Mùa nước nổi vào khoảng tháng 10 tới cuối năm là mùa nhiều tỉnh thành ở miền tây nam bộ khoác lên màu áo mới. Đây cũng là mùa mà du khách thích tìm hiểu nhất khi đến với miền đất này. Cùng điểm qua danh sách những món ăn tuyệt vời nhất mà bạn có thể tìm thấy ở miền tây mùa nước nổi.
Cá linh bông điên điển
Có lẽ đây là món ăn đặc trưng nhất của mùa nước nổi. Cá linh là cá hoang từ thượng nguồn sông Mekong. Cùng với bông điên điển, cá linh bắt đầu xuất hiện khi nước bắt đầu nổi cao. Cá linh đầu mùa thịt béo bột, ngọt lịm. Do cá linh rất dễ chết nên chỉ có ăn cá linh tại chính nơi bắt lên nó mới là tươi ngon nhất.
Lẩu điên điển cá linh. Ảnh: cungphuot.info
Tại miền Tây, cá linh kho tộ, kho quẹt, hoặc nấu canh. Nhưng “đúng bài” nhất, vẫn là những món ăn kèm bông điên điển như canh chua bông điên điển cá linh, lẩu cá linh bông điên điển.
Chuột đồng nướng
Chuột đồng nướng lu. Ảnh: vnmedia
Chuột là món đặc sản nổi tiếng của miền tây sông nước, đến mức nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng phải có những bài viết riêng cho món này. Thịt chuột ở đây là chuột đồng. Béo căng do ăn lúa. Chuột được làm đầu, làm ruột, móng, tẩm gia vị rồi neo vào lu sau đó nướng trong lu, vừa nướng vừa nêm quyết gia vị cho thịt được thơm và đẹp hơn, một tiếng thì ăn được. Thịt chuột hấp dẫn bởi mùi thơm, kết cấu chắc vị ngọt của thịt và phần da giòn óng ả.
Bông súng mắm kho
Bông súng mắm kho. Ảnh: yeudulich
“Muốn ăn bông súng mắm kho / Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Bông súng là hoa súng, không chỉ đẹp mà còn là một món ăn ngon và độc đáo của người dân Đồng Tháp Mười nói riêng và tây nam bộ nói chung. Bông súng làm sạch, tước vỏ, ngắt thành cọng, để ráo. Bông súng được dùng làm loại rau ăn kèm với mắm kho làm từ mắm cá sặt, cá linh. Mắm ngon phải có vị cay ớt, thơm sả, tép, đậm đà của mắm.
CÁ bống dừa
Cá bống dừa kho tiêu xanh. Ảnh: bentre
Cá bống dừa là đặc sản của nhiều tỉnh miền Tây. Ai đã ăn qua món cá bống dừa kho tiêu xanh vào mùa nước ròng ắt sẽ phải có lần quay trở lại để… ăn tiếp. Cá được đánh vảy, làm sạch nhớt, bẩn rồi ướp hành tỏi, gia vị, quan trọng là có chùm tiêu xanh mới hái ngoài vườn. Cá kho trong tộ cho tới khi chín, bóng lên, thịt săn chắc, vàng ươm, lẫn trong nước kho cá kèo kẹo. Món này ăn đơn giản với canh chua, cơm trắng là hết sảy.
Lá sầu đâu
Gỏi sầu đâu khô sặt. Ảnh: mientayquetoi
Mùa nước nổi cũng là mùa sầu đâu thay lá đơm bông, mang lại cho miền tây nam bộ những món ăn cực hấp dẫn đó từ sầu đâu. Sầu đâu đây là lá từ đọt sầu đâu non, thường có nhiều cách ăn. Lá sầu đâu vị đăng đắng ngòn ngọt, có thể ăn sống chấm mắm kho, cá linh kho mẳn, mắm chưng, mắm thái… Nhưng tuyệt chiêu nhất có lẽ là món gỏi sầu đâu. Gỏi sầu đâu trộn được với nhiều nguyên liệu từ tôm, thịt, cá, nhưng ngon nhất là với khô cá sặt, cá lóc, rồi tới cá tra, cá dứa… Gỏi sầu đâu hương vị đặc biệt, mới đầu nghe hơi nhẫn đắng nhưng sau đó lại nghe ngọt ngấm, lại quyện với các vị chua cay của nước trộn, làm ghiền lúc nào không hay.
Bánh xèo bông điên điển
Bánh xèo bông điên điển. Ảnh: cungphuot
Bánh xèo thì lúc nào cũng có, nhưng để ăn bánh xèo bông điên điển thì phải tới miền tây vào mùa nước nổi. Bông điên điển vốn đã ngon, bánh xèo cũng vậy, kết hợp hai món lại, cùng với các loại rau nhà lá vườn độc đáo như đọt xoài, lá mơ, đọt bằng lăng, lá cóc, đọt điều, chấm vô nước chấm cay ngọt, khiến cho người ăn dường như cảm thấy thỏa mãn gấp đôi, gấp ba.
Cá lăng
Cá lăng kho. Ảnh: cungbandulich
Cá lăng là loài cá da trơn sống ở dưới sâu. Tại miền tây, người ta thường bắt được cá lăng vào mùa nước nổi. Cá lăng có nhiều kiểu kho nhưng phổ biến là kho với thơm (dứa). Cá lăng làm sạch rồi kho với gia vị kỹ càng sau đó mới cho thơm vào kho tới khi da cá nứt ra. Món ăn dân dã, đưa cơm này là một hương vị khó quên trong chuyến khám phá miền tây mùa nước nổi.