VẮT VÀ BẢO QUẢN SỮA MẸ ĐÚNG CÁCH

Bên cạnh giúp mẹ quản lý được thời gian, liều lượng sữa cho con bú, việc vắt và trữ sẵn sữa mẹ còn giúp hạn chế các tổn thương nơi mẹ.

Với các mẹ không có nhiều thời gian cho con bú thì việc vắt sữa và bảo quản sữa trong tủ lạnh là một điều hết sức cần thiết. Nó giúp cho ngực mẹ không bị hiện tượng cương đầu vú, giúp bé nhận được lượng sữa mẹ cần thiết, nhất là trong 6 tháng đầu đời.

Cách vắt sữa:

Chuẩn bị trước khi vắt sữa

Chuẩn bị dụng cụ đựng sữa như cốc, ly, lọ hoặc bình đựng có miệng rộng.

Rửa dụng cụ đựng sữa bằng xà phòng và nước sạch. Rót nước sôi vào dụng cụ đựng sữa, để trong vài phút rồi đổ đi. Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng.

Đứng hoặc ngồi một cách thoải mái như khi cho con bú, đặt bình sữa sát kề vú.

Các bước vắt sữa bằng tay

– Massage nhẹ nhàng đầu vú hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên vú để tạo cảm giác dễ chịu giúp sữa về dễ dàng hơn.

– Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C. Đỡ vú bằng các ngón tay khác.

– Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. Ấn vào rồi thả ra, ấn vào rồi thả ra.

– Ấn xung quanh quầng vú tương tự từ nhiều phía.

Lưu ý, tránh chà xát hoặc trượt ngón tay trên da. Các ngón tay vắt bằng cách lăn trên da. Tránh ấn vào núm vú. Ấn hoặc kéo núm vú không thể vắt được sữa.

Vắt một bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt cả 2 bên. Có thể sử dụng bơm hút sữa để vắt dễ dàng hơn.

Thời gian bảo quản

Sữa mẹ sau khi đã được vắt ra có thể dự trữ ở nhiệt độ mát trong phòng (khoảng 26-28ºC) là 6 giờ; nhiệt độ thấp hơn là 8-10 giờ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ trong phòng không nên kéo dài quá 4 giờ. Trời nóng là dưới 1 giờ; dưới 20ºC không nên quá 2 giờ.

Nguyên nhân là vì sữa mẹ khác nhau từ người mẹ này với người mẹ khác, nhiệt độ phòng cũng khác nhau tùy lúc vắt sữa nên việc xác định thời gian bảo quản cũng phải linh hoạt.

Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Nếu bạn không có dự định cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong 1-3 ngày.

Dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Thời gian tối đa có thể lên tới 3 tháng (phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng – mở cửa tủ) và 6 tháng nếu ở trong máy ướp lạnh. Không nên bảo quản sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác.

Khi muốn đưa sữa lên ngăn đá, bạn nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng ½-1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài. Tuy nhiên, bạn không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho bé dùng sớm nhất có thể.

Thủy tinh được xem như chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ bởi vì các thành phần có trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong thủy tinh. Thứ hai là bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nên chọn loại bình dành riêng để trữ sữa.

Theo Nguoiduatin

NHỮNG LOẠI CỦ QUẢ BÀ BẦU NÊN TRÁNH

Tuy trái đu đủ là một loại trái giúp bà bầu nhiều sữa nhưng nên ăn vào thời kỳ đang mang thai từ các tháng đầu sẽ gây nguy hiểm khôn lường tới sức khỏe và thai nhi.

Mỗi loại quả có chứa vitamin và các công dụng riêng nhưng không phải cứ ăn hoa quả là tốt, nhất là khi bạn đang trong quá trình mang thai thì càng cần phải thật cẩn thận khi lựa chọn đồ ăn cho mình để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con nha. Dưới đây là 6 loại củ quả bà bầu nên tránh khi mang thai mà các bà mẹ nên biết:

1. Đu đủ xanh

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong 1 trái đu đủ xanh có chứa rất nhiều chất gây nguy hiểm cho thai nhi như papain, prostaglandin và oxytocin, trong đó chất papain có thể khiến tế bào phôi thai bị phá hủy, còn prostaglandin và oxytocin có tác dụng kích thích co bóp tử cung sớm đẩy thai nhi ra ngoài, điều này sẽ gây sảy thai nếu như thai nhi chưa đủ tháng.

