ĐẬU ĐEN: ‘THẦN DƯỢC’ ĐỂ GIẢI ĐỘC CƠ THỂ

Đậu đen là loại hạt quen thuộc trong dân gian ta. Đậu đen thường dùng làm các món xôi, chè, kho cá… Từ lâu dân gian đã coi loại đậu này là thuốc bổ. Ngày nay, những nghiên cứu khoa học cũng cho thấy những công hiệu quý báu của đậu đen trong việc trừ khử độc tố ra khỏi cơ thể.

Theo Đông y, đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ thận thủy, hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt…

Y học hiện đại cũng cho rằng đậu đen có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều vitamin A, B, C, PP, protid, glucid, lipid, muối khoáng. Hàm lượng axít amin cần thiết cho cơ thể trong đậu đen rất cao như lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin…

Dưới đây là những công dụng quý giá của đậu đen mà có thể bạn chưa biết:

– Giải độc cơ thể:

Trong đậu đen có chứa một lượng khoáng chất vi lượng molypden – một thành phần của enzyme sulfile oxidate nên có tác dụng rất tốt trong việc khử độc sulfates (sunfit) cho cơ thể.

Sulfates (sunfit) là hóa chất có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn không có lợi cho con người, làm tăng nhịp tim, gây đau đầu hoặc rối loạn chú ý. Một bát đậu đen có chứa tới 172% nhu cầu khoáng chất molypden cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên thường xuyên ăn đậu đen với một lượng vừa phải để có tác dụng thanh lọc cơ thể.

– Bổ sung chất xơ:

Trong đậu đen có chứa rất nhiều chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan có ích cho quá trình chuyển hóa glucose ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, giúp hấp thụ nước trong dạ dày và hình thành ra loại gel làm giảm quá trình chuyển hóa carbohydrate.

Đồng thời lượng chất xơ có trong đậu đen còn giúp làm giảm cholesterol, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa và các chứng bệnh khó chịu có liên quan.

– Cung cấp chất chống oxy hóa:

Đậu đen rất giàu anthocyanins – một chất chống oxy hóa. Đậu càng đen càng giàu chất này, thậm chí còn cao gấp 10 lần có trong nho, quả mâm xôi, dâu tây – những siêu thực phẩm.

– Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

Đậu đen là cung cấp chất xơ, folate và magie giúp làm giảm hormocystein, một loại acid amino hay còn gọi là sản phẩm trung gian không có lợi cho quá trình chuyển hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.

– Giúp ổn định đường huyết:

Chất xơ hòa tan có trong đậu đen có tác dụng ổn định lượng đường trong máu. Trường hợp cơ thể kháng insulin mắc bệnh đái tháo đường thì nên tăng cường ăn đậu đen, nó sẽ giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng một cách chậm hơn và ổn định lượng đường huyết.

– Giúp bổ sung chất sắt và măng-gan cho cơ thể:

Đậu đen có tác dụng rất tích cực trong việc làm tăng năng lượng và hồi phục hàm lượng sắt đồng thời cung cấp tới 38% vi lượng măng-gan/1 bát đậu đen cho cơ thể.

Chính vì thế, loại thực phẩm này rất hữu ích cho nhóm người bị mất máu bởi chấn thương, hoặc cho phụ nữ giai đoạn hành kinh cũng như cho nhóm người tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển.

theo Trí Thức Trẻ

Cách nấu XÔI NGŨ SẮC

Xôi ngũ sắc là sự phối hợp giữa những loại đậu quen thuộc tạo nên một hương vị “đầy đủ”, ngon miệng và cũng thật bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

  • – Nếp: 1kg
  • – 2 lạng hạt sen
  • – 2 lạng lạc
  • – 2 lạng đỗ đen
  • – 2 lạng đỗ xanh cà còn vỏ
  • – 2 lạng đỗ xanh cà không vỏ
  • – 1 kg dừa nạo, vắt lấy nước cốt
  • – 200g dừa tươi nạo sợi
  • – 1 lít nước dừa
  • – Hành phi, lạc rang giã dập, vừng rang, lá chuối

Cách làm:

– Nếp ngâm qua đêm, đãi sạch rồi ngâm nước dừa chừng 30 phút. Vớt ra để ráo, xóc với tí muối.

– Đậu xanh không vỏ luộc chín, chia làm 2 phần bằng nhau. 1 phần tán nhuyễn, trộn với ít muối, đường. 1 phần để đó.

– Bốn loại đậu còn lại đem ngâm rửa sạch rồi luộc chín.

– Đậu phộng và mè rang giã sơ để làm muối đậu.

– Dừa sợi chuẩn bị sẵn.

– Chia nếp làm 5 phần, trộn với 5 loại đậu. Đem tất cả vào xửng hấp chín. Trong khi hấp nhớ rưới nước cốt dừa đều cho xôi chín mềm ngon.

– Xôi chín rắc muối mè đậu, hành phi, dừa nào lên, ăn nóng cho ngon.

theo Khánh Hòa

CÁC BÀI THUỐC TỪ ĐẬU ĐEN

Theo Đông y, đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt…

Đông y gọi đậu đen là ô đậu hay hắc đại đậu… những vị thuốc chế với đậu đen có tác dụng bổ thận thủy. Theo Đông y, đậu đen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt…

Một số cách trị bệnh bằng đậu đen:

Trị đau lưng: đậu đen 100g, giã giập, cho vào ít giấm xào cho nóng lên để âm ấm, đắp vào vùng lung đau, có thể để qua đêm. Hay đậu đen 50g, đuôi heo hoặc đuôi bò 1 cái. Hầm thật nhừ, ăn cả nước lẫn cái.

