NHỮNG MÓN ĐẶC SẢN NÊN THỬ KHI ĐẾN SÓC TRĂNG

Ẩm thực Sóc Trăng mang những nét giao thoa tuyệt vời nền văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer tạo nên những nét đặc sắc không nơi nào khác có được.

Về Sóc Trăng, không chỉ được tham gia các lễ hội độc đáo như Ooc-om-Bok, đua ghe ngo, thăm các chùa chiền có lối kiến trúc đặc biệt, đi chợ nổi, thăm vườn cò… mà còn được thử các món ăn mang đậm dấu ấn của ba nền văn hóa Kinh – Hoa – Khmer.

Những đặc sản Sóc Trăng pha trộn tinh túy của thiên nhiên cùng cách chế biến và sử dụng nguyên liệu khác biệt sẽ khiến cho khách tới đây trải nghiệm hương vị có một không hai.

Bún nước lèo

Nghe cái tên bún nước lèo hẳn nhiều người không muốn thử ăn. Ấy là vì chỉ bún với nước lèo có gì mà ham. Tuy nhiên, nếu ông thử chắc chắn sẽ tiếc húi hụi khi nhìn hình ảnh của loại bún đặc biệt này.

Nước lèo hay nước dùng của bún này được nấu theo phương pháp riêng nên trong vắt, không hề có chút cặn nào. Nước lèo thơm vị cá lóc đồng, sả và nhiều loại gia vị khác.

Bún trước khi cho vào tô, được trụng qua nước sôi, thêm tôm, thịt cá phi lê, thịt heo quay… rồi chan ngập nước lèo. Bún này phục vụ cùng đĩa rau sống đủ loại: bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống…

Bún nước lèo không chỉ có nước lèo mà còn rất nhiều thành phần ngon lành khác như tôm, cá, thịt heo quay… (Ảnh: Internet)

Để tròn vị hơn, bạn có thể vắt thêm chanh, cho ớt tươi vào tô bún và trộn đều. Cái hương thơm dịu của cá cùng với mặn mòi nước mắm làm tôn lên cảm giác nơi đầu lưỡi: ngọt tôm cá, giòn béo thịt quay và dịu dịu của nước lèo rất khác với bún bò Huế hay phở. Bún nước lèo trong veo là đặc trưng của riêng miệt vườn, của riêng Sóc Trăng.

Bún gỏi dà

Với xuất phát điểm là gỏi cuốn, bún gỏi dà được biến tấu dần dần và trở thành món khoái khẩu của người dân bản xứ. Bún gỏi dà gồm các nguyên liệu chính như các thành phần trong món gỏi cuốn: bún tươi, rau sống, giá đỗ, thịt ba rọi, tôm, đậu phộng, tương xay và thêm một số phụ liệu khác như sườn non, nước dùng.

Bún gỏi dà có nguồn gốc từ món gỏi cuốn, được biến tấu một chút trở thành đặc sản Sóc Trăng. (Ảnh: Internet)

Nước dùng cùa bún gỏi dà được ninh từ xương heo, chế thêm nước me chua nhẹ và tương hạt thơm. Nhìn tô bún với những con tôm đỏ au, thịt ba rọi ngon, giá đỗ, sườn non, chút rau xanh, đậu phộng rang và tương phía trên, cùng nước dùng xâm xấp, khó có ai làm ngơ được.

Bún gỏi dà – đặc sản Sóc Trăng – khi ăn phải cho thêm tương ớt, vắt miếng chanh vào mới đúng chuẩn. Từng miếng bún dai mềm hòa chung nước dùng ngọt thanh và các thành phần khác tạo nên món ăn ngon và hấp dẫn với cả những người khó tính nhất.

Bánh ống

Món ăn vặt này rất quen thuộc với người Khmer. Không chỉ là thứ quà khiến trẻ con mê mẩn, đó còn là bữa sáng và bữa nhẹ buổi chiều của người lớn. Bánh ống làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa. Bánh được hấp cách thủy trong ống tre hoặc ống nhôm nên gọi là bánh ống.

Bánh ống tròn tròn, dài dài, thơm nức mùi lá dứa, dừa nạo và muối vừng (Ảnh: Internet)

Hiếm có thứ bánh nào mà nhanh chín như bánh ống, chỉ khoảng 2 phút là xong mẻ bánh. Bánh có màu xanh mát của lá dứa, nhìn rất ngon mắt, lại được rắc lên trên dừa nạo và muối vừng càng hấp dẫn.

Bánh ống ăn ngay lúc còn nóng là ngon nhất. Bột gạo mịn, dẻo với mùi thơm dịu của lá dứa và beo béo dừa nạo, bùi bùi muối vừng cộng hưởng với nhau tạo thành bản nhạc mùi vị khó quên.

Đối với người Sóc Trăng dù đi đâu về đâu cũng luôn nhớ món ăn ngon lành, đơn giản này như một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ.

Bánh pía

Mang âm hưởng ẩm thực của người Triều Châu, bánh pía kết hợp với những nguyên liệu quen thuộc từ thiên nhiên miền Tây, tạo ra hương vị riêng và dần nổi tiếng, trở thành thương hiệu của Sóc Trăng.

Bánh pía mang âm hưởng ẩm thực của người Triều Châu kết hợp nguyên liệu quen thuộc từ thiên nhiên miền Tây. (Ảnh: Internet)

Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Lâu dần người ta coi đó là một cái tên cho loại bánh hình tròn, dẹt này. Bánh có vỏ làm từ bột mì và đường kính. Nhân thì đa dạng: sầu riêng, khoai môn, đậu xanh, với lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…

Bánh sau khi được nặn thành hình thì được đem nướng cho chín. Bánh pía hấp dẫn với màu vàng ươm, mùi sầu riêng ngây ngất. Tuy nhiên, nếu không chịu được mùi sầu riêng thì bánh pía không phải là món khoái khẩu. Ngược lại, lỡ mê hương vị loại quả đặc biệt này sẽ nhớ mãi bánh pía ngọt thơm, ít béo này. Đã đi qua Sóc Trăng, ai cũng mua về vài bịch bánh pía để làm quà là vì thế.

Cháo cá lóc rau đắng

Cái tên đã nói lên tất cả. Từ gạo, cá lóc và rau đắng, người dân nơi đây chế biến thành món ăn đặc trưng vùng miền mình.

Nồi cháo được ninh thật kĩ. Chọn con cá lóc đồng thật to, luộc chín, lột da tách thịt cá ra riêng đĩa. Hái thêm rổ rau đắng thật mỡ màng nữa là đủ vị.

Món cháo cá lóc rau đắng không hợp với tất cả mọi người mà chỉ dành cho người thích ngọt sau đắng. (Ảnh: Internet)

Cháo vừa bắc trên bếp xuống múc ra tô, cho vào chút thịt cá lóc, gắp đũa rau đắng trộn chung, để đậm vị hơn thì cho thêm chanh, chút mắm rồi cứ thế múc ăn là ngon thấu trời.

Tuy nhiên, vị đắng của thứ rau miền Tây không thích hợp với nhiều người. Đa số, người thử lần đầu không thích món này vì cảm giác vị đắng lấn át hết các vị khác. Nhưng đối với người thích thì sau vị đắng đó là sự thăng hoa của rất nhiều yếu tố trong bát cháo.

Cái vị cá đồng thơm ngọt kết hợp với rau giòn giòn đắng đắng và vị nước mắm đậm đà, chua thanh của chanh cùng với cái nóng đang lan tỏa trong miệng của cháo dù đơn giản nhưng lại quyến rũ vô cùng.

Bún tiêu giò

Lại một lần nữa, món ăn mang hết nguyên liệu vào trong cái tên của mình. Món bún tiêu giò có các thành phần chính là bún, tiêu và giò heo. Nước lèo của bún tiêu ngoài vị ngọt của xương, của thịt thì đậm vị tiêu, cay nồng và nóng.

