Bún từ Bắc vô Nam (phần 1): Từ miền Bắc

BÚN TỪ BẮC VÔ NAM là loạt bài khảo cứu hay và thú vị của tác giả Phanxipang đã cho đăng rải rác trên Tài Hoa Trẻ trong nhiều số vào năm 2001. Đây là một trong những bài nghiên cứu công phu hiếm hoi về bún – món sợi có nhiều biến tấu nhất Việt Nam này. Do bài khá dài, để các bạn tiện theo dõi, chúng tôi xin chia ra làm 3 phần: Từ miền Bắc, qua miền Trung, vô miền Nam.
Bún từ Bắc vô Nam

Phanxipăng

 

Phở và hủ tíu / hủ tiếu hiện quá phổ biến đối với dân ta. 
Hai món ấy dù đã Việt hoá tối đa song bắt nguồn từ Trung Hoa. 
Có ý kiến cho rằng một trong những thức ngon thuần Việt, 
hoàn toàn mang gốc gác bản địa, chính là bún.

 

 

Qủa thật, lui tới nhiều tiệm ăn của người Hoa, tôi chưa hề thấy các món bún. Thực phẩm được gọi “bún Tàu” hoặc “bún trong” thực chất là miến dong nhỏ sợi, chứ nào phải bún đúng nghĩa. Hãy cùng tôi ngao du một chuyến từ Bắc vô Nam, bạn sẽ xiết bao thích thú khi khám phá ra rằng bún Việt Nam sao quá phong phú về chủng loại, lại cực kỳ hấp dẫn vì mỗi miền một vẻ, mà vẻ nào cũng tuyệt diệu vô ngần.
PHẦN 1: MIỀN BẮC 

 

Từ phố Hàng Bún ở Hà Nội

 

Nội thành Hà Nội hiện có phố Hàng Bún dài 484m, chạy từ đường Yên Phụ tới phố Phan Đình Phùng. Ngày nay, phố Hàng Bún thuộc quận Ba Đình; còn xưa nằm trong địa bàn thôn Yên Ninh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Sách Đường phố Hà Nội do Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá hợp soạn đã giải thích: “Sở dĩ có tên là Hàng Bún vì thời xưa thôn Yên Ninh có nghề làm bún nổi tiếng, sợi nhỏ và trắng. Cho tới năm 1945 ở đây vẫn còn có nhà làm bún”.  (1)

 

Xem lại Hoài Đức phủ toàn đồ, tức bản đồ Hà Nội do Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ, được nhiều nhà nghiên cứu xác định thời điểm ra đời vào niên hiệu Minh Mạng XII tức năm Tân Mão 1831 (2) , thấy phố Hàng Bún đấy rồi. Nhiều khả năng tên phố xuất hiện rất lâu trước thời điểm ấy nữa. Điều đó chứng tỏ bún là thức ăn quá đỗi quen thuộc của bà con Kẻ Chợ nói riêng, của nhân dân Bắc Bộ nói chung tự thuở xa xăm. Bao đợt điều tra điền dã folklore học và dân tộc học bấy nay cũng ghi nhận vai trò không thể thiếu của bún trong một số lễ hội dân gian cổ truyền ở khu vực châu thổ sông Hồng.

 

 

Do những biến động lịch sử, nền văn hoá ẩm thực Việt Nam đã ít nhiều chịu ảnh hưởng ngoại bang theo cả hai xu hướng hỗn dung: tích cực lẫn tiêu cực. Thập niên 1950, viết Miếng ngon Hà Nội(3) , Vũ Bằng nêu nhận xét: “Có thứ thì bắt chước Tàu, có thứ thì bắt chước Tây, có thứ lại quảng cáo ăn ngon như đồ Mỹ, đồ Anh, nhưng rút cục lại Hà Nội có một món quà không theo ai cả, đặc biệt Việt Nam, mà tôi dám chắc không có người Việt Nam nào không ăn, mà tôi lại dám chắc thêm rằng không có người Việt Nam nào không thích: đó là quà bún”. Thiển nghĩ nhận xét kia chẳng những đúng với vùng núi Nùng sông Nhị, mà còn phù hợp trên phạm vi toàn quốc tính đến phút giây này.

 

Giống hệt Thạch Lam trước kia viết trong Hà Nội băm sáu phố phường  (4) , nhắc về quà bún Hà thành thì y như rằng ai nấy đều nhớ ngay thứ “quan trọng và đặc điểm nhất” đồng thời “phổ thông nhất” là món bún chả. Vũ Bằng cũng thế. Cố nhiên, tôi đây chẳng khác. Nghe đồn rằng thuở xưa có ông đồ cuồng chữ ở nhà quê khăn gói lên Đông Đô, mới ngửi mùi bún chả liền khoan khoái ứng khẩu:

  • Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long,
    Bún chả là đây có phải không?

 

  • Hiện tại, hầu như khắp các quận huyện nội ngoại thành Đông Đô – Đông Kinh, đâu cũng có cửa hiệu hoặc gánh bán rong món “bửu vật” này. Cứ ngửi thấy mùi chả nướng bốc thơm phưng phức thì biết ngay. Có hai thứ chả: nướng và băm. Nhà văn kiêm nhà báo Vũ Bằng chứng tỏ sành điệu khi khuyên chúng ta dùng chung cả hai trong một bát nước chấm: “Thứ chả băm mềm đi với thứ chả miếng sậm sựt tạo thành một sự nhịp nhàng cho khẩu cái”. Ghé mấy hiệu bún chả nổi tiếng ở ô Quan Chưởng, ở Cửa Nam, ở phố Gia Ngư và phố Hàng Mành, hoặc dãy hàng bún chả trong các chợ khắp thủ đô, hầu như thấy ít khi vắng khách. Ăn với chả, đâu phải bún gì cũng đạt, mà người ta phải chọn loại bún mảnh sợi được cuộn từng lá mỏng. Còn nước chấm là nước mắm pha dấm theo tỉ lệ thế nào để đừng quá mặn, đừng quá chua, lại điểm thêm mấy múi chanh, tí tỏi, tí tiêu, tí ớt, êm lừ cả thần khẩu.
Một món bún khác thuộc diện mà tác giả cuốn Thương nhớ mười hai  (5) nhiệt liệt ngợi ca rằng “đẹp mắt, được nhiều người thèm, có thể đã đạt tới cái đích nghệ thuật ăn ngon của người Việt”. Ấy là bún ốc.

 

 

Ở thủ đô, bún ốc hiện hữu “trên từng cây số” qua bao hiệu to, quán nhỏ, cùng loạt gánh bán rong. Muốn nấu ngon món này, trước tiên cần có ốc nhồi hoặc ốc bươu béo ngậy. Còn yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng bát bún, đích thị nồi nước dùng. Phải xử lý nguyên vật liệu làm sao để nước dùng nổi đủ các vị chua – cay – mặn – ngọt – béo – bùi, lại bật đủ tập hợp sắc màu của ốc – sả – gừng – khế – cà chua – giấm bỗng – hành mỡ. Rồi phải chọn loại bún trắng nõn, sợi tròn to vừa cỡ. Bát bún mới dọn ra, lập tức kích thích con tì con vị bằng mùi thơm mê ly khiến thực khách cầm ngay đôi đũa gắp thêm xà lách, tía tô, kinh giới với rau muống chẻ nhỏ mà xơi cấp kỳ khi món ăn còn nóng giãy. Xì xụp bún ốc mùa nào cũng được, song thiên hạ bảo mùa hè thì hợp nhất vì tin rằng ốc sống dưới bùn nước nên tính mát, dẫu rằng chén xong bát bún, ai nấy đều vã mồ hôi, thậm chí có người “đầm đìa châu sa” vì cay và nóng!

 

Tôi ghé lại Hà Nội dịp hè, gặp nữ phóng viên K. đang tòng sự tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Nàng ngọt ngào mời:
– Anh ra thủ đô gặp lúc thời tiết oi bức quá. Mình lên phủ Tây Hồ ăn bún ốc giải nhiệt đã nhé. Mọi chuyện khác, tính sau.
Dãy hàng quán nối dài san sát trên đường vào phủ Tây Hồ – nơi thờ công chúa Liễu Hạnh – hiện là khu bán bún ốc đông khách nhất Hà thành. Có lẽ nơi đây nhờ địa thế rộng rãi, thoáng mát, thơ mộng. Chứ nổi tiếng lâu đời vẫn là bún ốc Khương Thượng.

K. tỏ ra rành rẽ:
– Bún ốc Hà Nội được coi là ngon còn có các quán trên đường Mai Hắc Đế, hoặc trong ngõ Đồng Xuân và ngõ Mai Hương, anh à.
Ngồi ngắm K. thưởng thức bún ốc tới ngưỡng “chăm chú thiết tha”, tôi lặng nghĩ: chẳng rõ vì sao với cái nguyên liệu mộc mạc quê mùa là thứ động vật đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
 (6) , thị dân Hà Nội lại chế biến thành món đặc sản đầy sức quyến rũ nhường kia?
Biết tôi muốn tìm hiểu chuyện bếp núc, bà chủ quán bún ốc vui vẻ giãi bày:
– Tuyển cho được ốc đạt tiêu chuẩn để nấu cũng kỳ công lắm nhé. Tốt nhất là ốc ở thôn Pháp Vân và ốc đầm Nhời với đầm Bân chuyển về cơ.
Thôn Pháp Vân thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Còn đầm Nhời với đầm Bân thuộc huyện Ba Vì ở tỉnh Hà Tây kề cận. Tôi sặc cười khi nghe K. vừa hít hà, vừa đọc ca dao:

 

Lòng em những muốn lấy vua, 
Nhưng còn tiếc ốc, tiếc cua đầm Nhời
 
Lòng em toan lấy ông… giời,
 
Nhưng còn tiếc ốc đầm Nhời, đầm Bân.


Xưa, ngoại thành Thăng Long có ngôi làng mà tên gọi đã gắn liền với một món bún ngon: bún mọc. Đó là làng Mọc, còn gọi Kẻ Mọc, trước thuộc tổng Nhân Mục, bây giờ nằm trong địa bàn quận Thanh Xuân. Vốn là quê hương của nhà thơ Đặng Trần Côn, tác giả kiệt tác văn chương bằng chữ Hán Chinh phụ ngâm, mảnh đất kia còn sản sinh ra món bún khá thanh với nước dùng ninh xương lợn, thả thêm thịt ba chỉ, giò viên, nấm hương. Làng nay đã đô thị hoá, song tên nhiều đường phố vẫn bảo lưu một số địa danh thuở nào: Quan Nhân, Chính Kinh, Khương Đình, Khương Trung, v.v. Thế nhưng, quà bún mọc truyền thống thì ở đây tiếc thay, chẳng còn quán xá thật lừng danh! Khách sành điệu bây giờ lại thường tìm đến bún mọc Tô Lịch và bún mọc Đông Cô ở ngõ Báo Khánh, cạnh hồ Hoàn Kiếm.

 

Trong tuyển tập Văn hoá ẩm thực Hà Nội  (7) , giáo sư Vũ Ngọc Khánh khẳng định: “Quê gốc bún thang là từ Hà Nội và cũng thịnh hành ở Hà Nội”. Vậy nhưng, phóng viên báo Doanh Nghiệp là Nguyễn Anh Dũng rủ tôi đi chơi phố Hiến (Hưng Yên) với ý kiến phản biện xem chừng hữu lý:
– Xét gốc tích, chưa biết bún thang được sản sinh ở Hà Nội trước hay ở Hưng Yên trước. Có tài liệu chứng minh rằng từ thế kỷ XIII, ở làng Hoa Dương dưới ấy, người Hoa đã làm ra nhiều món ngon như kẹo thiều châu và bánh khảo phục linh, còn người Việt thì có bánh cuốn, bánh tôm, và nhất là bún thang đặc sắc. Ở Hưng Yên, bún thang còn có thể xuất hiện sớm hơn, nhưng lừng lẫy suốt cả trăm năm nay thì khắp nước chẳng đâu bằng quán bún thang bà Xã Kỷ nơi phố Hiến. Đã thẩm định bún thang tại quán bà Xã Kỷ, nhà văn Nguyễn Tuân đánh giá là “ngon nhất Bắc Kỳ”, nên cụ đặt thêm cho quán cái tên “quán bún thang Thế Kỷ” đấy!

 

Để minh chứng, Nguyễn Anh Dũng xoè tờ tạp chí Văn hoá nghệ thuật ăn uống số 1 phát hành tháng 11-1987. Tôi đọc, thấy những điều Dũng vừa phát biểu đã được xác nhận rành rành qua văn bản.

 

Chế biến bún thang khá cầu kỳ bằng nhiều nguyên liệu. Lươn và thịt gà xé nhỏ, ướp gia vị rồi xào nghệ cho vàng ươm. Trứng tráng cùng giò lụa đã thái chỉ sẵn. Nước dùng thì hầm kỹ xương lợn, xương gà, cua đồng, tôm he, nấm, củ cải. Bún phải chọn loại mảnh sợi, chần sơ nước sôi rồi mới bỏ vào bát. Đoạn đặt lươn, gà, trứng, giò lụa lên trên, cùng nhúm ruốc thịt / thịt chà bông và đôi lát trứng muối. Rắc thêm rau mùi, răm, húng, hành, ngò, xong mới chan nước dùng nóng sốt. Chưa hết. Đầu bếp còn điểm vào tí mắm tôm cà cuống cho bát bún ngát hương đượm vị đã, lúc ấy mới dọn mời thực khách. Bún thang chính là một kiểu bún thập cẩm thấm đẫm phong vận xứ Bắc. Thoạt nhìn bát bún thang, người người đã cảm thấy thích mắt vì sự phối sắc cực kỳ “technicolor” (8) . Ăn, lại càng khâm phục cổ nhân quá thành thục phương pháp phối kết “nhiều trong một” chứ đâu phải đợi tới bây giờ!

 

Hoàng Lan – một người đẹp ở quận Lê Chân của thành phố Hải Phòng – nói với tôi:– Bố mẹ em bảo trước kia, chỉ trừ ít quán tạithứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến và tại vài thành phố khác nữa như Hải Phòng với Nam Định là có bán bún thang. Chứ khắp miền Bắc, dân chúng chỉ dọn bún thang ngày giỗ chạp hoặc dịp Tết nhất, vì đấy là món cao cấp mà. Bây giờ thì bún thang bán thoải mái nhiều nơi.

– Vậy đất Phòng có quà bún nào phổ thông tiêu biểu?
Nghe tôi hỏi, Hoàng Lan đáp ngay:


– Chắc chắn là bún ngan, anh ạ.

 

Ngan, có địa phương gọi vịt xiêm, quả là thực phẩm thường gặp tại Hải Phòng. Dạo quanh phố cảng, tôi thấy nhiều quán treo biển “bún ngan, miến ngan”. Tương cận chủng loại này, có lẽ nên kể thêm bún vịt và búnngỗng. Tất cả đều sử dụng thuỷ cầm “đa mao thiểu nhục tắc phù” thuộc họ động vật Anatidae làm nguyên liệu chủ công, thường hầm với măng để ăn bún. Măng tre nhiều dạng (tươi, khô, chua) nếu hầm cùng thịt lợn mà xơi bún, ta lại có món bún măng riêng.

 

 

 

Ngược lên Lạng Sơn, bạn sẽ gặp lắm “biến tấu” khá độc đáo từ bún vịt cũng như bún măng. Chẳng hạn bún vịt quay măng chua ở ga Đồng Mỏ hoặc chợ Kỳ Lừa. Xuôi về Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, bạn cũng nên nếm qua bún sườn cùng bún lòng cho biết.

 

Nhà giáo Trần Quốc Đỉnh, bút danh Trần Nam Xuyên, biệt hiệu Đinh Như Điển, là người gốc Hà Nam nhưng sinh trưởng tại Nam Định. Đinh Như Điển gật gù:

 

– Thiên hạ quen ăn tiết canh mí lị cháo lòng. Tớ thì khoái bún lòng hơn. Bún dẻo thơm, ngồm ngoàm với lòng lợn, gồm dạ dày, ruột non, cổ hũ, tim, gan, phổi, và mấy lát dồi chấm mắm tôm đánh chanh ớt ngầu bọt. Vừa xực vừa đưa cay. Ối giời ơi! Tuyệt!Nói vậy, song tại thành phố Nam Định, Trần Quốc Đỉnh lại đèo tôi vào một quán nằm sâu trong ngõ hẻm ngoằn ngoèo nơi phố Hai Bà Trưng – xưa là phố Vải Màn – để thưởng thức bún cá rô đậm đà hương vị đồng quê. Gặp mùa cá rô nặng bụng trứng thì món bún này càng thêm béo thơm ngọt.

 

Một món bún cực kỳ đơn giản song dân Hà Nội khoái lắm: bún đậu. Đậu phụ / đậu khuôn / tàu hủ được rán dòn nóng bỏng, chấm mắm tôm, kẹp rau kinh giới, ăn với bún đã cắt thành từng vuông nhỏ. Quà bình dân này thu hút đông đảo khách nhiều thành phần, từ học sinh, sinh viên, đến công nhân viên chức, văn nghệ sĩ, thương nhân. Các gánh bún đậu bên lề đường Thái Hà và Lý Quốc Sư, trưa nào cũng đông nghịt. Đắt khách nhất ắt là quán bún đậu trong ngõ Phất Lộc, con hẻm nằm song song với phố Nguyễn Hữu Huân, nơi mà học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) từng chào đời.

 

Trước khi cùng nhau lên đường vào miền Trung, K. đưa tôi rẽ vào ngõ Phất Lộc để ăn bún đậu và luận chuyện bún. Cô nàng nói:

 

– Anh ruổi rong nhiều tỉnh thành, chắc đồng ý với em rằng cho tới nay, bún đậu là món độc nhất vô nhị của Hà Nội. Tuy chế biến quá đơn giản, nhưng trừ Hà Nội ra, chẳng đâu có bún đậu cả. Còn khối món bún khác, như bún riêu, bún bung, bún dấm cá và canh bún thì theo em biết, ba miền đất nuớc đều không thiếu, nhất là bún riêu.Tôi hỏi:

– K. biết bao nhiêu kiểu bún riêu?
Nàng cười lúng liếng:
– Gì chứ khoản ăn uống, em giỏi ra phết nhé. Bún riêu cua này. Bún riêu tôm này. Bún riêu cá này. Bún riêu ốc này. Bún riêu nhót này. Tiếc là em chưa hân hạnh được anh mời thử bún riêu… tim ấy thôi!