Mỗi tuần ăn 2 – 3 lần, kết quả khá tốt.

Trị phụ nữ sau khi sinh bị suy yếu, chóng mặt, hoa mắt do mất máu: đậu đen 50g, gà ác 1 con, hầm thật nhừ, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi tuần ăn 2 lần, rất mau lại sức.

Trị mắt mờ ở người cao tuổi, nhìn không rõ, hay bị hoa mắt, chóng mặt: đậu đen 100g, mè đen 100g. Sao khô, tán bột, trộn đều. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê (8g). Uống lâu ngày, mắt dễ chịu hoặc đỡ mờ hơn.

Trị âm hư hỏa vượng (biểu hiện sốt về chiều, đau đầu, mặt bừng nóng, mắt đỏ, dễ tức giận): đậu đen 50g, lá dâu tằm ăn 20g. Đổ vào 1 lít nước, nấu cho sôi kỹ, lọc lấy nước uống dần trong ngày.

Đậu đen chế hà thủ ô chữa di tinh, liệt dương, tay chân mỏi yếu, râu tóc bạc sớm: 50g đậu đen nấu nước rồi lấy nước đậu chưng cách thủy với 300g hà thủ ô đỏ trong 2 – 3 giờ, vớt ra để ráo phơi khô để dành dùng lâu, dùng dạng nước sắc mỗi ngày 15 – 20g hoặc đem tán bột, mỗi lần uống 5g.

Trị phù thũng do thận hư yếu: đậu đen 100g, rễ cỏ tranh 15g. Nấu với 1 lít nước, uống dần trong ngày. Có thể uống lâu dài cho đến khi khỏi bệnh.

Trị chứng viêm gan mạn: Ngoài những thuốc đặc trị, nên dùng 100g đậu đen nấu lấy nước uống thường xuyên có tác dụng giải được độc tố trong gan ra ngoài.

Ra mồ hôi nhiều do thể trạng suy nhược: đậu đen 30g, phù tiểu mạch 30g, đại táo 15g, sắc uống trong ngày. Hoặc đậu đen 60g, hoàng kỳ 30g, sắc uống.

Viêm da lở loét do nhiệt độc hoặc ngộ độc thuốc và thực phẩm: đậu đen 30g, cam thảo sống 9g, sắc uống. Tiểu ra máu: đậu đen 30g, đậu xanh 30g, rễ cỏ tranh 30g, sắc uống.

Rối loạn tiền đình (hay bị chóng mặt): đậu đen 30g, ngải cứu 45g, trứng gà 1 quả. Luộc 3 vị cho tới khi trứng chín. Ăn trứng, uống nước sắc.

Làm giải rượu: uống nước sắc đậu đen càng nhiều càng tốt.

Giải khát, làm hết khô miệng ban đêm: đậu đen 80g, lê 1 quả, đường phèn 30g, sắc lấy nước uống hằng ngày.

Chữa phong thấp, gân co gối nhức, trong bụng nóng, đại tiện bón:đậu đen ngâm nước, ủ cho mộng dài từ 2 – 3cm rồi phơi khô, dùng 1 thăng rồi cho nửa lạng giấm vào trộn đều, sao vàng tán nhỏ. Mỗi lần uống 1 muỗng nhỏ với rượu trước khi ăn, ngày uống 2 – 3 lần, tác dụng rất hay.

Chữa dị ứng, lở ngứa, mụn nhọt: đậu đen sao nhỏ lửa đến khi ruột bên trong có màu vàng đậm, lấy 50 – 100g nấu uống trong ngày.

Theo BS. Hoàng Trung

Sức khoẻ & Đời sống

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/y-hoc-co-truyen/dau-den-tri-dau-lung-20141007223607844.htm

Cách nấu CHÈ ĐẬU ĐEN HẠT SEN thanh nhiệt, giải độc, ngủ ngon

Phối hợp hai loại đậu, cùng với chút trần bì (có vị cay) sẽ làm món chè trở nên khó ngán hơn. Chè đậu đen hạt sen là món ăn ngon miệng và bổ dưỡng, thích hợp với những ngày trời nóng nực. Món này còn có tác dụng trị đau lưng, mất ngủ, giúp an thần, thanh nhiệt, giải độc…Chè đậu đen hạt sen còn là một món tẩm bổ rất tốt cho bà bầu với tác dụng giúp an thai, tránh khuyết tật ở thai nhi.

Nguyên liệu:

  • 150g đậu đen
  • 150g hạt sen khô
  • Trần bì (mua ở tiệm thuốc Bắc, hoặc là lấy vỏ quýt thái chỉ rồi phơi khô queo lại)
  • Đường (đường đen càng ngon và bổ)

Cách nấu:

– Đậu đen nhặt rửa sạch, sau đó đem ngâm nước trong 2 giờ.
– Hạt sen khô mua về đem ngâm vào nước khoảng 1 giờ.
– Mỗi loại cho vào một cái nồi, đổ ngập nước rồi nấu cho tới khi mềm.
– Sau đó cho 2 loại vào chung 1 nồi, thêm đường vừa ngọt đủ ăn (đừng ngọt quá không tốt và cũng không cảm nhận được vị đậu).
– Cho thêm trần bì vào.
– Đun sôi rồi vặn nhỏ lửa cho tới khi đường ngấm vào hai loại hạt trên.

Bé Thúi / MAV