ĂN DƯA MUỐI MANG LẠI NHỮNG TÁC DỤNG GÌ?

Tuy là loại thực phẩm phổ biến tại Việt Nam, rất ít người quan tâm thực sự đến giá trị dinh dưỡng đích thực mà dưa muối mang lại. 

Các món dưa muối trong ẩm thực dân gian được chế biến theo quy kinh: chua, cay, mặn, đắng kết hợp vị ngọt nhạt của tương, cơm canh hay củ quả khác làm tăng tiết nước bọt; dưa muối thường nhai ròn sần sật, màu sắc và hương thơm quyến rũ mắt (can), lưỡi (tâm), miệng (tỳ), mũi (phế) và tai (thận) làm tăng hương vị và tăng chất lượng của bữa ăn – nguồn cung cấp năng lượng chính cho sự sống. Món dưa muối thường ít chú ý trong bữa ăn gia đình, thật tiếc nếu ta hiểu được giá trị đích thực của nó.

Dưa cải muối

Kỹ thuật muối dưa cải:Lá cảI 10 kg, phèn chua 50 – 100g, muối ăn 600 – 700g. Chọn lá cải hơi già và bánh tẻ (cây sắp có ngồng – sắp ra hoa và chưa có xơ) rửa sạch, phơi cho héo, dội qua bằng nước sôi, cho vào hũ. Đậy vỉ (tre) lên để rau không nổi trên mặt nước muối. Hòa tan muối và phèn trong nước nóng (khoảng 3 – 5 lít), lọc, để nguội, đổ vào hũ (âu, vại) có rau. Nước muối phải ngập trên vỉ. Đậy hũ kín. Sau vài ngày, rau cảI chuyển sang màu cỏ úa, nước chua là được dưa chua. Để hạn chế dưa chua quá, có thể vớt dưa cho vào hộp nhựa hay liễm, cho vào tủ lạnh để dùng dần.

2013-04-25.01.36.52-c5

. Khi muối dưa, ở môi trường thiếu oxy và nồng độ muối khoảng ≥ 4% là điều kiện thuận lợi cho khuẩn lactobacilii phát triển. Trong nước dưa chua có acid lactic và men lactic có tác dụng tích cực ức chế men thối rữa có hại trong đường ruột, có thể dùng nước dưa trong bữa ăn; nhưng phải đảm bảo vệ sinh và muối dưa đúng kỹ thuật.

Dưa khú: Do rau rửa không sạch, rau không ngập trong nước muối và nồng độ muối thấp. Vì vậy rau cần rửa sạch, phơi cho héo để rau hút nước muối và không làm giảm nồng độ muối; luôn luôn dìm rau trong nước muối. Ăn dưa khú dễ bị đau bụng, muốn ăn dưa khú phải nấu chín. Điều kỳ lạ là nấu dưa khú với cá nước ngọt, loại cá càng tanh (cá mại, đòng đong, cá thiểu, cá mè, cá trê…) thì canh dưa cá càng ngon, nên có câu: “Chồng chê thì mặc chồng chê. Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ”.

Cách muối dưa trên, dân gian gọi là muối sổi. Cách muối thường thấy của người dân miền Bắc trong mùa đông gần Tết âm lịch: Rau rửa sạch, phơi héo, xếp 1 lượt lá, rắc một lượt muối biển lên… cuối cùng đặt vỉ có đè vật nặng (hòn đá, cục đất nung), đổ nước muối ngập rau và đậy kín. Cách làm này làm cho dưa muối mặn hơn; nhưng dưa muối ăn với thịt đông hay thịt mỡ thì ngon tuyệt, là món ăn đặc sản trong những ngày tết âm lịch.

Cải bắp muối: Cách làm cũng như trên, nhưng dưa cải bắp thường muối sổi. Rửa sạch lá già hay bánh tẻ, thái phiến, phơi cho héo. Cho nước có muối như dưa cải canh. Dưa cải bắp muối thường dùng trong 3 – 5 ngày giống món Kim chi truyền thống. Dưa cải bắp muối có giá trị như dưa cải thảo muối hay món kim chi.

Dưa chuột muối: Chọn quả dưa non (dưa nụ, ít ruột, không có hạt và 1 phần hoa còn dính dưới quả). Rửa sach dưa, ngâm trong nước sôi 3 – 5 phút, lấy ra, ngâm vào giấm có pha 1% phèn chua; hoặc sau khi ngâm trong nước sôi, lấy ra, ngâm trong nước muối 5 – 7% có pha phèn chua đến khi dưa chua, tháo bỏ nước muối và thay bằng nước sạch vài lần để giảm bớt lượng muối. Sau đó ngâm lại trong giấm 2%. Để khoảng 1 tuần là ăn được. Dưa chuột có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu tiện và tiêu phù. Dưa chuột ngâm giấm còn có tác chữa phù thũng.

Cà muối:

Cà muối sổi: Cà pháo 5 kg, muối 250g, tỏi 3 – 5 củ. Cà cắt bỏ núm (phần lá đài và cuống quả), rửa sạch; tỏi bóc bỏ vỏ cứng, giã nát. Cho cà, muối và tỏi giã vào hũ (âu, vại), đảo đều, đậy kín, để 4 – 6 giờ. Đặt vỉ có đè vật nặng lên trên, đổ nước sạch ngập vỉ. Để 3 – 5 ngày là ăn được.

Cà muối mặn: Dùng cà bát, cắt bỏ núm, rửa sạch, phơi héo, cho vào vại; cứ mỗi lượt cà rải lượt muối, lượng muối sử dụng khoảng 15 – 25 %. Đặt vỉ, đổ nước sạch gần ngập vỉ và đổ lên trên phần muối còn lại, đặt lên trên một vật nặng. Sau 15 ngày -1 tháng mới dùng được. Cà muối theo cách này thường mặn chát nên trước khi ăn phải ngâm trong nước rất lâu mới bớt mặn.

Cà có vị ngọt, tính hàn; có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu thũng, trừ ôn dịch, hoạt huyết, tiêu viêm chỉ thống; là tác nhân kích thích chuyển hóa cholesterol ở gan. Cà có chất solanin, một alcaloid độc, có nhiều khi quả còn non xanh, do đó không ăn nhiều cà sống. Cà chọn để muối thường quả già nên lượng chất solanin giảm; hơn nữa khi muối, lượng acid lactic tăng trong quá trình lên men kết hợp chất kiềm – solanin thành muối làm giảm độc. Mâm cơm gia đình thường có món canh (luộc, sào), món mặn (thịt hay cá), nước chấm và món dưa muối; nên món cà muối trong mâm cơm chỉ là món kích thích tăng nước bọt, tăng hương vị trong bữa ăn.