Bún tiêu giò nhìn có vẻ ngán, ăn lại cay nồng nhưng rất đáng để thử bởi khó nơi nào nấu ra thứ nước lèo sặc tiêu như thế này (Ảnh: Internet)

Thịt bắp bò được sơ chế rồi hầm chín sau đó thái thành lát mỏng vừa ăn. Đôi khi, nhiều người nấu còn cho thêm thịt vịt để tránh đơn điệu cho món bún.

Khi ăn, cho bún vào tô, thêm giá trụng, húng, kinh giới, hành tím, thịt bắp giò… vào rồi chan nước lèo lên là xong. Và như thói quen ăn uống của người miền Tây, người ăn có thể cho vào thêm chút ớt, chút chanh.

Chỉ thế thôi là người Sóc Trăng đã xong bữa sáng ấm bụng hay bữa chiều no dạ. Món bún tiêu giò ngon nhất khi thưởng thức những ngày trời mưa ngập trời xứ này. Khi ấy, cái nồng của tiêu không còn khó chịu mà khiến ta ấm áp hơn nhiều lắm.

Bánh cóng

Lại một món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng. Bánh cóng – đặc sản Sóc Trăng – hay còn có tên gọi khác là bánh cống, bánh sầy hoặc sài cá nại theo tiếng Khmer. Bánh cóng ngày nay phổ biến ra rất nhiều tỉnh khác thuộc miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Cần Thơ.

Bánh cóng là một trong những món ăn tiêu biểu nhất, đáng thử nhất Sóc Trăng nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung (Ảnh: Internet)

Bánh có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Bánh cóng nhìn cực kì đẹp mắt và hấp dẫn.

Từng chiếc vàng ruộm, lại nổi lên hình tôm đỏ. Ăn cùng với các loại rau thơm, rau sống như húng lủi, quế, xà lách, cải xanh… chấm nước mắm chua ngọt với gừng thái nhỏ, cải đỏ, cải trắng… khiến người ăn khó mà ngán được.

Hương vị đặc trưng đầy nét cuốn hút của bánh cóng làm bất cứ ai cũng phải mê mẩn: béo mỡ, bùi đậu xanh, đậu nành, ngọt tôm, thơm thịt, đậm đà gia vị lại còn man mát cay cay hăng hăng các loại rau.

Thật không thiên vị chút nào khi nói bánh cóng là một trong những loại bánh ngon nhất đất Việt.

(Theo Eva)

Những món đặc sản phải thử khi đến Đồng Tháp

Tháp Mười đẹp và hồn hậu với những món đặc sản dân dã đã thành thương hiệu riêng.

Đồng Tháp Mười đẹp xinh đón chào khách phương xa bằng những cánh rừng tràm bạt ngàn, những hồ sen mênh mông, những vườn cò thanh bình, sân chim vời vợi đầy hoang sơ của miệt vườn đặc sắc.

Không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, tìm hiểu lịch sử qua một loạt các di tích như thế, đến đây, chúng ta còn có cơ hội được thử những món ngon đặc sắc đầy hương vị đồng quê.

Bánh phồng tôm Sa Giang

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”. Chính từ tôm cá thiên nhiên ban tặng, người dân Sa Giang, Đồng Tháp đã chế biến ra loại phồng tôm ngon bậc nhất.

Cũng là bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ, cộng thêm vài thành phần nguyên liệu khác, nhưng phồng tôm Sa Giang – món ngon Đồng Tháp này vẫn cứ nổi bật và khiến người ta chú ý nếu đã thử qua một lần.

Nó không bị cứng, dai mà trở nên giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, béo ngậy và cay cay rất tuyệt vời. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon, ăn chơi cùng các món gỏi càng đậm vị.

Phồng tôm Sa Giang kết hợp với món khác cũng ngon, mà ăn chơi mình nó cũng tuyệt! (Ảnh: Internet)

Chẳng thế mà nó đã được quảng bá rộng rãi, có mặt khắp nơi và ngày nay còn trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu rất được ưa chuộng.

Chơi Đồng Tháp, không mấy ai không mang theo về làm quà cho người thân, bạn bè món bánh dễ chế biến, ngon lành và dễ ăn này.

Nem Lai Vung

Không phải là vùng duy nhất làm nem ở Đồng Tháp, nhưng Lai Vung tự tạo cho nó thành thương hiệu bởi duy trì được nghề nem truyền thống với những “bí kíp” riêng. Làng nghề này đã có trên 60 năm nay và ngày càng nổi tiếng.

Nem Lai Vung “chua mà ngọt, thơm nồng mà say” (Ảnh: Internet)

Nem Lai Vung – món ngon Đồng Tháp làm từ thịt và bì heo như nhiều nơi khác. Cũng có các gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc trong những lớp lá chuối xanh mướt, nhưng nem ở đây lại thơm ngon đặc biệt. Đến nỗi có câu ca dao cứ truyền đi như một niềm tự hào: “Lai Vung là xứ lạ lùng/ Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.

Mỗi miếng nem là chắt chiu của bao nhiêu công sức người làm, qua các công đoạn phức tạp, nghiêm ngặt với tỉ lệ thịt, bì, gia vị riêng, đảm bảo cân đối, hài hòa. Vì thế, xưa kia, nem chỉ được làm khi nhà có tiệc, giỗ, lễ tết, cúng kiếng mà thôi.

Theo thời gian, nem Lai Vung theo chân người ra khỏi Đồng Tháp, đến với nhiều vùng đất và trở thành đặc sản mà ai khi đến đây cũng phải tìm mua để nếm, để làm quà, để lưu luyến vị chua chua, ngọt ngọt, cay nồng đặc trưng của nó.

Chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh

Nghe nói đến chuột, hẳn nhiều người, đặc biệt là các chị em le lưỡi lắc đầu. Nhưng  vđến Cao Lãnh mà chưa ăn món này thì đúng phí cả chuyến đi. Bạn cứ nghĩ thịt chuột đồng, chuột cống nhum ở đây cũng như thịt ếch, thịt gà ở các nơi khác thôi, bởi nó cực kỳ nổi tiếng và phổ biến.

Chuột có nhiều cách chế biến khác nhau : chuột xào lăn, xé phay, chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng tựu chung là ngon khỏi nói. Người ta vẫn quen với câu: “Cần chi cá lóc cá trê, thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều” là vì thế.

Chuột đồng khiến các ông hay nhậu thòm thèm, còn các chị em dè dặt gật đầu khen ngon (Ảnh: Internet)

Người ta hay nướng chuột tươi trên than hồng bằng cách ướp tỏi và rượu đơn giản. Sau đó, cứ thế cho lên bếp đều lửa, nướng đến khi chín vàng là được. Chuột nướng xong cho vào đĩa có lót sẵn rau răm, rau thơm, dọn ra chấm với nước mắm dằm xoài hoặc muối tiêu chanh.

Cầu kỳ hơn một chút là chuột quay lu. Chuột làm sạch, ướp với một hỗn hợp gồm hơn chục loại gia vị khác nhau rồi cho vào lu quay đến gần chín thì quết thêm mật ong phía ngoài. Khi chuột vàng dậy, phồng lên là được.

Thịt chuột nướng lu ngon ngọt, cực kỳ thơm. Món này hợp nhất với rau càng cua trộn giấm và cà chua, chấm nước mắm dằm xoài sống, nhâm nhi với rượu thuốc hoặc mật ong.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non

Cá lóc phương Nam có mặt ở khắp các ao, đầm, lạch… nhỏ nhỏ nhưng thịt chắc, thơm là nguyên liệu tuyệt vời sáng tạo ra nhiều món ngon của người dân bản địa. Món ăn chất chứa tinh hoa của miệt sông nước, đậm chất Đồng Tháp là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non là món ăn quy tụ đủ vị của đất trời miệt vườn Nam Bộ (Ảnh: Internet)

Cá lóc tươi vừa bắt lên được làm sạch qua rồi cứ thế nướng sao cho cá chín đều, không bị khét cháy. Cá nóng hổi, cho ra khỏi bếp rồi xẻ làm đôi, rắc lên ít hạt đậu phộng rang, rưới  thêm chút mỡ hành. Cá ăn cùng lá sen non còn ngậm sương, cuốn chặt lại, tươi roi rói và nước mắm me.

