Cách làm CHÈ BÀ BA

Món CHÈ BÀ BA với “đủ thứ” nguyên liệu, được nhiều người rất ưa thích bởi vị ngọt bùi của nước cốt dừa hòa quyện với cái giòn của đậu phộng, dai của phổ tai, nấm mèo, bở của khoai lang, khoai sắn…Công thức sau đây sẽ giúp bạn có được nồi chè bà ba ngon chiêu đãi người thân.

Nguyên liệu:

  • Đậu phộng (lạc): nửa chén (có thể dùng đậu phộng tươi hoặc khô)
  • Củ sắn (khoai mì) 1 củ nhỏ, bỏ vỏ, ngâm nước muối qua đêm để loại bỏ độc tố
  • Khoai lang: 2 củ nhỏ, gọt vỏ, ngâm nước muối vài tiếng cho ra bớt nhựa
  • Đậu xanh cà: 1 chén
  • Hột sen khô: nửa chén
  • Đường cát trắng: 3 lạng
  • Nước cốt dừa: 1 lon (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • Bột năng: 3 muỗng canh
  • Bột báng: 2 muỗng canh
  • Lá nếp (lá dứa): 1 bó
  • Phổ tai khô (hoặc nấm mèo): 1 ít, ngâm mềm, rửa sạch rồi thái sợi

Phổ tai sau khi thái sợi:

Cách làm:

Bước 1:

– Đậu phộng, đậu xanh, bột báng đem ngâm trong nước qua một đêm (đậu phộng tươi thì không cần ngâm). Hôm sau rửa lại các loại đậu cho sạch.

– Trút đậu xanh vào nồi, đổ nước ngập mặt đậu rồi nấu trên lửa nhỏ đến khi đậu nhừ, múc ra chén.

Bước 2:

– Đậu phộng ngâm xong cho vào nồi với nước, luộc chín tới, rồi múc ra để riêng.

– Hột sen rửa sạch, cho vào nồi nước hầm mềm kỹ, sau đó vớt ra để riêng.

Bước 3:

– Khoai mì và khoai lang xắt thành miếng vuông nhỏ.

 

Bước 4:

– Chuẩn bị nồi, cho chừng 2 lít nước vào nấu với lon nước cốt dừa. Nước sôi thả bó lá dứa vô nấu chung, đến khi sôi kỹ thì cho tiếp củ sắn, khoai lang vào nấu chung.

– 2 loại khoai chín mềm nhừ, thì cho tiếp hột sen, bột báng, đậu phộng đã nấu lúc nãy vào nấu chung. Nấu tới khi nào bột báng chín đổi qua màu trắng trong nổi lềnh bềnh trên mặt nồi chè là ăn được rồi. Lúc này bạn nêm thêm đường cho vừa ngọt. Cuối cùng cho phổ tai vô, quậy đều rồi tắt bếp.

– Chè này ăn nóng rất ngon.

Bảo Tố

Cách làm CHÈ SÂM giải nhiệt

Những ngày hè oi bức, không gì tuyệt vời hơn là một chén chè mát lạnh mà lại còn có tính giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.

Nguyên liệu:

  • – 100g hạt sen khô
  • – 50g nhãn nhục (long nhãn)
  • – 100g nho khô
  • – 100g táo đỏ
  • – 1 muỗng nhỏ bột rau câu
  • – 200g đuờng

Cách làm:

– Hạt sen khô đun sôi cho gần mềm, đổ ra rổ để ráo

– Long nhãn ngâm nước nóng cho nở

– Nho khô rửa sơ cho sạch, nếu có sạn thì nhặt sạn ra

– Táo đỏ rửa sơ ngâm nước nóng

– Bắc một nồi nhỏ lên bếp, hòa một muỗng nhỏ bột rau câu vào 200 ml nước, đun sôi sau đó đổ ra tô chờ nguội làm thạch, chú ý không cho đường vào thạch

– Bắc một nồi khác lên, chờ nóng cho 1/2 đường vào tạo caramen, chú ý không để quá vàng sâm sẽ có mùi đắng. Sau đó đổ nước vào, chừng 400ml, cho nốt số đường còn lại vào. Nêm cho ngọt vừa miệng.

