Thêm 8 mẹo hay mà người nội trợ nào cũng nên biết

Công việc nội trợ tuy thế lại không hề đơn điệu, tẻ nhạt, nếu như bạn biết cách sáng tạo, tham khảo nhiều phương thức tốt nhất. 8 mẹo sau đây sẽ bổ sung cho bạn thêm những kinh nghiệm rất thú vị.

1. Cà chua chín quá thì nên làm gì bây giờ nếu không cố ăn hết một lúc được? Mách bạn một cách: đem cà chua xay nhuyễn với một chút muối trong máy xay sinh tố, sau đó cho vô khuôn rồi đông thành đá. Khi cần nước cà chua để nấu canh, nấu súp, thì hãy sử dụng đến những viên đá này.

2. Nấu sữa mà không muốn bị trào, thì dùng bơ chà quanh miệng nồi chừng 1cm. Như vậy khi nấu sữa cho dù có sùi bọt cũng không bị trào ra ngoài được, cứ thử đi và đừng hỏi tại sao.

3. Nếu nêm đồ ăn quá nhiều muối gây mặn, thì cho tiếp vào đó lát khoai tây hoặc lòng trắng trứng, cà chua cũng được, để nó hút bớt vị mặn ra. Còn không có gì cả thì thêm đường vào.

4. Cắt hành tây gần thau nước hoặc vòi nước đang chảy, gần một ngọn nến đang cháy… sẽ đỡ bị cay mắt hơn.

4. Bôi dầu dừa lên quả chanh rồi cho vào tủ lạnh. Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy nó hư trước khi mình sử dụng nữa.

6. Để các loại rau giữ lại màu đẹp mắt, bạn cho thêm chút đường khi nấu. Cũng có thể ngâm chúng ngay vào nước lạnh (có vài viên đá càng tốt) sau khi nấu để giữ màu. Riêng với cà tím, cho thêm ít sữa tươi vào nước ngâm, ướp, cà tím sẽ giữ màu tím đẹp mắt.

7. Bạn đã chiên khoai tây hàng trăm lần nhưng bỗng một ngày nọ bạn thắc mắc tại sao mình chiên nó không bao giờ chịu giòn tan như khoai tây ngoài tiệm. Lúc đó, bạn hãy thử cách sau: thái thành lát mỏng, đậy kín lại, cho vào tủ lạnh 5-6 tiếng rồi mới chiên.

8. Bóc tỏi thì không khó nhưng với những ai lười ngồi tỉ mẩn bóc từng tép một, thì có thể cho nó vào lò vi sóng một chút cho nóng, hoặc ngâm nước 10 phút rồi mới bóc.

Bành Tũn 

10 MẸO HAY CHO NGƯỜI LÀM BẾP

Làm bếp là công việc cơ bản ai cũng phải biết, nhưng để trở thành người làm bếp giỏi, cần phải tích lũy rất nhiều kinh nghiệm. Nếu bạn không có thời gian trải nghiệm và thực hành, thì hãy ghi nhớ những bí quyết nội trợ do người trước chia sẻ lại.

Sau đây là 10 bí quyết rất hay cho những vấn đề mà người nội trợ thường xuyên gặp.

Làm tôm hết tanh 

Cho một miếng quế vào nước luộc tôm sẽ không làm ảnh hưởng đến vị tôm, nhưng sẽ giú khử bay mùi tanh của tôm.

Nấu thịt băm không bị vụn rã

Cho vào thịt băm vài giọt dầu ăn và một quả trứng, trộn đều rồi mới viên thành viên. Như thế khi chiên hoặc nấu thịt sẽ không bị vụn rã.

Xào ngó sen không bị thâm

Khi xào ngó sen muốn không bị thâm, thì vừa xào vừa châm một ít nước lã vào. Đảm bảo xào xong ngó sen vẫn trắng phau như lúc đầu.

Mẹo xào hành tây

Thái nhỏ hành tây xong thì trộn một ít bột mì vào hành, lúc xào hành sẽ lên màu vàng quyến rũ, ăn sẽ có độ giòn, rất ngon. Còn muốn cho xào hành không bị cháy thì cho thêm tí rượu nho trong lúc xào.

Sườn chiên rán không bị co lại

Trước khi chiên sườn, nhìn coi trên miếng sườn chỗ nào có gân thì khía vài đường. Làm vậy khi chiên sườn sẽ không co lại nữa mà ăn cũng dễ dàng hơn.

Hấp cá béo ngon 

Khi hấp cá mà muốn cho béo ngon, thì để một miếng mỡ gà lên rồi hấp. Mỡ gà ngấm vào cá làm cho món này có vị ngon đến ngạc nhiên.

Tiết kiệm dầu chiên rán

Cách hiệu quả nhất là đun dầu thật nóng rồi mới cho thức ăn vào chiên. Làm vậy dầu sẽ bớt hao mà thức ăn mau chín hơn.

Lột vỏ tôm sống

Lấy ít hèn chua hòa tan trong nước rồi cho tôm vào ngâm một lát. Sau khi làm vậy, lột vỏ tôm sẽ rất dễ dàng vì thịt tôm không dính vào vỏ nữa.

Nướng cá không bị tróc da 

Cá với lớp da thơm, giòn luôn mang lại sự hấp dẫn. Để cá nướng không bị tróc da, trước khi nước hãy xoa lên mình cá một lớp mỡ. Nhớ nướng to lửa lúc đầu, nhỏ dần về sau.

Giữ độ giòn cho lạc rang dầu

Lạc (đậu phộng) rang dầu rất nhanh bị xìu dù bạn có đậy kín. Để món này được giòn ngon lâu dài, thì trong khi đang rang, phun vào ít rượu trắng, đảo đều. Lúc lạc gần hết nóng thì ta rắc muối ăn đã rang khô vào. Như vậy lạc sẽ giòn được nhiều ngày.

Thúy An tổng hợp

[mẹo] HƯỚNG DẪN MUA VÀ BẢO QUẢN CHANH DÂY (CHANH LEO)

Chanh leo (miền Nam gọi là chanh dây), là loại quả rất quen thuộc với chị em, vị chua và thơm khiến nó trở thành món giải khát, tráng miệng, gia vị tuyệt vời. Nhưng quan trọng hơn, nó rất giàu sinh tố C và mang lại nhiều công dụng bổ ích cho cơ thể như an thần, hạ huyết áp, giảm đau bụng kinh…

Tuy vậy, không phải chị em nào cũng luôn có được những “mẻ” chanh dây như ý. Hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn chọn được những quả chanh dây ngon nhất để bảo quản lâu mà không biến chất.

1. CÁCH CHỌN CHANH DÂY

Khi chọn mua chanh dây, nên chọn chanh dây có vỏ hơi khô, nhăn, nhẹ, vì đây là đặc điểm của loại chanh dây trồng ở Đà Lạt ,rất ngon và thơm. Chanh dây ngoài Bắc trồng thì nặng tay, da trơn căng mọng…không ngon bằng. Những quả còn non cũng có đặc điểm nặng tay, da trơn, những quả này vị không đậm, vỏ thì dày, ruột ít, mua về thiệt thòi.

2. Bảo quản chanh dây

Cũng như nhiều loại hoa quả khác, trước khi bảo quản chanh dây bạn cần rửa sạch, để cho thật ráo nước rồi cho vào túi nilon buộc kín, rồi mới cho vào tủ lạnh.

Chanh dây sẽ mất mùi vị nếu để ngoài nóng.

Còn với chanh dây đã ép lấy nước (nước cốt chanh dây), bạn có thể làm đông đặc nước cốt thành si rô rồi bảo quản trong tủ lạnh cả năm mà không lo hỏng.  (chúng tôi sẽ hướng dẫn CÁCH LÀM SI RÔ CHANH DÂY ở bài sau.)

Xã Đen tổng hợp

MẸO CHỮA CƠM SỐNG, KHÊ, NHÃO

Sống, khê, nhão là ba “tai nạn” ít người nội trợ nào mong muốn. Ngày nay với các nồi cơm điện hiện đại thì việc cơm bị sống, khê là khá hi hữu (nhưng nhão thì vẫn hay gặp)…điều này cũng khiến người ta…quên luôn những mẹo chữa cháy do kinh nghiệm ông bà truyền lại. Bài viết sau đây sẽ nhắc lại những mẹo đó.

CƠM BỊ SỐNG:

Cơm sống thường có hai nguyên nhân: chưa đủ lửa hoặc thiếu nước. bạn hãy xới cơm cho tơi ra, rồi dùng rượu trắng rưới vào nồi theo tỷ lệ cứ nửa cân gạo là một phần ba chén rượu. Đun nhỏ lửa cho đến khi rượu bốc hơi hết, cơm sẽ chín mà không để lại mùi rượu.