Cà muối chấm tương là món ăn khoái khẩu. Tương được chế biến từ đậu nành với ngũ cốc qua quá trình đồ chín lên men; chế tác với nhiều công đoạn. Ở nước ta, tương Bần Hưng Yên, tương Nam Đàn đã có truyền thống lâu đời. Tương giàu chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon, dễ tiêu, có tác dụng giảI độc, vừa làm phụ liệu gia vị để chế biến nấu ăn nên kết hợp với cà muối có tác dụng tiêu thực, bổ tỳ vị và giải độc.

Hành muối, củ kiệu muối: Hai món này ăn với thịt mỡ làm tăng hương vị và đỡ ngán mỡ. Hành, tỏi kiệu có mùi thơm, vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng phát tán giải cảm, ôn trung, thông dương, hoạt huyết, giải được chứng uất do bên ngoài gây nên. Khi lên men làm mất vị cay, loại bỏ tính phát tán mà giữ lại tính tiêu thực, ôn trung, giải uất; sau chế biến có thể đáp ứng nhu cầu ăn thịt mỡ.

Củ tỏi muối: Tỏi vị cay, tính ôn, hơi có độc; vào kinh phế, can, vị. Tác dụng giảI độc, thông khiếu, tiêu đờm, tiêu nhọt, trị đầy trướng trùng tích, tả, lỵ, bí đại tiện và hạ huyết áp. Tỏi tươi có allin, khi đập dập, men allinase chuyển allin thành allixin có vị cay, mùi khó chịu. Trong quá trình muối chua, vị cay mất đi làm giảm tính thăng (đi lên) và phát tán nên chủ yếu tác dụng vào kinh can vị.

Nhút: Nhút được chế biến từ quả mít xanh (loại mít bở, hạt trong các múi chưa có vỏ cứng dai). Gọt bỏ lớp vỏ có gai, tháI thành sợi từ ngoài vào trong sao cho xơ, múi đều được xắt thành sợi dài. Ngâm nước gạo cho hết nhựa và làm sợi trắng, để ráo (có thể phơi cho héo), trộn muối để làm sợi mít mềm, thêm ớt, gừng và vài khúc mía nhỏ; cho vào hũ (âu, vại), thêm ít nước; dùng phên tre ép trên và có viên gạch hay cục đá sạch nén để cho nhút không nổi trên mặt nước dễ thâm đen. Đậy kín, sau 5 – 7 ngày là ăn được. Nhút chấm tương Nam Đàn là đặc sản xứ Nghệ. Nhút còn được nộm với thịt ba chỉ, thịt thủ, thịt thăn, ăn với bánh đa vừng, lạc rang hoặc nấu cá chua.

Kim chi: Kim chi có nguồn gốc từ Triều Tiên. Kim chi truyền thống được chế biến đơn giản từ cải thảo (cải bẹ trắng) với muối, ớt, gừng tỏi; đặc biệt nhiều ớt nên rất cay. Có thể dùng củ cải, bắp cải, dưa chuột… làm món này. Món ăn có thể sử dụng từ 1 – 5 ngày sau khi chế biến, không để lâu được. Để giảm bớt cay, sau này người ta pha trộn với rau củ quả khác để có chua, ngọt, mặn với màu trắng đỏ (tỏi, ớt, hành, gừng, muối đường…). Kim chi cải tiến có mùi vị khác hẳn kim chi truyền thống, nhưng lại hợp với khẩu vị người Việt Nam. Kim chi nghĩa gốc là rau củ ngâm (chua và mặn), trong khi ngâm, men lactobacilii hoạt hóa làm lượng acid lactic trong sản phẩm tăng; bên cạnh đó còn có các men vi khuẩn có ích. Sự lên men trên rau cải bẹ trắng, rau cải, dưa chuột cùng nhiều ót, tỏi, rau thơm đều có lợi cho sức khỏe.

Theo Lương y Thảo Nguyên/SK&ĐS

 

Ăn thì là, ngừa ung thư

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chất anethole đặc biệt có trong cây thì là có thể làm giảm viêm nhiễm và có khả năng ngăn ngừa ung thư. Rau thìa là (thì là) tên khoa học là Anethum graveolens, Mỹ ngữ gọi là “dill”, họ hoa tán.

Người ta thường dùng lá, quả và hạt để làm hương liệu, chế biến thức ăn, dùng lá thìa là làm rau hoặc gia vị, nhất là các món như canh cá, canh lươn, ốc, cháo cá… vừa thơm ngon vừa át được mùi tanh.

Khi ăn loại gia vị này, cơ thể sẽ hấp thu được lượng lớn chất dinh dưỡng cũng như chất chống oxy hóa. Các bà nội trợ có thể tận dụng lợi ích của thì là bằng cách chế biến súp cà chua, thì là và tỏi; sử dụng thì là cho các bữa canh cá.Ngoài tác dụng làm gia vị trong ẩm thực, lá, quả và hạt thìa là còn được dùng để làm hương liệu chế biến thức ăn và làm thuốc.

Thì là cho vào một số món canh làm món ăn thêm hấp dẫn.

Loại rau này rất quen thuộc trong các món ăn của người Ý và người dân vùng Địa Trung Hải, nó rất dễ chế biến và có nhiều chất dinh dưỡng.

Có thể ăn được mọi thứ trên cây thì là từ gốc, thân, lá cho đến hạt, nó giòn, ngọt và có vị như cam thảo. Thì là chứa rất nhiều dưỡng chất thực vật, ngoài ra có còn có vitamin C, chất xơ, folate và kali.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chất anethole đặc biệt có trong cây thì là có thể làm giảm viêm nhiễm và có khả năng ngăn ngừa ung thư.

Gốc cây thì là trông như một củ hành lớn có bẹ lá, có thể lột các lớp vỏ bên ngoài ra và sử dụng như củ hành.

Lá cây có thể dùng làm món rau trộn, nấu canh hoặc để trang trí món cá nướng. Ngoài ra, thì là cất trong tủ lạnh vẫn còn tươi tốt và dùng được sau nhiều tuần.

Thì là giúp kích thích sản xuất tăng tiết sữa cho những phụ nữ đang cho con bú và làm giảm trọng lượng cơ thể.

Loại thảo dược này có chứa nhiều khoáng chất Fennel và các vitamin: vitamin C, chất xơ, mangan, kali, magiê, canxi, sắt, vitamin B3… giúp kháng khuẩn và rất hữu ích cho hệ thống miễn dịch.

Cây thì là chứa nhiều vitamin C cần thiết cho những hoạt động của hệ thống miễn dịch, đồng thời bảo vệ các động mạch khỏi lão hóa.

Hơn nữa do có chứa nhiều chất xơ nên thì là giúp giảm mức độ cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, các chất xơ có trong thì là còn ngăn ngừa ung thư đường ruột do nó có tác dụng loại bỏ độc tố và chất gây ung thư từ ruột.

