Bánh chưng, bánh dày vào top món ăn lễ hội thế giới

(TNO) Tạp chí du lịch nổi tiếng National Geographic (Mỹ) vừa công bố danh sách 10 món ăn truyền thống lễ hội đặc trưng trên thế giới, trong đó có bánh chưng và bánh dày của Việt Nam.

Bánh chưng Việt Nam được xếp vào danh sách 10 món ăn truyền thống đặc trưng trên thế giới, do tạp chí uy tín National Geographic bình chọn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

National Geographic nhận định Tết là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt Nam, đánh dấu một năm mới với mùa Xuân và những kỳ vọng mới.

Đây là dịp để người Việt đoàn tụ với gia đình và cùng quây quần bên mâm cỗ mà không bao giờ có thể thiếu món ăn truyền thống là bánh chưng, với nhân thịt và đỗ xanh, xung quanh là gạo nếp, tạp chí Mỹ bình luận.

Tất cả được gói trong những chiếc lá dong, tạo nên chiếc bánh hình vuông, tượng trưng cho đất, cũng như bánh dày được làm từ nếp trắng giã mịn, hình tròn, tượng trưng cho trời, theoNational Geographic.

Trong danh sách 10 món ăn truyền thống của National Geographic còn có món “Bánh mì của người chết” của Mexico, một loại bánh cho “Ngày của người chết”, món Hákarl dùng trong lễ hội mùa đông của Iceland, món bánh trung thu cho ngày Tết Trung thu của Trung Quốc.

Ngoài ra còn có bánh Hamantaschen dành cho lễ hội Purim của người Do Thái, bánh Vua trong ngày hội Mardi Gras của Mỹ, bánh Besan Burfi có trong lễ hội ánh sáng Diwali ở Ấn Độ, bánh Kahk cho ngày hội Eid al-Fitr của Ai Cập, món Haggis dùng để thưởng thức trong lễ hội Burn của Scotland và món “Bánh cho ngày Cách mạng tháng 5” của Argentina.

Hoàng Uy (thanhnien.com.vn)

TẢN MẠN VỀ THỊT KHO TÀU – món ngon ngày Tết

Tôi dám chắc rằng rất nhiều người cũng nhầm như tôi, tưởng rằng tên món này xuất phát từ Trung Quốc, là của người Tàu.

Nhưng rồi tôi cứ thắc mắc rằng ít khi thấy người Tàu ăn món này, mà nguyên liệu để dùng cho món thịt kho tàu, là thịt ba rọi, cái loại thịt có cả nạc, cả mỡ, cả bì, xếp từng lớp khéo léo cứ như người ta cố tình tạo ra nó, thì chắc chỉ có dân Việt.

Mãi cho đến khi đọc tài liệu về thịt kho tàu, mới thấy có cách giải thích hợp lý hơn cả: theo ông nhà văn Nam Bộ Bình Nguyên Lộc, chữ ‘tàu’, ở đây, theo nghĩa của người “miền dưới” là ‘lạt’, như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ là hai con sông nước lợ. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt.

Cũng có thuyết rằng, món thịt kho bên Tàu từ cái ông tể tướng Vương An Thạch đời Tống nghĩ ra, nhưng xem lại thì cái món thịt kho của ông, chả giống gì cái cách mà chúng ta thấy ở miếng thịt kho tàu xứ Việt. Vậy hóa ra cái món thịt kho mà được cả Bắc Nam hâm mộ ấy, đúng như lời giáo sư Trần Văn Khê nói: món thịt kho “tàu” hóa ra lại là “ta” hoàn toàn, món Việt trăm phần trăm.

Thịt kho tàu, cùng với bánh tét, dưa hấu, canh khổ qua dồn thịt, đã trở thành món không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết của người Nam Bộ. Miếng thịt mềm rục có cả màu đỏ au của thịt nạc, trong trong của mỡ, nâu nâu của bì hầm nhừ, sóng sánh vàng ươm của nước màu chưng đường, kèm vị bùi của nước dừa xiêm, vị mặn của nước mắm đã được làm thanh đi bằng đường, thi thoảng có thêm vị hắc của chút xì dầu, điểm xuyết thêm mấy hột vịt luộc mà nước thịt ngấm đều từ trong lòng đỏ đến lòng trắng, đặt cạnh bát cơm trắng thơm nức trên bàn thờ ông bà, bên cạnh đĩa dưa chua, dường như đã thành truyền thống trong mâm cơm cúng tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Ở ngoài Bắc, có lẽ để phù hợp với khí hậu lạnh, món thịt kho tàu đã được thay thế bằng đĩa thịt đông trong mâm cơm cúng ngày Tết. Tuy nhiên trong bữa ăn hằng ngày mùa lạnh, thì món thịt kho tàu vẫn là một trong những món được ưa chuộng nhất. Thịt kho tàu ở ngoài Bắc, ít có nước dừa xiêm, nhưng vẫn không thể thiếu vị hành khô, nước mắm, vị của đường cháy tạo ra vị hơi ngọt, làm giảm cái mặn khát của các món kho thông thường, tạo màu vàng óng cánh gián quyến rũ.

