Quán hàng nổi tiếng Hà thành: Khách đừng mơ làm thượng đế

Ai cũng biết Hà Nội là nơi có nhiều quán ăn ngon bậc nhất nước, tuy vậy khi nói đi ăn hàng ở Hà Nội, nhiều người từ các tỉnh thành khác thường lắc đầu ngán ngẩm, lý do phần lớn là vì e ngại thái độ phục vụ ở nhiều hàng quán danh tiếng.

Ngành dịch vụ thường có câu “khách hàng là thượng đế”, tuy nhiên ở những quán ăn này, lắm khi dù có tiền, bạn vẫn chẳng được ăn thêm dù vẫn thòm thèm. Thậm chí còn bị từ chối bán hàng nếu trót cáu kỉnh giục giã.

Hà Nội có nhiều món ngon, quán xá nổi tiếng, đấy là điều cả những người kén ăn nhất cũng phải gật gù công nhận. Nghe hấp dẫn là thế nhưng việc lê la quán xá ở Hà Nội lắm lúc cũng chẳng hề đơn giản bởi dù có tiền, bạn vẫn có thể gặp phải những tình huống trớ trêu khi chủ quán “quát” khách hay chẳng bán thêm dù bạn vẫn thòm thèm.

Bún ốc nguội Bùi Thị Xuân

Quán bún ốc này cách ngã tư Bùi Thị Xuân – Trần Nhân Tông chỉ vài bước chân. Gọi là quán chứ thực ra nó nhỏ lắm chỗ ngồi chỉ vừa đủ cho 4, 5 khách ngồi xì sụp bát bún ốc. Mọi thứ của quán bún ốc nguội này đều gợi nhớ đến “ngày xưa” với bát chiết yêu, đũa gỗ, những chiếc muôi tre để múc nước ốc hay dấm bỗng.

Quán bún ốc bé xíu nhưng sạch sẽ.

Đặc điểm nổi bật ở quán ăn này là sạch từ nguyên liệu chế biến đề đồ dùng. Khi có khách gọi, cô bán hàng mới gẩy ốc mít vào bát chiết yêu rồi chan nước luộc. Nước luộc thanh, chan thêm muôi dấm bỗng và chút ớt cay xé lưỡi vào có thể húp cả bát mà không biết chán. Giá 40 ngàn đến 50 ngàn đồng/ suất nhưng lượng ốc của mỗi suất bún không nhiều, tuy vậy từng con ốc đều giòn, sạch, ăn rất “sướng” miệng.

Chủ của quán bún ốc cổ này đã gần 70 tuổi, nhưng rất sắc sảo, kĩ tính. Cầu kỳ trong từng công đoạn chế biến nên bác chẳng ngại thẳng thừng chê khách nếu như người đó không biết cách ăn hoặc ăn một cách uể oải. Còn nếu bạn muốn ăn thêm một bát nữa vì chưa no? Nếu các quán khác sẽ nhiệt tình phục vụ vì bán thêm được hàng, thì ở quán này bác chủ sẽ từ chối, bởi số lượng có hạn nên mỗi người mỗi ngày chỉ được 1 bát, còn phải để phần cho người khác. Quán bán từ 11 giờ đến 17 giờ chiều hàng ngày.

Quán bún ngan “không cần khách” ở ngõ Trung Yên

Nếu nhiều quán ăn ở Hà Nội phải thuê nhân viên đứng đón khách, kéo khách từ xa, thì ở quán bún ngan chị Nhàn, điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Hàng bún ngan “chị Nhàn” có phong cách “chảnh” thường thấy của những hàng quán ngon đất Hà Nội. Trong suốt thời gian bán hàng, từ lúc non đầu trưa cho đến 2 giờ chiều, quán không lúc nào ngơi khách.

Nhẫn nại ngồi đợi, không ai tỏ ra sốt ruột và giục giã ở hàng bún ngan “chị Nhàn”

Nổi tiếng với slogan không cần khách nên ở quán chị Nhàn không vồ vập. Khách vì lúc nào cũng đông nên đhực khách chủ động xếp hàng cầm sẵn tiền để tới lượt mình thì trả tiền luôn. Tại đây dù có là ai thì bạn cũng đừng hi vọng chen ngăn, bởi chắc chắn sẽ bị chị mắng ngay. Còn nếu thúc giục hay cáu kỉnh chị “quạt” cho chẳng ngóc đầu dậy được.

Bát bún ngan “gây nghiện”, khiến tên tuổi bà chủ càng nổi như cồn trong giới sành ăn Hà thành.

