Nền ẩm thực của Việt Nam rất phong phú, do đó, bên cạnh những món ăn nổi tiếng, phổ biến, thì còn có những món ăn vì nhiều lý do như: địa lý, hoàn cảnh sống, cách làm cầu kỳ, nguyên liệu khó tìm… mà đã trở nên rất ít phổ biến, rồi dần dần bị thất truyền.
Sau đây là những món bánh mà khi nhắc đến tên, hiếm ai biết được nó là gì, có hương vị ra sao.
Bánh ngải nhân vừng
Bánh ngải là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng, nhưng ngày nay ít có ai biết. Đây là loại bánh rất đẹp, khuôn dạng như bánh dày nhưng có màu xanh ngọc. Bánh làm từ lá ngải cứu nấu với nước tro, rồi trộn chung với cơm nếp sau đó giã nhuyễn. Bánh được gói bằng lá “mác rạng” để không bị khô. Bánh có nhân từ đường phên và vừng.
Bánh bảy lửa
Bánh Bảy lửa, ảnh Vũ Phương Thảo.
Bánh chông Giao Tiến
Bánh chông là một món ăn ngày tết của cư dân ở xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, Nam Định. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì tộn đường vào rồi giã cho nhuyễn. Sau đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô, rang giòn lên rồi mới ăn. Do miếng bánh hình thoi nhọn hai đầu giống cây chông nên gọi là bánh chông.
Bánh nghệ
Từ “Nghệ” ở trong món bánh Nghệ là tỉnh Nghệ An, tuy vậy bánh đã thất truyền ở quê hương của nó. Đã có một thời, bánh nghệ phổ biến ở Sài Gòn- Chợ Lớn như một món ăn chơi, nhưng đến nay thì chắc ít dân Sài Gòn nào biết món bánh này. Bánh làm từ bột gạo nguyên chất, quấy lên rồi nén thành sợi như bánh canh, công đoạn này rất cực vì phải dùng cái nia hứng hàng chục cái bánh một đợt. Bánh ăn nguội với mắm pha, tép mỡ, xoài xanh, chả lụa, chả cá… Ngày nay, may mắn là tại đường Trương Gia Mô, thành phố Phan Thiết vẫn có một nhà biết làm món bánh này, đó là gia đình chị Ngọc Minh, với nghề làm bánh nghệ gia truyền đã được 60 năm.
Bánh cơm nếp mật
Một món ăn ngon của người dân quê Nam Định, làm từ gạo nếp nấu chín trộn với mật mía và gừng. Cơm này có thể để nguội rồi cán thành miếng ăn như ăn bánh.
Bánh khổ
Bánh khổ của người Mường rất dễ ăn và có cách làm khá đơn giản. Bánh làm từ xôi nếp giã nhuyễn, vắt ra từng miếng rồi đặt lên lá chuối, hong gió cho khô. Khi ăn, người ta phải chế biến lần nữa: nướng hoặc rán bánh lên cho thơm, dẻo. Bánh rán xong sẽ phồng lên rất ngon mắt. Bánh từng là món lễ vật thông dụng cho ngày cưới hỏi.