SAI LẦM NGUY HIỂM NHIỀU NGƯỜI MẮC KHI DÙNG MÀNG BỌC THỰC PHẨM

Từ khi có màng bọc thực phẩm, việc bảo quản thức ăn của người nội trợ trở nên dễ dàng hơn nhiều, nhưng không phải lúc nào người ta cũng dùng loại màng này đúng cách. Nhất là trong những trường hợp sau.
Màng bọc thực phẩm giúp chúng ta bảo quản thực phẩm sạch sẽ, lại rất tiện dụng. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng nên sử dụng màng bọc để bảo quản.

Dùng bảo quản thịt và đồ ăn thừa

Những thực phẩm đã qua chế biến, có chứa hàm lượng mỡ, nhiều gia vị khi tiếp xúc với màng bảo quản thực phẩm sẽ khiến những thành phần hóa học từ màng bọc thẩm thấu vào thức ăn, tạo ra các phản ứng hóa học gây hại cho sức khỏe của bạn.

 Không nên sử dụng màng bọc để bảo quản thịt luộc

Dùng bảo quản cà rốt, dưa chuột, đậu đũa

Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu dùng màng bọc thực phẩm để bọc các loại củ, quả như cà rốt, dưa chuột, đậu đũa sẽ khiến hàm lượng vitamin C bị giảm lớn.

Sau 1 ngày sử dụng màng bọc để bảo quản 100g cà rốt thì hàm lượng vitamin C mất đi là 3,4mg, đậu đũa giảm 3,8mg, dưa chuột giảm xuống tương đương với 5 quả táo tàu.

Hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc

Hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc thực phẩm là thói quen của hầu hết những người sử dụng lò vi sóng.

Đây là một sai lầm tai hại. Bởi màng bọc thực phẩm có thể chứa các chất hóa học như Phthalates và DEHA khi gặp nhiệt độ cao sẽ khiến chúng tan chảy và biến thành chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm.

Điều này khuyến cáo với những hộp thức ăn bằng nhựa không đảm bảo chất lượng, không chịu được nhiệt cao trong lò vi sóng.

Sử dụng màng bọc thực phẩm thế nào cho đúng?

Để hạn chế những tác hại không đáng có mà màng bọc thực phẩm có thể mang lại cho sức khỏe, hãy chú ý đến cách lựa chọn và sử dụng dưới đây:

– Lựa chọn những thương hiệu có uy tín, đảm bảo chất lượng, không nên ham rẻ.

– Nên chọn màng PE vì nó chứa ít chất phụ gia gây hại.

– Khi bảo quản đồ ăn cần bọc cách thực phẩm ít nhất là 2,5 cm.

– Không dùng cho thực phẩm chin, nhiều dầu mỡ, các thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao.

– Lựa chọn màng bọc PE cho thức ăn đã chế biến, PVC cho đồ ăn sống, chưa qua chế biến, không dung màng nhôm để bảo quản thực phẩm chứa nhiều axit.

– Bỏ màng bọc ra khi hâm nóng.

– Bảo quản màng bọc ở nhiệt độ phòng. Không dùng những màng bọc đã bị mốc, rúm, để quá lâu.

Cách nhận biết màng PE và PVC

Màng PE: Trắng, trong suốt, ít dính tay, dai, dễ bóc tách. Dễ cháy, lửa đều màu, không tắt, không có mùi hôi.

Màng PVC: Màu trắng hay vàng ngà, trong suốt, hay dính tay, khó bóc tách. Khó cháy, chỉ cháy khi có lửa đốt, mùi hôi.

Theo Tri thức trẻ

[mẹo] THÊM VÀI CÁCH ĐỂ BẢO QUẢN RAU CỦ ĐƯỢC RẤT LÂU

Rau củ tươi thường rất nhanh hỏng nếu không bị ngâm chất bảo quản. Thật sự thì có nhiều cách để kéo dài hạn sử dụng của các loại rau này. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu thêm vài cách rất hiệu quả.

1. QUẤN BẰNG KHĂN GIẤY VÀ CHO VÀO TÚI NHỰA
Lưu ý là khăn phải còn khô ráo, và rau cũng không nên quá ướt. Có thể thấm khô rau củ trước khi quấn giấy bảo quản theo cách này. Cách này thật sự hiệu quả với rau xà lách (diếp), cần tây. Rau sẽ tươi ít nhất một tuần lễ. Thật tuyệt vời phải không?
– Đối với hành tây, khoai tây, bạn dùng khăn giấy bịt phần mặt cắt, rồi cũng cho vào túi nhựa như thế.