Chất xơ có trong thì là có tác dụng ngăn ngừa ung thư đường ruột, do nó có thể loại bỏ độc tố và chất gây ung thư từ ruột.

Kali có trong thìa là còn là một khoáng chất cần thiết giúp làm giảm huyết áp cao cho những người bị bệnh tim.

Với nhiều công dụng trong chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe con người, bạn hãy áp dụng trong gia đình mình thật đơn giản khi dùng thì là làm gia vị cho những món ăn cần dùng tới thì là để tăng hương vị cho món ăn gia đình bạn.

Cùng với đó, là loại rau với giá thành rẻ, dễ mua, hãy đảm bảo hơn cho sức khỏe gia đình bạn với một bước thật đơn giản này nhé!

Theo Phunutoday

Thực phẩm cho người thức khuya

Thức khuya là một thói quen không tốt cho sức khỏe vì chúng gây ra nhiều tác động tiêu cực như mệt mỏi, lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, da thô sần, giảm thị lực… Vì vậy, muốn giữ gìn sức khỏe để làm việc khuya, bạn cần chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống hàng ngày với những thực phẩm giàu dinh dưỡng dưới đây.

1. Cà rốt

Có thể nói, mắt là một trong những bộ phận bị căng thẳng nhất trong mùa hè này. Đáng lẽ phải được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, mắt lại tiếp tục phải phục vụ cho sở thích xem bóng đá của bạn vào ban đêm.

Việc liên tục nhìn chăm chú vào chiếc ti vi trong nhiều giờ liền sẽ khiến “cửa sổ tâm hồn” của bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi vì hoạt động quá sức.

Cà rốt là thực phẩm mà mắt đang cần vì chúng chứa nhiều carotene. Khi được hấp thu vào trong cơ thể, carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A, có tác dụng ngăn ngừa tình trạng suy giảm thị lực. Do đó, hãy ăn nhiều cà rốt hơn để giúp mắt bớt mệt mỏi và cải thiện thị lực tốt hơn.

2. Chuối

Không chỉ giàu ka-li, chuối còn cung cấp nhiều ma-giê. Các kết quả nghiên cứu cho thấy ka-li giúp hỗ trợ việc duy trì sự ổn định của huyết áp và nhịp tim, ngăn ngừa chứng cao huyết áp và tình trạng co thắt các cơ. Trong khi đó, ma-giê lại có khả năng hạn chế mệt mỏi.

Một số thành phần dinh dưỡng trong quả chuối sẽ biến đổi nhanh chóng thành đường glucose – vốn được hấp thu ngay nên sẽ cung cấp năng lượng kịp thời để bạn đủ sức theo dõi các trận đấu suốt đêm.

3. Cá

Thực phẩm này rất giàu các vitamin nhóm B, có tác dụng ngăn ngừa tình trạng suy giảm thị lực, hạn chế căng thẳng, bảo vệ gan. Thức đêm thường xuyên khiến cơ thể và mắt đều mệt mỏi, căng thẳng… dẫn đến những triệu chứng như mất ngủ, hay quên, giận dữ hoặc lo lắng.

Vì thế, hãy ăn cá nhiều hơn trong giai đoạn bạn xem bóng đá liên tục để bổ sung thêm các vitamin nhóm B cho cơ thể, hạn chế được những triệu chứng kể trên.

Ngoài ra, cá còn cung cấp nhiều protein và khoáng chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng mà cơ thể cần, tăng cường hệ miễn dịch.

4. Gan

Gan là nguồn thực phẩm tuyệt vời cho những ai muốn bảo vệ sức khỏe trong khi phải thức khuya nhiều.

Lượng vitamin A dồi dào trong gan giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt, căng thẳng ở mắt do phải hoạt động nhiều và liên tục. Người thức khuya thường gặp phải những bệnh về nội tiết do khả năng bài biết độc tố của cơ thể bị suy giảm. Trong gan có chứa vitamin B không chỉ tốt cho mắt mà còn bổ sung thêm coenzyme, hỗ trợ việc loại thải độc tố ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, cũng không nên ăn quá nhiều gan vì những thực phẩm có nguồn gốc từ nội tạng động vật có thể gây ra một số tác động tiêu cực cho sức khỏe.

5. Hẹ

Là một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, hẹ chứa nhiều carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A sau khi cơ thể hấp thu.

Do đó, những người thức khuya nên ăn nhiều hẹ để giữ gìn sức khỏe cho gan và mắt. Bên cạnh đó, loại rau này còn có ích trong việc cải thiện màu sắc của da, giúp da trắng sáng hơn. Nhờ đó, tình trạng sạm và thô sần da do thức khuya sẽ được cải thiện rõ rệt.

Lưu ý: hẹ cung cấp nhiều chất xơ nên nếu ăn quá nhiều cùng một lúc có thể gây đầy bụng, khó tiêu hoặc tiêu chảy.

Theo Hồng Xuân/PNO

ĂN GÌ ĐỂ TRỊ DỨT NHỮNG CƠN ĐAU NỬA ĐẦU?

Đau nửa đầu là triệu chứng rất “quen thuộc ” trên thế giới. Ước tính có khoảng 1 tỉ người phải thường xuyên gánh chịu những cơn đau khó chịu này. Khi bị đau nửa đầu, nhiều người thường tìm đến những liều thuốc giảm đau, tuy nhiên đó không phải là cách để trị dứt bệnh.

Người bị đau nửa đầu nên ăn thực phẩm giàu enzyme, chất chống oxy hóa và vitamin
Người bị đau nửa đầu nên ăn thực phẩm giàu enzyme, chất chống oxy hóa và vitamin

 

Thay vì chữa đau theo kiểu… chữa cháy bằng cách dùng những viên thuốc giảm đau đầy “thế lực”, sao bạn không thử đi tìm căn nguyên để mà ngăn chặn chúng trước khi chúng xuất hiện? Dưới đây là một số cách, vốn không chỉ giúp trị đau nửa đầu một cách tự nhiên mà còn giúp bạn ngăn chặn những cơn đau triền miên mà không cần phải nhờ vào những loại thuốc kê toa

Tránh xa các loại thực phẩm có chứa monosodium glutamate hay còn gọi là MSG. Đây là loại phụ gia có rất nhiều trong các loại thực phẩm, súp, thức ăn chế biến sẵn… MSG cũng là một “nghi phạm” gây ra “Hội chứng quán ăn Tàu” (Chinese Restaurant Syndrome). Ngoài MSG, cũng nên tránh các loại thực phẩm có chứa aspartame, nitrates, sulfites. Những hóa chất kể trên sẽ làm “ngòi nổ” cho những cơn đau nửa đầu xảy ra liên tu bất tận. Rất nhiều bệnh nhân đau nửa đầu giảm được nhiều tần số và cường độ của các cơn đau nửa đầu chỉ theo một cách đơn giản là tránh xa những loại thực phẩm có chứa những hóa chất kể trên.
Những thực phẩm giàu enzyme giúp hạn chế các cơn đau nửa đầu gồm các loại rau hoa quả, gia vị như quả bơ, đu đủ, dứa, lô hội, dưa chuột, tỏi, gừng, giá đỗ, dừa,…Ăn những loại thức ăn chứa nhiều dinh dưỡng, cần tránh xa các thức ăn có chứa những tác nhân gây dị ứng. Chú trọng những loại thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrient), các loại thực phẩm giàu enzyme, các chất chống oxy hóa, các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất… Những loại thực phẩm kể trên có tác dụng “tân trang” lại hệ thống thần kinh, nhờ đó sẽ cải thiện được tình trạng đau nửa đầu.