Thịt kho tàu cũng như bao món kho khác, được nấu như món ăn để lưu trữ dài ngày. Nấu thịt kho tàu không khó, nhưng để nấu ngon, cũng không dễ chút nào. Miếng thịt mềm nhừ mà không nát, không bị quắt lại, màu thịt đỏ au ánh lên màu cánh gián, trứng vịt thấm đẫm nước thịt mà không đen, nước thịt vàng trong, không quá lõng bõng nước nhưng cũng không quá cạn làm khô miếng thịt.

Mỗi lần ăn có thể mang ra đun lại, càng nhiều lửa, thịt càng rục, càng mềm, càng ngon. Thịt kho tàu có thể được ăn với nhiều món, cơm trắng, dưa kiệu, dưa giá nhưng có lẽ phổ biến nhất là ăn kèm với dưa cải chua. Có lẽ vì mặn, vị ngọt, vị bùi béo của thịt kho tàu kết hợp với vị chua xen lẫn cay cay của dưa cải muối xối, tạo nên hương vị quyến rũ đến bất ngờ.

Nước thịt kho tàu chấm dưa cải, hay rưới vào bát cơm gạo mới nóng hổi, không cần ăn thêm gì cũng thấy ngon. Không chỉ có vì bùi béo của thịt, nước thịt kho ngấm vào trứng luộc đã bóc vỏ, tạo nên vẻ quyến rũ lạ kỳ cho quả trứng, khác hẳn với vị ngán rất khó nuốt của trứng luộc thông thường.

Có một món nữa chắc sẽ làm xiêu lòng người thích thịt kho tàu, là xôi trắng ăn với thịt kho tàu. Buổi sáng, làm bát xôi trắng, với mấy miếng thịt kho tàu, chan ít nước thịt kho tàu lên, đảm bảo chắc dạ đến trưa.

Người Nam bộ còn có món bánh tráng ăn với thịt kho tàu, vừa là món ăn chơi, nhưng khi kèm với thịt kho tàu, nó cũng trở thành món chính từ lúc nào. Miếng bánh tráng trụng qua nước, gói với rau thơm, đồ chua, kèm thịt, nhúng vào bát nước thịt đã dầm trứng, nêm thêm ít chanh với vài lát ớt cay, vừa ăn vừa xúyt xoa, còn gì bằng!

Có lần một chị bạn thốt lên với tôi “Sao đàn ông ông nào cũng thích ăn thịt kho tàu vậy ta ?”. Tất nhiên không chỉ đàn ông, mà rất nhiều người thích ăn thịt kho tàu, nhưng bảo là đàn ông ăn thịt kho tàu cũng có lý của nó. Không biết có ai đó nói với tôi rằng, dường như có cái gì đó liên tưởng giữa cái vị mềm mềm, ngọt thanh thanh dìu dịu của miếng thịt kho tàu với sự dịu dàng, giản dị trong tính cách của người phụ nữ trong gia đình.

Có thể người đó vì yêu món thịt kho Tàu mà nói quá lên đó thôi, nhưng rõ ràng là không phải là không có lý. Và có lẽ vì thế mà hầu hết đàn ông Việt, đều thích món thịt kho tàu chăng?

(Nguồn Tuoitre online)

NHỮNG MÓN ĂN SẼ KHIẾN BẠN PHẢI LUI TỚI ĐẮK LẮK NHIỀU LẦN

Đến với Dak Lak, du khách không chỉ hòa mình trong cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu nét văn hóa đậm bản sắc của các dân tộc nơi đây. Chuyến du lịch đến vùng đất đại ngàn còn là dịp để bạn khám phá những món ăn tuyệt vời mang đậm hương vị rừng núi.

Sau đây là danh sách một số món ăn có hương vị độc đáo, ngon lành sẽ khiến bạn phải lui tới vùng đất này thêm nhiều lần nữa.