CƠM BỊ KHÊ:

Nếu lỡ nồi cơm của bạn vì quá lửa mà bị cháy rồi khê, bạn hãy dùng một cái khăn sạch trải che kín mặt cơm, sau đó cho than hoa lên trên. Đậy kín nồi, khoảng 15 phút mở ra, mùi khê của cơm sẽ được than hút sạch.

CƠM BỊ NHÃO:

Khi cơm của bạn bị nhão, bạn hãy cắt những mẩu ruột bánh mì để lên trên mặt cơm và mở nắp liên tục để nước không đọng lại trên vung. Lúc cơm chín tới, xúc ra một cái đĩa cho cơm bốc hơi, làm như thế cơm của bạn sẽ bớt nhão phần nào.

HÂM CƠM NGUỘI NGON:

Những hôm cơm thừa ăn không hết, bạn có thể xới tơi cơm lên, để chỗ thoáng mát. Khi nấu cơm mới, đợi tới khi gần chín cho cơm nguội vào hấp. Hấp được một lúc thì xới đều cơm lên, trộn cơm nóng và cơm nguội với nhau rồi để trên bếp một lúc nữa cho cơm chín nhừ.

Lưu ý trước khi hấp cơm bạn nên rắc một chút nước lạnh vào, làm như thế cơm nguội khi hấp xong sẽ mềm như cơm vừa nấu.
Tổng hợp

BÍ QUYẾT CHỌN MĂNG CỤT NGON

Măng cụt là một loại quả đặc sản của Việt Nam, nhưng không phải là loại quả quen thuộc với tất cả mọi người. Phần vì măng cụt có theo mùa, phần vì giá khá đắt đỏ…nhất là ở các tỉnh thành miền Bắc, nơi không trồng được măng cụt.  Vì những lý do đó, lại càng hiếm ai có kinh nghiệm chọn được măng cụt ngon.

Hầu như ai cũng đã từng mua phải măng cụt bị hỏng, bị sượng, sâu… mà cũng chẳng rút được kinh nghiệm gì vì nhìn ở ngoài quả nào cũng …như nhau.

Măng cụt được coi là nữ hoàng của các loại hoa quả bởi những tác dụng diệu kỳ của nó với sức khỏe. Măng cụt giúp hỗ trợ, phòng ngừa ung thư, giúp chống lão hóa, tinh thần hưng phấn, giảm cholesterol, hạ huyết áp…

Đặc biệt, các chất dinh dưỡng có trong măng cụt giúp cho chị em phụ nữ mang bầu có thể ngăn ngừa tình trạng nóng trong và cải thiện khả năng miễn dịch cho cơ thể. Bổ sung một lượng vừa đủ măng cụt còn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất cho mẹ bầu nữa.

Để biết cách măng cụt ngon không bị sâu hay hỏng bên trong, chị em có thể tham khảo những thông tin dưới đây nhé:

Cách chọn măng cụt ngon không bị hỏng, sượng:

– Quả nhiều múi: Nên lựa những trái măng cụt có càng nhiều múi càng tốt (Để biết trái măng cụt có nhiều múi không, bạn nhìn cái hoa thị ở dưới, bao nhiêu cánh hoa là bấy nhiêu múi). Bởi càng nhiều múi, măng cụt càng ít hột. Măng cụt mà không có múi thì nhiều hạt lắm, khi ăn suốt ngày phải nhả hạt.

Hoa thị ở đáy quả măng cụt thể hiện cho bạn biết số lượng múi trong quả.

– Vỏ mềm không giập nát: Phần vỏ ngoài nếu muốn lựa trái không bị chai thì bạn phải nắn bóp xung quanh vỏ. Nếu vỏ bên ngoài mềm đều thì đương nhiên trái măng cụt này ăn được. Còn vỏ mà cứng ở chỗ nào thì múi ở chỗ đó bị chai.

– Chọn quả có núm xanh tươi: Khi chọn măng cụt, lưu ý nên chọn những quả có núm vẫn còn xanh tươi. Vì núm còn xanh nghĩa là quả mới không phải hàng tồn.

– Quả màu rám nâu: Nếu để ý bạn sẽ thấy, măng cụt ngoài chợ có loại sẫm màu và loại vỏ nâu nhạt. Trước chưa biết mua, mình không dám chọn vỏ rám nâu vì sợ nó không ngon. Nhưng giờ mình thấy, chọn loại măng cụt vỏ rám nâu ngon hơn lại nâu đỏ.

– Chọn quả nhỏ không chọn quả to: Khi mua măng cụt, bạn đừng nên mua quả to. Bởi quả càng to thì càng nhiều hạt to. Mình thích quả nhỏ hơn vì hạt nhỏ, múi trắng sữa còn quả to hạt cũng to, múi lại có 1 phần trắng trong nên không ngon bằng.

– Mua ở các chợ đầu mối: Khi mua sầu riêng ở Hà Nội, mình hay ra các chợ đầu mối nông sản, mua nguyên cả thùng măng cụt. Bởi mua ở các chợ này, giá vừa rẻ hơn ở ngoài, lại không phải chọn lựa gì nhiều. Nhưng khi về ăn loại quả này thì cả trăm quả như một, nhiều múi, không hột và ngọt mát.

– Không mua vào đầu mùa mưa: Măng cụt khi bắt đầu vào mùa mưa thì số lượng trái hư sẽ cao hơn rất nhiều. Khi ấy nếu không biết chọn 1kg có thể bị hư 0.3kg là chuyện rất bình thường.

Tổng Hợp.

Cách NHẬN BIẾT THỰC PHẨM KHÔNG AN TOÀN

Tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm tiêm hóa chất đang trở thành một vấn đề đáng ngại đối với nhiều người. Người nội trợ ngày nay càng cần phải trang bị cho mình nhiều kiến thức hơn để thẩm định chất lượng của những nguyên liệu cho bữa ăn hàng ngày.

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và của toàn xã hội. Các loại thực phẩm thiết yếu không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người về trước mắt cũng như lâu dài.

Trên thị trường hiện nay tràn ngập các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn: Từ các loại rau quả tồn dư quá nhiều hóa chất độc hại đến các loại thịt, cá tồn dư chất kháng sinh và các chất tăng trọng mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi.

Bằng trải nghiệm thực tế, chúng tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết bằng cảm quan những loại thực phẩm thông thường tồn dư các hóa chất độc hại.

– Đối với thịt lợn: Khi nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Khi con người ăn phải thực phẩm có chứa chất corticoid sẽ gây rối loạn trao đổi chất và ung thư bàng quang.

Khi nhìn thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có thịt mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt mà người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng

– Đối với các loại rau ăn lá (rau muống, bắp cải, xà lách, mồng tơi…): Khi thấy lá rau non hơn bình thường, lá mầu xanh đen, giòn và hầu như không có vết sâu bệnh hại; đây là những loại rau mà người trồng đã bón quá nhiều phân đạm hoặc phân bón lá và phun các loại thuốc trừ sâu, bệnh nhưng không đảm bảo thời gian cách ly. Đối với những loại rau này, trong thành phần có chứa nhiều đạm nitorat (NO3) và các hóa chất bảo vệ thực vật gây hại tới sức khỏe con người.

– Giá đỗ đậu xanh: Nếu thân giá trắng, to, mập, giòn và hầu như không có rễ là những loại giá đỗ đã dùng chất tích nước và diệt phần rễ khi ngâm ủ (điển hình trong các loại hóa chất độc hại này là thuốc SHS có nguồn gốc từ Trung Quốc). Những loại giá đỗ này, mặc dù chứa nhiều hóa chất độc hại nhưng lại rất hấp dẫn người tiêu dùng.

Nếu thân giá trắng, to, mập, giòn và hầu như không có rễ là những loại giá đỗ đã dùng chất tích nước và diệt phần rễ khi ngâm ủ

– Một số loài quả (như cam, quýt, táo, lê, mận, đào…): Khi nhìn thấy bề mặt quả bóng, bảo quản được lâu không bị thối hỏng; đây chính là các loại quả mà thương lái đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiêu diệt nấm và vi khuẩn để bảo quản.

Riêng đối với quả mít và sầu riêng…: Khi quả chín nhưng múi lại không có vị thơm đặc trưng; đây là những quả đã được các thương lái thu mua khi còn xanh và đã dùng hóa chất kích thích để tiêm cho nhanh chín.