Cần phải được kiểm tra lượng hoóc-môn. Rất nhiều người không để ý rằng hàm lượng hoóc-môn trong cơ thể có tác động sâu sắc lên sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Đối với chứng đau nửa đầu, hàm lượng hoóc-môn “trồi lên, trụt xuống” cũng là một trong những nguyên nhân. Riêng đối với phụ nữ thì cần phải được kiểm tra thường xuyên khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Cũng cần nên biết rằng nếu lượng estrogen quá nhiều thì càng làm cho tình trạng đau nửa đầu càng trở nên “bát nháo” hơn. Cần chú trọng hơn đến những khẩu phần dinh dưỡng có tác dụng hoặc hỗ trợ việc cân bằng hoóc-môn. Cần chú ý đén những lại thực phẩm có chỉ số đường huyết (glycemic index) thấp và những loại giàu chất dinh dưỡng thực vật như rau cải ăn sống, các loại hạt, thịt các loại động vật được nuôi bằng cỏ, các loại đậu…

Cần bổ sung cho cơ thể khoáng tố magnesium. Trong xã hội công nghiệp hiện nay, sự thiếu hụt khoáng tố magnesium là điều khó tránh khỏi, sự thiếu hụt này lại càng gây “khó dễ” hơn cho những bệnh nhân bị vướng đau nửa đầu. Những loại thực phẩm giàu magnesium bao gồm: rau cải xanh, cá, trái bơ, các loại hạt…

Uống nước tinh khiết, nước có tính kiềm, tránh các loại nước uống có chứa nhiều fluoride, cũng nên hạn chế cà phê, soda, các loại nước ngọt vô lon. Nước uống có chứa nhiều fluoride được cho là có khuynh hướng làm gián đoạn hoặc xáo trộn sự tiết hoóc-môn trong cơ thể. Fluoride cũng được xem là thủ phạm gây rối loạn chức năng tuyến giáp, thường gây ra những cơn đau mãn tính, rối loạn chức năng thần kinh và những đề khác của sức khỏe, tất nhiên sẽ càng gây bất lợi cho những bệnh nhân đau nửa đầu.

Theo DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG/SK&ĐS

 

NHỮNG ĐIỀU AI CŨNG NÊN NHỚ KHI UỐNG SỮA ĐẬU NÀNH

Sữa đậu nành là thức uống ngon và quen thuộc với tất cả chúng ta. Sữa đậu nành giúp cung cấp canxi phòng loãng xương, còn tăng sức đề kháng, bảo vệ hệ tiêu hóa, ngừa ung thư, đặc biệt tốt cho phụ nữ và người già. Tuy vậy cũng còn tùy người và tùy lúc, không phải khi nào uống sữa đậu nành cũng tốt.

Sữa đậu nànhỗ tương) hay còn gọi là Nước đậu, làm từ hạt đậu nành xay nhuyễn. Theo Đông y, đậu này có tính thiên hàn, hoạt lợi, cho nên không thích hợp với những người bị hư thận, tiểu đêm, di tinh vì sẽ làm nặng thêm các triệu chứng. Ngoài ra những người tỳ vị hư hàn uống sữa này thì dễ bị tiêu chảy.

Không ăn cam quýt ngay trước và sau khi uống sữa đậu nành: Nhiều người đã chịu những cơn tiêu chảy nhớ đời vì uống sữa đậu nành gần lúc ăn những loại quả như cam, quýt, bưởi. Thủ phạm là các acid và sinh tố có trong những loại quả này khi tác dụng lên protein trong sữa rồi kết khối ở ruột non, dẫn đến đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Tốt nhất là uống trước hoặc sau khi ăn những loại quả này ít nhất 1 giờ.

Không dùng sữa đậu nành nhiều và thường xuyên: Cũng như các loại thực phẩm khác, sữa đậu nành nên được dùng với lượng vừa phải. Nếu dùng nhiều và thường xuyên, sẽ gây táo bón, ảnh hưởng hệ tiêu hóa.

Đun sôi kỹ rồi mới uống: Nếu uống sữa đậu nành chưa được đun sôi kỹ, các chất ức chế men trypsin, saponin và nhiều chất có hại khác sẽ gây tiêu chảy, buồn nôn, ngộ độc.

Không uống quá nhiều một lúc: Dù đói khát nhưng cũng không nên uống quá nhiều sữa đậu nành trong một lần, vì điều đó sẽ dẫn đến việc các chất dinh dưỡng không được tiêu thụ hết, khiến bạn đau bụng ỉa chảy. Lượng sữa đậu nành thích hợp cho người lớn mỗi lần uống là khoảng nửa lít.

Không dùng thay cho sữa: Mỗi loại sữa có một công dụng, hàm lượng protein trong sữa đậu tương đương với trong sữa tươi, nhưng lượng sinh tố B12 chỉ bằng 1/3, bên cạnh đó sữa đậu nành không có sinh tố A, C, và lượng canxi cũng thấp hơn phân nửa so với sữa tươi. Bên cạnh đó, lượng lecithin, sinh tố E và sắt trong sữa đậu nành lại cao hơn sữa.

Không đựng sữa đậu nành trong bình giữ ấm: Đây là lỗi nhiều người mắc phải. Sữa đậu nành nếu để lâu nên giữ ở nhiệt độ nguội. Vì các vi khuẩn trong sữa sẽ dễ dàng phát triển ở nhiệt độ ấm và nhanh chóng làm sữa hư hỏng.

Không pha với đường đỏ: Đường đỏ có nhiều acid hữu cơ có thể kết hợp với protid, canxi tạo thành những chất hủy hoại dinh dưỡng trong sữa, bên cạnh đó nó còn ảnh hưởng đến tiến trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể.

Uống sữa đậu nành nên kèm theo ăn tinh bột: Các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành sẽ được hấp thụ, tiêu hóa tốt nếu như dùng kèm các món ăn chứa tinh bột như bánh mì, bánh ngọt…. Nếu chỉ uống sữa mà không ăn kèm, thì các chất bổ trong sữa sẽ chuyển hóa thành nhiệt lượng rồi tiêu thụ mất.

