‘PIZZA HỦ TIẾU’, MÓN ĂN ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẤT TÂY ĐÔ

Nếu bạn đã từng biết đến món ‘Pizza Đà Lạt’ lừng danh xứ sở ngàn hoa, thì bạn cũng nên biết thêm món ‘Pizza hủ tiếu’ do chính du khách tây đặt tên khi thưởng thức qua món bánh hủ tiếu chiên ở đất Cần Thơ.

Cái tên nửa tây nửa ta xuất hiện là do du khách Tây khi đến tham quan lò sản xuất hủ tíu trên đất Tây Đô, sau khi thưởng thức chiếc bánh hủ tíu chiên giòn thơm ngon đã thốt lên cái tên ngộ nghĩnh và độc đáo đó.

Rời trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 4 km (theo hướng đi Cái Răng), đến dưới chân cầu Rau Răm, các bạn rẽ phải dọc theo con đường nhựa dài khoảng 500 m sẽ đến lò hủ tíu của anh Sáu Hoài. Sở dĩ nổi tiếng với khách du lịch trong và ngoài nước bởi cơ sở của anh đã kết hợp cả kinh tế vườn, kinh tế ngành nghề với du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực.

Khách đến nhà anh sẽ được tham quan cơ sở làm hủ tíu truyền thống (từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi, vào bao thành phẩm), vườn cây ăn trái và được thưởng thức những món ăn được chế biến từ sản phẩm hủ tíu của lò như: hủ tíu nước thịt heo xương, hủ tíu chiên giòn, hủ tiếu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa. Trong đó, 2 món được mọi người ưa chuộng nhất khi đến đây vì ngon và lạ, đó là: hủ tíu chiên giòn và hủ tíu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa.

Phơi khô là một trong những công đoạn làm hủ tíu.

Làm hủ tíu chiên giòn không khó lắm nhưng để cho món ăn được ngon vừa miệng đa số thực khách cần phải có những bí quyết riêng. Trước hết, cho hủ tíu bột lọc ướp với một chút bột nêm cùng một tí tiêu vừa khẩu vị và có mùi thơm. Cho hủ tíu vào ngập trong mỡ (dầu) đang sôi. Dùng xạng trở đều cho 2 mặt chín vàng ươm là vớt ra đĩa. Kế đến, rắc hành lá xắt nhuyễn cùng tương ớt lên, dọn ra bàn là xong.

Chiên hủ tíu.

Bẻ miếng bánh hủ tíu chiên giòn cho vào miệng nhai giòn tan. Vị mặn mặn, béo béo, chua chua, cay cay, lan tỏa trong vòm miệng thất hấp dẫn. Khách du lịch, mỗi khi đến đây, được chủ quán biếu không một đĩa hủ tíu chiên giòn cầm trên tay, vừa đi vừa ăn, vừa dạo quanh khu vườn cây trái xanh tươi rợp bóng.

Riêng món hủ tíu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa hơi tốn công một chút. Công đoạn chiên giòn hủ tíu cũng giống như ở phần trên (chỉ khác một chút là hủ tíu lạt, không ướp gia vị). Thịt khìa phải chọn loại thịt thăn và khìa với nước dừa xiêm cho có hương vị đậm đà, xắt miếng nhỏ. Nước cốt dừa pha với sữa tươi theo một tỉ lệ nhất định cho nước cốt có độ sệt, vị béo thơm.

Đĩa hủ tíu đầu đủ cả thịt khìa, nước cốt dừa, đậu phụng, rau thơm.

Các công đoạn theo trình tự như sau: Trước hết, hủ tíu khi chiên xong cho vào dĩa. Rắc một ít rau thơm lên trước và kế đến là thịt khìa (hoặc chả chiên), sau cùng là rưới nước cốt dừa sữa, rắc một ít đậu phộng rang giã giập lên. Món này ăn kèm với nước mắm chua cay hoặc tương cay tùy thích. Dùng đũa bẻ một miếng bánh hủ tíu chiên giòn thịt khìa sữa, nước cốt dừa cho vào miệng nhai chậm rãi, bạn sẽ “ngậm mà nghe” cái giòn tan của hủ tíu, vị béo của nước cốt dừa; vị ngọt, dai, đậm đà của thịt thấm dần vào vòm họng như đánh thức mọi giác quan. Giá bán hiện nay: 20.000 – 30.000 đồng/ đĩa.

Nếu có dịp về miền Tây, mời bạn hãy ghé qua lò hủ tíu để tham quan vườn cây ăn trái, phong cảnh sông nước hữu tình và khám phá món “Pizza hủ tíu” đặc sản.

Bài và ảnh: Tương Tâm (VnExpress)

NHỮNG MÓN NGON TRÊN ĐƯỜNG VỀ MIỀN TÂY NAM BỘ

Miền tây không  chỉ nổi tiếng là nơi đất đai trù phú, lòng người rộng mở, chân thành… Miền tây còn là nơi để bạn tha hồ khám phá những món ăn ngon, lạ. Một chuyến hành trình về miền Tây là dịp để bạn bổ sung thêm rất nhiều món hấp dẫn cho kiến thức ăn uống của mình.

Sau đây là danh sách những món hấp dẫn bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên hành trình về miền Tây:

1. Bánh xèo chảo

Bánh xèo chảo là món ăn có nguồn gốc từ miền Tây Nam Bộ. Món ăn có thành phần như chiếc bánh xèo miền Trung với tôm, thịt, giá đỗ và bột… Sở dĩ có tên gọi là bánh xèo chảo vì khuôn bánh được làm bằng những chiếc chảo lớn. Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh xèo chính là bột gạo. Bột được pha với các thành phần khác như bia, nước cốt dừa, muối, bột nghệ… Chiếc chảo được làm nóng, tôm thịt cho vào xào sơ rồi rưới đều bột vào chảo, tráng nhẹ để bột dàn trải đều ra. Khi phần bột vừa chín đến thì cho giá đỗ vào. Bánh xèo chảo được ăn kèm với nước chấm có vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… cùng một đĩa rau xà lách, cải bẹ xanh, húng quế, húng thơm..

2. Cháo cá lóc

Cháo cá lóc ở miền Tây thường được chia làm hai loại là cháo cá lóc rau đắng hoặc cháo cá lóc rau mồng tơi. Nguyên liệu chính của món này là cá lóc đồng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Tùy sở thích mà người ta có thể ăn kèm món này với nấm rơm, thêm rau đắng hoặc rau mồng tơi, cải xanh. Trong những ngày nắng nóng, cháo cá lóc không chỉ là món ăn ngon miệng mà còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt.

