NHỮNG MÓN ĂN DU KHÁCH KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN HUẾ

Đất cố đô gắn liền với những di tích lịch sử quan trọng và những thắng cảnh thiên nhiên xinh đẹp. Đến với Huế, du khách còn được thưởng thức những món ăn đậm đà từ những sản vật độc đáo qua bàn tay khéo léo và trí óc sáng tạo của con người nơi đây.

Sau đây là những món ăn bạn nên thưởng thức nếu có dịp đi ra Huế:


Chè

Chè là món ăn quen thuộc ở mọi địa phương, nhưng nói đến chè Huế, người ta vẫn phấn khích hơn. Đó là vì chè tại các quán chè ở Huế có rất nhiều loại, trình bày bắt mắt, hấp dẫn. Từ chè đậu ván, đậu ngự, đậu xanh, đậu đen, cho đến chè khoai, chè bột lọc, thịt quay… bạn đều có thể tìm thấy trong bất cứ một tiệm chè nhỏ nào. Một ly chè tại Huế thường ít ỏi, dường như là để “chừa bụng” cho bạn gọi thêm vài món chè khác.

Bún bò

Được xem là món ăn tiêu biểu nhất của nền ẩm thực Huế. Bún bò Huế có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách thập phương, trong nước cũng như quốc tế. Sợi bún, rau sống là những thành phần quan trọng, nhưng cái làm nên sự đặc biệt của tô bún bò Huế là ở nước dùng. Nước dùng bún bò là sự phối hợp ăn ý giữa nhiều thứ nguyên liệu với nhau như ớt, sả, được chấm phá thêm vị mặn mà đặc trưng của mắm ruốc Huế. Ăn xong tô bún bò Huế người ta có cảm giác “thỏa mãn” lạ kỳ mà ít món ăn nào mang lại được.

Bánh khoái

Bánh khoái có lẽ liên quan tới bánh xèo ở nhiều địa phương miền Trung, nhưng khi ăn rồi bạn mới thấy nó thật đặc biệt. Bánh khoái vỏ dày, giòn tan, bột vỏ thơm lừng, cộng với đó là phần nhân từ tôm, thịt, một chút rau nhợ. Bánh khoái chấm với tương gan heo pha chế theo công thức đặc biệt, mang lại sự đầy đặn trong vị giác. Tại Huế có nhiều chỗ đổ bánh khoái ngon, trong đó nổi tiếng là bánh khoái Lạc Thiện ở Thượng Tứ.Bánh khoái (ảnh: Dangngoctai)
Bèo nậm lọc ram ít
Bèo, nậm, lọc, ram, ít là tên những loại bánh được bán chung trong những hàng bánh lụp xụp trên vỉa hè Huế. Các món đơn giản chỉ làm từ bột gạo, bột nếp, bộ năng, thêm ít tôm chấy, thịt băm…nhưng khi ăn với phần nước mắm được pha hấp dẫn, món ăn có thể chinh phục bất cứ khẩu vị nào. Có thể nói bèo nậm lọc ram ít là những món bánh được liệt kê đầu tiên trong danh sách những món phải ăn ở Huế của khách du lịch.
Cơm chay
Huế có một “bộ môn” ẩm thực độc đáo đó là cơm chay. Cơm chay Huế được liệt vào dạng “phải ăn” khi đến Huế vì sự đa dạng, phong phú và rất ngon miệng của những món ăn đầy sáng tạo, đẹp mắt được truyền đời từ các nghệ nhân Huế. Đặc biệt, cũng với những nguyên liệu rau, củ, nấm thông thường, nhưng bạn có thể gọi những món giò, chả, nem công, chả phượng, tôm hùm, cá rán… với hương vị ngon lành khó phân biệt với “đồ thật”.
Cơm hến
Cơm hến thường bán với bún hến, là món quà sáng đơn sơ nhưng “ảo diệu” của người Huế. Món ăn chỉ làm từ cơm nguội, một số loại rau rẻ tiền cùng với chút hến, đậu phộng, mắm ruốc… nhưng khi trộn lên, tất cả hương vị như bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo, khăng khít. Cơm hến có ở khắp nơi nhưng người ta thường đến khu vực thôn Vĩ Dạ, đường Hàn Mạc Tử bên cồn Hến để ăn món này vì cho là ngon nhất.
Bánh canh Nam Phổ 

Đây là món ăn nổi tiếng từ làng Nam Phổ, huyện Phú Vang. Bánh canh có sợi dai nhẹ từ bột gạo pha bột lọc, ăn với nước xương pha nước luộc tôm có độ sánh cao. Trong tô bánh canh Nam Phổ luôn hấp dẫn bởi màu thịt tôm tươi vàng nổi trội. Nam Phổ cách trung tâm Huế chừng 10km, nhưng bánh canh Nam Phổ thì có ở mọi ngóc ngách của thành phố nhỏ nhắn này.
Nem lụi
Nem lụi là một kiểu nem nướng ăn với các loại rau sống, bánh tráng và tương chấm. Nem ở đây làm từ thịt giã nhuyễn, bì sợi, mỡ heo thái lựu, ướp với thính, gia vị rồi đắp vào que tre sau đó nướng vàng. Nem có vị chua ngọt thơm ngon của thịt lên men, là món ăn hấp dẫn biết bao du khách ngay từ lần đầu dạo qua những con phố ẩm thực của Huế.

MÙA NƯỚC NỔI, PHẢI ĐẾN MIỀN TÂY ĐỂ ĂN NHỮNG MÓN NÀY

 

Mùa nước nổi vào khoảng tháng 10 tới cuối năm là mùa nhiều tỉnh thành ở miền tây nam bộ khoác lên màu áo mới. Đây cũng là mùa mà du khách thích tìm hiểu nhất khi đến với miền đất này. Cùng điểm qua danh sách những món ăn tuyệt vời nhất mà bạn có thể tìm thấy ở miền tây mùa nước nổi.