Khi ăn, dùng lá sen để cuốn rau thơm, dưa leo, khế chua, giá đỗ, bún tươi cùng với cá lóc chấm cùng mắm me.

Giữa cảnh trời sông nước, cò bay, gió hát mà được thưởng thức vị ngọt ngon của thịt cá hòa cũng bùi bùi đậu phộng, beo béo mỡ hành, mướt mát rau thơm, và chua chua mặn mặn mắm me, cùng với mùi thơm mát lá sen quả như thời gian ngừng trôi. Chỉ một món ăn thôi, nhưng cứ như đang cảm nhận hết cả đất trời miệt vườn Nam Bộ vậy.

Hủ tiếu Sa Đéc

Ngoài làng hoa Sa Đéc – món ngon Đồng Tháp nổi tiếng, nơi đây còn có món hủ tiếu được lòng bao khách đến, đi. Hủ tiếu Sa Đéc có nước dùng ngọt thơm xương heo, bánh hủ tiến dai, trắng tươi, mềm mịn.

Rất nhiều thành phần tạo nên tô Hủ tiếu Sa Đéc ngon, lạ và “đáng của” (Ảnh: Internet)

Không chỉ có thịt heo, đầu bếp còn cho vào tô hủ tiếu thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan, phèo… được làm kỹ, nóng hổi, ngon lành. Phía trên cùng là hành lá xắt nhuyễn với mấy cọng ngò xanh non. Đặc biệt, tô nào cũng có “tăng xại” – cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò cháo quẩy, rau sống gồm giá, hẹ, cần tây và xà lách. Ngoài ra, còn có xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, khách trộn tất những thành phần ấy lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ thấy hủ tiếu Sa Đéc quả thật đáng đồng tiền bát gạo.

Khô cá lóc

Khác với món cá lóc nướng trui, cá lóc làm khô phải là những con to. Sau khi làm sạch, cá lóc được xẻ thịt, bỏ đầu, bỏ xương, ướp các loại gia vị: muối, ớt, bột ngọt… rồi đem phơi. Kỹ thuật phơi như thế nào thì người làm giữ riêng cho mình bí quyết.

Do vậy, khô cá lóc rất nhiều nơi có nhưng không phải chỗ nào cũng ngon được như ở Đồng Tháp.

Khô cá lóc dù chiên, nướng hay làm gỏi cũng đều ngon và nhiều hương vị (Ảnh: Internet)

Khô cá thường dùng để ăn dần. Dù để lâu nhưng hương vị thơm ngon thì không đổi. Người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nào chiên, nào nướng, thậm chí còn làm nên các loại gỏi như gỏi xoài, gỏi lá sầu đau… Cá lóc khô ăn cùng nước mắm me dằm ớt hay mắm xoài rất đưa cơm.

Món ăn dung dị thế thôi nhưng khiến người đi xa nhớ mãi, người mới ăn sẽ thèm khi nghĩ đến.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn rất nhiều đặc sản khác chờ du khách đến và tự khám phá, đó là rượu sen, quýt hồng Lai Vung, quýt đường Hòa An, xoài Cao Lãnh, bánh xèo…

Tạ Ban (EVA.vn)

NHỮNG MÓN ĂN SẼ KHIẾN BẠN KHÔNG MUỐN RỜI KHỎI MỸ THO

Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Sài Gòn 70km, là vùng đất có bề dày văn hóa của miền Nam bộ. Nơi đây có những cảnh quan hữu tình, di tích lịch sử, văn hóa nổi bật, cũng như những món ăn độc nhất luôn hấp dẫn khách thập phương.

 

Hủ tiếu Mỹ Tho

Nguyên liệu đầy đủ của một bát gồm thịt lát, thịt băm, xương, gan heo và tôm. Các thành phần phụ là giá sống, hành phi, chanh, ớt và nước tương.

Ảnh: Huấn Phan

Cách ăn truyền thống là chan nước dùng nhưng bạn cũng có thể thử ăn khô. Lúc này, sợi bánh được trộn nước tương, giấm, đường sau đó bỏ thêm hành, tiêu, trứng. Làm như vậy, hương vị thường đậm đà và ngọt hơn hẳn. Một số nơi còn bổ sung thêm tôm thẻ, lòng heo, thịt bò viên.

Hủ tíu sa tế

Hủ tíu sa tế, nghe nói rằng do người Hoa tại Mỹ Tho sáng chế ra, dùng thịt nai (nuôi) hoặc thịt bò với hủ tíu mềm hay dai. Và được người Việt của các vùng miền khắp cả nước chế biến lại với hương vị và khẩu vị đặc trưng riêng theo mỗi vùng miền.



Với hủ tíu sa tế Mỹ Tho, khi mới ăn bạn có cảm giác như vừa nếm món bò kho. Nhưng với rau ăn kèm là vị chua nhẹ của khế, mùi thơm của rau quế, vị chát nhẹ của chuối non, mùi thơm và bùi bùi của đậu phộng cùng với giá, ngò gai và dưa leo, đi kèm thêm miếng thịt bò mềm ngọt, nạm gân dòn dai khi chan với ớt sa tế và tương ngọt thì có cảm giác khác hẳn.Nhưng xem ra, hủ tíu sa tế Mỹ Tho vẫn là một hương vị mới của Mỹ Tho, với nước dùng đỏ màu sa tế mà không cay. Còn muốn ăn cay đã có những hủ ớt sa tế để riêng trên bàn.

Bún gỏi già Mỹ Tho



Nước bún gỏi già chua ngọt thường được ăn kèm với rau muống, rau chuối bào và rau hẹ, thêm vào nước chấm phải là nước cốt mắm cá linh nguyên chất, để tạo ra hương vị thơm ngon đậm mà không cần phải nêm nếm gì thêm.Món bún này cũng tương tự món bún mắm vì có chung nguyên liệu là mắm cá. Bún gỏi già ngon phải nấu chung với me để cho ra nước lèo chua chua ngọt ngọt đặc trưng, ăn chung với tép bạc, tép lột hay tôm sú lột là ngon nhất.

Bánh giá

Bánh giá Mỹ Tho mà người sành ăn hay khen là bánh giá chợ Giồng, Gò Công Tây. Theo lời người dân địa phương, nghề làm bánh giá xuất hiện cùng với quá trình khai hoang lập ấp của người Việt vùng đất này vào thế kỷ XVII.



Để bánh được ngon, giòn, xốp, người làm thường trộn chung bột gạo với bột đậu nành theo tỉ lệ 1:1 và óc heo, rồi đem ủ khoảng 2 – 3 giờ, sau đó mới đem chiên.Nguyên liệu để làm bánh giá – không chỉ có giá (mầm đậu), mà bao gồm thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm rơm, nấm mèo, cải bắc thảo, bột gạo, bột đậu nành, óc heo, dầu thực vật (thay cho mỡ heo).

Khi chiên bánh, người chế biến cho dầu thực vật hoặc mỡ vào chảo, chờ sôi. Kế tiếp, cho các nguyên liệu đã chế biến sẵn vào vá; nhúng vá ấy vào chảo (tôm vào sau cùng), đến khi chiếc bánh có màu vàng sậm là vừa chín tới, để ráo dầu mang ra ăn nóng kèm với rau thơm, mắm tỏi ớt và bún. Tên cũng từ đây: Vá – bánh múc bằng vá, nói trại ra đã thành bánh giá.

Bánh giá Chợ Giồng hiện không chỉ là món ăn bình dân mà còn hiện diện trang trọng trong các bữa tiệc, thể hiện sự khéo léo của phụ nữ vùng Gò Công. Bánh ngon là phải mang vị béo của bột gạo hòa lẫn với vị ngọt của tôm, giá sống, ăn cùng với nước mắm tỏi ớt.

Từ chợ Giồng, bánh giá đã lan ra khắp tỉnh Tiền Giang. Theo vùng miền, khẩu vị, nguyên liệu làm bánh giá ngoài bột gạo, bột năng, óc heo, giá sống thì cầu kỳ hơn sẽ thêm gan heo; còn hỗn hợp bột thì muốn bánh giòn sẽ cho nhiều bột năng, muốn bánh dẻo thì cho nhiều bột gạo.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của người ăn chay, hiện đã có bánh giá chay với giá, đậu hủ xắt mỏng, nấm rơm, nấm mèo… và khi ăn thì thay thế nước mắm bằng nước tương tỏi ớt.