1. Gà nướng sa lửa

Combo tuyệt vời cho món gà nướng này là cơm lam và muối sả

Gà nướng sa lửa là một trong những biến tấu của món gà nướng Bản Đôn. Nguyên liệu chính là những con gà ta chính hiệu cùng cách chế biến nướng trên lửa than. Khách cũng chấm gà với muối ớt hoặc muối sả. Tuy nhiên, gà nướng sa lửa dùng kẹp tre thay vỉ nướng. Bên cạnh đó, gà không được tẩm ướp hay trước khi nướng. Cách nướng này khiến thịt gà thơm hơn, chắc hơn và vẫn giữ nguyên vị ngọt của thịt.

2. Gỏi lá

Với sự hiện diện của hơn 40 loại lá rừng khác nhau, người ta gọi món ăn này là gỏi lá song nếu xét về cách thưởng thức là kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo và các gia vị như tiêu nguyên hạt, muối hạt, ớt cay xanh… sau đó chấm với nước dùng, nói món ăn này thuộc họ cuốn chấm sẽ chính xác hơn.

 

Ngoài cái đặc biệt của việc hơn 40 loại lá cây tham gia vào món ăn, nước chấm của gỏi lá được làm từ hèm rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Món ăn có hương vị khá lạ.

3. Lẩu lá rừng

Gọi là lẩu song lẩu rau rừng giống món canh hơn, với 10 loại lá rừng được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại.

Món “lẩu” lá rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê đê khi phải đối diện với cuộc sống khó khăn. Để có thức ăn hàng ngày, họ đã vào rừng để hái những loại lá khác nhau về nấu canh. Trải qua thời gian, “lẩu” lá rừng đã trở thành món đặc sản của người dân tộc bản địa và du khách.

4. Thịt nai

Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Nai được chế biến thành nhiều món như nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử…

Bạn có thể thưởng thức món thịt nai tại nhà hàng đặc sản tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Giá cả khá mềm và chất lượng ổn.

5. Rượu cây

Xét về cách ủ, lên men, rượu cây không khắc biệt với các loại rượu khác của Tây Nguyên. Điểm đặc biệt của loại rượu này là tên gọi xuất phát từ thói quen uống rượu dưới gốc cây cùng tập tục lang thang trong rừng sâu của người Bahnar, Xê Đăng, Jrai… trong tháng Ninh Nơng (tháng sau khi kết thúc mùa rẫy).

Dù không phải thật sự là loại rượu đặc sắc, song cái thú nhắm rượu cùng các món thịt rừng nướng nóng hôi hổi trong cái mát mẻ, hoang sơ tại một gốc cây nào đó trong rừng sâu sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời.

Theo Huỳnh Hằng (Infonet)

HÌNH ẢNH XƯA VỀ ẨM THỰC SÀI GÒN [Phần 1: Giải khát]

Bạn có bao giờ tự hỏi cách đây tầm một thế kỉ, hoặc năm bảy chục năm, dân Sài Gòn có thói quen ăn uống như thế nào? Có những gì giống, những gì khác so với bây giờ? Hãy cùng xem lại những hình ảnh dưới đây nhé! 


Xe bán nước dạo thập niên 1940

Cô hàng nước nhỏ tuổi với nụ cười chất phác, ô kìa, phía sau có phải là Cầu Mống?


Nước ngọt Con Cọp lừng lẫy một thời, nay đã là dĩ vãng

Bia Lade Trái thơm từng rất được ưa chuộng. Gọi “Lade trái thơm” nhưng món bia này chẳng dính dáng gì tới trái thơm cả, chỉ vì hai dây hoa trên nhãn hiệu có hình giống …trái thơm, nên dân ta gọi vậy cho dễ nhận diện.

Bia 33, sau đó vài chục năm, nó mọc thêm số 3 trong tên gọi.


Nước ngọt Con Cọp, bia 33 hay bia La De (Larue) đều là sản phẩm của công ty BGI (viết tắt của Brasseries & Glacières De L’Indochine)

Một cửa hàng bán bia và nước ngọt các loại vào những năm 60. Chữ “Lave Larue” ở góc trái cũng là lý do vì sao bia Larue hay được gọi là bia “La De”


Nước ngọt Coca Cola thâm nhập thị trường Việt Nam vào đầu thập niên 1960


Phút nghỉ ngơi của anh bán nước


Nước cam không ga Bireley’s rất được nữ giới ưa chuộng

Xe nước mía, chẳng khác ngày nay là mấy


Một xe nước mía ép tay

Bà con ăn chè bên xe chè của người Hoa. Xe chè người Hoa làm cầu kỳ, nhiều họa tiết điển tích rất đẹp mắt.


