thể, đặc biệt là làn da, đồng thời có thể lọc máu rất tốt.

Chính nhờ những tác dụng này mà bắp cải còn giúp làm giảm nhẹ nhiệm vụ lọc máu cho thận. Đó là lý do tại sao những có vấn đề về thận nên ăn nhiều bắp cải.

Dâu tây

Trong dâu tây có chứa hai loại phenol (còn được gọi là a-xít carbolic) là anthocyanins và ellagitanins. Anthocyananins mang lại cho dâu tây màu đỏ đặc trưng và là chất chống ô-xy hóa hiệu nghiệm giúp bảo vệ các cấu trúc tế bào của cơ thể và ngăn ngừa những tổn hại của việc ô-xy hóa.

Dâu tây còn là thực phẩm cung cấp rất nhiều vitamin C và man-gan, bên cạnh lượng chất xơ dồi dào. Đây đều là những thành phần giúp bảo vệ tim, chống ung thư và viêm nhiễm.

 

Lòng trắng trứng

5 trái dây tây tươi với kích cỡ trung bình sẽ cung cấp 1 mg natri, 120 kali và 13 mg phốt pho. 

Nếu bạn có vấn đề về thận, bạn cần protein với một ít phốt pho. Lòng trắng trứng sẽ cung cấp đầy đủ 2 dưỡng chất cần thiết này cho bạn. Lòng trắng trứng chứa protein lành mạnh và ít phốt pho hơn các thực phẩm khác. Hãy nhớ rằng những người có vấn đề về thận nên tránh lòng đỏ trứng.

Súp lơ

Cách đơn giản nhất để chuẩn bị món ăn từ súp lơ là để đun sôi và thêm ít muối tiêu nếu bạn thích. Rau củ nói chung tốt cho cơ thể trong việc đào thải các chất độc hại, súp lơ lại càng tốt hơn.

Súp lơ rất giàu là indoles, glucosinolate và thioxyanat có tác dụng loại bỏ các chất thải và độc hại ra khỏi cơ thể bạn nhanh hơn. 

 

Với những bệnh nhân suy thận mạn để có chế độ dinh dưỡng hợp lý đảm bảo phát triển khỏe mạnh cả về thể lực và trí lực cần phải có những hiểu biết cơ bản về nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, giá trị dinh dưỡng của các nhóm thức ăn… để từ đó biết cách lựa chọn và ăn phù hợp với nhu cầu trong từng điều kiện.

Chế độ dinh dưỡng thận trọng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và kéo dài thời gian làm việc của thận hơn. Vận động thường xuyên rất cần thiết cho người có bệnh thận mãn tính vì giúp tăng sức khoẻ, nghị lực sống, giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát cân nặng, giảm nồng độ mỡ máu.

Theo B.L (tổng hợp), Lao Động

Suy thận vì uống quá nhiều trà đá

Các bác sĩ Mỹ xác định nguyên nhân khiến một người đàn ông 56 tuổi suy thận là thói quen mỗi ngày uống 16 cốc trà đá của ông ta.

Báo cáo về bệnh nhân này được đăng hôm qua (1/4) trên tạp chí New England Journal of Medicine. Chức năng thận của người đàn ông này không thể hồi phục. Ông phải duy trì việc chạy thận nhân tạo, tiến sĩ Alejandra Mena-Gutierrez, Trung tâm y tế, Đại học Arkansas (Mỹ) – người điều trị cho bệnh nhân, viết trong báo cáo. Tiến sĩ nhấn mạnh, điều độ là điều quan trọng nhất cần lưu ý khi nói về thói quen uống trà.

“Chúng tôi không khuyên mọi người đừng uống trà. Nếu bạn khỏe mạnh và uống trà vừa phải, nó sẽ không gây hại gì cho thận của bạn”, bác sĩ Mena-Gutierrez nói.

Tháng 5/2014, người đàn ông nói trên phải vào Bệnh viện Arkansas trong tình trạng mệt mỏi, đau nhức. Kết quả các xét nghiệm cho thấy nước tiểu của ông có nồng độ cao tinh thể canxi oxalat – các thành phần của sạn thận. Ông ta không có tiền sử gia đình về bệnh thận và trước đây cũng chưa từng có sạn thận. Để điều trị tình trạng suy thận của ông, các bác sĩ cho bệnh nhân chạy thận.