 

 

Xem tiếp: QUA MIỀN TRUNG

 

 

____________ 

Chú thích:


(1) NXB Hà Nội, 1979, trang 157. 
(2) Bản đồ ấy được vẽ theo tỉ lệ 1:500 trượng trên giấy croquis, gồm nhiều mảnh ghép, kích cỡ toàn thể 175 x 190cm, bấy lâu nay được bảo lưu ở Hà Nội, trong kho tài liệu của Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Viết bài Bàn về niên đại của bản đồ mang tên Hoài Đức phủ toàn đồ in trong các sách Đối thoại sử học (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000), Đối thoại Thăng Long – Hà Nội(NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2009), Bùi Thiết cho rằng bản đồ ấy không ra đời vào năm 1831 mà có thể muộn hơn. Phổ biến thời gian qua là Hoài Đức phủ toàn đồ được vẽ lại vào năm 1956 bởi Biệt Lam Trần Huy Bá. Ngày 24-9-2010, Viện Thông tin Khoa học xã hội chính thức công bố bản scan từ bản gốc Hoài Đức phủ toàn đồ. 
(3) Thoạt tiên, công bố trên báo Mới tại Sài Gòn theo dạng nhiều kỳ, từ năm 1950 đến năm 1952; in thành sách lần đầu tiên năm 1955 bởi NXB Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn, sau được nhiều cơ sở tái bản. 
(4) Thoạt tiên, công bố trên tờ Ngày Nay tại Hà Nội theo dạng nhiều kỳ; NXB Đời Nay ở Hà Nội in thành sách lần đầu năm 1943, khi Thạch Lam (1910 – 1942) đã qua đời, sau được nhiều cơ sở tái bản. 
(5) Sách này của Vũ Bằng (1913 – 1984) in lần đầu tiên bởi NXB Nguyễn Đình Vượng tại Sài Gòn năm 1972. 
(6) Trích thơ tương truyền của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. 
(7) NXB Lao Động, Hà Nội, 1999, trang 49. 
(8) Technicolor là danh từ của nhiều ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Ý, Thuỵ Điển, Phần Lan, Hà Lan, Ba Lan, Rumania, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, v.v.), mang nghĩa kỹ thuật phim màu. Tiếng Nga phiên chuyển thành текниколор. Tiếng Hoa phồn thể ghi 特藝七彩, giản thể ghi 特艺七彩, bính âm phát te yi qi cai, âm Hán-Việt là đặc nghệ thất thái. 
(9) NXB Làng, California, 1997; NXB Trẻ tái bản, 2000. 
(10) NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1970, sau được nhiều cơ sở tái bản. 
(11) Bộ sách Đại Nam nhất thống chí được dịch sang tiếng Việt do Á Nam Trần Tuấn Khải và Tu Trai Nguyễn Tạo vào năm 1960, Nha Văn hoá Bộ Quốc gia giáo dục tại Sài Gòn ấn hành; tới năm 1982, Phạm Trọng Điềm lại dịch sang Việt ngữ, Đào Duy Anh hiệu đính, Viện Sử học ấn hành, sau có một số cơ sở, chẳng hạn NXB Thuận Hoá ở Huế, tái bản. 
(12) Mùng 5 tháng 5 âm lịch. 
(13) Phiên âm danh từ tiếng Pháp goût, nghĩa là khẩu vị. 
(14) Phiên âm danh từ tiếng Pháp air, nghĩa là khí, dáng, điệu. 
(15) Đã đăng trên Tài Hoa Trẻ 310 (7-4-2004), Phong Cách 1 (10-2006), Thực Đơn Khoẻ Đẹp 3 (4-2010). 
(16) Lê Thần Tông có huý danh Lê Duy Kỳ (1607 – 1662), trị vì giai đoạn 1619 – 1643. 
(17) Đại Nam quấc âm tự vị gồm hai tập. Tập 1 in năm 1895. Tập 2 in năm 1896. (18) NXB Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội in lần đầu vào năm 1998, sau được một số cơ sở, chẳng hạn NXB Đà Nẵng, tái bản.

 

Đã đăng Tài Hoa Trẻ 167 ~ 169 (2001) 
Đăng lại trên Khoa Học & Phát Triển 82 (10-2010)

http://chimviet.free.fr/amthuc/phanxipang/phanxipn_bun.htm – http://chimviet.free.fr/amthuc/phanxipang/phanxipn_bun.htm
 

 

Hủ tiếu gõ, ngõ Sài Gòn

Đã từ lâu, hình ảnh cái xe hủ tiếu còi cọc đậu nơi hè phố với một dáng vẻ khiêm nhường hết cỡ, đã trở thành một cái gì đó không thể thiếu trong những câu chuyện ăn uống Sài Gòn.

Người ta dùng mấy tiếng: Hủ tiếu gõ, gọn lẹ hơn: Mì gõ… để gọi và cũng là để mô tả cái biểu tượng giản dị nhưng cũng đầy cá tính riêng biệt đó. Cá biệt, ở cách bán, cách ăn, cho tới hương vị. Xa xăm, hoài niệm hơn một chút: cá biệt ở cái tiếng gõ. Hơn chục năm trước, tiếng gõ lóc cóc, hoặc leng keng, hoặc lạch cạch, thay cho tiếng rao mời hủ tiếu bằng miệng, vẫn rất thịnh hành. Tiếng gõ có tiết điệu, hình như mang theo tâm trạng người gõ, lúc vui vẻ, lúc buồn bã, khi hững hờ, khi hớn hở… và thường mang đến cho người nghe cảm giác…đoi đói. Để cho tới hôm nay, người ta sẽ cảm thấy lao xao quá đỗi, mỗi khi nghe ra tiếng gõ hũ tiếu trong một khoảng lặng mịt mờ nào đó của đời sống thành thị. Vì bây giờ, không mấy ai đi gõ nữa, có lẽ tại Sài Gòn đã quá ồn ả cho những tiếng gõ đó chăng?

Hết gõ, nhưng vẫn gọi hủ tiếu gõ, chính là vì chưa một ai vội quên đi cái âm điệu mộc mạc đáng yêu đó. Ừ thì hết người đi gõ, nhưng xe hủ tiếu vẫn còn đâu đó thôi. Ừ thì, tạm biệt một thứ dư âm lãng mạn, ta đi ăn hủ tiếu, ăn sợi hủ tiếu phơi khô rồi lại trụng nước, ta ăn miếng bò viên thái mỏng hết cỡ, ta húp muỗng nước lèo ngòn ngọt thơm mùi hẹ ớt xì dầu, chớ đâu có ăn âm thanh lóc cóc leng keng, tuy rằng, nói thật thì vẫn hơi buồn một chút.

Có ai đã thống kê có bao nhiêu xe hủ tiếu gõ ở Sài Gòn? Cái sự thống kê thực khá là thơ mộng, ngộ nghĩnh và có lẽ không khả thi mấy. Mỗi xe hủ tiếu gõ lặng thầm hùng cứ một góc phố, một ngõ hẻm, Sài Gòn có bao nhiêu con phố, bao nhiêu con hẻm, thì hãy gom lại đi, rồi cộng với một con số dễ thương nào đó cho dư ra, càng nhiều càng tốt, để tạm gọi là biết số lượng xe hủ tiếu đang ngang dọc, dọc ngang.

Tính sơ sơ như vậy, để thấy sự gắn bó vô địch của hủ tiếu gõ đối với mảnh đất Sài Gòn. Tại sao có hiện tượng trên? Là bởi đất Sài Gòn, tuy lắm khi mang tiếng đắt đỏ, phồn hoa lấp lánh chi chi đó, nhưng không hề, Sài Gòn thực chất rất giản dị, bụi bặm, và rẻ rề. Ai chưa tin, thì cứ ghé vô một quán hủ tiếu gõ – không tốn kém gì hết, kể cả xăng, vì nó cách nhà bạn quá lắm vài trăm thước.

Gọi là quán cho dễ gọi, chứ chỉ là mấy cái bàn kèm theo mấy bộ ghế cóc. Ngay cạnh đó là xe hủ tiếu bốc khói, thoang thoảng mùi nước lèo. Gọi là quán, nhưng người ngồi ăn luôn ở tình trạng lộ thiên hết cỡ, may mắn mới có cái bạt che, lỡ mà gặp trời mưa, tấm bạt èo uột kia không đỡ nổi, nước bắn vô tô hủ tiếu từ vài chục đến vài trăm giọt, gọi là nêm thêm đôi chút hương vị Sài Gòn. Vậy đó, để cho biết bao người, nói mê mẩn thì hơi quá, nhưng gần thì ăn, xa thì nhớ, nhớ thì thèm. Cái hương vị đặc trưng của hủ tiếu gõ, của Sài Gòn, mà không một quán ăn hoàn chỉnh nào tái hiện nổi, nó cứ nhẹ nhàng, bâng quơ… như một bài thơ, một tiếng hát giang hồ không cầu kỳ gọt dũa, vậy mà ngấm, nhiều khi ngấm tới trái tim, nói hơi quá, nhưng còn biết nói sao? Còn biết nói làm sao cho nó bớt tình cảm hơn, khi mà cái tô hủ tiếu được cả Sài Gòn công nhận về độ dễ ăn ấy, chỉ có giá là… mà thôi, không ai nỡ nói giá tiền của một món quà, ở đây, là món quà giành cho những người yêu Sài Gòn.

Nói về hủ tiếu gõ thì còn nhiều chuyện lắm, nhưng rồi, nói chỉ là nói, nghe chỉ là nghe, không thay thế được cho hành động. Hôm nay, ngày mai, ngày mốt, hoặc ngày kia, bạn sẽ phải đi ăn một tô, cho nhớ. Nhớ rồi thì để giành đó, sau này sẽ có lúc dùng tới, đó là khi bạn được một người bạn đầy thú vị nào đó gợi nhắc về một Sài Gòn mà ai cũng ưa thích, đó là một Sài Gòn rất dân dã, chịu chơi mà gần gũi vô cùng…

 Trần Khiêm

NHỮNG MÓN NÊN ĂN VÀO DỊP TRUNG THU

Tết Trung thu đến vào giữa mùa thu, khi những thức ngon vật lạ đang độ dồi dào. Trong dịp Tết, gia đình quây quần vui vẻ, cùng nhau thưởng thức món ngon bên mâm cỗ ấm cúng. Vậy ta nên lựa chọn những món nào vừa ngon vừa phù hợp với tiết khí, mang lại sức khỏe cho cả gia đình.

Bánh trung thu

Tất nhiên, món ăn truyền thống không thể thiếu là những chiếc bánh trung thu. Bánh trung thu vốn là chiếc bánh truyền thống có từ lâu đời của dân tộc. Dịp tết Trông trăng về, không khí mùa thu trở nên vô cùng mát mẻ và dễ chịu sau thời gian dài những ngày hè nóng nực, oi bức. Gia đình lại quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức những chiếc bánh trung thu thơm ngon. Bánh trung thu đặc trưng có hình trong tượng trưng cho trăng tròn, có vị vô cùng ngon miệng và hấp dẫn. Bánh cũng có đầy đủ dưỡng chất cho sức khỏe.

Khoai môn

Với phong tục xưa, ăn khoai môn có tác dùng diệt ác, trừ ta và tôn sùng cái thiện. Qua đó, việc ăn khoai môn vào ngày tết trung thu có ngụ ý muốn xua tan điều không may và câu mong một vụ mùa sắp tới may mắn.

Ốc

Mỗi dịp trung thu, ốc thường rất ngon, bởi ốc lúc đấy rỗng ruột, không sinh sản nên không có con, nhiều thịt. Trong ốc cũng chứa nhiều Vitamin A có tác dụng bổ mắt. Đó chính là lí do mà người xưa quan niệm rằng ăn ốc vào mùa thu có thể giúp sáng mắt. Bây giờ, nhiều người, nhiều gia đình vẫn giữ được tập tục ăn ốc vào ngày tết trung thu.

Món chế biến từ ngó sen

 

1381993_10151795979683229_1727725283_n

Ngó sen là thứ nguyên liệu đặc trưng của mùa thu dành cho ngày tết trung thu. Dùng ngó sen, hoa quế trộn vào các thức ăn tạo ra hương vị của món ăn mới, hấp dẫn và có hương vị thơm ngon hơn rất nhiều. Các hương vị của ngó sen, hoa quế hòa quyện tao ra cảm giác thoang thoảng của mùa thu, làm bữa cơm đoàn viên của gia đình thêm phần ấm cúng, yêu thương nhau nhiều hơn. Ngoài ra, ngó sen còn biểu tượng cho sự cát tường, ăn ngó sen trong dịp tết trung thu nghĩa là sự đoàn viên.

Món ăn truyền thống

Trung thu được coi như cái tết thứ 2 của dân tộc, ngày mà gia đình bên nhau, cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống và nhớ về những nét văn hóa lâu đời của dân tộc. Bên cạnh đó, các món ăn dân tộc được dâng lên ông bà, tổ tiên, đất trời cũng là một tập tục đầy ý nghĩa.

(st)

“Truyền thuyết” về bánh mì Sài Gòn, món ngon đường phố số 1 thế giới

Bánh mì là món ăn chính của phương Tây, xét về mặt biểu tượng thậm chí được đồng nhất với thánh thể của chúa Kitô: Bánh mì là bí nhiệm nhỏ, rượu vang là bí nhiệm lớn. Có lẽ, bánh mì đã xuất hiện ở xứ ta trước cái mốc 1859, nhưng được biết đến nhiều là sau khi đội quân viễn chinh chiếm thành Gia Định.

 

Lịch sử xuất hiện món bánh mì tại Sài Gòn:

Bánh mì là món ăn chính của phương Tây, xét về mặt biểu tượng thậm chí được đồng nhất với thánh thể của chúa Kitô: Bánh mì là bí nhiệm nhỏ, rượu vang là bí nhiệm lớn. Có lẽ, bánh mì đã xuất hiện ở xứ ta trước cái mốc 1859, nhưng được biết đến nhiều là sau khi đội quân viễn chinh chiếm thành Gia Định.

Ngoài người Pháp, cách làm bánh mì(hay còn gọi là bánh mì Baguette) đầu tiên được người Hoa tiếp thu, sản xuất bán ra thị trường và trong số khách hàng mua bánh mì thời kỳ đó có cả người Việt: Bồi bàn, thông ngôn, thầy lý có lẽ là những người nếm bánh mì đầu tiên; kế đó là công chức tân trào, rồi đến tầng lớp Tây học, thị dân và dần dần tỏa rộng phổ biến cả thành thị lẫn nông thôn.

Loại thức ăn này tồn tại trong cái nhìn của dân ta là bánh – hiểu là món ăn chơi, không phải là thực phẩm thường xuyên như cơm, thế nhưng dần dà đã trở thành “cơm tay cầm”, tức không ăn bằng chén đũa và ăn bánh mì thay cơm được định danh theo kiểu nói lóng là “thổi kèn”, hàm nghĩa là ăn tùng tiệm qua bữa, không đầy đủ đàng hoàng như bữa cơm thường lệ. Thế mà đến nay, các loại bánh mì đều có đủ mặt (bánh mì rế, bánh mì đũa, bánh mì cóc…) và việc ăn bánh mì có nhiều biến tấu đa dạng.

Bánh mì ăn theo kiểu Tây có cơm Tây, bánh mì ăn với súp, bittết, ốp-la (oeufsurplat), bánh mì ôp-lết (omelette: trứng rán), bê-cơn (bacon của Ăng lê). Có thể kể thêm cách ăn bánh mì với patê, jămbông, xúc xích, bơ, mứt.

Khởi thủy của bánh mì Sài Gòn cũng như tất cả bánh mì ổ ở Việt Nam chính là bánh mì Baguette do người Pháp mang đến những năm đầu thế kỷ 19. Những sự biến đổi về hình thức cũng như chất lượng đến cách chế biến phong phú cho bánh mì Sài Gòn đã nói lên nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của người Sài Gòn. Trước năm 1975, với chương trình tài trợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bộ giáo dục đã chu cấp cho các trường tiểu học tư thục và công lập một bữa ăn nhẹ với bành mì và sữa tươi, sữa thì do hãng sữa Fore Most cung cấp và bánh mì do các lò cung cấp.

Đứng trước nhu cầu đó, giới sản xuất bánh mì Sài Gòn coi đây là một thách thức “tuyệt diệu”. Những lò gạch truyền thống theo kiểu Pháp từ những năm của thập niên 50-60 thiếu khả năng đáp ứng, sang những năm đầu 70 được thay thế dần bằng những loại lò điện, tiêu biểu như “Matador” hay “Anwator” của Nhật được biết qua tiếng Anh là deck ovens, là loại lò có nhiều tầng/ngăn nướng. Sau năm 1975 kinh tế tư nhân bị tiêu diệt (1975-1986) nhu cầu cung cấp điện bị hạn chế tối đa, một số lò điện và lò gạch chỉ hoạt động dưới dạng hợp tác xã và sản xuất “chui/lậu” ra thị trường, cũng từ đó xuất hiện một loại bánh mì có tên “bánh mì lò thùng phi/phuy”, người dân Sài Gòn sống trong thời “bao cấp” đều biết đến “danh xưng” bánh mì thùng phuy (lò được chế biến từ những thùng phuy 200l, lò có 2 phần chính: phần vỏ bên ngoài được dùng nguyên vẹn 1 thùng phuy).

