Cách làm GỎI BƯỞI THỊT GÀ

Gỏi bưởi thịt gà là món ăn hấp dẫn và bổ dưỡng với sự kết hợp giữa vị ngọt, độ dai của gà ta và vị chua ngọt của bưởi. Món này rất thích hợp trong bữa cơm gia đình ngày nóng, cũng có thể cho lên bàn tiệc.

Nguyên liệu:

  • Gà ta: 1/2 con
  • Tôm khô: 1 lạng
  • Đậu phộng rang giã nhuyễn
  • Bưởi: 1 trái cỡ 1 kg
  • Tắc (quất, hạnh): 2 lạng
  • Đường, muối, hột nêm, tiêu xay, nước mắm.
  • Hành phi
  • Hành lá
  • Ớt
  • Lá chanh thái chỉ (hoặc rau răm)

Thực hiện:

– Gà mua về đem rửa sạch rồi nấu chín với tí muối và 1 nắm hành lá (cho khỏi hôi), sau đó lóc lấy thịt, xé sợi.


– Trái bưởi lột vỏ, lấy phần cùi thịt tách thành nhiều miếng nhỏ.

– Làm nước trộn gỏi: Tắc vắt lấy nước, trộn với 4 muỗng cafe đường, 1.5 muỗng cafe bột nêm, 1 muỗng cafe tiêu xay, 2 muỗng cafe nước mắm, ớt tùy ăn. Trộn lên cho đều. Nếm coi vừa miệng chua ngọt chưa, nếu mặn hoặc chua quá thì châm nước, vì chút nữa lại trộn bưởi vào.

– Trộn gà, bưởi, đậu phộng rang, hành phi và nước trộn gỏi cho đều. Trộn nhẹ tay kẻo nát bưởi. Nếm lại lần nữa nếu chua thì pha chút nước đường vào trộn. Sao cho hương vị chua ngọt thơm vừa vặn là được.

– Trước khi ăn rắc chút lá chanh thái chỉ hoặc trộn rau răm cho dậy mùi.

Bảo Tố

ĂN BƯỞI CHỮA ĐƯỢC VIÊM LỢI

Viêm lợi là hiện tượng phần lợi (nướu) bị viêm do vi khuẩn trong mảng bám hoặc cao răng tồn tại trong miệng. Viêm lợi có thể gây biểu hiện sưng, đỏ lợi, chảy máu khi đánh răng…gây lo lắng cho nhiều người, đặc biệt viêm lợi có thể gây ra những biến chứng khá nguy hiểm.

Bưởi không những chỉ làm đẹp da mà còn có nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh, đặc biệt bưởi còn có thể chống lại viêm lợi một cách rất hiệu quả.

Chi tiết của công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí răng miệng Bristish Dental Journal của Anh.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức, ăn bưởi sẽ có tác dụng chống lại bệnh viêm lợi rất hiệu quả.

Theo kết quả nghiên cứu có được, nếu một bệnh nhân viêm lợi ăn khoảng 2 quả bưởi mỗi ngày thì chỉ trong vòng 2 tuần bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể, tình trạnh chảy máu ở chân răng sẽ không còn nghiêm trọng nữa.

Nguyên nhân, theo các nhà khoa học, là do trong bưởi chứa nhiều vitamin C, có tác dụng làm lành các vết thương nhanh và giảm thiểu tác hại của một số phân tử gốc tự do không bền.

Quá trình tìm hiểu và nghiên cứu chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần với sự tham gia của 58 bệnh nhân viêm lợi mãn tính, nhưng kết quả thu được là hoàn toàn đáng tin cậy.

Các nhà khoa học cho biết, ảnh hưởng có lợi của việc ăn bưởi lên bệnh nhân viêm lợi hút thuốc và không hút thuốc là ngang nhau.

Trước thời gian tham gia vào chương trình nghiên cứu, hầu như tất cả các bệnh nhân đều có lượng vitamin C trong huyết tương thấp, trong đó lượng vitamin này ở những bệnh nhân hút thuốc thấp hơn 29% so với bệnh nhân không hút thuốc. Sau 1 ngày với 2 quả bưởi được ăn, lượng vitamin C đã tăng lên đáng kể với tỷ lệ gần gấp đôi ở những bệnh nhân viêm lợi hút thuốc.