Xe đẩy bán rau má, nước ngọt. Có thể thấy người bán đang chặt đá, kế bên là thanh gỗ để làm đá bào (dành cho món xi rô đá bào mà học sinh rất yêu thích)


Xe bán sinh tố trên đường Nguyễn Cư Trinh (quận 01)

Nước ngọt đóng bịch, bánh tổ, và cô gái có phong cách rất mô-đen sành điệu.

Xe bán nước giải khát và quán cà phê nhỏ xíu bên vỉa hè.

Tiếng đồn MÌ QUẢNG PHÚ CHIÊM…

Ít ai biết rằng “cái nôi” của mì Quảng là ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương (Điện Bàn – Quảng Nam), nơi mà tô mì vẫn giữ nguyên truyền thống, hương sắc dân dã, không lẫn vào đâu được.

Ngày nay, món mì Quảng theo chân các cư dân Quảng Nam – Đà Nẵng lan toả khắp vùng miền đất nước từ Nam chí Bắc. Nhưng ít ai biết rằng “cái nôi” của mì Quảng là ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương (Điện Bàn – Quảng Nam), nơi mà tô mì vẫn giữ nguyên truyền thống, “hương sắc” dân dã, không lẫn vào đâu được. Ai đã một lần ăn thì không thể nào quên.

Chúng tôi đến làng Phú Chiêm vào một ngày cuối tuần, khi nắng vàng trải dài trên ruộng đồng, nơi làng mạc của một miền quê nghèo miền Trung đầy nắng gió. Làng Phú Chiêm nép mình bên con đường nhựa nhỏ, vẫn những hàng cau, khóm chuối, bụi bờ.

Nồi nước nhưn hấp dẫn

Nơi đây, bạn có thể thấy được các bà, các chị với quang gánh quảy đi bán dạo món mì Quảng hoặc ngồi bán ở dưới gốc cây đa hay một quán cóc bên đường. Sau khi dạo một vòng quanh làng, chúng tôi vào “gánh mì” của bà Bà Ngô Thị Tài (78 tuổi) ở bên đường. Miệng đang ăn trầu, bà Tài vui vẻ đọc thơ: “Thương nhau múc chén chè xanh, làm tô mì Quảng để anh ăn cùng”.

Đọc xong, bà cho biết chỉ còn lại 3 tô mì cuối cùng thôi. Trong lúc dọn mì phục vụ, bà Tài tâm sự:

“Tôi theo nghề bán mì từ thời còn con gái, khoảng 60 năm rồi. Lúc bấy giờ, đôi chân còn mạnh khoẻ, tôi gánh mì đi bán tứ xứ: gần thì Điện Thắng, Điện Bàn, Vĩnh Điện xa thì đi ô tô đến Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ để bán.

Nhờ mì Quảng Phú Chiêm có sẵn thương hiệu, giá cả lại bình dân nên được khách hàng ưa chuộng. Hằng ngày, tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng, chế biến đến 6 giờ là gánh đi bán, bán đến 10 giờ thì hết mì. Mỗi ngày bán khoảng 8 kg mì, lãi khoảng 70.000 đồng.

Ngày trước, chế biến món mì Quảng khá lâu, bây giờ máy móc, dịch vụ về tới nông thôn, nên mỗi làng có vài nhà chuyên tráng mì để cung ứng cho cả trăm gánh mì trong thôn. Đến rau sống, đậu phụng rang cũng do một người chuyên cung cấp. Chúng tôi chỉ lo nấu nồi nước nhưn cho đậm đà, thi vị mà thôi”.

Nhìn tô mì Phú Chiêm của bà khá đẹp mắt với màu đỏ của nhưn tôm, màu vàng của đậu phụng giã dập, màu nâu của bánh tráng nướng vàng, màu xanh non rau sống và ớt trái… Chúng tôi ăn hết 3 tô mì của bà, mà vẫn còn thòm thèm giữa khung cảnh làng quê. Giá rất đỗi bình dân: 12.000 đồng/tô.

Bà Tài cho biết bí quyết để có tô mì ngon thì khâu đầu tiên là sợi mì được làm từ gạo xay thật mịn và phải là gạo xiệc ngon từ những cánh đồng phù sa ven sông Thu Bồn, khi đúc mì mới có những lá mì mềm mướt, trắng nõn, dai dẻo.