– Đối với miến, bún, bánh phở…: Khi nhìn các loại thực phẩm này có mầu trong hơn bình thường là do người sản xuất đã dùng một số hóa chất tẩy trắng trong quá trình chế biến. Nếu miến, bún, bánh phở để qua đêm ở nhiệt độ thường mà không bị ôi, thiu là do người sản xuất đã cho thêm chất bảo quản (chủ yếu là foocmol) khi chế biến. Khi ăn phải những loại thực phẩm này sẽ gây tổn thương màng nhầy của dạ dầy và thực quản.

– Các loại cá: Khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp có chứa chất kháng sinh thì thịt cá kém săn chắc, để lâu dễ bị ươn và ôi thiu. Những loại cá này khi chế biến sẽ bị teo tóp, cá thường có vị tanh hơn bình thường và thịt có vị “nhạt”.

Khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp có chứa chất kháng sinh thì thịt cá kém săn chắc, để lâu dễ bị ươn và ôi thiu

Trên đây là những kinh nghiệm nhận biết bằng cảm quan một số thực phẩm thông thường tồn dư hóa chất độc hại nhằm giúp người tiêu dùng khi chọn lựa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin các loại thực phẩm khác vào các số tiếp theo.

Theo KS. Phạm Văn Phú (Dân Việt)

Mẹo làm giảm độ mặn của Cá khô, thủy sản khô

Hải sản khô là loại thực phẩm ưa thích của nhiều người, nó còn được dùng làm nguyên liệu trong chế biến các món ăn khác. Tuy vậy, việc đầu tiên khi đưa hải sản khô vào xào nấu là xử lý độ mặn của nó. Và đây là 4 mẹo bạn có thể áp dụng:
Ngâm đồ khô trong nước vo gạo

Sau khi vo gạo nấu cơm xong, bạn hãy giữ lại nước vo gạo đó để ngâm đồ khô. Nước vo gạo sẽ có tác dụng giúp làm giảm lượng mặn đáng kể. Bạn hãy ngâm chúng khoảng 30 phút rồi vớt ra để khô.

Ngâm đồ khô trong nước chanh loãng

Nước chanh được pha theo tỉ lệ 1 chén nước + 1/3 nước cốt canh sẽ giúp làm giảm lượng mặn trong đồ khô. Ngâm trong 30 phút rồi vớt ra để ráo.

Nếu nước chanh làm ảnh hưởng đến vị của món ăn bạn chế biến sau đó, bạn có thể pha nước chanh loãng hơn.

Ướp nguyên liệu với gia vị chua, ngọt

Trước khi nấu, bạn hãy ướp đồ khô với ít đường cùng vài giọt chanh hoặc giấm để làm giảm vị mặn của chúng.

Thời gian ướp khoảng 15 phút để gia vị được ngấm vào trong nguyên liệu. Bạn có thể thay đường bằng mật ong để cân bằng vị cho chúng.

Ngâm đồ khô trong nước muối loãng

Ngâm đồ khô khoảng 30 phút trong nước muối pha loãng, sau đó bạn rửa đi và làm lại như thế lần nữa sẽ có tác dụng làm giảm độ mặn của món ăn. Nồng độ muối cao trong đồ khô sẽ lan sang nước muối pha loang để hòa tan nên sẽ giúp đồ khô của bạn giảm được lượng mặn đáng kể.

Những mẹo nhỏ trên sẽ giúp bạn gạt bỏ được nỗi lo đồ khô quá mặn ảnh hưởng đến món ăn khi chế biến của bạn.

(Theo Xinh xinh )

 

9 mẹo bảo quản thực phẩm tươi lâu

 Trong công việc nội trợ, bảo quản thực phẩm là một công đoạn rất cần thiết. Thực phẩm được bảo quản tốt là khi nó vẫn giữ hương  vị, không biến chất qua một thời gian trữ lâu dài.

1. BẢO QUẢN BƠ ĐÃ XẺ: Hãy để miếng bơ ăn dở chung với lát hành tây trong hộp trước khi cho vào tủ lạnh. Lưu huỳnh từ trong lát hành tây sẽ giúp bơ tươi ngon lâu hơn.
2. BÔI DẦU LÊN TRỨNG: Bôi dầu thực vật lên trứng trước khi cho vào tủ lạnh sẽ giúp trứng tươi lâu thêm được từ 3-4 tuần.
3. ĐÂM THỦNG CHANH ĐỂ LẤY NƯỚC: Khi bạn cần đến chanh nhưng không dùng hết một trái, có thể làm cách này: dùng tăm hoặc kim soi thủng vỏ chanh rồi bóp cho ra lượng nước đủ dùng, sau đó dùng băng dán lại lỗ thủng rồi cho vào tủ lạnh. Đảm bảo chanh sẽ tươi như bình thường.
4. ĐỂ KHOAI TÂY GẦN TÁO: Bảo quản khoai tây là làm sao cho nó không bị nảy mầm. Để làm tốt việc này, hãy để khoai tây gần táo, khí ethylene trong táo sẽ làm quá trịnh nảy mầm của khoai tây chậm hẳn đi.
5. CHO VÀO TÚI GIẤY: Tỏi và hành tây khi cho vào túi giấy có đục lỗ thông khí, sẽ giúp các nguyên liệu này tươi tốt thêm ít nhất 2 tháng trời.
6. NGĂN DỨA CHÍN: Nếu dứa chín trước khi sử dụng thì sẽ nhanh hỏng. Cách làm chậm quá trình chín của dứa là: cắt bỏ hết lá dứa, úp ngọn dứa xuống dưới.
7. BỌC GIẤY BẠC: Cần tây hoặc cải xanh sử dụng không hết, nếu được bọc kín trong giấy bạc sẽ tươi lâu thêm được tầm 1 tháng.
8. BỌC CUỐNG CHUỐI: Để bảo quản chuối tươi lâu thêm 3-5 ngày, bạn dùng giấy nilon bọc kín cuống chuối lại.
9. BẢO QUẢN RAU: Rau diếp (xà lách) và bắp cải sẽ tươi lâu nếu bạn bọc chúng trong giấy trước khi cất tủ lạnh.Lưu ý không nên ngắt bỏ lá héo bên ngoài vì nó sẽ giúp phần bên trong tươi lâu hơn.

BẢO TỐ

Theo: http://news.distractify.com/

CÁCH BẢO QUẢN CÁC MÓN ĂN NGÀY TẾT

Ngày Tết gia đình nào cũng trữ nhiều thức ăn hơn ngày thường, điều đó có thể khiến tủ lạnh quá tải. Lúc này bạn cần đến những phương pháp bảo quản khác để đảm bảo hương vị và chất lượng của các món ăn ngon này.

Bánh chưng

Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ. Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản hoặc để bánh ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu.

Bánh tét

Khi bánh tét mới vớt ra còn nóng thì nên treo bánh nơi thoáng mát, chờ cho bánh nguội. Tránh để bánh trong túi nilon, trong tủ kín vì như thế bánh sẽ bị hầm hơi, mau hỏng. Thời gian sử dụng bánh tét trong vòng 2-3 ngày. Nếu muốn để lâu hơn thì cho bánh vào tủ lạnh, lúc nào ăn đem bánh ra hấp lại. Bánh tét có thể ăn kèm thịt kho, củ kiệu hoặc đem bánh tét chiên giòn lên ăn cũng rất ngon.

Lạp xưởng

Để có thể giữ được lâu hãy lấy một cái hộp lớn, đặt vào giữa một cốc rượu trắng rồi xếp lạp xưởng xung quanh. Hương rượu tỏa ra sẽ ngăn ruồi, muỗi, kiến rất hiệu quả. Nhờ đó lạp xưởng trong và sau Tết vẫn rất thơm ngon.

Các loại mứt

Các loại mứt và trái cây khô thường chứa nhiều đường nên rất dễ chảy nước, làm mất ngon và dễ bị mốc. Muốn bảo quản được lâu, cần để vào lọ đậy kín, ăn đến đâu lấy đến đó, không nên dồn những đồ ăn chưa hết vào trở lại lọ. Những thực phẩm này cũng không nên cất vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài rất dễ hút ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.

Dưa hành, củ kiệu

Khi cắt gốc hành, củ kiệu nhớ không cắt vào phần củ. Sau khi rửa để củ thật ráo nước, nếu không sẽ dễ bị hỏng. Đun sôi thật kỹ nước ngâm. Lượng muối vừa đủ, không quá nhạt thì sẽ để được lâu và không nổi váng trên bề mặt. Có thể mang cả vại dưa hành ra phơi nắng, dưa sẽ giòn và bảo quản được lâu hơn.