Cá linh bông điên điển

Có lẽ đây là món ăn đặc trưng nhất của mùa nước nổi. Cá linh là cá hoang từ thượng nguồn sông Mekong. Cùng với bông điên điển, cá linh bắt đầu xuất hiện khi nước bắt đầu nổi cao. Cá linh đầu mùa thịt béo bột, ngọt lịm. Do cá linh rất dễ chết nên chỉ có ăn cá linh tại chính nơi bắt lên nó mới là tươi ngon nhất.

Lẩu điên điển cá linh. Ảnh: cungphuot.info

Tại miền Tây, cá linh kho tộ, kho quẹt, hoặc nấu canh. Nhưng “đúng bài” nhất, vẫn là những món ăn kèm bông điên điển như canh chua bông điên điển cá linh, lẩu cá linh bông điên điển.

Chuột đồng nướng

Chuột đồng nướng lu. Ảnh: vnmedia

Chuột là món đặc sản nổi tiếng của miền tây sông nước, đến mức nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng phải có những bài viết riêng cho món này. Thịt chuột ở đây là chuột đồng. Béo căng do ăn lúa. Chuột được làm đầu, làm ruột, móng, tẩm gia vị rồi neo vào lu sau đó nướng trong lu, vừa nướng vừa nêm quyết gia vị cho thịt được thơm và đẹp hơn, một tiếng thì ăn được. Thịt chuột hấp dẫn bởi mùi thơm, kết cấu chắc vị ngọt của thịt và phần da giòn óng ả.

Bông súng mắm kho

Bông súng mắm kho. Ảnh: yeudulich

“Muốn ăn bông súng mắm kho / Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Bông súng là hoa súng, không chỉ đẹp mà còn là một món ăn ngon và độc đáo của người dân Đồng Tháp Mười nói riêng và tây nam bộ nói chung. Bông súng làm sạch, tước vỏ, ngắt thành cọng, để ráo. Bông súng được dùng làm loại rau ăn kèm với mắm kho làm từ mắm cá sặt, cá linh. Mắm ngon phải có vị cay ớt, thơm sả, tép, đậm đà của mắm.

CÁ bống dừa

Cá bống dừa kho tiêu xanh. Ảnh: bentre

Cá bống dừa là đặc sản của nhiều tỉnh miền Tây. Ai đã ăn qua món cá bống dừa kho tiêu xanh vào mùa nước ròng ắt sẽ phải có lần quay trở lại để… ăn tiếp. Cá được đánh vảy, làm sạch nhớt, bẩn rồi ướp hành tỏi, gia vị, quan trọng là có chùm tiêu xanh mới hái ngoài vườn. Cá kho trong tộ cho tới khi chín, bóng lên, thịt săn chắc, vàng ươm, lẫn trong nước kho cá kèo kẹo. Món này ăn đơn giản với canh chua, cơm trắng là hết sảy.

Lá sầu đâu

Gỏi sầu đâu khô sặt. Ảnh: mientayquetoi

Mùa nước nổi cũng là mùa sầu đâu thay lá đơm bông, mang lại cho miền tây nam bộ những món ăn cực hấp dẫn đó từ sầu đâu. Sầu đâu đây là lá từ đọt sầu đâu non, thường có nhiều cách ăn. Lá sầu đâu vị đăng đắng ngòn ngọt, có thể ăn sống chấm mắm kho, cá linh kho mẳn, mắm chưng, mắm thái… Nhưng tuyệt chiêu nhất có lẽ là món gỏi sầu đâu. Gỏi sầu đâu trộn được với nhiều nguyên liệu từ tôm, thịt, cá, nhưng ngon nhất là với khô cá sặt, cá lóc, rồi tới cá tra, cá dứa… Gỏi sầu đâu hương vị đặc biệt, mới đầu nghe hơi nhẫn đắng nhưng sau đó lại nghe ngọt ngấm, lại quyện với các vị chua cay của nước trộn, làm ghiền lúc nào không hay.

Bánh xèo bông điên điển

Bánh xèo bông điên điển. Ảnh: cungphuot

Bánh xèo thì lúc nào cũng có, nhưng để ăn bánh xèo bông điên điển thì phải tới miền tây vào mùa nước nổi. Bông điên điển vốn đã ngon, bánh xèo cũng vậy, kết hợp hai món lại, cùng với các loại rau nhà lá vườn độc đáo như đọt xoài, lá mơ, đọt bằng lăng, lá cóc, đọt điều, chấm vô nước chấm cay ngọt, khiến cho người ăn dường như cảm thấy thỏa mãn gấp đôi, gấp ba.

Cá lăng 

Cá lăng kho. Ảnh: cungbandulich

Cá lăng là loài cá da trơn sống ở dưới sâu. Tại miền tây, người ta thường bắt được cá lăng vào mùa nước nổi. Cá lăng có nhiều kiểu kho nhưng phổ biến là kho với thơm (dứa). Cá lăng làm sạch rồi kho với gia vị kỹ càng sau đó mới cho thơm vào kho tới khi da cá nứt ra. Món ăn dân dã, đưa cơm này là một hương vị khó quên trong chuyến khám phá miền tây mùa nước nổi.

Bảo Tố (tổng hợp)

NHỮNG MÓN NGON NÊN KHÁM PHÁ KHI ĐẾN THĂM NINH BÌNH

Ninh Bình nổi danh là vùng đất có bề dày lịch sử, quê hương của ba triều Đinh, Tiền Lê, Lý, cũng là nơi có những thắng cảnh đẹp như tranh thủy mặc được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài ra, du khách đến Ninh Bình cũng bị hấp dẫn bởi những món ăn ngon mà độc đáo ở vùng đất sơn thủy hữu tình này.

Sau đây là những món ăn không nên bỏ qua khi đến với Ninh Bình:

 

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy là một trong hai món đăc sản đầu tiên người ta nghĩ tới khi nói về Ninh Bình (món kia là thịt dê). Cơm cháy Ninh Bình được làm và bán ở khắp thành phố. Món ăn này làm từ gạo chiên giòn, cháy nhẹ. Cơm cháy có thể ăn với nước chấm, hoặc ăn kèm với nhiều loại phụ liệu khác như ruốc, thịt… nhưng vẫn giữ được vị ngọt thơm quyến rũ, kết cấu giòn tan.