Bà Tài đang giới thiệu mì Quảng Phú Chiêm truyền thống do bà chế biến.

Sau khi tráng một lớp dầu phộng đã khử củ nén cho thơm lên lá mì, gấp lại rồi xắt thành từng cọng như cọng phở; Nồi nước nhưn có thể được nấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt heo, bò, gà vịt, tôm, cá lóc, ếch, mỗi thứ nguyên liệu lại mang đến một hương vị riêng.

Nhưng theo những bậc sành ăn ở xứ Quảng thì nước nhưn mì Quảng truyền thống chỉ nấu với thịt heo (ba chỉ) và tôm. Đó là nét đặc trưng chỉ có làng Phú Chiêm vẫn trung thành với nồi nước nhưng đó; Rau sống ăn kèm với mì khá phong phú, thường là rau muống chẻ mỏng, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, các loại rau thơm.

Ăn mì Quảng không thể thiếu ớt xanh, loại ớt sừng trâu phải cắn từng miếng ớt giòn tan, thơm nồng cay đáo để, còn nếu muốn ngon hơn thì phải kèm theo bánh tráng nướng vàng ươm. Bánh tráng được tráng từ bột gạo xay mịn. trộn thêm mè, tỏi, nước mắm, bột ngọt, khi nướng lên thơm lừng hương đồng cỏ nội.

Mì quảng là món có thể ăn bất cứ chỗ nào, lúc nào. Đất Quảng Nam, trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi, tang tế, việc làng, tộc họ, đãi thợ thầy, ăn nửa buổi ngoài đồng bao giờ cũng có mì Quảng. Khách đến lúc nào dọn ăn cũng được, không đòi hỏi phải nóng sốt như phở, bún bò.

mi-quang-phu-chiem2Mì Quảng “chính gốc” đã sẵn sàng cho thực khách thưởng thức.

Ăn mì Quảng phải ăn nhanh và càng đông người ăn càng ngon miệng, cách ăn ấy bộc lộ một phần cá tính của người Quảng Nam là bình dị, dân dã và có tính cộng đồng làng, xã rất cao.

Ngày nay, quanh khu vực làng Phú Chiêm như Thanh Chiêm, Triêm Nam, Đông Khương (xã Điện Phương) có gần 200 phụ nữ hằng ngày thức dậy từ 1 giờ khuya để chế biến mì Quảng đến 3giờ sáng, sau đó lên Quốc lộ 1A đón xe ra Đà Nẵng, xuống Hội An, vào Tam Kỳ để bán.

Khoảng 5g sáng là xe ra tới Đà Nẵng. Các bà, các chị lại tỏa xuống chuẩn bị thúng mủng, gióng mây. Họ quảy gánh trên vai, một đầu là thúng đựng sợi mì xắt sẵn, đầu kia là nồi nước nhưn đỏ lửa, tỏa khói và thơm nức, miệng cất tiếng rao lanh lảnh: “Ai “en” mì Quảng Phú Chiêm đây”. Tiếng rao trên đường phố nghe sao mà dân dã, thấm đậm tình quê, khiến những kẻ xa quê thấy cồn cào, nôn nao tất dạ.

Các bà, các chị cho biết: Những gánh mì Phú Chiêm thường chỉ bán mỗi buổi sáng. Hôm nào lời nhiều khoảng 70.000 đồng. Buổi sáng rong ruổi với gánh mì, buổi chiều những người phụ nữ lại trở về tảo tần với bao nhiêu công việc nhà cửa, ruộng đồng, heo quéo. Khuya đến các bà, các chị lại tất bật lo chuẩn bị gánh mì Quảng để ngày mai dậy sớm ra Đà Nẵng rong ruổi gánh đi bán.

Mì Quảng Phú Chiêm bây giờ đã theo chân những người con tha hương của huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đến khắp các vùng miền của cả nước, nhiều nhất ở khu vực ngã tư Bảy Hiền (TP.HCM).

Theo Hòa Vang (Dân Việt)

 

Mùa măng cụt quê nội và ký ức tuổi thơ

1403324112-898c5

Thiên nhiên xứ nhiệt đới đã ban tặng cho mỗi miền quê những loài hoa thơm quả ngọt. Và cứ như thế, mỗi mùa mỗi loài hoa quả khác nhau làm nên sự thảo thơm, ngọt bùi nơi miền thôn dã.