Giò chả

Để bảo quản cần bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn đổ mồ hôi. Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Tốt nhất nên dùng giò chả trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp nên luộc lại.

Thịt kho, cá kho

Nấu thật kỹ, khi nhấc xuống bếp cần để ở một nơi cố định, tránh lắc mạnh. Có thể cho vào nồi nước khác lớn hơn, mức nước cách miệng nồi thịt/cá kho khoảng 10 – 15 cm để tránh nước tràn vào, đậy bằng vung đất nung. Nước trong nồi lớn sẽ bốc hơi lên vung, làm tỏa hơi mát xuống nồi thức ăn bên dưới.

Măng khô

Nếu muốn để lâu, cho măng vào nồi nước đun sôi khoảng 30 phút, để lửa nhỏ, đung tiếp một lát rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già, rửa sạch. Dùng nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội ngâm dùng dần. Cứ 2-3 ngày thay nước một lần. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, chỉ nên ngầm từng ít một, ăn trong 2-3 ngày, hết lại nấu tiếp để dùng.

* Lưu ý

Còn các đồ ăn để trong tủ lạnh bạn nên để thức ăn nguội hẳn, đậy kín rồi mới cất vào. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bốc mùi và lây nhiễm vi sinh vật sang các món ăn khác. Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh cần tăng độ lạnh, nếu không đủ độ lạnh thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu. Tránh để thức ăn chín gần thức ăn tươi sống, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.

Tuy nhiên tốt nhất không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết làm thức ăn kém ngon, dễ hỏng gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mimi (ngoisao.net) tổng hợp

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/cach-bao-quan-cac-mon-an-ngay-tet-3146172.html

Mẹo chọn mua thịt cá còn tươi, ngon

Chọn mua thịt cá sao cho ngon, không bị dai, bở hoặc đáng ngại hơn là thịt bệnh… là khó khăn mà những người nội trợ ít kinh nghiệm thường gặp phải.
Trang The Health đã đưa ra một số mẹo đơn giản, cơ bản dưới đây để giúp bạn có thể chọn lựa những miếng thịt cá ngon nhất cho bữa ăn:

Đối với cá, trước tiên là quan sát mang cá, nếu mang cá đỏ tươi, ấn vào mình cá cứng chắc thì là cá tươi. Với cá đã xắt khoanh sẵn, ta ấn vào thớ thịt thấy dính tay, thịt cứng chắc thì nên mua. Nếu cá mềm, chảy nước thì đã ươn rồi.

Thịt heo

Thịt heo loại ngon có thớ săn chắc, màu hơi hồng, ngoài ra phần da sẽ mỏng. Nếu thịt đỏ sẫm, thớ thịt nhão mềm, da dày thường là heo già, heo nái, không ngon.

Ngoài ra nên tránh mua thịt heo có phần mỡ vàng, thớ có nổi đốm trắng vì đa phần là heo bệnh, ăn vào có hại chứ chưa nói đến dở.

Thịt bò

Với thịt bò, nên chọn thịt có màu đỏ tươi, thớ khô mịn, ấn ngón tay vào thấy dinh dính và khô thì là thịt bò non và ngon.

Bảo Tố (theo The Health)

ĐỪNG VỨT VỎ CAM, QUÝT VÌ NHỮNG TÁC DỤNG SAU ĐÂY

Vỏ cam quýt là những nguyên liệu để làm thuốc trong Đông y. Bên cạnh việc trị đau, ho, cảm, bạn có thể sử dụng vỏ cam quýt với nhiều tác dụng khác cũng rất hiệu quả.

1. Ngon miệng hơn:

Hỗn hợp vỏ quýt khô băm nát và nước khi được nấu sôi lên, rồi đậy kín trong vài phút, lược lại cho sạch là một vị thuốc đơn giản để trị cảm giác không ngon miệng. Bạn hãm một ly nước như vậy rồi chia ra uống 3 lần trong ngày, trước bữa ăn khoảng nửa giờ để thấy hiệu quả tốt.

2. Làm mềm da tay:

Làm nội trợ nhiều, da tay bạn dễ bị khô ráp. Lúc này bạn lột vỏ cam, quýt rồi lau mặt trong của vỏ vào làn da để khắc phục dần.

3. Đánh bóng vòi nước

Vỏ cam quýt có thể dùng để đánh bóng các vòi nước bị xỉn mờ do sử dụng lâu ngày.

Vỏ cam, quýt không chỉ tốt cho cơ thể, mà còn có thể dùng được vào nhiều việc nội trợ.

4. Làm sạch sàn gỗ

Vỏ cam quýt đun sôi hòa với nước có thể lau sàn gỗ rất tốt. Không những sạch, loại nước lau này còn giúp sàn nhà bạn thơm mùi tinh dầu của vỏ cam quýt rất tốt và dễ chịu.

5. Trị ho, tiêu đờm 

Bạn vẫn thường nghe dân gian nói vỏ quýt có thể trị ho. Và đây là cách làm: Phơi khô vỏ quýt, lấy 5g vỏ khô cho vào 2 cốc nước rồi nấu sôi lên. Cho thêm gừng tươi và đường đỏ càng tốt. Uống khi còn nóng.

6. Trị đau đầu:

Đun sôi vỏ cam hoặc vỏ quýt, sau đó xông hơi lên mặt. Khoảng 10 phút sau, bạn sẽ cảm thấy cơn đau dịu hẳn, tinh thần sảng khoái hơn rất nhiều.

7. An thần, tạo sự hưng phấn

Mùi tinh dầu của vỏ cam có thể giúp tinh thần của bạn an ổn hơn, có thể giúp dễ ngủ. Còn mùi vỏ quýt lại giúp tâm trạng của bạn thoải mái, hưng phấn hơn. Chúng đều mang lại cho bạn cảm giác tích cực. Khi bị mất ngủ, lo lắng, cao huyết áp, hãy vận dụng cách rất tiện lợi này.

Vỏ quýt giúp an thần.

8. Khử mùi hôi

Cho một miếng vỏ quýt khô vào tủ lạnh là cách khử mùi được nhiều người áp dụng. Vỏ cam quýt khô cũng có thể khử bớt mùi than nướng khó chịu khi đốt lên.

9. Tẩy trùng, đuổi muỗi

Cắt nhỏ vỏ cam quýt, phơi khô rồi để trong nhà. Vỏ cam quýt có thể giúp tẩy trùng căn phòng, cũng như xua đuổi muỗi hiệu quả.

10. Trị nấm móng tay, chân

Hãy lau móng tay chân của bạn bằng vỏ cam quýt sạch, cách này có thể trị nấm móng rất hiệu quả.

11. Trị say tàu xe

Đây là phương thuốc thường thấy ở những người say xe “mãn tính”. Chỉ cần cầm theo quả quýt, lột vỏ, bóp cho ra tinh dầu và ngửi trên suốt lộ trình.

12. Trị cảm, phong hàn

Vỏ quýt tươi nấu với đường đỏ và gừng tươi cho sôi kỹ thành canh, rồi sử dụng đều đặn trong những ngày bị cảm cúm, phong hàn, ói hoặc ho có đờm, bạn sẽ thấy hiệu quả tốt.

13. Trị gàu

Nấu sôi vỏ cam quýt đã nghiền nát, đậy nắp hãm lại khoảng 30 phút rồi lược sạch, vắt lấy bã bỏ đi. Dùng nước hãm này bôi lên chân tóc khoảng 30 phút rồi gội đầu. Ngày 2-3 lần, hiện tượng gàu sẽ giảm, tóc bạn cũng khỏe đẹp hơn.

14. Trị khó tiêu

Đem ngâm vỏ quýt vào rượu để làm rượu vỏ quýt. Loại rượu này có thể giúp bổ tì vị, trị ói mửa kéo dài. Khi dùng kèm bữa ăn có nhiều đường hoặc chất béo, rượu vỏ quýt có thể hỗ trợ tiêu hóa rất hiệu quả.

 

Bảo Tố tổng hợp.

11 BÍ QUYẾT HAY NGƯỜI LÀM BẾP NÀO CŨNG NÊN BIẾT

 Trong công việc nội trợ, ngoài việc chuẩn bị nguyên liệu, nêm nếm và thao tác chế biến, người nội trợ cần phải biết thêm nhiều mẹo vặt, bí quyết giúp xử lý tình huống cũng như giúp món ăn được ngon hơn. Sau đây là 11 bí quyết giành cho những vấn đề thường gặp:

1 * Cách Luộc Thịt Thật Trắng :

Khi luộc những loại thịt như lỗ tai heo, thịt ba rọi, giò heo v..v, Khi bắt soong nước lên luộc, phải chờ khi nào nước bắt đầu sôi, cho vào 1 muỗng súp giấm, sau đó mới bỏ thịt vào luộc. Khi luộc thịt chín, trút ra rổ, xả sơ qua nước lạnh, rồi bỏ thịt (đã xắt hay chưa xắt) trong 1 cái hộp nhựa có nắp đậy đến khi nào ăn thì xếp ra dĩa. thịt sẽ ko bị biến màu, và có màu trắng .

