MẸO RỬA DỤNG CỤ LÀM BẾP CỰC NHANH

Khi phải đối mặt với đống bát đĩa hoặc dụng cụ làm bếp thuộc dạng khó làm sạch, nhiều người nội trợ thường chấp nhận phải tốn mớ thời gian cho công việc vệ sinh chúng. Thực tế có những mẹo rất hữu ích trong những tình huống này.

 Nếu bát đĩa chứa đầy dầu mỡ, hãy pha vài muỗng dấm trắng vào nước rửa chén.

Rửa máy xay sinh tố không khó như bạn tưởng: Cho vào đó lượng nước ấm ngập khoảng 1/3 máy xay, rồi cho vào vài giọt nước rửa chén. Tiếp theo chỉ cần bấm nút cho máy chạy chừng 10 giây. Tráng lại và lau khô rất dễ dàng.

Trứng, sữa, phomat dính vào bát đĩa thường khó mà làm sạch. Bạn hãy rửa những thứ này dưới vòi nóng lạnh theo trình tự lạnh trước, nóng sau. Đừng rửa bằng nước nóng từ đầu, mọi thứ sẽ khó hơn rất nhiều.

Với các hộp nhựa dính dầu mỡ, hãy pha 4 muỗng muối nở (baking soda) vào 1L nước ấm rồi tráng qua bọn này. Sau đó việc làm sạch sẽ trở nên đơn giản.

Đồ thủy tinh, gốm sứ mong manh dễ vỡ, có 1 cách đơn giản để giảm khả năng vỡ của chúng là lót khăn mềm dưới đáy bồn rửa.

Bàn nạo thuộc vào loại khó rửa nhất trong những dụng cụ làm bếp? Đó là quan điểm sai lầm. Cốt là bạn phải rửa nó ngay sau khi sử dụng, đừng để lâu, vì chỉ cần chục phút sau, các vết mủ nhựa từ rau củ bám vào bàn nạo sẽ trở nên “bất di bất  dịch”.

Tú Đệ (theo www.rd.com)

9 TÁC DỤNG TUYỆT VỜI CỦA NƯỚC VO GẠO

Hãy tận dụng nước vo gạo sau mỗi lần thổi cơm để giúp việc nội trợ của bạn tiện lợi hơn như khử mùi tanh hay đánh bóng xoong nhé.

1. Hạn chế độc tố ở rau xanh

Để hạn chế ngộ độc thuốc trừ sâu ở rau, bạn hãy ngâm rau vào nước vo gạo khoảng nửa giờ, sau đó rửa rau lại vài lần bằng nước sạch.

2. Khử mặn cho cá khô

Để món cá khô không bị mặn chát, trước khi chế biến chị em nên rửa chúng bằng nước gạo thay vì sử dụng nước sạch thông thường. Bằng cách này, bạn có thể khiến chúng bớt mặn, giảm tanh, loại bỏ được lớp bụi bẩn bám trên bề mặt lâu ngày.

3. Khử mùi tanh

Rửa cá kỹ vài ba lần, nếu cá có mùi tanh nhiều có thể ngâm cá trong nước vo gạo hoặc nước muối 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo trước khi nấu.

4. Giải độc măng

Măng chứa hàm lượng cyanide cao (khoảng 230 mg/kg) nên nếu hấp thu nhiều, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide sẽ chuyển hóa thành acid cyanhydric gây độc. Để yên tâm sử dụng, các bà nội trợ nên luộc măng khoảng 2 – 3 lần rồi tiếp tục ngâm nước gạo trong vòng hai ngày (lưu ý phải thay nước gạo 2 lần/ngày).

5. Làm sạch nhớt ốc

Cách hay nhất để loại bỏ chất nhờn và bùn đất trong ốc là ngâm chúng trong nước vo gạo. Sử dụng một thau đựng đầy nước vo gạo và ngâm ốc trong khoảng 1 – 2 tiếng, tất cả chất bùn trong miệng ốc sẽ tự động nhả ra và vón thành từng mảng chất nhầy.

6. Đánh bóng xoong nồi

Những chiếc nồi chất liệu nhôm, gang, inox sau thời gian dài sử dụng dễ bị xỉn màu. Để giúp chúng trở nên sáng bóng, bạn không nên dùng cọ sắt vừa mất sức vừa dễ gây xước bề mặt. Thay vào đó, nên dùng nước vo gạo cho vào nồi, đun sôi nhỏ lửa khoảng 10 phút rồi rửa lại là được.

7. Làm sạch vết dầu

Muốn tẩy sạch các vết dầu còn lại trong chai, bạn hãy đổ nước gạo vào ngâm khoảng 5-10 phút, sau đó lắc mạnh chai nhiều lần. Dầu sẽ nhanh chóng hòa tan trong nước gạo giúp chai trở nên sạch bóng mà không cần đến sự trợ giúp của các loại nước tẩy rửa.

8. Rửa bát

Sử dụng nước vo gạo không chỉ có tác dụng làm sạch phần dầu mỡ bám trên bát mà còn giúp khử mùi tanh do thức ăn một cách dễ dàng, không độc hại.

9. Khử độc và tẩy trắng sắn

Muốn sắn trắng và khử bớt chất độc, khi lột vỏ bạn nên ngâm chúng vào nước gạo.

Mimi tổng hợp (NGOISAO.NET)