3. Cơm tấm miền Tây

Không chỉ có món cơm tấm sườn bì như ở Sài Gòn. Nếu có dịp đến An Giang, du khách sẽ được nếm thử món cơm tấm Long Xuyên vừa ngon vừa lạ miệng. Không giữ nguyên miếng sườn to bản, sườn ở đây được thái thành từng lát mỏng, nhỏ vừa miệng. Ngoài thịt, đĩa cơm tấm ở đây còn có trứng kho thái thành từng lát mỏng giúp người ăn không bị ngấy. Ngoài ra, còn có bì, một ít mỡ hành, dưa chua thường làm bằng rau muống, cải, dưa leo… Ăn kèm là nước mắm pha hơi sánh (nước mắm nấu với đường theo một tỷ lệ nhất định cho đến khi đường tan hết là được) có vị cay nhẹ, đậm đà, ngon miệng.

Nếu đến Bạc Liêu, du khách sẽ được thưởng thức món cơm tấm phá lấu rất lạ miệng ở đây. Tuy không có gì đặc biệt, chỉ với một đĩa cơm tấm, bên trên là phá lấu được thái lát vừa ăn, thêm một ít đồ chua, mỡ hành và chén nước chấm, chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng khi thưởng thức bạn mới cảm nhận được hết cái ngon của nó. Cái giòn giòn và hơi dai của phá lấu kết hợp với vị chua ngọt của đồ chua, thêm cái béo của mỡ hành tổng hòa vào nhau khiến thực khách mê mẩn khi thưởng thức.

4. Các món hủ tiếu

Như món phở của người miền Bắc hay bún bò của người miền Trung, hủ tiếu là niềm tự hào trong ẩm thực của người dân miền Tây. Món ăn có nguồn gốc của người Hoa, du nhập vào miền Tây Nam bộ. Trải qua thời gian, sự pha trộn, chế biến giữa các nguyên liệu đã hình thành nên ba thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng ở miền Nam: Hủ tiếu Mỹ Tho, Nam Vang và Sa Đéc. Mỗi loại hủ tiếu mang đến cho bạn những hương vị khác nhau khi thưởng thức, tuy nhiên cả ba thương hiệu trên đều nổi tiếng và là món ăn quen thuộc với nhiều người.

5. Các món bún

Có thể nói, bún là một món ăn phong phú nhất ở miền Tây, có thể kể ra đây các món bún như: bún mắm, bún nước lèo, bún cá, bún gỏi già, bún tiêu giò, bún bò cay Bạc Liêu… Mỗi món bún có một hương vị khác nhau, vị đậm đà của bún mắm, vị cay của bún bò cay hay vị cay nồng đặc trưng của tiêu trong món bún tiêu giò, thoang thoảng vị mắm của bún nước lèo… mang đến hương vị phong phú cho người ăn.

6. Các món bánh canh

Danh sách của món ăn này khá phong phú với nhiều loại như: Bánh canh giò heo, bò viên, cua, ghẹ, tôm nước cốt dừa… Chính nhờ sự phong phú đó mà món ăn này trở nên quen thuộc đời sống ẩm thực của người miền Tây.

Sợi bánh canh thường được làm từ bột gạo hoặc bột mì. Nước dùng của món ăn này thường nấu sánh, hơi sền sệt có vị đậm đà. Bánh canh là món rất dễ ăn nên người dân miền Tây có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

7. Lẩu cua đồng

Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay thì món lẩu cua đồng thích hợp nhất cho du khách trên bước đường khám phá miền Tây của mình. Món ăn là sự kết hợp giữa vị nồng của cua đồng, vị thơm của hành hoa chưng gạch cua, nước dùng có màu nâu đậm được điểm xuyết thêm màu đỏ của cà chua, xanh non của hành lá, thoang thoảng hương thơm của ngò rí. Tùy vào từng địa phương mà món lẩu được kết hợp với các nguyên liệu khác như tôm, ghẹ, mực, cá bống mú, chả cá… các loại rau vườn như đọt nhãn lồng, rau trai, bông bí, rau mồng tơi, nấm… Ăn kèm với lẩu có thể là bún tươi hoặc mì đều thích hợp.

8. Lẩu mắm

Lẩu mắm là món ăn rất nổi tiếng ở Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận. Từ các loại cá đồng, cá sông cùng nhiều loại rau có sẵn trong vườn nhà, người dân xứ miệt vườn đã làm nên món lẩu mắm độc đáo được nhiều người ưa thích. Cái tên gọi đã nói lên thành phần của món ăn, trong đó mắm là hương vị chính, ngoài ra còn có các nguyên liệu khác như: thịt heo, tôm, mực, các loại cá như: cá lóc, cá kèo, cá bông lau…cùng các loại rau vùng miệt vườn như: bông súng, kèo nèo, bắp chuối, cải xanh, rau đắng, cà tím, rau nhút, bông bí…

9. Lẩu cá linh bông điên điển

Đây là món ăn phổ biến vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm). Để làm món ăn này, người ta chọn những con cá linh còn tươi rói, béo tròn, làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn vừa có hương thơm nhẹ. Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Là món ăn hương đồng gió nội nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.

10. Các món bánh

Các loại bánh ở miền Tây đươc chia làm hai loại là bánh ngọt và bánh mặn. Về bánh mặn, có cách loại như bánh tằm bì, bánh củ cải, bánh tét lá cẩm, bánh cóng, bánh hỏi, bánh xếp…

Riêng các loại bánh ngọt, nổi tiếng nhất là bánh pía, ngoài ra còn có bánh ống lá dứa, bánh ít, bánh chuối, bánh tai yến… Bên cạnh các món bánh, các món chè của miền Tây cũng rất phong phú như chè bà ba, chè bưởi, chè chuối nước cốt dừa…

Theo Huấn Phan (ngoisao)

MÓN NGON ĐỒNG THÁP MÙA NƯỚC NỔI

Mùa nước nổi miền tây bắt đầu từ khoảng tháng 8 tới tháng 11 Âm lịch. Lúc này, bên cạnh tỉnh An Giang là nơi nước đổ về, thì dân du lịch cũng tìm đến Đồng Tháp, nơi có vùng Đồng tháp Mười mênh mông, để thăm thú cảnh quan nước nổi cũng như thưởng thức những món “quà” khi nước đổ về.

Sau đây là một số món đặc trưng không thể bỏ qua khi có dịp đến với Đồng Tháp vào mùa nước nổi.