Bánh bèo Mỹ Tho



Mặc dù chỉ là gánh bánh bèo nho nhỏ và thực khách phải ngồi trên những ghế xếp thấp chũn xoay quanh cô chủ duyên dáng hiền lành, nhưng lúc nào gánh bánh bèo cũng đắt khách và đã làm nhiều người rất nhớ khi xa Mỹ Tho.Cũng như món hủ tíu, bánh bèo Mỹ Tho ngon ở phần gạo. Bánh bèo làm bằng bột gạo ngon được xếp đều trong đĩa, trét lên một lớp nhân đậu xanh đánh nhuyễn thật bùi, rắc thêm một lớp tôm khô chấy đậm đà vị ngọt, chan mấy muỗng nước cốt dừa béo ngậy và thêm một muỗng nước mắm ớt pha chanh đường chua chua ngọt ngọt mằn mặn cay cay.

Món còng

Đây cũng là một món ngon giản dị của xứ rẫy Gò Công. Phụ nữ xứ Gò miệt rẫy rất nhiều người biết làm món mắm còng. Làm để ăn và bán, như một sản vật dân dã địa phương. Mắm còng được làm vào mùa còng lột, người dân đi chọn bắt những con vừa lớn vừa có màu sắc đỏ tươi để làm mắm. Cách làm thì theo bí quyết riêng của từng nhà, từng gia đình.



Đặc sản Mỹ Tho – Tiền Giang nói rộng thêm còn có ốc gạo Cái Bè, ốc hương Cồn Cống, nghêu Gò Công, sò đũa bếp… Ngoài ra, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, biển Tân Thành (Gò Công Đông) còn xuất hiện một loại hải sản rất quý hiếm là con móng tay.Ngoài làm mắm còng, con còng miệt rẫy còn được chế biến đa dạng khác như: rang, nấu canh, nhưng ngon nhất là món còng lột chiên chấm nước xốt cà chua ngọt. Mắm còng Gò Công hiện nay được ưa chuộng không thua gì món mắm tôm chà – cũng là đặc sản xứ Gò Công.

Theo những người lớn tuổi thì ngày trước, ở vành đai ruộng rừng xã Gia Thuận, Tân Phước (Gò Công Đông) cũng là nơi trú ngụ, sinh sôi của ba khía. Nhưng đặc sản nổi tiếng ở vùng rừng ngập mặn này bây giờ ngày càng hiếm.

BẢO NGA (baoapbac.vn)

7 MÓN ĐẶC SẢN GẮN LIỀN VỚI MẢNH ĐẤT VĨNH LONG

Vĩnh Long là nơi sinh ra những món trái cây nổi tiếng khắp cả nước, ngoài ra, với những sản vật do con người nuôi dưỡng và thiên nhiên ban tặng, đất Vĩnh Long đã có được những món đặc sản làm say đắm lòng người.

Sau đây là 7 món ăn du khách không nên bỏ qua nếu đến với đất Vĩnh Long.

Ve sầu

Ve sầu chiên giòn lạ miệng. Ảnh: VnExpress.

Đến những vườn du lịch sinh thái ở Vĩnh Long mùa này, du khách đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món ve sầu rồi giăng võng nằm giữa vườn cây mát rượi, nghe ve sầu hát nỉ non trầm bổng. Đây cũng chính là “chiêu” độc của nhiều nhà vườn Vĩnh Long trong việc thu hút khách đến từ thành phố.

Theo Đông y, dùng xác ve sầu chữa sốt, kinh giật, kinh phong ở trẻ em, chân tay co quắp, ho cảm mất tiếng, viêm tai giữa… Gần đây, ve sầu được chế biến thành nhiều món ăn ngon, rất được ưa chuộng ở Vĩnh Long.

Ve sầu nhặt đến đâu được quăng ngay vào chậu nước muối hoặc nước mắm pha loãng để chúng không mọc cánh thoát xác được, bà con nông dân nói vui là cho “ve sầu tắm biển”. Rồi được đem chế biến nhiều kiểu thứ như chiên bột, xào hành, nấu cháo và ngon nhất là chiên giòn. Thịt ve sầu non thơm hơn dế, cào cào; ít ngậy hơn con đuông. Ve sầu chiên giòn vừa mềm, có vị bùi, thơm lựng vừa giòn tan trong miệng.

Bưởi năm roi

Thả hồn dưới vòm lá xum xuê, mát rượi, tự tay chọn những trái ngon từ trên cây và tận hưởng ngay tại miệt vườn là đặc quyền của khách thăm nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long. Bưởi năm roi Vĩnh Long cũng như vậy.

Không cần quảng cáo nhiều, cái tên bưởi năm roi đã là sự đảm bảo quá tuyệt cho chất lượng dinh dưỡng của trái cây. Bưởi này đều quả, đều múi và hiếm khi bị khô.

Bưởi năm roi không ngọt hoàn toàn nhưng cũng không chua quá mà là sự kết hợp vừa phải giữa hai vị ấy làm người ăn vặt thích thú. Tách từng múi bưởi, chấm vào chén muối tôm Tây Ninh hay muối ớt cay đều ngon não nề, dễ dàng chinh phục mọi khách du lịch. Đây cũng là thứ quà tặng tiện dụng cho bạn bè, người thân.

 
Không cần quảng cáo nhiều, cái tên bưởi năm roi đã là sự đảm bảo quá tuyệt cho chất lượng dinh dưỡng của trái cây

Thanh trà

Thanh trà là loại trái cây khác thu hút không kém bưởi năm roi. Cứ nhìn những chùm quả tròn vàng ươm lúc tháng giêng, ba, khó người nào kìm lòng mà không mua vài ký.

Có hai loại thanh trà: chua và ngọt phục vụ khẩu vị từng người. Thanh trà chín chấm muối ớt chinh phục tất cả chị em phụ nữ như rất nhiều loại trái cây chua chua được ưa chuộng xưa nay.

 
Thanh trà chín chấm muối ớt chinh phục tất cả chị em phụ nữ như rất nhiều loại trái cây chua chua được ưa chuộng xưa nay

Trong khi đó, món thanh trà dầm đường đá là nước giải khát hữu hiệu. Đang nóng nảy giữa tiết trời nắng mà có ly thanh trà thì mát thơm tận sâu cõi lòng và khoan khoái ngay lập tức. Thanh trà làm mứt tuy có lích kích nhưng cũng là món ăn chơi khác được yêu thích. Vừa đọc sách, vừa tám chuyện thỉnh thoảng nhón miếng mứt ngọt lịm quyến rũ thì thú biết mấy.

Bên cạnh đó, vị chua của thanh trà khác với me hay cơm mẻ là sự đổi món khi các bà nội trợ thích tăng vị cho món canh chua (cá lóc, cá ngát, tép…) hay kho cá (cá rô, cá bông lau…).

Bánh tráng nem cù lao Lục Sĩ

Những chiếc bánh tráng nem dẻo, dai của cù lao Lục Sĩ Thành, cù lao Mây. Ảnh: Bepnhata.

Ngoài cam xoàn, còn có bánh tráng nem ở cù lao Lục Sĩ Thành, cù lao Mây khách hay mua mang về làm quà. Sản xuất bánh tráng nem trước kia người ta chỉ dùng gạo lúa mùa, hiện nay được thay thế bằng loại gạo chất lượng cao.

Bánh tráng ở đây gồm nhiều loại khác nhau như: bánh tráng nem, bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng. Bánh được làm bằng tay với 100% bột gạo và không sử dụng hóa chất, bánh có hương vị đặc trưng khi ăn mềm dẻo, vị mặn vừa, gói với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm me hay tương xay ăn rất hấp dẫn, làm nên nét độc đáo của ẩm thực đồng bằng.