 

Cà niễng

 

Cà niễng trông khá giống con Cà cuống, nó chỉ to bằng đầu ngón tay út, màu đen, vỏ hơi cứng. Cà niễng được bắt từ các đồng ruộng, nơi nhiều rong rêu, cỏ lác, cỏ năng. Con vật này được bỏ hết chân, cánh, moi bụng, làm sạch để ráo rồi rang thơm cùng mắm muối. Cách chế biến đơn giản mang lại cho cà niễng một hương vị mộc mạc khó quên, đậm chất đồng quê.

Nem Yên Mạc

Đất Yên Mạc của Ninh Bình có món ăn khoái khẩu là món nem chua từ thịt lợn. Tương truyền món này do Phạm Thị Thư, con quan thượng thư Phạm Thận Duật phát triển từ món nem chua của cung đình Huế. Món nem này nổi bật với màu hồng hào hấp dẫn của thịt lợn thái cọng, được trộn với bì, thính cùng các loại gia vị giúp triệt tiêu mùi tanh của thịt sống. Nem ăn cùng với lá sung, lá ổi, chấm nước mắm chanh tỏi ớt rất hấp dẫn và ngon miệng.

Cua đồng rang lá lốt

Món ăn đầy hấp dẫn này được làm từ cua đồng rang giòn cùng lá lốt thái sợi, ăn cùng nước chấm. Tuy giản dị nhưng cũng chính nhờ cái giản dị đó mà món ăn có hương vị rất đậm đà, thấm thía. Ngày nay, cua đồng rang lá lốt không chỉ là món ăn ở nơi quê nghèo, nó đã trở thành món đặc sản không thể bỏ qua.

Nem dê

 

Dê Ninh Bình được thả sống tự do trên núi, nên thịt dê chắc, ngọt, ít mỡ và rất bổ dưỡng. Dê Ninh Bình được bắt về làm nhiều món, trong đó nem dê là một trong những món độc đáo. Nem dê có kết cấu chắc, vị chua ngọt hấp dẫn, ăn kèm lá ổi, lá sung, đầy đủ hơn thì có khế, mơ, rau thơm, tương gừng… Tạo nên một món ăn đầy đủ hương vị hòa quyện, kích thích.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn

Nếu đã từng mê món gỏi cá thì bạn không thể bỏ qua gỏi cá nhệch của Ninh Bình. Cá nhệch là loài cá khỏe mạnh, khó bắt, thường sống ở vùng đầm phá, cửa sông. Cá bắt làm gỏi là cá to khoảng 4 lạng trở lên, được sơ chế kĩ càng rồi bóp thành gỏi cùng với thính, nước chấm, dấm, gừng, tiêu, ớt, sả…Tạo nên một món gỏi cá ngon lành hấp dẫn, không còn chút mùi tanh của cá.

Dê tái ở cố đô Hoa Lư

Ninh Bình có rất nhiều món làm từ những con dê thả rong trên những ngọn núi cao chót vót, trong đó có món dê tái hay còn gọi là tái dê. Tái dê Hoa Lư thường được coi như món dê ngon nhất  trong các món dê. Dê cùng các nguyên liệu ăn kèm được sơ chế và chế biến rất cầu kì, để trở thành món ăn cực ngon và bổ dưỡng sẵn sàng cho du khách thưởng thức.

Canh chua cá rô Tổng Trường

“Đi thì nhớ cậu cùng cô

Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”

Món canh dân dã nhưng nổi tiếng từ bao đời nay của đất Tổng Trường, đó là món canh cá rô. Tổng Trường là vùng đất có nhiều hang động, khe suối, cá rô bắt ở đây rất ngon, ngọt và chắc. Món cá này được nấu với dưa, cà chua, đậu… tạo nên vị chua ngọt thanh dịu nhưng đày thấm thía, đã ăn rồi thì khó mà quên được.

Xôi trứng kiến Nho Quan

Xôi trứng kiến Nho Quan là món ăn lạ khiến nhiều người phải săn lùng khi đến với đất cố đô. Trứng kiến ở đây là ấu trùng của loài kiến nâu bắt ở các vùng đá vôi lởm chởm của huyện Nho Quan. Trứng được sơ chế, tẩm ướp kĩ để không còn mùi tanh hôi rồi mới được bày ra ăn kèm với xôi nếp thơm dẻo từ những cây lúa nếp trồng ở nơi đây.

Mắm tép Gia Viễn

Mắm tép của đất Gia Viễn làm từ tép riu tươi, ngâm mắm trong ít nhất một tháng rồi mới nấu chín. Món mắm này rất ngon, ngọt và đậm đà khó quên.

Rượu cần Nho Quan

Đất Nho Quan còn một đặc sản khác là rượu cần. Rượu cần Nho Quan xuất xứ từ đồng bào dân tộc Mường tại đây. Rượu làm từ cơm nếp trộn men, ủ trong hũ sành trong ít nhất ba tháng rồi sử dụng chứ không hề chưng cất. Cũng như rượu cần tây nguyên, rượu cần Nho Quan được uống bằng cách hút từ những cần trúc dài cắm vào hũ.

Cá kho gáo

Gáo là loại cây thuốc thường có ở khe suối, chân đồi… Quả gáo chua ngọt, có mùi thơm, được sử dụng như me, sấu trong các món canh, kho, trong đó có kho cá. Gáo giúp món cá hết tanh, khó ngán, tạo nên hương vị hấp dẫn cho món ăn.

 

Bánh trôi

Những chiếc bánh trôi trắng tròn rất quen thuộc với người dân miền Bắc. Nhưng bánh ở Ninh Bình trở nên đặc biệt nhờ phần nhân được làm từ đường mật, đậu phộng giã, lá cúc mốc thái nhỏ… tạo nên một vị ngọt mát, thơm tho lạ lùng.

Miến lươn

Miến lươn cũng nằm trong danh sách đầy ắp món ngon từ Ninh Bình. Lươn trong miến lươn Ninh Bình là lươn cốm, lưng nâu bụng vàng, nhỏ con nhưng thịt chắc thơm, ngọt. Đây sẽ là một hương vị khó quên cho cuộc hành trình khám phá cố đô của du khách.