Bệnh nhân này nói với bác sĩ rằng ông đã uống 16 cốc trà đá mỗi ngày. Trà đen – trong nước trà đá mà ông ta đã uống – là một nguồn rất giàu oxalat, một thành phần góp phần gây các vấn đề về thận nếu tiêu thụ nhiều. Các bác sĩ kết luận rằng việc sử dụng quá mức oxalat trong trà đá ở bệnh nhân này dẫn tới suy thận là một quá trình diễn ra rất nhanh. Tình trạng của ông ta “không thể giải thích bởi các nguyên nhân nào khác”, bác sĩ Mena-Gutierrez nói.

Theo báo cáo, trung bình một người ở Mỹ tiêu thụ khoảng 152-511 mg oxalat mỗi ngày. Mức này cao hơn 40-50 mg một ngày theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng và chế độ ăn uống Mỹ. Các nhà nghiên cứu cho biết, có khoảng 50-100 mg oxalat trong mỗi 100 ml nước trà đen. Với 16 cốc trà mỗi ngày, mức tiêu thụ oxalat của bệnh nhân là hơn 1500 mg – cao hơn mức nạp vào của một người trung bình khoảng 3-10 lần.

Trong một báo báo khác đăng tải năm 2013 trên tạp chí y khoa Anh New England Journal of Medicine, các nhà nghiên cứu đã mô tả một trường hợp bệnh hiếm gặp gọi là “nhiễm độc fluor ở xương”. Bệnh nhân là một phụ nữ uống mỗi ngày một bình trà pha từ 100 túi trà, suốt trong 17 năm.

Ở trường hợp bệnh nhân này, bệnh xương của bà có khả năng do sử dụng quá nhiều fluor, một loại khoáng chất có trong trà và nước uống.

Vương Linh (theo Livescience.com)

Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tu-van/suy-than-vi-uong-qua-nhieu-tra-da-3176619.html

7 thói xấu làm hư thận của bạn

Thận là cơ quan có chức năng quan trọng bậc nhất trong cơ thể người. Việc duy trì một quả thận khỏe mạnh đến từ chế độ ăn uống hợp lý, và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Nếu bạn có những thói quen sau đây, hãy chỉnh đốn lại ngay.
1. Không thích uống nước

Phần lớn cánh XY không mấy hứng thú với nước, thậm chí còn nghĩ rằng nó không quan trọng. Chính suy nghĩ này đã vô tình làm tổn hại lớn đến cơ thể. Bạn có biết chất thải được thải ra trong quá trình trao đổi chất chủ yếu do việc xử lý của gan và thận? Thận là nơi chịu trách nhiệm hòa giải quan trọng nhất giúp cân bằng nước và chất điện phân trong cơ thể.

Giải pháp: Tập thói quen uống nhiều nước, nó có thể pha loãng với nước tiểu, để nước tiểu nhanh chóng được thải ra. Uống nước không chỉ ngăn ngừa bệnh sỏi thận, mà khi ăn quá mặn, nước sẽ giúp nước tiểu trong hơn, bảo vệ thận tốt hơn.

2. Dùng thức uống giải khát thay nước

Hầu hết cánh mày râu không thích nước lọc nhạt nhẽo. Các loại nước ngọt, côca cola hoặc cà phê được xem là loại nước thay thế tốt nhất cho nước lọc. Tuy nhiên, những đồ uống có chứa caffeine, thường dẫn đến tăng huyết áp, và cao huyết áp, là một nhân tố lớn làm tổn thương thận.

Giải pháp: Cố gắng tránh uống quá nhiều nước giải khát, thay vào đó là nước lọc. Mỗi ngày nên uống 8 cốc nước để kịp thời bài các độc tố ra khỏi cơ thể.

3. Ăn quá nhiều thịt

Mỗi ngày lượng protein cần hấp thụ cho mỗi kg trọng lượng cơ thể là 0,8 gam. Một người nặng khoảng 50 kg, mỗi ngày chỉ nên hấp thụ khoảng 400 gam protein. Do vậy, bạn không nên ăn quá 300 gam thịt/ ngày để tránh tổn hại thận.

Giải pháp: Nếu trong nước tiểu, bạn phát hiện thấy protein, lại ăn quá nhiều thịt, lâu dài sẽ tổn thương đến chức năng thận. Những người suy thận mãn tính nên ăn ít hơn.

