10 NGUYÊN TẮC NÊN BIẾT KHI ĂN SUSHI

Ngày nay sushi không còn là món ăn quá xa lạ  với người Việt Nam. Món “quốc hồn” của Nhật Bản đã đi vào những nhà hàng, quán ăn, thậm chí là vỉa hè ở một số con phố Sài Gòn để đáp ứng cho lượng người tìm ăn ngày càng đông. Thật dễ hiểu khi bạn là fan của thể loại món ăn tuyệt ngon này, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi mình ăn sushi đã đúng cách? Đã giống với người Nhật chưa?

Hãy tham khảo bài viết sau đây để có thêm kinh nghiệm nhé!

1. Ăn các món trong bữa sushi theo thứ tự nhất định

Ăn sushi theo trình tự không chỉ cho thấy sự hiểu biết của bạn, mà nó còn giúp bạn tận hưởng được hương vị, kết cấu món ăn một cách hoàn hảo hơn. Lý tưởng nhất là bắt đầu với món sushi cá có hương vị nhẹ nhàng, rồi đi dần đến cá có hương vị mạnh hơn.

2. Không cọ xát hai chiếc đũa vào nhau

3. Cách chấm nước sốt sushi:

Hãy nhúng sushi vào sốt một cánh nhanh nhẹn, kẻo làm hỏng hương vị của miếng cá. Hãy nhớ là sốt để làm nổi bật sushi, chứ không phải bạn dùng sushi để múc sốt.

Và để cho đúng cách, bạn cần lộn ngược miếng sushi lại (thay vì đặt úp như lúc mới dọn ra) rồi chấm mặt có cá vào trong nước sốt.

4. Dùng tay cầm sushi

Trường hợp không biết dùng đũa, bạn hoàn toàn có thể dùng tay để cầm sushi ăn và nói là: Tôi đang ăn theo cách truyền thống của Nhật bản.

5. Tác dụng của miếng gừng ngâm

Bạn nghĩ miếng gừng ngâm cũng như dưa góp ăn kèm sushi? Cũng hay! Nhưng quan trọng hơn, nó giúp khử sạch mùi trong miệng bạn, giúp bạn lấy lại vị giác ban đầu. Vì vậy, hãy ăn gừng ngâm trước khi ăn một miếng sushi có hương vị khác với miếng trước đó.

6. Làm gì nếu bị xộc hơi mù tạt?

Những người chưa quen ăn sushi, vì nhiều lý do, có thể bị hương mù tạt xộc lên mũi và nếu không kiềm chế, có thể gây ho, sặc, chảy nước mắt rất khó coi. Ngay lúc cảm thấy mùi hương xộc lên mũi, hãy nhanh chóng ngưng thở bằng miệng và tập trung thở bằng mũi, khoảng vài giây sau, cảm giác khó chịu sẽ hết.

7. Dùng súp miso 

Cách ăn súp miso hay nhất là bưng lên kê vào miệng mà húp. Cách này sẽ giúp bạn thấy ngon hơn là dùng thìa. Và nên nhớ miso không phải món khai vị, bạn hãy dùng nó sau khi ăn món chính.

8. Cá ngừ và cá ngừ béo có phải là một?

Đúng vậy, đó chỉ là cách gọi của những phần khác nhau trên mình con cá.

9. Ăn sushi rất tốt cho sức khỏe

Các nhà nghiên cứu đã công nhận về tác dụng của sushi với sức khỏe, nhưng đó là loại sushi truyền thống tự nhiên với các nguyên liệu cá sống sạch và cơm.

10. Ăn sao cũng được

Và nếu bạn thấy 9 nguyên tắc trên là rườm rà, rắc rối, thì bạn hoàn toàn có thể ăn theo cách của mình. Chẳng ai chê cười bạn cả. Vì không có cách nào đúng hơn là cách ăn giúp bạn có một trải nghiệm ngon lành, thoải mái và thỏa mãn!

Tố Tâm  (Theo Infographicstation  và VnExpress)

 

CÁCH LÀM BÁNH RÁN ĐÔRÊMON

Bánh rán (dorayaki) là món ăn ưa thích của Doraemon và có lẽ cũng là món ăn ưa thích của rất nhiều bạn thuộc thế hệ 8x-9x tuy rằng không phải ai cũng đã có dịp ăn. Bánh rán làm theo khẩu vị truyền thống của Nhật sẽ ngọt lịm đường…nếu bạn không thích ăn ngọt thì nên giảm lượng đường trong nguyên liệu.

