Cách làm CHẢ CÁ CHIÊN kiểu Thái

Chả cá kiểu Thái sẽ hấp dẫn gia đình bạn nhờ kết cấu dai và hương vị thơm ngon của chả cá hòa quyện với các gia vị như lá chanh, ngò rí, đậu…

Nguyên liệu:

  • –    6 lạng phi lê cá (cá rô phi hay cá thát lát, có thể mua xay sẵn)
  • – 4 lá chanh (chanh Thái càng tốt)
  • – 4 trái đậu đũa hoặc đậu đỗ (cove), chọn trái non
  • – 4 cọng ngò rí (mùi tàu), chỉ lấy phần cứng gần rễ, bỏ lá
  • – Bột năng, gia vị
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • –  Tương chua ngọt của Thái.

Cách làm:

Bước 1:

– Cá làm sạch, để ráo, ướp với 1mcf muối trong 15 phút.

Bước 2:

– Ngò rí rửa sạch, bỏ rễ, xắt nhỏ. Lá chanh thái vụn. Đậu tước bỏ xơ, băm nhuyễn.

Bước 3:

– Băm nhuyễn cá rồi xay thật mịn, trộn với lá chanh, ngò rí, đậu đũa + 2 muỗng canh bột năng + 2 muỗng canh dầu ăn + 1 muỗng canh nước măm + 2 mcf hạt nêm + tiêu, quết nhuyễn cho chả được dai.

– Dùng màng thực phẩm đậy lại, bỏ vào ngăn đá 30 phút.

Bước 4:

– Tay xoa chút dầu ăn, múc 1 muỗng hỗn hợp chả cá rồi cho vào tay nắn dẹt để tạo hình chả. Làm cho hết hỗn hợp.

Bước 5:

– Bắc nồi nhỏ cho dầu ăn vào rồi cho chả cá vào rán ngập dầu trên lửa vừa. Khi chả vàng ngoài thì bên trong cũng chín tới. Ta gắp ra dĩa có lót giấy.

– Cho chả cá ra dĩa, Rắc đậu phộng rang lên mặt, Ăn nóng với cơm, chấm tương chua ngọt của Thái.

Theo Cún Khang

Cách làm BÁNH RÁN MẶN

Bánh rán mặn nay không chỉ là món quà vặt ưa thích của trẻ em nữa, mà nó là một món ăn không thể không khám phá khi đến với Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Nguyên liệu:

– Bột nếp: 3 lạng

– Bột gạo tẻ: nửa lạng

– Khoai tây: 1 củ

– Muối: 1/2 muỗng cafe

– Làm nhân: 3 lạng thịt nạc xay, 1 lọn miến khô, 1 củ cà rốt, vài tai nấm mèo, muối, bột nêm, tiêu xay, hành củ.

– Nước chấm: Nước mắm, đường, ớt trái, đu đủ xanh, dấm.

Thực hiện:

Bước 1:

– Khoai tây mua về rửa cho sạch đất rồi đem hấp chín, lột vỏ, nghiền thật nhuyễn.

Bước 2:

– Cho muối, bột nếp, bột tẻ, khoai tây vào chung một cái thau, bóp trộn cho đều.

Bước 3:

– Cho nước nóng chừng 80 độ vào trong hỗn hợp bột, vừa cho vừa dùng vá trộn lên cho đều. Khi thấy bớt nóng thì thò tay vào nhồi bột cho tới khi cảm nhận được bột mịn dẻo, không dính, thì ngưng. Đậy kín ủ bột chừng 30 phút cho bột nở.

Bước 4:

– Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở, rửa sạch, bỏ chân, xắt miếng vụn.

– Cà rốt rửa sạch, cạo vỏ, thái thành miếng tròn nhỏ.

Bước 5:

– Miến ngâm cho nở rồi cắt khúc ngắn 5-7 phân.