Không uống chung với trứng: Chất men trypsin trong sữa đậu nành nếu kết hợp với tròng trắng trứng sẽ tạo thành kết tủa làm khó hấp thu, và làm mât đi nhiều chất dinh dưỡng trong sữa và trứng.

Bé Bủm tổng hợp.

10 MẸO HỮU ÍCH CHO CÔNG VIỆC BẾP NÚC

Sau đây là 10 mẹo vặt hay giúp công việc nội trợ của bạn trở nên dễ dàng hơn nhiều.

1. Trước khi xắt hoặc băm ớt, hãy bôi một chút dầu ăn lên tay. Da tay sẽ không hấp thụ ớt cay nữa.

2. Nếu bạn quá tay nêm mặn khi nấu canh, chỉ cần thả vào nồi một miếng khoai tây để nó hấp thụ bớt lượng muối dư thừa.

3. Khi luộc trứng hãy cho muột chút muối, vỏ trứng sẽ không bị nứt nữa.

4. Không bao giờ đặt trái cây và cà chua trong tủ lạnh nếu bạn không muốn mất đi những lợi ích sức khỏe của nó. Nhiệt độ thấp làm giảm mùi thơm cũng như hương vị củ các loại trái cây.

5. Khi nồi cơm bị cháy, hãy đặt một miếng bánh mì trắng vào nồi cơm trong vòng 5 đến 10 phút để nó hấp thụ mùi.

6. Sau khi xắt hành tỏi, tay thường bị ám mùi tỏi rất khó mất. Lúc này bạn lấy một cái thìa bằng thép không gỉ chà lên tay khoảng 30 giây rồi rửa lại bằng nước. Thép sẽ “hút” mùi hành tỏi ra cho bạn. Bạn cũng có thể khử mùi hành tỏi bằng cách đắp bột hoặc bã cà phê lên rồi rửa sạch.

7. Nếu bạn không xác định được trứng của mình có tươi hay không, hãy đăt chúng vào cái chậu có khoảng 10 cm nước. Trứng chìm nghĩa là nó tươi, nếu nổi là đã qua giai đoạn tươi. Và việc của bạn là hãy ăn trước những quả trứng không còn tươi nữa.

8. Loại bỏ vết trà hay cà phê trên cốc sứ của bạn bằng cách dùng hỗn hợp được tạo từ baking soda với nước chanh và kem cao răng. Vết bẩn sẽ đi dễ dàng.

9. Không bảo quản chuối chung với các hoa quả khác. Bởi chuối sẽ giải phóng khí làm quả khác chín nhanh. Việc tách này giúp hoa quả tươi lâu hơn.

10. Để giữ cho khoai tây không nảy mầm trong túi, hãy cho một quả táo vào với nó.

 Bảo Thoa (sưu tầm)

Mẹo rửa sạch đồ khi làm bếp

41-battrangMít ăn thì ngon, nhưng nhựa rất khó tẩy.

Gọt su su nhựa bám vào tay, hay bát bị ố vì giã nghệ rất khó chịu. Xin mách bạn mấy mẹo nhỏ.

Rửa sạch nhựa cao su: Bạn hãy lấy một ít tro bếp xát vào tay, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Nhựa sẽ biến mất.

Tẩy vết nghệ bám vào xoong, bát: Bạn hãy lấy một ít lòng trắng trứng gà hoặc vịt, chà mạnh vào những chỗ có nghệ sẽ làm xoong, bát trắng lại như ban đầu.

Dao dính nhựa: Cắt mít, đu đủ dao thường bị dính nhựa, nếu lau bình thường thì rất khó sạch. Một số người dùng dầu hỏa tẩy cũng có thể sạch nhưng lại bị mùi. Bạn hãy lấy một miếng giẻ, nhúng dầu ăn rồi chùi cho đến khi sạch thì thôi.

Giã gừng không bị bắn: Khi giã, bạn hãy cho vào cối một chút muối, như thế gừng sẽ không trơn và bắn ra ngoài nữa.

 

(Theo Thế Giới Phụ Nữ, số 11)

Tảo dẹt, thuốc quý hỗ trợ điều trị ung thư

Côn bố là một loại tảo dẹt ở biển, người ta đã nghiên cứu và cho kết luận nó có tác dụng chống u bướu. Trong tương lai côn bố được mệnh danh là một loại dược liệu phòng chống ung thư.

Côn bố có tên khoa học là: Laminasia japonica Aresch. Cây thuộc họ Côn bố (Laminariaceae) là một loại tảo dẹt ở biển. Người ta thu hái vào mùa hạ và mùa thu đưa về rửa sạch rồi phơi khô dùng.

– Đối với Y học cổ truyền: từ xa xưa ông cha ta đã biết dùng Côn bố trong điều trị bệnh thu được kết quả tốt. Theo Y học cổ truyền, côn bố có vị mặn, tính hàn, vào kinh Tỳ, Vị, Thận.Tác dụng, công hiệu của Côn bố: tiêu tan được những chứng loa lịch (tràng nhạc hay các hạch), anh lựu (bướu cổ), trị được thủy thũng, phá được tích tụ (u cục) (nhuyễn kiên tan kết tức làm mềm u cục), hay là chứng đàm kết thành khối, dùng nó có thể mềm ra và tiêu được, trị chứng lâm (viêm đường tiết niệu), sưng đau tinh hoàn.

– Đối với Y học hiện đại: người ta thấy trong thành phần Côn bố có tới 60% Hydrat carbon. Trong Hydrat carbon thành phần chủ yếu là: Algin, lactosan, pentosan, vitamin, protit và một số chất béo, tro toàn phần trong đó có Iot, Kali, Sắt và Canxi.

Những khám phá gần đây cho thấy: khi nghiên cứu tác dụng chống u bướu của Côn bố, người ta đem chiết xuất Côn bố lấy ra được chất Laminaria angustata bằng nước nóng. Khi tiêm vào khoang bụng chuột 100mg/kg thể trọng hoặc tiêm thẳng vào khối u 50mg/kg thể trọng trước và sau khi cấy ghép khối tế bào ung thư u S180. Tế bào u S180 được cấy trên da chuột .tiêm 100mg/kg thể trọng vào khối u trong 5 lần tỷ lệ ức chế u là 92,3%.

Dùng bằng phương pháp uống đối với chuột như ở thực nghiệm trên: dịch chiết của Laminaria angustata từ nước nóng để nguội trộn vào thức ăn cứ 100mg/kg và 50mg/kg/ngày. Thuốc tỷ lệ ức chế với tế bào u S180 là 76,3% và 83,6%. Qua đó thấy Côn bố có hoạt tính chống u bướu rõ rệt nhưng đường uống kém hơn đường tiêm. Người ta cho rằng thành phần kháng u bướu chủ yếu có thể là loại Polysaccharide và Nucleacid.

