Bánh chưng, bánh dày vào top món ăn lễ hội thế giới

(TNO) Tạp chí du lịch nổi tiếng National Geographic (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 món ăn truyền thống lễ hội đặc trưng trên thế giới, trong đó có bánh chưng và bánh dày của Việt Nam.

Bánh chưng Việt Nam được xếp vào danh sách 10 món ăn truyền thống đặc trưng trên thế giới, do tạp chí uy tín National Geographic bình chọn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

National Geographic nhận định Tết là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt Nam, đánh dấu một năm mới với mùa Xuân và những kỳ vọng mới.

Đây là dịp để người Việt đoàn tụ với gia đình và cùng quây quần bên mâm cỗ mà không bao giờ có thể thiếu món ăn truyền thống là bánh chưng, với nhân thịt và đỗ xanh, xung quanh là gạo nếp, tạp chí Mỹ bình luận.

Tất cả được gói trong những chiếc lá dong, tạo nên chiếc bánh hình vuông, tượng trưng cho đất, cũng như bánh dày được làm từ nếp trắng giã mịn, hình tròn, tượng trưng cho trời, theoNational Geographic.

Trong danh sách 10 món ăn truyền thống của National Geographic còn có món “Bánh mì của người chết” của Mexico, một loại bánh cho “Ngày của người chết”, món Hákarl dùng trong lễ hội mùa đông của Iceland, món bánh trung thu cho ngày Tết Trung thu của Trung Quốc.

Ngoài ra còn có bánh Hamantaschen dành cho lễ hội Purim của người Do Thái, bánh Vua trong ngày hội Mardi Gras của Mỹ, bánh Besan Burfi có trong lễ hội ánh sáng Diwali ở Ấn Độ, bánh Kahk cho ngày hội Eid al-Fitr của Ai Cập, món Haggis dùng để thưởng thức trong lễ hội Burn của Scotland và món “Bánh cho ngày Cách mạng tháng 5” của Argentina.

Hoàng Uy (thanhnien.com.vn)

Món ngon tẩm bổ thức đêm cùng World Cup

Với tần suất thức đêm xem World Cup liên tục như mấy ngày qua, chắc chắn sức khỏe của anh xã, thậm chí là cả bạn bị giảm sút. Một số món ăn vặt sau có thể giúp bạn vừa tỉnh táo xem bóng, vừa đảm bảo sức khỏe cho mình.

 Cứ mỗi mùa World Cup là một mùa thức đêm về của những người hâm mộ quả bóng trònvà các cầu thủ tài năng thế giới. Thức đêm nhiều dĩ nhiên sẽ đói và ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu là một người vợ tâm lý, chiều chồng, chắc hẳn bạn sẽ không ngại chế biến những món ăn đêm cho ông xã vừa hào hứng xem bóng vừa vẫn đảm bảo sức khỏe. Một số món ăn gợi ý sau chắc chắn sẽ khiến ông xã nhà bạn mê ly:

1. Chân gà nướng

Vừa xem bóng đá, vừa uống bia nhắm chân gà nướng thì còn gì bằng. Hãy trổ tài nội trợ đãi chồng bằng món chân gà nướng mật ong mê ly nhé.

Nguyên liệu:

– Chân gà công nghiệp.

– Mật ong, hạt nêm, dầu hào, dầu ăn, tỏi băm nhỏ.

Thực hiện:

– Chân gà sau khi mua về ngâm 10 phút với nước muối pha loãng rồi bóp rửa thật sạch, đem chần qua với nước gừng cho thơm rồi vớt ra để ráo.

– Pha nước sốt để ướp gà gồm các gia vị ở phần nguyên liệu, quấy đều cho các gia vị tan và hòa quyện vào nhau.

– Ướp nước sốt với chân gà trong 30 phút đến 1 tiếng cho ngấm.

– Nướng chân gà bằng than hoa hoặc lò nướng (nếu nhà bạn có).

– Thêm ít tương ớt hoặc đĩa muối chanh ớt là bạn đã có món chân gà nướng mật ong thơm, ngon cho ông xã cháy cùng trận bóng rồi.

2. Chân gà luộc

Đơn giản hơn chân gà nướng mật ong, bạn có thể làm món chân gà luộc.