4. Ăn hoa quả và rau xanh không phù hợp

Ăn trái cây và hoa quả rất tốt cho sức khỏe. Nhưng đối với những người bị suy thận mãn tính, trái cây và hoa quả được coi là thực phẩm tự nhiên có thể làm giảm huyết áp cao, vì nó chứa thành phần kali cao, ăn nhiều sẽ dẫn đến hại thận. Trên thực tế, đối với những người thận không tốt, kali cũng là thành phần gây tổn thương cho thận.

Giải pháp: Nếu bạn bị rối loạn chức năng thận mãn tính, chú ý đến ăn trái cây và hoa quả một cách phù hợp, tránh ảnh hưởng đến thận. Không uống nước ép quá đặc, canh lẩu, canh rau. Ăn các thực phẩm thanh đạm là thích hợp nhất với người bị thận.

5. Lạm dụng thuốc giảm đau

Nếu thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau hỗn hợp, lượng máu trong cơ thể sẽ giảm, nghiêm trọng hơn sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận. Chú ý là thuốc giảm đau cho những người suy thận dễ dẫn đến ung thư bàng quang.

Giải pháp: Bất kể là dùng loại thuốc giảm đau nào, bạn cũng nên dùng hạn chế nhất có thể. Nếu như thường xuyên phải dựa vào thuốc giảm đau, bạn cần có sự kiểm tra toàn diện của bác sĩ.

6. Ăn quá nhiều muối

Muối là thủ phạm chủ yếu làm giảm chức năng thận, 95% muối trong thức ăn là do thận chuyển hóa. Nếu hấp thu quá nhiều sẽ tăng gánh nặng cho thận. Natri trong muối khiến nước trong cơ thể con người sẽ không được bài tiết ra ngoài, làm giảm chức năng thận.

Giải pháp: Mỗi ngày nên hấp thu lượng muối thích hợp khoảng 6 gam hoặc ít hơn. Trong đó 3 gam được lấy trực tiếp từ thực phẩm hàng ngày. Bởi vây nêm gia vị trong thực phẩm khoảng 3 – 5 g hoặc ít hơn là tốt nhất. Chú ý là muối trong mì ăn liền nhiều, bởi vậy bạn cũng nên hạn chế đồ ăn này.

7. Quá nhiều áp lực gây nên huyết áp cao

Huyết áp cao trở thành mối đe dọa cho sức khỏe, phần lớn là do áp lực công việc gây nên. Do đó gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thận.

Giải pháp: Những người trẻ tuổi rất khó phát hiện tình trạng huyết áp cao của mình. Vì vậy mà bất kể bao nhiêu tuổi , đều nên đo huyết áp định kỳ để biết tình hình của thận. Không thức khuya, tránh áp lực quá lớn khiến huyết áp tăng.

  Minh Thơ (VNexpress.net)

12 KIỂU ĂN UỐNG CÓ HẠI CHO THẬN

Thận là cơ quan giữ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, tình trạng của một quả thận có thể quyết định phần lớn các vấn đề về sức lực và sức khỏe của mỗi người.
Ăn quá nhiều thực phẩm có đường sẽ thúc đẩy sự hình thành axit uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận.

Theo Thehealthsite, thận có chức năng lọc tất cả máu trong cơ thể theo chu kỳ 30 phút một lần, song khả năng lọc của cơ quan này có xu hướng giảm khi độ tuổi của bạn tăng lên. Khi bạn đến tuổi 30, chức năng thận sẽ giảm 10% sau mỗi thập kỷ. Đó là lý do bạn nên giảm áp lực cho thận trước khi quá muộn. Dưới đây là 13 thứ bạn tiêu thụ hàng ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh về thận.

1. Đường

Đường chứa đầy fructose, việc tiêu thụ quá nhiều đường thúc đẩy sự hình thành axit uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận cũng như sức khỏe hệ tim mạch.

2. Nước ngọt có gas

Nếu bạn đang dần hình thành thói quen tiêu thụ ít nhất hai lon nước giải khát mỗi ngày, bạn sẽ có nguy cơ mắc chứng proteinuria (hàm lượng protein trong nước tiểu quá nhiều). Trong trường hợp này, sự bài tiết protein trong nước tiểu gia tăng, nghĩa là thận đã bị tổn thương.

3. Màu thực phẩm

Bạn có thói quen thêm phẩm màu vào các món ăn để làm cho chúng trông hấp dẫn hơn? Nếu có, hãy ngừng thói quen sử dụng phẩm màu từ bây giờ. Các loại màu thực phẩm phổ biến hiện nay dễ gây hại và làm chậm quá trình phát triển của thận.