2. BẢO QUẢN CÀ RỐT TRONG TÚI HOẶC HỘP KÍN

Bảo quản cà rốt được vài tuần là không khó nếu như bạn cho nó vào một túi nhựa cột kín, hoặc một hộp nhựa đậy kín. Cách này sẽ ngăn chặn sự bốc hơi của cà rốt.

 


3. BẢO QUẢN KHOAI VÀ CÁC LOẠI CỦ Ở NƠI TỐI

 

Ánh sáng mặt trời có thể khiến cho các loại củ như khoai tây, khoai lang, gừng, tỏi, hành củ, hành tây… bị nảy mầm, biến chất, thậm chí là độc hại. Tốt nhất là dùng bao bì tối màu, cách ly ánh sáng để trữ, hoặc cất vào một nơi tối.


4. TRÁNH XA NƯỚC

Khô, thoáng là điều kiện để cho các loại rau củ còn sử dụng được lâu dài. Vì vậy nếu cần bảo quản chúng nhiều hơn bình thường, hãy làm ráo hết mức có thể (lau khô cả túi, hộp đựng nữa nhé).

Theo Wikihow

NHỮNG ĐIỀU PHẢI NHỚ NẾU NHÀ BẠN CÓ TỦ LẠNH

Ngày nay tủ lạnh đã là một vật dụng phổ biến đối với mọi người. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu hết công năng của tủ lạnh, cũng như sử dụng tủ lạnh để bảo quản thức ăn đúng cách.

Những lưu ý sau đây sẽ giúp bạn sử dụng tủ lạnh hợp lý, hiệu quả hơn, thực phẩm bảo quản được lâu và không bị biến chất.

Dưới đây là những điều cần lưu ý theo khuyến cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm:

Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá thì phải dùng luôn. Đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm.

Thực phẩm mới cho vào ngăn đông đá nên để ở phía trong. Thực phẩm cũ, mua từ trước đó nên xếp ra ngoài để dùng trước. Nên gắn nhãn, đề ngày trên thực phẩm để tránh trường hợp để thức ăn quá hạn sử dụng.

Dù để trong tủ lạnh, thực phẩm vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín, không chỉ vì thành phần của món ăn, mà còn vì chất lượng để tránh trường hợp thức ăn này bị dính mùi của món ăn khác.

Một số thực phẩm như phô mai, cá, khô… nên được bọc kín bằng giấy bạc. Lưu ý tương tự với một số rau quả dễ bốc mùi như mít, dứa hành…

Không nên để trái cây quá sát bên nhau trong tủ lạnh để tránh một trái chín sớm làm lây sang các hoa quả khác.

Phần lạnh nhiều nhất trong ngăn mát tủ lạnh là mặt kính sát với ngăn rau củ, đây là nơi có nhiệt độ thấp nhất. Do đó, đây cũng là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá. Ngăn gần với phần đông đá nhất là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ “mát” như sữa chua, bánh ngọt.

Hộc tủ dưới cùng là khu vực dành riêng cho rau củ. Nên loại bỏ phần lá xanh không cần dùng của nhiều loại rau củ, như cà rốt, củ cải, su hào… trước khi cho vào ngăn này. Rau củ nên được bao bọc, đặc biệt bằng vải thưa thấm chút nước hay giấy nhựa loại có đục lỗ li ti thì tốt nhất.

Ngăn trên cùng của cửa tủ lạnh là nơi để phù hợp của các món ăn cần nhiệt độ thấp nhưng không được đông cứng như trứng, bơ, mứt. Ngăn kế tiếp phía dưới là nơi phù hợp cho gia vị, cà phê với điều kiện là thực phẩm được bảo quản trong hộp, lon… đậy thật kín.

-Không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông – rã đông đều giảm 20%. Chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh với một thời gian nhất định rồi đem chế biến chứ không nên để quá lâu.

Hoàng Anh (VNexpress.net)

Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/noi-tro/meo-vat/luu-y-khi-bao-quan-thuc-an-trong-tu-lanh-3148698.html