Các nhà khoa học cho biết, lượng vitamin C trong mỗi quả bưởi là khá lớn, khoảng 92,5 mg. Mặc dầu vậy cơ thể của chúng ta không thể hấp thụ một lượng vitamin C lớn trong một khoảng thời gian ngắn, nên phải chú ý đến việc ăn uống hàng ngày để vitamin C được hấp thụ đều đặn.

Đặc biệt sau khi ăn bưởi, chúng ta không nên đánh răng ngay lập tức vì như thế dễ làm hỏng men răng.

Theo VTV/BBC

TỰ LÀM THUỐC GIẢM BÉO, BẢO VỆ TIM VÀ PHÒNG BỆNH BẰNG CÙI VÀ HẠT BƯỞI

Khi ăn bưởi, người ta thường vứt bỏ phần hạt, cùi mà không nghĩ rằng nó có chứa một vị thuốc rất tốt cho cơ thể.

Bưởi là một loại trái cây ngon, nhiều vitamin rất được ưa chuộng. Thông thường chúng ta chỉ ăn múi và vứt bỏ hạt, cùi, vỏ mà không biết rằng đã bỏ phí một nguồn Pectin, chính là chất nhầy bao quanh vỏ hạt và trong cùi bưởi, có tác dụng chữa trị khá nhiều bệnh.

Pectin là một loại chất xơ, tan trong nước, làm tăng độ nhớt. Pectin có trong nhiều loại quả, song ở cùi và vỏ hạt bưởi có tỷ lệ cao và dễ chiết xuất nhất.

Trong công nghệ dược phẩm, Pectin được dùng chế thuốc uống, thuốc tiêm (bắp, dưới da) để cầm máu trước và sau phẫu thuật răng hàm mặt, tai – mũi – họng, phụ khoa, chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu. Dung dịch Pectin 5% còn được sử dụng như thuốc sát trùng H2O2 (nước oxy già) trong phẫu thuật răng hàm mặt, tai mũi họng (không gây xót và cầm máu), thấm bông vào Pectin nhét vào chỗ nhổ răng để cầm máu…

Sau khi ăn bưởi, ta có thể chiết xuất nguồn Pectin quanh vỏ hạt bưởi để làm thuốc phòng và chữa các bệnh nói trên. Cách làm khá đơn giản:

– Hạt bưởi bỏ hết hạt lép (lấy khoảng 20 hạt để chế nước Pectin dùng trong 1 ngày), số còn lại đem phơi hoặc sấy thật khô (vỏ ngoài), đựng trong túi PE khô sạch (hoặc trong lọ khô sạch) để dùng dần.

– Cho hạt bưởi vào cốc, rót nước sôi (còn nóng khoảng 70-80 độ C) ngập hạt, dùng dĩa nhiều răng đánh liên tục chừng 5-6 phút rồi gạn hết nước nhầy vào một cốc riêng. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi lấy hết nước nhầy (sờ tay vào vỏ hạt thấy hết nhầy).

Với những giống bưởi có lượng Pectin cao có thể phải đánh hạt với nước 5-6 lần mới hết nhầy. Loại ít Pectin chỉ cần làm 3 lần là được.

Sau khi đã có nước Pectin thô, chúng ta có thể dùng để chữa một số bệnh với liều lượng như sau:

– Chống táo bón, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch: Uống 50ml sau khi ăn bữa chính 60 phút.

– Giảm béo, ngừa tiểu đường: Uống 50ml trước khi ăn bữa chính 5-10 phút.

– Chống chảy máu (răng, máu cam, rong kinh, đa kinh), mỗi lần dùng 20ml, cách nhau 20 phút, trong một giờ liền.

Sau khi chế 3 giờ, nếu không dùng hết nên cho vào tủ lạnh (có thể bảo quản được 48 giờ). Lúc này Pectin sẽ đông lại giống như thạch trắng.

Theo Khoa Học và Đời Sống

5 loại thực phẩm giúp giảm mỡ bụng

Bạn có biết, bên cạnh việc ăn kiêng, thì chúng ta còn có thể giảm cân bằng cách tăng cường ăn một số loại thực phẩm.

Nếu bạn muốn giảm cân và hết mỡ bụng thì hãy sử dụng thường xuyên những thực phẩm dưới đây.