4. Các thực phẩm giàu protein

Chế độ ăn uống giàu protein làm tăng gánh nặng cho thận vì có quan này phải tăng cường làm việc để đào thải một lượng lớn urê ra khỏi cơ thể. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương thận. Ngoài ra, nếu cơ thể đang bị chứng nhiễm ceton (thể ceton trong máu tăng quá mức cho phép) còn dẫn đến sự gia tăng bài tiết canxi, là nguyên nhân gây bệnh sỏi thận.

5. Muối

Muối chứa nhiều natri, làm huyết áp của bạn tăng lên. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy hấp thụ lượng muối nhiều sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp suy thận.

6. Thuốc giảm đau

Nếu bạn có thói quen uống thuốc giảm đau mỗi khi bị đau nhẹ, sốt hoặc cảm lạnh, khi đó bạn đang làm hại cơ thể hơn là giúp đỡ nó. Sử dụng thuốc giảm đau lâu dài hoặc với liều lượng cao có thể gây tổn hại cho các mô thận, giảm lưu lượng máu đến cơ quan này, từ đó dẫn đến tổn thương hoặc suy thận.

7. Đồ ăn vặt

Bạn nên tránh xa đồ ăn vặt vì thận phải lọc các độc tố có hại từ máu, ăn nhiều đồ ăn vặt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thận.

8. Chất cồn

Tiêu thụ quá nhiều chất cồn, đặc biệt có nhiều trong rượu, dễ dẫn đến tình trạng lắng đọng axit uric ở ống thận. Từ đó gây tắc nghẽn ống thận, làm tăng nguy cơ suy thận và các bệnh về thận. Ngoài ra, sự cân bằng điện giải và các kích thích tố ảnh hưởng đến chức năng thận của bạn cũng bị xáo trộn do tiêu thụ quá nhiều chất cồn.

9. Mất nước

Những ngày hè nóng bức và ẩm ướt có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Do nhiệt độ cao dẫn đến tình trạng mất nước, làm tăng nồng độ canxi trong cơ thể, dẫn đến bệnh sỏi thận. Vì vậy hãy duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể trong mùa này.

10. Thịt

Bạn sẽ có nguy cơ suy thận cao gấp 3 lần do chế độ ăn nhiều thịt (còn được gọi là chế độ ăn uống có độ axit cao). Do đó, hãy hạn chế tiêu thụ các loại thịt và thay vào đó tăng cường các loại trái cây và rau quả để bảo vệ thận.

11. Nước xốt

Nước xốt là thành phần không thể thiếu khi chuẩn bị món mì ống, pizza và phở. Tuy nhiên, chúng chứa đầy natri, chất gây ra cao huyết áp và cũng dẫn đến nguy cơ bệnh thận. Vì vậy, hãy thay thế nước sốt bằng nhiều loại rau củ và gia vị để có được nhiều lợi ích sức khỏe.

12. Viên uống bổ sung vitamin C

Theo một nghiên cứu tiến hành bởi Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, việc tiêu thụ viên uống bổ sung vitamin C hàng ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ bị sỏi thận ở nam giới. Nguyên nhân là do một phần vitamin C cơ thể hấp thụ sẽ được bài tiết ra đường nước tiểu dưới dạng oxalate, một trong những thành phần chính của sỏi thận.

Thanh Hiền (VNexpress.net)

Nguồn: [ http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tu-van/13-loai-thuc-an-pho-bien-gay-hu-than-3161360.html ]

9 THỰC PHẨM TỐT NHẤT CHO THẬN

Thận là cơ quan giữ chức năng rất quan trọng trong cơ thể. Bảo vệ thận cũng là bảo vệ sức khỏe, thể lực của bạn. Sau đây là những món ăn có tác dụng tốt đối với thận. 

Hầu hết các thực phẩm tốt cho thận đều là những thực phẩm chứa các chất chống oxy hóa, giúp cơ thể đẩy lùi gốc tự do, sản xuất năng lượng… trong cơ thể. Các gốc tự do là những phân tử không ổn định, có thể gây tổn hại cho protein, gen và màng tế bào, dẫn đến góp phần tăng quá trình lão hóa và nhiều bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim và bệnh Alzheimer.