2 * Giữ Thịt Sau Khi Hầm Mềm Không Bị Thâm Đen Và Thấm Gia Vị

Khi nấu những món ăn chơi bằng nước như bún bò huế hay phở, khi thịt giò heo hay  thịt nạm chín phải vớt ra để hầm xương tiếp tục, thịt sau khi vớt ra phải ngâm vào thau nước pha muối (có độ mặn vừa), cho đến khi nào xương hầm mềm, sau khi nêm nếm soong nước lèo, tắt lửa thì vớt thịt ra khỏi thau nước và để thịt vào trong soong nước lèo, như vậy khi ăn, miếng thịt không bị đen mà còn thấm đầy đủ gia vị của nước lèo.

3 * Cách Luộc Rau Ngon

Để cho rau ko bị mềm nhủn và mất đi màu xanh, khi bắt soong nước lên bếp chờ nước sôi thật nhiều, rồi cho vào soong 1 muỗng súp muối khuấy cho tan đều trong nước sôi, rồi mới thả rau vào luộc, và nhớ đừng đậy nắp soong. Như vậy rau khi chín mà vẫn giữ được độ giòn và màu xanh của rau.

Nếu luộc rau muống thì đừng luộc lâu quá, chừng 7 phút thì vớt rau ra.

4 * Lột Củ Hành Không Bị Cay Mắt

Muốn cho hành ko xông hơi khi ta lột vỏ hay xắt củ hành, trước khi lột vỏ dùng dao cắt đi phần dưới gốc rễ, rồi lấy thoa nhẹ lên 2 bên màng tang, nhớ là thoa sơ thôi. Sau đó mới lột vỏ hay xắt củ hành sẽ không còn bị củ hành xông lên làm cay mắt nữa.

5* Cách Pha Nước Chanh Đường

Muốn có 1 ly nước chanh đường ngon thì nên nhớ trước tiên cho đường vào trước, sau đó bóp trái chanh cho mềm rồi mới cắt chanh ra vắt cho hết nước vào ly, rồi mới cho nước vào, khuấy  cho thật đều đến khi đường và chanh tan hết trong nước mới cho nước đá vào. Như vậy ly nước chanh sẽ có vị ngọt mà chua rất dịu và ko bị lạt lẽo. Nếu như bạn cho đường và cho nước vào sau đó mới vắt chanh thì ly nước chanh sẽ mất đi mùi vị ngon rất nhiều.

6* Cách Pha Cà Phê Ngon

Ở xứ người thông thường thì có máy pha cà phê sẳn, nên cà phê cũng kém đi phần nào mùi vị đậm đà như ở bên nhà, vì vậy nếu có dịp thì bạn kiếm mua 1 vài cái phin cà phê để pha, như vậy khi uống, bạn sẽ có cảm giác tìm lại được mùi vị cà phê ngày xưa, tuy nhiên pha cà phê phin không khéo thì cà phê cũng ko được ngon như ý ta muốn vì vậy muốn có được 1 ly cà phê phin ngon cần phải làm cách sau đây:
Cà phê cho vào phin, lấy phin chận lại cho thật chặt, nấu nước thật sôi thì chế vào chừng hai muỗng cà phê nước chỉ vừa đủ thấm ướt cà phê. 5 phút sau thì cho nước sôi vào phin (nhưng không chế quá đầy, ngang 2/3 phin là được). Như vậy bảo đảm bạn sẽ có ly cà phê đậm đà và ngon lành.

7 * Làm Sao Cho Món Ăn Hết Mặn

Đôi khi lỡ tay nêm nếm nhiều muối hay nước mắm thì món ăn sẽ bị mặn và mất ngon. Nếu cứ dùng đường mà chữa thì cũng không được, vì vậy, bạn nên lấy 1 củ khoai tây gọt sạch vỏ, rồi cắt thành khoanh tròn chừng 1 -2 khoanh mỏng cho vào soong đang nấu sôi, nấu sôi chừng 5 phút thì nhắc soong xuống vớt bỏ khoai tây. Như vậy món ăn của bạn sẽ không còn vị mặn nữa. Lúc đó thì bạn sẽ nêm nếm lại theo ý của mình.

8* Nấu Khổ Qua Không Đắng

Muốn cho khổ qua không đắng trước khi chiên, xào, nấu canh, nên cho khổ qua vào cái thau rồi dùng muối bóp thật dập rồi cho nước vào rửa cho sạch muối rồi mới nấu.

Còn nếu như khổ qua hầm với thịt sau khi cạy bỏ hột thì trước khi nhồi thịt, cho khổ qua luộc sơ qua trong nồi nước sôi có pha chút muối rồi vớt ra rửa sơ qua nước lạnh sau đó mới nhồi thịt vào hầm.

9* Bao Tử , Ruột Heo Ko Hôi

Có vài món ăn làm bằng ruột heo hay bao tử, nhất là mấy món nhậu, muốn làm cho bao tử, ruột heo hết mùi hôi, sau khi làm sạch, cho vào nước rửa cho thật sạch rồi cho 1 muỗng súp dầu đậu phộng chà lên trên phía trong  bao tử  và ruột heo. Rồi để đó cho thấm chừng 10 phút sau đó mới rửa lại bằng nước lạnh rồi mới đem nấu hay chế biến món ăn.

10 * Thịt Vịt không Bị Hôi Lông

Vịt mua về rửa sạch, trước khi ướp thì chà lên vịt gừng giã nhuyển với 1 muỗng cà phê muối để cho thấm 5 phút rồi đem rửa lại bằng nước lạnh cho sạch mùi gừng và muối, để ráo, lau khô, rồi mới ướp hay nấu. Bảo đảm sẽ không còn bị hôi lông nữa.

Gà cũng làm theo cách như vậy thì sau khi đem rửa sẽ đi hết tất cả lông măng mà khỏi cực khổ dùng nhíp để nhổ.

11* Xào Đậu đũa Không Bị Sượng

Lâu lâu thèm đậu đũa, mua về xào, mà đôi khi gặp phải đậu đũako được mềm thì thật là tiếc, vì vậy khi mua về, rửa sạch, bạn đừng nên dùng dao cắt cho đều, mà phải dùng tay ngắt thì khi xào, đậu sẽ được mềm và không bị sượng cho dù mua phải đậu già.

(ST)

Những mẹo vặt bỏ túi cho người nội trợ (phần 1)

Sau đây là những mẹo vặt mà người nội trợ nên biết để xử lý các tình huống trong nhà bếp:

Làm giòn bánh mì: Bánh mì xìu đem nướng lại mãi không giòn. Muốn giòn thì nhúng qua nước rồi mới nướng.

Vắt chanh nhiều nước: Ngâm chanh vào nước nóng vài phút, rồi mới vắt.

Chữa cơm sống: Nấu cơm bị sống thì đổ thêm ít nước vào nấu tiếp. Còn cách khác nhanh hơn là rưới rượu vào nồi theo tỷ lệ: nửa ký gạo là 1/3 bát con rượu. Rồi đun tiếp cho cạn. An tâm rượu không để lại mùi.

Luộc trứng không nứt: Luộc với lửa nhỏ, không đậy nắp. Hoặc cho vào nồi chút muối. Cách khác là lấy chanh chà quanh vỏ trứng.

Chữa cay nóng ở da: Khi ớt đụng vào tay sẽ gây nóng rát khó chịu. Lúc này, dùng nước ấm bôi lên, hoặc ngâm nguyên bàn tay vào. Cách khác là dùng đường cát hoặc dấm, rượu, dầu ăn, xoa vào chỗ nóng rồi rửa sạch.

Đánh vẩy : Muốn đánh vẩy cá mà không bị văng tùm lum tùm la, thì ngâm cá vào nước sôi trước.

Khử mùi dầu phộng: Đun dầu thật sôi rồi cho vào cục sả đã đập dập hoặc lá dứa.

Xử lý khi dầu ăn béng lửa: Dầu ăn béng lửa có thể gây hỏa hoạn. Khi đó bạn bình tĩnh nhẹ nhàng đậy vung lại. Còn nếu lửa đã lan ra ngoài, kiếm cái khăn to thấm nước rồi ụp lên, lửa sẽ tắt. Đừng quýnh lên hỏng chuyện.