Bước 6:

– Trộn thịt xay, nấm mèo, hành khô băm, cà rốt, miến, tiêu, hai muỗng cafe muối, nửa muỗng cafe hột nêm, ướp trong 30 phút.

Bước 7:

– Lấy muỗng chia nhân ra thành từng viên nhỏ.

Bước 8:

– Bột sau khi ủ nở thì ta làm bánh. Nắm một nắm nhỏ bột, dàn mỏng ra rồi cho cục nhân vào giữa, đậy mí kín lại rồi xoe lại cho đẹp. Lưu ý là phải bọc bột cho kín nhân không để không khí lọt vào.

Bước 9:

– Làm lần lượt ta có những cái bánh rán hình bầu dục.

Bước 10:

– Bắc chảo cho nhiều dầu, đun sôi rồi thả bánh vào rán ngập dầu. Trở đều và liên tục.

Bước 11:

– Bánh vàng đều thì vớt ra để ráo.

Bước 12:

– Làm nước chấm: 2 muỗng súp nước sôi để nguội, ớt hiểm xắt lát cho vào, 2 muỗng súp đường và một muỗng súp nước mắm, chút giấm, nếm lại cho vừa miệng.

– Đu đủ xanh gọt vỏ, xắt miếng mỏng. Trộn đu đủ này với muối, giấm, đường, ướp chừng 15 phút rồi vắt ráo.

– Khi ăn cho đu đủ này vào bát nước chấm.

Bước 13:

– Cắt bánh thành miếng cho dễ ăn. Ăn với nước chấm đu đủ.

Theo Cún Khang

Cách làm Xôi đậu chiên

Một trong những biến tấu hấp dẫn nhất của xôi đó là xôi chiên. Miếng xôi chiên giòn ở mặt ngoài, thơm dẻo mùi nếp ở trong là một thứ thật khó chối từ trong những ngày trời lạnh.

Nguyên liệu:

  • 700g nếp ngon
  • 200g đậu xanh
  • Nước, nhiều dầu ăn, đường, muối.
  • Thịt chà bông, tương ớt ăn kèm.

Cách làm:

– Đậu xanh ngâm nước, đãi sạch vỏ.
– Nếp vo sạch, để ráo.
– Trộn đậu xanh và nếp lại với nhau, cho 700ml nước lạnh vào nấu chín.
– Khi nếp và đậu xanh chín, cho ra tô quết nát (lúc nóng dễ làm hơn nguội), nát khoảng 8/10 là được. Cho 100g đường, 1 ít muối, 3 muỗng dầu ăn vào trộn đều.
– Chia xôi thành nhiều phần bằng nhau (lớn nhỏ tuỳ bạn), vo tròn rồi ép dẹp xuống độ 1cm.
– Chảo dầu sôi, cho bánh vào chiên với lửa nhỏ, trở cho bánh vàng đều.
– Ăn với ít thịt chà bông và tương ớt.

Yến Hà (MAV.vn)

BÍ QUYẾT LÀM CÁC MÓN CHIÊN RÁN NGON HƠN

Món chiên rán là những món ưa thích của nhiều người. Tuy vậy, để có những món chiên rán thơm , giòn ngon, người làm bếp phải có nhiều kinh nghiệm.

Đầu bếp Võ Quốc tại TP HCM chia sẻ bí quyết chiên thức ăn cho đúng, rán đậu phụ làm sao để giòn…

Chiên thức ăn

– Nên đổ dầu ngập thức ăn vừa đủ. Đừng cho dầu nhiều quá nửa chảo, vì khi cho thực phẩm vào chiên dầu sẽ văng ra.

Với những món chiên thì chỉ nên chiên dầu vừa ngập mặt và không quá nửa chảo. Ảnh: N.S.