Nhiều người nghe thấy thế cho rằng, chẳng hiểu nó ngon đến thế nào mà “chảnh”, mà khổ như thế, nhưng những người đã từng ăn bún ngan ở đây, đã trót mê những miếng thịt ngan thơm lừng, béo ngậy và loại nước chấm đặc biệt gồm gia vị, chanh ớt, dấm, nước dùng… lại vì chiều cái miệng mà vẫn chịu khó chờ đợi, xếp hàng.

Phở xếp hàng Bát Đàn

Với hàng trăm, hàng ngàn hàng phở có mặt ở khắp mọi phố phường Hà Nội, chẳng khó khăn gì để chọn cho mình một quán phở ngon có bàn ghế lịch sự, nhưng cũng không ít người vẫn chịu khổ để ăn chỉ vì quá mê hương vị của quán ấy.

Xếp hàng ăn phở Bát Đàn vào lúc 8h sáng.

Phở Bát Đàn là minh chứng cụ thế nhất. Từ “thượng đế” quả là không thể áp dụng cho quán phở này khi khách vừa phải xếp hàng đến cả 30 phút để chờ đến lượt. Đến lượt rồi phải trả tiền luôn sau đó mới được bưng bát phở tự tìm chỗ ngồi. Thậm chí nếu đông quá, trót hết bàn thì cũng chỉ có nước đứng mà ăn.

Thực khách đứng cạnh bếp để chờ đến lượt mình…

Sẽ không ít người đọc đến đây mà chép miệng rằng “miếng ăn là miếng tồi tàn”, sao mà phải khổ thế? Nhưng những người mê phở ở đây có cái lý riêng của họ, đó là bù vào những giờ chờ đợi, họ sẽ được thưởng thức vị ngọt tinh tế của nước phở đặc quánh, ngọn ngọt đến giọt cuối cùng, thịt bò mềm và thơm, bánh phở nóng rẫy mềm tan trong miệng…

Quán bún chửi chợ Ngô Sĩ Liên

Quán bún của bà Thảo tại Ngô Sĩ Liên đã nổi tiếng khắp Hà Nội bởi danh hiệu “bún chửi” do thực khách đặt cho. Sở dĩ như vậy bởi khi đến ăn, nếu ai đó hỏi han hay thắc mắc gì về chỗ để xe, đồ ăn, giá cả mà vào đúng “cơn” của bà chủ, lập tức sẽ bị “ăn mắng, ăn chửi”.

Những thực khách chưa ghé đến bao giờ, nghe sẽ có ít nhiều ác cảm, nhưng với những thực khách quen, tiếng chửi của bà Thảo riết thành quen và chẳng ai chấp bởi dù chửi nhưng chẳng có ý gì. Trên một tờ báo, bà Thảo cũng cho biết rằng mình không muốn chửi khách nhưng chẳng hiểu sao bà không kiềm được miệng.

Quán chửi có các loại bún lưỡi, sườn, móng giò, thịt nhưng nổi tiếng nhất là món bún lưỡi. Miếng lưỡi ở đây luộc rất khéo nên vừa có độ giòn nhưng vẫn mềm và thơm. Các nguyên liệu khác cũng được đánh giá là ngon với thịt thái miếng to ăn ngọt, dọc mùng hào phóng. Bát bún đầy đặn với mức giá 35 ngàn đồng, đồ ăn ngon có lẽ là yếu tố khiến “quán bún chửi” này vẫn đông khách.

Ốc lắm mồm

Hàng ốc ở đầu đườnh Hồ Đắc Di là một trong những hàng ốc nóng ngon có số, có má ở Hà Nội. Đây là hàng ốc thập cẩm với các món chủ đạo là ốc đá, ốc mít luộc, xào dừa cay ngọt; ngao hấp, xào xả gừng. Ngoài ra các loại hoa quả dầm ăn kèm cũng được bà chủ chế biến khá ngon. Đặc biệt là món sung muối, ăn hơi chát chát nhưng đến cuống họng lại có vị ngọt rất dễ chịu.

Thế nhưng không phải ai cũng ưa hàng nếu trót kêu ca, bạn sẽ nhận được ánh mắt khó chịu, tiếng thở dài và giọng lạnh tanh: “quán chật, các em chịu khó”. Ai mà gọi ít, ăn lâu, lập tức bị nhắc nhở nhanh nhanh còn về để nhường chỗ cho khách khác.

Dù cách cư xử của quán kém mềm mỏng, nhưng những con ốc béo, sạch với nước chấm pha khéo có vị cay dịu của ớt, vị nóng đậm đà của gừng, xả vẫn khiến khách đến quán nườm nượp để thưởng thức ốc ngon.

(Theo Trí Thức Trẻ)

Xếp hàng ăn bánh ‘mắng’, phở ‘chửi’ ở Sài Gòn

 

Khách hàng đến ăn phải chờ dài cổ, thậm chí còn bị chủ quán mắng chửi nhưng quán vẫn đông khách.