 

Ốc núi đá Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình cũng chính là loại ốc nổi tiếng ở vùng núi bà Tây Ninh, với thịt chắc ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi là một đặc sản mới nổi của Ninh Bình. Ốc được bắt từ các dãy núi Tam Điệp, Nho Quan, Yên Mô… và được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Trần Anh tổng hợp

Hình ảnh: sưu tầm.

ĐẾN PHÚ YÊN, NHỚ ĂN MẮT CÁ NGỪ

Đất Phú Yên là điểm đến yên bình cho du khách với những thắng cảnh hoang sơ như mũi Đại Lãnh, ghềnh Đá Đĩa, núi Nhạn… Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để thưởng thức những món ăn ngon đặc trưng của nơi đây.

Trong số những món ăn mà nhiều người “săn lùng” nhất khi đến Phú Yên, có lẽ sau bánh hỏi lòng heo, phải kể đến món mắt cá ngừ.

Mắt cá ngừ ở đây là mắt cá ngừ đại dương, hay còn gọi là cá bò gù. Đây là loại cá “cao cấp” với giá trị dinh dưỡng cao và phần thịt đặc biệt thơm ngon, rất được người dân các nước phát triển như Nhật, Hàn, Đài Loan ưa thích. Cá ngừ đại dương rất to, nên con mắt cá cỡ bình thường cũng bằng quả trứng gà. Mắt cá ngừ đại dương rất giàu omega 3, DHA, tốt cho não và mắt người.

Món ăn này dường như chỉ thấy có ở Phú Yên, và cũng thuộc dạng hiếm ngay tại vùng đất này, bởi vì mắt cá có số lượng không nhiều, khi khai thác thì các nhà hàng đã “đón” sẵn. Vậy nhưng du khách đã có tâm hồn ăn uống, cũng phải tìm cho ra món này để thưởng thức.

Mắt cá ngừ đại dương thường được chế biến theo kiểu tiềm, rất công phu, cầu kỳ. Mắt cá tách riêng phần cầu mắt, các phần còn lại bỏ đi. Sau đó cho vào thố, cùng với các thứ nguyên liệu rau củ khác như kỷ tử, táo đỏ, sau đó đem tiềm cho chín. Khi dọn ra, mắt cá ăn kèm nhiều loại rau thơm trong đó quan trọng nhất là rau tía tô.

 

Một tô mắt cá ngừ lớn đầy hấp dẫn (ảnh: www.vietnamesefood.com.vn)

Mắt cá ngừ phải ăn khi còn nóng, lúc này ăn miếng cá chỗ dai chỗ béo, húp miếng nước tiềm thơm lừng với vị ngọt lừ tự nhiên của cá, bồi thêm miếng rau tía tô kèm theo, cắn miếng ớt cay chảy nước mắt, thực khách cảm nhận rõ ràng một hương vị hòa quyện dạt dào triền miên đầy kích thích trong miệng. Khi ăn xong thố mắt cá ngừ, ai nấy đều có cảm giác thỏa mãn kỳ lạ.

Tuy rằng món ăn ngon, bổ, hiếm và cách chế biến công phu, thế nhưng đặc điểm đáng yêu của món ăn này là không hề đắt đỏ. Một thố mắt cá ngừ chỉ có giá từ 25-30 ngàn đồng.

Bảo Tố

NHỮNG MÓN NGON LẠ NÊN ĂN TRONG CHUYẾN DU LỊCH SAPA

Khách du lịch Sapa lần đầu sẽ không thể nào quên cảnh đẹp còn nguyên sơ của núi rừng, hồn hậu mà hùng vĩ của ruộng bậc thang hay những con phố be bé xinh xinh, những buôn làng đầy ắp sắc màu thổ cẩm của cư dân bản địa…Đồng thời, họ lại càng khó quên những món ăn đơn sơ mà lạ lẫm từ các nguyên liệuđặc sản ở đây.

  

Rau đặc sản

Có lẽ Sapa là vùng đất nổi tiếng với nhiều thứ rau đặc sản xanh mướt trong lành. Đó hẳn phải là những ngọn rau su su làm nức lòng thực khách, rau cù khởi có cái tên lạ lẫm mà thơm ngon hay thứ rau đậu Hà Lan nhỏ bé những ngọt vô cùng…

Ngọn su su

Ngọn su su là loại rau rất phổ biến nhưng nó chỉ ngon khi được trồng các ở khu vực miền núi phía Bắc, nơi mùa đông có cái lạnh cắt da, cắt thịt hay mát mẻ vào mùa hè như Sapa chẳng hạn. Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn.

 

Nếu một lần đặt chân đến Sapa, một màu xanh mướt của ngọn su su trập trùng bên các sườn núi sẽ ôm trọn tầm mắt của bạn

Tuy là được trồng ở miền núi, nhưng rau cũng được người dân làm giàn cẩn thận, ngọn su su cứ thế mà leo lên, hưởng những ái ưu của thời tiết, của khí trời mà lan toả hết giàn này đến giàn khác, cứ bạt ngàn trong tầm mắt người ngắm. Và có lẽ cũng vì thế mà su su ở khu vực này mới ngọt hơn, giòn hơn nơi khác, mới thành thứ đặc sản mà ai đến đây cũng muốn mang về thưởng thức hay làm thứ quà biếu người thân, bạn bè.

 

Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá

Ngọn su su chẳng cần xào với các nguyên liệu khác cũng ngon. Chỉ cần nhặt sạch, cho vào xào cùng tỏi, mỡ, nêm chút gia vị là có thể thưởng thức ngay được. Hương vị của núi, của rừng, của những màn sương lạnh giá nhập nhoạng như mây cứ hòa quyện trong từng ngọn rau, chiếc lá.

Rau đậu Hà Lan

Nhắc đến đậu Hà Lan có lẽ người ta chỉ nghĩ đến việc thu hoạch quả và hạt nhưng ít ai ngờ rằng, thứ cây thân leo này cũng cho những ngọn rau ngon ngọt vô cùng. Chẳng thế mà người dân Sapa (Lào Cai) đã sớm biến nó thành loại rau đặc sản để bán cho du khách.