Lẩu cá linh bông điên điển


Khoảng thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 11 là mùa nước nổi ở Đồng Tháp và cũng là mùa cá linh sinh sôi, mùa bông điên điển nở vàng ven các sông. Cá linh và bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi của Đồng Tháp, người dân địa phương thường dùng chúng để chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó món đặc sản nổi tiếng nhất du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi chính là lẩu các linh bông điên điển.

Theo kinh nghiệm ăn uống ngon và rẻ khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi, thì lẩu cá linh bông điên điển ngon nhất là vào đầu mùa nước nổi, bởi lúc này cá linh chưa lớn hẳn nên xương rất mềm, thịt ngọt, bụng lại có chút mỡ nên ăn rất ngon và béo ngậy. Đặc biệt, bông điên điển đầu mùa cũng thơm, bùi và giòn hơn những thời điểm khác. Sự kết hợp của cá linh và bông điển điển sẽ đem lại một hương vị thơm ngon, thanh mát và lạ miệng mà không món lẩu nào bạn đã từng ăn có được.

Ăn kèm với món ngon đặc sản nổi tiếng phải ăn một lần khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi này là bún tươi, cơm trắng, mắm ớt và một số loại rau đặc trưng khác. Ngoài ra, bạn đừng quên thưởng thức thêm món lẩu riêu cua đồng đặc biệt của Đồng Tháp nữa nhé.

Các món ăn từ ếch đồng


Mùa nước nổi đã mang đến cho Đồng Tháp rất nhiều món ăn ngon dân dã, trong đó phải kể đến những món ăn ngon từ ếch đồng như: Ếch chiên bơ, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng sả ớt hay nấu cháo ếch….

Ếch vào mùa nước nổi ở Đồng Tháp rất to, béo, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Khi chế biến thành món ăn thường rất thơm, ngon và hấp dẫn. Chính vì thế ếch đồng luôn là một trong những món ăn ngon dân dã đặc trưng và hấp dẫn nên thử ăn một lần khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi.

Bông súng mắm kho


Là một món ăn dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đồng Tháp nhất định phải thử một lần. Du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi không chỉ là mùa của bông điên điển mà còn là mùa hoa súng. Người dân nơi đây thường chọn những bông súng trắng, cọng nhỏ và mọc ở đìa, bởi đây mới là những bông súng mềm, ngon và ngọt. Còn mắm, họ sẽ lấy loại mắm đỏ, lọc bỏ xác và cho vào nồi nấu chung với nước dừa, thịt ba chỉ, cá rô đồng, cá lóc và sả ớt. Khi nào nồi mắm sôi, người ta sẽ vớt bọt vài lần rồi bỏ ra để ăn nóng cùng bông súng và một số loại rau sống khác.

Vị mắm kho đậm đà, hơi cay kết hợp với vị ngọt và giòn của bông súng đã tạo thành một món ăn dân dã tuyệt vời cho vùng Đồng Tháp mùa nước nổi.

Chuột quay lu


Nhắc đến những món ăn ngon đặc sản không thể không thưởng thức khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi, chắc chắn không thể bỏ qua món chuột quay lu Cao Lãnh.

Sau mỗi mùa gặt, người dân vùng Cao Lãnh lại bắt đầu săn những con chuột béo múp do ăn nhiều thóc lúa để chế biến thành nhiều món khác nhau như: Chuột xào lăn, xé phay, chuột xối mỡ, luộc cơm mẻ, xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng,…nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là món chuột quay lu. Khi nếm miếng thịt chuột đồng có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và đậm đà chẳng kém gì thịt hươu, thịt nai bạn sẽ biết tại sao đây là là một trong những đặc sản nổi tiếng Đồng Tháp không thể bỏ qua.

Tắc kè xào lăn


 

Bên cạnh hai món ngon dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đồng Tháp mùa nước nổi nói trên, bạn cũng hãy nếm thử thêm món tắc kè xào lăn nữa nhé. Món này không chỉ thơm ngon, lạ miệng mà còn rất bổ dưỡng, đặc biệt là với nam giới.


Cơm gói lá sen

Thêm một món ăn đặc sản không thể không nếm thử khi du lịch Đồng Tháp là cơm gói lá sen. Đây là một trong những món ăn cung đình chỉ Đồng Tháp mới có và ngon không đâu sánh bằng.

Cơm được nấu bằng gạo huyết rồng (một loại gạo hạt nhỏ, trong, thon dài và màu đỏ), hạt sen và muối mè bọc trong lá sen rồi đem hấp chín. Khi cơm chín, mở lá sen ra, bạn sẽ thấy hạt sen màu trắng, muối mè màu đen nổi bật trên nền cơm đỏ, rất bắt bắt. Không chỉ vậy, cơm lại rất ngon, càng nhai càng ngọt, bùi và thơm mùi sen.

Ngoài ra, bạn cũng hãy để bụng để thưởng thức thêm món cơm rang lá sen nữa nhé. Cơm rang cùng thịt, lạp xường, hạt sen, hạt đậu hà lan, cà rốt, trứng… sau đó bó trong lá và đem ủ nóng, khi nào khách ăn thì sẽ bỏ ra. Vị ngon đậm đà của cơm rang cùng các loại nguyên liệu kết hợp với hương thơm của lá sẽ sẽ làm bạn nhớ mãi không quên món ăn tuyệt vời này.

Hủ tiếu Sa Đéc

Hủ tiếu là một trong những món ngon đặc sản nổi tiếng và phổ biến. Có thể bạn đã ăn món này ở rất nhiều nơi, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua nó khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi.

Hủ tiếu Sa Đéc có sợi mềm, không bở, không dai, màu trắng sữa và rất thơm. Đặc biệt, nước dùng rất thơm, ngọt thanh nhưng không quá béo ngậy. Khi nào khách gọi, đầu bếp sẽ cho hủ tiếu vào tô, rắc chút thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan… cùng hành lá và ngò băm nhuyễn lên trên rồi mới chan nước dùng vào.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò, quẩy, rau sống, xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, thực khách trộn tất cả các nguyên liệu lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của hủ tiếu Sa Đéc. Ngoài ra, đừng bỏ qua món hủ tiếu khô độc đáo, lạ miệng nữa nhé.