Gừng

Gừng có khả năng sinh nhiệt cao đốt cháy chất béo, ngăn ngừa chứng béo bụng hiệu quả là khi tiếp xúc với da. Chất gingerol và shogaol có trong gừng giúp sản sinh nhiệt lượng lớn, thúc đẩy phân bủy mỡ nhanh, ức chế sự hình thành chất béo. Chất gingerol giúp tăng độ pH trong dạ dày, giảm mỡ bụng, giảm cholesterol bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Dân gian thường dùng rượu gừng hoặc muối gừng xoa lên bụng giúp giảm mỡ bụng sau sinh rất hiệu quả.

Hải sản

Rất giàu chất đạm nhưng ít mỡ, là thực phẩm tương đối tốt trong chế độ ăn kiêng. Bạn sẽ cảm thấy no lâu, do đó sẽ hạn chế dùng  thức ăn vặt hơn. Cá và hải sản còn là nguồn cung cấp iốt quan trọng. Đây là chất cần cho tuyến giáp kiểm soát sự trao đổi chất cơ bản của cơ thể.

Bột quế

Tiêu thụ một phần hai một muỗng cà phê bột quế mỗi ngày giúp giảm cholesterol có hại trong cơ thể một cách đáng kể, đồng thời nó ổn định cholesterol có lợi.

Trong thành phần của bột quế chứa một lượng cao polyphenol và hydroxycinnamaldehyde, có ảnh hưởng tới hoạt động chuyển hóa đường của các insulin, chống tích tụ đường tạo thành chất béo gây bệnh tiểu đường.

Các nghiên cứu đã cho thấy, thường xuyên uống chiết suất từ quế giúp giảm mức đường huyết lúc đói, huyết áp và tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Quế và mật ong là công thức giảm cân giúp bạn sở hữu vòng hai thon gọn.

Mật ong

Mật ong được xem là thần dược trong giảm cân và làm đẹp của chị em. Chúng có vị ngọt đậm nhưng không gây béo phì, vì chất ngọt trong mật ong được tạo bởi đường fructose không chuyển hóa thành chất béo như đường glucose.

Mật ong chứa đầy đủ các vitamin tự nhiên, chất khoáng và đa dạng các loại acid amin giúp chuyển hóa chất béo, ngăn hấp thụ cholesterol có hại, giảmgiảm cân nhanh chóng.

Ngoài ra, cũng nhờ thành phần dinh dưỡng khá đầy đủ, nên khi dùng mật ong để giảm cân bạn không lo bị thiếu hụt năng lượng. Mật ong kết hợp với một số thực phẩm khác như chanh, quế, bưởi… mang đến công dụng giảm cân hiệu quả.

Bưởi

Trong bưởi có chứa một số enzyme có tác dụng đốt cháy chất béo nhanh hơn. Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, enzyme trong quả bưởi cũng ảnh hưởng đến hoạt động của insulin.

Nó thúc đẩy insulin chuyển hóa đường nhanh, tránh tích tụ gây bệnh tiểu đường. Bưởi cũng chứa nhiều nước, chất xơ và viatmin C cao giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, làm đầy dạ dày, tạo cảm giác no, ngăn thèm ăn.

Trong vỏ, cùi và hạt bưởi còn chứa một hoạt chất giảm cân nhanh là chất pectin. Đây là một dạng chất xơ hòa tan tự nhiên, giúp kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn, giảm hấp thu lipid, giảm cholesterol có hại, ổn định đường huyết và chống táo bón. Mỗi ngày 2 quả bưởi giúp bạn có một vóc dáng thon gọn như ý.

Thanh Lê/Theo Khỏe & Đẹp

12 BÀI THUỐC TRỊ BỆNH BẰNG BƯỞI

Quả bưởi thường được cho là loại quả bổ dưỡng, có khả năng phòng, chữa bệnh rất tốt. Đó là những công dụng nào?

Bưởi có chứa đường, phốt pho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C, PP và tinh dầu nằm ở vỏ, thành phần chủ yếu là xitronelol. Hạt bưởi chứa một loại este, dầu, prôtit, chất xơ… Chất glucôxit trong vỏ bưởi có tác dụng chống viêm, chống vi trùng; nước quả tươi có thể làm hạ đường trong máu.