– Nước sôi cho hạt sen vào, sau đó là nhãn, nho khô và táo, nêm một chút xíu muối. Để nhỏ lửa cho hạt sen mềm, táo và nhãn ngấm đường, nếm vừa miệng nhấc xuống.

– Lúc này thạch đã đông lại rồi nên lấy ra xắt nhỏ cho vào chè sâm. Để lạnh hoặc chờ cho nguội thêm đá lạnh vào ăn rất ngon

– Món chè sâm này rất tốt cho cơ thể vào ngày hè vì nó vừa cung cấp thêm nước vừa bổ dưỡng sẽ giúp bạn hồi sức rất nhanh.

Theo Loan Trần (ngoisao.net)

Cách nấu CHÈ KHO

CHÈ KHO là món ăn cổ truyền thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng, thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết.

Nguyên liệu:

  • 500g đậu xanh không vỏ
  • 300g đường đỏ
  • Nửa trái thảo quả, sấy khô, tán nhỏ rây thành bột mịn. (mua ở tiệm thuốc Bắc)
  • 1 muỗng cafe mè trắng rang chín, xát bỏ vỏ.

Thực hiện:

1. Đậu xanh ngâm nước khoảng 4-5 tiếng cho nở mềm. Có thể ngâm bằng nước ấm cho nhanh nở. Sau đó vớt ra rửa sạch.

2. Hấp đậu xanh cho chín mềm. Sau đó dùng cái vá hoặc muỗng tán hạt đậu cho nhuyễn (dùng chày giã cũng được), mịn.

4. Bắc nồi nấu 300g đường đỏ với 500ml nước, nấu sôi cho tan đường. Sau đó chắt lấy phần nước đường, bỏ cặn.

3. Cho nước đường vào nồi vặn lửa nấu tiếp. Cho đậu xanh đã đánh nhuyễn vào nấu chung (nước đường sâp sấp mặt đậu), vừa nấu vừa khuấy liên tục kẻo chè bị cháy. Nấu đến khi nào nước cạn, hỗn hợp chè lên sền sệt thì rắc bột thảo quả vào khuấy lên cho đều, rồi tắt bếp.

4. Múc chè kho ra khuôn, ép chặt. Rắc mè lên trên. Chờ cho chè nguội, hơi cứng lại là được. Khi ăn xắt ra thành miếng.

*** Chè kho để ngoài được 2-3 ngày tùy thời tiết. Nếu muốn giữ lâu hơn thì để tủ lạnh.

Bảo Tố

Cách nấu CHÈ TRÔI NƯỚC

Chè trôi nước trong miền Nam và Bánh trôi Tàu ngoài Bắc có cách làm khá tương tự, thường là chỉ khác ở phần nhân, phần phụ gia và cách nêm nếm của người nấu.

Nguyên liệu:

  • Bột nếp:350g
  • Bột tẻ: 50g
  • Đậu xanh không vỏ: 200g
  • Dừa nạo vụn: 50g
  • Nước cốt dừa: 200g (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • 1 củ gừng, chia ra vừa xắt lát, vừa thái cọng, cho đẹp.
  • Mè (vừng) và đậu phọng giã dập
  • Hành củ băm nhuyễn: 2 muỗng canh
  • Đường vàng (nếu được thì dùng đường thốt nốt), muối, dầu ăn

Cách làm Chè trôi nước:
– Đậu xanh cho vào nồi, thêm nước vào nấu cho chín mềm, sau đó cho vào cối giã nát bằng chày, cho thêm 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường vào trộn đều.

– Bột nếp trộn với bột tẻ, hòa với tầm 300ml nước sôi, trộn cho thấm kĩ, đậy kín nắp khoảng 1 tiếng cho bột nở. Trong lúc đó ta làm nhân:

– Bắc cái nồi hoặc chảo sâu, cho tí dầu rồi cho tất cả hành phi vào phi thơm (hơi vàng), rồi cho đậu xanh vô xào chung. Xào đều và mạnh tay trong khoảng 5 phút, cho hành phi, dầu ăn và đậu xanh quyện đều với nhau. Sau đó trút ra ngoài.