Tiệm bánh mì đầu tiên tại Sài Gòn

Tiệm bánh mì Hòa Mã năm 1960

 

Gần ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu có một tiệm bán bánh mì nhỏ với bảng hiệu cũ kỹ, phai màu theo năm tháng. Bánh mì Hòa Mã đã tồn tại 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhiều người khẳng định chủ nhân ở đây là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Dậu, chủ nhân của hiệu bánh mì Như Lan hiện nay, cho biết ngày xưa bà rất mê bánh mì Hòa Mã. Lúc nhỏ, bà thường đến mua bánh mì ở đây và ước ao ngày nào đó mình cũng có một cửa hàng bán bánh mì như ý thích.

Sài Gòn từ trước năm 1958 đã có những cửa hiệu bán bánh của người Pháp. Họ bán bánh ngọt, bánh mì theo gu Pháp để phục vụ chủ yếu dân Tây. Bánh mì Tây là loại đặc ruột, tùy hình dáng mà được gọi tên (bánh mì gối là do tròn lớn như cái gối…). Và thịt nguội được bán riêng theo nhu cầu của người mua.

Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để cung cấp cho người Việt trong khu vực. Thế là năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay.

Ban đầu, tiệm cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công chức, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm. Thế là Hòa Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa, pa–tê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc, lớp học.

Lúc đó, tiệm Hòa Mã gọi một ổ bánh mì thịt của mình là cát–cút, có lẽ dùng theo từ Pháp casse-croûte, tức bữa ăn lót dạ, bữa ăn qua loa (thật ra, tên gọi đúng của bánh mì kẹp thịt là sandwich). Giá bán một ổ là 3 – 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 – 10 đồng.

Ngày xưa, các vị công chức ở vùng Bàn Cờ, cư xá Đô Thành rất thích ăn bánh mì Hòa Mã. Bà Tịnh vốn xuất thân làm thịt nguội cho hãng Tây nên vẫn giữ gu Pháp cho bánh mì Hòa Mã suốt 50 năm. Không ít người ở nước ngoài về thăm quê hương thường ghé lại Hòa Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt không thể nào quên.

Hương vị bánh mì Sài Gòn

Bánh mì thịt kiểu Sài Gòn bắt đầu định được dáng vẻ, hương vị riêng của mình. Vì ổ bánh mì vừa đủ cho một khẩu phần ăn nên không cần lớn lắm, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải để bột không quến khi nhai làm mất ngon.

Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau. Vì vậy ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương  thơm, vài khoanh ớt cay vừa ăn vừa hít hà mới khoái.

Ăn ổ bánh mì thịt có đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của bột mì, béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa–tê như một bản phối tròn trịa sắc màu nhưng không hề ngán bởi có rau dưa tươi mát. Và điều quan trọng của ổ bánh mì thịt Sài Gòn là ngon, rẻ, tiện lợi cho tất cả mọi tầng lớp.

Một thời gian sau, nhiều hiệu bánh mì thịt bắt đầu xuất hiện ở thành phố. Bánh mì không dừng lại ở món điểm tâm nữa, nó được dùng cả ở bữa trưa, chiều, tối.

Hằng ngày những chiếc xe được sắp đầy những ổ bánh vàng ươm thơm phức và được chở đi khắp mọi nẻo đường khắp Sài Gòn để phục vụ cho người dân Sài Gòn. Có lẽ bánh mì là một món ăn không thể thiếu và không thể không bắt gặp ở Sài Gòn.

Ngoài bánh mì kẹp thịt nguội thì ở Sài Gòn bạn còn có thể bắt gặp những biến tấu của nhân kẹp bánh mì với các loại như:

Bánh mì thịt nướng: Nhân bánh mì được làm từ thịt heo ướp với các loại gia vị và đem nướng lên , ăn kèm với dưa chua và nước mắm, món này các bạn có thể bắt gặp ở khắp nẻo đường Sài Gòn trên những chiếc xe bán bánh mì dạo.

Bánh mì xíu mại: Món này được người Hoa ở Sài Gòn chế biến mang một nét đặng trưng với thứ nước sốt cà huyền bí và màu sắc hấp dẫn của những viên xíu mại chắc chắn sẽ làm xiêu lòng mọi thực khách từ già tới bé

Bánh mì ốp la: Món bánh mì này là một trong những món khoái khẩu của giới học sinh, sinh viên, vị thơm và béo của trứng hòa quyện cùng vị chua ngọt của dưa chua và độ giòn của bánh mì làm biết bao giới trẻ si mê, vừa rẻ lại vừa bố và thơm ngon.

Bánh mì chả cá: Những miếng chả cá nóng giòn vàng ươm được nhồi vào trong ổ bánh mì nóng giòn thì quá tuyệt

Bánh mì heo quay: Heo quay giòn rụm mà ăn chung với bánh mì giòn sẽ tạo ra những âm thanh nghe rất vui tai và hương vị cực kì ngon.

 

Bánh mì Việt – món ăn đường phố ngon nhất thế giới

Được ưu ái giữ nguyên tên tiếng Việt, bánh mì Việt Nam được các báo nước ngoài giới thiệu là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Vào năm 2011 từ “banh mi” được đưa vào từ điển danh tiếng của Oxford.

Bánh mỳ Việt Nam được giới thiệu là một trong những món đường phố ngon nhất thế giới.

Chuyên trang du lịch The Gardian miêu tả, tại Việt Nam ổ bánh dài được nướng qua trên than hồng cho giòn lớp vỏ. Người ta mổ chiếc bánh ra, thoa một ít sốt mayonnaise, patê, sau đó nhồi thịt, rau ngâm chua, rau sống vào, có thể chan thêm nước tương, gia vị cay.

“Một điều bí mật mà không mấy người biết là món sandwich ngon nhất thế giới không phải được tìm thấy ở thành phố Rome, Copenhagen hay New York mà ở Việt Nam”, bài báo viết.

Xét về nguồn gốc, bánh mì Việt Nam là sản phẩm giao lưu hóa ẩm thực của nhiều quốc gia. Chẳng hạn chiếc bánh mì nướng rất giống với các loại bánh mì Pháp, trong khi thành phần nguyên liệu gồm xá xíu, thịt lợn nguội lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Riêng các loại thảo mộc và gia vị thì rõ ràng là đặc trưng của vùng Đông Nam Á. Giá trung bình của một ổ bánh mì khoảng 15.000 đồng.

 

Theo banhmi.odau.com

5 ĐẶC SẢN TỪ SÂU TUYỆT NGON CỦA ẨM THỰC VIỆT

Ẩm thực Việt rất đa dạng và đặc sắc, và dĩ nhiên trong đó có không ít những món khó làm quen. Những món từ sâu sau đây là một ví dụ.

Rươi

Rươi là một giống hải trùng có nhiều ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… Tuy vậy, món ăn lại nổi tiếng và quen thuộc với người Hà Nội. Về hình dáng, rươi trông gần giống đỉa lai rết bởi thân hình nhũn nhũn nhưng rất nhiều chân. Khi sống, rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ, vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ, sặc mùi tanh. Với hình dáng đó, nó không chỉ khiến trẻ em mà du khách cũng phải xanh mặt.

Thế nhưng, sau khi qua chế biến, kết hợp cùng một số nguyên phụ liệu khác, con rươi đáng sợ chuyển mình thành đặc sản thơm ngon khó quên với các món như chả rươi, rươi hấp, rươi xào củ niễng, rươi kho, mắm rươi, rươi khô, rươi đúc trứng…

Những con rươi sống đủ sức làm xanh mặt người “yếu vía”.
 

Thế nhưng món chả rươi ngon lành lại có mãnh lực khó cưỡng.

Sâu măng

Sâu măng là loại sâu sống trên cây măng và là đặc sản của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Sâu măng to bằng đầu đũa, dài cỡ 2 đốt ngón tay. Cách săn sâu khá đơn giản, vào khoảng tháng 9, tháng 10, người săn sâu chỉ cần mang theo dao và giỏ đi một vòng quanh rừng nứa. Những bụi nứa có cây măng nào cao khoảng đầu người có biểu hiện héo ngọn, thân cong, mắt u thì hạ xuống, rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ.

Có nhiều cách chế biến sâu măng nhưng món ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là xào lá chanh. Giá bán sâu măng ngay tại thị trấn Mường Lát vào mùa thu hoạch có giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.

Sâu măng có màu trắng đục, thon dài.
 

Không chỉ hấp dẫn ở vị ngọt, béo, đặc sản kinh dị này còn “lôi cuốn” thực khách ở hương thơm, vị giòn khó cưỡng.

Sâu chít

Sâu chít là côn trùng sống trong cây chít và là niềm tự hào về đặc sản đặc biệt địa phương của người dân Tây Bắc. Với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, sâu chít được xưng tụng là “đông trùng hạ thảo của Việt Nam”.

Cách bắt sâu chít khá đơn giản. Người thu hái sẽ lựa chọn những cây chít có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa, chẻ đôi ngọn để moi sâu ra, thả vào chậu rượu nhạt để sâu không bị biến chất. Cách sử dụng phổ biến nhất của sâu chít là ngâm rượu, ngoài ra còn có thể sao khô, nấu cháo.

Ngọn chít có sâu được bày bán để giữ nguyên hương và chất của đặc sản.
 

“Đông trùng hạ thảo của Việt Nam” không chỉ dành riêng cho đàn ông.

Sâu cát (sá sùng)

Gọi là sâu cát vì nó thường sống sâu trong cát và có hình dáng giống với loài giun, còn gọi là trùn biển, sá sùng. Sâu cát được tìm thấy nhiều ở vùng bờ biển Quảng Ninh, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn.

Muốn bắt được sá sùng, bạn phải ra biển thật sớm, rồi lần theo hàng triệu vết bò ngoằn ngoèn đến hang và đào đào sâu từ 10 – 20 cm là có (gần trưa có lúc phải đào sâu tới 60 – 70 cm). Khi còn sống, trùn biển màu nâu đỏ có ánh bạc; con to dài khoảng 4 tấc, con nhỏ dài hơn 2 tấc; trên thân có nhiều bó cơ nên di chuyển linh hoạt.

Thoạt trông con trùn biển còn sống ngọ ngoậy trong thùng, chưa chắc ai dám ăn song sau khi qua chế biến như sá sùng xào với tỏi tươi, người dân vùng biển Hạ Long gọi là mồi xào hay rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì ăn hoài không ngán. Nếu không thích các món sá sùng tươi sống, bạn có thể phơi khô rồi chế biến tùy ý.

Sâu cát đã được sơ chế sạch…
 

  
Và những món ăn ngon lành từ loại đặc sản không ai muốn ăn sống này.

Đuông

Đuông, ấu trùng của sâu, là một trong những đặc sản khó cưỡng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có hai loại đuông là đuông dừa và đuông chà là với kích thước và màu sắc khác nhau.

Cách bắt đuông khá đơn giản, cứ thấy cây dừa nào héo ngọn, vàng lá chặt đi là sẽ tìm thấy đuông. Mỗi cây dừa/chà là như thế có hàng trăm con đuông. Cách thưởng thức kinh dị nhất của đặc sản này là đuông sống “tắm” nước mắm – dành cho những tay sành ăn hay “kiên gan”. Riêng với những người mới tập ăn hay “yếu vía”, các món như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, đuông luộc nước dừa, đuông hầm… là món tủ.

Đuông “tắm” nước mắm là cách thưởng thức đặc biệt của đặc sản này.

Theo Infonet

10 MÓN CƠM NGON NỔI TIẾNG CỦA NGƯỜI VIỆT

Món cơm Với người Việt Không được coi là một loại thức ăn mà thường coi là món chủ lực để ăn no trong các bữa ăn. Tùy vùng miền có rất nhiều loại cơm và biến thể của cách nấu.


1. Cơm gà – Hội An
 
Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới Hội An. Cách nói có phần cường điệu ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà – một thứ hương vị quê nhà bình dị, khó quên của người dân phố Hội.




Cơm gà đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc nhưng cái đặc sắc là những yếu tố trong món ăn bình dị này như cơm, gà, nước chấm, đồ chua ăn kèm đều mang hương vị, phong cách ẩm thực rất riêng của miền Trung.

Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.

Nước dùng gà được dùng để nấu cơm nên hạt cơm không trắng mà ánh một sắc vàng nhẹ, căng tròn, ngọt lịm vị gà. Với phong cách nhỏ nhẹ của người miền Trung, món cơm gà được bày trong chiếc *a nhỏ chỉ đủ làm lưng bụng thực khách. Đĩa cơm thường trang trí thêm ít lá bạc hà, rau răm, những lát hành tây trắng nõn, tương ớt đỏ tươi, muối tiêu lấm chấm, ăn kèm với loại tương ớt sền sệt, cay xé lưỡi theo khẩu vị của người địa phương.

Có một cách khác làm món cơm gà, nhưng người vùng Tam Kỳ – Quảng Nam hay Đà Nẵng mới thường chế biến theo cách này. Thịt gà không xé sợi mà chặt thành từng miếng vừa phải, vàng ươm. Gà không chỉ luộc, đôi khi còn được chiên giòn. 

2. Cơm Ghẹ – Phú Quốc

Cơm ghẹ là món ăn ngon, giàu chất đạm, vị lạ đặc trưng rất ấn tượng và cũng rất khó quên khi đặt chân đến Phú Quốc.


Thành phần chính của cơm xào ghẹ Phú Quốc là cơm trắng, thịt ghẹ bóc sẵn, hành tây xắt lát mỏng, tỏi, ít tương cà vàng, dầu ăn. Thịt ghẹ khoảng 300g bỏ vào chảo xào sau khi phi tỏi vàng cùng với hành tây, cơm trắng khoảng một ký cho năm người dùng. Tương cà giúp cho món ăn có màu sắc đẹp, nêm gia vị vào để có hương vị ngon, khi chế biến cũng thể dùng hạt nêm Knorr thay thế cho gia vị.

Cơm xào ghẹ Phú Quốc khi chế biến có màu vàng ươm cũa tơ vàng óng ánh rất đẹp. Cơm khi xào xong được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn, rau tươi, cà chua xắt lát dùng với nước mắm pha chế sẵn.

3. Cơm hến – Huế

Người Việt Nam bao giờ cũng ăn cơm nóng, còn cơm hến của xứ Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi nhưng cơm hến được nấu từ thứ gạo ngon nên mềm dẻo. Ăn cơm hến tưởng như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản như cơm nguội cùng hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, khế chua, rau răm…





Cơm hến hòa cùng vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, vị đậm đà của mắm ruốc, tạo nên một món thanh đạm. 

Cơm hến là món ăn cay, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi. Cơm của cơm hến là cơm nguội, mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương… Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi” rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon của cơm hến.

4. Cơm Âm phủ – Huế

Cơm Âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của đất cố đô, rất đậm “chất Huế” gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, đa màu đa sắc nhưng lại rất bình dân. Cái tên nghe rất lạ, tạo cho thực khách vẻ “sờ sợ” nhưng lại là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế.





Cơm Âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua… , cách làm cũng khá công phu. Cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt.

Cơm Âm phủ có trong bốn mùa. Nếu có dịp đến thành phố Festival Huế, đắm chìm trong khung cảnh thơ mộng của nơi đây, du khách hãy thưởng thức món cơm đậm chất Huế này.

5. Cơm Tấm – Sài Gòn

Cơm tấm vốn là món đặc sản truyền thống của người dân miền Nam mà đặc biệt là người Sài Gòn. Xưa kia, người dân thường sử dụng món ăn này trong bữa sáng, vừa đơn giản mà thuận tiện. Nhưng nay, món cơm tấm độc đáo này được dùng trong nhiều cửa hàng, quán xá, nhà hàng, khách sạn như một món cơm chính trong bữa 
trưa, tối…





Cơm tấm là món ăn độc đáo bởi lẽ đây thứ cơm được nấu từ những hạt gạo vỡ nhỏ, vụn. Những mảnh hạt gạo vỡ được sàng riêng và nấu chín lên bằng bếp củi.

Cơm tấm có hương vị thật nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt và hấp dẫn người thưởng thức. Một *a cơm tấm ăn kèm với sườn, bì, chả, trứng và nước mắm sẽ khiến cho các vị giác của bạn phải trầm trồ bởi vị ngon mà không ngấy.

6. Cơm cháy – Ninh Bình

Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19), do một chàng thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa, sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở Hà Nội lẫn Ninh Bình. Từ đó món cơm cháy được lưu truyền, phát triển và trở thành một đặc sản của vùng đất Cố đô.


Để làm món cơm cháy thơm ngon, người Ninh Bình dùng gạo nếp hương, chọn hạt gạo tròn và trong để nấu. Khi nấu phải nấu bằng than củi và dùng nồi gang thì mới có miếng cơm cháy vàng thơm, vừa dẻo vừa ngon. Cháy lấy ra từ nồi mang ra phơi từ hai đến ba nắng. Cơm cháy cần được bảo quản nơi kho dáo, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn thì mới mang ra chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi hay qua ngày thì cơm đều bị hôi dầu, ăn sẽ không ngon.

Ăn cùng cơm cháy có thể là thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua… ăn đến đâu, chan lên miếng cơm cháy đến đó. Miếng cơm kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn, cơm giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt mà đậm đà.

7. Cơm Dừa – Bến Tre

Xứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây biến món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản lạ lẫm với người ăn bằng món cơm dừa.



Nấu cơm dừa cầu kỳ. Để được món cơm dừa ngon phải mất gần hai giờ đồng hồ. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy lại. Gạo ngon vo sạch bằng nước rồi sau đó vo lại nước cuối cùng bằng nước dừa, để ráo nước. Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín. 

Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do bị thấm hơi dầu từ cơm quả dừa. Cơm dừa ăn có vị beo béo nên ăn nóng mới ngon.

Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.

8. Cơm lam

Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa.



Cơm lam bỏ trong những ống tre, đốt trực tiếp trên lửa, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Cơm lam ăn ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường, chỉ cần bỏ ống cơm ra đó thấy mùi thơm rất hấp dẫn. Bẻ miếng cơm lam, chấm muối vừng hoặc muối lạc cho vào miệng, ta sẽ thấy ngon, thơm, dẻo, rất đậm đà, ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị thơm thơm của nứa rừng qua lửa. 