Để thận thực hiện tốt chức năng của nó, chế độ ăn uống của bạn cần được bổ sung đủ vitamin, yếu tố vi lượng, ăn các loại thức ăn có nhiều sắt B12, B6, C, A, E và chứa ít kali vì lượng kali nếu vào cơ thể quá nhiều có thể khiến cho thận không lọc được hết, dẫn đến ứ đọng lại trong cơ thể, ảnh hưởng cho tim và khả năng hoạt động của thận. Dưới đây là 15 loại thực phẩm rất tốt cho thận của bạn mà bạn có thể bổ sung hàng ngày trong chế độ ăn uống của mình. Những thực phẩm này đặc biệt tốt cho những người bị bệnh thận mãn tính hoặc đang chạy thận.

1. Ớt chuông đỏ

Ớt chuông đỏ là một lựa chọn tốt cho những người quan tâm về sức khỏe của thận, bởi vì nó có ít kali. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều vitamin A, C, B6, axit folic và chất xơ… giúp tăng cường chức năng của thận. Chúng cũng chứa các chất chống oxy hóa lycopene, giúp bảo vệ cơ thể chống lại một số loại ung thư.

2. Bắp cải

Bắp cải là một loại rau họ cải chứa đầy các hợp chất hóa học có tác dụng phá vỡ các gốc tự do, chống lại bệnh ung thư và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.

Bắp cải còn là một loại thực phẩm tuyệt vời cho kế hoạch ăn uống của bạn, bởi vì nó cũng giàu vitamin K và C, chất xơ và một nguồn cung cấp vitamin B6 và axit folic, nhưng lại chứa ít kali nên đặc biệt tốt cho thận.

3. Súp lơ

Loại rau họ cải này mang lại rất nhiều vitamin C, folate và chất xơ… giúp trung hòa các chất độc hại trong gan, thận.

Súp lơ có thể được ăn sống với nhúng hoặc trong món salad. Hấp hoặc luộc, nó có thể được tẩm gia vị và trở thành một món ăn tuyệt vời. Bạn có thể ăn món súp lơ nghiền để làm sạch cơ thể và lọc các tạp chất trong máu.

4. Tỏi

Tỏi tốt cho việc giảm viêm và giảm cholesterol. Nó cũng có chất chống oxy hóa và chống đông máu nên cũng được coi là tốt cho thận của bạn. Tỏi sau khi được chế biến sẽ không ảnh hưởng đến tính chống oxy hóa của nó, nhưng sẽ làm cho khả năng giảm chống đông máu và chống viêm bị giảm đi.

5. Hành tây

Không chỉ chứa hàm lượng kali thấp, hành tây có đầy đủ các chất flavonoid, đặc biệt là quercetin. Flavonoid là những hóa chất tự nhiên ngăn chặn các chất béo trong mạch máu. Quercetin là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ mà được cho là có thể giúp giảm bệnh tim và bảo vệ cơ thể chống lại nhiều loại ung thư. Nó cũng có đặc tính kháng viêm nên sẽ giúp thận làm việc hiệu quả hơn.

Hành tây cũng chứa crom, một loại khoáng chất giúp cơ thể chuyển hóa của chất béo, protein và carbohydrate nên sẽ giảm gánh nặng cho thận.

6. Quả việt quất

Quả việt quất “thân thiện” với thận vì nó chứa các hợp chất chống oxy hóa gọi là anthocyanidins, vitamin C, chất xơ… có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu, bởi vì nó làm cho nước tiểu có tính axit hơn và giúp ngăn ngừa vi khuẩn bám vào bên trong của bàng quang. Quả việt quất cũng đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa ung thư và bệnh tim.

7. Quả mâm xôi

Quả mâm xôi chứa một hợp chất gọi là axit ellagic, giúp trung hòa các gốc tự do. Màu đỏ của berry đến từ chất chống oxy hóa gọi là anthocyanin, cũng có tác dụng tăng cường khả năng hoạt động, thải lọc của gan, thận, cản trở sự tăng trưởng và hình thành các khối u. Quả mâm xôi còn chứa nhiều chất xơ, vitamin C, mangan, folate, một loại vitamin B… nên tốt cho sức khỏe nói chung.

8. Cá

Một nguồn chất lượng cao của protein là cá. Hiệp hội bệnh tiểu đường Mỹ và Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên bạn nên bổ sung cá trong các bữa ăn hai hoặc ba lần một tuần. Không những là một nguồn tuyệt vời của protein, cá có chứa chất béo có khả năng chống viêm được gọi là omega-3. Những chất béo lành mạnh giúp phòng ngừa các bệnh như ung thư và bệnh tim. Chúng cũng giúp giảm LDL (cholesterol xấu) và tăng HDL (cholesterol tốt) và bảo vệ các cơ quan nội tạng, trong đó có cả thận.