Khoai lang mắm sống

Bình thường, người ta chỉ ăn khoai lang luộc không nhưng người dân miền Nam lại sáng tạo ra món khoai luộc chấm với mắm sống rất tuyệt vời. Các nguyên liệu làm món dễ kiếm, đơn giản và gần gũi.

Chỉ cần khoai lang hấp hoặc luộc chín để nguội, xắt miếng nhỏ, dừa khô nạo cơm, thêm muối mè, đậu phộng, rau sống, rau thơm rửa sạch. Khoai lang mắm sống khi xưa là món nhà nghèo nhưng giờ lại thành đặc sản của vùng đất này.

 
Bình thường, người ta chỉ ăn khoai lang luộc không nhưng người dân miền Nam lại sáng tạo ra món khoai luộc chấm với mắm sống rất tuyệt vời

Khi ăn, dùng lá cách cuốn từng miếng khoai lang, dừa nạo, rau thơm và chấm cùng mắm. Món dân giã này đặc biệt và ngon khó tả. Hương vị bùi bùi, bở bở, ngọt thơm của khoai, và rau, vị béo dừa quyện với vị mắm mặn mang mùi đặc trưng khiến người ăn ăn hoài vẫn muốn thêm nữa. Ăn khoai lang mắm sống sẽ thấy đâu đó hương của nước, của đồng ruộng và của những tháng ngày lam lũ nhưng an hòa với thiên nhiên của người dân nơi đây.

Cá tai tượng

Cá tai tượng chiên xù nguyên con là món ăn người dân Vĩnh Long nào cũng biết. Cá tai tượng vừa từ chảo dầu vàng ruộm dọn ra cùng bánh tráng, bún tươi, rau sống và chén nước chấm chua ngọt khiến chỉ nhìn thôi cũng có thể chảy nước miếng.

Cá tai tượng thịt dai, thơm, rất lý tưởng cho món cuốn bánh tráng. Bóc tách lấy thịt cá, cho vào lát bánh tráng, xếp thêm rau thơm, bún, rau sống và cuộn thành từng cuộn rồi chấm vào chén nước chấm ngon giữa miệt vườn cây trái là cảm giác tuyệt vời nhất du khách có thể tưởng tượng trong chuyến du hí của mình.

 
Cá tai tượng thịt dai, thơm, rất lý tưởng cho món cuốn bánh tráng

Cái ngon ngọt của thịt loài cá to bẹt thỉnh thoảng còn da giòn kết hợp với rau các loại, bún tươi và nước chấm chanh tỏi ớt thơm đậm thật hoàn hảo. Món ăn này vừa bùi béo, vừa thanh lại khó ngán. Không phải tự nhiên bao nhiêu chuyến du lịch đến đây, thực khách đều được giới thiệu cá tai tượng như món đầu bảng danh sách dễ ăn, ăn ngon và phù hợp với nhiều người.

Cá cháy

Cá cháy sông Hậu là đặc sản của riêng vùng đất nhỏ tại xã Tích Thiện, vùng gặp nhau giữa nước trong và nước lợ. Cá cháy thịt rất ngon và có trứng bổ, béo hiếm thấy. Do vậy, người dân rất chịu khó chế biến cá cháy thành nhiều món dù nhỏ nhín, nhiều xương. Cá cháy mỗi lần ăn đều phải kiên nhẫn chọn lọc xương nhưng người ăn sẽ không phải thất vọng khi thưởng thức.

Cháo cá cháy thơm ngọt lắm. Múc một chén nhỏ, ăn với rau tần ô (cải cúc), rau đắng đất, xà lách, chút lá gừng non xắt nhuyễn thấy lòng thênh thang hơn, bụng dạ ấm áp hơn. Nếu có thời gian thì làm gỏi cá cháy. Tuy vất vả cho người làm nhưng chất lượng thì không chê vào đâu được.

Đơn giản hơn là kho cá cháy. Cứ cho vào niêu, tẩm gia vị rồi để cho đến khi xương cá mềm nhừ là được. Cá cháy kho ăn với cơm nóng thì nồi có lớn bao nhiêu cũng hết. Hoặc cũng có thể nấu canh chua cá cháy với các loại rau như bạc hà, đậu bắp, giá, bông điên điển hay rim cá với lớp mía ở đáy nồi. Món nào cũng hấp dẫn, món nào cũng ngon, món nào cũng đưa cơm vì lạ miệng.

(Theo Eva)

10 MÓN ĂN VẶT PHẢI THỬ Ở SÀI GÒN

 Sài Gòn nổi tiếng là thành phố có nhiều món ăn ngon, phong phú về chủng loại. Tính riêng các món ăn vặt, Sài Gòn đã có một danh sách dài những món độc đáo được nhiều người ưa thích như Bột chiên, bánh tráng trộn, gỏi bò…

Một trong những niềm vui còn sót lại của dân Sài Gòn có lẽ là lúc nào cũng được ăn phủ phê những món ngon lành. Cứ ra đường phố Sài Gòn, bạn sẽ bắt gặp hằng hà sa số hàng quán bán đồ ăn. Món chính ngon, mà món vặt cũng ngon. Nếu là lần đầu tiên bạn đặt chân đến Sài Gòn, bạn nhất định phải thử qua những món trong danh sách dưới đây.

1. Ốc

Lê la mấy tiếng đồng hồ ở Sài Gòn vào đêm mà chưa một lần bước vào quán ốc, gọi cho mình thố nghêu hấp xả, sò điệp nướng phomai, càng ghẹ rang muối ớt, sò lông nướng mỡ hành… thì nghĩa là bạn chưa thật sự hiểu Sài Gòn. Ốc được xem là món ăn không thể thiếu của người Sài Gòn. Có hàng trăm quán ốc mọc lên như nấm ở Sài Gòn và quán nào cũng đông nghẹt khách. Mỗi quán đều có riêng cho mình thực đơn đa dạng. Ốc Sài Gòn tươi roi rói, nêm nếm đậm đà và ăn hoài không ngán.

Càng ghẹ rang muối ớt, sò lông mỡ hành, sò huyết xào me hay chem chép nướng đều là những món không thể bỏ qua khi ngồi vào quán ốc. Ảnh: Đan Thảo

Giá ốc cũng dao động từ 20.000 đồng một đĩa dành cho quán bình dân đến 150.000 đồng một đĩa cho quán có tiếng hơn. Bạn có thể tham khảo một số quán ốc như ốc Xuân Hón trên Lê Thị Bạch Cát, quận 11; ốc Thành Long trên Trương Định, quận 3; những quán ốc ở quận 4 và quận 8.

2. Bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn, bánh tráng nướng là ba món bánh tráng khoái khẩu của giới trẻ Sài Gòn. Có giá dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng, bánh tráng trộn được bán dọc những con đường Sài Gòn. Những chỗ bán ngon và có tiếng thường rất đông người mua.

Bên cạnh bánh tráng trộn, bạn còn có thể ăn bánh tráng cuốn chấm sốt me, bánh tráng nướng thơm ngon. Ảnh: Đan Thảo

Bánh tráng được xé nhỏ, cho thêm hành phi, sa tế, mỡ hành, đậu phộng, trứng cút, khô bò, xoài và rau răm, trộn đều lên trong bịch. Mỗi nơi bán sẽ có cách biến tấu riêng, mang vị đặc biệt. Bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn có thể được mua mang đi, còn bánh tráng nướng thường được ăn tại chỗ để giữ độ nóng giòn.

3. Gỏi khô bò

Với vị ngọt của nước bò, giòn của đu đủ, gỏi khô bò cũng là món yêu thích của người Sài Gòn. Có giá khoảng 15.000 đồng đến 18.000 đồng một đĩa, nhiều bạn trẻ khi nhạt miệng thường kéo nhau đi ăn gỏi khô bò. Nơi bán gỏi khô bò ngon nổi tiếng nhất có lẽ là ở công viên Lê Văn Tám, quận 3.