 

Hàng năm cứ bắt đầu vào mùa mưa, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái cây ở quê chín rộ. Miền Đông Nam Bộ, một vùng đất đỏ ba dan cây trái quanh năm xanh tốt, khí hậu trong lành, một địa danh nổi tiếng đã bao đời nay với đủ loại cây ngon trái ngọt – nổi bật hơn hết “có lẽ” chính là “Măng cụt”. Một trong 50 loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn.

Măng cụt ở quê nội tôi là loại cây chính gốc Mã Lai được các nhà truyền giáo phương Tây đưa về trồng từ 200 năm trước và được nhân giống rộng rãi cho tới tận bây giờ. Măng cụt là một loại cây ăn quả nhiệt đới, họ Bứa, có thể cao tới 20–25 m sống rất lâu năm. Lá dày, dai, màu lục sẫm, hình thuôn dài. Hoa đực cụm 3-9 hoa có lá bắc. Hoa lưỡng tính có cuống có đốt.

Quả hình cầu, to bằng quả cam trung bình, vỏ ngoài màu đỏ tím dày cứng, trong đỏ tươi như rượu vang, dày xốp, phía dưới có lá dài, phía đỉnh có đầu nhụy Từ khi trồng đến khi ra trái lần đầu là 6 năm. Trong quả có từ 6 đến 18 hạt, quanh hạt có áo hạt trắng, ăn có vị ngọt mát thơm ngon. Cây măng cụt được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam nhờ có khí hậu nóng ấm nên cây dễ thích nghi và phát triển tốt.

Cứ đến mùa hè là người ta lại ngóng đến mùa măng cụt, là thứ quả rất được nhiều người ưa chuộng. Măng cụt là loại cây ăn quả được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại trái cây” vì nó ngon nhất trong các loại hoa quả vùng nhiệt đới.

Những quả măng cụt chín màu tím thẫm, bên trong là từng múi trắng như sữa, thịt quả mềm có vị ngọt thanh dịu pha một chút chua nhẹ rất dễ ăn, thấm từ đầu lưỡi tới cuống họng thật sảng khoái dễ chịu, quả măng cụt rất giàu dưỡng chất như: chất đạm, chất béo, chất carbonhydrates, chất xơ, calsium, chất sắt, phốt pho,… và vitamin như B1, vitamin C. Nhưng trong vỏ màu sậm lại chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa ung thư.

Trong khu vườn nhà nội tôi quanh năm đầy hoa trái. Gần năm sào đất với các lọai cây như : Xoài, ổi, mận, chôm chôm, sầu riêng, sa bô. Mỗi thứ một ít, thứ ăn lâu năm thứ mới cho quả mùa đầu. Mùa nào thức ấy, mỗi loại mang một hương vị riêng.

Còn nhớ mãi ngày xưa khi tôi còn học tiểu học, những khu vườn cây ăn quả luôn là một không gian yên ả ở vùng quê, mà cả thời thơ bé tôi luôn thấm đẫm trải qua tuổi thơ tung tăng rong ruỗi khắp vườn, cứ chân đất đầu trần mà lùng sục khắp nơi. Suốt ngày leo trèo nghịch ngợm phá phách.

Dưới cái nắng sáng sớm tháng 5, giữa vườn nghe xao xác tiếng gà trưa, tiếng gió rượt đuổi nhau xào xạc trên từng ngọn lá, ngã mình nằm trên thảm lá khô vừa học bài vừa thưởng thức các loại cây trái trong vườn, rồi ngủ say sưa ngon lành dưới bóng cây mát rượi, trên đầu là đủ thứ trái cây chín ngon ngọt.

Nội tôi lúc ấy còn khỏe lắm, bà thường mang chiếc võng ra giăng dưới gốc măng cụt ngoài vườn, tôi cũng bon chen “ké” một góc, hai bà cháu vừa đung đưa chiếc võng vừa nhìn lên những quả măng cụt no tròn núp sau tán lá. Theo tay nội chỉ: bà đố cháu xem quả này có bao nhiêu múi? Tôi chỉ việc nhìn bông hoa nổi lên phía dưới quả ấy mà đếm, “bông hoa” đó có bao nhiêu cánh thì trong quả măng cụt sẽ có bấy nhiêu múi.

Nụ hôn nồng ấm đặt vào má, nội khen tôi thông minh! chứ có nào ngờ đâu tôi đã ăn măng cụt của Nội đến muốn “mòn” cả răng và như một thói quen lại thêm cái tính “tọc mạch” của tuổi thơ, trước khi ăn bất kỳ quả nào tôi cũng không quên đếm số cánh hoa của mỗi trái và tôi thấy đúng “y boong”.