Cơm Lam là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên.

9. Cơm niêu đập

Theo văn hóa của người Việt cho rằng nồi đất là nồi nấu ăn ngon nhất. Gạo Tám mà nấu bằng nồi đồng hoặc bằng các thứ nồi khác đều không thể có hương vị như nấu bằng niêu đất.


Cái niêu đất nung nâu sẫm be bé, miệng hơi khum to hơn tô canh một chút đậy nắp kín với đôi đũa cả gác một bên. Ăn cơm đập ở các nhà hàng, khi niêu cơm được bê lên, người phục vụ mới gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu, những mảnh đất nung vỡ vụn rơi xuống đất còn lại trên tay là ổ cơm chín mịn màng ở giữa nhưng chung quanh là một lớp cháy ròn đều vàng mỏng.

Thường, cơm niêu được ăn kèm với cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi….

10. Cơm nị

Cơm nị một món ăn truyền thống của người Chăm, Châu Giang, An Giang. Cơm nị thường là gạo nấu với sữa nhưng có người lại thích thêm nho khô vào để tăng thêm khẩu vị.



Người Chăm hay ăn Cơm nị với cà púa là món ăn được chế biến từ thịt bò rất độc đáo. Hai món ăn này thường bổ sung cho nhau tạo nên hương vị độc đáo và cầu kỳ mang khẩu vị người Chăm.

Cơm nị – cà púa mang mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt, vị ngọt của nho khô làm ngẩn ngơ lòng thực khách. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán. 

 

Theo Yeudulich

 Đất Bến Tre hiền lành mộc mạc ở bên dòng sông Tiền, nổi tiếng với những cù lao đẹp và những vườn dừa xanh mướt… Khi đến đây, ngoài việc thăm thú dã ngoại, đừng quên thưởng thức những món ăn mang đậm hồn phách của người và đất nơi đây.

Đến với Bến Tre, khi về, trong lòng còn nhớ mãi hình ảnh những vườn dừa trải dài, mùi dừa ngào ngạt trong các món đặc sản từ kẹo, bánh cho đến vị đuông dừa béo ngậy.

Đi chơi miền Tây không thể bỏ qua Bến Tre xứ dừa, nơi mà chỉ nghĩ đến thôi đã thấy tâm hồn dịu lại và bao dung hơn. Quả vậy, cái chất miền Tây thấm đượm trong từng câu nói cách hành xử của người dân làm ta yêu quá mảnh đất này.

Càng vấn vương hơn khi đã được chiêu đãi những thức đặc sản Bến Tre gắn liền với thứ cây đặc trưng như đuông dừa, kẹo dừa, bánh phồng, củ hũ dừa…

Kẹo dừa

“Bến Tre nước ngọt sông dài/ Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh/ Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo/ Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…”

Kẹo dừa Bến Tre ngon nhất nước, và kẹo dừa Mỏ Cày là đặc biệt nhất Bến Tre. Không nơi nào làm kẹo dừa giống được ở đây. Không chỉ một loại, kẹo dừa còn mang trong nó sự kết hợp với sầu riêng, đậu phộng… tạo ra hương vị đa dạng cho người ăn, thể hiện sức sáng tạo trong lao động của người dân. Kẹo dừa dẻo, thơm, nồng nàn, ngọt đủ cho người đi xa nhớ, người ở gần thân.

Đến Bến Tre, ghé thăm các xưởng sẽ cảm nhận được hết cái hay khi chứng kiến các khâu làm kẹo, từ sơ chế nguyên liệu, cho đến nấu, cắt. Nếu thích, có thể xin được thử gói kẹo hay ăn ngay kẹo khi mới ra lò còn hây hẩy nóng sẽ thấy thú vị lắm.

Kẹo dừa dẻo, thơm, nồng nàn, ngọt đủ cho người đi xa nhớ, người ở gần thân (Ảnh: Internet)

Bánh tráng Mỹ Lồng

Bánh tráng Mỹ Lồng có nhiều hương vị khác nhau như: bánh tráng béo nước cốt dừa (loại ngọt, mặn), bánh tráng béo dừa có thêm sữa, trứng gà hay bánh tráng sữa không dừa. Loại nào cũng ngon nhưng vừa béo, vừa xốp lại khó chán là bánh có dừa.

Bánh tráng Mỹ Lồng vừa nướng trên bếp đã nghe mùi ngào ngạt dừa thơm (Ảnh: Internet)

Bánh tráng nướng trên bếp than cho vừa chín hai mặt, dậy mùi của dừa quyện với bột, lấy ra ăn nóng là ngon nhất. Giòn giòn như bất cứ loại bánh tráng nào nhưng dừa đem lại cho nó vị thơm ngọt không bánh tráng ở đâu sánh bằng.

Ngoài ra, còn có bánh tráng nem mỏng dính để ăn các loại đồ cuốn như nem, bì… Vị mặn mặn đặc trưng của bánh cũng khiến khối người “lao đao”. Thành phố Bến Tre không thiếu các tiệm bán bánh tráng Mỹ Lồng.Tuy nhiên, nếu vừa muốn tham quan, vừa muốn mua tận nơi sản xuất thì chịu khó đi khoảng 7km là sẽ đến làng nghề lâu đời chỉ chuyên làm bánh tráng.

Bánh phồng Sơn Đốc, Phú Ngãi

Bến Tre có hai làng nghề làm bánh phồng nổi tiếng ngang nhau. Cũng từ nguyên liệu là nếp, nhưng người dân miền Tây biến nó thành thứ bánh giòn tan, đậm đà  theo cách thức khá phức tạp. Đặc biệt là kỹ thuật phơi, phải nắng vừa, nếu quá nắng, bánh sẽ chai, gặp mưa xuống bánh bị hư.

Bánh phồng có quy trình làm phức tạp nhưng thành phẩm thì đáng công (Ảnh: Internet)

Nhưng bánh khi ăn có ngon hay không cũng lại phụ thuộc vào sự khéo léo của người nướng nữa. Lửa đốt bằng dừa khô, gáo dừa thành than đỏ rực, cho bánh lên trên nướng kỹ thuật. Tay phải nhanh thoăn thoắt và khéo léo mới trở qua trở lại cho bánh không bị cong vẹo quá mức mà thành chiếc bánh vàng đều, bung to, ngon, giòn hấp dẫn.

Củ hũ dừa

 

Trái tim của dừa, củ hũ dừa, là phần non nhất trên đọt cây dừa. Nó ngọt, mát dịu, là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe.

 

Củ hũ dừa có thể dùng để chế biến ra nhất nhiều món ngon (Ảnh: Internet)

Từ xưa, người dân đã biết lột vỏ ngoài để lấy phần ngon lành nhất này, chế biến thành vô vàn món ăn hấp dẫn, quyến rũ. Đó là củ hũ dừa xào lòng gà, củ hũ dừa chiên bánh xèo, củ hũ dừa xào tôm, củ hũ dừa bóp xổi, củ hũ dừa nấu tôm thịt, gỏi củ hũ dừa, canh củ hũ dừa nấu thịt viên, hoặc đơn giản là ăn sống…

Bao nhiêu tinh túy của đất trời và chắt chiu của cây đều được thể hiện khi dùng món. Vị ngọt ngọt, mà giòn giòn khi nhai, chất tươi, nước trong từng miếng củ hũ dừa làm món ăn dễ thẩm thấu và phù hợp với nhiều người.

Đến Bến Tre nhớ thưởng thức vì khó nơi đâu lại có củ hũ dừa non, ngon, lành như nơi này.

Đuông dừa

“Anh về miền đất xứ dừa/ Nhớ đi thưởng thức đừng chừa món đuông”

Đuông dừa – một trong những đặc sản Bến Tre – là tên gọi một loại sâu dừa. Món này đặc biệt không dành cho các bạn yếu đuối bởi chỉ nhìn mấy con sâu mũm mĩm, ít ai có đủ can đảm để thưởng thức.

Đuông dừa, ăn đi rồi mới biết thế nào là ẩm thực độc đáo! (Ảnh: Internet)

Từ đuông dừa, người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, thậm chí, ăn sống. Nói về món đuông, có những câu thơ vui như thế này: “Nhìn đuông ai thấy ghê ghê/ Ăn vào mới biết không chê chỗ nào”.Ngay Vũ Bằng, một người sành ăn trên văn đàn Việt Nam cũng phải công nhận đuông dừa là món ngon được liệt vào “siêu hạng”, vượt hẳn các thức ăn khác. Chính vì thế đuông dừa không cần món bổ trợ như rau củ, ăn đuông dừa chỉ cần “ăn trơn một thứ đuông không” là đã đủ vị lắm rồi.

Bánh xèo ốc gạo

Không chỉ du khách phương xa, mà ngay người dân những vùng xung quanh đến mùa là phải ghé qua chợ Lách để tận hưởng món dân giã, nhưng không phải ai cũng được ăn: bánh xèo ốc gạo.

Bánh xèo ốc gạo chỉ có một mùa trong năm

Nói thế là bởi cả vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ có cồn Phú Đa của Chợ Lách có ốc gạo ngon nhất, mà mỗi mùa ốc chỉ từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là hết.

Vị thơm béo của vỏ bánh đổ từ bột pha nước cốt dừa đã có thể đủ làm khách ngây ngất, nay lại thêm nhân gồm củ sắn xắt sợi, giá đỗ và ốc gạo dai bùi, ngọt ngon rải đều phía trong khiến bánh xèo ốc gạo không ngấy mà lại còn rất lạ vị, đưa đẩy và thuyết phục hoàn toàn những người sành ăn nhất.

Vậy đó, đi chơi Bến Tre, về đến nhà cả tâm trí lẫn dạ dày đều ngập vị dừa ngọt thơm, béo bổ mà gần gũi.

Theo Tạ Ban (Eva.vn)

Những món ăn Việt ‘ngon nhất thế giới’

Ẩm thực là một niềm tự hào của người Việt, khi mà  có không ít lần, những món ăn ngon của Việt Nam được lọt vào top, thậm chí được ca ngợi là ‘ngon nhất thế giới’. Cùng điểm lại 10 món ăn mà có lẽ không du khách nào đến Việt Nam mà không muốn thử.

1- Bánh mỳ thịt nướng

Trang mạng concierge.com của tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler đã gọi món bánh mì thịt nướng vỉa hè Nguyễn Trãi (quận 1 – TP.HCM) do chị Gái thực hiện là ‘bánh mì ngon nhất thế giới’…Ngoài ra, món bánh mì nhân thập cẩm Việt Nam cũng được Tạp chí National Geographic (Mỹ) bình chọn vào danh sách những món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.

2- Bánh khọt

Bánh khọt là một trong những món ăn ngon nhất thế giới trong cuộc bình chọn tại Lễ hội Ẩm thực Đường phố Quốc tế diễn ra ở Singapore 2013.

3- Bánh xèo

Một trong 40 món ngon nhất Việt Nam do CNN bình chọn.

4- Chuối nếp nướng

(Món ăn do bà Ngô Thị Bích Thủy – bán hàng tại khu vực quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tp.HCM thực hiện). Đây là một trong những món ăn ngon nhất thế giới trong cuộc bình chọn tại Lễ hội Ẩm thực Đường phố Quốc tế diễn ra ở Singapore 2013.

5- Phở bò 

Phở bò được CNN chọn là 28/50 món ăn ngon nhất thế giới (2011)Không nhiều lựa chọn như bò, gà, sốt vang… phở “bưng” chỉ có duy nhất món phở đúng kiểu Hà Nội như nhà văn Nguyễn Tuân từng viết, phải là phở bò chín với đủ miếng nạm giòn, miếng gầu béo, bánh phở dai mịn, hành lá chẻ và nhiều hành hoa. Chiều cuối tuần tới đây dễ gặp những khách hàng nghiện phở ngồi ăn hết hai bát tô đầy.

6- Nem vuông

Nằm khiêm tốn trên vỉa hè phố trà chanh Đào Duy Từ với biển hiệu “Nem vuông cua bể”, quán là địa chỉ quen thuộc với những người tìm một bữa ăn lót dạ. Quán nem vuông đông khách nhất vào buổi trưa, vỉa hè và phòng ăn nhỏ hẹp hầu như không còn một chỗ trống. Còn nếu đến đây vào ngày cuối tuần dễ thấy cảnh khách hàng phải đứng chờ.

Nem vuông được CNN bình chọn là một trong những món ăn đường phố hấp dẫn nhất châu Á. Đúng như tên gọi, những chiếc nem ở đây không thuôn dài như truyền thống mà lại vuông vắn nhỏ xinh. Món nem vuông được cho là có xuất xứ từ Hải Phòng, nhưng hiện nay đã có mặt ở Hà Nội và Tp.HCM.

7- Chả cá

“Tây ba lô” đến Hà Nội không thể bỏ qua chả cá Lã Vọng, nó là cái tên được nhắc đến đều đặn trên mọi cuốn sách hướng dẫn du lịch bỏ túi. Căn nhà vẫn còn đậm chất kiến trúc phố cổ – số 14 phố Chả Cá, là nơi lưu giữ nguyên vẹn cái hồn chả cá Hà Nội hơn một thế kỷ qua.

Tác giả Patricia Schultz đã đưa món chả cá Lã Vọng vào cuốn “1.000 nơi nên biết trước khi chết” (1000 Places to See Before You Die). Hãng tin MSNBC chọn nhà hàng Chả cá Lã Vọng Hà Nội ở vị trí thứ 5 trong 10 nơi nên biết trước khi… chết (2003).

8- Nem rán

Nhà hàng “Vườn gia vị” thuộc khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội là nơi giới thiệu những món ăn Việt Nam với du khách quốc tế. Nem rán được những đầu bếp tại đây tạo thêm nhiều “phiên bản” để phù hợp với những vị khách đến từ nhiều nền văn hóa trên thế giới.

Được CNN bình chọn là Top 10 những món ăn ngon nhất Việt Nam, nem rán (chả giò) cùng phở từ lâu đã được coi là những đại sứ của ẩm thực Việt Nam.

9- Bún riêu cua 

Năm 2012, bún riêu cua đã được CNN bình chọn là một trong những món ăn hấp dẫn nhất châu Á.

10- Bún chả

Được CNN bình chọn là 1 trong 25 món ăn mùa hè hấp dẫn nhất thế giới (năm 2013)Cũng như nhiều món chấm khác, bún chả quan trọng nhất là nước chấm. Ngoài giấm gạo ngâm tỏi lấy vị chua, quán bà Nga vẫn giữ nếp cũ của người Hà Nội dùng sấu luộc để nguyên quả cho nước trong. Nước luộc sấu đã có vị chua, mùa hè nóng bức khách có thể dầm thêm cả quả vào bát nước chấm. Giấm sấu không chua bằng giấm gạo nhưng dịu ăn rất vừa miệng.

(Sưu tầm)

Bên cạnh phở Việt truyền thống, du khách còn có cơ hội thưởng thức phở sốt vang, phở chiên phồng hay phở trộn…

Đúng như nhà văn Băng Sơn từng nói “Phở là món quà thật riêng biệt”, nên dù đi tới bất kỳ nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng tìm thấy được quán phở. Không chỉ có phở nước truyền thống, những quán phở biến tấu cũng mọc lên khá nhiều. Dưới đây là 6 loại du khách nên tìm thưởng thức.

1. Phở sốt vang

Bát phở thơm từ nước dùng, hành lá và đậm vị thịt bò sốt vang

Sợi phở trắng từ châu Á, miếng thịt bò nấu theo phong cách châu Âu, những tưởng hai nền ẩm thực khác biệt sẽ chẳng thể kết hợp nhưng dưới đôi bàn tay tài hoa của người nội trợ, bát phở sốt vang vẫn chiếm được cảm tình của nhiều người. Không như phở truyền thống khá phong phú với phở tái, tái chín, tái gầu,…phở sốt vang chỉ có một loại. Thế nhưng chẳng ai lấy đó làm phiền, khách vẫn gọi món và thưởng thức ngon lành. Phở sốt vang vì thế càng được thêm yêu thích.

2. Phở chiên phồng

Bánh phở cắt miếng vuông rồi thả vào chảo dầu sôi để có độ chiên phồng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt còn nằm ở công đoạn xào thịt bò cùng rau cải. Thịt bò chọn loại ngon, nêm nếm gia vị cẩn thận sau đó cho xào cùng rau cải ngọt. Khi tới chín sẽ múc ra đĩa rồi mới đặt những miếng phở chiên phồng còn nóng lên trên. Phở chiên trong chảo dầu sôi dễ bị ngấy nhưng khi kết hợp cùng rau cải xào thịt bò thì vị ngấy cũng mất hẳn. Thế mới biết sự kết hợp nào cũng đều có ngụ ý cả.

3. Phở xào

Phở xào ăn cùng dưa chuột dầm chống ngấy.

Phở xào dễ ăn và dễ gọi, điều mà nhiều người sành phở nắm rõ như lòng bàn tay. Cũng vẫn đôi ba nguyên liệu quen thuộc như thịt bò, rau cải, hành tây… nhưng món ngon này mang đến cho thực khách nhiều dư vị khác biệt cứ khiến phải trầm trồ. Đó ắt hẳn từ bánh phở dai kết hợp cùng rau cải xanh giòn và thịt bò thơm mùi tiêu tỏi. Tuy nhiên không phải vì thế mà phở xào không có nhược điểm. Một số cửa hàng bán phở xào có phục vụ thêm dưa chuột dầm và rau sống để chống ngấy. Thế nhưng để cân bằng hơn nữa, khách có thể gọi thêm cho mình một tách trà.

4. Phở chiên trứng

Nếu như phở chiên phồng được cắt miếng vuông, bản lớn thì phở chiên trứng được thái sợi nhỏ hơn sau đó mới thả vào chảo dầu nóng. Tới lúc phở gần chín, người làm mới đổ trứng đã đánh bông vào để sợi phở dính và bám được lấy nhau. Phở chiên trứng cũng được ăn cùng thịt bò xào rau cải để giảm độ ngấy. Món ngon khi ấy là sự kết hợp của rau xào đậm vị và phở chiên giòn, khá hấp dẫn và đáng để thưởng thức.