 

Rau đậu Hà Lan đem nấu canh rất ngon

Rau đậu Hà Lan được trồng và mọc theo giàn, ngọn rất nhỏ nhưng mềm mang màu xanh nhạt mà non tơ. Thường người ra dùng loại rau này để nấu canh với thịt băm, xương… hoặc đơn giản chỉ là nấu suông nhưng ngon ngọt vô cùng.

Rau cù khởi

Nghe cái tên vừa lạ lại vừa khó nhớ nhưng nếu nếm thử một lần rồi đảm bảo bạn sẽ chẳng thể nào quên được hương vị hấp dẫn của thứ rau dại (mọc ở hàng rào) trên mảnh đất Sapa đầy xa ngái. Trước đây, ở Sapa có rất nhiều loại rau ngon vì thế củ khởi ít mấy ai để ý đến nhưng nhờ có vị hơi đắng lại ngòn ngọt và mùi thơm đặc trưng nó lại trở thành một thứ đặc sản mà ai lên tới đây cũng muốn ăn thử và thích mang về.

 

Khi mới ăn rau củ khởi, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ

Rau củ khởi thường nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Khi nấu chỉ đun nước sôi già rồi bắc nồi ra, bởi để lâu trên bếp canh sẽ bị nồng và mất mùi thơm của rau. Canh rau củ khởi ăn nóng và nguội đều ngon. Khi mới ăn, thực khách có cảm giác hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại, khiến người ăn không biết ngán bao giờ.

Rau cải mèo

Đến các bản xa trung tâm Sapa như Tả Van, Cát Cát… du khách no mắt bởi màu xanh mỡ màng của những luống rau cải mèo bên cạnh ruộng bậc thang thoai thoải. Cải mèo vốn thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn, đó cũng là lý giải cho cái tên là lạ của cải. Cải mèo cũng được coi là loại rau quý vì được thiên nhiên chọn lọc nên sức sống mãnh liệt, nó có thể vượt qua thời tiết mùa đông khắc nghiệt có băng ở vùng núi này và sinh trưởng khỏe, để có thứ rau đặc sản cho con người.

 

Rau cải mèo là thứ đặc sản của người Mông, Sapa

Cải mèo có vị ngon và giòn, nên được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, người nấu thường vặn tròn để ngắt rau thành từng đoạn thay vì lấy dao thái, như vậy mới đảm bảo giữ nguyên hương vị ngọt tự nhiên của cải.

Cách chế biến đơn giản và được ưa chuộng nhất là thái nhỏ, giã gừng đổ nước vào đun sôi và sau khi nêm nếm là có một bát canh nóng hổi. Rau có thể nấu cùng với thịt gà băm nhỏ cùng gừng, nêm vừa mắm, muối, sẽ dễ cảm nhận chất ngọt của thịt gà hài hòa với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.

Đồ nướng

Đồ nướng không phải là món ăn xa lạ nhưng đến với Sapa, mảnh đất của mảng sương dày, của những cái lạnh cứ mỗi chiều buông xuống thì nó lại là một đặc sản vô cùng hấp dẫn. Các nguyên liệu dùng để nướng ở đây đều mang hương sắc của núi, của rừng, của mây mờ quanh năm che phủ. Đó là những bắp ngô, củ khoai, sắn hay mía trồng trên các nương rẫy cứ thơm ngon ai đi qua cũng phải hít hà.

 

Đồ nướng không phải là món ăn xa lạ nhưng đến với Sapa, mảnh đất của mảng sương dày, của những cái lạnh cứ mỗi chiều buông xuống thì nó lại là một đặc sản vô cùng hấp dẫn

Đồ nướng ở đây không chỉ đơn giản có thế, bạn có thể tìm mua cho mình những xiên thịt nướng từ thịt lợn cắp nách vô cùng hấp dẫn. Những xiên thịt nuớng Sapa vàng ươm đượm vị còn có cả da, nhưng không hề dai mà giòn, mềm, càng ăn càng ngọt. Bởi thế nếu đã nếm thử một xiên, chẳng mấy ai có thể cầm lòng mà đành phải gọi thêm vài xiên để ăn cho thỏa. Không chỉ được tẩm ướp gia vị sao cho vừa miệng, những xiên thịt ở đây còn được quấn kèm nấm kim châm trắng và rau cải mèo xanh, vừa hấp dẫn, đẹp mắt, vừa giúp đổi vị cho thực khách nhờ sự kết hợp tuyệt hảo của các đặc sản Sapa.

 

Đồ nướng Sapa rất phong phú

Trứng gà nướng hay cơm lam nướng cũng là một trong những đặc sản ở nơi này. Trứng gà luộc, cơm lam nấu chín sau đó đem nướng trên những ngon than hồng sẽ đem lại trải nghiệm đặc biệt về hương vị. Vào những buổi tối mờ sương, khi thị trấn đã lên đèn, trong ánh sáng nhập nhoạng chập chờn, dưới tiết trời lành lạnh, được ngồi nhâm nhi những món nướng ấm áp này thì chẳng còn gì bằng cả. Ngoài ra, món nướng còn có tôm, rau củ, hạt dẻ… chắc chắn sẽ làm từng thực khách hài lòng.

Cá hồi Sapa

Loại cá được nuôi tại Sapa chủ yếu là cá hồi vân, hay còn gọi là cá hồi ráng. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, chất lượng và màu sắc của cá hồi Sapa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu vào Việt Nam.

 

Cá hồi vân là đặc sản của Sapa

Cá có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari…, nhưng nổi bật nhất là các món lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng, cháo cá hồi, cá hồi tẩm bột chiên. Mỗi món ăn đều có một hương vị gì đó rất riêng, có lẽ đó là của mây, của núi của một vùng đất hoang sơ nhưng kì vỹ tạo thành.

Xôi ngũ sắc của người Tày

Đến với mảnh đất mù sương này, du khách còn có thể bắt gặp những thúng xôi nhiều màu sắc sặc sỡ của người Tày được bày bán khá nhiều ở chợ. Thông thường, xôi có 5 màu: đỏ, xanh, vàng, tím và trắng vô cùng hấp dẫn. Nếu tình cờ đi qua hàng xôi ấy, mùi thơm của loại xôi được làm từ thứ gạo nương ngon dẻo của tỏa ra thơm nức, như muốn níu lấy chân người.

Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…

 

Đến với mảnh đất mù sương này, du khách còn có thể bắt gặp những thúng xôi nhiều màu sắc sặc sỡ của người Tày được bày bán khá nhiều ở chợ

Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu.

Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Nghe nói, khâu này đòi hỏi người nấu phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Loại gạo ngâm màu nào dễ phai nhất sẽ được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ.

Trứng thuốc Bắc

Đây cũng là một trong những món ăn độc đáo của người Sapa. Món trứng sau khi luộc xong được đập dập vỏ, rồi nấu trong thuốc Bắc ít nhất 8 giờ. Khi ăn, trứng sẽ rất chắc, thơm mùi thuốc và có những đường vân vô cùng đẹp mắt. Trứng thuốc Bắc của người Sapa gần giống với món trứng tràcủa người Trung Quốc.

 

 

Món trứng thuốc Bắc ở Sapa

Tuy nhiên, cách nấu cụ thể như thế nào và có bí quyết gì để món trứng thuốc Bắc hấp dẫn bất cứ ai thưởng thức  thì chỉ có những người trực tiếp làm ra mới biết được.

(Khampha.vn)

‘NGẤT NGÂY’ VỚI 13 MÓN NGON PHẢI KHÁM PHÁ TẠI VŨNG TÀU

Vũng Tàu quá gần Sài Gòn, cho nên người ta thường đến Vũng Tàu trong những chuyến du lịch chớp nhoáng, ít ai có cơ hội khám phá hết đồ ăn ở đây. Thực chất Vũng Tàu là một địa điểm để bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn ngon tuyệt.

Vũng Tàu là vùng đất trù phú của đất nước ta, vừa có núi vừa có biển cho nên đặc sản vô cùng đa dạng và phong phú. Từ món đặc sản cho đến những món dân dã, bình dân đều đủ sức hấp dẫn thực khách mọi miền. Quá quen thuộc với mọi người, thế nhưng, liệu các bạn đã biết hết những điểm ăn uống lí tưởng tại nơi này?

Lẩu cá đuối

Đường Trương Công Định là điểm đến quen thuộc của du khách muốn có một bữa tối no nê khi ghé thăm Vũng Tàu. Tại con phố nho nhỏ này, nổi tiếng nhất có lẽ là món lẩu cá đuối đầy hấp dẫn. Vị ngọt thanh của nước lẩu, vị chua của măng, vị đậm đà của chén nước mắm, thêm chút tê tê của vài lát ớt cùng thịt cá đuối dai dai và sần sật của sụn cá khiến bạn phải ngạc nhiên đến không ngờ đấy.

Lẩu cá đuối hấp dẫn cùng rau sống tươi mát đem lại một bữa ăn ngon tuyệt hảo.

Bánh bông lan trứng muối

Từng là một món ăn vặt làm mưa làm gió Sài Gòn từ vài năm trước, nhưng hiện nay, cơn bão “bánh bông lan trứng muối” đã về đến Vũng Tàu, và chiếm một chỗ đứng nhất định trong “dạ dày” của những teen ghiền ăn vặt.

Vị mặn bùi bùi của trứng muối cùng vị thơm béo của bánh bông lan khiến món bánh này đánh gục hầu hết các vị khách. Giá cho mỗi chiếc bánh nho nhỏ này chỉ tầm khoảng 3.000 đồng thôi. Bánh bông lan trứng muối được bán dọc các con đường của thành phố biển và chất lượng bánh của bất kỳ quầy nào cũng gần tương đương nhau. Ngoài ra, biến tấu của món bánh này là bông lan trứng muối chà bông cũng khiến teen “rung rinh” túi tiền một chút vì độ ngon không cưỡng nổi.

Bánh khọt Gốc vú sữa

Đến Vũng Tàu mà không ghé qua quán bánh khọt này thì quả là một thiếu sót to đùng. Điểm ấn tượng đầu tiên của thực khách khi đến đây chính là số lượng thực khách trong quán dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng rất đông đúc. Một phần bánh khọt nóng hổi, giòn giòn được phục vụ kèm rau sống tươi ngon, chấm với nước mắm thì còn gì bằng.

Có một số nơi cũng bán Bánh Khọt với da bánh màu vàng ươm kiểu Miền Nam

Quán nướng Cô Nên

Toạ lạc tại Bãi Trước của thành phố biển, quán nướng Cô Nên có vị trí lý tưởng để thưởng thức món nướng từ những loại hải sản tươi ngon. Giá cả phải chăng và hương vị thơm ngon là yếu tố để thực khách tìm đến quán như một địa chỉ không được bỏ qua dành cho “tín đồ” hải sản.

Bánh bèo Tuyết Mai

Không gian vườn mát mẻ đem lại cảm giác sảng khoái cho bất kỳ thực khách đến với quán này. Bên cạnh vị ngon có tiếng của dĩa bánh bèo “khủng”, quán Tuyết Mai còn ghi dấu với kỷ lục được chứng nhận bởi Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp: Quán bánh bèo lâu năm nhất tại Vũng Tàu.

Ngoài món bánh bèo truyền thống, hiện nay quán cũng phục vụ thêm nhiều món ăn đa dạng khác như: chạo tôm, chả giò, nem nướng, bì cuốn… Địa chỉ để thưởng thức bánh bèo Tuyết Mai nức tiếng ở số 9 Phan Chu Trinh, phường 2, Thành phố Vũng Tàu.

Kem Alibaba

Điểm thú vị của quán kem này chính là ông chủ của quán là một người Thổ Nhĩ Kỳ. Anh chàng này nói tiếng Việt rất giỏi vì thế nhiều bạn nữ sẽ tròn xoe mắt khi được phục vụ kem bởi một chàng ngoại kiều khá đẹp trai.

Kem ở đây không đặc biệt quá về hương vị nhưng thái độ phục vụ của nhân viên là điểm nhấn trong lòng khách hàng. Quán kem nằm phía trước nhà chờ cáp treo. Chú ý là quán chỉ mở cửa vào buổi tối thôi.