Nguyên liệu:

Phần vỏ

  • Bột mì: 150g
  • Trứng gà: 2 trái
  • Đường cát: 50g
  • Mật ong: 25ml
  • Bột nở: 5g
  • Rượu trắng: 15ml
  • Nước: 50ml

Phần nhân

  • Đậu đỏ: 100g
  • Đường: 80g

Thực hiện:

Làm phần nhân:

1. Đậu đỏ ngâm nước qua đêm cho nở, rồi bắc nồi nước cho đậu vào, vặn lửa nấu cho tới khi nước sôi, nổi bọt thì tắt lửa. Sau đó đổ hết nước đi, trút đậu ra rổ xả qua với nước lạnh cho đỡ chát.

2. Bắc nồi nước mới cho đậu vào luộc và xả 2 lần nữa (mỗi lần mỗi thay nước). Sau đó trút hết đậu vào nồi cơm điện, châm nước ngập mặt đậu (chừng 1 lóng tay) rồi bật nồi nấu như nấu cơm cho tới khi đậu chín mềm, cạn nước là được. (Không thích dùng nồi cơm điện thì bạn nấu nồi thường cũng được).

3. Đậu còn nóng, ta cho vào máy xay nhuyễn. Có thể thêm ít nước (tốt nhất là nước đun đậu còn thừa) vào xay cho dễ xay hơn. Lưu ý không châm nhiều nước kẻo đậu bị loãng. Xay đến khi nào đậu nhuyễn, sánh là được.

4. Cho đậu này vào nồi hoặc chảo chống dính, trút lượng đường làm nhân vào rồi đảo đều cho bay hơi nước, nhân đậu se lại. Đảo đến khi thấy hỗn hợp hơi sánh lại thì tắt bếp. Để nguội. Nếu để lâu thì phải bỏ tủ lạnh kẻo nhân bị khô.

Làm phần vỏ:

1. Trứng đập vào tô, đánh tan với đường, sau đó cho thêm dầu ăn, mật ong cùng rượu vào đánh chung.

2. 2 loại bột đem trộn chung rồi rây cho mịn. Sau đó trộn hỗn hợp bột này vào hỗn hợp trứng mật ong ở bước 1. Quậy đều, vừa quậy vừa châm nước từ từ (chừng 50ml) cho đến khi hỗn hợp bột sánh mịn và khi múc lên đổ xuống nó có thể chảy thành một dòng liên tục là được. Làm xong thì cho vào tủ lạnh 20 phút cho bột nghỉ.

3. Bắc chảo (tốt nhất là dùng chảo chống dính) cho vào một ít dầu ăn (thật ít) và tráng đều, mỏng. Chuẩn bị sẵn bên cạnh một cái khăn thấm nước lạnh. Đun cho chảo nóng rồi nhấc chảo ra đặt lên cái khăn ướt này để làm cho chảo nguội.

4. Vặn bếp nhỏ lửa hết cỡ, tiếp tục đặt chảo lên rồi dùng vá to múc bột đổ vào chảo. Nên đổ bột từ khoảng cách 20cm, đổ một dòng đều và dứt khoát thì bột sẽ tượng hình một cái bánh tròn đẹp. Sau khi đổ bột bạn vặn lửa to lên một chút để rán. Rán bánh trong khoảng 3-4 phút cho tới khi mặt bánh se lại, xuất hiện các lỗ nhỏ thì lật úp lại rán tiếp mặt kia tầm 2 phút là được. Nếu chảo to có để đổ bột rán nhiều cái bánh một lúc (đừng đổ bột dính vào nhau là được)

5. Lặp lại các bước 3-4 với lượng bột còn lại (lưu ý có đun và làm nguội chảo, to lửa nhỏ lửa, tuy nhiên bỏ qua (không cho thêm) dầu ăn).

6. Xếp bánh lên vỉ chờ cho nguội. Bây giờ thì trét nhân đậu đỏ vào một miếng bánh sau đó úp miếng thứ 2 lên là bạn đã có một cái bánh Dorayaki ngon lành.

***Bánh thành phẩm phải mềm, xốp, mịn, có độ đàn hồi, không gãy khi gấp lại.


***Nếu ăn không hết bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh.


***Trên là hướng dẫn làm bánh truyền thống với nhân đậu đỏ. Bạn có thể tùy biến phần nhân đậu đỏ thành nhân kem, nhân đậu xanh, trà xanh, chocolate, hoa quả, nhân mứt… tùy theo sở thích của mỗi người.