Rồi những năm, tháng, ngày cứ lặng lẽ trôi qua. Giờ đây xa quê đã lâu, trong cái nắng tháng 5 oi ả, với những cơn mưa bất chợt vào buổi chiều, tiếng ve bắt đầu râm ran trong những tán lá phượng, tàng lá me bên đường, lòng tôi lại quay về miền ký ức xa xưa.

Tôi nhớ về tuổi thơ tôi với rất nhiều kỷ niệm, chất chứa sự hồn nhiên trong sáng và những tháng ngày vui vẻ biết bao nhiêu, ngày ấy nơi miền quê vật chất cái gì cũng thiếu thốn, nhưng ai nấy đều vui vẻ mãn nguyện, không tham lam, không vụ lợi và chỉ có những tình thương yêu.

Tôi tuy sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, nhưng “thuyền theo lái gái phải theo chồng”. Hơn mười năm qua, tôi ở chốn Thị thành đầy bon chen… tiếng xe cộ ồn ào đô thị, hàng giờ đối mặt với bộn bề công việc, muốn tìm không gian yên ắng hít thở không khí trong lành cho tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản, muốn tìm nơi vắng vẻ để được sống “chậm” hơn chút xíu cũng thật là khó.

Vì cuộc sống luôn phải vật lộn với gạo tiền, miếng cơm manh áo, chẳng mấy khi rảnh rỗi để về thăm lại chốn quê xưa, nhưng trong tâm trí tôi luôn canh cánh một điều: Dù có đi bốn phương trời thì quê mình vẫn là tuyệt nhất…

Nó đưa ta trở về với tuổi thơ yên bình và cả “dữ dội” nữa. Hôm nay chợt nhận ra mình đã không còn trẻ nữa. Tuổi thơ đã đi qua thật nhanh nhưng đọng lại trong ký ức thật nhiều. Đó cũng là nỗi day dứt của những người con xa quê mỗi khi khắc khoải nhớ về kỷ niệm cũng như hương vị quê nhà.

Mùa hè sắp tới cũng là mùa măng cụt bắt đầu vào vụ, tôi “tranh thủ” trở lại quê nhà, trước là thăm viếng mộ phần ông bà tổ tiên, thăm vườn cây trái trải qua thời gian bao nhiêu năm không về, thế mà nó vẫn xanh um tươi tốt như thuở nào, những trái măng cụt “u nu úc núc” đang dần chuyển màu vào mùa chín rộ.

Những cây măng cụt Nội trồng năm xưa nay đã già lắm rồi. Người ta thường bảo “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhưng người trồng cây nay cũng đã ra người thiên cổ, cảnh cũ thì còn đó nhưng người xưa đâu rồi? Tôi chỉ muốn giữ mãi hình bóng của Nội và những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của tôi, để đôi khi nhớ đến lại thấy lòng mình lâng lâng một cảm giác thật kỳ lạ khó tả.

 

Theo Mỹ Nhân (Dân Việt)

 

Ngày xưa, vào hồi Tây Sơn khởi nghĩa, có một chàng trai người vùng Đồng Nai, có tài cả văn lẫn võ, đã vung gươm hưởng ứng sự bất bình của thiên hạ. Chàng từng cầm quân mấy lần đánh cho tan tác thầy trò Nguyễn Ánh.

 


Nhà Tây Sơn mất, Vu Gia Long vừa thắng thế trên đất nước Việt thì cũng bắt đầu giết hại những người từng theo nhà Tây Sơn. 

Nhân dân trong xóm quý mến chàng, khuyên chàng trốn đi thật xa. Họ giúp tiền gạo và mọi thứ cần dùng, trong đó có cả một chiếc thuyền nhỏ để tiện đi lại. Và chàng ra đi. Ngược dòng sông Cửu Long, chàng tiến sâu vào nước Chân Lạp. 

Một hôm, chàng dừng thuyền, lên bộ để mua sắm thức ăn. Chàng bước vào một cái quán bên đường. Trong quán có một bà mẹ ngồi ủ rũ bên cạnh một cô gái nằm mê man bất tỉnh. Đó là hai mẹ con đi dâng hương trên núi Tà-lơn, về đến đây thì người con bị ốm nặng. Vốn có biệt tài về nghề thuốc, chàng đã cứu chữa cho cô gái khỏi bệnh. Sẵn có thuyền, chàng chở họ về tận nhà. 