Xúc bình thủy tinh: Chai lọ miệng nhỏ rất khó rửa sạch mặt trong. Bạn cho vào đó một nắm gạo, rồi đổ chút nước sôi vào. Đậy kín nắp rồi xúc mạnh tay. Làm vài lần cho bình sạch bóng.

Khử mùi thịt bò: Lấy 1 cục gừng nướng chín, cạo vỏ, giã nhuyễn, rồi rắc lên thịt.Xem thêm:

Bé Thúi (MAV.vn)

 

9 mẹo làm bếp các mẹ khó bỏ qua

Một số mẹo làm bếp giúp tươi rau củ, khoai tây không nảy mầm, lau chùi, thái hành tỏi, nêm quá mặn,…

1. Để làm tươi lại rau củ bạn… lỡ để quên trong tủ lạnh vài ngày, hãy bỏ chúng vào bát nước lạnh trong vòng 30 phút. Sau khi vớt ra, cắt bỏ những phần quá héo, úa và tiếp tục sử dụng phần còn lại.

2. Nếu nồi, chảo của bạn bị gỉ cũ, chỉ cần một nửa củ khoai tây, chấm vào muối trắng và chà đều quanh nơi bị gỉ. Bạn sẽ nhận được kết quả bất ngờ đấy!

3. Khi thái hành, tỏi, ớt… để tránh hương của chúng xộc lên mắt, mũi bạn, chỉ cần rải một ít muối trắng lên thớt trước khi sử dụng thì sẽ hạn chế được điều này.

4. Để rửa tay có mùi sau khi cắt hành, tỏi chỉ cần chà tay lên một muỗng bằng thép không gỉ khoảng 30 giây rồi mới rửa lại bằng nước. Thép hấp thụ mùi rất tốt. Nếu bạn có hạt cà phê tươi, nó cũng hấp thụ mùi cũng rất hiệp quả.

5. Để làm sạch chiếc ấm điện bám đầy cặn khó chùi, hãy đun sôi một hỗn hợp một nửa giấm, nửa nước trong ấm. Sau đó, những mảng bám đó sẽ hết sạch.

6. Để giữ cho khoai tây không nảy mầm trong túi, hãy cho một quả táo vào với nó.

7. Mủ, nhựa từ rau, củ có thể khiến tay bạn đen xì. Lúc này hãy chà một vài lát khoai tây đã gọt vỏ hoặc dùng giấm để tẩy chúng.

8. Nếu bạn quá tay khi nấu canh, chỉ cần thả vào nồi một miếng khoai tây để nó hấp thụ bớt lượng muối dư thừa. 9. Khi rã đông thịt trong tủ lạnh, đổ thêm một chút dấm lên trên, nó không chỉ làm mềm thịt mà còn giảm nhiệt độ đóng băng và do đó làm nó tan nhanh hơn.

theo Webtretho

Mẹo dân gian chữa đau răng hiệu quả

Thứ nhất đau mắt, thứ nhì dắt răng, câu tục ngữ của chúng ta nói về mức độ khó chịu khi bị đau răng. Đã bao giờ bạn lâm vào tình trạng bị đau răng? Nếu chưa có thời gian đi khám bác sĩ, bạn có thể tìm thấy một số nguyên liệu trong nhà bếp để có thể chữa trị tạm thời cảm giác đau nhức răng.

Một số mẹo vặt dân gian sau đây giúp bạn giảm đau răng:

Nước đá

Đây là cách thức rất dễ dàng nhưng không mấy ai để ý mỗi khi có hiện tượng đau răng. Bạn hãy lấy khăn sạch dùng nước đá bỏ vào trong chiếc khăn đó. Bạn bọc đá lại, hơi đá bắt đầu tỏa ra và bạn bắt đầu xoa vào chỗ đau. Chỉ một chút thôi là bạn sẽ cảm thấy khu vực răng đang bị đau có phần hơi tê vì cảm giác lạnh. Sau đó cảm giác đau nhức dần dần giảm. Tuy nhiên, sau đó bạn vẫn nên đi khám bác sĩ.

Chườm nóng

Dùng băng gạc ấm và nóng để giảm cơn đau. Đầu tiền chườm khăn bọc đá lên trên má chỗ vùng răng bị đau trong khoảng một phút. Sau đó thay bằng chai nước ấm lên đúng vị trí đó. Lặp đi lặp lại một vài lần như vậy, cơn đau của bạn sẽ giảm đáng kể.

Chanh

Nước chanh được chứng minh là rất hiệu quả trong giảm đau răng. Nó sẽ massage cho răng và nướu. Ngoài ra, nước hành tây cũng có tác dụng như nước chanh, vì vậy, nếu bạn chịu được mùi của hành tây thì có thể dùng nước hành tây thay nước chanh cũng rất tốt.

Muối

Muối là gia vị rất hữu dụng trong trường hợp này. Bạn hãy cho nước ấm vào một cái ly và thêm vào đó 2 thìa muối và khuấy đều lên. Lúc này, nước muối có vị mặn nhất định và do muối có khả năng sát khuẩn nên khi bạn sử dụng nước muối để ngậm và xúc miệng thì các triệu chứng đau và nhức răng sẽ giảm đi. Bạn nên ngậm và xúc nước muối khoảng 30 giây, sau đó thì nhổ đi và lặp lại liên tục như vậy.

Gừng

Gừng có khả năng sát khuẩn, cũng làm giảm đi những triệu chứng viêm nhiễm, chữa trị cho các vết thương nhỏ, hoặc những vết đang sưng tấy. Vì vậy, gừng cũng có tác dụng khi chúng ta đang bị sâu răng. Đầu tiên bạn thái gừng thành những lá mỏng, sau đó cho lát gừng vào vị trí răng mà chúng ta đang bị đau, cắn thật chặt lại cho nước chảy và ngấm vào chỗ bị đau sẽ giúp cho chúng ta giảm đau nhức và giảm sưng.

Tỏi

Tỏi cũng có khả năng sát khuẩn. Bóc vỏ tỏi tươi rồi đập dập và cho thêm vào ít muối và trộn đều. Sau khi trộn đều phần muối ngấm vào tép tỏi và bạn dùng tép tỏi ngậm vào vị trí mà răng đang đau cũng sẽ làm giảm đi cảm giác khó chịu. Với tỏi trộn đều với muối bạn có thể dùng thêm ít nước dầm cho nước ở tép tỏi tiết ra nhiều hơn. Dùng bông gạc thấm nước tỏi, muối và chấm vào những chỗ răng đau, bạn có thể làm liên tục như vậy. Hoặc bạn có thể dùng những tép tỏi vào giữa những chỗ răng đang bị đau và cắn thật chặt lại để cho nước ép tỏi tứa ra và thấm đều vào những chỗ răng đau, giảm được tình trạng viêm sưng.

Hành tây

Nếu bạn nào chịu đựng được mùi vị của hành tây, thì có thể ép lấy phần nước ngậm vào chỗ đau hoặc thái lát mỏng và ngậm vào trong chỗ đau.

Những phương pháp đơn giản trên giúp bạn tạm thời giảm được các cơn đau răng. Tuy nhiên, nếu có thời gian tốt nhất bạn cần đến bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt để được thăm khám và phát hiện được nguyên nhân gì khiến cho răng của bạn bị đau, nhức… và có cách chữa trị hiệu quả.

(Theo Khoahoc)

‘ĐÁNH TAN’ CƠN NGHẸT MŨI BẰNG 7 MẸO ĐƠN GIẢN

Mùa lạnh, nhiều người dễ bị nghẹt mũi. Nguyên do thường là cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng, dị ứng… Lúc đó, bên cạnh việc uống thuốc chữa bệnh, thì chúng ta cũng có thể sử dụng một số cách đơn giản sau đây để đẩy lùi tình trạng nghẹt mũi khó chịu.

 

Tỏi: Ép tỏi lấy nước rồi nhỏ vào mũi là cách dân gian hiệu quả. Nước tỏi có thể giúp tẩy sạch các chất nhầy trong mũi.

Uống nước: Bổ sung từ 8-10 ly nước trong ngày, có thể là nước canh, nước rau, trà thảo dược… cũng là cách để đối phó với nghẹt mũi hiệu quả.

Xông mũi: Bạn có thể hít mùi khuynh diệp, hoặc xông mũi bằng nước muối nóng để giảm nghẹt mũi.

