CÁ TRÔI là loại cá quen thuộc trong đời sống ẩm thực của dân ta. Cá trôi có vị ngon ngọt, béo, làm được nhiều món ngon từ canh chua đến hấp, kho…đặc biệt thích hợp trong tiết trời nóng nực. Cá trôi còn được coi là một vị thuốc vì chữa được nhiều loại bệnh.
Cá trôi kho: Canh cá trôi, sâm linh, sơn dược, ý dĩ: cá trôi 1 con (200 – 300g), đảng sâm 18g, phục linh 16g, ý dĩ 16g, sơn dược 16g. Cá trôi làm sạch bỏ ruột. Sắc các vị thuốc lấy nước, bỏ bã, dùng nước thuốc nấu cá, khi cá chín nhừ thêm gia vị ăn. Dùng cho các trường hợp phù nề vàng da, tiểu buốt, tiểu dắt.
Canh cá trôi: cá trôi 1 – 2 con, xuyên tiêu 15g, rau mùi, lá lốt, gừng, hành, dấm bỗng rượu và gia vị thích hợp. Nấu ăn như nấu canh cá bình thường. Dùng cho các trường hợp phù nề, đặc biệt là các thể phù do thiểu dưỡng, do viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư.
Canh cá trôi, đậu đỏ: cá trôi 1 – 2 con (300 – 500g), đậu đỏ 50g, các gia vị: hành gừng, ớt, tỏi, tương, muối, rượu dấm vừa đủ. Cá làm sạch, ướp hành, ớt, tiêu, tương, muối, sau 15 – 20 phút, đem chiên vàng. Đậu đỏ ngâm, rửa sạch, ninh kỹ; cho cá trôi đã chiên vào. Đun sôi, ninh đến khi đậu nhừ; thêm gia vị vừa đủ. Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da, phù chân, tiểu dắt.
Cá trôi hầm thuốc bắc:
Cách 1: cá trôi 1 – 2 con (300 – 500g), đảng sâm 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, bạch thược 12g. Cá trôi mổ bỏ ruột, rửa sạch; các vị thuốc sắc lấy nước. Bỏ cá vào nước thuốc, thêm 5 – 8 lát gừng. Đun lửa nhỏ đến khi cá chín mềm, thêm mắm muối vừa miệng là được. Thuốc có tác dụng bổ tỳ, kiện vị, lợi tiểu, khứ thấp, mạnh xương khớp, tăng cường sinh lực. Dùng cho người già suy nhược cơ thể, tiểu tiện không thông, chân tay phù thũng, xương khớp sưng đau, thắt lưng ê mỏi.
Cách 2: cá trôi 1 con (khoảng 200 – 400g), xích tiểu đậu 50g, trần bì 6g, ớt đỏ sào 6g, thảo quả 6g. Cá làm sạch, cho các vị thuốc vào bụng cá, thêm gừng, hành, muối, tiêu và nước. Nấu trong khoảng 1 giờ, cho thêm hành thái lát, rau tươi, đun sôi, cho ăn khi còn nóng. Dùng cho các trường hợp phù nề, vàng da, tiểu dắt, buốt, bệnh đái tháo đường.Kiêng kỵ: Người âm hư, ho suyễn không dùng.