Nhờ sợi đu đủ xắt nhỏ, nước chấm chua ngọt đậm đà và bánh phồng giòn rụm mà gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám lúc nào cũng đông khách. Ảnh: hcmc

Khi đến nơi, sẽ có người mang ra một miếng lót để bạn ngồi quanh gốc cây. Sau khi gọi món, một người sẽ mang đĩa gỏi khô bò ra cho bạn. Gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám chỉ là quán vỉa hè nhưng đã tồn tại chục năm. Ở đây người bán cho thêm vài miếng bánh phồng giòn lên trên đĩa khô bò nên vị lạ không lẫn vào đâu được.

4. Phá lấu

Đối tượng thích món này nhất ở Sài Gòn phải kể đến những bạn sinh viên – học sinh và giới trẻ nói chung. Phá lấu có nhiều loại như phá lấu heo, gà vịt, phá lấu bò. Tuy nhiên, phá lấu bò là món được ưa chuộng hơn cả. Một chén phá lấu bò gồm lá sách, khăn lông, lách, gân…

Khi đói bụng mà được ăn một chén phá lấu nóng hổi cùng với ổ bánh mì vàng giòn thì không điều gì thích bằng. Ảnh: Đan Thảo

Thông thường ăn phá lấu sẽ kèm với bánh mì chấm, hoặc mì gói. Giá một chén phá lấu, mì phá lấu ngon tầm 15.000 đồng đến 30.000 đồng. Bạn có thể ăn phá lấu ở phá lấu Xóm Chiếu, quận 4; bánh mì phá lấu nổi tiếng khu quận 4 nằm ngay ngã tư Hoàng Diệu và Lê Quốc Hưng.

5. Trà sữa

Khắp ngóc ngách Sài Gòn, nơi nào cũng bán trà sữa. Mỗi tiệm trà sữa lại có một vị nước pha riêng. Bạn bè đi cùng nhau ngại vào quán ngồi thường ghé vào quán trà sữa chọn lấy một ly và cầm theo. Trà sữa phổ biến nhất hiện nay ở Sài Gòn là trà sữa Phúc Long. Với vị thế thoáng mát, nhiều người thường ra ngồi gần bến Bạch Đằng, gọi một ly trà sữa và uống với bạn bè. Trà sữa có vị trà đặc, uống khi bụng đói có thể dễ bị say, nhưng lại là vị yêu thích của nhiều người trẻ Sài Gòn.

Uống trà sữa cùng với bạn bè thân thiết là lựa chọn quen thuộc của giới trẻ Sài Gòn. Ảnh: Đan Thảo

6. Vú dê nướng

Ở Sài Gòn muốn ăn các món liên quan đến dê, đặc biệt là vú dê nướng và lẩu dê, mọi người thường tìm đến khu Trung Sơn, quận 7. Vú dê nướng thơm chấm với chao, ăn thêm một chén mì chan nước lẩu mới đúng điệu.

Vú dê nướng thường ăn cùng rau muống, đậu bắp. Khi miếng vú dê chuyển sang màu vàng sẫm, bạn sẽ gắp ra chấm chao và cho vào miệng. Ảnh: Linh Lê

Vú dê mềm, giòn giòn, được ướp gia vị đậm đà và được chủ quán mang ra kèm với một vỉ nướng. Bạn có thể tự nướng, khi hương thơm bốc lên và chín đều thì gắp cho vào chén. Đặc biệt chao chấm phải được pha ngon, không quá mặn cũng không quá ngọt, cho thêm chút sa tế cay vào. Món này là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt vào những lúc trời mát.

7. Xiên que

Món ăn vặt quen thuộc của nhiều người Sài Gòn, được bán ở vỉa hè hoặc trên những xe đẩy. Những xiên que này có thể gồm cá viên chiên, bò viên chiên, há cảo, trứng cút, đậu bắp hoặc đậu đũa cuộn… Thông thường, bạn có thể ngồi ăn xiên chiên ở công viên, cạnh bờ sông, quán vỉa hè trên đường Sương Nguyệt Ánh, quận 3. Một xiên có giá khoảng 7.000 đồng đến 10.000 đồng tùy nơi.

Cá viên chiên vàng giòn, nóng hổi được ăn kèm với đồ chua hoặc đu đủ chua để tăng vị. Ảnh: Linh Lê

8. Sủi cảo

Vốn là món ăn của người Hoa, nhưng trở nên phổ biến ở Sài Gòn. Con đường bán sủi cảo ngon nhất phải nói đến đường Hà Tôn Quyền, quận 5. Món này hơi giống hoành thánh, nhưng bên trong có thêm tôm và thịt nạc xay. Bạn dùng nĩa ghim sủi cảo rồi chấm vào tương đen pha tương đỏ. Một tô sủi cảo còn có thêm bong bóng cá, da heo, mựa… Đến quán sủi cảo, bạn còn có thể thử qua món sủi cảo chiên hoặc mì sủi cảo. Giá một tô sủi cảo dao động từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng.

Sủi cảo Hà Tôn Quyền nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn. Bạn sẽ phải chờ vài phút mới được ăn vào giờ cao điểm. Ảnh: Đan Thảo

9. Bột chiên

Vào những lúc đói bụng nhưng cảm thấy khó chịu trong người, bạn có thể ăn qua món bột chiên. Bột chiên được cắt thành những khối vuông hoặc chữ nhật, chiên trên chảo phẳng, đập thêm một quả trứng gà, rắc thêm hành lá lên trên và múc ra cho vào đĩa. Một đĩa bột chiên ngon phụ thuộc nhiều vào bột và nước chấm. Món này vừa ăn vặt được, lại vừa có thể ăn no. Ngoài bột chiên, bạn có thể ăn thêm nuôi chiên, khoai môn chiên có vị cũng khá lạ. Một đĩa bột chiên thường có giá 15.000 đồng đến 20.000 đồng.

Một số nơi bán bột chiên còn có thêm đu đủ xắt sợi rải phía trên khá ngon. Ảnh:vietnamcayda

10. Kem nhãn

Chỉ với một viên kem, đậu phộng rắc bên trên, nhưng kem nhãn là một trong những món vặt mang đến cảm giác mát mẻ cho giới trẻ Sài Gòn. Ai đã ăn kem nhãn thì không thể dừng lại ở một ly, mà phải gọi thêm hai hoặc ba ly nữa. Giá một ly kem nhãn khoảng 6.000 đồng. Nổi tiếng về món kem này ở Sài Gòn là kem nhãn Chú Tám nằm trên đường Trương Hán Siêu, quận 1 hoặc đường Sư Vạn Hạnh, quận 10.

Múc một muỗng kem nhỏ, thêm hai hạt đậu phộng và ăn, bạn sẽ thấy kem tan mát rượi trong miệng. Ảnh: Linh Lê

Thảo Nghi (VNexpress.net)

NHỮNG MÓN “ĐỘC” ĐANG CHỜ BẠN KHÁM PHÁ Ở AN GIANG

   An Giang là xứ giáp biên, nơi hội tụ nhiều tập quán văn hóa khác nhau từ nhiều nước, điều đó tạo cho ẩm thực An giang nhiều nét độc đáo, thú vị mà không nơi nào có.

Khi đến với An Giang, bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn đáng nhớ.

 

1. Gỏi sầu đâu

   Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.

   Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.

   Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá quyện với nhau càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.

   2. Mắm ruột

   An Giang nổi tiếng về mắm và mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Mắm ngấu chao với đường thốt nốt lên vị rất ngon.

   Mắm sống ra ăn kèm với rau thơm, ớt “sừng trâu”. Người cầu kỳ ham thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng. Người ta thích ăn nóng hôi hổi, thoang thoảng hơi cay của sả ớt thì chọn mắm kho ăn kèm mớ rau đồng xanh mơn mởn.

   3. Xôi phồng chợ Mới

   Chợ Mới được phù sa bồi đắp quanh năm nên cây nếp bản địa chất lượng cao, hạt tròn, đẹp. Nếp kết hợp với đậu trồng trên đất rẫy cho ra món xôi dẻo thơm. Xôi chiên có màu vàng ươm, thơm, ăn rất ngon.