Theo Dulich9

MÙA NƯỚC NỔI, PHẢI ĐẾN MIỀN TÂY ĐỂ ĂN NHỮNG MÓN NÀY

 

Mùa nước nổi vào khoảng tháng 10 tới cuối năm là mùa nhiều tỉnh thành ở miền tây nam bộ khoác lên màu áo mới. Đây cũng là mùa mà du khách thích tìm hiểu nhất khi đến với miền đất này. Cùng điểm qua danh sách những món ăn tuyệt vời nhất mà bạn có thể tìm thấy ở miền tây mùa nước nổi.

Cá linh bông điên điển

Có lẽ đây là món ăn đặc trưng nhất của mùa nước nổi. Cá linh là cá hoang từ thượng nguồn sông Mekong. Cùng với bông điên điển, cá linh bắt đầu xuất hiện khi nước bắt đầu nổi cao. Cá linh đầu mùa thịt béo bột, ngọt lịm. Do cá linh rất dễ chết nên chỉ có ăn cá linh tại chính nơi bắt lên nó mới là tươi ngon nhất.

Lẩu điên điển cá linh. Ảnh: cungphuot.info

Tại miền Tây, cá linh kho tộ, kho quẹt, hoặc nấu canh. Nhưng “đúng bài” nhất, vẫn là những món ăn kèm bông điên điển như canh chua bông điên điển cá linh, lẩu cá linh bông điên điển.

Chuột đồng nướng

Chuột đồng nướng lu. Ảnh: vnmedia

Chuột là món đặc sản nổi tiếng của miền tây sông nước, đến mức nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng phải có những bài viết riêng cho món này. Thịt chuột ở đây là chuột đồng. Béo căng do ăn lúa. Chuột được làm đầu, làm ruột, móng, tẩm gia vị rồi neo vào lu sau đó nướng trong lu, vừa nướng vừa nêm quyết gia vị cho thịt được thơm và đẹp hơn, một tiếng thì ăn được. Thịt chuột hấp dẫn bởi mùi thơm, kết cấu chắc vị ngọt của thịt và phần da giòn óng ả.

Bông súng mắm kho

Bông súng mắm kho. Ảnh: yeudulich

“Muốn ăn bông súng mắm kho / Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Bông súng là hoa súng, không chỉ đẹp mà còn là một món ăn ngon và độc đáo của người dân Đồng Tháp Mười nói riêng và tây nam bộ nói chung. Bông súng làm sạch, tước vỏ, ngắt thành cọng, để ráo. Bông súng được dùng làm loại rau ăn kèm với mắm kho làm từ mắm cá sặt, cá linh. Mắm ngon phải có vị cay ớt, thơm sả, tép, đậm đà của mắm.

CÁ bống dừa

Cá bống dừa kho tiêu xanh. Ảnh: bentre

Cá bống dừa là đặc sản của nhiều tỉnh miền Tây. Ai đã ăn qua món cá bống dừa kho tiêu xanh vào mùa nước ròng ắt sẽ phải có lần quay trở lại để… ăn tiếp. Cá được đánh vảy, làm sạch nhớt, bẩn rồi ướp hành tỏi, gia vị, quan trọng là có chùm tiêu xanh mới hái ngoài vườn. Cá kho trong tộ cho tới khi chín, bóng lên, thịt săn chắc, vàng ươm, lẫn trong nước kho cá kèo kẹo. Món này ăn đơn giản với canh chua, cơm trắng là hết sảy.

Lá sầu đâu

Gỏi sầu đâu khô sặt. Ảnh: mientayquetoi

Mùa nước nổi cũng là mùa sầu đâu thay lá đơm bông, mang lại cho miền tây nam bộ những món ăn cực hấp dẫn đó từ sầu đâu. Sầu đâu đây là lá từ đọt sầu đâu non, thường có nhiều cách ăn. Lá sầu đâu vị đăng đắng ngòn ngọt, có thể ăn sống chấm mắm kho, cá linh kho mẳn, mắm chưng, mắm thái… Nhưng tuyệt chiêu nhất có lẽ là món gỏi sầu đâu. Gỏi sầu đâu trộn được với nhiều nguyên liệu từ tôm, thịt, cá, nhưng ngon nhất là với khô cá sặt, cá lóc, rồi tới cá tra, cá dứa… Gỏi sầu đâu hương vị đặc biệt, mới đầu nghe hơi nhẫn đắng nhưng sau đó lại nghe ngọt ngấm, lại quyện với các vị chua cay của nước trộn, làm ghiền lúc nào không hay.

Bánh xèo bông điên điển

Bánh xèo bông điên điển. Ảnh: cungphuot

Bánh xèo thì lúc nào cũng có, nhưng để ăn bánh xèo bông điên điển thì phải tới miền tây vào mùa nước nổi. Bông điên điển vốn đã ngon, bánh xèo cũng vậy, kết hợp hai món lại, cùng với các loại rau nhà lá vườn độc đáo như đọt xoài, lá mơ, đọt bằng lăng, lá cóc, đọt điều, chấm vô nước chấm cay ngọt, khiến cho người ăn dường như cảm thấy thỏa mãn gấp đôi, gấp ba.

Cá lăng 

Cá lăng kho. Ảnh: cungbandulich

Cá lăng là loài cá da trơn sống ở dưới sâu. Tại miền tây, người ta thường bắt được cá lăng vào mùa nước nổi. Cá lăng có nhiều kiểu kho nhưng phổ biến là kho với thơm (dứa). Cá lăng làm sạch rồi kho với gia vị kỹ càng sau đó mới cho thơm vào kho tới khi da cá nứt ra. Món ăn dân dã, đưa cơm này là một hương vị khó quên trong chuyến khám phá miền tây mùa nước nổi.

Bảo Tố (tổng hợp)

7 MÓN NÊN THỬ TRONG CHUYẾN ĐI TIỀN GIANG

Tiền Giang nằm bên dòng sông Tiền Giang xinh đẹp, với tỉnh lỵ là thành phố Mỹ Tho có lịch sử lâu đời. Đến đây, bên cạnh việc tham quan cảnh quan sông nước, các địa danh văn hóa, lịch sử, còn là cơ hội để bạn khám phá những món ăn ngon miệng đậm chất “phố thị” và những món đậm nét “quê mùa”.

Nằm ở hạ lưu sông Cửu Long, Tiền Giang là một vùng đất trù phú và màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển các ngành nông nghiệp. Từ những đặc điểm về điều kiện tự nhiên thuận lợi, người Tiền Giang đã hình thành một vùng văn hoá mang bản sắc rất riêng, trong đó văn hoá ẩm thực là một trong những điều khá hấp dẫn du khách gần xa.