Các loại cá có nhiều nhất omega-3 là cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích…

9. Nho đỏ

Màu sắc trong nho đỏ là nhờ chất flavonoid. Hợp chất này tốt cho trái tim của bạn, bởi vì nó ngăn chặn quá trình oxy hóa và làm giảm nguy cơ cục máu đông. Một chất chống oxy hóa khác có trong nho là resveratrol có thể thúc đẩy sản xuất oxit nitric, làm tăng cơ bắp thư giãn trong các mạch máu để máu lưu thông tốt hơn. Flavonoids cũng giúp bảo vệ bạn khỏi ung thư và ngăn ngừa viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm ở những cơ quan làm nhiệm vụ thải lọc trong cơ thể như gan và thận.

Theo: Sức khỏe đời sống

8 thói quen làm hại thận của bạn

Thận rất quan trọng với sức khỏe của chúng ta. Nhiệm vụ của thận là lọc máu, sản xuất kích thích tố, hấp thụ khoáng chất, sản xuất nước tiểu, loại bỏ độc tố và trung hòa axit. Tổn thương hoặc suy giảm hoạt động của thận có thể không có biểu hiện cụ thể trong nhiều năm nên nhiều người thường bỏ qua. Do đó bệnh thận thường được gọi là “bệnh im lặng”. Đó là lý do bạn nên chăm sóc thận trước khi quá muộn.

Dưới đây là danh sách 10 thói quen phổ biến có thể làm hỏng thận của bạn theo thời gian.

1. Không uống đủ nước

Chức năng quan trọng nhất của thận là lọc máu và loại bỏ độc tố, chất thải. Khi bạn không uống đủ nước trong ngày, các độc tố và chất thải ngày bắt đầu tích lũy và gấy áp lực cho thận trong việc thải lọc. Kết quả là thận phải làm việc nhiều hơn và có thể bị tổn thương nghiêm trọng.

2. Ăn quá mặn

Cơ thể bạn cần natri hoặc muối để hoạt động trơn tru. Tuy nhiên tiêu thụ quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và gây tổn thương cho thận. Một nguyên tắc nhỏ là không ăn quá 5 gam muối trong một ngày.

3. Thường xuyên nhịn tiểu

Nhiều người trong chúng ta bỏ qua yêu cầu này của cơ thể vì quá bận rộn hoặc muốn tránh nhà vệ sinh công cộng. Thường xuyên nhịn tiểu sẽ làm tăng áp suất nước tiểu lên thận, có thể dẫn đến suy thận, sỏi thận, và mất kiểm soát trong việc thải lọc. Vì vậy, bạn cần đi vệ sinh khi cảm thấy cần thiết.

4. Tiêu thụ quá nhiều protein động vật

Tiêu thụ quá nhiều chất đạm, đặc biệt là thịt đỏ, làm tăng tải về trao đổi chất của thận. Vì vậy, tiêu thụ nhiều protein trong chế độ ăn uống của bạn có nghĩa là thận của bạn phải làm việc vất vả hơn và điều này có thể dẫn đến tổn thương thận hoặc rối loạn chức năng theo thời gian.

5. Thiếu ngủ

Chúng ta đã biết về tầm quan trọng của một giấc ngủ ngon. Mất ngủ mãn tính có liên quan đến nhiều bệnh và bệnh thận cũng có trong danh sách này. Thiếu ngủ liên tục sẽ ảnh hưởng đến cơ chế sinh học, làm cho mô thận bị hư hỏng sẽ phục hồi, do đó hãy cho cơ thể của bạn thời gian để chữa lành và tự phục hồi.

6. Uống nhiều cà phê

Cũng giống như muối, caffein trong cà phê có thể làm tăng huyết áp và làm gia tăng căng thẳng tới thận của bạn. Theo thời gian, tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể gây tổn thương cho thận của bạn.

7. Lạm dụng thuốc giảm đau

Nhiều người vẫn sử dụng thuốc giảm đau với bất kỳ đau nhức nhỏ có thể khỏi một cách hoàn toàn tự nhiên. Sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn đến tổn hại nghiêm trọng của gan và thận.

8. Uống rượu

Mặc dù không có gì sai khi thưởng thức một ly rượu vang hoặc một cốc bia, nhưng hầu hết chúng ta thường không dừng lại ở mức đó. Rượu thực sự là một loại độc tố dẫn đến căng thẳng, tổn hại gan và thận.

(theo Soha.vn)