5. Phở trộn

Vẫn có món phở trộn cùng thịt bò cho du khách khó tính.

Trong khi phở nước truyền thống nổi tiếng nhất với thịt bò thì người anh em của nó là phở trộn lại nức tiếng nhờ thịt gà. Có không ít hàng phở trộn mọc lên trên khắp thành phố, đủ khiến khách thèm thuồng, băn khoăn chọn lựa. Phở trộn được làm từ bánh phở, thịt gà luộc xé nhỏ, lạc rang, hành khô, giá,… Tùy vào từng cửa hàng mà gia vị gia giảm sẽ có nhiều sự thay đổi nhưng chính sự khác nhau này lại khiến món phở trộn mỗi vùng trở nên đặc biệt.

Cùng một nhánh khác của phở trộn là phở chua, món ăn thực khách có thể bắt gặp tại Lạng Sơn, Cao Bằng. Về cơ bản cách làm của hai món ăn này khá giống nhau chỉ khác về nước dùng cho thêm. Nếu phở trộn sử dụng xì dầu và nước dùng thì phở chua lại cho thêm nước sốt chua ngọt àm từ nhiều ớt, cà chua, dấm, đường,….

6. Phở cuốn

Món phở cuối cùng không thể không nhắc đến chính là phở cuốn. Điểm đặc biệt của món này ở chỗ người ăn có thể sử dụng cả tay hoặc đũa để thưởng thức. Từng miếng bánh phở thoạt nhìn như miếng gỏi cuốn với nhân thịt bò xào, rau xà lách, rau mùi, được chấm cùng nước chấm chua ngọt có thả thêm đu đủ, cà rốt. Người ăn cứ thế tách từng miếng phở cuốn xếp đầy đặn trên đĩa để cảm nhận hương vị thơm ngon đang quyện lại trong miệng. Chính vì có vẻ ngoài bắt mắt cùng hương vị ấn tượng mà phở cuốn được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích.

Đỗ Huyền (vnexpress.net)

ĐẾN TRÀ VINH KHÁM PHÁ NỀN ẨM THỰC CỦA 3 NỀN VĂN HÓA

Các đặc sản Trà Vinh đều là những hương vị đặc biệt đậm đà, sự kết hợp văn hóa ẩm thực của người Kinh – Khmer – Hoa.

Đến với mảnh đất Trà Vinh, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi những vẻ đẹp nguyên sơ thuần khiết của bãi biển Ba Động cát trắng nước trong, những hàng phi lao xanh mướt, thanh tĩnh vô cùng. Bạn còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của gần 200 ngôi chùa của 3 dân tộc người Khmer – Kinh – Hoa sống trên mảnh đất này.

Sự giao thoa văn hóa độc đáo của 3 dân tộc không chỉ thể hiện trong đời sống con người mà còn thể hiện vô cùng rõ nét trong những đặc sản thơm ngon, hấp dẫn của Trà Vinh.

Mắm bò hóc

Miền Tây nước quanh năm nên phong phú các loại cá làm nguyên liệu mắm bò hóc, được người Khmer xem như đặc sản đãi khách quý. Từ loại mắm này, người ta có thể chế biến thành nhiều món ngon khác.

Món nhanh nhất và nguyên chất nhất là mắm sống trộn với chanh, ớt, tỏi thêm chút đường gia giảm độ mặn, tăng thêm quyến rũ cho món ăn. Mắm bò hóc – đặc sản Trà Vinh – pha ăn kèm với các loại rau, quả như khế, chuối chát, rau thơm, lá xoài non, đọt cóc hay cải sống, đậu ớt, dưa leo, cà rừng. Vừa gắp miếng rau củ, vừa gạt kèm miếng mắm bò hóc đậm đà ăn cơm ngày mưa là dấu ấn tuổi thơ của nhiều người. Vị beo béo, mặn mà, mùi hương riêng khác như cái tình của vùng đất này, giản đơn nhưng sâu nặng. Người Trà Vinh dù có đi bao xa, đến đâu cũng không thể không nhớ đến mùi vị đặc biệt ấy mỗi ngày mưa trời có mưa lâm thâm.

Người Trà Vinh dù có đi bao xa, đến đâu cũng không thể không nhớ đến mùi vị đặc biệt ấy mỗi ngày mưa trời có mưa lâm thâm (Ảnh: Internet)

Bún nước lèo

Đặc sản nổi tiếng nhất của Trà Vinh là bún nước lèo. Bún nước lèo có sự kết hợp giữa các nguyên liệu như mắm bò hóc, thịt heo quay và các loại rau sống. Nước dùng của bún nước lèo có vị ngọt tự nhiên từ tôm cá đã làm loãng đi độ đậm đặc của mắm bò hóc khiến cho ngay cả người kén ăn, không quen mùi mắm cũng có thể thưởng thức trọn vẹn.

Bún nước lèo vô cùng phổ biến ở đây, ngay cả quán nhỏ cũng sẽ không làm bạn thất vọng (Ảnh: Internet)

Từng sợi bún cùng với bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng, rau thơm xắt nhuyễn ngập trong nước lèo là đủ đặm, đủ ngon. Nhưng món ăn còn thêm thịt heo quay xắt miếng vừa miệng, bì giòn, thịt mềm. Mỗi miếng bún đều thơm hành phi, thơm rau, thơm thịt lại vừa thanh thanh vị nước lèo, vừa nồng nàn vị mắm hợp với các loại rau. Món ăn này vô cùng phổ biến ở đây, ngay cả quán nhỏ cũng sẽ không làm bạn thất vọng.

Bánh tét cốm dẹp

Cốm dẹp – đặc sản Trà Vinh – làm từ nếp non. Những hạt gạo gặt sớm được rang và giã đều tay tạo thành món ăn thơm lừng mùi đồng ruộng. Cốm dẹp làm bánh tét còn trộn với nước cốt dừa trước khi cho vào gói cùng nhân đỗ xanh trộn đường, vani tạo mùi. Người miền Tây gói bánh tét cốm dẹp bằng lá chuối xiêm hoặc lá lùng chứ không dùng lá dong. Và thay vì ninh trong nước, bánh được cho vào nồi hấp cách thủy.

Bánh tét cốm dẹp vừa béo vừa ngậy vừa bùi lại ngọt ngọt có thể ăn đến no mà không chán (Ảnh: Internet)

Bánh có lớp ngoài dẻo quyện không kém bánh chưng hay bánh tét ở bất cứ vùng miền nào trên đất nước nhưng còn hương thơm tuyệt vời, ngào ngạt mùi dừa, mùi gạo mới, mùi cốm… thì là độc nhất. Bánh tét cốm dẹp vừa béo vừa ngậy vừa bùi lại ngọt ngọt có thể ăn đến no mà không chán. Đến Trà Vinh, mua chục bánh tét về làm quà là nhất.

Chù ụ

Chù ụ thuộc họ nhà cua, nhìn hơi xấu xí với thân hình vuông nhỏ. Đây là đặc sản của vùng Ba Động. Chù ụ không đẹp mắt nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn đẹp lòng du khách.

Không cần nhiều gia vị, bạn có thể thưởng thức chù ụ nướng than. Chù ụ đưa lên lửa sẽ dần chuyển sang màu đỏ, hương thơm ngút ngàn cực kỳ hấp dẫn. Khi chín, trộn chúng với ít rau răm, chấm muối ớt hoặc muối tiêu chanh, đảm bảo ngon quên sầu.

Chù ụ tuy không đẹp mắt nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn đẹp lòng du khách (Ảnh: Interenet)

Thịt chù ụ dai mềm và ngọt không kém cua, ghẹ nên còn được hấp bia, rang me. Ngoài ra, người dân cũng hay làm chù ụ kho nghệ, xào hành… Tuy nhiên, vì thân hình nhỏ bé khiêm tốn nên nó không phổ biến và có tiếng như nhiều hải sản khác.

Cháo ám

Để có nồi cháo ám ngon, người nấu cần khá nhiều công sức. Cá lóc phải tươi, mập đem luộc và gỡ từng miếng, bỏ xương rồi xào với hành thơm nức mũi. Trứng cá lóc đánh nhuyễn rồi mới cho vào nồi cháo nấu từ nước luộc cá. Trong món cháo ám còn có cả hành khô, tôm khô, mực khô nướng.

Cháo ám không thể thiếu sự kết hợp giữa mắm nêm ngon đã được pha, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi, cho thêm tiêu xay, đậu phộng rang giã nhỏ. Đặc biệt, các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn ở trên cũng là phụ liệu cần thiết cho món ăn.

Cháo ám không thể thiếu sự kết hợp giữa mắm nêm ngon đã được pha, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi, cho thêm tiêu xay, đậu phộng rang giã nhỏ (Ảnh: Internet)

Mùi thơm quyến rũ của tiêu, hành, đậu phộng với cái ngọt thanh của nước, mềm béo trong cá, trứng cá, bùi bùi của mực và tôm kết hợp vị đặm nồng của mắm nêm pha và sự khác biệt khi ăn cùng rau thơm, rau sống thái nhỏ biến cháo ám thành một trong những loại cháo ngon nhất, khác biệt nhất nên thử một lần trong đời.

Bánh canh Bến Có

Lần đầu ăn đặc sản này nhiều người sẽ thắc mắc “sao cho nhiều thịt thế”. Đây chính là điểm đặc biệt của bánh canh Bến Có, tỷ lệ thịt và bánh phải gần bằng nhau. Nhưng nó không khiến người ăn bị ngán bởi ngoài thịt heo, còn có cật, gan, phèo, tim, bao tử, lưỡi, móng, tai heo… Mỗi loại đều mang vị ngon riêng và tạo sự hòa hợp chung trong món ăn.

Tô bánh canh Bến Có – đặc sản Trà Vinh – không quá cầu kỳ nhưng nước dùng ninh từ thịt, xương heo và đảm bảo độ trong nên nhìn rõ từng sợi bánh canh trắng nõn, hành hò xanh mướt, tiêu hạt nhuyễn rắc phía trên với vài lát ớt tô điểm cho món ăn đẹp giản dị.

Bánh canh Bến Có với tỷ lệ thịt và bánh phải gần bằng nhau (Ảnh: Internet)

Gắp bánh canh, húp miếng nước dùng là nghe bụng dạ xốn xang. Chọn lát thịt mỏng chấm vào chén mắm dằm ớt rồi từ từ tận hưởng vị mắm cá nguyên chất hòa với thịt mềm lại càng đê mê hơn.

Bún suông

Bún suông đặc biệt nhờ chả tôm thơm ngon. Làm từ tôm tươi ướp mắm, xay nhuyễn cùng hạt tiêu, chả tôm không được nặn theo hình vuông, chữ nhật hay tròn mà được làm thành từng “suông”. Suông nhìn qua giống như con đuông, có thể để không thả vào nồi nước dùng đang sôi hoặc chiên với dầu ăn trước khi dọn ra tô.

Bún suông đặc biệt nhờ chả tôm thơm ngon (Ảnh: Internet)

Nước lèo của món bún này cũng khác biệt, không trong mà có màu nâu của me và tương hạt. Bún suông nhìn vừa đẹp mắt, ăn lại ngon chẳng kém bất cứ loại bún ở địa phương nào. Vị nước dùng đậm đà, chua chua ngọt ngọt dậy mùi tương lan trên đầu lưỡi, vướng vít quanh khứu giác. Khi ấy, cắn thêm miếng suông ngọt tôm và thơm béo sẽ nhận ra ngũ vị đã được đánh thức như thế nào chỉ vì một món ăn ngon.

Tạ Ban (eva.vn)

Từ khóa “best banh mi in Vietnam” sẽ cho bạn kết quả về tiệm bánh mì tên “Bánh mì Phượng” ở Hội An. Vậy điều gì làm nên sự đặc biệt trong chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam đó.

Đầu bếp người Canada Cameron Stauch , người đã từng có thời gian nấu ăn cho tổng thống Canada và hiện đang sinh sống tại Hà Nội sẽ cho chúng ta biết những cảm nhận đặc biệt của bản thân khi nếm thử chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam.

Với niềm hứng thú và háo hức đặc biệt, người đầu bếp Canada đã ăn hết chiếc bánh mỳ của mình một cách nhanh chóng, thậm chí thưởng thức tới cả những giọt sốt cuối cùng dính lại trên các ngón tay và yêu cầu thêm một chiếc bánh mỳ nữa. Đó là những điều tuyệt vời mà Cameron Stauch có được khi tới cửa hàng bánh mì Phượng ở Hội An.

Trước khi đến Việt Nam, Cameron Stauch đã từng thử một vài loại bánh mì Việt tại các quầy hàng bánh mỳ ở nước ngoài do người Việt làm chủ sở hữu, nhưng hương vị đó không làm người đầu bếp Canada cảm thấy thỏa mãn. Khi tới Việt Nam, những chiếc bánh mỳ tại Hà Nội cũng như Sài Gòn đều được vị đầu bếp nhận xét là khá ổn, nhưng đều thiếu cá tính và không đủ no bụng. Chỉ khi tới quán “bánh mì ngon nhất Việt Nam” theo cảm nhận của nhiều bạn bè quốc tế khác, ông mới thực sự cảm thấy thỏa mãn. Sau một vài lần lưu lại phố cổ xinh đẹp Hội An, cuối cùng Cameron Stauch đã tìm ra yếu tố khiến những chiếc bánh mỳ ở đây ngon đặc biệt tới như vậy. Đó là do hầu hết các thành phần nguyên liệu đều được chủ tiệm tự chế biến, chứ không phải dùng các nguyên liệu có sẵn như nhiều nơi khác.

Một số điều độc đáo khác tạo nên chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam được người đầu bếp Canada khám phá ra đó là…

Bánh mì giữ ấm trong bếp ủ than hồng

Những chiếc bánh mì ở quán đều khá mỏng, không bị dày như loại bánh mì Pháp cổ điển. Tất cả bánh mì trước khi chế biến đều được giữ ấm trong một khoang tủ gỗ bởi nhiệt độ của một chiếc bếp than hồng.

Nước sốt tự chế

Nước sốt của quán bánh mì Phượng đều được chủ tiệm chế biến kì công, mang vị béo ngậy đậm đà. Thay vì các loại maiyonaise, nước tương, mắm nêm pha sẵn, chủ tiệm đã tự pha chế một loại “siêu sốt” theo cách gọi của đầu bếp Cameron Stauch. Công thức này là bí quyết được giữ kín của chủ tiệm.


Loại “siêu sốt” mang hương vị đặc biệt

Thịt và pate hảo hạng

Thịt ăn kèm bánh mỳ bao gồm một lát mỏng thịt lợn thăn nướng, thịt nguội hoặc chả lụa, xúc xích. Ở quán còn có loại pa te gan đặc biệt mềm và ngậy béo, khi ăn như tan ngay trong khoang miệng góp phần tăng thêm hương vị thơm ngon.



Các loại rau ăn kèm

Tất cả rau ăn kèm đều là rau tươi, kết hợp từ nhiều loại rau sống khác nhau mang hương vị độc đáo như rau mùi, rau húng, hành lá…Một chút cà rốt, dưa chuột muối chua ngọt cũng làm tăng thêm sự mới mẻ và ngon miệng cho chiếc bánh mì tiệm Phượng.


Cách sắp xếp nguyên liệu

Các nhân viên quán đều tuân thủ một cách sắp xếp nguyên liệu thống nhất, khiến thời gian hoàn thành một chiếc bánh mì chỉ mất vài phút ngắn ngủi và hương vị đồng đều cho tất cả. Đầu tiên, một muỗng sốt maiyonaise tự chế được rưới đều trong bánh, tiếp đến là một muồng pate trải đều bên dưới. Hai muỗng nhỏ sốt tiêu được rưới dọc thành bánh, thịt và rau muối được thêm ở bước tiếp theo.

Các loại nguyên liệu chính như thịt, chả lụa được đặt vào bánh; phủ lên trên là chút tương ớt hoặc thêm một chút nước sốt tự chế. Đầu bếp Cameron Stauch chia sẻ, ông tin rằng quy trình phân lớp đặc biệt đó đã tạo nên hương vị hài hòa dễ gây nghiện cho chiếc bánh mì ở đây.

Cameron Stauch yêu thích chiếc bánh mì ở cửa tiệm nhỏ nơi phố cổ Hội An một cách đặc biệt, ông cũng không quên gợi ý cho bạn bè và các du khách quốc tế khác địa điểm lý thú này.

T.H (Depplus.vn/MASK)

 

Khám phá ẩm thực là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Đôi khi bạn gặp những món ăn có vẻ lạ lùng, thậm chí dị hợm với hầu hết mọi du khách, nhưng lại rất bình thường và quen thuộc đối với cư dân bản địa. Tờ Travel and Leisure đã liệt kê danh sách những món ăn sáng lạ lùng nhất thế giới dựa trên những thống kê của họ.

Nhật: Chawanmushi

Món ăn trộn lẫn giữa các loại nấm, chả cá, tôm luộn trộn với nước dùng dashi, rượu mirin, trứng sữa và được hấp trong một cái thố. Món ăn này được coi là vừa ngon vừa bổ.

Mexico: Huitlacoche

Món ăn trông ghê ghê và có vẻ độc hại này, tuy vậy đối với người Mexico, đây là loại thực phẩm ưa thích trong bữa sáng. Loại mốc trên những quả bắp không hề độc hại và thậm chí còn ngon miệng.

Trung Quốc: Cháo trứng bắc thảo

Đối với nhiều du khách, trứng bắc thảo đã mang đến sự lạ lùng cho món điểm tâm này. Loại trứng màu đen, có mùi hăng làm từ trứng được ủ bằng hỗn hợp tro, trấu, đất sét, vôi, muối… chưa bao giờ là thân quen và dễ chịu đối với đa số người phương Tây.

Scottland: Haggis

Một cái dạ dày cừu được nhồi đầy ắp các loại nội tạng cừu sau khi trộn các thứ gia vị, nguyên liệu khác, rồi luộc trong vài giờ. Món ăn này cũng từng được đưa vào bài thơ Address to Haggis của Robert Burns.