Hủ tiếu Mỹ Tho

Cái dai mềm của sợi bánh, vị ngọt thanh của nước dùng, mềm ngọt của thịt hòa quyện vào vị chua chua vừa phải của nước chấm, không chỉ đem đến cảm giác ngon miệng cho người ăn mà còn đọng lại hương vị thơm ngon khó quên cho thực khách khi đã thưởng thức. Hủ tiếu Mỹ Tho có lẽ là món ăn đặc sản số một ở Tiền Giang.

Khi chế biến, sợi hủ tiếu được chần sơ qua nước sôi. Các loại rau như hẹ, xà lách, giá được bày lên trên, tùy theo yêu cầu của người ăn mà chủ quán có thể cho thêm xương, lòng hoặc hải sản, chan ngập nước dùng. Rắc thêm một ít hành phi và tiêu lên trên, bạn sẽ được thưởng thức một tô hủ tiếu thơm và ngon theo đúng điệu của dân miền Tây.

Ốc gạo Tân Phong

Ốc luộc chấm nước mắm chanh ớt thêm chút gừng cho ấm bụng và khử mùi tanh. Ốc mới luộc còn nóng, con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ngọt thịt, giòn giòn không gây ngán. Trong ruột ốc thường có nhiều con nhỏ như hạt gạo, nhất là mùa sinh sản ốc càng béo, ngọt, khi nhai giòn giòn.

Ốc gạo lể ra sẵn có thể nấu với cháo cho thật nhừ, thêm nhiều hành, tiêu cùng mấy miếng gừng sợi để ấm bụng. Hoặc còn được chế biến thành ốc cháy mỡ tỏi, om nước dừa, rang bơ.

Nhâm nhi thêm chút rượu đế mắt mèo, hơi nồng ấm của rượu hòa cùng mùi vị của ốc càng thấm đượm hương vị miền sông nước hữu tình miền Tây.

Bánh vá (bánh giá)

Ghé qua chợ Giồng thì không thể bỏ qua món bánh vá làm từ những nguyên liệu rất quen thuộc như bột gạo, bột năng, gan heo, giá sống. Nhân bánh gồm giá sống, gan heo, tôm được cho vào trong vá trước sau đó mới múc bột thêm vào sao cho ngập các loại nguyên liệu.

Tiếp đó, nhúng vá vào trong chảo dầu đang sôi cho bánh dính kết lại rồi từ từ rút vá không ra và chờ cho bánh chín vàng. Miếng bánh vá phồng cắn vào nghe giòn rụm tê tê đầu lưỡi. Cái béo dầu sẽ được gia giảm lại bởi sự thanh mát và giản đơn của rau và bún, kết hợp nước chấm tỏi ớt làm bánh ngon hơn và không dễ ngán.

Chuối quết dừa

Nguyên liệu chính làm món chuối quết dừa chỉ gồm chuối sứ xanh, già và dừa nạo. Công đoạn chế biến cũng đơn giản, không cầu kỳ, nhưng cần sự khéo léo và có kinh nghiệm.

Để món ăn thêm hấp dẫn, có thể rắc lên một ít đậu phộng rang vàng giã to. Cuối cùng thêm một ít rau đủ loại để lên miếng bánh tráng, kèm theo ít nhân là chuối quết dừa chấm nước mắm chua ngọt.

Chuối quết dừa vừa thơm mùi chuối, ngọt vị đường, dừa nạo kết hợp với vị ngọt mát của các loại rau ghém, rau thơm sẽ đem đến cảm giác lạ miệng.

Chả nướng Chợ Gạo

Chả ở chợ Gạo làm từ thịt nạc vai heo luộc vừa chín tới, cắt lát mỏng xào với hành tím và tỏi. Sau đó, trộn chung với trứng vịt, tiêu hạt, nước mắm ngon và các gia vị khác vừa ăn.

Gọi là chả nướng nhưng tất cả hỗn hợp này lại được cho vào trong nồi gang lót lá chuối rồi bắc lên bếp đun đến khi chả khô mặt, hết dính là được.

Chả làm xong cắt thành từng miếng vừa ăn cuộn với bánh tráng, rau thơm, xà lách chấm nước mắm pha chua ngọt là cách ăn đơn giản và ngon nhất. Vị chả thơm, thịt ngọt đậm đà rất kích thích mà thực khách khó lòng từ chối được.

Sam biển Gò Công

Không nên từ chối sam biển ở Gò Công Đông nếu bạn có dịp đến chơi ở Tiền Giang khoảng từ tháng 10 cho tới tháng 2 âm lịch. Sam cái đang có trứng làm món nướng là tuyệt nhất. Sam được làm sạch, cứ thế đặt lên bếp than hồng, nướng cho đến khi vỏ đổi màu, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt cũng là lúc sẵn sàng cho buổi tiệc.

Trứng sam béo thơm, bổ dưỡng, vàng ươm, nóng hổi thường ăn cùng bưởi chua tách múi, củ cải thái nhỏ ngâm giấm, rau thơm, đậu phộng rang, hành phi, nước mắm chanh tỏi ớt. Hoặc sam cũng được nấu canh chua với bạc hà, rau nhút hoặc đậu rồng, rau om… đều rất ngon và lạ miệng với du khách.

Vú sữa Lò Rèn

Thương hiệu này đã được khẳng định trên thị trường. Vú sữa Lò Rèn – Vĩnh Kim là một trong những đặc sản “đỉnh” của Tiền Giang, với quả tròn, mỏng vỏ, nhỏ hột, dày thịt nên dù giá có cao hơn một chút thì người mua vẫn rất hài lòng. Vị vú sữa không ngọt đậm mà chỉ dìu dịu, thịt mềm lại còn thoảng hương thơm hấp dẫn.

Nếu muốn thử cách ăn khác, bạn có thể gọt vỏ, bỏ hột cho vú sữa vào xay hoặc dầm cùng sữa, đường hoặc ca cao để cho ra món sinh tố không thể tuyệt vời hơn.

Theo H.C. 

Yan.vn

6 MÓN BÚN ĐẶC TRƯNG NHẮC LÀ NGHĨ ĐẾN MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất mới, ẩm thực ở đây mang nét giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo nên một hương vị rất độc đáo, lạ miệng nhưng khó quên đối với bất kì ai đã từng thưởng thức qua.

Bún kèn dừa, bún nước lèo, bún mắm, bún tôm khô, bún bì, bún cá… là những món ăn mang hương vị đặc trưng của mảnh đất phương Nam.