Công dụng trị bệnh của quả bưởi

Bưởi vị ngọt hơi chua, tính hàn, có công hiệu đối với tiêu hóa, điều chỉnh khí huyết, làm tan đờm, giải độc do uống rượu. Có thể trị các triệu chứng ăn không tiêu, chướng bụng, buồn nôn, ho nhiều đờm, người uống quá nhiều rượu bị say.

Vỏ bưởi vị ngọt pha đắng và cay, tính ôn. Có tác dụng tiêu thực, tan đờm, chống tức ngực do ho, có thể dùng cho các bệnh như ho nhiều đờm, ăn không tiêu, tức ngực, đau chướng bụng do lạnh. Nhân hạt bưởi có thể dùng chữa sa ruột.

Hoa bưởi đào vị đắng, cay, tính ôn. Có tác dụng tiêu phong hàn, phong thấp, tan đờm, tiêu thức… trị các chứng phong hàn, ho, ngứa cổ họng, ăn không tiêu, tức ngực, buồn nôn…

Bài thuốc ứng dụng

1. Phụ nữ có thai hay nôn ọe: Bưởi 5-8 quả, bỏ vỏ hạt, vắt lấy đường đun nhỏ lửa cho sôi, thêm vào 500g mật ong, 100g đường kính, 10ml nước gừng tươi, đun thành dạng sền sệt rồi cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần một thìa canh pha với nước sôi, ngày uống 2 lần.

2. Ho nhiều đờm: Múi bưởi bỏ hạt, cắt nhỏ cho vào bình miệng rộng, đổ rượu ngập rồi đun cho nhừ, trộn thêm mật ong, thỉnh thoảng xúc một thìa ngậm trong miệng.

3. Ăn không tiêu: Vỏ bưởi rửa sạch, gọt vỏ lớp ngoài cùng rồi cắt thành sợi, đổ đường trắng vào ngâm trong một tuần, mỗi lần uống 15g, ngày 2-3 lần.

4. Họng ngứa, ho, đờm loãng máu trắng: Bưởi đào 10g, trộn với đường và nước, ép lấy nước, thay nước chè.

5. Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, đau bụng: Vỏ bưởi khô sao vàng thơm 12g, vỏ quýt sao thơm 12g, gừng tươi 3 lát. Tất cả sắc với 300ml nước lấy 100ml, chia làm 2 lần uống nóng trong ngày.

6. Người già ho lâu ngày: Cùi bưởi và đường phèn đun chín, mỗi ngày uống 50-100g.

7. Ho khan: Vỏ bưởi nghiền thành bột, đun nóng với ngư tinh (bán ở các hiệu thuốc bắc), ngày uống 4 lần, mỗi lần 3-6g.

8. Chữa tức ngực đau sườn, giải uất trong gan: Dùng vỏ một quả bưởi còn nguyên, đem nướng cháy rồi cạo vỏ, cho vào nước sạch ngâm một ngày cho hết đắng. Sau đó cắt thành miếng rồi cho vào đun với nước, khi gần chín cho 2 củ hành vào, thêm muối, dầu ăn, dùng ăn kèm trong bữa ăn.

9. Cảm cúm, nhức đầu, sốt cao, sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi: Lá bưởi 50g, lá sả 20g, lá hương nhu 20g, lá tre 20g. Tất cả cho vào nồi, bịt kín miệng đun sôi 5 phút rồi đem xông.

10. Chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng: Hạt bưởi để cả vỏ cứng 100g, rửa sạch cho vào cốc thủy tinh to, rót 200ml nước sôi, đậy kín, ủ nóng trong 2-3 giờ. Hạt bưởi sẽ tiết ra chất nhầy làm cho cốc nước đặc, sánh như cháo, gạn bỏ hạt uống nước sau bữa ăn 2 tiếng. Uống liên tục hằng ngày khi hết đau thì thôi.

11. Chữa chướng bụng buồn nôn: Bưởi 1 quả (bỏ hạt, ép lấy nước), trần bì 9g, gừng tươi 6g, thêm đường đỏ nấu lên rồi uống.

12. Bưởi chữa đái đường, béo phì và tim mạch

Bưởi chứa nhiều Vitamin, nhất là vitamin C. Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện trong nước bưởi có chứa insulinl; có thể làm hạ đường huyết. Mỗi ngày ăn một quả bưởi chua sẽ có tác dụng rất tốt cho những người mắc bệnh đái đường, béo phì và người mắc bệnh tim mạch.

(theo nongnghiep)