Bánh hỏi An Nhất

Không nằm ở khu vực trung tâm thành phố nhưng bánh hỏi An Nhất lại là thương hiệu nổi tiếng bạn nên ghé qua khi đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là tiệm bánh gia đình đã có hơn 50 năm tuổi. Lâu đời, hương vị đặc trưng đã khiến tiếng tăm bánh hỏi An Nhất vang xa.

Một phần bánh hỏi dẻo thơm ăn cùng 7 loại rau sống tươi ngon và bát nước mắm ngó sen khiến thực khách khó có thể quên được hương vị của bánh hỏi. Mức giá trung bình cho một phần bánh hỏi thịt heo quay giá khoảng 35.000 đồng.

Bánh canh Long Hương

Bánh canh nơi đây ghi dấu bởi cọng bánh làm từ bột lọc nên độ dai khiến thực khách ấn tượng và thích thú. Giò heo dùng chung với bánh canh được đánh giá là khá “khủng” nên bánh canh Long Hương có được chất lượng hoàn hảo. Ngoài ra, quán cũng bán thêm nước mía vị dứa, vị khá lạ.

Toạ lạc ngay cổng chào của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, rất dễ để tìm ra nên bánh canh Long Hương từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách. Mức giá cho một tô bánh canh từ 40.000 đồng trở lên, không phải quá rẽ nhưng rất đáng cho một bữa ăn ngon.

Bún Mắm – Bún Gà Chị Bé

Con đường Tú Xương tập trung khá nhiều các hàng quán, nhưng có một địa chỉ bán Bún Mắm là luôn tấp nập khách, đó là quán Quán Bún mắm – Bún Gà Chị Bé số 26 Tú Xương – Vũng Tàu.

Quán chỉ bán món Bún mắm và Bún Gà. Một phần bún mắm có giá khoảng 25.000 đồng với đầy đủ tôm, mực, thịt heo quay, cá lóc hấp, cà tím… Ngoài việc hải sản và thịt tươi ngon hấp dẫn thì điểm cộng của quán này còn nằm ở mùi vị của nước dùng. Nước dùng của món không quá mặn, không quá ngọt mà rất vừa ăn. Mùi mắm nấu trong nước vừa đủ, thơm lừng – dễ dàng làm nức lòng thực khách.

Hủ tiếu Trường Du Lịch

Hủ tiếu là món ăn quen thuộc của người dân Nam bộ. Món này dễ ăn có thể ăn hủ tiếu nước hay hủ tiếu khô. Tại Vũng Tàu bạn có thể ăn tối tại Quán Hủ tiếu số 376 Trương Công Định, Phường 8, Thành phố Vũng Tàu quán không để bảng hiệu nên người dân quen gọi là Quán Hủ Tiếu trường Du Lịch (vì quán gần Trường Cao Đẳng Du Lịch Vũng Tàu), quán chỉ bán buổi tối ở địa chỉ này, buổi sáng quán bán ở Địa chỉ 82 đường 30/4 – Vũng Tàu. một địa chỉ khá quen thuộc với giới sành ăn Vũng Tàu. Giá 25.000 đồng/tô

Bánh xèo miền biển Long Hải

Bánh xèo là món ăn quen thuộc và phổ biến của người dân Việt Nam, mỗi vùng miền đều có cách chế biến mang những hương vị đặc trưng riêng.

Mặc dù nguyên liệu chính để làm bánh xèo Long Hải vẫn là tôm, thịt heo, hành tây, giá, mộc nhĩ, đậu xanh, trứng gà và bột gạo nhưng bánh xèo tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền mang nhiều nét rất đặc biệt.

Thứ nhất do nguồn thực phẩm tươi ngon mua của dân chài đánh bắt trong ngày mang về chưa ướp đá; thứ hai do kỹ thuật đổ bánh điêu luyện của người làm nên khiến bánh giòn tan, có màu vàng tươi, thơm ngon; tiếp nữa là nước chấm được pha chế công phu, có vị chua chua ngọt ngọt của dưa cải, vị đậm đà của nước mắm ngon loại đặc biệt… khiến người ăn có thể cảm nhận được hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Cháo Hàu Long Sơn

Xã đảo Long Sơn là quê hương của những con hàu sữa béo ngậy và cũng là nơi có món cháo hàu thơm ngon nức tiếng gần xa. Du lịch Vũng Tàu, được thưởng thức tô cháo hàu Long Sơn nóng hổi tuyệt ngon có vị ngọt béo của hàu, quyện với mùi thơm của gạo, vị cay của tiêu, hành, của gừng hòa cùng vị ngọt của nấm rơm đánh thức vị giác. Nếu bạn đã từng một lần được thưởng thức qua món cháo hàu Long Sơn nổi tiếng tại đây chắc chắn sẽ không thể nào quên.

Lạ miệng với gỏi cá Mai

Như nhiều người dân địa phương chia sẻ, nếu đi du lịch tới Vũng Tàu mà chưa thưởng thức món gỏi cá Mai thì xem như chưa trải nghiệm hết được những nét đặc trưng của nơi đây. Gỏi cá Mai là món ăn rất ngon có từ lâu của ngư dân vùng biển Vũng Tàu, cá Mai giống như cá Cơm, dài khoảng 6cm, màu trắng trong, có rất nhiều ở vùng biển Bãi Sau Vũng Tàu.

Để có được đĩa Gỏi cá Mai ngon, những cửa hàng ở đây phải chọn con cá tươi, đánh vẩy rửa sạch, rút xương rồi ướp giấm, chanh, tỏi, ớt làm chín cá, tiếp đến trộn với thính cho thơm. Nhưng yếu tố quyết định của món gỏi cá Mai ngon hay không lại còn ở bí quyết làm nước chấm, nước chấm ở Vũng Tàu được pha chế rất công phu, xương cá Mai được tận dụng nấu nước chấm cùng với mè, đậu phộng rang vàng giã nhỏ và các gia vị gia truyền khác tạo nên loại nước chấm thơm ngon, đặc biệt và “không đụng hàng”.