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng mềm, được làm từ tinh bột gạo tẻ. Bún được xem là thành phần chủ yếu để chế biến nhiều món ăn ngon và phổ biến, chỉ xếp sau cơm, phở. Mỗi vùng miền có những loại bún đặc trưng riêng. Chẳng hạn như miền Trung có món bún bò Huế, bún chả cá, bún sứa… trứ danh; miền Bắc lại nổi tiếng với món bún thang, bún chả, bún mọc… Món bún của miền Nam mang một nét đặc rất trưng riêng, đặc biệt là các món bún của miền Tây sông nước luôn gắn liền với văn hóa ẩm thực dân dã, nhưng lại đậm đà khó quên.

Bún kèn dừa


Bún mắm

Món bún này được xem là đặc trưng ở miệt vườn Châu Đốc và Kiên Giang, vốn ít được nhiều người biết đến và cũng ít được người chế biến bán rộng rãi. Món ăn này mang tính địa phương với nguyên liệu rất đơn giản gồm nước cốt dừa, thịt cá, ngũ vị hương, bột điều, sả để nấu thành một nồi nước màu vàng đục, có vị béo và mùi thơm thoang thoảng. Loại bún dùng cho món bún kèn là loại nhỏ sợi và các loại rau ăn kèm không thể thiếu gồm giá, dưa leo sắt nhỏ, rau thơm, đu đủ thái sợi. Để có tô bún kèn hấp dẫn, trước hết cho một ít bún vào tô, giá sống, chan nước bún kèn ở giữa, chan một muỗng nước mắm ớt cay lên trên, kế tiếp là cho ít tôm khô. Mùi thơm của cá biển, tôm khô, vị nồng nàn của bột điều, cay thơm của các loại rau… mang đến cho thực khách một món bún thơm ngon, đậm chất miền Tây.


Bún mắm miền Tây là món ăn nổi tiếng, từ lâu đã được xem là đặc sản của miền Tây, phổ biến ở Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau hay Bạc Liêu… Món ăn hấp dẫn từ sợi bún trắng trong, tròn tròn, mềm và ngon hơn nữa nhờ nước lèo đậm đà mùi  mắm. Nước lèo được chế biến từ mắm cá linh hoặc cá sặc, nấu cho rã thịt, lược lấy phần nước trong, nêm ít gia vị cho vừa miệng. Vắt thêm một miếng chanh cho có vị chua chua, tô bún sẽ thêm thơm ngon. Món được ăn kèm là bún tươi và các loại rau có trong vườn như rau đắng, cọng bông súng… Khi du nhập vào Sài Gòn, món ăn được kết hợp thêm nhiều nguyên liệu khác như thịt heo quay, mực… làm cho bát bún mắm trở nên hấp dẫn hơn. Đặc biệt, món ăn sẽ kém phần thú vị nếu thiếu chén nước mắm nguyên chất, ớt tươi thái mỏng. Để có thể thưởng thức tô bún mắm đúng chất miền Tây, bạn có thể ghé 190/19, Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP HCM.

Bún nhâm


Bún nhâm được xem là một đặc sản của xứ Hà Tiên, gồm có bún, rau thơm, giá, gỏi đu đủ, rắc tôm khô xay nhuyễn, chan thêm chút xíu nước chấm được làm từ nước cốt dừa và nước mắm pha chua cay. Thưởng thức món ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị mặn và thơm của tôm khô và vị béo từ nước cốt dừa. Bún nhâm chỉ cần rau gồm xà lách, tía tô, rau thơm, giá, dưa leo, đu đủ thái sợi. Thành phần làm nên vị độc đáo cho món ăn chính là nước mắm mặn vừa để hãm cái béo của nước cốt dừa. Vị đậm ngọt của tôm, giá, chất xơ của rau, chất béo của nước cốt dừa tươi, vị mặn của mắm pha ớt tỏi… hòa lẫn vào nhau tạo nên vị ngon khó cưỡng.

Bún bì


Bún bì được bán tương đối phổ biến vào buổi sáng như một món điểm tâm nhẹ ở một vài tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ. Một tô bún bì ngon đòi hỏi ở khâu trộn bì cho vừa ăn và nước chấm pha cho ngon. Thịt để làm bì phải chọn là loại thịt heo nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín và xắt thật nhuyễn thành từng sợi nhỏ. Cho da heo và thịt ram xắt sợi trộn đều vào nhau bởi một lượng thính gạo vừa đủ. Tỏi phi dầu vàng vào trộn chung cho bì được thơm. Ngoài bún, bì trộn, món ăn không thiếu giá sống, rau thơm, dưa leo băm, mỡ hành, lạc rang… Món ăn cùng với nước mắm pha chua ngọt. Tùy theo sở thích mà người ăn cho vào lượng nước mắm vừa đủ để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của món. Ở TP HCM, món ăn được bán trong lòng chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Bún nước lèo


Trong quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa và Khmer, bún nước lèo trở thành món ăn không chỉ của riêng người dân Sóc Trăng, mà còn là món ăn phổ biến của các dân tộc miền Nam. Món ăn này được bán trong lòng chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM.Ở các tỉnh miền Tây có nhiều món bún nước lèo rất ngon, nhưng nổi tiếng phải nhắc tới bún nước lèo Sóc Trăng. Để nấu món này, trong thành phần gia vị nên có cây ngải bún vì đây là gia vị khử mùi tanh của mắm và làm thơm nước lèo. Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo, bởi nó được nấu bằng một công thức khá lạ. Đặc biệt, nước lèo được nấu cùng nước dừa tươi nên có vị ngọt thanh tự nhiên. Chính vì thế mà nước lèo mới trong và ngọt thanh. Món được ăn kèm chung với cá lóc được xử lý hết xương cắt vừa ăn… Rau sống thì có rau muống bào, hoa chuối thái mỏng, giá, chanh và ớt… Đặc biệt, chính nước chấm được nấu từ me, nước mắm ngon, hòa cùng đường tạo nên hỗn hợp hấp dẫn cho món ăn.

Bún cá


Bún cá miền Tây được nhiều người biết đến là món bún từ Kiên Giang. Thành phần chính của món ăn là cá lóc đồng, làm sạch, giữ lại bộ lòng luộc lấy nước lèo, kèm với đó là tôm tươi. Sau khi nấu chín, đầu bếp lấy hết xương, tách từng miếng nhỏ, chuẩn bị thêm tôm tươi bóc vỏ, mang rim với gạch tôm để giữ màu sắc tự nhiên. Bún cá muốn ngon không thể thiếu nước lèo. Không nấu từ xương lợn hay gà, nước lèo ở đây nấu từ cá tươi để vừa có vị ngọt thanh, vừa giữ được vị mặn vốn có. Món bún này dùng với rau muống, thân chuối thái mỏng, giá, rau thơm, rau răm. Đặc biệt, bún cá chỉ ăn với nước mắm trong, cùng một ít ớt tươi, tạo nên một món chấm mang đậm hương vị đất phương Nam. Ở Sài Gòn, món được bày bán trong một con hẽm của đường Vườn Chuối (quận 3), đi vào khoảng 400m, bạn sẽ thấy bảng hiệu bún cá Kiên Giang nằm bên tay phải.