Cũng công đoạn ngâm bóp rửa sạch chân gà như trên, sau đó bạn đun sôi nồi nước, cho chân gà vào luộc chín.

Sau đó, vớt chân gà ra đĩa và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp chân gà ngon, giòn hơn.

Thêm một đĩa muối chanh ớt nữa là đã có món nhậu cho “fan hâm mộ bóng đá” của bạn rồi.

3. Bò khô

Nếu lo ngại chất lượng bò khô bẩn, tẩm hóa chất ngoài hàng thì bạn có thể tự tay chế món này đãi chồng.

Chuẩn bị:

– Thịt bò thăn

– Sả, tỏi, đường, bột ngũ vị hương, ớt bột hoặc ớt tươi, dầu hào, muối.

Thực hiện:

– Thịt bò thái thành miếng mỏng khoảng 3-4mm, dọc thớ, bản to.

– Băm nhỏ sả, tỏi, ớt.

– Cho thịt bò vào ướp cùng các gia vị chuẩn bị, sau đó để ngăn mát khoảng 8 tiếng.

– Cho tất cả thịt cùng nước ướp tiết ra từ thịt vào nồi đun nhỏ lửa, đậy kín vung. Thỉnh thoảng bạn nhớ lật đều các mặt thịt. Đun đến khi cạn nước thì tắt bếp. Đem thịt ra để nguội rồi dùng chày cán mềm, mỏng. Sau đó, bạn có thể xé sợi hoặc để nguyên miếng tùy ý.

– Tiếp tục cho thịt lên khay nướng, sấy ở nhiệt độ 110 độ C, 10 phút bạn lại đảo đều 1 lần đến khi đạt độ như ý muốn. Hoặc nếu không có lò nướng thì bạn có thể cho lên chảo đảo khô, để lửa nhỏ để tránh thịt bị cháy.

4. Nem tai

Chuẩn bị:

– Tai lợn.

– Bột gạo thính, riềng, tỏi, ớt, lá chanh, húng lá, húng bạc hà, kinh giới, lá sung.

Thực hiện :

– Tai lợn cạo sạch lông, bóp với muối, dấm, chanh để khử hết mùi hôi rồi luộc chín.

– Sau khi luộc, bạn vớt ra cho vào bát nước sôi để nguội thì tai sẽ trắng giòn hơn.

– Sau đó thái mỏng tai.

– Riềng, tỏi giã nhỏ, các loại rau thơm đem cắt khúc, ớt thái lát, lá chanh thái chỉ.

– Phần tai lợn bạn bóp trộn với riềng, tỏi, lá chanh và bột canh cho vừa miệng. Khi tai đã ngấm các gia vị thì từ từ rắc thính gạo vào, vừa rắc vừa trộn đến khi thính bám, phủ đều thì dừng lại.

– Cuối cùng cho rau và ớt vào.

– Bày lá sung và nem tai ra đĩa, thêm nước chấm mắm,

Như vậy là bạn đã có đĩa nem tai đãi chồng xem bóng đá rồi.

5. Mì tôm trứng

Có lẽ mì tôm trứng là món nhanh, gọn nhất cho ông xã và bạn xem bóng.

– Chỉ vần chuẩn bị thùng mì tôm cho cả mùa giải, trứng gà, hành, cà chua, hoặc thêm ít rau chần qua là đã có bát mì tôm thơm, ngon, đủ chất rồi.

Cách làm:

– Đảo thơm hành, cà chua rồi cho nước vào.

– Chần chín trứng gà, rau.

– Cho mì tôm và gia vị vào vừa sôi nước thì tắt bếp.

– Thêm ít hành lá nữa là bạn đã có tô mì tôm thơm, ngon, đủ chất xem bóng đá rồi.

6. Lạc rang tẩm muối

Chuẩn bị: 

– Lạc

– muối

 Cách làm:

– Làm nóng chảo, cho ít dầu ăn vào đun nóng.

– Cho lạc vào rang chín.

– Khi thấy vỏ lạc nứt, tách vỏ ra, màu nhân lạc vàng và dậy mùi thơm là lạc đã chín rồi.