TS. Trần Lập Công

Nêm gia vị sao cho đúng cách?

TS Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm) cho biết, đến nay chưa có nghiên cứu nào nói việc nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh cho con người.

 

 

Nêm gia vị làm sao để làm cho món ăn được ngon hơn là mối quan tâm của nhiều bà nội trợ. Bởi vì, nêm gia vị không chỉ cần vừa tay mà còn phải đúng thời điểm để hòa quyện vào thực phẩm. Vậy có hay không chuyện nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh?

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh thực phẩm) cho biết: “Gia vị có nhiều loại như muối, nước mắm, mỳ chính, hạt tiêu, hành tỏi… Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào nói việc nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh cho con người. Việc nêm gia vị sớm hay muộn là tùy vào món ăn, cách nấu của bà nội trợ. Tuy nhiên, việc cho gia vị đúng thời điểm cũng có thể góp phần giúp cho món ăn được ngon hơn”.

Muối, bột canh: Cho vào ướp hoặc nêm khi nấu canh

Có một số thông tin cho rằng, với các món xào, thì nên cho muối vào cùng với dầu ăn, rồi mới cho thực phẩm vào sau một phút để xào. Cách làm này sẽ giúp loại bỏ đến 95% độc tố aflatoxin có trong muối.

Trước thông tin đó, PGS. TS Phan Thị Sửu, cho rằng điều này không đúng và không có cơ sở khoa học. “Bởi vì, alflatoxin chỉ tạo thành ở các hạt có dầu bị mốc như lạc, hạt điều chứ không thể có alflatoxin trong muối. Muối có thể cho vào khi ướp thực phẩm, nêm nếm trong khi đun nấu hoặc khi đã xào, nấu xong”.

Theo PGS. TS, ngày nay người nội trợ thường dùng bột canh thay muối trắng. Bột canh cho vào các thực phẩm để kho, rán, thường cho vào ướp cùng thịt, cá để ngấm vào thực phẩm làm tăng vị đậm đà. Khi luộc rau cho một chút bột canh vào nước đun sôi (vì nhiệt độ sôi của nước muối cao hơn) sẽ làm cho rau luộc được xanh hơn. Tương tự khi nấu canh cũng nên cho muối trước khi cho rau vào nấu để cho rau đậm đà và xanh hơn.

Nước mắm: Không nên nấu hoặc ninh kỹ quá

Nước mắm có vị ngọt của các các axit amin tạo ra trong quá trình muối chượp (nguyên liệu thuỷ sản – thường là cá ướp muối – đang phân huỷ dùng để làm nước mắm). Nếu nấu hoặc ninh kỹ quá có thể làm mất đi các axit amin nên chỉ nấu ở một thời gian thích hợp đảm bảo đủ chín thực phẩm. Nước mắm có thể cho vào thực phẩm khi ướp hoặc trước khi nấu.

Đường: Nên để lửa ở nhiệt độ vừa phải

Đường vừa tạo vị ngọt vừa tạo màu cho thức ăn. Đối với món kho hoặc chiên, rán thường ướp thực phẩm với đường. Nếu chiên rán thì chỉ để lửa 170 độ C – 200 độ C, thực phẩm sẽ có màu nâu cánh gián vừa phải rất hấp dẫn. Song, nếu để nhiệt độ cao hơn, đường sẽ bị caramen hóa làm cho thực phẩm có màu  nâu đen, làm mất đi vẻ đẹp của món ăn.

Hành, Tỏi: Ướp thực phẩm hoặc phi thơm đều được

Hành có thể cho vào khi ướp thực phẩm, hoặc cho vào mỡ để phi lên trước khi xào. Khi xào rau muống hay ngọn bí, nên lấy một ít tỏi phi với dầu mỡ cho thơm rồi cho rau vào xào, gần chín cho thêm một ít tỏi, giã nhỏ vào sẽ có một món rau xào thơm ngon dậy mùi tỏi.

Hạt tiêu: Cho vào sau khi xào xong

Hạt tiêu có chất tạo vị cay và tinh dầu, khi đun lâu thì tinh dầu bay hơi, chất cay vẫn còn. Khi kho thịt cá thì nên cho hạt tiêu xay không mịn (còn từng mảnh), có thể dùng hạt tiêu đã rang chín hoặc hạt tiêu sống đều được. Với các món xào, dùng hạt tiêu rang chín và xay mịn để cho vào sau khi đã xào xong.

Ngoài ra, TS Phan Thị Sửu lưu ý người nội trợ không nên dùng các phẩm màu tổng hợp. Nên tận dụng cách tạo màu tự nhiên như màu xanh từ lá riềng, màu đỏ từ quả gấc, hạt điều nhuộm, từ quả cà chua, màu vàng từ quả dành dành, củ nghệ.

Dầu ăn: Tuyệt đối không dùng dầu chiên đi chiên lại

TS Phan Thị Sửu còn chia sẻ, “Trong khi đun nấu, đáng lo ngại nhất là việc dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Vì, nếu dùng dầu chiên đi chiên lại sẽ tạo ra chất trans fat có thể gây ung thư. Vì vậy, tuyệt đối không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần”.

Với mì chính, một điều cần lưu ý nữa là đối với một số người có cơ địa dị ứng với mì chính (bột ngọt) thì không nên dùng thức ăn có nêm nhiều mì chính.

 

Anh Minh (Khampha.vn)

CÔNG DỤNG TRỊ NHIỀU BỆNH CỦA BỒ KẾT

 Bồ kết là loại quả không xa lạ với miền quê Việt Nam vì có thời, đây là nguyên liệu để gội đầu phổ biến. Không chỉ có tác dụng bảo vệ tóc, Bồ kết còn có nhiều tính năng bảo vệ cơ thể khác.

Quả bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn, hơi độc thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, làm hắt hơi. Hạt có vị cay tính ôn, thông đại tiện, tán kết, chữa mụn nhọt. Gai có vị cay, tính ôn, tiêu thũng, xẹp mưng mủ (bài nung ), sát trùng….

Con gọi là chùm kết, tạo giác. Bồ kết mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. Bộ phận dùng: quả bồ kết gọi là tạo giác. Gai bồ kết gọi là tạo giác thích. Hạt bồ kết gọi là tạo giác tử. Quả tạo giác có 10% saponin màu vàng và saponin gleditsia B-G, saponin australozit, chứa 5 chất flavonoit là inteolin, saponaretin, vitestin,homorientin và orientin. 5 chất này có hoạt tính diệt siêu vi trùng, sapogenin diệt trùng roi âm đạo. Gai bồ kết có gleditsia saponin B-G, axit palmatic. Quả có vị cay, mặn, tính ôn, hơi độc thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, làm hắt hơi. Hạt có vị cay tính ôn, thông đại tiện, tán kết, chữa mụn nhọt. Gai có vị cay, tính ôn, tiêu thũng, xẹp mưng mủ (bài nung ), sát trùng… Sau đây là cách dùng bồ kết chữa bệnh.