Hà Lâm (NGOISAO.NET)

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/6-mon-bun-dac-trung-vung-tay-nam-bo-3133192.html

NHỮNG MÓN ĂN VỪA NGON VỪA RẺ Ở LONG XUYÊN

Cơm tấm nhuyễn, lẩu cháo cua đồng, lẩu mắm, bánh xèo, bún cá… là những món ăn dân dã, hấp dẫn thực khách mỗi khi có dịp ghé Long Xuyên.

Thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang là nơi hội tụ nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của miệt vườn sông nước miền Tây. Nơi đây có rất nhiều món ăn vặt, món vỉa hè, quán ăn với giá bình dân, hương vị đặc trưng, luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Lẩu mắm

 

Đây là loại lẩu được xem như đặc sản của vùng sông nước. Người dân miền Tây có bí quyết riêng giúp lẩu mắm không quá mặn, nồi lẩu lại ngả màu nâu đặc trưng của mắm, nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả vừa thơm vừa bắt mắt. Mắm sau khi nấu, lọc bỏ xương lấy nước, cho tỏi băm, sả, ớt vào nồi đảo lên cho vàng đều, cho thịt ba rọi vào xào thơm, tiếp tục đổ nước mắm vào, nấu sôi lên, nêm một ít đường, bột ngọt. Để mùi mắm dịu, ngọt tự nhiên, nên lấy một nắm sả đập dập bỏ vào nấu. Để tất cả nguyên liệu vừa làm xong vào một cái lẩu, để lửa liu riu. Màu nâu và hương thơm đặc trưng từ mắm cá linh, cá sặc; nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả; vị ngọt từ thịt, tôm, mực và các loại cá tươi như cá lóc cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt đã tạo nên một món lẩu mắm dân dã đậm chất trong ẩm thực đất phương Nam.

Đến Long Xuyên, bạn nhớ ghé  quán Lẩu Mắm Cây Dừa – 95 Trần Hưng Đạo, TP Long Xuyên (đối diện Metro Long Xuyên) để thưởng thức món ăn này. Quán chuyên bán lẩu mắm nên thực đơn cũng chỉ có mỗi một món duy nhất là lẩu mắm, thực khách được lựa chọn thành phần chính của lẩu gồm những loại như lẩu mắm lươn, cá bớp, tôm, mực, cá kèo… Mỗi lẩu có giá chỉ 150.000-200.000 đồng.

Lẩu cháo cua đồng


Từ trước đến nay, người ta chỉ biết thịt cua đồng có thể nấu canh rau, bún riêu…  nhưng có lẽ cái tên món lẩu cháo cua đồng thoáng nghe qua cũng khá lạ với những ai chưa có dịp thưởng thức ẩm thực tại Long Xuyên. Với cách thức dùng thịt cua đồng nấu lẩu kết hợp nhúng với nhiều loại rau xanh, món lẩu này có một nét khác biệt riêng, tuy lạ lẫm nhưng rất gần gũi và khá thú vị.

Để có được một nồi lẩu cháo thơm ngon, người đầu bếp chọn cua đồng tươi rồi giã ra và nấu lấy thịt. Gạo nấu cháo phải là loại gạo thơm ngon. Cháo nấu lẩu cua đồng phải thật loãng, ngập nước dùng để còn nhúng rau. Khi cháo chín mới đưa vào nồi lẩu cua đồng có nấm rơm, hẹ, hành tím, tiêu, ngò, hành lá và nêm mắm muối cho vừa ăn. Món lẩu sẽ thêm phần hấp dẫn khi được kết hợp với nhiều loại rau đồng quê như rau má, rau ngót, mồng tơi và mướp hương… Một chút gừng xắt sợi kèm theo, cùng nước chấm mắm ngon cũng sẽ làm bạn ấm bụng hơn với món lẩu này.

Chính cái hương vị đặc sắc, mùi thơm ngon ngọt của cua, cùng với những loại rau dân giã nơi sông nước miền Tây đã làm nên món lẩu cháo cua đồng quyến luyến nhiều thực khách mỗi khi có dịp thưởng thức. Nếu có dịp ghé Long Xuyên, bạn hãy đến căn tin khu cư xá Sao Mai, phường Mỹ Long để thưởng thức qua món ăn ngon này. Một cái lẩu có giá chỉ 60.000-70.000đồng.

Bánh xèo


Đây là loại bánh luôn có mặt trong thực đơn ẩm thực của người dân miền Tây Nam bộ. Món ăn được làm từ các thành phần từ bột, tôm, thịt, giá đỗ… Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh xèo chính là bột gạo được pha với các thành phần khác như nước cốt dừa, muối, bột nghệ… Để làm ra một chiếc bánh ngon, màu sắc đẹp, người ta phải canh lửa vừa đủ và trở bánh thật đều tay. Khi bánh vừa chín tới, mới bắt đầu để nhân vào và… canh lửa tiếp. Lấy bánh ra khỏi chảo cũng là một nghệ thuật, vì không khéo có thể làm vỡ bánh, trông sẽ không ngon.

Bánh phải ăn khi còn nóng hổi. Nước chấm đóng vai trò rất quan trọng khi thưởng thức món bánh này. Chén nước chấm phải pha làm sao để vừa có vị chua ngọt của nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… cùng ít đồ chua hấp dẫn. Món ăn không thể thiếu rau xà lách, rau thơm, tía tô, hung quế, diếp cá ăn kèm. Bạn có thể ghé quán bánh xèo gần trường Lý Thường Kiệt, trên đường Lý Thường Kiệt (ngay góc chợ Mỹ Bình) để thưởng thức. Mỗi cái bánh có giá chỉ 12.000 đồng.

Bún cá


Khi ngang qua Long Xuyên, bạn nên thử một lần dùng món bún cá. Món bún cá nơi đây có ít màu của nghệ để trông đẹp mắt và thơm ngon hơn. Món ăn này chỉ hấp dẫn khi vị của nước lèo trong suốt, nhưng phải đậm đà. Để có tô bún cá ngon, phải chọn cá lóc tự nhiên, nước lèo được nấu bằng nước luộc cá; còn thịt cá được tách ra từng miếng, lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh.