Jamaika: Ackee

 

Mặc dù bắc nguồn từ Tây Phi nhưng Jamaica mới là nước nổi tiếng với loại quả này. Ackee thậm chí được coi là quốc quả của Jamaica. Người dân bản địa có nhiều cách sử dụng và chế biến khác nhau đối với loại quả có chứa độc tố đến chết người này.

Pakistan và Banladesh: Siri Paya

 

Đây là món thường được liệt kê vào danh sách những món ăn kinh dị nhất. Siri nghĩa là đầu, Paya nghĩa là chân. Món ăn làm từ đầu và chân của con dê, bò hoặc cừu này đã trở thành món quốc hồn quốc túy của những quốc gia trên.

Hàn Quốc: Kimchi

Kimchi cũng là một trong những món ăn mang lại sự ngạc nhiên nhiều nhất đối với du khách. Kimchi làm bằng cách lên men các loại rau củ (phần lớn là cải thảo), với ớt và các hương liệu. Đây là món ăn tiêu biểu nhất của ẩm thực hai miền Triều Tiên.

Mỹ: Scrapple 

Người làm món này gom lại các miếng thịt thừa, bỏ đi sau khi chế biến của con heo sau đó đem luộc rồi bằm nhuyễn, kết hợp với bột bắp cũng như các thứ gia vị rồi đóng lại thành khối trước khi rán chín.

Thái Lan: Pad kee mao

Nền ẩm thực đặc biệt của Thái Lan dĩ nhiên sẽ có một đại diện trong danh sách này, và đó là một món mì gạo có đủ các hương vị chua cay mặn ngọt.

Scandinavia: Filmjölk

 

Filmjölk có được bằng cách lên men sữa, tương tự với sữa chua nhưng người ta cho rằng hương vị của nó giống như pha trộn giữa bơ và kem chua. Đây là món ăn truyền thống dùng chung với ngũ cốc trộn với cư dân Scandinavia.

Mỹ: Loco Moco  

Loco Moco thường làm từ cơm, trứng ốp, thịt bằm rán chín và nước sốt thịt, là món ăn sáng phổ biến của người dân Hawaii.

Nga: Syrniki

 

Đây là món bánh làm từ một hỗn hợp gồm phô mai, trứng, kem chua, bột mì, bơ, đường và muối… rồi nặn thành những miếng tròn trước khi chiên bằng dầu ăn.

Việt Nam: Phở

Phở là món quốc túy của Việt Nam. Họ có thể ăn phở mỗi ngày. Nước dùng của phở được làm rất công phu và ngon miệng. Bên cạnh đó nó cũng rất bổ dưỡng, một tô phở cung cấp đủ năng lượng cho cả ngày làm việc.

Mỹ Mạnh.

Theo travelandleisure.com.

Hàng rong Sài Gòn hơn 100 năm trước

Gánh phở, xe kem, thùng tào phớ… trên vai, bộ bưu ảnh tái hiện nhiều ký ức thân quen ở Sài Gòn – Chợ Lớn đồng thời cho thấy cảnh sôi động của thành phố ngay từ đầu thế kỷ 20.

Đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn, một trong hai thành phố quan trọng nhất Việt Nam sau khi Pháp chiếm Đông Dương vào cuối thế kỷ 19. Các nhà nhiếp ảnh người Pháp nhanh chóng phát hiện ra hoạt động buôn bán kiểu di động- hàng hoá, thức ăn được lưu thông dựa vào sự dẻo dai của đôi chân người bán hàng, có mặt ở khắp các ngóc ngách của thành phố. Bộ bưu ảnh hàng rong ở Sài Gòn- Chợ Lớn tái hiện một phần đời sống kinh tế- xã hội cũng như văn hoá của người Việt hồi đầu thế kỷ 20.
Phở là món ăn truyền thống của người Việt xuất hiện đầu tiên trên các gánh hàng rong. Thành phần đơn giản, chỉ gồm nước lèo, bánh phở, một vài miếng thịt và các lọ gia vị. Đây là một gánh phở dạo khác của người Sài Gòn xưa, người bán hàng gánh cả bếp lò, nồi nước sôi đi khắp nơi phục vụ.
Bánh gạo, một loại bánh phổ biến cũng được bán rong trên các khu phố. Bánh được làm từ gạo trộn cùng một số loại ngũ cốc khác cho có mùi vị, cho thêm bột kết dính rồi ép dẹp, sau đó hấp chín.
Cháo, mỳ hay hủ tiếu được người Pháp gọi chung là súp. Các gánh hàng loại này khá cồng kềnh, nặng nề nên chủ gánh thường chọn một góc phố đông người, ngã tư để tiện buôn bán.
Hình ảnh khá thú vị về một xe bán kem của người Hoa Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20. Kem được làm mát bằng đá lạnh xếp xung quanh, sát thùng là một lớp xốp mỏng để giữ đá lâu tan. Người bán sẽ “thu hút” khách bằng một cái chuông nhỏ gắn sát tay lái bên phải.
Khu vực Chợ Lớn tập trung đông đúc Hoa kiều theo đường biển vào lập nghiệp ở Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi. Người Hoa là những người giỏi buôn bán, chịu khó nên các gánh hàng của họ thường đông khách. Hình ảnh chú “Khách”- một cách gọi người Hoa của người Việt bán với đôi quang gánh bán dạo các món ăn như mỳ, cháo, tào phớ… rất quen thuộc và tồn tại cho đến những năm 70 của thế kỷ 20.
Hình ảnh điển hình của gánh tào phớ xưa. Người bán thường gánh một thùng gỗ đựng tào phớ, một chạn gỗ đựng chén bát, muỗng, và những vật dụng khác. Người bán tào phớ có tiếng rao rất đặc biệt, chỉ có một chữ ” phớ…” kéo dài.
Quán bán nước giải khát trên vỉa hè. Người bán hàng ngồi trên ghế cho thấy quán hàng kiểu này là cố đinh, khách hàng là khách qua đường, các bác phu xe kéo nghỉ chân uống chén trà xanh hay một loại nước trái cây nào đó như dừa, được trồng nhiều ở ngay tại vùng Sài Gòn- Chợ Lớn.
Những thực khách ngồi xổm thưởng thức món mỳ của một người bán hàng rong người Hoa ngay trên đường. Các gánh hàng kiểu này vẫn duy trì nhiều ở Sài Gòn cho đến tận những năm 1970.
Nón lá, hình ảnh đặc trưng của người Việt, được làm từ lá cọ lợp trên nên khung tre nhỏ hình chóp nhọn dưới có quai đeo, nón rộng vành nên che kín mặt và rất mát. Nón của người Việt khác với nón người Trung Quốc hay đội với cái chóp nhọn đặc trưng.
Sài Gòn xưa cũng có những khu phố tập hợp các loại gánh hàng rong để người dân và khách thuận tiện ăn uống. Vào buổi sáng khu phố rất náo nhiệt thu hút cả người Tây sống ở thuộc địa.
Họp chợ trên đường phố là một thói quen cố hữu của người Việt. Buôn bán nhỏ, mang bán từng mớ rau, con cá nuôi được nên người Việt tiện đâu bán đấy. Những hình ảnh này cho thấy các bà các chị đang mua bán nông sản, thực phẩm rất sôi động trên phố phường Sài Gòn xưa.
Một người Việt với chiếc nón lá đặc trưng quẩy đôi quang gánh trên đường phố Sài Gòn. Trong đôi sọt đan bằng lá của người đàn ông này thường có nhiều loại nông sản do chính gia đình trồng được để mang đi bán.

Hải An (Zing.vn)

Với giá cả lên tới hàng triệu đồng cho một món ăn được chế biến, 8 món sau đây được coi là những “sơn hào hải vị” thực sự, mà hiếm ai có dịp được thưởng thức.

500 con cá anh vũ/ 1 tháng dành cho đại gia Việt

Với niềm tin: ăn cá anh vũ sẽ gặp nhiều may mắn, trong năm vừa qua, không ít người đã đổ xô đi tìm ăn cá anh vũ để “xua đuổi cái đen” và rước “ông thần may mắn về nhà”.

Cá anh vũ hay còn có tên gọi khác là cá Tiến Vua, là một trong những loại cá nổi tiếng nhất của Việt Nam bởi sự quý hiếm và ngon miệng. Loại cá này rất khảnh ăn, chỉ ăn rêu tảo và sống ở vùng nước trong, không ăn tạp như nhiều loại cá khác nên nhiều người cho rằng chúng thể hiện sự sang trọng.

Hơn nữa đây là loại cá theo sử sách ghi lại để tiến vua và cúng tế thần linh nên được rất nhiều đại gia Việt yêu thích. Đặc điểm của loại cá này là thịt trắng, quánh và thơm ngon hơn bất cứ loài cá sông nước nào. Tuy nhiên, với người bình thường chẳng ai ăn con cá anh vũ này làm gì, vì nhìn nó như con cá trôi, và giá thì quá đắt… Còn đối với những người có tiền thì loại cá này cũng chẳng đáng là bao. 3,5 triệu một kg, chứ có 10, 20 triệu họ cũng sẵn sàng bỏ ra chỉ để thưởng thức cái khối sụn môi như cái “mõm lợn” của con cá anh vũ.

Và theo một vị giám đốc của Công ty phân phối loại cá anh vũ này cho biết, mỗi tháng công ty của ông xuất ra thị trường khoảng 400 đến 500 con, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng sang trọng, bán vào Sài Gòn, và xuất khẩu ra nước ngoài.

1 con cua bằng 1 tấn thóc có sá gì!

Nếu như ăn cá anh vũ để lấy may, thì trào lưu ăn cua Hoàng Đế mới là đẳng cấp. Và đẳng cấp ấy có giá bằng cả 1 tấn thóc của người nông dân.

Vào giữa tháng 7/2012, trên báo Phunutoday có đưa tin, một siêu thị ở Hà Nội vừa bày bán loại cua khổng lồ nặng gần 2kg, với giá khoảng 5 triệu đồng một con, mức giá này đắt gấp 10 lần so với cua bể Việt Nam.

Tên của loại cua này là King crab hay còn gọi là cua Hoàng đế. Cua này chỉ sống ở những vùng biển nước rất lạnh và sâu từ 200-400 m như Alaska (Mỹ), Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là loại cua hiếm có, khó tìm bởi để đánh bắt nó, những người thợ săn phải ra khơi vào những ngày bão biển. Điều đặc biệt là loại cua này có kích thước và trọng lượng lớn hơn rất nhiều so với cua biển thông thường.

Cách đây vài năm, chỉ có những đại gia giàu có ở Hà Nội mới có cơ hội thưởng thức món ăn cao cấp này tại những nhà hàng sang trọng nhập khẩu về với mức giá khoảng 10 triệu đồng/con. Còn đến năm 2012, họ đã có thể “thỏa mãn” nhã hứng xơi cua Hoàng Đế vì tại siêu thị đã bày bán rất nhiều loại cua này.

Giá mỗi kg tu hài Canada bán tại một số nhà hàng hải sản tại Hà Nội phổ biến 1,9- 2,5 triệu đồng. Các nhà hàng kinh doanh món ăn này và kiếm bộn tiền từ những vị khách tin rằng ăn tu hài có thể tăng cường sinh lực, bổ thận tráng dương.

Tu hài (ốc vòi voi) được sơ chế.

Với trọng lượng trung bình 1-2 kg/con, tính ra, giá tu hài Canada tương đương với giá cua Hoàng đế nhập khẩu.

Được ví như “nhân sâm của đại dương”, những con hải sâm vừa là một vị thuốc quý, vừa là loại thực phẩm cao lương mỹ vị dành cho các bậc vua chúa thời xưa. Hiện 1kg hải sâm thô trên thị trường có giá gần 2 triệu đồng.

Súp vi cá mập cũng là món ăn cực đắt mà nhiều người Việt bỏ tiền ra để thưởng thức. Giá mỗi thố nhỏ dành cho một người ăn ở nhà hàng thường vào tầm 1.320.000 đồng. Còn giá cho 1kg vây cá mập chưa chế biến dao động từ 10 – 20 triệu đồng.

50 – 150 triệu, một bữa rùa vàng

Trong cơn bão giá, nhiều người phải thắt chặt chi tiêu nhưng không ít đại gia sẵn tay chi tiền cho một bữa ăn lên tới 150 triệu chỉ có 3 con rùa vàng mà theo người ta đồn nhau rằng “Rùa vàng cực quý hiếm, nó sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ, ăn vào tăng cường sinh lực, đặc biệt ai có bệnh tim nếu uống rượu pha mật rùa, huyết rùa sẽ hết ngay”. Mức giá thì không hề rẻ chút nào, 50 triệu một con.

Để bồi bổ thậm chí có người còn ăn món này thường xuyên. “Thường thôi, mỗi tháng có khi anh chén vài ba con rùa vàng” – một đại gia cho biết.

Phở (hơn nửa triệu), bít tết (hai triệu) bò Kobe

Món phở tại Hà Nội có giá 750.000 – 850.000 đồng/bát, đắt hơn 20 lần một bát phở thông thường được cho là làm từ thịt bò Kobe nhập khẩu từ Nhật Bản. Bò được nuôi theo một quy trình khá cầu kỳ: ăn ngô non, lúa mạch, uống bia thay nước, được tắm nước nóng, nghe nhạc Mozart, xoa bóp bằng rượu Sake.

Tại Hà Nội, một nơi nổi tiếng với món ăn giá nửa triệu này là khách sạn Vườn Thủ Đô. Theo lời đầu bếp khách sạn này, thịt bò Kobe 40% là mỡ, nhưng không có cholesterol, có thể ăn sống được. Những người ăn món phở giá “khủng” này chủ yếu là doanh nhân, người có điều kiện.

Sau đó không lâu, khi xảy ra lùm xùm xung quanh việc thịt bò Kobe nhập khẩu vào Việt Nam không có chứng từ, cơ quan chức năng yêu cầu các nhà hàng kinh doanh món ăn này phải niêm yết giá công khai cũng như xuất xứ của thịt. Hiện, món phở xa xỉ này gần như “mất tích” ở Hà Nội.

Theo nhân viên khách sạn này, từ nhiều tháng nay, đầu bếp tại đây không còn chế biến món phở Kobe giá hơn nửa triệu. Trên thực đơn hiện tại, món ăn nói trên cũng biến mất.

Cũng giống như món phở, bít tết bò Kobe được một số nhà hàng ở Hà Nội chế biến và một thời gian khá hút khách. Giá mỗi suất bít tết khoảng 200- 300 gam thịt bò là trên 1,9 triệu đồng.

Theo đánh giá của nhiều người, mức này quá cao so với mặt bằng chung. Nhưng cũng có người ủng hộ và cho rằng nếu là thịt bò Kobe thì mức giá nói trên quá “bèo”, ngay cả khi bỏ từ 5 đến 10 triệu đồng mà được ăn thịt bò Kobe thật thì cũng đáng “đồng tiền bát gạo”.

Nửa triệu đồng/chiếc chân gà

Tại một nhà hàng ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, thịt gà Đông Tảo có giá 1.150.000 đồng/kg, còn chân gà Đông Tảo giá 500.000 đồng/chiếc.

Nhiều người cảm thấy sốc, choáng bởi chưa bao giờ thấy ở đâu bán một chiếc chân gà lại có giá cao ngất ngưởng như vậy.

Bên cạnh những người cho rằng, đây là một cái giá cắt cổ thì cũng có những người lý giải sở dĩ có giá đắt như vậy vì gà Đông Tảo chỉ quý ở cái chân, chân càng to thì càng đắt.

Tổng hợp từ Internet

CÙNG KHÁM PHÁ 7 MÓN NGON TẠI HÀ GIANG

Đến Hà Giang không chỉ để ngắm hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang mùa lúa chín, mà còn để thưởng thức rất nhiều món ăn ngon.

Dưới đây là 7 món ăn mà du khách nên thử khi ghé thăm Hà Giang

1. Thắng dền

Thắng dền có vị ngọt đặc trưng của đường hoa mai cô đặc. Ảnh: Cảnh Nguyễn Đức.

Thắng dền là một loại bánh ăn chơi khá phổ biến tại thành phố Hà Giang. Nhiều người nhầm tưởng đây là món bánh trôi miền xuôi nhưng thắng dền lại có cách chế biến hoàn toàn khác. Bánh làm từ bột nếp, đường và được nặn thành viên tròn, Chỉ khi có khách gọi, chủ quán mới cho bánh vào luộc rồi chan nước bao gồm đường hoa mai cô đặc, dừa và gừng. Đây là món ăn khá hợp vào khí trời mát mẻ ở Hà Giang, đặc biệt trong những ngày đông. Vị cay cay của gừng sẽ khiến du khách nhớ mãi không thôi.

2. Thắng cố

Mang đậm nét văn hóa vùng cao, thắng cố là món ăn được nhiều du khách tìm tới khi ghé thăm Hà Giang. Được chế biến từ nội tạng và xương trâu, bò, thắng cố không hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng với những ai sành ăn thì món ăn này vẫn để lại ấn tượng khó quên. Được ninh kỹ với các loại thảo quả và gia vị đặc trưng của miền núi, thắng cố có vị ngậy, bùi khác lạ. Du khách có thể tìm cho mình một bát thắng cố ở bất kỳ đâu nhưng tới các chợ phiên và nhâm nhi cùng cốc rượu ngô của người dân tộc sẽ là lựa chọn tốt nhất.

3. Rêu nướng

Là một món ăn độc đáo của người Tày tại Hà Giang, rêu nướng có hương vị rất riêng. Để có món rêu nướng ngon, người Tày thường lựa chọn những đám rêu non nhất, rồi khéo léo tách phần nhớt phù sa bên ngoài đem trộn với một số loại gia vị như muối, mì chính, lá mùi tàu… sau đó gói vào lá đem nướng. Món rêu nướng của người Tày có tác dụng chữa bệnh nên được nhiều người yêu thích.