Cà chua: Nước ép cà chua kèm một chút nước cốt chanh và mật ong là liều thuốc trị nghẹt mũi hữu hiệu.

 

Lá húng quế: Khi bị nghẹt mũi, ông bà ta thường khuyên nhai vài lá húng quế trong miệng. BẠn có thể pha húng quế với trà cũng được.

Gừng tươi: Ly trà ấm với chút gừng tươi sẽ giúp đẩy lùi những triệu chứng khó chịu khi cảm cúm, trong đó có nghẹt mũi. Bạn nên uống 2-3 lần trong ngày.

Mật ong: Đây được coi là liều thuốc hữu hiệu nhất để trị nghẹt mũi. Bạn hãy hòa 2 muỗng mật ong trong một ly nước hoặc sữa ấm rồi uống. Có thể dùng 2 muỗng trà mật ong trước khi ngủ để tránh nghẹt mũi.

 

Mỹ Mạnh tổng hợp.

5 LƯU Ý KHI ĂN CÀ CHUA

Cà chua là một trong những thực phẩm thông dụng nhất của thế giới. Với hương vị thơm ngon và tính chất bổ dưỡng, cà chua là thành phần không thể thiếu ở rất nhiều món ăn. Tuy vậy không phải cách ăn cà chua nào cũng có lợi cho sức khỏe, thậm chí có những cách ăn khiến cà chua trở nên có hại. 

Màu đỏ của cà chua cho thấy hàm lượng vitamin A trong cà chua rất cao, trung bình 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hằng ngày về vitamin A, vitamin B6, vitamin C. Ngoài các vitamin B1, B2, cà chua còn rất giàu các chất vi lượng như canxi, sắt, kali, phospho, magiê, nickel, cobalt, iod, các axid hữu cơ dưới dạng muối citrat, malat… Chính nhờ các yếu tố ấy mà cà chua được xem là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Sắc tố lycopen có trong cà chua, đặc biệt là ở vỏ, cùng với beta-caroten được xem là những chất chống ôxy hóa mạnh, vừa ngăn chặn tế bào ung thư, vừa chống sự hình thành của các cục máu đông trong thành mạch máu. Lycopen còn có tác dụng chống thoái hóa hoàng điểm, từ đó làm giảm mù lòa.

Cà chua là một loại rau rất bổ dưỡng và lành mạnh, có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa và điều trị bệnh suy nhược, chống chống nhiễm trùng. Nhưng không phải cứ ăn cà chua là sẽ bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Dưới đây là 5 lưu ý khi ăn cà chua:

Thứ nhất, không ăn cà chua và dưa chuột cùng một lúc

Tại sao không nên ăn cà chua và dưa chuột cùng một lúc? Lý do là bởi vì dưa chuột chứa một loại enzyme catabolic, sẽ phá hủy hàm lượng vitamin C có trong các loại rau khác. Cà chua là một loại rau có chứa một số lượng lớn vitamin C. Nếu bạn ăn hai loại thực phẩm với nhau, vitamin C trong cà chua sẽ bị phân hủy và bị phá hủy bởi các enzyme catabolic trong dưa leo.

Thứ hai, không nên ăn cà chua khi bạn uống thuốc chống đông máu

Cà chua chứa rất nhiều vitamin K. Tác dụng chính của vitamin K là xúc tác cho sự tổng hợp của prothrombin và coagulin trong gan. Vì vậy, nếu bạn ăn cà chua khi dùng thuốc chống đông, nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc này.

Thứ ba, không nên ăn cà chua khi đói

Cà chua có chứa một lượng lớn các chất làm se da hòa tan, sẽ phản ứng với axit dạ dày và đông vào cục u không hòa tan. Những khối u này có thể ngăn chặn các môn vị của dạ dày, dẫn đến đau bụng và khó chịu.

Cà chua chứa rất nhiều pectin và nhựa phenolic và các thành phần khác giống như trong quả hồng vàng. Khi ăn cà chua lúc đói, những chất này có thể dễ dàng phản ứng với axit, hình thành các cục không hòa tan, gây ảnh hưởng đến dạ dày, khiến khó chịu. Dạ dày phải tiêu thụ những chất này có thể gây ra đau bụng, nôn mửa và thậm chí là sốc. Do vậy, tuyệt đối không nên ăn cà chua lúc đang đói.

Thứ tư, không ăn cà chua xanh chưa chín

Cà chua xanh, chưa chín có chứa số lượng lớn các yếu tố alkaloid . Khi tiêu thụ nhiều sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm nhiều hơn. Các triệu chứng ngộ độc do ăn cà chua xanh thường là buồn nôn, nôn mửa, tiết nước bọt, yếu sức, mệt mỏi và các triệu chứng khác… thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.

Các chất độc hại trong cà chua có tên là alkaloid sẽ giảm dần và sẽ biến mất trong cà chua chín đỏ. Do vậy, bạn tuyệt đối không nên ăn cà chua xanh, chưa chín.

Thứ năm, không ăn cà chua nấu kỹ

Nếu cà chua đã được nấu chín trong một thời gian dài, dinh dưỡng và hương vị ban đầu của nó sẽ bị mất. Ngoài ra, nếu bạn ăn cà chua đã bị mất hết chất dinh dưỡng, có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, đó là rất nguy hiểm đối với cơ thể con người.

Cà chua là một loại rau bổ dưỡng, có chứa lycopene, vitamin C…Do vậy, nếu bạn chú ý và tránh các điều cấm ký trên khi ăn cà chua nó sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe của bạn.

Cách bảo quản cà chua:

Cà chua có hàm lượng Vitamin A cao, được sử dụng nhiều vào việc chế biến, làm tăng hương vị và màu sắc món ăn. Muốn giữ chúng được lâu hơn, bạn có thể làm một trong 2 cách sau:

Cách 1: Chọn quả chín, vẫn còn cứng, vỏ bóng, rửa sạch rồi hấp chín. Khi chúng đã chín mềm bạn bỏ ra để nguội, nghiền thật nhuyễn rồi lọc bỏ hột. Đem cà chua đun lên sền sệt là được, nhớ bỏ vào một chút muối và cho vào chai. Đun một ít mỡ thật sôi để nguội rồi đổ lên miệng chai. Cách này có thể để được cà chua quanh năm.

Cách 2: Chọn những quả chín, vẫn còn cứng, đỏ bóng, đem rửa sạch để khô ráo và xếp lần lượt từng lớp vào trong lọ to, hoặc chum vại. Cứ một lớp muối một lớp cà. Đậy lọ lại cho kín, bảo quản ở những nơi thoáng mát. Với cách này, bạn có thể giữ được cà trong một tháng.

(theo SK&ĐS)

Chỉ một vài động tác đơn giản, nhưng những mẹo sau đây sẽ giúp các loại rau củ quả trong nhà bạn tăng thời hạn sử dụng lên gấp nhiều lần.

Nấm:

Nấm mua về lấy ra ngay khỏi túi bóng, sau đó cho vào túi giấy hoặc hộp giấy rồi mới bỏ vào tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát.

Dâu tây:

Muốn bảo quản dâu tây được lâu, có một cách là dùng nước dấm. Chuẩn bị một tô nước pha chút giấm trắng, sau đó cho lần lượt dâu tây vào đảo sơ rồi vớt ra, cho vào cái rổ… Khi đã nhúng hết dâu qua dấm thì đợi tí cho ráo rồi rửa lại bằng nước sạch. Sau đó bỏ tủ lạnh bảo quản như bình thường. Cách này giúp dâu trữ được lâu hơn 1 tuần.

Chuối:

Dùng nilon hoặc màng nhựa bọc thực phẩm quấn cho kín phần cuống của nải chuối sẽ giúp kéo dài thời gian tươi ngon của chuối thêm 3-5 ngày.

Cà chua:

Cà chua không bảo quản trong túi nylon vì sẽ mau chín và nếu chín rồi thì sẽ mau thối. Nên cho vào túi giấy hoặc hộp giấy, để vào chỗ thoáng mát. Nếu lỡ mua cà chua xanh mà muốn cho chín nhanh thì cho ở chung với các loại hoa quả khác. Với cà chua đã chín, bảo quản nơi khuất tối, không cho quả chạm vào nhau, xoay cuống lên trên.

Các loại rau củ nảy mầm:

Khoai lang, khoai tây, gừng, tỏi, hành tây… có thể có hại nếu nảy mầm. Vì vậy để bảo quản được chúng, không dùng túi loại trong để ánh sáng không chiếu vào. Nên dùng túi giấy để đảm bảo bên trong khô ráo, nếu không có thì dùng khăn giấy bọc chúng lại rồi cho vào túi nylon.