– Đổ lạc ra bát để khoảng 2-5 phút, rắc thêm muối gia vị trộn đều.

– Bạn có thể trữ trong hộp để lai rai trong những trận sau.

Chúc các bạn thực hiện thành công những món ăn này nhé

Theo Hạ Vy (Đời sống & Pháp luật)

Mùa măng cụt quê nội và ký ức tuổi thơ

1403324112-898c5

Thiên nhiên xứ nhiệt đới đã ban tặng cho mỗi miền quê những loài hoa thơm quả ngọt. Và cứ như thế, mỗi mùa mỗi loài hoa quả khác nhau làm nên sự thảo thơm, ngọt bùi nơi miền thôn dã.

 

Hàng năm cứ bắt đầu vào mùa mưa, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái cây ở quê chín rộ. Miền Đông Nam Bộ, một vùng đất đỏ ba dan cây trái quanh năm xanh tốt, khí hậu trong lành, một địa danh nổi tiếng đã bao đời nay với đủ loại cây ngon trái ngọt – nổi bật hơn hết “có lẽ” chính là “Măng cụt”. Một trong 50 loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn.

Măng cụt ở quê nội tôi là loại cây chính gốc Mã Lai được các nhà truyền giáo phương Tây đưa về trồng từ 200 năm trước và được nhân giống rộng rãi cho tới tận bây giờ. Măng cụt là một loại cây ăn quả nhiệt đới, họ Bứa, có thể cao tới 20–25 m sống rất lâu năm. Lá dày, dai, màu lục sẫm, hình thuôn dài. Hoa đực cụm 3-9 hoa có lá bắc. Hoa lưỡng tính có cuống có đốt.

Quả hình cầu, to bằng quả cam trung bình, vỏ ngoài màu đỏ tím dày cứng, trong đỏ tươi như rượu vang, dày xốp, phía dưới có lá dài, phía đỉnh có đầu nhụy Từ khi trồng đến khi ra trái lần đầu là 6 năm. Trong quả có từ 6 đến 18 hạt, quanh hạt có áo hạt trắng, ăn có vị ngọt mát thơm ngon. Cây măng cụt được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam nhờ có khí hậu nóng ấm nên cây dễ thích nghi và phát triển tốt.

Cứ đến mùa hè là người ta lại ngóng đến mùa măng cụt, là thứ quả rất được nhiều người ưa chuộng. Măng cụt là loại cây ăn quả được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại trái cây” vì nó ngon nhất trong các loại hoa quả vùng nhiệt đới.

Những quả măng cụt chín màu tím thẫm, bên trong là từng múi trắng như sữa, thịt quả mềm có vị ngọt thanh dịu pha một chút chua nhẹ rất dễ ăn, thấm từ đầu lưỡi tới cuống họng thật sảng khoái dễ chịu, quả măng cụt rất giàu dưỡng chất như: chất đạm, chất béo, chất carbonhydrates, chất xơ, calsium, chất sắt, phốt pho,… và vitamin như B1, vitamin C. Nhưng trong vỏ màu sậm lại chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư.

Trong khu vườn nhà nội tôi quanh năm đầy hoa trái. Gần năm sào đất với các lọai cây như : Xoài, ổi, mận, chôm chôm, sầu riêng, sa bô. Mỗi thứ một ít, thứ ăn lâu năm thứ mới cho quả mùa đầu. Mùa nào thức ấy, mỗi loại mang một hương vị riêng.

Còn nhớ mãi ngày xưa khi tôi còn học tiểu học, những khu vườn cây ăn quả luôn là một không gian yên ả ở vùng quê, mà cả thời thơ bé tôi luôn thấm đẫm trải qua tuổi thơ tung tăng rong ruỗi khắp vườn, cứ chân đất đầu trần mà lùng sục khắp nơi. Suốt ngày leo trèo nghịch ngợm phá phách.

Dưới cái nắng sáng sớm tháng 5, giữa vườn nghe xao xác tiếng gà trưa, tiếng gió rượt đuổi nhau xào xạc trên từng ngọn lá, ngã mình nằm trên thảm lá khô vừa học bài vừa thưởng thức các loại cây trái trong vườn, rồi ngủ say sưa ngon lành dưới bóng cây mát rượi, trên đầu là đủ thứ trái cây chín ngon ngọt.