4. Rau trộn

Món rau trộn ngon hơn nhờ có lơ khoải. Ảnh: Cảnh Nguyễn Đức.

Được chế biến từ các loại rau phổ biến tại Hà Giang như cải bắp, cải ngọt hay quả đậu và một số thành phần phụ khác như xúc xích, bánh bao và bánh lơ khoải, dưới đôi bàn tay khéo léo của những con người ở cao nguyên đá, món ăn này trở nên đặc biệt hơn hết. Cách chế biến cũng khá đơn giản. Sau khi chiên riêng từng nguyên liệu, chủ quán sẽ trộn lại cùng một loại tương đặc biệt. Chính loại tương này đã làm nên vị cay lạ của rau trộn. Vị mềm mềm của bánh lơ khoải cùng vị giòn tan của các loại rau quả đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho món ăn này.

5. Bánh cuốn trứng

Cũng là bánh cuốn nhưng ở Hà Giang món ăn này lại không dùng cùng nước chấm như nhiều người vẫn nghĩ. Thay vào đó, khi tráng trên bếp, bánh sẽ được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bột trắng ngần bên ngoài gói lại. Khi thưởng thức, thực khách sẽ ăn kèm với một bát nước lèo thả giò trắng thơm ngon ở trong. Món ăn này ăn lạnh hay nóng đều ngon vì vị ngậy của trứng cùng hương thơm đậm đà của nước lèo.

6. Bánh tráng

Ít ai ngờ Hà Giang cũng có món bánh tráng nổi tiếng

Bánh tráng có lẽ là món ăn không còn xa lạ với nhiều người. Tại cao nguyên đá Hà Giang, nhiều du khách đã dễ dàng tìm được món ăn khoái khẩu này. Cũng được làm từ bột gạo, trứng, hành tươi, bánh tráng Hà Giang có hương vị đặc biệt bởi thứ gạo trồng nơi đây.

7. Cháo ấu tẩu

“Chưa ăn cháo ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang”, câu nói này quả thực không sai. Món ăn này không chỉ có mùi thơm ngậy, bùi cay mà còn có vị đắng đặc trưng của củ ấu tẩu, thành phần chính của cháo. Khi mới ăn bạn sẽ hơi khó nuốt nhưng nếu đã quen thì lại trở thành món ăn gây nghiện. Được coi là món cháo giữ nhiệt do vậy thời điểm phù hợp nhất mà du khách có thể thưởng thức món ăn này là mùa đông.

Đỗ Huyền (vnexpress.net)

Sự tích món Phở

Theo Alain Guillmin, người Pháp, món phở Việt Nam là kết quả đầy sáng tạo của Thi Ba – tình nhân của Francois Pierre Vidcoq – một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910-1914, ông ngọai của tác giả -khi cô phải chế biến món pot au feu của Pháp cho ông ăn.

Bằng những hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam, Thi Ba đã làm ra món phở và nhanh chóng được nhiều người Sài Gòn thời đó biết đến. Đây chỉ là một trong nhiều sự tích về món phở, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Còn có cái gì đặc thù Việt Nam hơn phở, món ăn ngon lành mà Bích, đã nấu thật khéo léo khiến vị giác của chúng tôi đều thích thú. Cùng với trống đồng, đàn bầu và Truyện Kiều, không nghi ngờ gì nữa, đó là một trong những đóng góp chủ yếu của Việt Nam vào văn minh nhân lọai. Đến mức việc bàn luận về giá trị của những lọai phở khác nhau trở nên một lối thử bút mà những nhà văn lớn của Việt Nam thể hiện với sự khóai trá chẳng kém gì khi bình những câu thơ hay nhất của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du hay Xuân Diệu.

Chẳng hạn, trong cuốn Cát bụi chân ai, Tô Hòai kể lại chi tiết cho chúng ta một cuộc tranh cãi, nếu có thể gọi thế, giữa Nguyễn Tuân và Thạch Lam:”Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà là hợp khẩu vị, và ngon theo ý mính…Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. Ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên -bánh thái sẵn hay thái máy như ở Sài Gòn, Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt rồi bày lên, rắc hành hoa và hạt tiêu – không ớt, mặc dầu thích ớt cay…Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tàu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mì chính cốt thưởng thức cái tinh túy của nước dùng xương. Tập ký “36 phố phường” của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Dõan, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: “Cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dộc tẩu xuống, kể cũng đáng viết cho ra nhẽ”.

Còn gì Việt Nam hơn phở! Nhưng không! Cần phải khôi phục lại sự thật, cho dù đó là niềm tự hào dân tộc. Phở là một trong những sản phẩm của thới Pháp thuộc, kết quả của một sự cộng tác chắc chắn là miễn cưỡng, giữa thực dân với bản xứ (hay nói đúng hơn, giữa một tay thực dân với một người đàn bà bản xứ). Tôi không dám úp mở thêm để làm mất thời gian của bạn đọc, chính ông ngọai tôi, Francois Pierre Vidcoq, một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910 đến 1914, cùng với cô Thi Ba xinh đẹp của ông đã nghĩ ra cách nấu phở. Chính ông đã kể cho tôi, kể lén bà ngọai, một Bà Đầm, nghe chuyện này. Tôi sẽ cố gắng truyền đạt trung thành những lời ông kể. Xin nói thêm, ngay cả cái tên của món ăn tuyệt khẩu này chẳng qua cũng chỉ là cách phiên âm sang tiếng Việt của cụm từ Pháp:”pot au feu” – pô-tô-phơ – như các bạn dễ dàng hiểu sau khi đọc những dòng dưới đây…

“Pot au feu” của người Pháp

 

Chuyện thế này: Sau khi đã ổn định tại Sài Gòn, xa tấm thân đang thời xuân sắc của cô vợ người xứ Normandie, Francois Pierre chẳng bao lâu lại tràn trề ham muốn. Ngay cả dưới cái nóng nhiệt đới, thân xác cũng cần khóai cảm, nhà cửa cũng cần dọn dẹp và bàn ăn cũng cần phải có món ăn! Francois Pierre kiếm được một cô gái, đưa về sống trong căn nhà của mình. Mấy tháng trôi qua cũng chẳng đến nỗi nào: Francois Pierre không phải là một người đàn ông độc ác, anh không chửi mắng cô gái để chứng tỏ quyền uy với người da trắng, không đánh đập cô cho hả những lúc bực mình, còn Thi Ba phục vụ những nhu cầu hàng ngày của ông Tây. Ông ta cho phép cô thỉnh thỏang ra ngòai với chúng bạn, còn chuyện kia thì cũng không quá tuần một đôi lần, cốt làm dịu những đòi hỏi xác thịt bình thường.

Nhưng sau đó đột nhiên Francois Pierre ngã bệnh nhớ nhà. Anh trở nên ủ rũ, cáu kỉnh và dễ nổi xung. Những lúc không chỉ mắng Thi Ba hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô vì những lí do vớ vẩn, anh lại chúi mũi vào chai rượu ngải, mắt kiếm tìm vô vọng vệt xanh lơ của dãy Vosges, điều không thể nào làm được từ mảnh đất Nam Kỳ xa xôi này. Trong trạng thái lơ mơ say như thế, một câu nói cứ dai dẳng bên tai anh không lúc nào ngừng:”Du pot au feu, tôi thèm pô-tô-phơ, ước gì lúc này được một bữa pô-tô-phơ!”.

 

“Phơ, phơ, phơ ” Thi Ba chỉ nghe được có vậy và chẳng biết phải làm gì. Cô bạn của Thi Ba từng làm con ở trong nhà một viên quan Pháp, một viên quan to xa xỉ khó tưởng tượng nổi, đến mức đem theo đến Đông Dương cả một bà đầu bếp người Pháp, giải thích cho Thi Ba hiểu ra đầu đuôi mọi chuyện. Cái thứ pô-tô-phơ đang làm anh lính thủy đánh bộ kgổ sở hóa ra chỉ là một món súp, mà món súp thì Thi Ba biết nấu. Nếu như biết công thức của nó. Thi Ba chỉ bập bẹ tiếng Pháp bồi, Francois Pierre biết không quá hai chục từ tiếng Việt.

Phở Hà Nội

Cuối cùng, nhờ có một con chiên annamite trẻ tuổi biết thứ tiếng của Voltaire-nhân tiện cũng nói thêm rằng tác giả này bị những nhà truyền đạo chính thức cấm đọc- Thi Ba đã hình dung ra được những việc phải làm. Nguyên liệu, pha chế, cách nấu và gia vị, chẳng có gì giống với nghệ thuật nấu ăn của người Việt, thêm nữa, Francois Pierre khăng khăng muốn Thi Ba nấu sao cho giống hệt món pot au feu mà mẹ anh ta vẫn nấu. Rốt cuộc, sau vô số những lần thử nghiệm, những thất bại, cãi cọ, những nồi súp hỏng đổ xuống kênh, Thi Ba đã đi đến một kết quả tạm được Francois Pierre chấp nhận. Dĩ nhiên, món phở của Thi Ba khác hẳn món pot au feu ở quê anh, nhưng, như ngạn ngữ Pháp thường có câu:”Faute de grives on mange des merles!”. Dịch sang tiếng Việt, có nghĩa là:”không có cá lấy tôm làm trọng”.

Thay cho các gia vị truyền thống của nghệ thuật nấu ăn Normandie, Thi Ba sử dụng hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam. Món ăn mới này ban đầu được hai người say mê thưởng thức, sau đó đến các bạn bè, rồi bè bạn của bè bạn. Tất cả những người lính thủy từng ghé vào lấy thực phẩm tại cảng Sài Gòn trứơc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đều sẽ nói với bạn, một cách thi vị về món súp của nàng Thi Ba xinh đẹp, cô gái của Francois Pierre Vidcoq.

Ông ngọai tôi sau đó đã trở về Normandie, để lại cho Thi Ba khỏan phụ cấp giải ngũ ít ỏi của mình. Với số tiền này, Thi Ba trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn, mở một tiệm ăn và nó nhanh chóng trở thành nơi ưa thích của những tay sành ăn Hà Nội vốn đông đảo và hay chuyện. Danh tiếng của bà và của món phở ngày một lan xa. Khi ông ngọai tôi mất, bà ngọai tôi tìm thấy trên cổ ông một cái túi bằng lụa nhỏ, bên trong có ảnh một người đàn bà Annamite mặc quần áo cổ truyền cùng một ít lá thơm. Bà khóc suốt đêm và chôn ông cùng với chiếc bùa hộ mệnh ấy.

Câu chuyện về nàng Thi Ba xinh đẹp, Francois Pierre Vidcoq và món phở là như vậy. Chẳng biết đó là chuyện thật hay là chuyện bịa? Điều quan trọng là nó làm cho bạn thích thú và nhớ đến mỗi khi mũi bạn ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt từ một bát phở lớn nóng hổi bay lên.

Alain Guillmin (Pháp)

 

Ngô Tự Lập (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp).

RỦ NHAU VỀ MIỀN TÂY ĂN MÓN NƯỚNG

Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa” (nhạc Phạm Duy)

Ẩm thực miền tây vẫn còn mang đậm nét sơ khai, dân dã của những người đi mở cõi, và đây cũng là nét hấp dẫn du khách đến thăm vùng đất này từ bao lâu nay. Mùa mưa, mùa nước nổi, cũng là mùa miền tây có nhiều món ngon, nhất là những món nướng…

Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là món ăn được người nông dân Nam bộ chế biến nên sau những buổi làm đồng. Cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng chín là có thể cùng nhau thưởng thức ngay giữa cánh đồng rộng gió.Từ món ăn đơn giản đó, cá lóc nướng trui nhanh chóng trở thành một đặc sản mà du khách khi đến Nam bộ đều muốn được một lần thưởng thức. Theo người dân Nam bộ, món ăn muốn ngon thì cá lóc nhất thiết phải là loại sống trong môi trường tự nhiên.Chế biến cá lóc nướng trui không hề khó nhưng nó cũng đòi hỏi sự khéo tay cũng như kinh nghiệm của người làm bếp. Cá nướng chín được bày ra trên lá chuối, cạo bỏ phần vảy cháy đen bên ngoài để lộ ra phần da chín vàng ươm thơm nức đầy hấp dẫn. Món ăn này phải thưởng thức với một rổ rau sống tươi ngon.
Rắn bông súng nướng mọi
Rắn bông súng là một loại rắn lành, thường sống ở đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước. Rắn bông súng nướng mọi trên lửa than hồng, khi mùi thơm phảng phất bay lên, da rắn phù ra rồi nứt bung là rắn đã chín tới. Để rắn trên lá chuối xanh, cầm lên bẻ thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá rất ngọt, rất hấp dẫn.
Gà nướng đất sét
Gà nướng đất sét là một trong những món nướng không thể thiếu khi người Tây Nam Bộ chiêu đãi khách phương xa khi họ tới nhà.
Gà nướng đất sét. Ảnh: Hanhtrangphuot
Với con gà được đắp đầy đất sét với bùn nhão bên ngoài, thui bằng rơm theo đúng cách chế biến nguyên bản của nó. Gà được thui tới khi đất sét khô nứt, bóc đất ra là sạch cả lông. Với cách chế biến này, các chất dinh dưỡng trong gà được giữ nguyên trong từng thớ thịt, có giá trị dinh dưỡng cao. Sự hòa hơp từ vị béo của mỡ gà, mùi thơm của rau cùng với vị mặn chua của miếu tiêu chanh, muối ớt cộng với mùi thơm thoang thoảng của rơm giúp người ăn cảm nhận được sự khác biệt của khẩu vị món ăn đồng quê.Hiện nay, trong các quán nướng, món này đã được thay đổi để thích hợp với không gian quán. Gà cũng được đắp đất sét nhưng bọc bên ngoài một lớp giấy bạc rồi nướng trên bếp than hồng nhưng cũng vẫn là một trong những món hút hồn từ người già cho đến trẻ nhỏ.
Ốc đồng nướng 
Ốc lác, ốc bươu ở Tràm Chim, Tam Nông rất chắc, cầm nặng tay. Sắp ốc lên vỉ nướng trên lửa than. Vỏ ốc rám khô, miệng ốc hở mi mí là ốc đã chín. Đợi ốc bớt nóng, người ta dùng tăm tre lể ốc chấm với nước mắm sả ớt bằm hoặc nước mắm chanh tỏi ớt.
Chuột nướng
Chuột lột da, bỏ đầu và bộ lòng, rửa sạch, để trong rổ chừng 10 phút cho ráo nước. Ướp chuột với nước mắm, tỏi đâm, tiêu giã dập, ít đường, chút bột ngọt, nếu có bột ngũ vị hương thì càng tốt. Sắp chuột lên vỉ nướng với lửa than hồng thật đượm. Khi thịt chuột ngả màu vàng nhạt, khô, cháy xem xém rìa là chuột đã chín. Sắp chuột ra dĩa, chấm thịt chuột với nước tương dầm tỏi, ớt. Đây là một món ăn ngon, dễ ăn, rất được nhiều người ưa thích.
Theo dantri.com.vn

10 món ăn Việt đạt giá trị ẩm thực châu Á

Đây là những món ăn đặc sản có sự độc đáo riêng biệt của các vùng miền của Việt Nam được so sánh đối chiếu với các món ăn đặc sản của các quốc gia trong toàn châu Á.

Những món ăn, đặc sản này sẽ được Tổ chức Kỷ lục châu Á tiến hành quảng bá trên các phương tiện truyền thông của nhiều quốc gia trong khu vực.

Dự kiến, đại diện Tổ chức Kỷ lục châu Á sẽ đến Việt Nam trao bằng xác lập 10 món ăn đặc sản này nhân dịp Hội ngộ kỷ lục Việt Nam lần thứ 27 vào tháng 2/2014.

10 món ăn, đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á:

1. Chả cá Lã Vọng – Hà Nội

Chả cá được làm từ thịt cá quả, ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm, kẹp vào cặp tre nướng trên lò than hoa. Chả cá ăn nóng kèm với các loại rau thơm ở Láng (Hà Nội), bún Thanh Trì hoặc bánh đa, mắm tôm hoặc nước mắm.

2. Bún cá rô đồng – Hải Dương

Cá rô đồng luộc gỡ lấy thịt, đem rim khô để trong tô bún hoặc bánh đa, thêm rau xanh rồi cho nước dùng. Nước dùng được lọc từ đầu cá, xương cá, tuy nhiên mỗi quán có một bí quyết riêng để nấu nước dùng, để tạo nên vị thơm, ngọt đặc trưng của tô bún.

3. Chả Mực Hạ Long – Quảng Ninh

Mực tươi vừa mới đánh bắt lên từ biển, làm sạch, giã trong cối đá đến khi dẻo quánh, kết dính với nhau. Chả chín vàng ruộm chấm tương ớt, ăn nóng.

4. Cao lầu Hội An – Quảng Nam

Cao lầu có sợi mì màu vàng ươm do được trộn với tro củi tràm lấy từ cù lao Chàm. Mì dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và một ít nước dùng. Cao lầu thường được bày bán trong các quán ăn 2 tầng, trên có treo đèn lồng xanh đỏ, thực khách có thể vừa thưởng thức món ăn vừa thưởng ngoạn không khí cổ kính phố cổ Hội An.

5. Bánh canh chả cá Quy Nhơn – Bình Định

Nổi tiếng ngon do được làm từ các loại cá tươi: cá thu, mối, rựa, chuồn…, chả cá Quy Nhơn gồm hai loại chả hấp và chả chiên, dùng chung với bánh canh bằng bột gạo hoặc bột lọc, có thêm hành lá, hành củ xát nhỏ, tiêu…

6. Gỏi lá – Kon Tum

Gỏi Lá Kom Tum đúng nghĩa phải có từ 40 đến 50 loại lá cây rất tốt cho sức khỏe, trong đó có 3 loại lá không thể thiếu được là mơ lông, đinh lăng và lá sung. Trên mâm gỏi lá có các món đi kèm là bì heo trộn thính, đĩa thịt heo ba chỉ thái mỏng, đĩa tôm sông xào thơm lựng, ít muối hạt, tiêu hạt, ớt hiểm…

7. Bánh Bèo bì – Bình Dương

Bánh bèo bì chợ Búng (Bình Dương) làm từ gạo đỏ, có vị thịt khìa trộn thính ăn cùng mắm ớt. Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Búng đổ bằng gạo nguyên được vo đãi thật kỹ, làm bột, quấy với nước cốt dừa rồi đổ vào khuôn đem hấp chín. Đậu xanh đãi vỏ nấu nhừ làm nhân phết trên mặt bánh. Thịt heo nạc khìa với nước dừa, đem thái đều thành sợi nhỏ cỡ cọng bún, rải thính vào cho thơm và thấm đều. Tô nước mắm chua ngọt tỏi, ớt, chanh được pha sẵn. Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn, chan nước mắm.