Mặc dù đu đủ xanh không tốt cho các mẹ bầu nhưng đu đủ chín (thật chín) lại được cho là rất tốt cho thai phụ. Khi đu đủ chín, các chất papain, prostaglandin và oxytocin sẽ bị mất đi mà thay vào đó là các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, C, B1, B2 … giúp cung cấp dưỡng chất cho mẹ và thai nhi phát triển, giúp thai phụ thoát khỏi chứng táo bón và ợ nóng, tăng sức đề kháng cho cả mẹ và con.

2. Nhãn

Theo Đông y, quả nhãn mùi thơm vị ngọt, thuộc tính ôn nhiệt, chứa nhiều khoáng chất, vitamin A, C, kali, photpho, magie và sắt nên rất tốt cho cơ thể nhưng đối với phụ nữ mang thai lại không nên ăn nhãn.

Nguyên do là khi phụ nữ mang thai, thân nhiệt tăng lên nhất là trong 3 tháng đầu của thai kì, mà quả nhãn lại có tính nóng, phụ nữ mang thai ăn vào sẽ tăng nhiệt cho thai, dễ gây ra khí huyết không điều hòa, đầy hơi, nôn mửa, nếu ăn nhiều nhãn sẽ xuất hiện hiện tượng nhiệt, đau bụng, xuất huyết gây ra tình trạng dọa sảy, sảy thai, đẻ non.

3. Táo mèo

Táo mèo là loại trái cây tốt cho sức khỏe, được dùng trong đông y làm thuốc chữa bệnh trị tăng huyết áp, kích thích tiêu hóa … tuy nhiên nó lại là thứ nguy hiểm cho các mẹ bầu khi mang thai, nhất là những tháng đầu của thời kì thai nghén.

Có nhiều nghiên cứu cho thấy táo mèo có tác dụng kích thích tử cung khiến tử cung co bóp và thu nhỏ lại, điều này dễ khiến cho các mẹ bầu bị sảy thai và sinh non.

4. Dứa

Dứa (có nơi gọi là quả thơm) có tính vừa chua vừa ngọt, chứa nhiều dinh dưỡng được sử dụng rất nhiều trong bữa ăn hàng ngày như làm hoa quả ăn tráng miệng, dứa xào, nước ép dứa … nhưng đối với các bà bầu, nhất là các bà bầu mới mang thai 3 tháng đầu thì càng cần cẩn thận không nên ăn những quả dứa này.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết trong quả dứa có chứa chất bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích co bóp tử cung, nhất là những trái dứa xanh thì tỉ lệ chất bromelain là rất cao, khi bà bầu mang thai 3 tháng đầu ăn quá nhiều dứa xanh dễ khiến gây sảy thai. Tuy nhiên khi các bạn đun nấu dứa lên thì chất bromelain sẽ bị mất đi nên bạn có thể ăn dứa này. Tốt nhất mẹ bầu nên kiêng loại quả này trong thai kì đầu, và ăn một lượng vừa phải ở thai kỳ tiếp theo.

5. Đậu phộng

Theo thống kê của các nhà khoa học Anh cho biết cứ 100 người thì lại có 2 người dân bị dị ứng với đậu phộng, vì thế các bà mẹ đang mang thai dễ có nguy cơ bị dị ứng với đậu phộng, nhất là những gia đình có người thân có tiền sử bị dị ứng đậu phộng thì càng cần phải cẩn thận.

Nguyên nhân là vì trong đậu phộng có chứa chất đạm dị ứng có thể đi vào bào thai và gây ra việc dị ứng khiến khi sinh con ra con bạn sẽ bị dị ứng với loại này. Vì vậy, trong thời gian mang thai, phụ nữ nên căn nhắc với thực phẩm này.

6. Mướp đắng (khổ qua)

Nguyên nhân là do mướp đắng rất ít chất xơ và chất béo, không phù hợp với chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và cho con bú. Ngoài ra, phụ nữ mang thai ăn mướp đắng có thể gây giảm đường huyết. Hơn nữa, các hạt mướp đắng có chứa một chất tên là vicine – một độc tố có khả năng gây ra hội chứng cấp tính như nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê với những bà bầu nhạy cảm.

Một nguyên nhân nữa mà các chuyên gia khuyên trong dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai không nên có mướp đắng là vì mướp đắng được coi là một loại quả kích thích tử cung và có thể dẫn đến sinh non. Phụ nữ khi đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.

Với những lưu ý về 6 loại quả bà bầu nên tránh này, chúc các mẹ bầu có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi, hãy nhớ lựa chọn những loại trái cây phù hợp với từng thời điểm sức khỏe của mình các mẹ nhé.

(Tổng hợp)