Hành tây:

Nếu bạn có tất da cũ thì giặt sạch rồi để hành tây vào treo lên để trữ. Nếu tất dài có thể ngăn ra thành nhiều ngăn để trữ nhiều củ hơn. Cách này giúp hành tây tươi nguyên được 8 tháng.

Rau thơm:

Với các loại rau nhỏ như rau thơm, rau gia vị, bạn rửa cho sạch, nhúng vào dầu ô liu rồi sau đó cho vào cái ca, chế thêm nước vào rồi bỏ ngăn đá cho đông lại như làm đá viên. Cách này rất hữu dụng và phổ biến ở phương Tây.

Rau các loại:

Rau chưa cắt: bọc vào giấy bạc rồi cho vào tủ lạnh. Đối với xà lách, cải xanh, cần tây, cách này bảo quản được rau trong 1 tháng trở lên.

Rau đã lỡ cắt, để cho ráo rồi lấy khăn giấy quấn quanh, sau đó cho vào túi nilon bịt kín lại cho vào tủ lạnh sẽ giữ rau được 1 tuần trở lên.

Riêng các loại rau nhiều dầu thì không nên cho vào tủ lạnh, chỉ cần cột sơ gốc rồi treo lên chỗ thoáng mát.

Khoai tây:

Có cách để khoai tây không nảy mầm là cho một quả táo vào ở chung với nó. Không bao giờ để chung khoai tây với hành vì cả 2 sẽ nhanh hỏng.

Hạt:

Các loại hạt như hạt điều, hạt dẻ mua về nên rang chín rồi cho vào lọ thủy tinh để trữ.

Hành lá:

Nếu đã lỡ thái nhỏ hành mà không dùng tới, thì cho tất cả vào một cái chai nhựa (chai nước suối), đậy lại và cất vào tủ lạnh.

Bé Thúi tổng hợp.

Không phải lúc nào tủ lạnh cũng là nơi lưu trữ lý tưởng cho các loại thực phẩm, nhất là với những thực phẩm sau đây:

Bánh mì: Bánh mì sẽ cứng, xốp đi nếu nằm lâu trong tủ lạnh.

Tương ớt: Đa phần các loại tương ớt có thể bảo quản vài năm trong nhiệt độ thường, vì vậy, bỏ tủ lạnh chỉ tổ làm cho nó dễ bị mốc.

Cà chua: Cà chua có thể bảo quản tốt trong điều kiện thường. Nếu bạn bỏ vào tủ lạnh lâu, khi lấy ra cà chua dễ bị dập, biến đổi hương vị.

Dưa hấu: Tủ lạnh sẽ làm mất chất chống oxy hóa trong dưa hấu, như vậy làm giảm đi lợi ích phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của loại quả này.

Rau thơm: Rau thơm sẽ mau héo khi nằm trong tủ lạnh, ngoài ra hương vị của nó cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Khoai tây: Sau một thời gian nằm trong tủ lạnh, khoai tây dễ bị sượng, thay đổi mùi vị.

Cà phê: Cà phê nếu nằm trong tủ lạnh chung với nhiều thực phẩm khác, thì khi bạn uống, mùi cà phê rất ít, thay vào đó là đủ loại mùi vị trong tủ lạnh.

Rượu: Rượu lạnh có thể được nhiều người thích, nhưng nếu uống như vậy, bạn phải chấp nhận là rượu đó đã bị giảm hương vị.

Mật ong: Ở trong nhiệt độ lạnh, mật ong dễ bị kết tinh và trở nên khó sử dụng.

Tỏi và hành: Hành củ và tỏi không cần phải bỏ tủ lạnh, mà cho dù có bỏ cũng chẳng hay ho gì, chúng sẽ bị xốp đi, thậm chí là nấm mốc.

Bé Thúi (Theo BuzzFeed)

Sử dụng gia vị đúng cách

Không nên nêm mì chính vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao, chỉ tầm 70 – 80 độ C là vừa phải.

Tỏi, hành

Đây là gia vị có mùi hăng nên bạn cần cẩn thận về liều lượng khi dùng. Nếu ướp hành, tỏi quá tay bạn sẽ làm mất mùi vị đặc trưng của thực phẩm.

Khi rán trứng với hành, các bà nội trợ thường trộn đều hành với trứng rồi đổ cùng lúc vào chảo rán. Thói quen này sẽ không tận dụng được mùi thơm của hành, làm trứng và hành chín không đều. Cách làm đúng là cho hành, tỏi vào dầu trước, xào đến khi hành tỏa mùi thơm rồi cho trứng vào sau.

Không nên dùng hành tây, tỏi tây để trang trí món ăn. Chỉ dùng nấu chung với các nguyên liệu khác để tận dụng hết mùi thơm.

Giấm

Giấm giúp khử mùi và tăng hương vị cho món ăn. Một số người làm món sườn xào chua ngọt hay cho giấm vào sớm. Như thế, mùi giấm sẽ át mất vị ngọt, thơm đặc trưng của thịt và đường khi rán vàng. Chỉ pha giấm với nước sốt cà và rưới lên sườn đã chín vàng, đun sôi vài phút, nhấc xuống.

Khi chế biến các món nộm gỏi, trộn có thịt, bạn nên dùng chanh thay giấm.

Quế và hồi

Khi dùng dạng cây, bạn cho chúng vào lúc ướp nguyên liệu và lúc nấu để tận dụng hết hương thơm. Nếu dùng dạng bột, bạn nên hòa với một ít nước.

Không cho quế, hồi vào dầu đang nóng vì sẽ gây cháy, món ăn có mùi hăng và vị đắng.

Hạt tiêu

Các bà nội trợ hay ướp tiêu vào thức ăn trước khi chế biến để tạo mùi thơm. Tuy nhiên, hạt tiêu nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất mùi thơm đặc trưng. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên rắc hạt tiêu khi thức ăn đã chín.

Ngoài ra, trong hạt tiêu có một lượng dầu rất nhỏ để giữ hương thơm. Tiêu xay sẵn sử dụng tiện lợi nhưng sẽ bị mất mùi nhanh chóng. Do đó, các bà nội trợ muốn giữ tiêu dùng lâu dài nên để nguyên hạt, cất nơi khô thoáng. Khi cần dùng mới lấy tiêu ra xay nhuyễn. Như vậy, tiêu sẽ đảm bảo thơm ngon.

Mật ong

Trong mật ong có nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe như carbohydrate, chất chống ôxy hóa, axít béo, axít amin, các vitamin và khoáng chất. Các chất này dễ bị phân hủy khi ta đun nóng, chưng cất mật ong ở nhiệt độ cao. Chỉ nên pha mật ong vào nước ấm, trà hoặc sữa ở khoảng 40 độ C trở xuống.

Khi bảo quản mật ong, nên để trong lọ thủy tinh, nơi tránh nắng. Không nên để trong lọ kim loại vì dễ bị biến chất và có thể gây ngộ độc khi dùng. Khi thấy trong lọ mật có nhiều bọt khí nghĩa là đã biến chất, nên bỏ đi.

Gừng

Gừng thường được dùng để ướp thịt, cá và khử mùi tanh. Trong gừng có chứa men zingibai làm thịt mau mềm. Khi sử dụng, bạn nên rửa sạch và để cả vỏ vì có tác dụng chữa bệnh và tăng hương vị.

Không nên dùng những củ gừng để lâu vì có chứa độc tố lưu huỳnh gây hại cho gan.

Mù tạt

Gia vị này giúp khử mùi tanh của thủy hải sản và kích thích vị giác. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên dùng mù tạt để ướp thực phẩm hoặc làm sốt cho các món trộn vì chất enzyme tạo mùi của mù tạt rất dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao. Bạn không nên dùng mù tạt thay ớt khô hoặc ớt bột trong các món lẩu cay.

Đường, mì chính (bột ngọt)

Khi thực hiện các món rán và nướng, bạn chỉ nên dùng ít đường để ướp thực phẩm. Nếu dùng nhiều, món ăn rất dễ cháy khét, bị sậm màu gây mất thẩm mỹ và có vị đắng.

Khi nêm mì chính, chúng ta không nên cho vào lúc thức ăn đang sôi ở nhiệt độ cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chỉ nên cho mì chính vào khi thức ăn để khoảng 70 – 80 độ C. Đồng thời, người nội trợ nên nêm một lượng nhỏ mì chính vừa đủ để kích thích vị giác. Không nên cho quá nhiều loại gia vị này vào thức ăn vì một số người dị ứng với bột ngọt có thể bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí bị ngộ độc.

NS