8. Bún suông (đuông) – Trà Vinh

Chả tôm tươi cho vào bao ni lông cắt một đầu nhỏ để nặn suông vào nồi nước dùng (nước lèo) đang sôi hoặc chiên sơ rồi cho vào nồi nước dùng khi ăn. Nước dùng nấu bằng xương lợn (heo), ít me, tương hạt.

9. Hủ tiếu Mỹ Tho – Tiền Giang

Khác với các hủ tiếu khác, Hủ tiếu Mỹ Tho khác với các loại hủ tiếu là dùng bánh khô, cọng nhỏ, hơi dai và hơi chua, được sản xuất từ gạo Gò Cát, Mỹ Tho. Ngoài thịt, lòng heo, tôm để trên mặt, tô hủ tiếu còn có thêm thịt bằm, trứng cút, cua hay sườn heo, ăn kèm giá sống, hẹ, ớt cắt lát mỏng, chanh. Nước nấu bằng xương lợn (heo), khô mực, tôm khô.

10. Bún cá Châu Đốc – An Giang

Bún cá Châu Đốc là món ăn được coi là khá đơn giản với cá lóc (cá quả), nước lèo và bún tươi. Nước dùng nấu bằng xương ống heo. Cá lóc đồng làm sạch, đầu cá được cắt rời nhưng vẫn giữ nguyên bộ lòng, luộc chín với một ít sả và củ nghệ đập dập giúp nước dùng sẽ có màu vàng đẹp mắt, không có mùi tanh của cá. Cá luộc chín, gỡ thịt, ướp gia vị, xào sơ với nghệ. Gia vị gồm có mắm cá linh, mắm ruốc hòa tan, củ nghệ giã nhỏ, lược bỏ xác cho vào nồi nước dùng. Bún cá ăn kèm rau diếp cá, húng quế, bắp chuối rau muống…

Theo cand.com.vn

Huffington Post: 7 lý do để bắt đầu ăn món Việt

[MAV] Tờ HuffingtonPost của Anh đã liệt kê 7 lý do để ăn món ăn Việt. Bài báo khá hot và hiện nay đã nhận được tới 16 ngàn lượt like, chúng tôi xin dịch lại cho mọi người tiện tham khảo và chia sẻ.
ĂN KHỎE: BẢY LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU ĂN ĐỒ VIỆT
-The Huffington Post UK-

Không chỉ ngon, món ăn Việt còn thực sự bổ dưỡng.

Ít chất béo, không có gluten, đầy ắp các loại chất sinh tố và khoáng chất, đó thực sự là những món hoàn hảo để tăng cường hệ miễn dịch của bạn, đồng thời, để hỗ trợ giảm cân và cung cấp năng lượng.
Chúng tôi đã tìm hiểu từ nhà hàng Phở để rút ra được 7 lý do vì sao tất cả chúng ta đều nên chọn món ăn Việt:


1. Trẻ lâu hơn…

…nhờ các chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn tiến trình lão hóa. Các món gỏi và canh của dân Việt Nam có chứa nhiều sinh tố E và A, nhờ sử dụng các loại rau củ tươi, gia vị và thịt nạc.

Sinh tố E giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể bạn (một trong những nguyên nhân chính làm mau già), còn sinh tố A giúp phục hồi các vết xước, vết sẹo, xóa mờ nếp nhăn.

2. Giúp bạn sung sức, ít bệnh…

…qua việc cung cấp đủ vitamin và khoáng chất trong ngày chỉ bằng một cái bát. Món nước dùng mất tới hơn 10 giờ đồng hồ để chuẩn bị, và nó cũng là một nguồn cung ứng dồi dào cho bạn 10 loại sinh tố và khoáng chất, như là vitamin C, B3, B6, folate, sắt và magiê – những thứ đồng thời còn có tác dụng làm giảm mệt mỏi.

Rau trộn các thứ kiểu Việt Nam cũng rất chất: món gỏi đu đủ tôm ở nhà hàng Phở cung cấp tới 50% lượng dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày từ sinh tố C cũng như B1, B6, B3, folate, biotin, kẽm, đồng, ma giê và kali. Tuy bổ như vậy, nhưng chúng chỉ có 200 calo và ít hơn 2g chất béo trong mỗi dĩa, cho nên chúng tôi đã phải gọi món salad đó là “món ăn đỉnh”.

3. Điều hòa lượng đường trong máu…

…nhờ việc hạn chế những thứ làm từ bột mì. Những món ăn làm từ loại ngũ cốc tinh chế dễ dàng được tiêu hóa, dẫn theo việc giảm một lượng đường đáng kể trong máu, đồng thời cũng làm bạn mau đói hơn. Món ăn Việt hầu như không chứa gluten, vì các món thường có nguyên liệu từ gạo, chẳng hạn bún, bánh tráng, bột gạo… chứ không làm từ lúa mì. Một vài món của Việt Nam làm với nước tương, nhưng có thể thay thế bằng một loại nước chấm khác không có gluten.

4. Cải thiện hệ tiêu hóa…

…từ việc ăn các loại thảo dược như rau mùi, bạc hà. Mỗi tô phở của Việt Nam thường đi kèm với một dĩa đầy những loại rau để bạn chọn và thêm vào tô của mình. Trong đó bạn có thể dễ dàng tìm thấy những loại rau bổ dưỡng, ví dụ như rau mùi, bạc hà, hai loại rau thường được coi là thuốc bổ cho gan đồng thời giúp thoát khỏi chứng khó tiêu, buồn nôn (và cả đau đầu).

5. Giúp cho mái tóc khỏe mạnh…

…với sắt, protein và sinh tố C. Ăn nhiều chất sắt và protein từ thịt nạc sẽ tốt cho sự phát triển và nuôi dưỡng của mái tóc. Còn nữa, vitamin C hỗ trợ hấp thu chất sắt, vì vậy khi ăn các món chiên xào của hoặc bún của Việt Nam (thường kèm theo nhiều thịt nạc và rau), thì bạn lợi cả đôi đường.

6. Giảm lượng đường…

…như những gì chúng ta đề ra trong năm 2014. Đầu năm nay, các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng đường cũng nguy hiểm như rượu và thuốc lá. Nhiều món canh và cuộn như nem rán, gỏi cuốn của Việt Nam thường có ít đường (ít hơn 5g muỗi phần ăn). Ăn đồ Việt sẽ giúp bạn căt giảm bớt nhiều đường trong tuần.

7. Giảm cân…

…với việc giảm lượng calo và chất béo. Các món ăn Việt thường dùng tới nhiều loại thảo dược và gia vị (thay vì dùng dầu hoặc bơ sữa) và thường có nhiều rau quả tươi, nên bạn sẽ tìm thấy rất ít calo và chất béo trong chúng. Một tô phở hoành tráng cũng chỉ có từ 300 tới 600 calo, và ít hơn 3g chất béo, như vậy bạn có thể ăn một phần như vậy vào buổi trưa hoặc tối trong ngày như là cách để điều chỉnh việc thu nạp calo, chất béo vào cơ thể.

Bạnh Bư dịch.
Theo Huffington Post UK.

UỐNG SỮA ĐẬU NÀNH TRONG ĐÊM ĐÀ LẠT

Đêm Đà Lạt uống sữa đậu nành, đó là những thứ gần như đã gắn liền với nhau trong tâm thức của người yêu thành phố ngàn hoa. Đêm Đà Lạt được thiên nhiên ban cho cái lạnh quanh năm suốt tháng, và từ đó, người Đà Lạt đã thêm vào cho đêm những dòng sữa nóng, thanh tao, ngọt ngào. 

Tất nhiên theo thời gian, Ðà Lạt bây giờ đã có nhiều thay đổi, chuyện thay đổi để tốt hơn hay xấu hơn còn tùy theo cách nhìn cá nhân. Nhưng có một thứ bình dị của Ðà Lạt đó là món sữa đậu nành, một thức uống bình dị tới mức không cần khen hay chê, không cần phải khoe hay giấu; một thứ tuy không được xếp hạng hay được trưng trên các phương tiện truyền thông nhưng chắc chắn nếu món sữa đậu nành mà vắng bóng hoặc không được ưa chuộng thì Ðà Lạt sẽ không còn là Ðà Lạt!

Sữa đậu nành Ðà Lạt có gì lạ?

Không ai cất công đi ngược thời gian để tìm lịch sử một thức uống bình thường như sữa đậu nành. Nhưng khí hậu và cảnh quan Ðà Lạt là cái nôi tạo cho món sữa đậu nành vị trí “xuất thân” khác biệt hẳn với mọi ly sữa đậu nành ở các vùng miền khác. Có người cho rằng sữa đậu nành Ðà Lạt được biết tới nhờ ăn theo “địa vị sang trọng” xứ cao nguyên, nhưng cũng có người cho biết sữa đậu nành là món quà quí, rất riêng mà văn minh của “thành phố Châu Âu nhiệt đới” này đã may mắn tìm thấy.

Mỗi du khách đến Ðà Lạt về đêm không thể không nhớ đến, không thể không rủ nhau đi uống sữa đậu nành. Và từ xưa Ðà Lạt hiểu được nhu cầu này nên những quầy, những quán, những gánh sữa đậu nành bày bán có khi nhiều hơn cả những điểm các mặt hàng khác.

Một bà có gánh sữa đậu nành nói. “Không chọn nghề này thì thôi chớ khi bán rồi thì dù ế hay đắt hàng cũng cứ chung thủy miết.” Thật khó có thể phân tích tại sao phải “chung thủy miết với sữa đậu nành.”

Trời lạnh cầm ly sữa nóng trao cho khách có khi cái cảm giác ấm bàn tay cũng khó bỏ, có khi hương sữa đậu nành bay đặc trong khí lạnh cũng là thứ mùi hương ngửi lâu đâm ghiền, có khi thích nhìn khách áp hai bàn tay vào ly để sưởi còn miệng thì hớp từng ngụm nhỏ như một đứa trẻà Nhiều người cho rằng nhu cầu uống sữa đậu nành của dân Ðà Lạt và của du khách, cùng với cung cách phục vụ ân cần của người bán sữa cũng đủ làm nên một nét văn hóa đặc sắc của Ðà Lạt.

Một nhà văn mê Ðà Lạt đến mức nếu trong tháng mà không có ít nhất một lần lên thăm là sẽ bị bệnh, ông này hùng hồn nói như bảo vệ tác phẩm trước hội đồng xét chọn, “Tôi không phản đối bắt chước Tàu uống trà, bắt chước Tây tạo phong cách cà phê nhưng cứ kiểu đó thì chúng ta có gì riêng nào, thí dụ chúng ta sẽ bổ sung sáng tạo thêm được gì vào cung cách Trà Ðạo của Nhật nào? Sao chúng ta không cùng nhau làm ra giá trị văn hóa sữa đậu nành. Không đùa đâu. Không chỉ vì sữa đậu nành gắn bó lâu đời với Ðà Lạt, mà xét về góc cạnh dinh dưỡng không thức uống nào có thể mang tính bổ dưỡng – văn minh hợp thời đại bằng sữa đậu nành.”

Ðêm Ðà Lạt, du khách có thể uống sữa đậu nành mọi lúc mọi nơi. Nếu thích uống sữa đậu nành gánh ở bờ Hồ Xuân Hương thì du khách sẽ được “khuyến mãi” thêm vài mẫu chuyện vui, buồn về đời tha hương cầu thực của dân nhập cư bán sữa đậu nành.

Ở phố đi bộ thì sữa đậu nành được bày bán trong mấy chiếc xe bán hàng bằng nhôm có treo đèn màu nên bàn ghế sáng choang, sữa đậu nành ở đây có “khuyết điểm” là giống mấy xe bán hủ tíu, bán bánh ướt ở Sài Gòn, để có một chỗ bán sữa đậu nành ở phố này nghe đâu người bán phải mua chỗ gần cả chục triệu đồng. Nhưng đích thị sữa đậu nành Ðà Lạt là ở những tiệm chỉ bán sữa đậu nành, có tiệm chỉ rộng vài mét vuông nhưng cũng đàng hoàng bày bán ở mặt tiền đường lớn hoặc hẻm nhỏ.

Ở phố Tăng Bạt Hổ có tiệm sữa đậu nành bán rất đắt hàng, vào những ngày cuối tuần du khách ngồi tràn ra chật một đoạn đường để uống sữa. Có du khách thích uống sữa đậu nành pha với sữa bò đặc, sữa đậu phộng, sữa đậu xanh hoặc thích ăn thêm vài cái bánh sừng trâu, bánh hạnh nhânà Nhưng đa số khách chỉ thích ngồi trên các ghế nhỏ, tay “ôm” ly sữa đậu nành rồi đưa lên chu miệng hớp từng ngụm sữa nóng. Có người sành sữa đậu nành cho biết là sữa ở tiệm trên phố Tăng Bạt Hổ ngon, rẻ nhưng không phải là ngon nhất Ðà Lạt. Theo họ sữa đậu nành trước đây ở chợ Âm Phủ, ở đầu dốc chợ Hòa Bình hay sữa đậu nành bà Lan mới là sữa ngon nhất… Ở phố Phan Ðình Phùng cũng có vài tiệm sữa thuộc loại ngon, nhưng nói chung sữa đậu nành ở Ðà Lạt chỗ nào bán cũng ngon, còn nếu muốn chỉ ra một tiệm một gánh, một xe bán sữa nào đó để gọi là “Ðệ nhất sữa đậu nành” thì có lẽ nên tổ chức bầu chọn, mà tại sao không bầu chọn ra sữa đậu nành Ðà Lạt số 1 giống như cách bầu chọn tổng thống nhỉ!

Một câu chuyện trong quán sữa đậu nành

Hôm chúng tôi đến Ðà Lạt trúng vào lúc có áp thấp nhiệt đới, bình thường mùa Thu Ðà Lạt luôn mưa dầm dề, gặp lúc biển duyên hải miền Trung động mưa lại càng thê thảm hơn. Chúng tôi ngồi co ro trong tiệm sữa đậu nành ở số 98 phố Phan Ðình Phùng, cùng co ro “ôm” ly sữa với chúng tôi có một cặp vợ chồng tuổi trung niên và một ông già còn quắc thước. Sữa nóng, thơm lừng, phố phường vắng ngắt, đó đúng là một cảnh buồn theo đúng phong cách Ðà Lạt.

Bỗng nhiên phía bàn của cặp vợ chồng tuổi trung niên có tiếng nói, người đàn ông quay sang hỏi chuyện ông già, “Bác chắc là dân ở đây?” Ông già đáp, “Tôi ở đây từ năm sáu mươi, lúc Ðà Lạt vẫn còn thấy cọp về.” Người đàn ông trung niên nói, “cháu trước đây cũng ở Ðà Lạt, năm sáu tám thì dời đi, mấy chục năm nay mới trở lại, nơi này bây giờ khác quá.” Ông già hỏi, “Trước đây anh làm gì, rồi đi đâu?” Người đàn ông nói, “Trước đây cháu là lính Biệt Ðộng Quân, sau năm sáu tám chuyển lên Pleiku, sau đó đi “học tập cải tạo”, khi về bận đi làm ăn, nay mới có dịp đi với bà xã thăm lại Ðà Lạt.”

Ông già hỏi, “Anh đi học tập bao lâu, trước đây cấp bậc gì?” Người đàn ông dè dặt nói, “Dạ chín năm, mà thôi đừng nói chuyện đó, nói làm gì hả bác.” Ông già vẫn cứ thản nhiên “Anh ngại không nói cấp bậc thì thôi, chớ tôi xưa cũng dạy ở trường sĩ quan Ðà Lạt.” Người đàn ông dè dặt hỏi, “Thế bác dạy gì?” Ông già nói “Dạy võ. Anh có quen ai từng học ở trường sĩ quan Ðà Lạt cứ hỏi Phạm Xuân Việt chắc có người còn nhớ.”

Người đàn ông không hỏi gì thêm. Ðược một lúc, người đàn ông lên tiếng gọi thêm sữa đậu nành, đây là ly sữa thứ ba của ông. Bà chủ quán đi vào hỏi ông già rằng ông có ăn bánh ngọt như mọi ngày không, rồi bất chợt bà quay sang nói với người đàn ông, “Nếu tôi không nhầm thì anh là Việt kiều, mấy ông mấy bà Việt kiều mỗi khi vào chỗ em là uống mỗi người hai ba ly sữa, có dùng gì thêm thì giúp cho quán em.”

Sữa đậu nành Ðà Lạt vẫn nóng thơm, như để an ủi người đàn ông trung niên, người không dám thừa nhận đầy đủ lịch sử bản thân và sưởi ấm thêm cho tính minh bạch của một ông già Ðà Lạt cố cựu.

Ðêm Ðà Lạt mù mưa, ai chui vào tiệm sữa đậu nành cũng thấy sướng. Và chúng tôi kể lại câu chuyện tình cờ được nghe ở trên cũng là cách chúng tôi muốn bày tỏ rằng, có khi vào một ngày nào đó, Ðà Lạt thiếu vắng ly sữa và những tiệm sữa đậu nành thì ngày đó sẽ không có sự kết nối lành lặn giữa một Ðà Lạt tuyệt đẹp trong ký ức và một Ðà Lạt có nhiều cái mới nhưng chưa có hồn.

Bài viết của Trần Tiến Dũng – Người Việt