   Ăn xôi chiên phồng Chợ Mới có thể chấm với tương ớt, xì dầu hoặc ăn không vẫn “bắt”. Khách đến Chợ Mới, cù lao Giêng có thể thưởng thức xôi chiên với gà quay. Gà được nuôi thả vườn nên thịt dai và ngọt, được quay thủ công nên giữ được vị thơm của gà và mùi vị đặc trưng. Xôi phồng Kim Hương của bà Hồng Thu ở thị trấn Chợ Mới được nhiều người biết đến nhất.

   4. Tung lò mò

   “Tung lò mò″ chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.

   Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.

   “Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.

   5. Bánh phồng Phú Mỹ

   Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm…

   Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.

   6. Gà hấp lá trúc

   Đây là món ngon trên núi Cấm (Châu Đốc, An Giang). Trúc là loại cây có múi, mọc ở núi Cấm, hương vị độc đáo. Gà để hấp phải là gà thả vườn có trọng lượng 0,8-1kg, để nguyên con ướp sơ với muối, gia vị… rồi mang đi hấp cách thuỷ khoảng 20 phút. Thịt gà vừa chín tới dùng dao bén chặt thành miếng to cỡ 2 ngón tay, lá trúc xắt nhuyễn rải lên. Món ăn này mang đến cho thực khách cảm nhận được vị ngọt mềm của thịt, vị béo dai của da gà tơ hoà quyện với hương vị nồng the của lá trúc, ngọt chát của bắp chuối, cay cay của muối ớt…

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com 

Những món đặc sản không thể bỏ qua ở Tây Ninh

Vùng đất Tây Ninh đầy nắng và gió có nhiều đặc sản độc đáo, nổi tiếng bốn phương như bánh canh Trảng Bàng, muối ớt, ốc xu núi Bà…

Ốc xu núi Bà

Tây Ninh có nhiều đồi núi, nhưng ốc xu chỉ sống trong khu vực núi Bà. Thường dân địa phương hay luộc ốc xu với sả hoặc hấp gừng, cố ý giữ hương vị đặc trưng của ốc núi. Thịt ốc xu ăn nghe dai dai, giòn giòn, nhưng phải nhai thật chậm mới cảm nhận hết hương vị riêng có của nó.

Ốc xu núi Bà


Ốc xu chấm muối tiêu chanh, nhón thêm một gốc sả hay cắn tí gừng non, nhai vài lá rau răm, đưa đẩy với tí rượu nếp chính hãng Trảng Bàng sẽ thấy ốc xu đúng là đặc sản vùng núi này.

Bánh canh Trảng Bàng

Để có bánh canh Trảng Bàng phải qua công đoạn rất công phu. Đầu tiên, bánh canh được làm bằng một loại gạo quý, đắt tiền như Nàng Thơm (Chợ Đào). Gạo phải được ngâm thật kỹ qua một đêm để đạt đủ độ mềm cần thiết. Sau khi ngâm, gạo được đem xay nhuyễn để lấy tinh bột. Công đoạn cuối cùng là tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt.

Bánh canh Trảng Bàng


Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách phải đảm bảo cả về chất lượng lẫn mỹ thuật. Tô bánh canh bốc khói với vị cay của ớt, tiêu, sau khi đã dùng qua, ắt hẳn khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh cộng với vị chua của nước mắm.

Muối ớt tôm Tây Ninh

Món muối dân dã và bình dị này đã trở nên nổi tiếng tự bao giờ, góp thêm hương vị mặn mà vào những bữa ăn của người dân Việt.

Muối ớt tôm


Cũng như tên gọi, nguyên liệu chính để làm nên món muối ớt tôm độc đáo đó bao gồm 3 thành phần chính: muối hạt (muối hột) cùng với ớt và tôm khô. Muối hột phải là loại muối được sơ chế sạch sẽ chứ không phải bất kỳ loại muối hột nào cũng làm được.

Bánh tráng phơi sương

Để làm ra chiếc bánh tráng phơi sương, quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu: phải là gạo mới, gạo ngon và không được pha trộn. Nhìn những cái bánh tráng trắng tinh bên cạnh đĩa thịt luộc, rau sống, dưa leo chẻ thẳng tắp, củ kiệu muối chua giòn, mới thấy được sự cầu kỳ của món ăn vốn được cho là thôn dã này.

Bánh tráng phơi sương ăn cùng với thịt luộc và nhiều loại gia vị khác


Nước chấm là một bí quyết riêng, chỉ biết rằng nó luôn có vị ngọt của nước luộc thịt và nước dừa tươi. Cắn một cuốn bánh tráng phơi sương, cảm nhận đủ hương vị chua, cay, đắng, chát của rau, của đồ chua và vị thơm, ngon, béo, ngọt, mặn mà của thịt, của lớp bánh tráng, bạn sẽ hiểu tại sao một món ăn đơn giản lại trở thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi.

Nguyễn Nhung, v ietnamnet.vn (Tổng hợp)

 

Đặc sản Long An, những món ngon phải thử

Nhắc tới Long An không thể không nhắc tới những món đặc sản nổi tiếng như: canh chua cá chốt, rượu đế Gò Đen, lạp xưởng tươi, đậu phộng, lẩu mắm… những món ăn rất riêng của người miền tây nam bộ.

Thanh Long châu Thành

Thanh long là loại trái cây đặc sản được trồng phổ biến ở vùng này, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Cành thanh long được thả leo trên cây  uốn mình như những con rồng xanh ngậm quả chín mọng đỏ rất hấp dẫn khách tham quan và thưởng thức nét đẹp của vườn cây, vị ngọt mát của loại trái cây này.

Thanh Long Châu Thành

Đậu phộng Đức Hòa

Nếu như các bạn có dịp đến Đức Hoà vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, bạn sẽ tận mắt nhìn thấy cảnh đẹp của cánh đồng đậu phộng. Cảnh đồng rộng mênh mông khoác lên mình một màu xanh mơn mởn. Dưới tán lá xanh là những chùm hoa màu vàng tươi. Nếu như bạn tinh ý một chút bạn sẽ tự khám phá ra một điều vô cùng thú vị về cây đậu phộng. Nhìn kỹ hơn một tí bạn sẽ nhìn thấy những quả đậu phộng được hình thành trên mặt đất sau khi hoa được thụ phấn. Sau đó quả này mới đâm xuống đất và lớn dần lên.

Đậu phộng Đức Hòa

Rượu Đế Gò Đen

Trong tâm trí của mỗi dân nhậu Nam bộ, rượu đế Gò Đen xếp hàng ”đệ nhất tửu”. Dân nấu rượu Gò Đen xưa thường chọn những loại nếp hạt tròn, mẩy, có mùi thơm, trắng đục đều. Thường là nếp mỡ, nếp mù u và nếp than đen tuyền được trồng chính tại địa phương. Sau khi chọn nếp ngon nấu thành cơm nếp, để nguội thì rắc men vào ủ bằng loại men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương… Sau ba đêm tiếp tục chan nước rồi để ba đêm sau nữa nấu. Chỉ riêng khâu ủ men truyền thống đã mất gần một tuần.

Rượu đế Gò Đen

”Mỹ tửu” Gò Đen ”chinh phục” người uống bởi rượu trong như nước mưa. Mỗi khi rót rượu vào ly, tiếng rượu chảy, vị cay nồng đã đủ làm say, làm khao khát lòng người uống.

Gạo nàng thơm chợ Đào

Truyền thuyết dân gian kể rằng, ngày xưa có cô gái tên Thơm quê quán ở bên Sông Vàm Cỏ kết duyên cùng anh trai ở Cần Đước. Từ khi về làm dâu cô Thơm nổi tiếng hiếu thảo, vừa đẹp người, lại đẹp nét, tính tình dịu dàng dễ thương khắp vùng ai ai cũng mến mộ. Khi cô Thơm mang thai chờ ngày sinh nở thì lâm trọng bệnh qua đời. Định mệnh của Thơm vô cùng vắn số. Chôn cất xong, khoảng 100 ngày sau, lạ lùng thay trên mồ cô Thơm mọc lên cây lúa có hột gạo trắng ngần, phát mùi thơm u – ẩn, bên trong hột gạo ửng hồng. Cư dân Cần Đước do ngưỡng mộ nàng dâu hiếu thảo nên lấy tên cô đặt cho giống lúa là lúa Nàng Thơm.