Trị trúng phong cấm khẩu, ngạt mũi, viêm xoang, khó thở: Đốt quả, hạt, thêm ít bạc hà thổi lỗ mũi cho hắt hơi. Xát chân răng cho há miệng tỉnh lại. Xông lỗ mũi để dễ thở.

Trúng phong méo miệng : dùng 200g bồ kết, bỏ vỏ, nghiền nhỏ, hòa dấm ăn lâu năm, méo bên phải thì phết, dán bên trái; méo bên trái thì phết, dán bên phải, khô làm lại.

– Động kinh, đờm nghẹt cổ, miệng sùi bọt mép, hen suyễn khò khè: Lấy quả bồ kết đốt tồn tính, phèn chua phi, 2 thứ lượng bằng nhau. Ngày uống 3 – 6g, chia nhiều lần, mỗi lần 0,5g, ra đờm thì dừng.

Chữa ho suyễn: bồ kết 1g, cam thảo 1g, đại táo 1g, gừng sống 1g. Đổ 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

– Lở loét trên đầu, u nhọt, rụng tóc : đốt bồ kết ra than, tán nhỏ, trát lên chỗ loét, nhọt.

– Trị trúng thử (cảm nắng nóng) bất tỉnh : Bồ kết 40g sao tồn tính, cam thảo 40g sao qua, nghiền nhỏ, uống 40g với nước ấm.

– Trị họng sưng đau: bồ kết 1 nắm, bỏ vỏ, ngâm dấm nướng, làm 7 lần, không cho cháy quá, nghiền nhỏ, dùng chút ít thổi vào họng, làm nhiều lần nôn ra dãi, nước bọt là khỏi.

– Bệnh động kinh do phong tà : Bồ kết sao tồn tính 160g, mật đà tăng 40g, rễ, lá, thân cây ké đầu ngựa khô 160g. Tất cả phơi khô, nghiền nhỏ, hòa nước cháo giã nhuyễn viên bằng hạt ngô, lấy chu sa làm áo. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 viên uống với nước táo tàu. 3 ngày sau giảm dần còn 20 viên.

– Cước khí sưng đau : bồ kết, xích tiểu đậu, lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, hòa rượu và dấm đắp chỗ đau.

– Trị cảm thương hàn mới mắc, sốt; không phân biệt âm chứng hay dương chứng: Dùng 1 nắm bồ kết, sao, rồi nghiền nhỏ hòa với nước chín mà uống.

– Trị bỗng nhiên váng đầu hoa mắt: Dùng bột bồ kết thổi mũi cho hắt hơi là khỏi.

– Hóc xương cá ở cổ : bột bồ kết thổi mũi khiến hắt hơi đẩy xương cá ra là khỏi.

– Đại tiểu tiện không thông: bồ kết sao nghiền nhỏ, uống 15g với nước ấm là khỏi.

-Trị đau răng do phong nhiệt : lấy 1 quả bồ kết, bỏ hạt, rồi cho muối vào đầy quả bồ kết, thêm chút phèn chua, lấy đất sét vàng buộc chặt rồi đem nung lửa, lấy ra nghiền bột. Mỗi ngày lấy bột bồ kết xát răng, rất công hiệu.

– Trị sâu răng gây đau: dùng bột bồ kết xát lên chỗ sâu răng, cú dãi thì nôn nhổ ra. Hoặc dùng bồ kết và muối ăn, lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, ngày xát vào chỗ sâu rănng nhiều lần.

– Trị miệng nôn, trụn tháo: lấy bột bồ kết bằng hạt đậu thổi vào mũi, hắt hơi được thì hết.

– Trị lòi dom: lấy 5 quả bồ kết giã nhỏ ngâm với 2 lít nước sôi, để nguội dần, đựng vào chậu to rồi ngồi ngâm mông vào nước bồ kết, dom sẽ tự co lên. Sau khi dom đã co thì nấu nước bồ kết rửa eo lưng, bụng trên, bụng dưới để khí bồ kết thông hành thì không bị trở lại nữa.

– Trị lỵ amip mạn tính : bột quả bồ kết và phrfn phi lượng bằng nhau, ngày 2g chia uống 2 lần. Hoặc hạt bồ kết sao vàng tán bột luyện viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10-12 viên vào sáng sớm.

– Vùng dương vật đau 1 bên: dùng bồ kết sao qua nghiền nhỏ hòa nước đắp vùng đau.

– Bí đại tiện, trướng bụng, bí tiểu tiện : Bồ kết đốt tồn tính tán bột trộn với dầu lạc hoặc dầu vừng, tẩm bông đút vào hậu môn, mỗi lần 0,2 gam, làm vài ba lần sẽ trung tiện và thông đại tiểu tiện.

– Trẻ con đầu chốc lở, đầu hói không mọc tóc : Dùng bồ kết sao đen nghiền nhỏ, bỏ vảy trên đầu, đắp bồ kết vào, không quá 3 lần là khỏi.

– Trị đi lỵ không ngừng, dùng mọi thuôc đều không khỏi: dùng hạt bồ kết sấy khô nghiền nhỏ giã nhuyễn với nước cơm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 40-50 viên với nước ấm.

-Trị trường phong ra máu : dùng hạt bồ kết, hạt hòe đều 40 gam, lấy cám gạo sao cho thơm, bỏ cám, thuốc nghiền nhỏ. Mỗi lần uống 4g với nước cơm.

– Trị trẻ chảy dãi, tỳ nóng có đờm : nhân bồ kết 20g, bán hạ tẩm nước gừng sao khô (làm 7 lần ) 4g, cùng nghiền nhỏ, hòa nước gừng giã nhuyễn viên bằng hat tiêu. Ngày uống 1 lần 1 viên với nước ấm.

– Trị sâu răng gây đau: bột nhân bồ kết cho vào miếng vải mỏng mềm, gói lại bằng ngón tay cho vào dấm đun nóng, ngậm ngày 3-5 lần.

– Trị mặt sạm đen nổi mụn : dùng hạt bồ kết và hạnh nhân, lượng bằng nhau, nghiền đều. Tối đi ngủ hòa nước bôi mặt, mụn.

– Trẻ con bị trùng thiệt (lưỡi sưng to như mọc 2 lưỡi ) : Gai bồ kết đốt thành tro hòa với tí băng phiến đặt dưới lưỡi rồi ngậm miệng lại. Nước bọt ra nhiều thì nhổ bỏ đi. Ngày ngậm thay 3 lần.