– Vo thành từng viên nhỏ bằng trái táo ta. Vo xong thì nhào bột:

– Trút hết bột ra mặt phẳng, nhồi cho kỹ, dùng tay trần cảm nhận nếu bột nhão dính tay thì xoa thêm bột nếp vào nhồi, nếu thấy khô thì cho thêm nước. Nhồi đến khi nào cảm thấy bột mịn mềm dễ chịu là được.

– Ngắt bột ra thành những viên nhỏ bằng trái táo ta, sau đó ấn bẹp, rồi cho viên nhân vào giữa, gấp các mép bột lại gói kín, rồi vo lại lần nữa cho tròn đều. Lưu ý gói cẩn thận sao cho lớp bột ôm khít vào nhân, để khi nấu viên trôi nước không bị vỡ. Làm lần lượt cho hết bột và nhân.

– Phần bột còn dư ta vo thành những viên nhỏ cỡ viên bi ve, vì không có nhân nên vo nhỏ cho dễ ăn. Cuối cùng là bắc tay vào nấu chè:

– Chuẩn bị nồi nước to, nấu cho sôi, sau đó thả lần lượt từng viên bột đã vo vào nước (từ nay gọi viên bột là trôi nước), nấu tới khi nào viên trôi nước nổi lên mặt nước trở lại, thì ta vớt ra cho vào thau nước lạnh để không bị dính. Làm lần lượt cho hết.

– Chuẩn bị một nồi nước khác, cho 400ml nước vào nấu với 5 muỗng canh đường vàng, nấu tới khi nào đường tan, nếm thấy ngọt dịu là ok, ngọt quá thì phải cho thêm nước.

– Nước đường sôi, ta cho gừng cọng đã đập dập vào. Tiếp theo cho tất cả viên trôi nước ban nãy vào nồi nấu tiếp trên lửa nhỏ, cho tới khi nào nước sôi nhẹ trở lại thì tắt bếp.

– Bây giờ bạn có thể múc ra chén ăn nóng được rồi. Nếu hảo nước dừa thì khi múc ra chén, chan thêm một muỗng nước dừa nữa nhé! Và nhớ đừng quên rắc dừa vụn, mè & đậu phộng giã dập lên trên cùng, hương vị của các loại phụ gia này cũng rất quan trọng!

Bé Thúi / MAV

Cách nấu CHÈ ĐẬU ĐEN HẠT SEN thanh nhiệt, giải độc, ngủ ngon

Phối hợp hai loại đậu, cùng với chút trần bì (có vị cay) sẽ làm món chè trở nên khó ngán hơn. Chè đậu đen hạt sen là món ăn ngon miệng và bổ dưỡng, thích hợp với những ngày trời nóng nực. Món này còn có tác dụng trị đau lưng, mất ngủ, giúp an thần, thanh nhiệt, giải độc…Chè đậu đen hạt sen còn là một món tẩm bổ rất tốt cho bà bầu với tác dụng giúp an thai, tránh khuyết tật ở thai nhi.

Nguyên liệu:

  • 150g đậu đen
  • 150g hạt sen khô
  • Trần bì (mua ở tiệm thuốc Bắc, hoặc là lấy vỏ quýt thái chỉ rồi phơi khô queo lại)
  • Đường (đường đen càng ngon và bổ)

Cách nấu:

– Đậu đen nhặt rửa sạch, sau đó đem ngâm nước trong 2 giờ.
– Hạt sen khô mua về đem ngâm vào nước khoảng 1 giờ.
– Mỗi loại cho vào một cái nồi, đổ ngập nước rồi nấu cho tới khi mềm.
– Sau đó cho 2 loại vào chung 1 nồi, thêm đường vừa ngọt đủ ăn (đừng ngọt quá không tốt và cũng không cảm nhận được vị đậu).
– Cho thêm trần bì vào.
– Đun sôi rồi vặn nhỏ lửa cho tới khi đường ngấm vào hai loại hạt trên.

Bé Thúi / MAV