Nội tôi lúc ấy còn khỏe lắm, bà thường mang chiếc võng ra giăng dưới gốc măng cụt ngoài vườn, tôi cũng bon chen “ké” một góc, hai bà cháu vừa đung đưa chiếc võng vừa nhìn lên những quả măng cụt no tròn núp sau tán lá. Theo tay nội chỉ: bà đố cháu xem quả này có bao nhiêu múi? Tôi chỉ việc nhìn bông hoa nổi lên phía dưới quả ấy mà đếm, “bông hoa” đó có bao nhiêu cánh thì trong quả măng cụt sẽ có bấy nhiêu múi.

Nụ hôn nồng ấm đặt vào má, nội khen tôi thông minh! chứ có nào ngờ đâu tôi đã ăn măng cụt của Nội đến muốn “mòn” cả răng và như một thói quen lại thêm cái tính “tọc mạch” của tuổi thơ, trước khi ăn bất kỳ quả nào tôi cũng không quên đếm số cánh hoa của mỗi trái và tôi thấy đúng “y boong”.

Rồi những năm, tháng, ngày cứ lặng lẽ trôi qua. Giờ đây xa quê đã lâu, trong cái nắng tháng 5 oi ả, với những cơn mưa bất chợt vào buổi chiều, tiếng ve bắt đầu râm ran trong những tán lá phượng, tàng lá me bên đường, lòng tôi lại quay về miền ký ức xa xưa.

Tôi nhớ về tuổi thơ tôi với rất nhiều kỷ niệm, chất chứa sự hồn nhiên trong sáng và những tháng ngày vui vẻ biết bao nhiêu, ngày ấy nơi miền quê vật chất cái gì cũng thiếu thốn, nhưng ai nấy đều vui vẻ mãn nguyện, không tham lam, không vụ lợi và chỉ có những tình thương yêu.

Tôi tuy sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, nhưng “thuyền theo lái gái phải theo chồng”. Hơn mười năm qua, tôi ở chốn Thị thành đầy bon chen… tiếng xe cộ ồn ào đô thị, hàng giờ đối mặt với bộn bề công việc, muốn tìm không gian yên ắng hít thở không khí trong lành cho tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản, muốn tìm nơi vắng vẻ để được sống “chậm” hơn chút xíu cũng thật là khó.

Vì cuộc sống luôn phải vật lộn với gạo tiền, miếng cơm manh áo, chẳng mấy khi rảnh rỗi để về thăm lại chốn quê xưa, nhưng trong tâm trí tôi luôn canh cánh một điều: Dù có đi bốn phương trời thì quê mình vẫn là tuyệt nhất…

Nó đưa ta trở về với tuổi thơ yên bình và cả “dữ dội” nữa. Hôm nay chợt nhận ra mình đã không còn trẻ nữa. Tuổi thơ đã đi qua thật nhanh nhưng đọng lại trong ký ức thật nhiều. Đó cũng là nỗi day dứt của những người con xa quê mỗi khi khắc khoải nhớ về kỷ niệm cũng như hương vị quê nhà.

Mùa hè sắp tới cũng là mùa măng cụt bắt đầu vào vụ, tôi “tranh thủ” trở lại quê nhà, trước là thăm viếng mộ phần ông bà tổ tiên, thăm vườn cây trái trải qua thời gian bao nhiêu năm không về, thế mà nó vẫn xanh um tươi tốt như thuở nào, những trái măng cụt “u nu úc núc” đang dần chuyển màu vào mùa chín rộ.

Những cây măng cụt Nội trồng năm xưa nay đã già lắm rồi. Người ta thường bảo “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhưng người trồng cây nay cũng đã ra người thiên cổ, cảnh cũ thì còn đó nhưng người xưa đâu rồi? Tôi chỉ muốn giữ mãi hình bóng của Nội và những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của tôi, để đôi khi nhớ đến lại thấy lòng mình lâng lâng một cảm giác thật kỳ lạ khó tả.

 

Theo Mỹ Nhân (Dân Việt)