– Trị đái dắt, không đi tiểu được : gai bồ kết sao tồn tính, phá cố chỉ, 2 thứ lượng bằng nhau, nghiền nhỏ uống với rượu.

Trị tràng phong ra máu : Dùng tro gai bồ kết 80 gam, hoa hòe sao 40g, hồ đào nhân sao 40g, phá cố chỉ sao 40g, nghiền nhỏ. Mỗi lần uống 4g với nước cơm.

– Trị áp-xe vú: gai bồ kết sao tồn tính 40g, bột vỏ con trai 4g hòa đều. Mỗi lần uống 4g với rượu ấm.

Lương y Nguyễn Văn Đồng

Theo suckhoedoisong.vn

Bơ, loại trái cây bổ nhất thế giới

không chỉ là món ăn khoái khẩu của nhiều người, mà nó còn có tác dụng như một loại thuốc bổ. Sách kỷ lục Guiness đã chọn bơ là trái cây nhiều dinh dưỡng nhất. Những công dụng đặc biệt của bơ là tốt cho hệ tiêu hóa, phòng bệnh, làm cân bằng hệ thần kinh và cải thiện chức năng sinh lý.

Quả bơ xuất phát từ miền nhiệt đới châu Mỹ. Tại nước ta, bơ xuất hiện từ đầu thế kỉ 20, nay được trồng phổ biến ở các tỉnh tây nguyên như Lâm Đồng, Đăk Lăk. Bơ rất bổ dưỡng, theo phân tích, trong 1 lạng bơ chín có 2,08g protid, 60g nước, 7,4g glucid, 20g lipid, 1,26g tro, các chất khoáng: Canxi 12mg, Phốt pho 26mg, Sắt 0,6 mg, sinh tố C 20mg, B1 0,05mg, A 205mg, aminacid: cystin, tryptophan, và nhiều chất kháng khuẩn hữu ích. Với lượng chất bổ như thế, sách kỷ lục Guiness đã chọn bơ là trái cây nhiều dinh dưỡng nhất.

Quả bơ ngon miệng, bổ, lại dễ tiêu hóa. Có thể ăn bơ chín không, ăn với đường, sữa, chanh hoặc xay sinh tố, đánh thành kem, đều tốt. Bơ có tác dụng làm cân bằng hệ thần kinh, kích thích tình dục, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trong bơ có ít đường nên người bị tiểu đường có thể ăn tốt. Bơ còn làm tăng độ acid của nước tiểu, hạ cholesterol trong máu. Người bị ốm, lao lực, mệt mỏi do lao động trí óc, đều có thể hồi phục nhờ ăn bơ. Bơ còn có tác dụng giải độc do ngộ độc thức ăn.

Vỏ bơ là phương thuốc dân gian trị giun sán.

Lá, vỏ, cành non của bơ có thể làm thuốc giảm họ, trị tiêu chảy, lị, ngộ độc do ăn uống: Dùng 20 – 40g lá hoặc vỏ cành non bơ, sắc với 750ml ra 300ml nước thuốc, chia làm 3 uống trước mỗi bữa ăn trong ngày. Lưu ý: Phụ nữ mang thai không nên dùng bài thuốc này vì có thể gây sảy thai, kích thích kinh nguyệt.

Dầu từ hạt bơ có tác dụng làm mềm, mịn da. Nếu xoa lên đầu có thể kích thích mọc tóc.

Dùng bơ để ổn định thần kinh: 200g bơ, 50g hoa lài, 30g mật ong. Bơ hấp chín rồi sấy khô, hoa nhài đem phơi khô, tán cả hai thứ này thành bột mịn, trộn với mật ong rồi vo thành từng viên bằng đầu ngón tay. Ngày uống 10 viên, chia làm 2 lần, uống với nước.

Chữa đau bao tử: 3 lạng bơ, 150g nghệ vàng, 50 ml mật ong. Bơ đem hấp chín rồi sấy khô, nghệ vàng phơi khô, hai thứ tán nhuyễn rồi dùng mật ong vo thành viên to bằng hột bắp, phơi khô rồi cho vào lọ dùng dần. Ngày uống 10 viên với nước nguội, chia làm 2 lần như trên.

Trị tiểu đường: hái lá bơ tươi trên cây xuống, cho vào nước nấu sôi, cạn 1 nửa nước thì chiết vô chai, bỏ tủ lạnh ngăn mát. Uống hàng ngày giúp điều trị tiểu đường.

Mỹ Lạo tổng hợp

VÌ SAO AI CŨNG NÊN UỐNG MẬT ONG CHANH VÀO SÁNG SỚM?

Mật ong pha với nước chanh ấm luôn được coi là một loại thức uống tốt cho sức khỏe để bắt đầu một ngày mới. Sau đây là một số lý do:

Giải độc, lợi tiểu

Mật ong chanh còn là một bài thuốc lợi tiểu hữu hiệu. Một ly mật ong chanh vào buổi sáng sẽ làm sạch sẽ hệ thống đường tiết niệu của bạn, giúp nó khỏe mạnh hơn.

Khử hôi miệng

Hỗn hợp nước ấm, mật ong và chanh giúp tiêu diệt những vi khuẩn có hại đã sinh sôi trong răng miệng bạn sau một giấc ngủ, giúp bảo vệ răng miệng và khử mùi hôi. Bạn thậm chí còn có thể uống một ly nước mật ong chanh thay vì đánh răng buổi sáng.

Làm đẹp da

Mật ong chanh giúp da mặt bạn bớt tiết chất nhờn, điều này là hữu ích trong việc ngăn chặn mụn trứng cá. Uống hoặc bôi mật ong chanh vào mỗi sáng sẽ giúp cải thiện dung nhan của bạn rõ ràng.

Bảo vệ hệ miễn dịch

Cả chanh mật ong đều có tính kháng khuẩn cao, và còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đây là thức uống rất có ích khi trời trở lạnh, hoặc là mùa cúm bắt đầu.

Giảm béo:

Một ly nước ấm pha mật ong chanh trước khi ăn sáng 30 phút, là bí quyết giảm cân an toàn hiệu quả được nhiều người khuyên áp dụng.

Cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Hỗn hợp chanh mật ong với lượng khoáng chất, sinh tố bên trong sẽ giúp khử độc khỏi dạ dày. Uống nước mật ong chanh vào mỗi sáng, dạ dày bạn sẽ đỡ bị hành hạ bởi lượng thức ăn chưa tiêu hóa hết từ đêm hôm trước.

Nên nhớ mật ong chanh tốt nhất khi pha với lượng mật ong, chanh vừa phải và pha trong nước ấm. Chúc các bạn khỏe mạnh và thêm xinh đẹp với bài thuốc đơn giản này!

Xem CÁCH LÀM CHANH MẬT ONG

Bạnh Bư tổng hợp.