– Độ nóng của dầu vừa đủ, khoảng 175-190 độ C. Không có dụng cụ đo nhiệt, có thể thử bằng cách thả mẩu bánh mì khô vào dầu. Nếu miếng bánh mì vàng đều là dầu vừa đủ nóng, bánh bị cháy đen ngay do dầu quá nóng. Trường hợp xung quanh mẩu bánh dầu nổi bọt bong bóng cho thấy nhiệt độ vẫn còn chưa đủ.

– Khi chiên thức ăn, dầu canola (một loại dầu ăn làm từ hạt hoa cải) là lựa chọn tốt nhất bởi tính chịu nhiệt cao, không dễ bị phân hủy. Dầu ôliu chỉ tốt khi dùng để ăn sống (trộn với salad) hay xào thức ăn, nhưng dưới nhiệt độ cao khi chiên thức ăn thì hoàn toàn không nên dùng dầu ôliu.

Chế biến món trứng

– Nên để trứng ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C). Lấy trứng ra khỏi tủ lạnh khoảng 30 phút trước khi nấu sẽ tốt hơn, vì trứng lạnh sẽ dễ bị nứt khi luộc, đóng cục khi nấu hay chiên và sẽ không nổi khi đánh trứng lúc làm bánh.

Để đánh trứng nổi, dụng cụ đánh phải sạch và không dính bơ hay dầu mỡ. Ảnh: N.S.

– Nếu bạn cần chế biến ngay mà không có nhiều thời gian chờ cho trứng lạnh ở nhiệt độ phòng, nên ngâm trứng vào tô nước ấm (không ngâm nước sôi) khoảng 5-10 phút là có thể dùng được.

– Khi cần tách riêng lòng trắng lòng đỏ: Dùng trứng mới và lạnh sẽ dễ tách hơn. Đập trứng vào cái phễu, lòng trắng chảy xuống phễu, lòng đỏ sẽ còn lại trong phễu.

– Khi cần đánh nổi trứng hay lòng trắng, các dụng cụ tiếp xúc trứng phải sạch, không dính dầu mỡ hay bơ, nếu không trứng sẽ không nổi.

– Nếu chỉ cần sử dụng lòng trắng trứng: Cho phần lòng đỏ còn lại vào một chén nước lạnh hay sữa và cất vào chỗ tối. Khi dùng, chỉ cần đổ sữa hay nước đi, lòng đỏ vẫn tươi nguyên.

– Thêm một ít bột chanh hoặc vỏ chanh khô mài nhuyễn vào các món bánh để làm giảm mùi tanh của trứng.

– Nếu không có dụng cụ cắt trứng, nhúng dao vào nước nóng, khi cắt trứng sẽ không bị vỡ.

Chế biến đậu phụ

– Đậu phụ mua về nên luộc sơ trong nước sôi có dằn chút muối, trút ra rổ để ráo nước, đậu phụ sẽ mềm và tươi hơn.

Muốn chiên đậu giòn phải để đậu thật ráo nước. Ảnh: N.S.

– Trước khi chiên đậu phụ nên để thật ráo, hoặc dùng nhiều khăn giấy bao lại, dùng thớt hay vật nặng đè lên miếng đậu phụ khoảng 15-20 phút cho ra hết nước.

– Trẻ nhỏ có thể ăn đậu phụ sống, nhưng tốt hơn hết là nên hấp cách thủy khoảng 5 phút để diệt các vi khuẩn có trong đậu phụ có thể gây khó chịu cho đường ruột của trẻ.

– Đậu phụ trứng, đậu phụ non, óc đậu là những loại đậu phụ mềm, mịn làm từ đậu nành nguyên chất, rất dễ vỡ nên khi dùng chế biến món ăn cần nhẹ tay. Có thể tẩm đậu phụ qua bột hoặc lăn vào trứng gà trước khi chiên để đậu phụ không bị vỡ. Khi hấp món ăn, tránh để nguyên liệu nặng hơn lên đậu phụ mà nên đặt đậu phụ lên trên cùng.

Khánh Hòa (vnexpress.net)