Nói đến “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm điều” người ta thường nghĩ ngay đến thái độ phục vụ của các quán ăn ở Hà Nội. Nhưng nay tại TP HCM đã xuất hiện một số quán có thái độ tương tự .

Xếp hàng chờ đến lượt

Quán bánh đúc không bảng hiệu nằm trong một con hẻm nhỏ đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), mở cửa từ 14 giờ đến 17 giờ, nhưng luôn chật ních khách hàng. Người đến ăn phải chờ dài cổ, có khi không đủ ghế ngồi khách phải vừa đứng vừa ăn. Nhiều người còn phải xếp hàng dài chờ đến lượt mua bánh đúc.

Dù thái độ phục vụ khá “chảnh” nhưng quán bánh đúc luôn đông khách.

Tại quán bánh đúc này, chúng tôi chứng kiến 2 vị khách đã chờ hơn nửa giờ mà vẫn chưa có bánh đúc để ăn. Thấy hai người này bày tỏ thái độ khó chịu, nhân viên phục vụ nói ngay: “Từ từ đến lượt. Không ăn thì thôi!”. Trong khi đó, một khách hàng lại nói nhỏ với chúng tôi: “Đến quán này phải chuẩn bị tiền lẻ. Ai mà đưa tiền chẵn dễ bị chủ quán to tiếng lắm đó!”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết được quán bánh đúc này đã tồn tại hơn 40 năm, giá bán mỗi chén 17.000 đồng. Nhìn chén bánh đúc khá bắt mắt, có màu vàng của tóp mỡ, màu đen của mộc nhĩ, thịt bằm, hành phi… chúng tôi ăn thấy rất ngon. Có lẽ vì ngon và đắt hàng nên chủ quán hách dịch với khách hàng chăng?

Trò chuyện với chúng tôi, chủ quán bánh đúc cho biết: “Quán lúc nào cũng đông nghịt khách, nhiều người không chịu xếp hàng cứ chen chân mua trước hoặc liên tục thúc giục nhân viên phục vụ. Vì thế, tôi phải cáu lên để họ loại bớt những vị khách bất lịch sự”.

Giá rẻ và ngon

Cứ đầu giờ chiều mỗi ngày là quán bánh cuốn khu Hòa Hảo (quận 10, TPHCM) tấp nập khách. Khách ăn phải đi bộ 100 mét để tìm chỗ gửi xe với giá 5.000 đồng/chiếc. Điều mà mọi người nhận thấy ở quán bánh cuốn nổi tiếng này là chủ quán luôn miệng chửi mắng khách hàng.

Khách đến ăn không dám lớn tiếng vì sợ chủ quán nạt nộ

Anh Hùng nhà ở quận 5, TPHCM, kể: “Thấy quán này đông, tôi tò mò đến ăn thử. Khi tôi xin thêm một ít giá trụng và ít ớt xay liền bị chủ quán hét lớn: “Đui mù hay sao không thấy ớt xay để ở bàn kế bên”.

Còn anh Lâm, một khách hàng “ruột” quán này cho rằng, bánh cuốn ở đây ngon và giá rẻ, chỉ 17.000 đồng/đĩa. Nước chấm hết sức đặc biệt, chả lụa và thịt bằm nhiều hơn so với chỗ khác. Còn chuyện chủ quán có “nói ra nói vào” như chửi mắng thì mặc kệ miễn rẻ và ngon là được.

Một quán phở gần chợ Thuận Kiều (quận 5) cũng có số lượng khách đến ăn luôn nhiều hơn số ghế. Bà chủ quán này nổi tiếng với những lời nói xiên xỏ, bóng gió để đuổi khéo những khách hàng ăn chậm. Chị Huỳnh Thị Liên – người thường hay ăn quán phở trên cho biết: “Tuy chủ quán ‘hơi chảnh’, nhưng do tô phở chỉ có giá 30.000 đồng, lượng thịt và bánh phở nhiều hơn quán khác, nước lèo có hương vị đặc biệt” nên chị thường xuyên đến ăn phở quán này.

Tâm lý đám đông

Theo Tiến sĩ Cù Văn Lang, chuyên gia kinh tế (hiện đang làm việc tại London, Anh quốc), người Việt Nam thích ăn ở quán đông khách vì nghĩ rằng chỗ nào đông người chỗ đó sẽ ngon. Ngoài ra, họ muốn trải nghiệm một phong cách phục vụ mới bằng cách dò xét hành động “kỳ cục” của những quán ăn có thái độ “chảnh”.

Ông Lang cho rằng, thái độ phục vụ của các quán ăn theo lối chửi mắng là hiện tượng kinh doanh thiếu văn hóa, mất nét đẹp trong ẩm thực, không nên khuyến khích cách hành xử này với khách hàng.