Bên cạnh tô bún, bạn có thể gọi thêm một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me (có thể thêm chút ớt cay) giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn. Tô bún rất bắt mắt với màu vàng của miếng cá lóc đồng và màu xanh của một vài loại rau ăn kèm như rau muống, rau nhút. Long Xuyên có rất nhiều nơi bán bún cá, tập trung nhất là dọc theo đường Lê Lợi (phường Mỹ Bình). Một tô bún cá giá chỉ khoảng 18.000-20.000 đồng.

Cơm tấmnhuyễn


Nếu như cơm tấm Sài Gòn với những lát thịt to được nướng vàng đều thì cơm tấm tại Long Xuyên lại mang nét đặc trưng rất riêng. Hạt tấm rất nhuyễn, thịt nướng được thái lát mỏng và cắt thành sợi mỏng. Ngoài ra, cũng giống như sườn, đĩa cơm tấm còn có thêm bì và trứng kho được cắt mỏng, vừa miệng để tạo cảm giác không ngấy cho người thưởng thức. Ăn kèm với cơm là nước mắm chua ngọt, pha hơi sánh. Những thành phần này quyện vào nhau đã tạo cho cơm tấm tại Long Xuyên một một hương vị rất riêng và không đụng hàng với bất cứ nơi đâu.

Nếu có dịp ghé thăm thành phố Long Xuyên, bạn có thể ghé ăn ở một vài quán cơm tấm trên đường Bùi Thị Xuân, đối diện với báo An Giang… Mỗi đĩa cơm tấm có giá khoảng 17.000 đồng.

Long Xuyên còn rất nhiều món ngon, đặc sắc, nằm tận các ngóc ngách của thành phố, đủ để làm vấn vương biết bao thực khách khi có dịp ghé thăm. Bạn hãy thử một lần đến với miệt sông nước miền Tây để thưởng thức những món ăn dân dã và đặc trưng nơi đây nhé.

Hà Lâm (ngoisao.net)

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/ngap-trong-mon-an-vua-ngon-vua-re-o-long-xuyen-3125671.html

RỦ NHAU VỀ MIỀN TÂY ĂN MÓN NƯỚNG

Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa” (nhạc Phạm Duy)

Ẩm thực miền tây vẫn còn mang đậm nét sơ khai, dân dã của những người đi mở cõi, và đây cũng là nét hấp dẫn du khách đến thăm vùng đất này từ bao lâu nay. Mùa mưa, mùa nước nổi, cũng là mùa miền tây có nhiều món ngon, nhất là những món nướng…

Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là món ăn được người nông dân Nam bộ chế biến nên sau những buổi làm đồng. Cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng chín là có thể cùng nhau thưởng thức ngay giữa cánh đồng rộng gió.Từ món ăn đơn giản đó, cá lóc nướng trui nhanh chóng trở thành một đặc sản mà du khách khi đến Nam bộ đều muốn được một lần thưởng thức. Theo người dân Nam bộ, món ăn muốn ngon thì cá lóc nhất thiết phải là loại sống trong môi trường tự nhiên.Chế biến cá lóc nướng trui không hề khó nhưng nó cũng đòi hỏi sự khéo tay cũng như kinh nghiệm của người làm bếp. Cá nướng chín được bày ra trên lá chuối, cạo bỏ phần vảy cháy đen bên ngoài để lộ ra phần da chín vàng ươm thơm nức đầy hấp dẫn. Món ăn này phải thưởng thức với một rổ rau sống tươi ngon.
Rắn bông súng nướng mọi
Rắn bông súng là một loại rắn lành, thường sống ở đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước. Rắn bông súng nướng mọi trên lửa than hồng, khi mùi thơm phảng phất bay lên, da rắn phù ra rồi nứt bung là rắn đã chín tới. Để rắn trên lá chuối xanh, cầm lên bẻ thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá rất ngọt, rất hấp dẫn.
Gà nướng đất sét
Gà nướng đất sét là một trong những món nướng không thể thiếu khi người Tây Nam Bộ chiêu đãi khách phương xa khi họ tới nhà.
Gà nướng đất sét. Ảnh: Hanhtrangphuot
Với con gà được đắp đầy đất sét với bùn nhão bên ngoài, thui bằng rơm theo đúng cách chế biến nguyên bản của nó. Gà được thui tới khi đất sét khô nứt, bóc đất ra là sạch cả lông. Với cách chế biến này, các chất dinh dưỡng trong gà được giữ nguyên trong từng thớ thịt, có giá trị dinh dưỡng cao. Sự hòa hơp từ vị béo của mỡ gà, mùi thơm của rau cùng với vị mặn chua của miếu tiêu chanh, muối ớt cộng với mùi thơm thoang thoảng của rơm giúp người ăn cảm nhận được sự khác biệt của khẩu vị món ăn đồng quê.Hiện nay, trong các quán nướng, món này đã được thay đổi để thích hợp với không gian quán. Gà cũng được đắp đất sét nhưng bọc bên ngoài một lớp giấy bạc rồi nướng trên bếp than hồng nhưng cũng vẫn là một trong những món hút hồn từ người già cho đến trẻ nhỏ.
Ốc đồng nướng 
Ốc lác, ốc bươu ở Tràm Chim, Tam Nông rất chắc, cầm nặng tay. Sắp ốc lên vỉ nướng trên lửa than. Vỏ ốc rám khô, miệng ốc hở mi mí là ốc đã chín. Đợi ốc bớt nóng, người ta dùng tăm tre lể ốc chấm với nước mắm sả ớt bằm hoặc nước mắm chanh tỏi ớt.
Chuột nướng
Chuột lột da, bỏ đầu và bộ lòng, rửa sạch, để trong rổ chừng 10 phút cho ráo nước. Ướp chuột với nước mắm, tỏi đâm, tiêu giã dập, ít đường, chút bột ngọt, nếu có bột ngũ vị hương thì càng tốt. Sắp chuột lên vỉ nướng với lửa than hồng thật đượm. Khi thịt chuột ngả màu vàng nhạt, khô, cháy xem xém rìa là chuột đã chín. Sắp chuột ra dĩa, chấm thịt chuột với nước tương dầm tỏi, ớt. Đây là một món ăn ngon, dễ ăn, rất được nhiều người ưa thích.
Theo dantri.com.vn