Gạo nàng thơm


Lẩu mắm Long An

Lẩu mắm là một món ăn tổng hợp đầy đủ các sản phẩm từ biển cả, ao hồ, ruộng đồng sông ngòi: cá, tôm, cua, mực, bò, heo… và đặc biệt là một số lượng phong phú, đa dạng của các loài rau. Hầu như nơi mảnh đất hoang dã miền nam mọc thứ rau gì ăn được, là có thể tìm thấy trong đĩa rau của lẩu mắm: rau muống, rau cải trời, cọng súng, bông điên điển, giá sống, rau thơm, khế chua, chuối chát, dưa chuột, rau đắng, ớt đỏ, thơm… Đặc biệt không thể thiếu bóng dáng ngọn rau dừa. Với lượng động vật và thực vật phong phú ấy món ăn đã đem lại cho thực khách ngoài sự ngon mắt, ngon miệng, còn cung cấp một lượng dưỡng chất phong phú, các chất sinh năng lượng và các vitamin..

Lẩu mắm
Canh chua cá chốt

Những con cá chốt mập ú, to gần bằng ngón chân cái, bụng căng tròn, con nào con nấy đầy trứng.Cá chốt kho sả ớt hay nấu canh chua ăn đều không ngán vì cá chốt không mỡ, lại có trứng, là món ăn mọi người đều ưa thích. Lẩu canh chua nóng hổi bốc khói, gắp cặp trứng cá ngấu nghiến nhai, vừa béo vừa bùi, thấm đẫm ngọt ngào, húp từ từ miếng nước lẩu mồ hôi vã ra thật thoải mái. Thích nhất là bông lý, nhúng vào nồi lẩu, gắp ra nhai sừn sựt lại ngọt thơm thật là độc đáo.

Canh chua cá chốt


Canh chua bông lý đã ngon mà món cá chốt kho sả cũng không kém phần mặn mà. Cơm bới mấy lần mà miệng vẫn còn thấy thòm thèm, no bụng mà chưa no miệng. Để có nồi canh cũng như mẻ cá chốt kho hấp dẫn, lựa những con còn tươi da bóng láng, bụng đầy trứng. Cá đem về ngâm muối, lấy tay chà sạch máu và nhớt để cá hết mùi tanh, con cá chốt thuộc hàng trưởng lão cũng chỉ bằng ngón chân cái người lớn.

Lạp xưởng tươi

Tại Long An có một loại lạp xưởng rất ngon và độc đáo đó là lạp xưởng tươi, đặc điểm của lạp xưởng tươi khác với các loại lạp xưởng khác là nạc nhiều, mỡ cực kì ít, gần như không có cảm giác có mỡ khi ăn. Thông thường, có thể nướng trên bếp than hay chiên (với ít mỡ), nhưng có một cách chiên rất hay là gọi là “lăn nước”. Thay vì dùng dầu (mỡ) thì dùng nước. Cho nước vào xâm xấp thôi, canh lửa riu riu, dùng đũa trở đều tay cho đến khi cạn nước và chiếc lạp xưởng chín vàng đều thì gắp ra.

Lạp xưởng

Nguyễn Nhung,  vietnamnet.vn (Tổng hợp)

NGÔI CHÙA MIỄN PHÍ 7000 CÁI BÁNH XÈO MỖI NGÀY

Đến với Tịnh Biên, An Giang, du khách thường được giới thiệu đến chùa Bánh Xèo để thưởng thức món bánh Xèo cũng như tham quan cơ sở làm bánh “khổng lồ” ở nơi đây.

Nằm dưới chân núi Cậu, từ lâu Thiền viện Đông Lai (thị trấn Tịnh Biên, H.Tịnh Biên, An Giang) được các phật tử cũng như du khách khắp nơi biết đến nhờ món bánh xèo nổi tiếng.

Thiền viện Đông Lai còn có tên gọi khác là chùa Phật Nằm hay chùa Bánh Xèo. Sở dĩ có tên chùa Bánh Xèo là do nhà chùa thường đãi miễn phí món bánh xèo chay khi du khách đến đây cúng viếng. Chùa hiện có một “đội quân” chuyên chế biến bánh xèo, trong đó phải nhắc đến “đệ nhất bếp” Ngô Văn Vũ. Mặc dù còn rất trẻ (31 tuổi) nhưng Vũ đã có hơn 10 năm tình nguyện làm công quả trong chùa. Anh cũng chính là người đầu tiên xung phong chiên bánh xèo phục vụ khách.

Dùng 40 bếp chiên bánh

Đến chùa Bánh Xèo vào ngày rằm tháng Giêng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến và thật sự khâm phục khả năng đổ bánh xèo của Vũ. Thường một đầu bếp chỉ đảm nhận chiên khoảng vài chảo bánh xèo, riêng Vũ “tả xung hữu đột” cùng lúc đến hơn chục chảo. Tay anh thoăn thoắt di chuyển quanh các chảo, cái này vừa ráo mặt, giòn lớp vỏ thì cái kia đã chín. Vũ vừa khuấy bột, đổ bột, thêm nhưn và xoay chảo liên tục. Khách đến càng đông, anh làm càng hăng say như quên đi cái nóng của củi lửa. “Riết rồi quen, lúc mới bắt tay vào đổ, bánh khét hoài. Làm càng lâu ngày thì tay nghề đạt đến độ chín muồi, bánh sẽ càng thơm ngon”, Vũ chia sẻ. Theo anh, muốn chiếc bánh xèo ngon và giòn phải khuấy bột cho thật đều, trong quá trình chiên đảo chảo nhanh tay. Món bánh xèo ở đây thường ăn kèm với các loại rau rừng trên núi Cấm, đặc biệt là rau kim thất mọc dại theo triền núi nên mùi vị rất độc đáo, ít nơi nào có được.

Nhà khách phía sau chùa rộng rãi, sạch sẽ, được đặt nhiều bàn ghế để phục vụ du khách gần xa. Cạnh đó là chái bếp với hơn 40 cái lò dùng chế biến món bánh xèo. Anh Vũ cho biết ngày thường đổ khoảng 6.000 – 7.000 cái, riêng ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày rằm, lượng khách tăng gấp 4 lần nên phải dùng đến 40 chiếc bếp làm mới xuể.

Rằm tháng Giêng vừa qua, du khách, phật tử kéo đến cúng nườm nượp nên nhà chùa phải huy động hơn chục người chế biến và phục vụ bánh xèo. Chỉ trong 2 ngày, nhà chùa mua đến 70 kg bột và gần 40 lít dầu. Khẩu phần ăn không quy định, khách muốn ăn bao nhiêu đều được đáp ứng. Ăn xong, khách còn được nhà chùa phục vụ nước giải khát gồm trà đường, cà phê, đậu nành nóng…

Duy trì bánh xèo miễn phí

Thiền viện Đông Lai được xây dựng vào năm 1999, do thượng tọa Thích Thiện Chí làm trụ trì. Cô Lâm Thị Phương, một phật tử hay làm công quả ở chùa, cho biết khi thầy Chí về đây, vào mỗi dịp rằm lớn, các vị tăng ni, phật tử khắp nơi đổ về cúng chùa. Có một số phật tử  nảy sinh ý tưởng làm món bánh xèo chay đãi mọi người. Thấy món này dễ làm, ăn ngon nên thầy Chí đã nhờ những người làm công quả chế biến phục vụ khách. Lúc mới bắt tay vào làm, nhiều người cũng băn khoăn vì sợ đổ bánh xèo tốn kém, nhà chùa không kham nổi. Thầy Chí đã dùng tiền cúng dường của khách thập phương để mua vật dụng, bột, đường, củi, rau… làm bánh. Dần dà về sau, khách đến ngày càng đông, họ ăn xong rồi cúng dường hoặc gửi tiền lại cho nhà chùa. Bằng nguồn kinh phí này, nhà chùa  xoay vòng và duy trì chế biến món bánh xèo đãi khách thập phương đến tận ngày nay.

Tấn Phát (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140226/chua-banh-xeo.aspx)