(Theo Yan)

http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/187153/-quen-sau–voi-nhung-mon-ngon-sieu-hap-dan-tai-vung-tau.html

13 MÓN PHẢI KHÁM PHÁ KHI ĐI DU LỊCH PHAN THIẾT – BÌNH THUẬN

Đến Phan Thiết, ngoài việc trải nghiệm biển xanh, cát trắng, thăm các di tích cổ xưa, thì du khách còn một điều quan trọng nữa cần phải khám phá, đó là ẩm thực.

1. Bánh tráng cuốn dẻo

Món này được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường. Thành phần của bánh khá đơn giản gồm bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ, trứng cút. Mọi thứ được cuộn lại rất ngon và hấp dẫn. Món ăn này thường được bán vào buổi chiều tối. Bạn có thể đến ngã tư Trần Hưng Đạo và Thủ Khoa Huân (Gần cafe Hoa Nắng) hay ngã ba Tam Biên, gần cafe Tiếng Xưa để ăn thử.

2. Bánh canh

Đây là món ăn đơn giản, bổ dưỡng. Bạn có thể dùng bánh mỳ để chấm với nước bánh canh, có nhiều kiểu như bánh canh chả cá, bánh canh chả hấp . Món này tại Phan Thiết hơi ngọt nên có thể bạn sẽ không quen, nhưng hãy thưởng thức một lần xem sao. Bạn có thể ghé quán bánh canh Xíu ở đường Kim Đồng hay quán bánh canh trên đường Hải Thượng Lãn Ông (gần Trung tâm SKCB) để thường thức món này.

3. Gỏi cá

Đây là món gỏi không thể không thưởng thức khi bạn đã đến với Phan Thiết – Mũi Né. Hãy tới các quán nhậu ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty để thưởng thức gỏi cá ngon với mức giá hợp túi tiền

4. Mì quảng Phan Thiết

Dù có nguồn gốc ở Quảng Nam nhưng đây lại là một món ăn rất… đặc trưng của Phan Thiết. Bạn hãy ăn thử một lần để thấy được sự khác biệt của mỳ xứ Quảng và Phan Thiết. Bạn có thể ăn mỳ quảng bà Phượng ở đối diện trường Tuyên Quang ăn ngon, khẩu vị mặn mà của dân Phan Thiết. Gần trường Phan Bội Châu cũng có một bán bán cơm gà và mỳ Quảng chất lượng, nhưng chỉ bán buổi sáng.

5. Bánh căn Phan Thiết

Bánh căn ở Phan Thiết bán rất nhiều nhưng thường bán vào chiều tối. Trên đường Thủ Khoa Huân (đường ra Mũi Né) có rất nhiều hàng. Từ Cầu Lê Hồng Phong hướng về chợ Phan Thiết (đoạn mắt mắt kính Eden) vào buổi tối có bà bán bánh căn vỉa hè cực ngon. Quán bánh trên đường Hải Thượng thì có bàn ghế hẳn hoi, ngồi ăn lịch sự nhưng không ngon bằng chỗ kia.

6. Bánh rế Phan Thiết

Đây là một món bánh đặc sản của Phan Thiết có mùi vị và màu sắc rất hấp dẫn. Bánh có vị ngọt và bảo quản được khá lâu. Bạn có thể mua món này ở Chợ Phan Thiết hoặc các tiệm bán đặc sản nằm dọc sông Cà Ty và ở Mũi Né.

7. Cá lồi xối mỡ

Tới Phan Thiết bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức cá lồi xối mỡ. Món này cuốn bánh tráng ăn cực ngon. Hãy đến quán Xuân Vàng trên đường Phạm Văn Đồng hoặc các quán năm trên khu vực Mũi Tàu (Bờ Kè) sát cầu Trần Hưng Đạo để thưởng thức món này.

8. Bánh quai vạc

Đây là món ăn rất bình dân, nhưng hương vị thì rất đậm đà. Món này được nhiều người gánh hàng rong bán ở biển Đồi Dương, hoặc các bạn có thể thưởng thức tại khu bán đồ ăn ở giữa chợ Phan Thiết.

9. Gỏi ốc giác

Món ăn này vừa là món nhậu vừa là món ăn chơi rất được ưa thích của các bạn học sinh. Món này được bán tại khu Sở Y Tế ngay gần Ga Phan thiết vào buổi chiều tầm 3 giờ chiều đến 7 giờ tối. Tại đây còn bán nhiều món ốc khác nữa cũng rất hấp dẫn.

10. Bún bò Phan Thiết

Nếu nói đến món bún bò thì các bạn nghĩ ngay đến món bún bò Huế, nhưng liệu bạn có biết Phan Thiết cũng có món bún bò rất riêng của mình. Với mùi vị hoàn toàn khác lạ, đặc biệt là sợi bún nhỏ chứ không lớn như bún bò Huế trong Sài Gòn. Quán Bún bò Nguyệt ở Thủ Khoa Huân bán từ 4 giờ chiều tới tối hoặc quán bún bò chỗ ga Phan Thiết (Gần gỏi ốc) rất đáng để thử.

11. Các món hải sản khác

Ngoài những món đặc sản trên, nếu các bạn muốn thưởng thức những món hải sản, ngon rẻ, thì các bạn đến khu vực bờ kè gần sông Cà Ty. Những quán được nhiều người khen ngợi nhất là Quán Tư Minh, Thu Tỷ hay quán Xuân Vàng.

12. Phở khuya Lạc Hà

Đến Phan Thiết, khi đi chơi khuya về cùng với bè bạn, bụng đói… bạn có thể ghé vào tiệm phở Lạc Hà – tiệm phở khuya rất lâu năm ở Phan Thiết, nằm trên mặt tiền trục đường chính Trần Hưng Đạo. Rất nhiều du khách gần xa biết đến tiệm phở khuya này. Quá mở từ 16 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau.

13. Răng mực nướng

Đây là món ăn rất được các bạn học sinh Phan Thiết yêu thích. Nếu muốn thử món này, bạn có thể ghé quán răng mực nướng gần Ga Phan Thiết (bán vào khoản 3 giờ chiều đến gần tối) và các quán răng mực nướng trên đường Nguyễn Tất Thành (đường ra biển Đồi Dương).

Theo Chudu 24