Cô gái đem lòng quyến luyến chàng. Sau một tuần chay tạ ơn Trời, Phật, mẹ nàng cho biết là Phật đã báo mộng cho hai người lấy nhau. Chàng vui mừng nhận lời và từ đó hai vợ chồng làm ruộng, nuôi tằm, xây dựng gia đình đầm ấm. 

Mười năm thoảng qua như một giấc mộng. Hai vợ chồng quấn quýt nhau như đôi chim câu. Trong vườn nhà vợ có một cây ăn quả gọi là cây “tu-rên” mà ở xứ sở chàng không có. Mùa trái chín đến, vợ bổ một trái đưa cho chồng ăn. Trái “tu-rên” vốn có một mùi khó chịu. Thấy chồng nhăn mặt, vợ bảo: 

– Anh ăn sẽ biết nó đậm đà như lòng em đây. 

Không ngờ một ngày kia, vợ đi dâng hương Đế Thiên, Đế Thích về thì ngộ cảm. Chồng cố công chạy chữa nhưng không sao cứu kịp. Cái chết chia rẽ cặp vợ chồng một cách đột ngột. Không thể nói hết cảnh tượng đau khổ của người chồng. Tuy cách trở âm dương, nhưng hai người vẫn gặp nhau trong mộng. Chồng hứa trọn đời sẽ không lấy một ai nữa. Còn hồn vợ thì hứa không lúc nào xa chồng. 

Nghe tin Gia Long đã thôi truy nã những người thù cũ, bà con ở quê nhà nhắn tin lên bảo chàng về. Những người trong xóm cũng khuyên chàng tạm đi đâu cho khuây khỏa. Chàng đành từ giã quê hương thứ hai của mình. Trước ngày lên đường, vợ báo mộng cho chồng biết sẽ đi theo cho đến sơn cùng thủy tận. Năm ấy, cây “tu-rên” tự nhiên chỉ ra mỗi một trái. Trái “tu-rên” ấy lại tự nhiên rụng vào vạt áo chàng giữa lúc chàng ra thăm cây kỷ niệm của vợ. Chàng mừng rỡ, quyết đưa nó cùng về xứ sở. 

Chàng lại trở về nghề dạy học, nhưng nỗi riêng canh cánh không bao giờ nguôi. Chàng đã ương hạt “tu-rên” thành cây, đem trồng trong vườn, ngoài ngõ. Từ đấy ngoài công việc dạy học, chàng còn có việc chăm nom cây quý. 

Nhưng cây “tu-rên” của chàng ngày một lớn khỏe. Lại mười năm nữa sắp trôi qua. Chàng trai ngày xưa bây giờ tóc đã lốm đốm bạc. Nhưng ông thấy lòng mình trẻ lại khi những cây mà ông bấy lâu chăm chút nay bắt đầu khai hoa kết quả. Ông sung sướng mời họ hàng, làng xóm tới nhà nhân ngày giỗ vợ và nhân thể thưởng thức một thứ trái lạ chưa hề có ở trong vùng. 

Khi những trái “tu-rên” được bưng ra đặt trên bàn, mọi người thoáng ngửi thấy một mùi khó chịu. Chủ nhân biết ý, đã nói đón: “… Nó xấu xí, có mùi khó chịu, nhưng chính những múi của nó ở trong lòng lại đẹp đẽ, thơm tho như mối tình đậm đà của đôi vợ chồng son trẻ…”. Ông ta vừa nói vừa bổ những trái “tu-rên” chia từng múi cho mọi người cùng nếm. Đoạn, ông ta kể hết câu chuyện tình duyên xưa mà từ khi về đến nay ông đã cố ý giấu kín trong lòng. Ông kể mãi, kể mãi. Khi kể xong, ở khóe mắt con người chung tình ấy, hai giọt lệ long lanh tự nhiên nhỏ vào múi “tu-rên” đang cầm ở tay. Hai giọt nước mắt ấy sôi lên trên múi “tu-rên” như vôi gặp nước và cuối cùng thấm vào múi như giọt nước thấm vào lòng gạch. 

Sau đám giỗ ba ngày, người đàn ông ấy bỗng không bệnh mà chết. Từ đấy, dân làng mỗi lần ăn thứ trái đó đều nhớ đến người gây giống, nhớ đến chuyện người đàn ông chung tình. Họ gọi “tu-rên”bằng hai tiếng “sầu riêng” để nhớ mối tình chung thủy của chàng và nàng. Người ta còn nói những cây sầu riêng nào thuộc dòng loại hạt có hai giọt nước mắt của chàng mới là thứ sầu riêng có trái ngon và thơm hơn các thứ khác.

(Sưu tầm)